Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

Cách Nhận Biết Người Yêu Cũ Còn Quan Tâm Đến Ta

By: OopsyAdmin, 2019-09-10 15:48:52

- Tớ hiểu. Tâm lí chung của con người thôi. Khi mối quan hệ đã kết thúc, nhưng nó không có nghĩa là cậu và người yêu cũ đã sẵn sàng để rời bỏ nhau. Nếu cậu vẫn còn tình cảm hoặc quan tâm đến người ấy, và đang tự hỏi liệu người ấy có cảm giác tương tự không, cậu cần xem xét cách tương tác của người ấy với cậu. Tuy nhiên, cách tốt nhất để nhận biết chính là có một cuộc trò chuyện chân thành – chia sẻ về những gì mâu thuẫn, xung đột hoặc hiểu nhầm để xác định xem liệu người ấy có quan tâm đến việc làm bạn với cậu hay không.

- Thực ra thì… không đến mức như cậu nói đâu. Tớ chỉ là…

- Thôi ông tướng, tớ biết cậu mà. Dù chỉ một chút trong lòng, vẫn là còn tình cảm, phải không. Cậu định gặp lại cô ấy đúng không, khi nào vậy?

- Chưa biết nữa, tớ chưa hẹn, nhưng cũng tính là vào dịp 8/3 sắp tới.

- Nghe không ổn lắm, tốt nhất đừng lấy lí do này làm gì. Nếu đang trong quan hệ tốt thì không sao, đằng này hai người mới chia tay. Tốt nhất là nên chọn lí do gì khác, đừng chọn mấy ngày lễ kiểu đại chúng thế.

- Ý cậu là cô ấy ngại?

- Chứ sao, cô ấy có thể hiểu là do cậu muốn nối lại quan hệ tình cảm, nên mới hẹn gặp dịp ấy. Dễ hỏng ngay từ cửa đầu tiên lắm.

- Ừm, có lí. Vậy nên ngày nào nhỉ? Kỉ niệm ngày quen nhau thì còn lâu mới đến.

- Chọn một ngày đẹp trời bất kì. Giống như một quyết định chớp nhoáng của cậu. Như vậy người ta sẽ không quá đề phòng. Hiểu không bạn hiền?

- Đúng đúng, nghe rất chiến thuật đấy. Quyết thế đi. Giả sử gặp nhau rồi, vậy cách quan sát thế nào đây?

- Ok man, đều có các bước cả. Quan trọng nhất là phải biết quan sát. Thực ra cũng may, hai người yêu nhau rồi, dễ nắm được hành vi và thói quen của nhau. Thế nên, sẽ dễ bắt sóng nhau hơn, xem liệu hành vi của cô ấy có gì khác lạ hay vẫn như ngày xưa.

- Cái này tớ hiểu. Nhưng chắc rằng sau chia tay, mọi thứ sẽ không còn tự nhiên như trước. Còn điểm nào tớ cần chú ý nữa không?

- Đầu tiên ấy, cậu cần SUY NGHĨ VỀ NHỮNG ĐIỀU CẬU HIỂU NGƯỜI TA. Việc xem xét sự thấu biết của cậu về chính bản thân, về người yêu cũ, và về mối quan hệ của cả hai là cách tốt nhất để biết cách diễn giải những hành vi, biểu hiện mà cậu quan sát được. Cậu nên suy nghĩ về mối quan hệ từ phía mình, rồi cách người ấy phản ứng cũng như giải quyết đối với mâu thuẫn trong quá khứ. Cô ấy liệu có là người thẳng thắn? Nếu vậy thì cô ấy sẽ không giấu giếm cảm xúc của mình, biết đâu cậu sẽ có khả năng nhận ra nếu cô ấy còn quan tâm đến cậu.

- Ừm, tớ vẫn luôn hiểu cô ấy là người thế nào. Chỉ tiếc là lúc đó sự việc xảy ra quá nhanh. Tất cả kết thúc chỉ bằng một sự im lặng.

- Ừ, nếu trong buổi gặp mặt, cô ấy lại tiếp tục im lặng, thì có thể hiểu đấy là sự buồn bã, tức giận và không muốn trò chuyện. Nhưng nếu giả sử cô ấy là người thường níu kéo mọi thứ và đắm chìm vào quá khứ? Vậy thì có thể cô ấy đang suy nghĩ rất nhiều về cậu. Cậu nên sử dụng hiểu biết của mình về người yêu cũ để diễn giải hành động của cô ấy đối với cậu.

- Tớ hiểu rồi, mọi dấu hiệu đều có thể chỉ ra điều gì đấy. Tùy theo cách mình hiểu người ta ra sao.

- Đúng thế. Việc này nói thì dễ nhưng thực ra làm lại khó. Nhất là giờ, yêu đương thật sự có mấy đâu. Nói chung, dấu hiệu luôn quanh ta, liệu cậu có nhận ra và giải nghĩa được không thôi. Cậu cũng cần chú ý đến KHOẢNG THỜI GIAN NGƯỜI YÊU CŨ TRẢ LỜI LẠI CẬU. Nếu cậu liên lạc trước, cần chú ý xem người ấy hồi đáp tin nhắn hay email của cậu nhanh chóng đến đâu? Mất bao lâu để người ta gọi điện thoại hay trả lời cậu? Nếu người ấy thường xuyên phớt lờ cậu trong nhiều giờ hay nhiều ngày, có lẽ họ không quan tâm đến cậu nhiều như cậu mong đợi đâu.

- Đúng là thế, dấu hiệu này quá dễ phát hiện. Nếu rơi vào trường hợp này, chắc tớ cũng coi đó là một sự từ chối.

- Cứ chờ đợi cho đến khi chính cậu không chịu được. Hãy cho mình và người ấy cơ hội. Có thể, người yêu cũ sẽ mất một khoảng thời gian suy nghĩ rồi mới trả lời. Trong trường hợp cô ấy hoàn toàn phớt lờ cuộc gọi và tin nhắn, nhớ đừng gửi thêm tin nhắn hay gọi thêm nữa. Biết đâu đúng lúc đấy cậu lại “lên cơn nhớ”, vất vả đấy, haha.

- Sẽ không đâu. Chỉ vài tin hoặc cuộc gọi lúc đầu thôi. Tớ chắc chắn.

- Đúng, mình phải có cái kiêu hãnh của đàn ông chứ. Không nên lụy tình, chẳng đáng. Đa phần những thứ thúc đẩy đấy là do cậu tự tưởng tượng ra thôi.

- …

- Tiếp này, QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ CỦA NGƯỜI ẤY. Nếu cậu hẹn gặp mặt với người yêu cũ, cậu nên chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của cô ấy. Nếu người ấy tránh nhìn vào mắt cậu, khoanh tay hoặc chân, không mỉm cười, chứng tỏ là không cảm thấy vui khi ở gần cậu. Tuy ngôn ngữ cơ thể là dấu hiệu để dễ nhận biết về cảm xúc của một người trong khoảnh khắc nhất định, nhưng nó vẫn không thể cho cậu biết mọi thứ. Ví dụ, có thể người ấy nhớ cậu kinh khủng, nhưng lại hành động như thể không quan tâm. Điều này có lẽ là vì cô ấy sợ bị tổn thương một lần nữa.

- Tớ hiểu rồi. Tớ sẽ cố quan sát ngôn ngữ cơ thể của cô ấy, kết hợp với những gì đã biết về cô ấy. Có vẻ kha khá rồi nhỉ?

- Vẫn còn, kiên nhẫn chút đi. Cái chính là cậu thấy thế là đủ hay chưa. Tớ có thể ví dụ như cậu còn phải QUAN SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA CÔ ẤY VỚI NGƯỜI KHÁC. Quan sát trên mạng xã hội này, thông qua bạn chung này. Trước đây tớ hay dùng cách này, “theo dõi” người ta trên mạng xã hội. Tớ quan sát bài đăng và sự tương tác của người ấy một cách cẩn thận. Có phải người ấy thường đăng khá nhiều bài viết mơ hồ hoặc buồn bã (bài nhạc buồn về tình yêu đã mất, v.v)? Người ấy có đăng nhận xét lên bức ảnh cũ mà cả hai từng “like”? Nếu có, đấy có thể là dấu hiệu cho thấy cô ấy đang gặp khó khăn với cuộc chia tay.

- Thú vị đấy, tớ chưa từng làm bao giờ.

- Cứ nghe xem, biết đâu có ngày dùng, haha. Tuy nhiên, cậu nên nhớ rằng mạng xã hội không phải là bảng mô tả chính xác về chuyện đang diễn ra trong cuộc sống của người ấy. Ngay cả khi người ấy thường đăng khá nhiều ảnh trông có vẻ như họ đang sở hữu cuộc sống hoàn hảo, thì rất có thể họ đang phải đối phó với vấn đề to tát. Thế giới ảo mà, dễ khiến con người ta tự lừa mình, điên loạn. Và nhớ kĩ một điều, không nên sa đà vào việc kiểm tra Facebook của người yêu cũ. Nhất định nên tôn trọng quyền riêng tư, và đặt giới hạn cho bản thân, tránh rơi vào kiểu ám ảnh cưỡng chế. Kiểu ám ảnh đấy chỉ khiến chúng ta hâm dở hơn thôi.

- Ừ. Chỉ khổ mình chứ báu gì.

- Đúng vậy, nước ngoài nó gọi đây là stalker. Quấy rối đời tư người ta, dễ bị kiện lắm hahaha - Tân Phong cười lớn.

- Chắc thế là đủ rồi, tớ thấy hơi đau đầu. Chẳng biết có nhớ được hết không.

- Không nhớ thì nhắn tin sang đây. Chuyên gia tư vấn qua điện thoại cho.

- Rồi rồi. À cậu có số của Phương Di chưa, dạo này cô ấy tóc dài ra nhìn xinh hơn trước, thế mà vẫn chưa có người yêu. Khổ không?

- Chưa, chưa có. Đưa đây cho tớ, nick Facebook là gì, Instagram nữa? – Tân Phong bỗng nhiệt tình hẳn.

Hai chàng trai trẻ tự nhiên chuyển đề tài câu chuyện, vui vẻ bàn luận về những việc xưa cũ thủa sinh viên. Hồi đó vui vẻ là thế, vô tư đến vậy, cả hai đều mang theo nhiều hoài bão và hi vọng, mong ước những thành công sau này. Ấy thế mà, chỉ sau mấy năm ra trường, tất cả đều thấy mỏi mệt, căng thẳng vì sự khắc nghiệt của cuộc sống. Quả nhiên, trưởng thành chẳng dễ dàng chút nào, phải vượt qua biết bao sóng gió.

© Ryu Vội Vã, OOPSY - CỘNG ĐỒNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAM MÊ TÂM LÍ HỌC VÀ TÂM LÍ TRỊ LIỆU

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147