Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

Làm Thế Nào Để Dẹp Bỏ Cái Tôi, Xin Người Khác Lời Khuyên Và Sự Giúp Đỡ

By: OopsyAdmin, 2020-01-03 12:44:08

Xin ý kiến cũng cần biết cách

Vô Hình đang lang thang nghĩ ngợi ngoài hành lang thì bắt gặp vị diễn giả hôm nọ. Quả là may mắn!

 Bắt gặp ông ấy ngay trong lúc bí bách, Vô Hình tranh thủ cơ hội chạy ra chào và bắt chuyện:

– Anh đi đâu đấy ạ?

– Tôi đi kí hợp đồng ở phòng Nhân sự.

Rồi vị diễn giả nhìn Vô Hình, hỏi:

– Cậu thế nào rồi? Có ổn không?

– Không ổn lắm ạ.

– Không ổn thế nào, nói tôi nghe xem.

– Em đã thử đi tìm mọi người để được giúp đỡ, nhưng không hiệu quả lắm ạ.

– Cậu kể tôi nghe, cậu đi tìm mọi người giúp đỡ thế nào?

– Em gặp mọi người và nói họ hãy giúp đỡ em. Nhưng em không biết em cần giúp gì.

Vị diễn giả cười lớn, vỗ vai Vô Hình rồi nói:

– Cậu lớn rồi mà còn ngây ngô như vậy, chả trách sống cô độc một mình. Muốn người khác giúp, không phải cứ chỉ chạy đi tìm người ta rồi nói: “Hãy giúp tôi đi!” Cậu phải có cách thức.

– Cách gì ạ? – Vô Hình sốt sắng hỏi ngay.

– Cậu phải tìm ra những người có thể giúp. Họ cần hội tụ ba tính chất: (i) Thẳng thắn góp ý; (ii) Vô tư giúp đỡ và đầy trách nhiệm; (iii) Là người rất-khác cậu.

– Bởi vì phải là người sẵn sàng góp ý mới có thể chỉ ra cho cậu khuyết điểm. Người vô tư và có trách nhiệm sẽ giúp cậu không vì lợi ích. Họ sẽ góp ý cho sự tốt của cậu, chứ không phải góp ý bâng quơ. Đó là trách nhiệm họ có sẵn trong bản thân. Cuối cùng, người khác-cậu mới nhìn ra khuyết điểm của cậu. Cậu hiểu điều này chứ?

– Thẳng thắn, vô tư, trách nhiệm, và khác em. Em nhớ rồi. Nhưng… làm sao để tìm ra họ hả anh?

– Hãy nói chuyện với mọi người, hỏi xin lời khuyên hoặc xin phản hồi của họ về cậu. Cách họ phản hồi sẽ cho cậu biết điểm yếu của cậu. Nhớ là, hãy hỏi nhiều người, và dù thế nào cũng hãy trân trọng những ý kiến của họ.

– Nhưng sẽ phải xin lời khuyên thế nào ạ? Và làm thế nào để biết họ? – Cậu cứ nỗ lực làm sẽ hiểu.

– Vâng ạ!

Vô Hình liền xin thông tin liên hệ của vị diễn giả để lần sau còn hỏi. Và bắt đầu thực hành những gì vừa nói.

Vô Hình về phòng và thảo sẵn vài mẫu câu đơn giản để hỏi ý kiến. Nói là đơn giản, nhưng đâu hề đơn giản. Vô Hình bình thường ít giao tiếp, thường có gì nói đấy, cùng lắm chỉ hỏi: “Anh ơi, em đang bối rối, em phải làm sao?” hay “Anh ơi, em không ngủ được, bây giờ làm sao ngủ ngon?” Hỏi ý kiến có vẻ không chỉ đơn giản là một câu hỏi. Nó còn liên quan đến cách tiếp cận vấn đề và mục đích của bản thân người hỏi. Loay hoay vắt óc một hồi đến nỗi mấy lọn tóc trên đầu Vô Hình bị vuốt ngược vuốt xuôi, dựng chôm chỉa hết cả lên, bỗng nhiên Vô Hình nghĩ ra một cách: “A! Lên mạng tìm!”

Vô Hình vào Google search rồi gõ thử: “How to get advice from others? (Làm thế nào xin người khác lời khuyên?)” Vô Hình lượm lặt kha khá thông tin hữu ích và phát hiện ra rằng, đặt câu hỏi xin ý kiến/lời khuyên cũng cần mục đích. Anh ta tổng hợp thành hai mục đích chính: mục tiêu kết quả và mục tiêu học tập. Cụ thể ở dưới bảng sau:

Mục tiêu kết quả và mục tiêu học tập là gì?

Mục tiêu kết quả là mong muốn của bạn sau khi xin lời khuyên từ người khác, còn mục tiêu học tập là cách bạn đạt đến nó. Chỉ cần nhớ, bạn muốn gì và làm gì để đạt được nó. Đơn giản phải không?

Mục tiêu kết quả luôn luôn quá xa vời nếu không được “cụ thể hóa, triển khai hóa, hoặc kế hoạch hóa” thành mục tiêu học tập. Mục tiêu học tập giúp chúng ta tập trung vào hiện tại, hơn là chỉ hướng đến tương lai

1/ BẠN MUỐN GÌ?

2/ LÀM GÌ ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NÓ?

Các trở ngại của quá trình xin lời khuyên: Xin lời khuyên hay nhờ giúp đỡ không chỉ khó khăn với người phải mở lời, mà còn khó khăn với người trả lời. Về mặt khách quan, sự hạn chế thông tin và sự khiếm khuyết trong tư duy của mỗi người sẽ khiến quá trình nhờ vả phức tạp hơn. Phức tạp hơn thế nào? Chẳng hạn khi muốn xin lời khuyên để giảm cân, bạn sẽ nảy ra hàng tá lí do:

• Tôi sợ mọi người đánh giá mình lắm!

• Có phải tôi quá béo rồi không? Hãy nhìn thân thể nặng nề cục mịch của tôi đây này!

•  Tôi hay mệt và buồn ngủ, có phải sức khỏe tôi đang xuống dốc? Tôi rất lo lắng nếu sức khỏe mình không ổn.

Chỉ giảm cân thôi cũng có quá nhiều điều cần nghĩ. Thông thường khi gặp người khác, Vô Hình chỉ hỏi duy nhất một câu: Làm sao để giảm cân? Người được hỏi sẵn sàng đưa ra một loạt các tips, các giải pháp giảm cân. Có điều, làm sao để giảm cân chưa phải mấu chốt. Mấu chốt là động lực tâm lí đứng sau: “Vì sao bạn muốn giảm cân?” Tìm ra mấu chốt ấy mới là quan trọng. Biết nó rồi, sẽ hồi đáp đúng đắn, sẽ có biện pháp xử lí nhằm thẳng vào điểm mấu chốt âm thầm và chúng ta mới giải quyết nó triệt để.

Hiểu ra điều này, Vô Hình hào hứng lắm. Là người có chút hiểu biết về tâm lí học, anh ta rất vui mừng vì rút ra rất nhiều kết luận hay ho.

(i) Cẩn thận tâm lí đánh lừa

 Về mặt chủ quan, chúng ta dễ dàng bị tâm lí đánh lừa về động lực yêu cầu giúp đỡ. Trước một vấn đề, trí óc luôn có xu hướng đi tìm giải pháp. Nếu chưa tin, hãy thử kiểm nghiệm mình xem: Có phải khi đặt câu hỏi, tư duy chúng ta sẽ đưa ra lập tức một câu trả lời mà chẳng cần nghĩ nhiều? Có điều, nó thường đến từ thói lười nghĩ sâu, và câu trả lời đúng trọng tâm vấn đề hay không thì chưa biết được. Tất nhiên câu trả lời đến từ trực giác thì khác: Nó rất đáng tin. Nhưng nếu không thì như bạn vừa nghe đấy: nó mang tính chống chế và “vá víu”. Rút cục, điều chúng ta cần là một câu trả lời đúng với vấn đề người hỏi đang mắc, chứ không phải câu trả lời nào cũng được.

(ii) Phân chia loại người nhờ cách hỏi

Chưa hết đâu, nhờ quan sát và thực hành, Vô Hình đúc rút ra ba loại người với thói quen “hỏi” khác nhau.

• Người cho mình là đúng: Đa phần người hay cho là mình đúng khi hỏi có suy nghĩ: “Hỏi vậy thôi, chứ thực ra tôi biết thừa câu trả lời là gì!” (Ơ buồn cười nhỉ? Vậy bạn hỏi để làm gì?)

• Người thể hiện bản thân: Còn có người hỏi cốt để thể hiện bản thân rằng họ là người am hiểu tri thức: “Tôi là người rất am hiểu, tôi quan tâm đến những vấn đề rất sâu sắc đấy nhé!”

• Người cầu xin tình cảm: Có người hỏi để cầu xin tình. Họ muốn lấy chút tình cảm của người ngoài và bộc lộ dưới dạng câu hỏi. Một câu hỏi bất kì về bất cứ điều gì. Câu hỏi không quan trọng, còn cái tâm lí cầu tình kia mới đáng nói kìa.

Nội tâm không dễ gì thể hiện, nhưng qua lời nói, câu hỏi ta đều dễ thấy, chỉ cần tinh tường. Ấy là những gì Vô Hình tinh ý phát hiện.

Có chút kinh nghiệm này, Vô Hình quyết tâm thực hành ngay.

Nào! Ta cùng thực hành hỏi ý kiến

Vô Hình bắt tay vào thực hành những gì vừa quan sát được. Trong lòng khấp khởi mừng thầm: “Bắt đầu có đường hướng rồi đây! Mình sẽ thử, mình sẽ thử!”

Chưa biết tìm ai để hỏi, trực giác của Vô Hình bật ra một câu trả lời: “Mình cứ ngồi đây, gặp ai thì hỏi người đấy!” Tinh thần sẵn sàng đón nhận, không quản chờ đợi, anh ta bắt đầu hồi hộp chờ xem ai gõ cửa phòng mình trước tiên.

Cốc cốc cốc! 

Đã có người đầu tiên gõ cửa, Vô Hình không giấu nổi tâm trạng  vui vẻ của mình, liền hô rõ to:

"Mời vàooo!"

– Em chào anh! Anh kí hộ em cái hợp đồng.

Nghe tiếng biết người, hóa ra đó là cậu Vâng. Không hiểu sao cứ gặp cậu Vâng là Vô Hình tự động trở nên nghiêm túc. Có lẽ do cái thói quen vâng dạ khiêm cung của cậu ta.

Ra là thế! Đối diện với người khiêm cung, ta cũng trở nên khiêm cung theo. Lòng đang vui bỗng trở nên chùng xuống, rồi bật ra thành tiếng lòng, nhắc nhở Vô Hình nghiêm túc trở lại. Thứ tiếng đó nói: “Hãy nghiêm túc đi!”

Kí hợp đồng xong, Vô Hình bắt đầu bài tập hỏi han của mình, liền hỏi cậu Vâng: “Tôi muốn học được khiêm cung như cậu! Cậu có cách nào mách tôi đi.”

Cậu Vâng á khẩu. Vô Hình đang ngồi, còn cậu ta trong tư thế đứng. Cậu ta đứng bên cạnh nhìn Vô Hình từ trên cao xuống phía dưới, lại bị hỏi một câu bất ngờ mà chẳng hiểu ý đồ của “lão sếp” mình là gì, cậu ta nhanh nhẹn tính ngay bài chuồn. Cậu ta bảo: “Ơ… Em không biết đâu ạ!” Nói rồi cầm mấy tờ hợp đồng đi thẳng ra cửa.

Vô Hình chưng hửng: “Mình đã cố gắng nghiêm túc rồi mà? Sao lại thế nhỉ?” Anh ta vừa thắc mắc vừa đi ra cây nước để pha cốc trà. Đi được vài bước thì nghĩ ra: “À! Ơ-rê-ca (eureka)! Mình hỏi cậu ta trong tư thế  ngồi, còn cậu ta đứng, không nên nói chuyện với nhau trong trạng thái như vậy. Cậu ta tưởng mình không nghiêm túc nên chạy mất dép luôn rồi. Cũng đúng! Người tiếp theo, cả hai sẽ cùng đứng, vì đứng thể hiện sự trân trọng nhau khi nói chuyện, hoặc mình sẽ mời họ ra bàn ngồi nói chuyện tử tế (cả hai ngang nhau thay vì để mình phải ngước lên).”

Đúng vậy đấy, để đảm bảo lễ nghi, khi nói chuyện nên đứng. Cùng đứng sẽ nói chuyện nghiêm túc được với nhau.

Uống hết nửa cốc trà, mới thấy có người tiếp theo.

Cốc cốc cốc!

Chưa kịp hô to “Mời vào”, người này mở cửa bước vào luôn. Nghe tiếng vặn tay nắm cửa rất khỏe, hẳn đây là người thừa hơi! Người này là một thanh niên đến từ phòng Marketing, mảng tổ chức sự kiện. Cậu ta còn trẻ, công việc hằng ngày là chạy đi chạy lại trong các sự kiện. Cậu ta tính tình đơn giản, ít nghĩ, có sao nói vậy. Cậu ta đến gặp Vô Hình để trình bày về sự kiện sắp tổ chức cuối tháng. Vừa bước qua cửa, Vô Hình bảo: “Cậu ngồi ra ghế đi!” Cậu ta khựng lại: “Ủa sao lại vậy?” và nhún nhún chân đi ra phía bộ bàn ghế trong phòng Vô Hình.

Vô Hình bước đi hơi nhanh vì tinh thần đang hồi hộp. Vô Hình ngồi đối diện với cậu ta và bắt đầu rót nước, vừa rót nước vừa hỏi: “Tôi đang muốn sắp tới tăng doanh thu lên 5%, tôi định áp dụng chiến lược Marketing này, cậu thấy thế nào?” Cậu ‘thừa hơi’ chột dạ, hơi sợ, cảm giác sếp đang test chuyên môn, cậu ta nghĩ ngay trong lòng: “Test để tăng lương à? Hay là thăng chức?” Rồi cậu ta đáp lấy lệ: “Em sẽ về suy nghĩ kĩ ạ!” Cậu ta chạy mất, như vừa bị đánh một đòn bất ngờ, kế sách của cậu ta chỉ có thể là lui về rồi tính tiếp.

Vô Hình cảm giác ngồi bàn nói chuyện có vẻ chưa hiệu quả. Người được hỏi vẫn không thoải mái. Cũng có thể do anh chàng Thừa Hơi còn trẻ và bốc đồng, chỉ biết nghĩ đến lợi ích cho mình nên nhanh rút lui. Anh ta thiếu sự thẳng thắn, chân thành và tính trách nhiệm, hẳn nhiên không phải là người phù hợp đóng góp ý kiến giúp Vô Hình.

Bài học rút ra ở đây là: (i) Với mỗi người, hãy chọn một không gian và tư thế hỏi phù hợp với họ; (ii) Chớ làm theo cảm tính. Chưa hết, Vô Hình cần nhớ, phải lựa chọn người giúp đỡ dựa trên ba tiêu chí gốc: Thẳng thắn, có trách nhiệm, khác biệt. Còn giờ anh ta đang quá tập trung vào việc đưa ra câu hỏi và nhận phản hồi.

Cốc cốc cốc! Người thứ ba đã xuất hiện.

Vô Hình sau hai lần thất bại, đang nghĩ không thông, lần này hạ giọng: “Mời vào!”

Lần này là chị trưởng phòng tài chính nổi tiếng thẳng thắn, hình như những người phải kiểm soát dòng tiền đều như thế, trí tuệ đều sắc bén như vậy. Vô Hình vốn sợ chị ấy, vì có chuyện gì chị ấy đều nói thẳng. Mấy lần trước chị ấy nói chuyện, trái tim bé bỏng của Vô Hình đã phập phà phập phồng. Giờ nhìn thấy chị ấy bước vào, nhịp tim Vô Hình tăng vọt, lén toát mồ hôi: “Mình phải hỏi ý kiến chị ấy chuyện gì đây?” Vô Hình nghĩ tiếp: “Mà hai lần sáng nay mình đều thất bại rồi, lần này hỏi linh tinh chị ấy lại mắng cho. Hay mình chờ đến khi nào nghĩ ra cách phù hợp hơn nhỉ? Cũng không vội!”

Nghĩ thế rồi, Vô Hình đứng lên nhìn chị trưởng phòng tài chính thẳng thắn: “Chị gặp em có việc gì ạ?” Rồi ẻm luôn chuyện mình đang muốn làm.

Người thích hợp đây rồi!

Vô Hình thấy mình đang chạy mải miết trong một khu rừng. Khu rừng này có màu xanh sẫm rất kì lạ và đáng sợ, cành cây tỏa ra khắp lối. Cuộc chạy trốn này hết sức khó khăn. “Chạy trốn hả? Sao mình lại chạy trốn nhỉ?” Nói rồi, Vô Hình dừng lại. Cảnh vật lập tức biến đổi, trở thành một nơi xanh tươi, bên trên có ánh nắng xuyên qua tán cây, còn có tiếng chim hót ríu rít. Rồi bỗng nhiên chị “thẳng thắn” (là chị phòng tài chính, bạn nhớ chứ?) xuất hiện từ đâu ra, chị ấy hỏi Vô Hình, vẫn khuôn mặt đanh thép mọi khi nhưng có nét dịu dàng hơn: “Em có cần chị giúp gì không?”

Đúng lúc ấy, chuông báo thức 6 giờ sáng kêu vang. Vô Hình bật dậy, vẫn nhớ nét mặt chị thẳng thắn (giờ đã thành chị dịu dàng) và câu hỏi của chị ấy.

Vô Hình đi làm, ngồi vào cái ghế tựa thoải mái của mình như mọi khi, ngắm nắng chiếu lúc 8 giờ qua ô cửa sổ, vẩn vơ chẳng biết nghĩ gì. Chợt nghe thấy tiếng gõ cửa:

Cốc cốc cốc!

“Mời vào!” Kì lạ thay, đó là chị dịu dàng – thẳng thắn. Không biết cơn gió nào đưa chị đến văn phòng Vô Hình vào 8 giờ sáng thế này. Nghe chị ấy trình bày công việc xong, Vô Hình bỗng nổi tâm lãng mạn, nảy ra một ý kiến. Vô Hình rủ chị Dịu Dàng đi dạo: “Em có chuyện muốn hỏi chị. Chị có muốn đi dạo một lát với em không?” Tất nhiên là chị ấy đồng ý. Chị ấy có đủ kinh nghiệm xông pha với phòng Tài chính, chị ấy đủ chín chắn để không bất ngờ và quá thắc mắc chuyện Vô Hình vì sao tự dưng khác lạ. Chị ấy chỉ đồng ý thôi.

Hai người đi dạo qua hành lang, xuống khu vườn nhỏ vị chủ tịch cất công thuê người trồng để mọi người thỉnh thoảng dạo chơi thư giãn khi bí bách. Vô Hình hít một hơi, cố gắng tưởng tượng vẻ mặt dịu dàng của chị mà Vô Hình từng thấy trong mơ, lấy hết dũng khí nói: “Em đang thử tìm cách nhờ mọi người giúp đỡ. Vì em thấy mình luôn tự làm, nhưng kết quả chẳng ăn thua. Chị có cách nào giúp em không?”

Mục đích sống, ai ơi có không?

– Em có bao giờ đặt ra mục tiêu và kế hoạch cho những gì mình làm không? – chị Dịu Dàng hỏi.

– Mục tiêu và kế hoạch ạ? Em vẫn làm với các dự án đấy thôi!

– Của cá nhân cơ – chị Dịu Dàng nhấn mạnh.

– À, thế thì chưa ạ! – Vô Hình cười nhạt cho đỡ vô duyên.

– Vậy mục đích sống của em là gì?

– Mục đích sống ấy ạ? – Vô Hình hỏi lại, trong lòng nghĩ: “Không phải là sống sao?”

– Ừ, là lí do vì sao em làm mọi chuyện. Em có không?

– Em chỉ làm vì em thấy cần làm thôi ạ.

– Không phải thế đâu – chị Dịu Dàng mỉm cười rất dịu dàng. Rồi chị ấy nhìn thẳng vào đôi mắt ngây thơ vô (số) tội của Vô Hình – Em không thấy việc em làm là cần, em chỉ đang ngụy biện cho sự yếu đuối của em. Em đâu có thấy việc gì là cần, hay không cần.

“Rầm!” một cái. Hẳn là Vô Hình đang đề phòng chị Dịu Dàng vì cảm giác bị soi trúng tâm đen. Vô Hình không trả lời mà bắt đầu ngồi nghĩ. Chừng năm phút sau, anh ta lên tiếng:

– Em thấy mình thật bạc nhược và sống không có mục đích – Vô Hình mắt rớm nước, lúc này thèm khóc như đứa trẻ, nhưng trước mặt chị ấy phải kìm.

– Vậy hãy cố nghĩ xem mục đích sống của em là gì.

– Nghĩ ngay ở đây ạ?

– Ừ, em có định lười không đấy?

– Không ạ. Em nghĩ đây.

Không ai sốt ruột về chuyện phải quay trở lại làm việc. Có lẽ vì hai người đều cảm thấy việc nghĩ cho thông này cũng quan trọng như đang thực hiện một công việc của công ty. Nắng bắt đầu chói chang hơn, thân thể bắt đầu vã mồ hôi, không còn cảm giác thoải mái sáng sớm nữa. Hai người vẫn ngồi đấy, không để ý đến mồ hôi. Chị Dịu Dàng vẫn chờ đợi Vô Hình, Vô Hình vẫn chờ đợi mình.

Đáng buồn là câu chuyện không kết thúc lãng mạn bằng việc Vô Hình nghĩ ra một lí tưởng cao đẹp nào cho mình. Anh ta cứ ngồi đực ra đấy, nghĩ không ra. Anh ta bắt đầu thấy nóng và sốt ruột, liền lên tiếng:

– Em nghĩ không ra…

– Em chưa chịu nghĩ đấy thôi.

Chị Dịu Dàng hỏi tiếp:

– Em có ước mơ không?

– Em có. Em ước mơ có một cuộc sống hạnh phúc, mọi người trong gia đình yêu thương em. Một cuộc sống ổn định là đủ, em không cần giàu sang địa vị gì cả – Vô Hình nói rất hăm hở, như thể là có chân lí lắm. Cái vẻ mặt anh ta rõ ràng đang chờ đợi lời khen từ chị Dịu Dàng.

– Vậy chả trách em không làm được việc – Chị Dịu Dàng nhẹ nhàng trả lời, chẳng thèm ngó vẻ mặt Vô Hình ra sao.

Trái tim đen ngòm của Vô Hình lại bị thụi thêm một cú đau điếng. Tâm tự ái của anh ta bắt đầu sôi lên sùng sục rồi. Anh ta trả lời, cái giọng hơi nghênh nghênh:

– Tại sao chứ?

– Em chỉ nghĩ cho mình thì làm được việc gì cho người khác? Càng không làm được việc gì cho công ty. – Chị ấy “dịu dàng” tặng Vô Hình hai “xiên thủng” nữa.

Vô Hình lúc này chẳng hiểu gì cả, đến đây thì đúng là anh ta không hiểu nổi nữa. Bị xiên ba phát xong, anh ta cảm thấy chị ấy nói đúng, dù chưa hiểu lí của chị ấy là gì. Vô Hình im lặng.

Vô Hình chợt hiểu ra cái lí chị Dịu Dàng đang muốn nói. Hóa ra, từ trước đến nay Vô Hình làm bất cứ điều gì đều chỉ cho xong phần việc của mình, chứ chẳng nghĩ đến ai hay đến tập thể. Chưa có ai chỉ ra cho Vô Hình điều đấy, ngoài chị Dịu Dàng. Trong lòng Vô Hình cảm ơn chị Dịu Dàng vô cùng, liền hỏi tiếp:

– Vậy em nên làm gì ạ?

– Em quen sống an nhàn nên không hiểu, mỗi người sống phải có tiêu chuẩn cho cá nhân mình. Tiêu chuẩn ấy giữ cho nhân cách của họ không bị méo mó. Họ bị đặt vào đâu cũng là tốt. Nếu không có tiêu chuẩn nào, đặt em vào đâu, em theo ở đó. May là em không chơi với bạn xấu nên còn “sạch sẽ”, em sa ngã thì chẳng ai cứu nổi em.

– Vâng, chắc nhờ bố mẹ em ít khi cho đi chơi với các bạn. Vị trí của em hiện giờ cũng là nhờ gia đình mới có.

– Em may mắn đó. Vậy hãy cố gắng cống hiến cho công ty, khỏi phụ lòng những người đã cho em cơ hội và những người đã giúp đỡ em.

Cuộc nói chuyện đầu giờ đã kết thúc. Những gì còn lưu dấu trong Vô Hình quả là lớn. Đôi khi, sự giúp đỡ nằm ở việc định hướng lại, xem trên quãng đường bạn đang đi điều gì là quan trọng nhất. Bạn đang làm mọi việc vì gì?

Cống hiến cho công ty, không vì bản thân – Liệu Vô Hình có làm được không đây?

---

Trích sách KẾT NỐI BẤT KÌ AI - James Biết Tuốt>. Cuốn sách này dành tặng những người trẻ, những người sắp hay đang đi trên con đường trưởng thành


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147