Trang chủ Blog Nhân cách

Đây là thời đại sinh ra những ẢO TƯỞNG: ảo tưởng về bạn thân, bạn bè, và ảo tưởng về người yêu

By: OopsyAdmin, 2020-04-04 00:26:38

BẠN BÈ VÀ NGƯỜI YÊU –THÁI CỰC THAM DANH VÀ THAM ÁI 

Trong cấu trúc mà tôi luôn luôn nhận định, không gian con người có những vòng xoay, từ nhỏ đến lớn, vì con người thực ra là các lớp tâm lí. Một là chính mình, đấy là vòng đầu tiên – một cái chính-mình. Nhưng chính-mình, chỉ riêng nó thôi, nó cô độc và lẻ loi. Điều khổ thân là chúng ta luôn luôn sống trong những trạng thái cô độc và lẻ loi dẫu có bao nhiêu người bên cạnh.

Chẳng hạn, một cô gái nọ sống một mình thấy cô độc, có thêm một cô bạn khác sống cùng liền thấy mình lẻ loi. “Cô bạn khác” ấy thì sống một mình đã cảm thấy mệt mỏi, có thêm cô gái nọ bên cạnh thì cảm thấy mình không được thấu hiểu. Chúng ta không-đủ, cho nên để cảm thấy an toàn, chúng ta vẽ thêm một vòng nữa – lớp thứ hai – chúng ta có gia đình.

Nhưng có gia đình thì vẫn chưa đủ. Bạn thấy không? Ai cũng nghĩ là chỉ cần một mái ấm. Nhưng khốn khổ, khi đi ra đời có gia đình thôi thì không đủ, vẫn thấy trái tim rất đau đớn. Lúc nào cũng cảm giác mình có thể bật khóc, lúc nào cũng cảm giác không đủ.

Có những người lớn lên, nhất là trong tuổi thanh xuân, khi người ta dậy thì, rồi bắt đầu có một tuổi trẻ “mơm mớm” vào người ta, họ thấy là có những ngày đen tối chẳng muốn về nhà, kể cả biết là “ông bà già” yêu thương mình lắm. Về nhà bố mẹ chỉ hỏi “Con thế nào rồi?”, rồi nấu cơm cho, lấy nước cho. Bạn từng trải qua rồi đúng không? Lúc đấy cảm giác không về nhà nổi, cảm giác con đường tăm tối, bầu trời như sập xuống. Gia đình cũng không-đủ. Thế là, chúng ta lại cần thêm một vòng nữa.

Chúng ta cần thêm bạn: Bạn bè, bạn thân. Đây là hai vòng nối liền nhau, gia cố cho nhau. Có hai vòng này chúng ta mới bắt đầu cảm thấy đời ổn.

Có rất nhiều người tụng ca vòng bạn bè này. Thực ra vòng này chỉ tụng ca được khi thanh xuân, và tất nhiên là về sau, khi trưởng thành, người ta không lặp lại nữa. Khi thanh xuân tức là khoảng nào? Thực ra khi thiếu thời, vào khoảng 12-13 tuổi – cái tuổi dậy thì, người ta cần một chỗ bên cạnh; cần một thằng bạn để khoác vai; cần một cô bé nào đấy để tỏ cõi lòng; cần một hội nhóm nhỏ nhỏ ở trong lớp, mọi người xưng hô, gọi nhau theo kiểu gia đình: “Cha ơi”, “Chị ơi”, “Chú ơi”… Bạn trải qua chưa? Nhất là ở Việt Nam rất dễ trải qua, đúng không?

Đấy là một cuộc đời “ngớ ngẩn,” nó có những mùi mật ngọt, nó vô tư nhất, chúng ta tìm kiếm những bản ngã ở bên ngoài. Tất cả chúng ta đều sống trong cùng một nỗi chán ghét gia đình. Chúng ta cùng cảm thấy cuộc đời rất tăm tối. Mỗi lần thất tình không biết dựa vào ai, chúng ta kéo nhau đi ăn những quán ăn nhỏ nhỏ. Bạn trải qua rồi đúng không? Đấy là một cuộc đời kỳ lạ như thế, và chỉ ở trong tuổi thiếu thời thanh xuân thôi, bạn bè mới có nghĩa.

Trên Reddit, người ta thống kê quy luật tâm lí thế này: nếu bạn đang ở độ tuổi thanh xuân, độ tuổi thiếu thời; nếu bạn đang học trung học; bạn nhìn bạn bè mình xung quanh – sáu năm nữa thôi, 90% trong số đấy sẽ không còn liên hệ với mình.

Không ai tin nổi, nếu như chúng ta ở tuổi đấy, chúng ta không tin nổi. Nhưng cuộc đời rất khốn khổ, và vẫn cay nghiệt. Dòng đời vẫn xô đẩy người ta như thế. Hóa ra, rồi chúng ta đa phần sẽ lãng quên cái vô tư đấy. Nhưng khi nào chúng ta lãng quên tất cả những sự vô tư đấy? Khi chúng ta lớn lên, và không vô tư nữa.

Và chúng ta có thêm một vòng, một vòng khẳng định cái Tôi. Bởi vì gia đình làm cho chúng ta mệt mỏi, bạn bè thì làm chúng ta vô tư, nhưng cũng phải khiến chúng ta quên mình đi, chúng ta bắt đầu phải cố gắng nhớ ra mình là ai. Và một khoảnh khắc, chúng ta nhớ ra là chúng ta có người yêu, và chúng ta muốn yêu một ai đấy. Đây là những chuyện người ta kể suốt cuộc đời, kể cả khi người ta đã già.

Kỳ lạ, tình yêu đẹp nhất lúc thanh xuân, nhưng người ta cứ tiếp diễn chuyện này suốt cuộc đời. Bởi vì yêu một người cho phép mình tìm lại mình giữa một cuộc đời, giữa hai cái vòng kim cô của cuộc đời, một khi đã trưởng thành.

• Vòng kim cô thứ nhất khiến người ta mất đi sự vô tư, đấy là vòng kim cô “Chợ”.
• Vòng thứ hai là vòng của Đô thị nói chung – không gian công cộng, đúng hơn là: Cuộc đời.

Hai vòng Chợ - Cuộc đời này khép chặt lại. Nó giống như những vòng kim cô siết vào. Mỗi lần nó siết vào, chúng ta muốn yêu nhiều hơn. Chúng ta đôi lúc nhớ lại bạn bè, chúng ta gần với gia đình hơn, chúng ta tìm cảm giác là mình, trong cảm giác bị trói chặt đấy.
Cái Chợ và cái Đô thị này, thực ra nó là một mốc khi người ta đã trưởng thành. Còn người yêu và bạn bè thanh xuân, nó là một dấu mốc khi chúng ta đang thanh xuân.

Bạn bè và người yêu đẹp nhất khi chúng ta thanh xuân. Tuổi trẻ, tuổi trẻ bất tận, bất tử, tuổi trẻ của những trái tim mơ mộng – chúng ta vẫn sống trong ngày đấy. Dù chúng ta bao nhiêu tuổi, dù chúng ta già cỗi, đau khổ, chúng ta luôn luôn nhớ một thời thánh khiết kỳ lạ.

Có những bộ phim người ta dựng lại những câu chuyện rất dễ thương: Một người trải qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời, ngồi một chỗ, rồi tự nhiên ngồi hút điếu thuốc, nhớ lại mấy người bạn thời thanh xuân, cùng nhau anh em hảo hữu chiến đấu, nhưng cuối cùng mỗi người một nơi, tang thương số phận.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy là có điều rất kỳ lạ thế này, khi chúng ta nghe câu chuyện về những người bạn cũ của mình thành đạt, thực ra chúng ta không vui lắm. Nhưng khi chúng ta nghe thấy một ai đó tổn thương, đau đớn, bất hạnh, mất mát, thì chúng ta có một niềm hoài tiếc, một cái gì đấy rất đẹp xảy ra trong lòng. Một đằng là một cái xấu xảy ra, chúng ta chẳng vui gì khi người ta thành đạt, nhưng một đằng chúng ta lại thấy mình rất có một tâm hồn đẹp đẽ khi ai đó bất hạnh, tổn thương.
Tại sao lại như thế? Bởi vì đi qua một thời thanh xuân, chúng ta sống với bạn bè, với tình yêu của thời thanh xuân, hóa ra chúng ta tích lũy nhiều tổn thương hơn là hạnh phúc. Hóa ra những cuộc sống vô tư đấy có quá nhiều mảnh vỡ, quá nhiều những vết dằm nhỏ, những vết xước trong trái tim. Nó không phải là vết thương, nhưng nó là những vết xước. Và hóa ra những vết xước ấy có thể còn đau đớn, và còn đay nghiến chúng ta nhiều hơn là những vết thương của cuộc đời mang đến.

Nhưng tại sao lại như thế? Bởi vì thời thiếu thời – thời dậy thì là thời người ta hình thành tính cách. Đấy là thời chúng ta bắt đầu định hình bản sắc (Dậy thì mà!). Chúng ta định hình thân thể, định hình tâm lí. Chúng ta bắt đầu biết Mình là ai. Đấy là thời tuyệt đẹp, ai cũng chỉ có một thời nho nhỏ đấy thôi.

Trong thời đó, sau khi chúng ta cấu thành mình, những vết thương, những vết nứt nho nhỏ ấy, nó chạy lờn vờn trong trái tim. Nó ở nguyên đấy, không mất đi đâu cả. Và lúc nào chúng ta chạm được vào những mấu chốt đấy, những vết nứt đấy, chúng ta mới có thể bật khóc.

Đây là thời đại sinh ra những ảo tưởng, ảo tưởng về bạn thân, bạn bè, và ảo tưởng về người yêu. Sau khi chúng ta đã ở một tuổi nhất định, chúng ta học cách chiến thắng đô thị, chúng ta học cách chiến thắng những món hàng vật chất để giành lại tự tin. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có yên bình, không bao giờ hạnh phúc và không bao giờ tin vào bản thân mình, nếu chúng ta không chiến thắng những vết thương của thời thanh xuân, những vết thương ảo tưởng.

Hai vòng xã hội: Bạn thân và người yêu – mà chúng ta cứ tưởng là mình. Đấy là những vòng chúng ta đều gọi là thân thiết, đây là những cái mà chúng ta nghĩ Đây là mình đây rồi!

Làm sao để vượt qua bây giờ? Làm sao để mỗi lần nghe đến câu chuyện về bạn bè, chúng ta không đố kỵ, hoặc là không phải thương cảm? Chúng ta có thể mỉm cười khi nghe câu chuyện về họ, chỉ cần biết thế thôi. Đấy là một con người trưởng thành, rất trưởng thành mới có thể như thế.

Ở vòng xã hội thứ nhất, điều gì xảy ra giữa chúng ta với bạn thân, với bạn bè? Thực ra bạn bè ở đây chúng ta đang nói đến bạn thân là chính.

Làm thế nào để vượt qua một thuở thiếu thời đầy những vết xước? Nhấn mạnh rằng đây là thời gian tích lũy những vết xước, những ảo tưởng, những điều đẹp đẽ nhất cuộc đời. Nó sẽ theo chúng ta một cách âm thầm, rất khó nhận biết.

Chúng ta phải nhớ, bởi vì đây là giai đoạn hình thành tính cách, identity – bản sắc, cho nên nó có một điều kỳ lạ, đấy là nếu như chúng ta không làm chủ được nó (chứ không hẳn là vượt qua nó) thì chúng ta sẽ luôn luôn bị nó chi phối. Bạn hiểu điều này không? Tức là, nếu chúng ta không làm chủ được những gì do bạn thân kiến tạo cho chúng ta, chúng ta sống trong một nhân cách được kiến tạo nhờ người ngoài.

Bởi vì với con người, bạn hãy nhớ là cái Mình – Self luôn luôn cô độc. Nó luôn luôn thắc mắc về bản thân, nó luôn luôn muốn tìm cách để định nghĩa mình bằng một người ngoài. Chúng ta có thể nói là: A là ai? B là ai? C là ai? Là con ai? Là bạn ai? Là người yêu của ai? Có gì ở trong tay?... – Chúng ta luôn luôn định nghĩa mình bằng một cái gì đấy ngoài mình. Không có một cái ngoài mình thì chịu, không thể định nghĩa nổi. Và khốn khổ là nếu những tính cách theo kiểu những thuộc tính cơ bản được gia đình đào tạo thì vào lúc chúng ta định nghĩa mình mạnh mẽ nhất, việc Mình là ai và Hình thành những tính cách xã hội thế nào lại phụ thuộc vào quá trình chúng ta yêu một ai và chúng ta thân một ai.

Yêu ở đây theo nghĩa nam-nữ; và thân theo nghĩa bạn bè – có người yêu, có bạn bè. Vòng xoay này tráo đổi liên tục. Nên chúng ta đừng ngạc nhiên với chuyện tình tay ba – tự nhiên tên bạn thân cướp mất cô người yêu của mình. Chuyện đấy xảy ra vào thanh xuân là chính, chứ trưởng thành thì chẳng ai dám. Tất nhiên, vẫn có những chuyện oái oăm xảy ra trong đời, vì có những người hơn 30 tuổi rồi, người ta vẫn có người yêu, và vẫn có bạn thân, bạn bè.  

Thực ra về nguyên tắc, người trưởng thành không có bạn thân đâu, chỉ có đồng nghiệp – đi đâu chỉ có đồng nghiệp, bằng hữu thôi – và người ta giữ một khoảng cách với nhau. Đến nỗi, người Trung Quốc ngày xưa, “Tam thập nhi lập” (ngày xưa 25 tuổi là già, 30 tuổi là trưởng thành rồi), tiêu chuẩn của quân tử: “Quân tử không nhìn vào mặt vợ bạn” – người ta phân biệt đến mức đấy! Cho nên, những chuyện tình lẫn lộn giữa người yêu với bạn bè là của những đứa trẻ không lớn. Tức là 30 tuổi rồi, nhưng trong tâm hồn họ vẫn nhạy cảm, vẫn dễ bị chi phối, vẫn nức nở như một đứa trẻ, vẫn suốt ngày tham gia những cuộc nhậu.

Tại sao? Bởi vì chúng ta có cả một thế hệ có quá nhiều áp lực của công sở, đến mức chúng ta chống lại cuộc đời, bằng cách sống lại thời niên thiếu trong những hình thái mới: trong bạn bè, trong người yêu. Chúng ta có những buổi tụ tập, liên hoan, những buổi nhậu, những buổi hát karaoke; những ngày ngồi bên lề đường, ăn toàn những món vô bổ (trong khi rõ ràng ở nhà mình nấu ngon hơn!) Chúng ta chỉ thừa thãi đến thế khi chúng ta chống lại cuộc đời bằng thời thiếu thời lặp lại. Một đứa trẻ không bao giờ trưởng thành, sống mãi trong một tình trạng không trưởng thành, không ý thức được bản thân. Và dù họ mạnh mẽ bao nhiêu, dù họ tuyên bố điều gì về họ, họ cũng cực kỳ yếu đuối, bạc nhược.

Nếu chúng ta có thể sớm nhận thức những điều này, thì chúng ta sẽ chiến thắng ảo tưởng về bạn bè và người yêu từ sớm. Nếu không, chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong hai tâm lí: (i) tham ái, (ii) tham danh. Và hai thứ này sẽ đay nghiến người ta đến chết. Cuộc đời khiến người ta tham lợi, nhưng bạn bè khiến người ta tham danh – muốn chứng tỏ trước bạn bè. Người yêu khiến người ta tham ái, để cảm thấy mình được yêu thương. Hai thứ này sẽ sống với họ đến cuối đời – đứa trẻ không lớn.

Tất cả thứ này hình thành nên thời thiếu thời. Chúng ta sẽ phải chiến thắng nó – có một cuộc thánh chiến với những điều đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ. Đây là điều rất khó để làm được. Ai có thể chiến thắng những điều đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ? Ai dám tuyên chiến với nó? Ai dám tuyên chiến với kỷ niệm?

Trong bộ bài Tarot, lá Six of Cups có nghĩa là gì? Khi nào cảm xúc trở nên đẹp đẽ nhất: Khi nó hồi tưởng. Chỉ có trong hồi tưởng, cảm xúc trở nên đẹp đẽ nhất. Và đẹp đẽ nhất (Six – số Sáu) là khi hồi tưởng về bạn bè và người yêu – “Hai mảnh bạn bè, ba cốc tình yêu.” Và đấy là một miền quá đẹp đẽ để chiến đấu. Nó là một miền ảo tưởng, và những vết xước nó để lại đều mang màu sắc ảo tưởng, chúng ta thánh thiện hóa nó lên.

Thực ra nếu sống lại thời niên thiếu, chúng ta thấy là: Bạn bè cũng vừa phải thôi, nó có gì tốt với mình đâu? Nó cũng chỉ quan tâm đến nó, nó cũng chỉ yêu nó. Nó khoe với mình những thứ nó có. Nó chia sẻ với mình một tí, tuy vô tư nhưng thực ra nó khoe mẽ. Nó trục lợi từ mình theo một cách nào đấy. Nó nói xấu mình sau lưng, mà chẳng qua mình không biết. Nhưng khi đi ra cuộc đời, khi người ta trở nên già hơn một chút, khi người ta đau đớn nhiều hơn một chút, bỗng nhiên người ta cảm thấy: Đấy là tất cả những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình, đấy là một thời đại vô tư. Tất cả những điều đấy là hiểu lầm cả!

Khi người ta bước từ thời trung học lên đại học, người ta phải rời bỏ cuộc sống xung quanh một quận, huyện, lên học với học sinh toàn quốc – tức là học sinh đến từ những địa phương khác nhau, mang theo nền văn hóa khác nhau. Họ có rất nhiều điều chấn thương, có rất nhiều điều họ không ưng ý, có rất nhiều điều họ khó chịu. Họ lại nghĩ là: Thời trung học đẹp quá! Thời trung học là thời rất vô tư, thời đại học đúng là không bằng! Nhưng đến khi đi ra đời thì sao? Họ lại bảo: Đẹp nhất là thời đại học, thời sinh viên, thời thanh xuân đẹp nhất! Bởi vì càng lớn lên họ càng thấy cuộc đời nghiệt ngã lắm, họ nghĩ: Đáng lẽ bốn năm sinh viên, ta phải sống đẹp hơn! Tất cả những điều đấy rất vô nghĩa.

Khi chúng ta nghĩ như thế, chẳng qua đấy chỉ là những ảo tưởng được thêu dệt. Chúng được thêu dệt để chúng ta chống lại những vết thương quá lớn của cuộc đời. Và chúng ta sống mãi ở trong lòng tham ái, tham danh. Tất cả những thứ này chỉ được kiến tạo nhờ những mối yêu đương vớ vẩn.

Thực ra chuyện yêu đương và những thói khoe mẽ với bạn bè là những thứ “đầu tiên,” nguyên sơ của thời trẻ. Nói chung, không có bạn bè, thì chúng ta sẽ không có hai thói này: Khoe mẽ và tham ái – tham tình, muốn được người ta yêu. Không có bạn bè, không có trường trung học, chúng ta không có những thói này đâu. Và nó chỉ được kiến tạo mạnh mẽ nhất trong thời này, nó in hằn trong chúng ta. Vượt qua nó là vượt qua một loạt những ảo tưởng.
Cho nên, những trò Bựa để chiến thắng thế giới bạn thân là những cách để chúng ta vượt qua những ảo tưởng về cái được gọi là bạn thân, và sau đấy, cái được gọi là người yêu.

Chúng ta sẽ đi qua thế giới của bạn thân trước.

Thái cực tham danh – tham ái. Người đã tham danh, nhất định sẽ tham ái. Người đã có nhiều bạn bè, nhất định sẽ yêu đương. Và thường, trong thế giới đấy, tại sao chúng ta lớn lên với nỗi sợ phản bội? Bạn thấy vô lí không?

Thực ra, “phản bội” là một từ rất kỳ quặc ở trong cuộc đời con người, nếu như người ta nghĩ một cách bình thường. Khi chúng ta lớn lên, gia đình không thể phản bội chúng ta, bạn thân không phản bội chúng ta, người yêu không phản bội chúng ta, cho dù chia tay rất đau đớn. Trong công việc, đồng nghiệp cũng không phản bội chúng ta, họ chỉ có thể tranh giành với chúng ta.

Từ “phản bội” ở đâu mà ra? “Phản bội” là một từ của thanh xuân, chúng ta sợ hãi mất tất cả. Chúng ta thấy bạn bè không thật sự là bạn bè, người yêu không thật sự là người yêu, không ai thật sự chân thành với nhau. Và chúng ta cũng không chân thành với họ. Chúng ta cần họ nhưng chúng ta không thật sự vì họ. Và ai cũng sống ở trong những xốc nổi của mình. Đấy chính là những ý nghĩa đầu tiên cấu thành nên “phản bội”.

Nỗi sợ lớn nhất của tuổi trẻ là “phản bội”, sợ một người bạn thân không còn thân với mình nữa – một người đi chơi với mình bao nhiêu lâu, bỗng nhiên họ không còn tốt với mình nữa. Tất cả những nỗi sợ này đến từ thiếu thời. Nó có những mấu chốt lặng lẽ như thế. Nó hằn lại ở trong cuộc đời của chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra.

Chúng ta chỉ sợ phản bội khi chúng ta có bạn bè. Và không phải là vì chúng ta sợ bạn bè phản bội, mà chúng ta luôn luôn linh cảm từ thời ấu thơ, từ thuở bé, từ thời thiếu thời, là: Rõ ràng chúng nó không như chúng nó nói. Và rõ ràng chúng ta có một cuộc chiến với bạn bè, một cuộc chiến để ai cũng tỏ ra mình hơn người còn lại – một cuộc chiến khoe mẽ, một cuộc chiến nhà giàu – nhà nghèo, một cuộc chạy đua. Cho nên những mốt bán cho trẻ con bao giờ cũng được nhất, vì chúng chạy đua để bằng bạn bằng bè. Đấy là một động lực suốt đời của chúng ta, và là một vết thương suốt đời để chúng ta lớn lên.

Một người không thể có tự tin đích thực nếu người đấy vẫn còn so sánh với người khác. Nếu người đấy vẫn còn cảm thấy mình phải chứng tỏ với người khác, nếu người đấy thấy những giá trị ở nơi mình không đẹp bằng những giá trị người khác có, nếu người đấy thấy có một động lực phải đố kỵ, phải ghen tức với người khác (tham danh đấy!), thì đấy là một người vĩnh viễn không có tự tin đích thực. Đấy là một chàng trai trẻ đích thực, là một cô gái vẫn thuở thiếu thời đích thực, vẫn lớn lên từ một thời tiểu học, trung học và vĩnh viễn không trở thành người lớn. Đến già mà chúng ta vẫn thế, thì chúng ta chỉ là một đứa trẻ bạc đầu. Chúng ta sống mãi trong tình trạng một cô cậu học trò, luôn luôn sợ bị phản bội; luôn luôn sợ mệt mỏi; luôn luôn cảm thấy cần phải khoe mẽ, cần phải tranh đấu, cần phải phô trương; luôn luôn cần đến những bộ cánh đẹp; luôn luôn cần thấy mình là một ai đấy trong mắt người khác.

Và tất cả những thứ đấy, khốn khổ thay, được rèn đúc từ một quãng đời tưởng như vô tư nhất. Chúng ta tô hồng nó, nhưng trong khi càng tô hồng, thì giống như tô giấy, càng tô càng hiện lên những vết hằn như thế này:

Bạn đã bao giờ tô kiểu đấy chưa? Giống như đánh bóng, càng tô càng hiện lên những vết hằn. Hóa ra tuổi trẻ của chúng ta thật “đáng sợ,” khủng khiếp, tệ hại – hơn hẳn những gì chúng ta nghĩ.

Cho nên, một trong những điều khi một người bước vào tu luyện (nói theo kiểu văn hóa thời cổ), điều đầu tiên họ được yêu cầu là không được liên quan đến hồng trần, tức là phải gạt bỏ sạch những vết thương mà thế gian mang lại. Nhưng có những vết thương mang suốt đời không gạt hết đi được.

Những vết thương, những ấn tượng của bạn bè, kiến tạo một thế giới bạn bè ảo tưởng. Trong đấy chúng ta luôn luôn sợ hãi sự phản bội, luôn luôn tìm cách phô trương bởi vì đố kỵ, luôn luôn khổ sở với tất cả những thứ bạn bè có ở đấy và có trước mặt chúng ta – Nhà bạn này ổn, nhà bạn kia tốt, nhà mình không ổn./ Mình đang giàu hơn đứa này, mình không giàu bằng đứa kia./ Mình không được bằng tên ấy./ Nhà nó mua xe, nhà mình chưa./ Nhà mình 15 mét vuông, nhà nó 30 mét vuông, hay Nhà mình chỉ rất chật hẹp như thế, thế quái nào mà tên kia hắn giàu thế nhỉ?

Tất cả những thứ đấy, khốn khổ thay, được “sinh thành” ra từ thời học sinh. Nếu chúng ta nhớ kỹ, và hãy nhớ kỹ là, từ thời học sinh, chúng ta rất để ý đến nhà ai giàu, nhà ai nghèo, ai có gì… Những suy nghĩ đó ra đời trong thời đấy, không đâu khác. Chúng ta cứ sống mãi như một đứa trẻ như thế. Và chúng ta sẽ không bao giờ có tự tin đích thực, luôn luôn âu lo trước cuộc đời, luôn luôn thấy mình dễ dàng đánh mất mình khi ở cạnh một ai khác.

Thế nên, những trò Bựa này chính là để đánh thắng thế giới bạn bè.  

*********

Trích sách: Mùa hè năm ấy tôi đã biết ai thật sự là bạn thân

Tâm lý, oopsy, bạn bè, phản bội


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147