Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

Lý Do Chúng Ta Cảm Thấy Tình Yêu Thường Đẹp Ở Thuở Ban Đầu

By: OopsyAdmin, 2019-08-26 17:13:03

Hai chúng ta kết hợp lại tạo thành một đám đông.
OVID

Từ kinh nghiệm của chính mình và từ lời kể của những người khác, tôi biết rằng những người đang yêu luôn tin chắc thời gian họ sống bên nhau là rất đặc bịêt và có một không hai. Đây là quãng thời gian họ thường gợi lại trong ký ức, nhấm nháp từng kỷ niệm một.

Khi tôi yêu cầu họ kể về những ngày thần tiên này, họ mô tả một thế giới hoàn toàn mới. Mọi người đều thân thiện hơn, màu sắc tươi sáng hơn và thức ăn cũng ngon hơn. Mọi vật xung quanh họ đều tỏa sáng với một vẻ mới mẻ ban sơ, giống như khi họ còn trẻ.

Nhưng sự thay đổi lớn nhất là cách họ nghĩ về chính bản thân họ. Bỗng dưng, họ nhìn cuộc sống với ánh mắt nhiệt tình và lành mạnh hơn. Họ thấy mình dí dỏm hơn, vui vẻ hơn và lạc quan hơn. Khi họ nhìn vào gương, họ có một tình yêu mới đối với con người đang nhìn lại họ, có lẽ họ xứng đáng với tình cảm người kia dành cho họ.

Một số người thấy mình tốt đẹp hơn lên. Họ không còn phải ăn kẹo cao su, chích ma túy, uống rượu, hoặc trói mình trước màn hình TV để giải khuây. Làm việc ngoài giờ cũng mất đi sức lôi cuốn và những cuộc săn lùng tiền bạc hay quyền lực cũng trở nên lạc lõng. Cuộc sống có ý nghĩa và có giá trị, và cuộc sống ở ngay bên cạnh họ.

Khi tình yêu của họ đạt tới đỉnh cao, họ hướng những tình cảm nồng nhiệt của mình tới những người xung quanh. Họ thấy yêu thương và chấp nhận người khác nhiều hơn một số người còn may mắn có được một sự nhận thức tinh thần cao độ, một cảm giác toàn vẹn và ý thức về sự nối kết với tự nhiên mà họ chưa từng đạt được kể từ thời thơ ấu.

Trong một khoảng thời gian, họ nhìn thế giới không qua lăng kính rạn nứt của tình trạng không toàn vẹn mà qua lăng kính thuần nhất và nhẵn bóng của bản chất nguyên thủy của họ.

Tình yêu dưới góc độ hóa học

Điều gì đã tạo ra cơn lốc những cảm xúc tốt đẹp mà người ta gọi là tình yêu? Những nhà nghiên cứu tâm thần – dược lý đã nhận thấy rằng những người yêu nhau có lượng chất kích thích cao – các loại hormon tự nhiên và chất hóa học làm toàn bộ cơ thể tràn ngập trong hạnh phúc.

Trong suốt thời kỳ đầu của tình yêu, não bộ tiết ra các chất dopamin và norepinephrin, hai trong số rất nhiều các chất dẫn truyền thần kinh. Những chất này tạo ra cảm giác hưng phấn trong cuộc sống, tăng nhanh nhịp tim, cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và tạo khả năng nhận thức cao.

Trong thời gian này, khi những người yêu nhau muốn được ở bên nhau từng giây từng phút, não sản xuất ra nhiều endorphin và enkephalin hơn. Đó là những chất ma túy tự nhiên, tạo cảm giác an toàn và thoải mái. Bác sĩ Michael R. Liebowitz, giáo sư trợ giảng của khoa tâm thần lâm sàng Đại học Columbia, đã tiến xa hơn một bước và đưa ra ý kiến rằng cảm giác toàn vẹn bí ẩn của những người yêu nhau có thể gây ra bởi lượng chất dẫn truyền thần kinh setoronin tiết ra nhiều hơn.

Nhưng dù việc nghiên cứu tình yêu dưới góc độ được lý học rất kích thích sự tò mò, các nhà khoa học vẫn không lý giải được nguyên nhân tại sao những chất hóa học đó lại giảm. Tất cả những gì họ có thể làm là ghi nhận rằng tình yêu là một hiện tượng tự nhiên được tạo ra bởi các thành phần sinh học rõ ràng. Để có thể hiểu thêm về vấn đề này, ta cần quay trở lại lĩnh vực tâm lý học và quay lại với quan điểm rằng tình yêu là sản phẩm của vô thức.

Ngôn ngữ chung của tình yêu

Lý do chúng ta có những tình cảm tốt đẹp như vậy vào giai đoạn đầu của tình yêu là do một phần tâm thức tin rằng tình yêu sẽ đem lại cho ta sự an toàn và sự trọn vẹn nguyên thủy. Nếu chúng ta tìm đúng chỗ, chúng ta sẽ thấy rất nhiều chứng cứ rằng điều này là đúng. Một trong những nơi chúng ta nên để ý là ngôn ngữ chung của tình yêu.

Khi lắng nghe những ca khúc phổ biến, đọc những bài thơ tình, những vở kịch, những cuốn tiểu thuyết và lắng nghe hàng trăm cặp tình nhân mô tả tình yêu của họ, tôi đã đi đến kết luận rằng tất cả những lời trao đổi giữa hai người yêu nhau từ thuở khai thiên lập địa tới giờ gồm có bốn câu chính, còn những câu khác chỉ là phát triển từ bốn câu này. Và bốn câu nói chính này đã cho ta thấy lờ mờ yếu tố vô thức của tình yêu.

Câu đầu tiên trong số bốn câu này được nói ra từ khi mới quen nhau, có lẽ ở lần gặp đầu tiên hoặc lần gặp thứ hai gì đó. Nó đại loại như sau: “Tôi biết chúng ta chỉ mới quen nhau, nhưng tôi có cảm giác như tôi đã biết cô từ trước rồi”. Đây không phải là những câu sáo ngữ. Vì lý do nào đó không giải thích được, họ cảm thấy dễ chịu khi ở bên nhau. Họ cảm nhận được một sự công hưởng dễ chịu, như thể họ đã quen nhau nhiều năm rồi. Tôi gọi đây là “hiện tượng nhận diện”.

Không lâu sau, người ta bắt đầu chuyển sang câu thứ hai: “Điều này thật lạ, nhưng dù ta gặp nhau chưa bao lâu, anh không thể nhớ nổi quãng thời gian mình chưa quen nhau”. Dù họ chỉ mới gặp nhau vài ngày hay vài tuần trước, dường như họ đã luôn ở bên nhau, mối quan hệ giữa họ không có ranh giới về thời gian. Tôi gọi đây là “hiện tượng phi thời gian”.

Khi mối quan hệ đã đến lúc chín muồi, người ta thường nhìn vào mắt nhau và tuyên bố câu thứ ba đầy ý nghĩa: “Khi anh ở bên em, anh không còn cảm thấy cô đơn nữa; anh cảm thấy mình đầy đủ và hoàn thiện”. Một trong những thân chủ của tôi, Patrick, đã diễn tả như thế này: “Trước khi tôi biết Diane, tôi có cảm giác mình suốt ngày chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà rộng lớn với những căn phòng trống trải. Khi tôi gặp nàng, tôi có cảm tưởng mình mở cánh cửa ra và thấy có ai đó ở nhà”. Được ở bên người yêu, Patrick đã dừng cuộc tìm kiếm không ngơi nghỉ sự hoàn thiện. Anh cảm thấy đầy đủ thỏa mãn. Tôi gọi đây là “hiện tượng hợp nhất”.

Cuối cùng, tới một lúc nào đó, những người yêu nhau tiến tới câu nói thứ tư và cũng là cuối cùng của tình yêu: “Anh yêu em rất nhiều. Anh không thể sống thiếu em”. Họ đã dấn sâu vào tình yêu đến mức không thể hình dung được chia ly. Tôi gọi đây là “hiện tượng tất yếu”.

Cho dù người ta có thực sự nói ra lời hay chỉ có những tình cảm đó, họ đều là những minh chứng cho những gì tôi vừa nói về tình yêu và về bản chất vô thức của nó.

Câu nói đầu tiên mà người ta diễn tả lại một cảm giác kỳ lạ như gặp lại người quen, đã mất đi sự bí ẩn của nó khi ta nhớ lại rằng lý do người ta “chọn” người yêu là vì người đó giống người nuôi dưỡng mình. Không lạ gì là họ có cảm giác thân thuộc với nhau. Trong vô thức, họ đã một lần nữa liên hệ lại với người nuôi dưỡng mình. Chỉ tới lúc này, họ mới tin rằng những khao khát sâu kín nhất, căn bản nhất và ấu trĩ nhất sắp được thỏa mãn. Có người chăm sóc, hô không còn cô đơn nữa.

Câu thứ hai là một bằng chứng rằng tình yêu là một hiện tượng do tâm thức cũ tạo ra. Khi người ta yêu, tâm thức cũ sẽ nối kết hình ảnh của người yêu với hình ảnh của người nuôi dưỡng và thế là họ lạc vào vương quốc bất diệt. Đối với vô thức, được đắm chìm trong một tình cảm thân thiết rất giống với thời thơ ấu được ở trong vòng tay của mẹ. Người ta thấy cùng một ảo giác được an toàn, yên ổn, cùng một cảm xúc say mê.

Trên thực tế, nếu chúng ta có thể quan sát một cặp tình nhân ở thời điểm này trong mối quan hệ của họ, ta sẽ thấy được một điều thú vị: Cả hai người đang cùng tham gia một tiến trình ràng buộc bản năng, giống hệt như các bà mẹ ràng buộc với những đứa bé sơ sinh. Họ thủ thỉ nói với nhau những chuyện linh tinh, vô nghĩa, gọi nhau bằng những cái tên âu yếm mà họ sẽ ngượng không dám gọi trước mặt người khác. Họ vuốt ve và khám phá cơ thể của nhau như cách bà mẹ yêu tha thiết con mình. Cùng lúc, họ lại có cảm giác họ là những người cha, người mẹ thứ hai của người yêu bằng câu nói: “Anh sẽ yêu em như chưa ai từng yêu đến thế”, câu nói vô thức sẽ được diễn dịch lại là “nhiều hơn cả cha và mẹ”. Chắc không cần nói thêm là tâm thức cũ rất mê thích thái độ ứng xử này. Những người đang yêu tin rằng họ sẽ hàn gắn được vết thương – không phải bằng cách làm việc cực nhọc hay sự tự nhận thức đau đớn – mà bởi một hành động đơn giản là hòa nhập với một người mà tâm thức cũ lẫn lộn với người nuôi dưỡng.

Còn câu thứ ba, rằng người ta chìm ngập trong cảm giác về một sự toàn vẹn đầy đủ, thì sao? Khi nói câu này, họ biết rằng họ đã chọn (trong vô thức) người có những phần bản ngã họ bị mất khi còn thơ ấu; họ đã hồi phục lại bản ngã bị mất của mình. Một người thường dồn nén tình cảm sẽ chọn một người hay biểu lộ tình cảm, ham thích tình dục. Khi hai người với hai tính cách bổ khuyết yêu nhau, họ có cảm giác họ bất chợt được giải thoát khỏi sự dồn nén. Giống như những thực thể lưỡng tính bị cắt đôi của Plato, mỗi người bọn họ là một nửa của một người; bây giờ họ đã nối kết với nhau và trở nên toàn vẹn.

Và câu nói cuối cùng, rằng họ sẽ chết nếu họ phải sống chia ly? Điều này có thể cho ta biết gì về bản chất của tình yêu lãng mạn? Đầu tiên, nó cung cấp tư liệu rằng những người yêu nhau đã chuyển giao trách nhiệm về sự sống còn của mình từ cha mẹ sang người yêu mà không nhận thức được. Cũng chính thực thể kỳ diệu đã thức tỉnh “eros” (năng lượng sống) trong họ, bây giờ sẽ bảo vệ họ khỏi nỗi sợ hãi muôn đời trước cái chết. Qua việc quan tâm đến những nhu cầu tuổi thơ không được đáp ứng, người yêu của họ đã trở thành đồng minh trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Nếu suy xét xa hơn thì câu nói này đã tiết lộ nỗi sợ hãi rằng, nếu bị chia lìa, họ sẽ mất đi trạng thái toàn vẹn vừa tìm lại được. Họ sẽ một lần nữa trở thành những tạo vật gẫy vỡ, không hoàn chỉnh, bị tách khỏi sự toàn vẹn của cuộc sống. Nỗi cô đơn và sự lo lắng sẽ tràn ngập lòng họ và họ không còn có cảm giác nối kết với thế giới xung quanh nữa. Cuối cùng, nếu để mất người kia, họ sẽ mất luôn ý thức mới về bản thân họ.

Một chuyển đoạn ngắn

Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi này bị đẩy lùi trong một thời gian và đối với những người đang yêu, dường như tình yêu lãng mạn đang thực sự chữa lành vết thương cho họ và làm họ trở nên toàn vẹn, chỉ tình bạn thôi cũng đã là một niềm an ủi dịu êm. Bởi vì họ ở bên nhau phần lớn thời gian, họ không còn cảm thấy cô đơn, lẻ loi. Và càng tin tưởng nhau, họ càng thân thiết với nhau hơn.

Thậm chí họ có thể kể hết cho nhau nghe những đau khổ, những nỗi buồn thời thơ ấu. Và nếu họ làm như vậy, họ sẽ nhận được phần thưởng cho sự cởi mở, đó là sự thông cảm chân thành của người họ yêu “Ôi, anh rất buồn vì em phải trải qua những chuyện như vậy.” hoặc “Thật khủng khiếp là anh phải chịu đựng nhiều đến thế!”. Họ cảm thấy không một ai, kể cả cha mẹ họ lại quan tâm đến thế giới nội tâm của họ như vậy. Vì họ chia sẻ sự thân thiết này, họ cũng có thể có thế giới của người kia.

Trong những khoảnh khắc hiếm hoi đó, họ không phán xử nhau, hoặc suy diễn những điều người kia nói, hoặc so sánh với những kinh nghiệm họ đã trải qua. Họ còn làm nhiều hơn thế: Trong một thời gian ngắn, họ đã giải tỏa được nỗi đam mê suốt đời của họ và cùng chia sẻ sự xác thực của một con người khác.

Nhưng tình yêu lãng mạn còn đem lại nhiều điều hơn là những lời nói ngọt ngào và những khoảnh khắc thông cảm để hàn gắn vết thương lòng. Với giác quan thứ sáu (thường thiếu một cách thảm hại ở những giai đoạn sau của mối quan hệ), những người đang yêu như đoán được chính xác người họ yêu thiếu điều gì. Nếu người yêu của họ cần được bảo bọc, họ sẽ vui lòng đóng vai một ông bố hay bà mẹ. Nếu người đó cần tự do, họ để người đó được riêng tư. Nếu người đó cần sự an toàn, họ sẽ bảo vệ người đó. Họ trút xuống người mình yêu những hành động chăm sóc tự phát, những hành động dường như xóa đi được những mất mát tổn thương trong thời thơ ấu. Yêu và được yêu không khác gì đột nhiên trở thành đứa con cưng trong gia đình lý tưởng.

Psyche và Eros

Bản chất ảo tưởng của tình yêu được minh họa tuyệt vời trong truyện thần thoại về Psyche và Eros; một truyền thuyết được ghi lại từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Theo như truyền thuyết này kể thì nữ thần Aphrodite ghen tị với một thiếu nữ phàm trần trẻ tuổi và xinh đẹp tên là Psyche và phật ý trước sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với Psyche. Trong cơn giận dữ, Aphrodite đã ra lệnh đưa Psyche lên đỉnh một ngọn núi, nơi cô sẽ phải lấy một con quái vật kinh khủng (ở một vài dị bản của truyền thuyết này, con quái vật được gọi là Death – cái chết).

Cha mẹ của Psyche và dân làng buồn bã đi theo cô lên đỉnh núi, xích cô vào tảng đá và phó mặc cô cho số phận định đoạt. Nhưng trước khi Psyche bị con quái vật bắt, gió Tây thương hại cô đã nhẹ nhàng đưa cô xuống núi tới một thung lũng tình cờ lại là nơi ở của con trai Aphrodite là Eros, vị thần tình yêu.

Psyche và Eros yêu nhau ngay từ khi mới nhìn thấy nhau, nhưng Eros không muốn Psyche biết mình là một vị thần nên giữ kín bí mật của mình bằng cách chỉ đến với nàng trong đêm tối. Đầu tiên Psyche đồng ý điều kiện kỳ lạ này và hạnh phúc với tình yêu mới, trong một lâu đài tuyệt đẹp và một khung cảnh thơ mộng. Thế rồi, một ngày kia, hai chị gái của Psyche tới thăm nàng và ghen tị với số phận may mắn của Psyche, tò mò hỏi về Eros. Khi Psyche không trả lời được, họ reo rắc trong đầu nàng sự ngờ vực, rằng người tình của nàng có thể là một con quỷ xấu xa kiên nhẫn theo đuổi để ám hại nàng.

Đêm đó trước khi Eros lại tới với Psyche, nàng đã giấu một ngọn đèn và một con dao dưới giường. Nếu người tình của nàng đúng là một con quỷ, Psyche quyết định sẽ giết chết hắn. Nàng đợi đến khi Eros đã ngủ say mới khẽ khàng thắp đèn lên. Nhưng khi nàng cúi người tới trước để nhìn kỹ hơn, một giọt sáp nóng tơi từ ngọn đèn xuống vai Eros. Chàng tỉnh dậy ngay lập tức và khi thấy ngọn đèn cùng con dao trong tay Psyche, chàng bay qua cửa số mở đi mất, thề sẽ trừng phạt Psyche vì nàng đã khám phá ra sự thật, bằng cách vĩnh viễn từ bỏ nàng. Đau khổ, Psyche chạy theo Eros, gọi tên chàng, nhưng nàng không bắt kịp chàng, nàng hụt chân ngã. Ngay khi đó, tòa lâu đài và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp biến mất, và một lần nữa nàng lại bị xích và một tảng đá trên đỉnh núi cô quạnh và dốc đứng.

Cũng như những truyện thần thoại khác, câu chuyện này bao hàm một phần sự thật. Tình yêu lãng mạn quả thực phát triển trên cơ sở “không biết” và trí tưởng tượng. Chừng nào những người đang yêu còn ôm ấp một hình ảnh lý tưởng và không đầy đủ về người mình yêu thì họ còn được hạnh phúc như ở vườn Địa Đàng, Nhưng huyền thoại này cũng có những chi tiết hư cấu. Khi Psyche thắp ngọn đèn lên và nhìn kỹ Eros lần đầu tiên, nàng phát hiện ra chàng là một vị thần đẹp tuyệt trần với đôi cánh bằng vàng. Còn khi bạn và tôi thắp đèn lên để lần đầu tiên quan sát kỹ người mình yêu một cách khách quan, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng họ chẳng phải thần thánh gì cả, họ cũng là những con người chưa hoàn thiện, đầy những khiếm khuyết, những nhược điểm, những tính xấu mà chúng ta nhất định không chịu thấy.

* Lược trích sách Làm thế nào để có một cuộc hôn nhân hoàn hảo?, tác giả Harville Hendrix, bản dịch của Phan Linh Lan và Phan Lưu Ly

* Biên tập OOPSY Team.


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147