Trang chủ Blog Introvert

Mô Hình Tâm Lý Học Của Freud Và Một Sự Kiện Vĩ Đại Của Loài Người

By: OopsyAdmin, 2022-02-07 11:27:40

Mô Hình Tâm Lý Học Của Freud Và Một Sự Kiện Vĩ Đại Của Loài Người

.

Có hai cuốn sách tâm lý học đã được xuất bản: Cái tôi được yêu thương (Wilhelm Stekel), và Những cảm xúc bị dồn nén (Isador Henry Coriat). Hai cuốn sách này là của những bậc thầy phân tâm học cùng thời với Freud. Họ là những người theo Freud. Họ diễn đạt hai nguyên tắc của Freud cực kỳ hay. Tôi sẽ diễn đạt lại cho bạn một phiên bản phân tâm học mà ai cũng nhớ và hiểu bản chất luôn, không cần thắc mắc gì cả, để chúng ta hiểu bài học về đô thị, về những kẻ lang thang. Biết một chút về phân tâm học rất thú vị mà. Nên là bạn hãy chịu khó một chút, nó rất đơn giản thôi

Đầu tiên chúng ta có một con người. Con người này có một thế giới vô thức. Thế giới vô thức này được cấu thành bởi hai phần: Vô thức và Tiềm thức. Phần Tiềm thức là những gì ở ngay gần Nhận thức của chúng ta. Chúng ta có thế giới Ngôn từ ở ngoài cùng và trước đấy là Ứng xử (xem hình). Toàn bộ vùng Tiềm thức và Nhận thức được gọi là tâm lý. Mô hình rất đơn giản đúng không?

Tiềm thức là gì? Ví dụ, chúng ta không bao giờ nghĩ xem 1 + 1 bằng mấy, nhưng nếu hỏi “1 + 1 bằng mấy?” thì đáp luôn “2” – “Ủa anh làm phép tính bao giờ vậy?” Nó ở trong tiềm thức, chúng ta đã làm xong các phép tính này trong tiềm thức rồi. Chúng ta có một cỗ siêu máy tính trong tiềm thức. 20 + 20 = 40, chúng ta không cần phải thắc mắc đúng không? 2 x 2 = 4… Tất cả những thứ đấy, nếu không nói tôi cũng không nhớ, nhưng nói là tôi biết ngay. Nó ở trong tiềm thức, đấy là một cái kho lúc nào cũng lôi ra được. 

 .

Vô thức được Freud chia làm hai phần, bản năng yêu (Eros), và bản năng hủy hoại (Thanos). Chúng ta có bản năng sống và bản năng chết, bản năng yêu và bản năng hủy hoại. Bản năng tức là nó không phải tâm lý, nó đương nhiên là một lực thôi động chúng ta, đơn giản như vậy

Đến vùng Tiềm thức, nếu theo Jung hoặc theo Janet hay những người khác, chúng ta sẽ có một đống thứ trong tiềm thức này, đấy là “phức cảm”. Nhưng hãy bỏ qua chuyện phức cảm. Nếu như theo lý thuyết của Freud thuần túy, ông nói là trong tiềm thức có một nguyên lý để cụ thể hóa bản năng sống này: Chúng ta gọi là nguyên lý khoái lạc

Nguyên lý khoái lạc tức là tôi luôn luôn có xu hướng làm những gì để thỏa mãn mình. Tôi uống cốc nước khi tôi khát; tôi sờ một tấm vải mà tôi thích; mua một món đồ mới “Ôi đẹp dã man”; sờ vào chiếc iPhone mới vì ai cũng nhìn iPhone; hay là xuất hiện với một gương mặt đẹp, đấy là ước mơ của tôi “Tôi muốn đẹp trai hơn mọi người”; hay làm cách nào để trang điểm, làm cách nào để trắng da, làm cách nào để mình hấp dẫn hơn... Tất cả đấy là nguyên lý khoái lạc. Tôi sẽ muốn làm theo mọi thứ đã làm cho tôi được thỏa mãn. Tôi muốn mọi người yêu tôi, tôi muốn mọi người cầm tay tôi, tôi muốn cầu tình từ một người, tôi điên tiết bởi vì chồng tôi hoặc là vợ tôi đã không nói với tôi những lời yêu thương… Tất cả đấy là gì? Nguyên lý khoái lạc

Nguyên lý khoái lạc này bao gồm cả một phiên bản ngược của nó, đấy chính là động lực của bản năng chết mà chúng ta gọi là sự thất vọng. Khi tôi không được thỏa mãn nguyên lý khoái lạc thì tôi sẽ thất vọng, và đấy chính là sự cụ thể hóa. Hậu quả của nó nằm ở trong bản năng chết

Làm sao để đạt đến nguyên lý khoái lạc này? Chúng ta có nguyên lý thứ hai mà Freud nói đến. Nguyên lý khoái lạc là một động cơ thôi đẩy, vậy làm sao để tôi thực hiện động cơ thôi đẩy này, tôi phải có một nguyên lý nữa gọi là Nguyên lý thực tế. Nguyên lý thực tế tức là gì? Chúng ta cố gắng thực hiện những ham muốn của chúng ta hay cố gắng thực hiện những động lực của nguyên lý khoái lạc một cách hợp lý với đời sống

Chẳng hạn tôi yêu một cô gái tha thiết nhưng tôi không thể nhảy vào ôm hôn cô ấy được, đấy là một chuyện rất hoang đường. Nhận thức của tôi bảo tôi là hãy tán tỉnh cô ấy. Tán tỉnh là gì, hợp lý hóa tất cả những mong muốn của mình. Tôi có một bản năng, tôi có một mong muốn, và tôi làm cách nào để hiện thực hóa mong muốn đấy. Hiện thực hóa mong muốn nằm trong nguyên lý thực tế – những gì chúng ta học được ở đời để thực hiện những dục vọng của mình. Làm sao để dục vọng của tôi trở nên hợp lý hơn?

Chúng ta biết là các AI hiện đại đều nằm ở trong nguyên tắc này. Một là AI phát hiện ra những gì chúng ta muốn, và thứ hai là làm cách nào hợp lý nhất để thực hiện những điều muốn đấy. Dựa trên phân tâm học, chúng ta thấy là từ năm 1999 đến nay, chúng ta chứng kiến thế giới của AI chỉ xung quanh những gì:

Thu nhập nhiều nhất những thông tin của một người để xem người đấy muốn gì, và cách thức hợp lý nào để người ta đạt được cái muốn đấy. Đấy là những gì mà trí thông minh nhân tạo cố gắng học, và làm giúp chúng ta luôn

 

Cuộc gặp gỡ tiên tri của Freud và Einstein: nền văn minh dùng để đè nén nguyên lí khoái lạc và bản năng chúng ta

Khi nào chúng ta chuyển từ bản năng sống sang bản năng chết?

 

Đây là một mô hình tâm lý học theo kiểu đơn giản nhất: bản năng sống, bản năng chết, nguyên lý khoái lạc, nguyên lý thực tế

Chúng ta sẽ nói một chút về chuyện này vì nó rất buồn cười. Đấy là một sự kiện rất vĩ đại của loài người

Năm 1927, lúc đấy Freud 70 tuổi, đã ở Berlin, ông ấy bị ung thư. Ông không còn nhiều lý tưởng, hoặc là chúng ta nghĩ thế. Trong lúc đấy ông gặp một người khác cũng đã già, khoảng hơn 50 tuổi, đấy chính là Einstein. Họ gặp nhau, và Freud đã nói về cuộc gặp gỡ này thế nào, bạn đã đọc về cuộc gặp gỡ ấy chưa? 

Freud nói là “Einstein biết nhiều về tâm lý học cũng giống như tôi biết nhiều về vật lý vậy” – tức là không biết gì, không hiểu gì cả. Và Einstein quay trở về nói với mọi người là “Ông ta dở hơi, làm gì có chuyện. Một bước đi của chúng ta được quyết định bởi cả một hệ thống cơ lý phức tạp và sinh học phức tạp. Còn một cái mong muốn được bước đi nó chẳng là cái quái gì cả”. Một nhà vật lý đương nhiên nghĩ thế rồi. Tức là họ rất coi thường nhau

Nhưng rồi họ không còn coi thường nhau nữa. Vào năm 1932, họ gặp lại nhau lần nữa trong một cuộc vận động đối thoại giữa những tri thức hàng đầu thế kỷ, lần này thì chúng ta có hai tác phẩm rất kiệt xuất. Một đằng là, từ đây trở đi chúng ta sẽ có những mong muốn của Einstein trong việc đưa ra một chủ nghĩa hòa bình, một chủ nghĩa hòa giải ở góc độ thế giới và đấu tranh cho nó. Và một đằng, chúng ta sẽ có một tác phẩm rất nổi tiếng xuất bản năm 1933 (cũng là năm Hitler lên cầm quyền): Văn minh và những bất mãn của nó – một cuốn sách rất tuyệt vời, đã có phiên bản tiếng Việt miễn phí ở trên mạng, do một người cực giỏi dịch

 Đấy là một mốc rất đặc biệt, bởi sau cuộc đối thoại với nhau, hai ông đều nhận ra là thế giới không ổn nữa rồi. Họ kịp đánh hơi thấy một thế giới bất ổn, một thế giới mà đối với Einstein đấy là sự bất ổn về mặt trí tuệ. Trí tuệ đang tập trung vào những kẻ đen tối nhất, họ đang dùng trí tuệ này để hủy hoại loài người

Còn Freud nhìn ở góc độ tâm lý, đấy là không thể mãi mãi dùng nguyên lý thực tế để đè nén nguyên lý khoái lạc. Bởi vì nguyên lý khoái lạc là gốc của mọi thứ và nó muốn mọi thứ. Nguyên lý khoái lạc này là tay chân của bản năng. Làm sao nền văn minh có thể triệt tiêu bản năng được? Tất cả những thứ gì thuộc về nguyên lý thực tế này là kết quả của nền văn minh. Freud khẳng định, nền văn minh dùng để đè nén chúng ta. Toàn bộ thế giới bên ngoài dùng để bắt tôi tạo ra nguyên lý thực tế để phù hợp với nó, dùng để đè nén nguyên lý khoái lạc và đè nén bản năng này – sẽ không thể kéo dài. Nó sẽ được đáp lại bằng mong muốn hủy diệt của con người, “Nếu tôi không thể thỏa mãn, bản thân tôi sẽ hủy diệt tất cả”. Có lẽ lời tiên tri của Freud đã ứng hơn với thực tế đấy

Điều rất thú vị là hai ông không phát hiện ra chuyện này khi họ đang ở nông thôn. Họ phát hiện ra điều này khi họ đang ở những đô thị, những đô thị bậc nhất của thế giới, khi họ phiêu dạt ra những đô thị. Đấy là một góc nhìn rất tuyệt vời. Bởi vì nếu bạn đã đọc tác phẩm Văn minh và những bất mãn của nó, bạn sẽ thấy là tất cả những điều nói về nền văn minh – civilization, thực chất là nhắc lại những hoàn cảnh sống của đô thị

Chúng ta nhớ là từ city – thành phố, đô thị, với từ civilization, gốc là một từ. Nó đều có nghĩa là gì? Một hoàn cảnh mà chúng ta được tách ra khỏi tự nhiên – tôi cố gắng chống lại tự nhiên. Và bằng cách chống lại tự nhiên, tôi chống lại bản năng – có thể nói thế. Tất cả những nguyên lý thực tế dùng để chống lại bản năng, còn bản thân đô thị là để chống lại tự nhiên. Chúng ta muốn chống lại những nguồn lực nguyên thủy của mẹ Trái Đất, và có vẻ chúng ta không thành công lắm đúng không? 

Nên cho đến bây giờ, lời tiên tri năm 1933 của Văn minh và những bất mãn của nó chỉ dừng lại khi chúng ta có mạng xã hội. Thật sự khi mạng xã hội ra đời, mọi phong trào đều trở nên hiền lành kinh khủng. Kể cả khi nó tập hợp được bao nhiêu người, số lượng người tham gia vào phong trào không quan trọng nữa, nó lại trở nên hiền lành. Chúng ta có một nơi để giải tỏa, một nơi để vĩnh viễn hóa bản thân, và không còn cảm thấy cần phải tìm lại nhân tính của mình nữa. Chuyện rất đơn giản. Những điều này rất dễ hiểu đúng không? 

Chúng ta có hai bản năng: 

Một là bản năng yêu thương, muốn kết hợp, muốn đẻ con, muốn làm gì đấy, muốn tạo ra cái mới, sáng tạo; 

Một bản năng là chỉ muốn hủy hoại, bảo thủ, sợ hãi, thất vọng, chán nản, luôn luôn tìm cách hủy hoại thế giới này

Trong chúng ta có cả hai con người đấy. Nguyên lý khoái lạc là biểu hiện của hai con người đấy

Khi không đạt được bản năng sống, chúng ta sẽ chuyển sang bản năng chết, chúng ta switch mode luôn, “Khi tao đòi mày không cho tao, tao tát luôn”, chúng ta có thể diễn tả như vậy. “Đưa tiền đây” – “Không!” – đánh luôn! Nó đơn giản như thế

Đây là một mô hình đô thị, hay đúng hơn là nền văn minh. Nền văn minh này chính là đô thị. Bởi vì, vùng nông thôn giống như thế giới của những bản năng, thế giới của những động lực sống, thế giới của việc gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với tự nhiên và được biểu tượng bằng điều đấy, gần gũi với những bản năng gốc của con người. Nếu như trong một thế giới hòa bình thì nông thôn đại diện cho bản năng sống. Còn trong một thế giới chiến tranh thì nông thôn đại diện cho bản năng chết. Cho nên, tất cả những cuộc cách mạng đều bắt nguồn từ những nơi nghèo khó. Cuộc cách mạng của những người nghèo, bạo lực của những người nghèo. Lấy nông thôn vây thành thị – luôn luôn nhớ khẩu hiệu đấy

Mô hình này chắc không quá khó hiểu với bạn. Chúng ta sẽ không đi sâu về nó quá. Đây chính là cốt lõi của những gì chúng ta sắp bàn đến: câu chuyện về đô thị

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147