Trang chủ Blog Introvert

Không phải tình yêu, bạn bè mới là mối quan hệ khiến người ta sợ hãi sự phản bội nhất

By: OopsyAdmin, 2020-05-18 12:42:34

Nỗi sợ lớn nhất của tuổi trẻ là “phản bội”, sợ một người bạn thân không còn thân với mình nữa – một người đi chơi với mình bao nhiêu lâu, bỗng nhiên họ không còn tốt với mình nữa. Tất cả những nỗi sợ này đến từ thiếu thời. Nó có những mấu chốt lặng lẽ như thế. Nó hằn lại ở trong cuộc đời của chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra.

Vì sao ta lại sợ nhất là sự phản bội?

“Phản bội” là một từ rất kỳ quặc ở trong cuộc đời con người, nếu như người ta nghĩ một cách bình thường... Từ “phản bội” ở đâu mà ra? Phản bội là gì? “Phản” tức là quay lại, “bội” là cái lưng. Sợ phản bội là sợ bị bạn bè quay lưng, quay mặt, sợ mình không còn ý nghĩa trong đời một người khác. Đấy chính là ý nghĩa của phản bội. 

Đau nhất không phải là một người đâm sau lưng mình. Đấy không phải phản bội đâu, mà là khi người ta quay mặt. Còn khi một người vẫn tốt với mình, nhưng vì cuộc đời “khốn khổ khốn nạn”, hai đứa “dại dột”, cuối cùng xảy ra một chuyện đấy, cùng làm ăn và cùng thất bát, cùng làm ăn và cùng hủy hoại, thành ra một người sai lầm và người kia cũng phải chịu lây, thì có thể nó không đáng đau đớn lắm. Nó đáng rút ra bài học. Có thể nó cũng đau điếng đấy, nhưng nó không đến nỗi làm người ta ngoảnh mặt với nhau.

Nỗi sợ bị một người quay mặt, bị mọi người quay lưng với mình, đấy là nỗi sợ lớn nhất. Bị một người phản bội theo kiểu lừa dối không đau đớn bằng bị mọi người quay lưng, đấy là hậu quả của thời thiếu thời của chúng ta. “Phản bội” là một từ của thanh xuân, chúng ta sợ hãi mất tất cả.

Chúng ta thấy bạn bè không thật sự là bạn bè, người yêu không thật sự là người yêu, không ai thật sự chân thành với nhau. Và chúng ta cũng không chân thành với họ. Chúng ta cần họ nhưng chúng ta không thật sự vì họ. Và ai cũng sống ở trong những xốc nổi của mình. Đấy chính là những ý nghĩa đầu tiên cấu thành nên “phản bội”.

Tâm lý, oopsy, bạn bè, phản bội

Nỗi sợ phản bội xuất hiện khi nào?

Những vết thương, những ấn tượng của bạn bè, kiến tạo một thế giới bạn bè ảo tưởng. Trong đấy chúng ta luôn luôn sợ hãi sự phản bội, luôn luôn tìm cách phô trương bởi vì đố kỵ, luôn luôn khổ sở với tất cả những thứ bạn bè có ở đấy và có trước mặt chúng ta. Chúng ta chỉ sợ phản bội khi chúng ta có bạn bè.

Và không phải là vì chúng ta sợ bạn bè phản bội, mà chúng ta luôn luôn linh cảm từ thời ấu thơ, từ thuở bé, từ thời thiếu thời, là: Rõ ràng chúng nó không như chúng nó nói. Và rõ ràng chúng ta có một cuộc chiến với bạn bè, một cuộc chiến để ai cũng tỏ ra mình hơn người còn lại – một cuộc chiến khoe mẽ, một cuộc chiến nhà giàu – nhà nghèo, một cuộc chạy đua. Cho nên những mốt bán cho trẻ con bao giờ cũng được nhất, vì chúng chạy đua để bằng bạn bằng bè. Đấy là một động lực suốt đời của chúng ta, và là một vết thương suốt đời để chúng ta lớn lên.

Chúng ta sợ xã hội đến mức nào là bởi vì chúng ta sợ bạn bè đến mức đấy. Chúng ta cần cuộc đời nhìn chúng ta thế nào là bởi chúng ta vốn cần bạn bè nhìn chúng ta như thế. Đấy là sự thật ở đời!  Đến bao giờ ta mới ngừng sợ sự phản bội?

Một người không thể có tự tin đích thực nếu người đấy vẫn còn so sánh với người khác. Nếu người đấy vẫn còn cảm thấy mình phải chứng tỏ với người khác, nếu người đấy thấy những giá trị ở nơi mình không đẹp bằng những giá trị người khác có, nếu người đấy thấy có một động lực phải đố kỵ, phải ghen tức với người khác (tham danh đấy!), thì đấy là một người vĩnh viễn không có tự tin đích thực. 


Bạn có thể thấy một số người làm ông chủ rồi, họ có một niềm căm ghét khó tả với những người đã phản bội họ trong quá trình làm việc thì thực ra là do họ tổn thương từ quá trình bạn bè. Họ coi những người kia như bạn bè. Họ là một ông chủ nhưng vẫn sống như một anh chàng thanh xuân, vẫn là một cậu bé trong lốt của một người trưởng thành thôi. 

Đấy là một chàng trai trẻ đích thực, là một cô gái vẫn thuở thiếu thời đích thực, vẫn lớn lên từ một thời tiểu học, trung học và vĩnh viễn không trở thành người lớn. Đến già mà chúng ta vẫn thế, thì chúng ta chỉ là một đứa trẻ bạc đầu. Chúng ta sống mãi trong tình trạng một cô cậu học trò, luôn luôn sợ bị phản bội; luôn luôn sợ mệt mỏi; luôn luôn cảm thấy cần phải khoe mẽ, cần phải tranh đấu, cần phải phô trương; luôn luôn cần đến những bộ cánh đẹp; luôn luôn cần thấy mình là một ai đấy trong mắt người khác.

Còn một người cứng cáp, họ biết cuộc đời có lúc thế này, có lúc thế kia. Họ biết rằng ở xung quanh mình nên là những người để tin tưởng, họ biết khi nào đối mặt với những nghịch cảnh thì phải làm gì. Họ biết những điều đấy. Có thể trong trái tim họ cũng có một chút tổn thương, nhưng họ vượt qua nó, cứng rắn, cắn răng, làm được. Đấy mới là một người tự tin đích thực, đúng không?

Một người tự tin đích thực nhất định phải rất kiên định bên trong, rất quyết liệt bên trong. Hẳn nhiên rồi, chúng ta đều muốn thế mà. Còn nếu chúng ta muốn sống để cho vừa lòng cuộc đời, chúng ta sẽ luôn luôn đau khổ, bất ổn. Hẳn nhiên!

Chúng ta chỉ sợ phản bội khi chúng ta có bạn bè. Bạn bè kiến tạo ở người ta nỗi sợ sự phản bội lớn nhất. Tất cả những trò Bựa trong cuốn sách này chính là để chúng ta đối mặt với nỗi sợ phản bội... và để đánh thắng thế giới bạn bè. 

Trích sách: Mùa hè năm ấy tôi đã biết ai thật sự là bạn thân


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147