Trang chủ Blog Introvert

Người hướng ngoại có hạnh phúc hơn người hướng nội không?

By: OopsyAdmin, 2020-01-03 12:43:29

PHÂN BIỆT HAI LOẠI NGƯỜI: HƯỚNG NỘI VÀ HƯỚNG NGOẠI

Người Việt Nam có một đặc điểm nổi tiếng trong lịch sử là duy tình, họ coi trọng cái phát sinh trong mình, gặp một chuyện đầu tiên là thái độ, sau đó đến phản ứng rồi cảm xúc. Nhưng Áp lực của xã hội hiện đại bắt người ta phải tính toán, suy nghĩ và đưa ra giải pháp. Tức áp lực xã hội bắt người ta phải hướng ngoại trong khi bản tính lại là hướng nội.

Ví dụ, khi gặp một đối tượng thì một người Hướng ngoại sẽ có:

  • Khả năng nhận định
  • Khả năng phân tích
  • Khả năng đưa ra giải pháp
  • Tính toán rất giỏi dựa trên việc người ta tương tác hiệu quả với thế giới bên ngoài.

Chẳng hạn, khi cãi nhau với một người hướng ngoại phản ứng thế này:

  • Đầu tiên họ sẽ nhận định: Thằng nào đang đánh mình?
  •  Sau đó họ phân tích: À, nó định đấm vào mắt trái của mình
  • Cuối cùng là giải pháp: Mình cần tránh sang bên phải

Bản chất lí trí thể hiện ra lời, cho nên bình thường họ đều thích nói, thích giao tiếp, phát triển các kĩ năng giao tiếp, sau đó phát triển các phong cách nói. Cuối cùng, họ đưa ra hệ thống tương tác, lời nói, thỏa thuận, hợp đồng.

Ngược lại, với người Hướng ngoại, khi gặp một đối tượng như thế thì người Hướng nội:

  • Phát sinh một thái độ
  • Phát sinh một phản ứng
  • Phát sinh một cảm xúc/ tâm cảm cụ thể trước vấn đề
  • Khả năng liên tưởng rất giỏi (thu vấn đề vào bên trọng, biến vấn đề thành một phần của đời họ)…

Bình thường, theo tư duy phương Đông, chúng ta biết là khi hai phần lí trí và tâm cảm cân bằng với nhau, thì người ta còn ổn. Tức là, khi ta gặp một người nào thì người ấy vừa có một vị trí trong lòng ta và chúng ta vừa xác định một ranh giới với họ, thế là ổn đúng không? Đấy là chúng ta có một ranh giới nội tâm (tức là hướng ngoại) dành cho họ một vị trí trong trái tim, nhưng cũng suy nghĩ về họ bằng một sự tỉnh táo. Đó là một người bình thường, một mối quan hệ lành mạnh.

Tuy nhiên, trong một xã hội mà ta không biết được thông tin về người đấy, chúng ta bị cắt đứt các thông tin, chúng ta chỉ biết một mảnh của họ. Chẳng hạn, lúc gặp nhau thì họ cười, làm sao biết được đằng sau lưng họ nói xấu mình.

Thế là, bạn tưởng tượng, có một mối quan hệ phổ biến ở trong xã hội hiện đại kiểu này. Giả sử có một người sếp với một cô nhân viên. Trước mặt thì chị chị - em em, rất ngọt ngào nhưng sau lưng thì người sếp ấy bảo với một đồng nghiệp khác là: “Con bé ấy đáng lo lắm. Nó không ổn”. Tất cả những chuyện này chứng tỏ giao tiếp bề mặt không thống nhất với thế giới nội tâm. Và nếu một ngày cô nhân viên kia biết được điều đấy, trong lòng cô ấy sẽ vô cùng khủng hoảng và không thể chịu đựng nổi…

Thứ tổn thương này khi tích đến một giai đoạn nhất định thì sao? Bạn biết logic của tổn thương rồi, cũng cùng một quy trình như thế. Đầu tiên là người ta gây ra tổn thương cho nhau. Sau đó tổn thương này tích thành những trạng thái bất thường, sự bất thường trong việc xáo trộn cấu trúc của quan hệ. Và bất thường này hình thành trạng thái tâm thần, hay chúng ta gọi nhẹ hơn là rối loạn, rối loạn thần kinh, rối loạn chức năng, hoặc ám ảnh, hay điên, tùy cách gọi.

Một người đang trong trạng thái cân bằng của mối quan hệ giữa lí trí với tình cảm, đột nhiên mối quan hệ bị làm tổn thương thế này, một sức ép làm họ phải toan tính, thì bắt đầu gây ra sự bất thường, bắt đầu gây ra sự rối loạn.

TA CÓ THỰC SỰ ĐƯỢC CHỌN KHÔNG? LÀM NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI CÓ THỰC SỰ HẠNH PHÚC KHÔNG?

Những người theo phép tu dưỡng xưa hướng đến SIÊU LÍ. Siêu lí vượt lên trên lí trí và tâm cảm. Siêu lí ước chế cả hai. Họ lựa chọn ĐẠO LÍ. Tức là họ lựa chọn ứng xử như siêu lí. Cho nên họ không bị vướng vào thị-phi (đúng-sai)

Đã ứng xử theo hướng nội hay hướng ngoại, nó sẽ có đúng với sai, tức là sẽ có xác suất hiệu quả. Chúng ta không ngẫu nhiên trở thành một người hướng nội hay hướng ngoại. Bỏ qua thuyết Nhân duyên của nhà Phật, chúng ta hãy xét một con người cụ thể. Chẳng hạn một người phụ nữ nọ với tư cách là một người từ ban đầu trắng trơn, không hướng nội cũng không hướng ngoại, nhưng chúng ta thấy môi trường quan trọng thế này:

Đầu tiên, chúng ta xét môi trường hoàn hảo. Thường, tâm lí người ta được xây dựng trên rất nhiều nhân tố, từ gen, đến tính cách gia đình, cho đến ngoại cảnh, cho đến việc tiếp xúc với thiên nhiên hay không... Chúng ta bỏ qua chuyện đấy. Hãy xét một con người trắng trơn.

Khi người phụ nữ kia tiếp xúc với một người, chẳng hạn như một cô gái khác thì mỗi lúc cô ấy nhịn cô gái kia thì cô ta lại lấn tới. Thế thì cô ấy sẽ xây dựng điều gì? Cô ấy sẽ xây dựng dần việc là, mình lùi chẳng có ích gì, cô ấy bắt đầu hung hãn trở lại “Cô thích cãi nhau với tôi á?” Thế là, dần dần con người hướng ngoại được hình thành – con người tàn nhẫn, tranh đấu, và sẵn sàng va đập, sẵn sàng tìm ra lợi ích, sẵn sàng giành được vị thế của mình trong mối quan hệ.

Nhưng nếu cô ấy gặp phải một người rất dịu dàng thì sao? Cô ấy vẫn có thể trở thành một người hướng ngoại theo cách này. Chẳng hạn cô ấy càng tỏ ra lấn lướt thì người kia càng lùi bước. Thế thì, cô ấy cũng có thể trở thành một người hướng ngoại, giành được vị thế và lợi ích của mình thay vì đồng cảm, thay vì chịu đựng (vì cô ấy có phải chịu đựng gì đâu, cô ấy giành ưu thế!)

Cũng là người phụ nữ này, nhưng hôm nay thì cô ấy chịu đựng, đến một ngày cô ấy bùng phát, sự bùng phát này gặp phải một sự tổn thương: cô gái kia gọi chị mình đến, hai người này xông vào đánh cô ấy. Thế là từ đấy thôi, cô ấy nghĩ: Người ta chửi mình thì mình im. Chứ còn họ a-lô-xô đánh là mệt lắm! Đau lắm…

Mỗi lần bị bạn bè đánh như thế quen rồi, thế là dần dần hình thành sự chịu đựng.

Nói cách khác, chúng ta tưởng là mình được lựa chọn, nhưng đấy là một xã hội tốt đẹp, còn được lựa chọn. Nhưng điều đau khổ là, trong suốt quá trình từ ấu thơ đến thanh xuân, chúng ta đa phần bị trở thành người hướng nội hay người hướng ngoại. Và chúng ta chỉ có một mốc giao thời, khoảng sau khi ra trường. Đấy là một khoảng không gian rất ngắn, và một khoảng không gian rất “gay go.” Khi chúng ta trưởng thành thì chúng ta sẽ là con người nào? Chúng ta sẽ hướng nội hay hướng ngoại? Đấy là một giai đoạn vô cùng nhạy cảm. Và tất nhiên, vô cùng may mắn để trưởng thành, và khắc phục con người cũ, nhưng đa phần chúng ta rơi vào một trong hai con người.

Điều đau khổ là, bất kể chúng ta trở thành ai, chúng ta đều phải gánh chịu sự phản bội, sự tổn thương. Chúng ta đều gánh chịu sự bất thường của các mối quan hệ, và chúng ta đều gánh chịu những cái cuối cùng, đấy là các trạng thái tâm thần, rối loạn, ám ảnh. Thật khó để thoát ra khỏi logic đấy!

Đô thị đã sắp sẵn cho chúng ta những cái hố. Chúng ta nhảy từ hố A sang hố B. Và sau khi chúng ta thoát được hố A, nằm ở trong hố B, chúng ta thở phào:

Trưởng thành là một giai đoạn kỳ lạ

Chúng ta tưởng mình được lựa chọn, ít nhất là thế. Hướng nội hay hướng ngoại không phải giải pháp. Giải pháp cuối cùng là gì? Chúng ta có thể như bà Susan Cain nói, một điều rất đúng và bà ấy nói là, toàn bộ cuốn sách Quiet của bà ấy chỉ có một điều, làm sao để sống với chính mình. Và bà nói, động lực sống với chính mình chỉ tồn tại ở người hướng nội. Đây lại là một ngộ nhận tiếp của một người hướng ngoại! Thật ra sống với chính mình là khao khát của người hướng ngoại chứ không phải là của người hướng nội. Người hướng nội sống trong biển tình thương.

Bà Susan Cain là một người hướng ngoại mà cứ tưởng mình là người hướng nội. Bà viết một cuốn sách luận chiến sắc bén cho người hướng nội, nhưng đã giành chiến thắng cuối cùng cho người hướng ngoại, trong khi tưởng là đã giành lại được thế trận cho những người hướng nội. Một cuốn sách rất lẫn lộn!

Vì người này không phải là một nhà tâm lí học, cũng không phải là một nhà trị liệu tâm lí. Bà ấy không biết sự khác biệt giữa thái độ, cảm xúc, tâm trạng, tâm lí, tính cách, và thậm chí là bản sắc. Bởi vì bản sắc là tổng hợp của các tính cách.

Thậm chí, thuyết hành vi của Mỹ đã ảnh hưởng bà ấy đến mức, bà ấy lầm lẫn giữa hành vi và bản sắc. Cái tôi, Scái sâu thẳm trong tôi, đấy là những điều tôi làm. Thậm chí, thật là khó cho một nhà tâm lí học hành vi phân biệt giữa cái tôi xã hội, cái tôi theo kiểu bản năng, và cái tôi theo kiểu bản ngã (phân biệt giữa Id, Ego và Superego) – rất khó cho một nhà tâm lí.

Nhưng lối viết không quan tâm đến những vấn đề thực sự của con người của Susan Cain tạo nên một thứ sức mạnh rất sắc bén. Đó là thứ sức mạnh sắc bén chúng ta thường thấy ở những người hướng ngoại – những kẻ không quan tâm đến người khác nghĩ gì, mà chỉ quan tâm đến việc mình nghĩ gì; thiếu khả năng đồng cảm, bởi vì chưa từng phải sống trong một cuộc sống chịu đựng và liên cảm.

Nếu tìm hiểu, bạn sẽ biết có thể phân loại người dựa vào các loại từ: động từ, tính từ… Biết rõ hơn rồi, bạn có thể thắc mắc, người hướng ngoại ấy thường là người động từ chăng? Cũng có thể như thế. Tất nhiên là, họ có thể là một trong ba loại người: danh từ, động từ, tính từ. Nhưng thường, người hướng ngoại hướng đến những danh từ. Họ rất trọng danh, họ rất bị chi phối bởi cái danh. Điều này thì Susan Cain đúng, đấy là những người hướng ngoại sống vì cái nhìn của người khác. Tất nhiên, bà ấy quên mất rằng, những người hướng nội cũng như thế.

Con người có một thứ khác gọi là CÁI TÔI XÃ HỘI. Và đã có cái tôi xã hội, một bộ chip cảm biến với xã hội, thì lúc nào chúng ta chẳng chịu đau khổ từ xã hội mang lại, thoát làm sao được?

Nên chúng ta vẫn nói, câu chuyện này chỉ là nhảy sang cái hố nào. Nhưng ít nhất, nếu chúng ta không có một siêu lí để đi theo, cũng không biết là mình sắp nhảy sang cái hố nào, chúng ta có thể lựa chọn. Chúng ta sẽ trưởng thành, tức là trưởng thành hẳn một loại tính cách, và giành được thế mạnh của loại tính cách nào. Giành được hết những thế mạnh của 10.000 giờ là người hướng nội, hay 10.000 giờ là người hướng ngoại?

Rõ ràng là với tư cách là một người Việt Nam, chúng ta dễ trưởng thành như một người hướng nội hơn: Khả năng quan sát; sao chép cái tốt nhất; đồng cảm, liên cảm, và liên kết cộng đồng, thiết lập một cộng đồng cho riêng mình, nhóm tốt nhất của mình. Đấy là thế mạnh của người hướng nội. Ít nhất là với tư cách là một người Việt Nam, chúng ta đang sống trong một môi trường hướng nội. Phát triển những tính cách này, đấy là lối thoát khả dĩ nhất.

Bạn có thể thắc mắc, người hướng nội mà họ sao chép được người hướng ngoại thì họ cũng có nhiều mối quan hệ, họ cũng cười nói giả lả. Như vậy thì cái sao chép được của người hướng nội đó khác gì với cái có sẵn của người hướng ngoại, đều là giao tiếp cả mà?! Hãy biết rằng, người hướng nội luôn nhấn mạnh đến cảm xúc, liên quan đến tình nghĩa, còn người hướng ngoại luôn nhấn mạnh đến kế hoạch, nhấn mạnh đến lợi ích, đến việc chẳng hạn như “làm gì cùng nhau bây giờ”. Các mối quan hệ của họ đều rất coi trọng tính hiệu quả.

Đơn giản thế này, giả sử với một người hướng ngoại như cô sếp ở trên chẳng hạn, nếu chúng ta có ích với họ thì chúng ta sẽ là người quan trọng với đời họ. Nếu chúng ta vô dụng, thì chúng ta là một thứ thừa rất khó chịu. Nhưng với một người hướng nội thì dù chúng ta vô dụng hay không, thậm chí chúng ta ăn tàn phá hoại, thì trái tim cô ấy càng thêm thương cảm và bao dung. Khác biệt đúng không? Cùng là một kiểu mối quan hệ đúng không? Mà thậm chí nó vẫn rất tốt đẹp đúng không?

Nhưng đâu là thế mạnh ở trong một cuộc đời?

Đôi lúc trông kết quả rất giống nhau, thực ra chẳng bao giờ giống nhau.

Bạn có thể thắc mắc, đến điểm nào thì người ta đạt được ba thế mạnh đã nói?

Theo quy luật nêu ra trong cuốn Những Kẻ xuất chúng của Malcolm Gladwell: Sau 10.000 giờ sống trong đau khổ và dằn vặt, chúng ta bắt đầu biết đồng cảm, biết quan sát, biết sao chép.

Cũng như thế, sau 10.000 giờ quen toan tính – liên tục toan tính, liên tục suy nghĩ, liên tục tìm các giá trị, liên tục cống hiến – chúng ta sẽ trở thành một người hướng ngoại. Chúng ta biết chinh phục các đích chúng ta cần, biết có giá trị, lí tưởng, theo đuổi nó, tàn nhẫn với bản thân, và tàn nhẫn với những kẻ thừa thãi, sống một cuộc đời rất hiệu quả, đắc lực, được người trên trọng dụng. Chúng ta muốn là người thế nào?

Những người hướng nội thực ra đã có một giá trị dành riêng cho họ. Đấy là, họ có thể hướng nội nếu họ tập trung vào chịu khó, chịu khổ, chịu nhục – hết cách. Nếu họ vượt qua được những điều đấy, họ quen với những điều đấy, thì họ đang thực hiện được 10.000 giờ hướng nội.

Còn lại, chúng ta thường phá hủy những thành quả của mình. Chúng ta làm người hướng nội được hai ngày, đến ngày thứ ba thì thành người hướng ngoại. Chẳng hạn gặp chuyện khó chịu bắt đầu chửi đổng lên: Bố thằng ‘cờ-hó’ chửi mình, láo thế chứ! Đi với cả lại! Nghĩ đến sếp thị: Sếp gì mà tàn nhẫn, ‘khốn nạn’, vô tình!!!

Chúng ta bắt đầu phản ứng như thế.

Nếu là người hướng nội, họ sẽ kiên nhẫn, sẽ dằn vặt bản thân trong giai đoạn đấy. Họ sẽ nghĩ là: Mình đúng là kém cỏi. Chẳng biết đi làm ở đâu, không sống ở đây thì sống ở đâu bây giờ? Cứ khổ sở thế này mãi, ngày nào mới phát lên được…

Nếu họ cứ dằn vặt bản thân, thì chịu khó - chịu khổ - chịu nhục đủ 10.000 giờ, bắt đầu họ trưởng thành.

Bạn có thể nghĩ, thế thì lời khuyên dành cho họ hơi khó? Chưa chắc! Lời khuyên đối với họ là:

Hãy chịu đựng. Hãy CHỊU KHÓ, CHỊU KHỔ, CHỊU NHỤC. Ở đời không có cái “chịu” nào lãng phí đâu

Người Việt Nam quả thực chịu nhịn giỏi, “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.” Tránh, Nhịn nó đi. Ai đánh mình, cúi đầu xuống mình chịu. Nói theo kiểu những người khốn khổ thì, đây là người hướng ngoại nghĩ bên trên, người hướng nội nghĩ xuống bên dưới. Nên ngày xưa thường dạy những người hướng nội, vì họ gần với chuyện tu luyện, tôn giáo hơn, gần với siêu lí hơn, cho nên bảo với họ, chẳng hạn “Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ” (Ma-thi-ơ 5) – đúng theo kiểu người Thiên Chúa, nghe hợp lí!

Từ bi với kẻ thù – nghe hợp lí!

Vị tha với kẻ thù – nghe hợp lí!

Yêu thương kẻ thù như chính mình – nghe cũng có lí nào đấy, cái này thì hơi siêu lí rồi, nhưng họ hợp với điều đấy hơn

Còn nếu chúng ta bảo người hướng nội “Hãy thông minh hơn, hãy biến đổi nó, hãy cho nó thấy sức mạnh của chân lí”, thì tất cả những người nghèo rúm ró ở kia bắt buộc phải trở thành một người bán hàng. Tức là, bắt buộc phải sao chép những kẻ thượng lưu trong xã hội, thì họ mới thấy tự tin hơn.

Chúng ta có thấy một mục đích, một cái ngược đời không? Những người ở bên dưới xã hội là những người khao khát sao chép người bên trên xã hội. Đấy là cái khao khát hướng ngoại.

Giá họ bỏ được qua sao chép đấy, họ sống một cuộc đời như người Việt Nam truyền thống: thực dụng, khôn ngoan, chắc chắn, tiết kiệm, nhân từ, thế thì họ sẽ trở thành những người hướng nội đích thực, những người hướng nội “khỏe mạnh”, lành mạnh. Họ sẽ đạt đến: khả năng quan sát chi tiết, phát hiện nguy cơ; khả năng sao chép, và lấy được cái tốt nhất của mọi thứ; cuối cùng mới là khả năng đồng cảm, thiết lập những đội nhóm của mình

Nghe điều trên, có thể bạn thắc mắc thực dụng là đặc tính của người hướng ngoại chứ!? “Thực dụng” ở đây ý chỉ là họ không chạy theo cái mốt bên ngoài, họ không chạy theo những cái vẻ hào nhoáng bên ngoài – tức là họ bớt đi trò giả vờ làm người hướng ngoại

Cạm bẫy của hướng nội là đóng vai người hướng ngoại, vì tưởng rằng người hướng ngoại là giải pháp cho sự đau khổ của mình. Tưởng rằng đóng vai một người khác là giải pháp cho sự đau khổ của mình, đấy là cạm bẫy của người hướng nội

Khi chúng ta đóng vai một ai, chúng ta có xu hướng coi vai diễn là một sự thật. Nếu chúng ta giả vờ trở thành một người giao tiếp giỏi, chúng ta thật sự muốn giao tiếp giỏi chứ không phải giả vờ

Nhưng một người hướng nội lành mạnh, họ biết rằng họ phải diễn vai đấy cho vừa lòng người kia. Và họ chờ đợi đến lúc trở về nhà, bỏ bộ quần áo ra, nằm ở trong bồn tắm, thở phào:

Thế là xong một ngày! Tất cả các ngươi đang ở ngoài kia, còn ta đang ở trong bồn tắm của ta

Một người lí trí và thông minh như thế, ai có thể xâm phạm được họ?

Nhưng đa phần, như Susan Cain đã phát hiện, chúng ta cứ cố gắng trở thành một người nào đấy. Và hễ cái gì có lợi, có hiệu quả, thì chúng ta lại cho rằng đấy là tốt, lại cố gắng trở thành người đấy. Thật đau khổ, chúng ta lại không thể. Bởi vì chúng ta lẫn lộn. Bởi vì thế giới nội tâm của chúng ta gồm cả hai thứ. Chúng ta không sẵn sàng để đối diện với việc cái gì cũng có giá của nó. Trở thành một người hướng ngoại, sống hợp với xã hội hơn, và chúng ta bớt đau khổ đi, chúng ta bắt đầu giành được cái lợi của mình? Hay trở thành một người hướng nội, cứ đau khổ thế trong nhiều năm?

Sau 10.000 giờ hướng nội, người hướng nội sẽ trưởng thành với những đức tính của người hướng nội

Hãy biết là, họ có một trí tuệ như thế rồi, họ phải sống với những thế mạnh của họ:

(i) nhìn ra tiểu tiết, tìm ra nguy cơ
(ii) sao chép cái tốt nhất
(iii) làm việc nhóm,

họ mới thoát ra được bi kịch của người hướng nội, chứ không phải thoát ra tư cách của người hướng nội. Một người hướng nội có những đau khổ của họ. Và đấy là cái giá để họ có thể vượt lên những đau khổ đấy

Đau khổ là cách để chúng ta vượt lên trên đau khổ. Tất cả những người hướng nội đều biết điều đó. Còn tất cả những người hướng ngoại đều biết khôn ngoan, lọc lõi, tàn nhẫn là cách để vượt lên trên tất cả những hố sâu, những cạm bẫy, sự thất bại, sự đau khổ, sự tổn hại ở đời. Ai chẳng biết thế. Họ biết thế mà!

Bạn có thể thắc mắc, người hướng nội đã quen chịu đựng, khôn ngoan, quan sát rồi, thì có phải đến một mức họ sẽ trở nên lí trí. Thực ra thì lúc đấy không thể gọi là lí trí. Đó được gọi là phẩm giá, là sức mạnh nội tâm, hay sự kiên định, sự vững mạnh chẳng hạn… Hướng ngoại là cách duy nhất để chúng ta mài sắc lí trí như thể mài sắc một con dao bén. Và hướng nội là cách duy nhất để nội tâm của chúng ta vững mạnh như một ngọn núi.

Một người hướng ngoại thì lúc nào cũng dám chịu tổn thương và đau khổ. Đập họ một cái, chửi họ một cái, họ tự ái, đau khổ tưởng chết, bởi thế giới nội tâm vốn mong manh, người hướng ngoại cũng trốn tránh tổn thương bằng cách đi sang hướng lí trí. Nhưng một khi đã trưởng thành, nội tâm phát triển, họ sẵn sàng đối mặt với những đau khổ lớn nhất cuộc đời…

IM LẶNG HAY CƯỜI NÓI ĐỪNG TRÓI BUỘC THÀNH CÔNG | OOPSY>


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147