Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

Học Cách Cô Độc

By: OopsyAdmin, 2019-09-10 15:51:11

Chúng ta không biết đến sự cô độc cho đến khi khao khát ở cạnh một ai đó đầy lên. Ta bắt đầu tìm đến người này người kia, để bù lấp cho những cảm giác chán nản và trống rỗng trong mình. Đấy là lúc chúng ta cô đơn hơn bao giờ, và cứ thuyết phục mình bằng ý tưởng: ta nhất định phải ở bên một ai đó. Ý tưởng sai lầm ấy, cũng là sự hiểu nhầm về chính ta và về những mối liên hệ trong cuộc đời. Khi đáng lẽ con người hoàn toàn có khả năng tự tại, và bên cạnh nhau chỉ như một sự giúp đỡ, hỗ trợ, không hơn. Ta đánh mất mình trong người khác vì những thói quen sở hữu và nỗi sợ bị bỏ rơi. Không biết rằng nỗi cô đơn ấy thực ra vì không thấy chính mình.

Vậy thì từ lúc này, hãy rèn luyện cho mình thói quen chịu đựng sự cô độc, để tỉnh táo hơn, để đánh thức chính mình.

Làm những điều bạn thích, nhưng làm một mình thôi

Làm điều gì đó bạn yêu thích, như là viết lách, như là nấu ăn, đọc một cuốn sách, đi bộ ven hồ – những điều bình thường sẽ trở nên thú vị, và đem đến những cảm giác khác thường, đặc biệt khi bạn chưa quen làm mọi thứ một mình.

Bạn sẽ có thêm thời gian để cảm nhận sâu sắc về những trải nghiệm bạn yêu thích, khi tập trung làm chúng một mình. Nghĩ và cảm nhận xem chúng mang đến điều gì cho bạn, giúp bạn hoàn thiện hơn ở điểm nào, và tính cách nào của bạn được ảnh hưởng bởi chúng. Suy ngẫm, liệt kê và có thể cả ghi chép nữa, tất cả suy nghĩ của bạn khi làm những việc yêu thích một mình. Để đảm bảo rằng mọi hành động trong đời bạn đều đáng giá, đều không uổng phí.

Và bạn biết đấy, làm những điều bạn thích một mình, là bạn đang xây dựng cho mình một thế giới riêng, bạn có một ý chí riêng, không cần dựa vào ai khác để cung cấp niềm vui cho bạn, chỉ cần tự mình cũng có thể làm mình thấy ổn hơn. Đấy là điều ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng làm được.

Làm điều bạn thích, một mình, còn là cách bạn khám phá chính mình nhiều hơn. Bạn sẽ hiểu tại sao mình lại yêu thích nó, vì đặc tính và phẩm chất nào trong mình đây. Có rất nhiều điều về chính mình bạn có thể suy ra từ một hành động ấy, bởi mọi điều trên đời đều gắn kết với nhau.

Làm điều mình thích một mình, không phải là thụ hưởng những cảm giác rồi chìm trong vô nghĩa, mà đó là bạn đang dành cho mình những cơ hội. Cơ hội để sống với điều mình muốn, rồi cố gắng vì điều ấy mà mình trở nên sâu sắc hơn, con đường đi đến điều thật là mình cũng gần hơn. Có thể bạn nghĩ vì sao làm điều mình thích mà cũng cần cố gắng? Nếu phải cố gắng thì có còn là điều mình thích nữa không? Thế thì câu trả lời cho bạn là, điều gì không cần phải cố gắng thì sớm muộn bạn cũng không thích nó nữa đâu.

Khi cảm thấy cô độc, hãy tập trung cống hiến

Bạn đã từng nghe đến câu nói này chưa: “Làm việc sẽ giúp lau khô những giọt lệ” – câu này được trích từ truyện ngắn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật nữ chính khi đau khổ vì tình yêu quá đã nhắc mình như thế. Đấy là một chi tiết vui vẻ thôi. Nhưng quả thật là, lao động và cống hiến có khả năng giúp con người xua tan đi những cảm giác đau buồn hay cô độc.

Tập trung cống hiến, hiểu đơn giản nhất là, tập trung vào bất cứ công việc nào bạn đang làm, không đếm kể xem mình nhận được gì: Hoàn thành báo cáo, viết một bài luận, dọn dẹp nhà cửa,... Và nhớ là, chỉ gọi là “cống hiến” khi nào bạn phải bỏ thời gian và công sức ra để làm những việc này, thậm chí vất vả vì nó. Thế nên, cơ hội để cống hiến nhiều hơn bạn tưởng đấy, bạn có thể nhìn xung quanh mình là đã thấy rồi.

Lúc thân thể và tâm trí bắt đầu cùng nhau làm một việc, bạn có thể sẽ thấy đôi chút khó khăn khi chưa hòa vào nhịp guồng. Nhưng chỉ cần bạn bắt đầu tập trung và dồn sức, dịch tim phổi sẽ trở nên trôi chảy hơn, dịch não tiết ra đều đặn hơn, vì thế người ta thường cảm thấy hạnh phúc hơn khi nỗ lực.

Hơn cả thế nữa, tập trung vào cống hiến giúp chúng ta phát hiện ra những khả năng và cả tài năng trong mình, khám phá ra những sức mạnh tiềm ẩn mà mình chưa từng biết đến, hay không dám nghĩ rằng mình có.

Nhà tâm lí học Alfred Adler, được mệnh danh là một trong ba người khổng lồ của tâm lí học (bên cạnh Freud và Jung), còn đề cập hẳn đến sự cống hiến trong những học thuyết của ông, rằng cống hiến sẽ làm con người hạnh phúc, và đó là cái đích mà con người nói chung cần hướng đến. Như thế đã đủ hiểu cống hiến có sức mạnh thế nào, phải không?

Bởi thế, bất cứ khi nào cảm thấy cô độc, đừng để thời gian trôi qua kẽ tay thêm nữa, hãy làm việc gì đó cần làm, và làm thật hết mình nhé.

Yêu thương không cần gần bên

Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ tình cảm, hay bạn độc thân và có những người bạn mà bạn yêu mến. Hãy làm điều này: Dành thời gian ở bên họ…ít thôi!

Đừng phản đối vội, cũng đừng vội cho rằng bạn đang được khuyến khích sống cuộc đời ẩn dật. Điều này chỉ đơn giản là: Hãy hạn chế lại nhu cầu đòi hỏi họ phải có mặt bên bạn khi bạn muốn.

Con người thường gắn kết với nhau bằng nỗi sợ và dục vọng. Ấy là nỗi sợ hãi cuộc đời, là dục vọng muốn thụ hưởng cảm xúc và cảm giác. Con người tìm đến nhau để xoa dịu những nỗi sợ, thay vì tìm cách thay đổi chính mình. Con người tìm nhau để trút lên nhau những mong muốn thụ hưởng, rồi đáp ứng cho nhau điều ấy. Nhưng mong muốn thụ hưởng rút cục vẫn đầy lên, con người thì tham lam hơn và đòi hỏi hơn. Đấy là bi kịch của mọi mối quan hệ trong cuộc đời, khi người ta bám vào nhau như một sự tự thôi miên.  

 Hãy tự hỏi mình, bạn có thể yêu thương người khác mà không cần chạm vào họ, không nhìn thấy họ hay gần sát bên không? Không phải chỉ một ngày đâu, mà có thể là thời gian lâu dài đấy, thế thì sao? Nếu bạn không thể, thì tình yêu của bạn cũng chẳng nhiều lắm đâu. Dù cũng dễ hiểu, bởi tình yêu nói chung đều tựu thành từ những cảm giác và cảm xúc, từ những cuộc giao tiếp thân gần.

Tuy thế, tình yêu thương đích thực thì lớn lao hơn những cảm xúc và sâu sắc hơn những giao tiếp bề ngoài. Bạn yêu thương họ mà không đòi hỏi họ gần bên để thỏa mãn mình, nghĩa là bạn đã biết vì người khác nhiều hơn, và có một sự vững mạnh cho riêng mình.

Có sự vững mạnh ấy rồi, bạn bắt đầu có thể hiểu chính mình hơn, có thể xây dựng cho mình một lí trí, một tinh thần lành mạnh và ý thức rõ ràng về bản thân.

******************

Tham khảo sách Đừng tủi thân - Bạn đẹp hơn những gì mình nghĩ của Ryu ở đây các bạn nhé: http://oopsy.vn/san-pham/sach-moi/dung-tui-than-31

Cuốn sách này dành tặng những ai có tâm hồn nhạy cảm, khó khăn trong việc gỡ rối cảm xúc, đặc biệt các bạn trẻ quen sống trong không gian riêng tư và có mối quan hệ cố định trong thời gian dài.

Cuốn sách chỉ ra những cảm xúc tiêu cực thường thấy của những người quen sống trong phòng khép kín.

Cuốn sách kéo bạn ra khỏi chốn văn phòng riêng tư và những mối quan hệ chóng vánh trong văn phòng để thấu hiểu về nguồn cơn tâm lí diễn ra trong nội tâm bạn hằng ngày và làm sao để ứng xử với nó thật hiệu quả. Nếu bạn muốn sống yên ổn và an vui trong văn phòng, để không bị những tâm cảm tiêu cực vây quanh, thì đây là cuốn sách nên đọc.

- Ryu Vội Vã, một tác giả OOPSY -


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147