Trang chủ Blog Introvert

Tư duy như Tư Mã Ý: Bảy câu chuyện và đạo lí rút ra từ nhân vật Tư Mã Ý – phim Quân Sư Liên Minh

By: OopsyAdmin, 2018-07-23 02:21:48

Có bao giờ bạn xem một bộ phim mà những nhân vật đem lại trong lòng thật nhiều suy nghĩ, tâm tư và những giá trị sâu sắc không? Nếu có, bạn thật may mắn. Nếu chưa, hãy xem thử bộ phim Quân sư liên minh.
 
Review phim quân sư liên minh, tâm lý, oopsy

Bộ phim kể về cuộc đời của nhà quân sư mưu lược tài ba Tư Mã Ý. Tư Mã Ý trong phần một bộ phim này được miêu tả như một chàng thư sinh có trí tuệ hơn người, nhưng luôn thu mình ẩn nhẫn, tính cách chàng cứng rắn khó lay chuyển như một “cái mai rùa.” Suốt bộ phim là những diễn biến khác nhau nối tiếp, như một cuộc đời với nhiều biến cố và những sự kiện không lường trước được xảy ra. Tư Mã Ý luôn luôn giữ thái độ duy nhất từ đầu đến cuối: Không để lộ tâm tư, luôn luôn quan sát, cẩn trọng từng đường đi nước bước, như chơi một ván cờ dài. Không tranh thua thắng, chỉ tranh đúng sai.

Bước ngoặt cuộc đời xảy ra khi Tư Mã Ý chấp thuận trở thành người phò tá, người quân sư cho Tào Phi, con trai Tào Tháo, lúc bấy giờ đang nung nấu khát vọng trở thành thái tử. Một lần, Tào Tháo bày ra cuộc thi giữa Tào Phi và em trai là Tào Thực, hòng xem người con nào xứng đáng với ngôi vị thái tử hơn. Luật thi nói rằng, ai đem được cờ hiệu đến cho một vị tướng đứng ở ngoài cổng thành sớm hơn, thì người ấy thắng. Thế nhưng khi đến giờ, Tào Tháo ra lệnh đóng tất cả cổng và không cho phép ai ra vào thành. Bởi thế mà cả Tào Thực lẫn Tào Phi đều bị kẹt trong cổng thành không ra được. Đấy chính là để xem, hành xử của hai chàng trai này sẽ ra sao khi rơi vào cảnh đường cùng.

Tào Thực và người phò tá của anh ta – Dương Tu, vì muốn thắng bằng được đã vung kiếm giết chết người canh cổng thành, để đi ra ngoài và đến gặp vị tướng kia. Tào Phi, lúc ấy ở một cánh cổng khác, cũng vô cùng nóng vội, cũng muốn chém chết người canh cổng để ra ngoài. Nhưng Tư Mã Ý ngăn lại, chàng nói: Chúng ta không tranh thắng thua, chỉ tranh đúng sai. Đại ý là đừng quan trọng chuyện tranh đấu hơn thua, chỉ nên quan trọng chuyện có làm được theo đạo lí hay không. Thế là Tào Phi đành nghe lời mà thu kiếm quay về.

Cuộc ấy Tào Thực thắng, còn Tào Phi để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng quần thần. Ấy là một trong các lí do khiến sau này Tào Phi lên được ngôi thái tử. 

Lối ứng xử của một Bậc thầy giao tiếp

Tư Mã Ý giống như một bậc thầy giao tiếp của thời Tam Quốc. Với người yêu mến mình thì bày tỏ sự trân trọng chân thành, với người khinh ghét mình thì giữ thái độ tôn trọng nhường bước, với người trên hay dưới mình đều giữ đúng lễ nghi, với tất cả mọi người đều giữ thái độ không phô trương, luôn điềm đạm, khiêm cung. Vì thế mà chẳng ai ghét nổi Tư Mã Ý bao giờ.

Những “kỹ năng” giao tiếp đỉnh cao này cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Tư Mã Ý giúp được Tào Phi lên ngôi thái tử. Tào Phi khi đi cùng Tư Mã Ý, từ một chàng công tử khô cứng, lạnh lùng có phần kiêu ngạo dễ làm mất lòng người, đã trở thành một người sẵn sàng chịu khó khổ nhục và biết nhường bước hơn. Người biết chịu khó khổ nhục mà không quên chí lớn, chính là người có thể làm nên đại sự. Nhân vật Tư Mã Ý đã cho người xem thấy rõ điều ấy ở chàng.  

Tâm đại nhẫn

Một trong những người mà Tư Mã Ý từng coi là tri kỷ là Dương Tu, là người phò tá cho Tào Thực – em trai và là đối thủ cạnh trai ngôi vị thái tử với Tào Phi. 
Dương Tu cũng là một người thông minh không kém gì Tư Mã Ý, nhưng do tham danh lợi, phô trương hấp tấp mà sau này đi tới đường diệt thân. Một chàng thư sinh tên Sĩ Quý, con của một vị quan trong triều, sau này là học trò của Tư Mã Ý, từng nói về Dương Tu đại ý thế này: Người ấy cậy có trí tuệ thông minh mà muốn thể hiện mình lấn lướt người khác, hỏi sau này ai có thể bao dung nổi người ấy đây. 

Quả đúng là sau này khi đi theo đoàn quân của Tào Tháo, vì nóng vội tung tin làm rối loạn lòng quân, mà Dương Tu bị Tào Tháo hạ lệnh chém đầu, dù cho anh ta có đang là thân tín của Tào Thực – đứa con mà Tào Tháo yêu chiều chăng nữa. 

Tư Mã Ý khi ấy hay tin Dương Tu sắp bị xử trảm, chàng mang rượu đến khóc tiễn Dương Tu. Tư Mã Ý nói: Ta chưa bao giờ coi huynh là kẻ địch. Còn Dương Tu trước khi bị dẫn lên ngọn đầu đài, nói vói Tư Mã Ý câu cuối cùng: Ta với ngươi khác nhau ở chỗ, ngươi có thể Nhẫn, còn ta thì không. Đến khi đặt đầu mình lên bàn chém, Dương Tu khẽ thổi một con bướm đang đậu để nó bay đi, mọi điều danh lợi tham muốn dường như cũng đều theo cánh bướm mà bay đi.  
Vì đại nhẫn biết lùi mình mà Tư Mã Ý năm lần bảy lượt thoát khỏi sát ý của Tào Tháo. Tào Tháo vốn nhận ra tài lược cao vời của Tư Mã Ý, còn có lần ông chứng kiến đôi mắt bạo liệt như xoáy tâm can của chàng mà lòng thầm khiếp sợ, nên Tào Tháo luôn đề phòng và muốn giết Tư Mã Ý như để trừ một mối họa cướp ngôi.

Thế nhưng ông ta chưa bao giờ hạ lệnh làm điều ấy, có thể nói rằng chính vì thái độ luôn sẵn sàng phục tùng và tôn kính người trên của Tư Mã Ý, mà Tào Tháo đã không giết nổi chàng. Đến đây ta lại nhớ đến câu chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng năm xưa, mà sau này có thể làm nên việc lớn. Thế mới biết chữ nhẫn quan trọng thế nào, và dựa vào chữ nhẫn ấy người ta có thể tiến tới bao xa. Quan trọng nhất chính là, người ta cúi mình vì phục vụ cho chí lớn và đại nghĩa, người ta cúi mình không phải vì lợi ích nhỏ hẹp của bản thân. 

Vì mang tâm Đại Nhẫn như thế, Tư Mã Ý suốt thời trẻ tuổi luôn thể hiện là một nhân vật biết lùi mình, kín kẽ không phô trương, mọi suy nghĩ đều cẩn mật. Chàng nói với vợ mình, Xuân Hoa, rằng: Ta không giỏi bắn cung đấu kiếm, nhưng tâm tư ta chặt chẽ, không sai bao giờ. Và đúng là thế, mỗi quyết định của Tư Mã Ý đưa ra dù có vẻ vô lí nhất nhưng luôn chính xác không chệch khỏi tính toán của chàng. Như thể một người chơi cờ đã biết sẵn đường đi nước bước của mình sẽ có kết quả ra sao.

Có những lúc mọi chuyện tưởng chừng rối ren lắm rồi, Tư Mã Ý vẫn giữ mình tỉnh táo, bình thản. Lần ấy khi xảy ra một biến cố, Xuân Hoa vợ ông vô cùng lo lắng, nhưng Tư Mã Ý nói rằng: Dù có xảy ra chuyện gì, thì đêm trăng này vẫn là của chúng ta (ghi chép không nguyên văn). Ông ngồi đó và để Xuân Hoa tựa đầu vào vai mình, hai người cùng ngắm mặt trăng ngày rằm vành vạnh sáng trên bầu trời đêm. Mọi sự Tư Mã Ý khi ấy đã thấu biết rồi, chẳng có gì đáng làm chàng e sợ nữa, chỉ có điều quan trọng lúc ấy là làm trái tim người mình yêu được bình yên lại. Cuộc đời Xuân Hoa được ở bên cạnh một người như Tư Mã Ý, hẳn là cuộc đời mà cô gái nào cũng thấy đáng trân trọng. 

Không cho mình là giỏi nhất

Thông minh và kiên quyết là thế, nhưng Tư Mã Ý luôn biết mình biết người, ông biết nhìn ra điểm tốt, biết nghe lời phải từ người khác mà tiếp thu. Có lần, Tư Mã Ý tìm đến cầu xin sự giúp đỡ của một vị quan thân cận Tào Tháo khi cha ông bị bắt giam, lúc này ông gấp gáp hơn bình thường, vì lo cho sự an nguy của cha mình. Sự lo lắng ấy cũng là một thứ tình nghĩa đáng trọng.

Tuy vậy không phải vì tâm cảm ấy mà Tư Mã Ý đánh mất đi lí trí, ông đã học được thêm từ vị quan giúp đỡ ông rằng: Muốn làm việc lớn, không thể chỉ dựa vào trí tuệ của một người, mà còn phải biết xét đến tình thế và lòng người – giống như ngày nay chúng ta hiểu là cần xét đến toàn thể sự việc và những con người liên quan, hay là tìm kiếm sự phối hợp và biết cân nhắc đến hoàn cảnh chung vậy. 

Thần tượng của Tư Mã Ý là Gia Cát Lượng, ông luôn biết rằng tài trí của ông không thể nào sánh với Gia Cát Lượng, lòng ông khi ấy chỉ mong có ngày mình sẽ được gặp người này. Vì trí tuệ thấu hiểu, mà sau này Tư Mã Ý được Gia Cát Lượng coi như một người tri kỉ của ông, dù hai người là đối thủ của nhau đến tận khi Gia Cát Lượng mất. 

Kỷ luật

Một trong những biểu hiện về tính kỷ luật của Tư Mã Ý là sự cố gắng duy trì hàng ngày những bài luyện thân thể, những bài luyện mà Thần y Hoa Đà từng chỉ cho ông. Ông đã luyện tập nó suốt đời, ngay cả trước khi chết. Tư Mã Ý không sa đà vào vui thú hưởng lạc, chỉ một lòng tận tụy với những mục tiêu mình đặt ra.

Ông từng khuyên Tào Phi đừng nên mải mê săn bắn vui chơi mà quên rèn giũa mình, đừng coi việc “nhịn đi chơi” như thế là tù túng kìm hãm, hãy coi đó như là sự biết giữ quy củ cho mình. Người biết giữ mình, ắt làm được việc lớn. Giống như câu nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Thánh nhân Khổng Tử - người không “tu thân” thì sao có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được. 

Ôm hoài bão không quản thời gian, không quản gian khổ

Phần hai của Quân sư liên minh kể lại cuộc đời Tư Mã Ý từ tuổi trung tuần đến cuối đời. Lúc này ông đã không còn giữ vẻ bình hòa như thời trẻ, mà có một điều gì đấy thâm trầm hơn và cả tàn nhẫn hơn.

Tuy thế, có một chi tiết rất ấn tượng về quyết tâm thực hiện hoài bão của ông – đó là Tư Mã Ý nằm giả bệnh trong mười năm liên tiếp, chờ thời cơ để lật đổ Tào Sảng – họ hàng với Tào Phi, lúc bấy giờ đang lấn lướt quyền lực nhà Ngụy.

Ông nằm mười năm trên giường như một người mắc bệnh nặng, đến cả người vợ thứ luôn chăm sóc ông cũng không phát hiện ra. Suốt thời gian ấy, Tư Mã Ý âm thầm chuẩn bị kế hoạch cùng với hai người con trai mình, quan sát tình thế từ những tin tức được chuyển đến, tình yêu hay những cảm xúc vụn vặt không còn là điều gì quan trọng khi người ta đã xác định con đường của mình. Có thể ông cũng không nghĩ đến điều gì như là sứ mệnh, nhưng sự ẩn nhẫn mười năm, đặt xuống cả tuổi trẻ cả tình yêu cả niềm vui sống để đi theo con đường mình chọn, không phải là điều ai cũng làm được. 

Mối quan hệ đích thực

Một chi tiết tuyệt vời nữa được diễn ra trong suốt phần hai bộ phim này là tình bạn giữa Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng. Tình bạn của hai vị quân sư ấy được đạo diễn phim miêu tả lại đẹp như một bài thơ. Họ vừa là đối thủ vừa là tri âm tri kỷ của nhau. Chỉ cần nghe tiếng đàn của Gia Cát Lượng trong cổng thành trống, Tư Mã Ý đã hiểu hết tâm tư của ông rồi. Chỉ cần cùng ngắm nhìn bầu trời trong thinh lặng, người này đều đã biết lòng dạ người kia có gì. Chỉ tri kỉ mới có thể hiểu nhau đến thế, nên Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng tuy là đối thủ nhưng cũng chưa bao giờ là kẻ địch của nhau.

Gia Cát Lượng giống như một người bạn chơi cờ với Tư Mã Ý. Hình ảnh đánh cờ của hai người là một hình ảnh tượng trưng, được đạo diễn xây dựng bằng một cảnh tượng trong “không gian khác.” Gia Cát Lượng đã nói trong ván cờ ở không gian ấy, rằng, “tàn cuộc này, ta để cho ngươi.” Và thế là ông ra đi trước. Tư Mã Ý vì thế mà thắng cuộc. 

Hay tin Gia Cát Lượng mất, ông đã khóc và nói về Gia Cát Lượng đại ý rằng, tấm lòng của ngươi thuần khiết như nước vậy. Tất cả chi tiết diễn ra trong những cuộc giao tiếp của hai người, là những sự thể hiện có lúc thì phô bày rõ ràng, có lúc thì chỉ đơn thuần là những giao tiếp im lặng, không cần lời nào, chỉ có sự thấu hiểu, đấy là một mối quan hệ sâu sắc đích thực, thân gần mà không có bi lụy. Đến đây lại nhớ câu nói của Trang Tử: Người quân tử giao du với nhau, tình như nước lã; kẻ tiểu nhân giao du với nhau nồng như rượu. Tình người quân tử nhạt mà càng thân, tình kẻ tiểu nhân nồng mà sẽ tới sự tuyệt giao. Không vì lợi mà hợp nhau thì cũng không vì lợi mà chia rẽ nhau. Vậy đấy, đấy là những gì còn đọng lại từ nhân vật Tư Mã Ý của Quân sư liên minh. 
Nếu có thể:
- Giữ tâm đại nhẫn, 
- Làm theo kỷ luật hàng ngày, 
- Ôm hoài bão không quản ngại, 
- Luôn cố gắng làm theo đạo lí, 
- Ứng xử bằng sự chân thành và mẹo giao tiếp thông minh
Hẳn là ta cũng có thể trở thành một Tư Mã Ý cho đời mình, một người sống cuộc sống như chơi một ván cờ –  ván cờ tự tại, khôn ngoan và cao thượng.


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147