Trang chủ Blog Nhân cách

Đối mặt với BÓNG ĐÊM của chính mình: SẴN SÀNG LÀM ÁC, làm tổn hại người khác để có được THÀNH CÔNG, để gia đình êm ấm

By: OopsyAdmin, 2020-04-04 00:26:39

Trò Bựa thứ hai: Nói với mọi người trong nhà là mình trúng vé số độc đắc nhưng đã đốt đi

Trò này không chỉ thực hiện trong 1 đến 2 hôm mà nó cần được kéo dài.

Chúng ta biết là cảm giác về sự giàu có do đoạt được từ cuộc đời này một cách ngẫu nhiên, nó rất đặc biệt trong mọi đứa trẻ và mọi gia đình. Hãy tưởng tượng đến cảnh khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta đi ngoài đường và nhặt được một chiếc nhẫn vàng, nhặt được tờ 5.000đ hay 10.000đ và chúng ta chạy về. Cảm giác nhặt được đồ này rất thú vị đúng không? Nó cực kỳ tuyệt vời. Nó đẹp với mọi dân tộc.

Ngày xưa người ta hay nói đùa về Bill Gates thế này: Nếu như bây giờ có tờ 100 đô la rơi trên đường, Bill Gates sẽ không cần phải nhặt nó. Bởi vì với thời gian nhặt đó, ông ấy còn kiếm được nhiều hơn thế.

Chúng ta đang nói về chuyện gì: nhặt được của rơi! Ví dụ đấy xét về mặt tâm lí học là rất tâm thần. Tại sao lại so sánh chuyện người ta kiếm tiền và chuyện nhặt được tiền? Bởi vì thứ nhặt được là một thứ không phải bỏ công sức – chúng ta đang lấy của cuộc đời về cho mình. Và với thứ cho mình này, hạnh phúc nhất là chúng ta đem nó về cho gia đình.

Khi đem nó về, chúng ta nói: “Bố/mẹ xem, con vừa nhặt được ngoài đường tờ 100 đô la, không biết ai làm rơi.” Cảm giác đấy hạnh phúc hơn hẳn so với đút nó vào trong túi và đi mua thứ gì đấy mà không cho ai biết.

Chẳng ai giữ bí mật như thế đâu! Người ta nhặt được của rơi, thể nào cũng sẽ về kể cho người nhà, vì đó là hạnh phúc từ thời còn bé.

Từ bé chúng ta được dạy rằng: Cái gì của nhà đừng có lấy trộm, nhưng cái gì của người ngoài thì lấy tha hồ. Cái gì lấy được của thiên hạ thì tốt, mà đem về cho gia đình thì thật sự là tốt. Chúng ta được dạy như thế, mọi đứa trẻ trên mọi miền trên thế giới đều được dạy như thế. Kể cả những đứa trẻ ở trong những gia đình đạo đức nhất, hoặc theo tôn giáo, thì có khi cũng chỉ có những lớp váng đạo đức được phủ lên trên thôi, còn sâu thẳm trong gia đình vẫn có một sự tranh đoạt – cho nên cả thế giới mới tồi tệ đi chứ không tốt đẹp lên.

Tất nhiên, vẫn có những nơi dạy đứa trẻ: “Khi nhặt được của rơi, con nên (thế này), con nên (thế kia)…”, nhưng trong lòng bố mẹ lại tán thưởng điều đấy. Biểu hiện nét mặt và giọng nói của họ khiến đứa trẻ cảm giác nhặt được của rơi là một hành động được tán thưởng. Âm thầm, họ vẫn là như thế.

Một trong những điều cho thấy động lực bảo vệ gia đình là ý niệm: Thứ gì mang về cho gia đình bằng cách làm tổn hại cho người ngoài là tốt. Ý niệm này tồn tại cả trong những người ái quốc. Trong thời kỳ cách mạng và trong thời kỳ xây dựng quốc gia, đạo đức là làm điều gì có lợi cho quốc gia. Và vô đạo đức là làm điều gì có hại cho quốc gia. Một người càng yêu nước, đạo đức càng cao là như thế. Thậm chí ở trong các tôn giáo có chuyện: Điều gì có lợi cho tôn giáo thì là đạo đức, điều gì làm hại đến tôn giáo là vô đạo đức và kẻ làm điều đó là kẻ đáng bị nguyền rủa. Kinh khủng đến thế! Và trong gia đình, điều gì có lợi cho gia đình là đạo đức, và điều gì làm hại cho gia đình là vô đạo đức. Điều gì mang về cho gia đình từ việc làm tổn hại thế giới bên ngoài cũng là đạo đức.

Thế nên, ở tất cả các quốc gia, bất kể đạo đức đến đâu, thì một điệp viên vẫn được coi là có đạo đức. Một điệp viên đóng vai trò trà trộn từ bên ngoài, ăn cắp thông tin đem về. Nếu bí mật ấy có thể làm thay đổi dân tộc, làm lợi cho dân tộc, hoặc cứu bao nhiêu mạng người của dân tộc, thì “Đây là anh hùng dân tộc” – đất nước ấy thậm chí có thể tuyên bố đến thế! Một điệp viên đi ăn cắp thông tin, đóng kịch, giả vờ, làm việc bất chính như thế nhưng ông ta được ca ngợi là anh hùng dân tộc.

Với một gia đình cũng thế. Gia đình cũng đánh giá là: Nếu con biết cách làm hại người ngoài và mang lợi về cho gia đình, tức là con đã trở nên thông minh và trưởng thành. Mọi gia đình đều đánh giá như thế.

Giả sử một cậu con trai về báo cáo với bố cậu là cậu đi dạy kèm cho bạn bè, có được tiền dạy thêm để tự chi trả cho bản thân. Số tiền đó không đáng vào đâu, nhưng việc Con kiếm được tiền từ người ngoài mang về, đó là dấu hiệu của sự trưởng thành. Đối với gia đình, như thế tức là Con đã có thể làm chủ cuộc đời con. Nhưng đấy là sự thừa nhận nhất thời, điều đó thật ra có nghĩa là Con có thể làm tổn hại thế giới bao nhiêu để mang về món lợi bao nhiêu cho gia đình thì con tốt đẹp bấy nhiêu.

Cho nên, một ông quan tham làm tổn hại cả đất nước nhưng ông ta mang mối lợi về cho dòng tộc, cho quê hương thì ông ta vĩnh viễn là anh hùng dân tộc đối với quê hương. Người nơi đó chỉ cần biết: Ông ấy làm tổn hại quốc qua nhưng làm lợi cho quê hương/ thành phố của mình, thì ông là con của thành phố đó.

Bạn hiểu điều này không? Đây là cuộc đời mà!

Đừng ngạc nhiên việc đứa trẻ làm tổn thương thế giới bên ngoài để mang lợi về cho gia đình – trục lợi để mang về cho gia đình – mà lại là một “đứa trẻ tốt của gia đình.” Gia đình luôn luôn coi nó là như thế, kể cả khi sợ nhất, kể cả khi “vỡ mật” nhất.

Chẳng hạn đứa con nói với mẹ:

  •  Tiền này là con buôn ma túy ạ
  •  Ui, con ơi sao lại buôn ma túy?
  •  Sao dại thế? Thôi con thôi đi
  • Tiền này mẹ cứ cất kỹ cho con

Thế là bà mẹ lại cất thật kỹ. Sao bà không đi nộp công an? Nếu đạo đức thì sao bà không đi tố cáo con mình? Tại sao lại phải giấu tiền kín như thế, rồi suốt ngày lo lo, sợ sợ, run bần bật? Vì thương con? Không phải đâu. Vì bà thấy con mình như thế là nó đáng sợ, nó kinh khủng. Người mẹ đang sợ con mình buôn ma túy ấy, giả sử có mâu thuẫn với bên ngoài, bà sẽ lập tức gọi đứa con về nói “Con ơi, đứa bên cạnh nó…”, hy vọng con mình có đầu gấu, dọa đánh kẻ kia (vì nghĩ buôn ma túy hẳn là quen với xã hội đen.) Cuộc đời là thế mà!

Trò vé số này không diễn ra trong ngày một ngày hai được, chúng ta phải chuẩn bị trong ba ngày. Trong ba ngày liền nhau, chúng ta liên tục mua vé số về khoe gia đình. Chúng ta nhớ rằng, hoặc là tấm vé số, hoặc chúng ta “đánh” một “con” Vietlott, nó không quá đắt. Chúng ta mang về và chờ như thế.

Nếu như ban đầu mua về, gia đình – nhất là những gia đình không quen đầu cơ, không quen những trò may rủi – nhìn con đánh, họ nói: “Ôi giời, những cái này chẳng bao giờ trúng đâu. Nhà mình không có số đấy đâu!” Khi ấy, chúng ta sẽ tạo ra một vở kịch: Chúng ta nói với bố mẹ là ‘‘Con mà trúng, với giải thưởng này con sẽ (làm gì)…’’

Ngày thứ nhất nói “Nếu con trúng giải thưởng 500 triệu, con sẽ làm (việc này).” Ngày thứ hai vẫn mua số đấy, vẫn với giá đấy, và lại nói: “Ôi, con đánh thế này biết đâu lại trúng, xác suất mà. Nếu trúng con có khoảng độ hơn chục tỉ. Con sẽ làm… cho nhà mình.”

Sang ngày thứ ba, chúng ta nâng con số lên thành giải độc đắc, giải cao nhất: “Con mà trúng, con chỉ tốn (số tiền), bằng cốc bia hơi, bằng cốc cà phê, chả đáng gì, chưa bằng một buổi ăn trưa của con. Có gì đâu. Nếu mà trúng con sẽ…con sẽ…con sẽ…” Chúng ta miêu tả tất cả những viễn cảnh chúng ta sẽ làm cho gia đình. Ví dụ, sẽ mua cho bố mẹ một căn nhà, mua xe, sẽ thế này thế kia... Chúng ta cứ miêu tả những cảnh rất hời hợt thế.

Tại sao chúng ta làm thế?

Trong lúc đóng vở kịch đó, chúng ta đang khơi lại một điều: Mọi đứa trẻ đều muốn nhặt được tiền của thiên hạ mang về cho gia đình – đó là việc làm tổn hại thiên hạ một cách bớt tội lỗi nhất. Bởi vì chúng ta nhặt được, chúng ta không làm hại ai để chúng ta lấy được. Chúng ta làm tổn hại đạo đức cuộc đời để làm điều tốt cho gia đình. Khi chúng ta khơi lại điều ấy, trong lòng chúng ta, tự nhiên chúng ta cũng mong muốn đánh trúng. Chúng ta sẽ nghĩ là Lỡ đánh trúng thì sao?

Đây là lúc thế giới tâm trạng của chúng ta không bình thường nữa, nó bắt đầu bộc lộ bóng đêm của nó. Khoảnh khắc đấy, chúng ta đối mặt với bóng đêm của chính mình, chứ không phải của gia đình. Chúng ta cứ hứa hẹn với gia đình, và rồi chúng ta bắt đầu tin vào điều đấy.

Bạn biết không, thậm chí đến lần thứ tư mua vé số, chúng ta cũng cực kỳ mong đánh trúng. Nhưng có một điều quan trọng: Khi biết kết quả của tờ vé số thứ tư chúng ta mua, bất kể nó là như thế nào thì cũng phải đốt nó luôn. Chúng ta sẽ nghĩ là Nếu mà trúng thì sao nhỉ? Khoảnh khắc đấy chúng ta hãy còn nghĩ thế, nhưng chúng ta buộc phải đốt. Và nếu chúng ta thật sự trúng thì đấy là một vụ lớn, đúng không? Chúng ta sẽ rất đau khổ vì vụ này!?

Đừng vo tờ vé số đấy để vào trong túi và nghĩ rằng: Thôi, mình đã tuyên bố thực hiện trò này nhưng mình vẫn giữ lại tờ vé số này. Đừng có nghĩ như thế! Và đừng bao giờ nghĩ đến việc kiếm một thứ gì đấy từ đời này theo cách không cần lao động. Tất cả những thứ ấy đều là một mối họa. Nó đều dẫn đến một điều gì đấy đau khổ trong tương lai.

Nhắc lại, khi mua tờ vé số thứ tư xong, chúng ta phải đốt luôn. Lúc về chúng ta nói với bố mẹ là: “Lần này có thể con trúng số độc đắc. Nhưng con nghĩ rồi, con đốt rồi. Con nghĩ là chẳng việc gì mình phải khổ thế. Tự nhiên đến hôm nay con nghĩ là ngày nào mình cũng tốn một số tiền vô ích.” Mọi người có thể sẽ hỏi “Sao con lại đốt?”

Tất nhiên, chỉ có hai phản ứng chính.

Một là: người nhà, nhất là bố mẹ, sẽ hỏi “Sao lại đốt? Cứ để xem có trúng không?”

Hai là, họ sẽ nói: “Đốt là tốt. Đừng có kiếm tiền kiểu đó con ạ.”

Cứ để cho mọi người bình luận vì ba ngày trước, chúng ta đã gieo cho họ một mong muốn. Nên đến ngày thứ tư, họ sẽ rất xúc động và hồi hộp, kể cả chúng ta đã đốt đi rồi.

Đợi đến cuối ngày, lúc công bố kết quả, chúng ta mới bảo: “Ôi số con vừa đốt trúng độc đắc rồi. Con vẫn còn nhớ hàng số của nó là như thế này.” Hãy chạy khắp và nói với mọi người như thế.

Lúc này, lòng tham của gia đình, những mong muốn của gia đình nổi lên. Bởi vì lòng tham thực ra cũng là một cách để ràng buộc đứa trẻ vào gia đình. Nhưng lòng tham không phải là tất cả. Ở đây còn có một mong muốn: Khi gia đình mong muốn đứa trẻ làm tổn hại bên ngoài để mang của cải về, là mong muốn nó thuộc về gia đình hoàn toàn. Đấy là một mong muốn rất rõ rệt.

Khi chúng ta bắt đầu đi một vòng, nói khắp với mọi người trong gia đình, nhấn mạnh một cách vừa nồng nhiệt vừa tiếc nuối, thực ra trong lòng chúng ta có một cảm giác rất kỳ lạ. Đây là khoảnh khắc một cái khóa trong lòng được mở ra.

Người thất vọng nhất trong trò chơi này không phải gia đình, mà là chúng ta. Và chúng ta cần một sự thất vọng đầu tiên khi chứng kiến tất cả những hào hứng của gia đình, tất cả những hy vọng, tất cả những tiếc nuối, tất cả lời xoa dịu của những người trong nhà. Dù nói “tiếc” hay “không sao” thì mọi người vẫn hơi ngẩn ngơ một chút. Trong những bữa ăn và trong ngày hôm sau, mọi người sẽ vẫn hơi tiếc nuối một chút, thậm chí đem câu chuyện này đi kể.

Điều quan trọng là chúng ta phải nói chúng ta trúng số độc đắc, tức là số rất to, chúng ta nhớ rõ ràng con số đấy. “Nếu không có ai nhận thì chắc chắn là số con mua xong một lúc sau con đốt.” Điều rất quan trọng ở đây là gì? Chúng ta cảm thấy một sự thất vọng ở trong sâu thẳm mình.

Trong sâu thẳm chúng ta, chúng ta thất vọng vì chính mình. Bởi vì, khi chúng ta diễn vở kịch đấy chúng ta cũng cảm giác chúng ta mong chờ giải độc đắc ấy thật. Chúng ta cũng cảm giác việc diễn trò này nó tệ thật. Chúng ta cảm giác:

Chúng ta không thể mang thứ gì về cho gia đình từ một trò chơi khơi dậy mong muốn đấy;

Gia đình mong chờ nó, gia đình cũng đang thất vọng về mình và mình cũng thật sự đáng thất vọng.

Sự thất vọng chung này sẽ gỡ đi cái đinh đấy. Tự nhiên, chúng ta cảm giác rất chán nản, và không còn muốn làm gì tổn hại bên ngoài để mang về cho gia đình nữa.

Đây là khoảnh khắc mọi thứ xấu nhất trong chúng ta nổi lên với một tâm trạng chán chường nhất. Bình thường, nó tồn tại giống như một vết hằn, nhưng khi chúng ta nâng vết hằn này lên thành sẹo, chúng ta chuẩn bị là cái sẹo này đi.

Vào khoảnh khắc chúng ta nhìn vào ánh mắt mọi người và khi chúng ta nhìn vào sự tiếc nuối hoặc một sự chán nản, thẫn thờ của mọi người vào bữa ăn ngay tối hôm đấy, chúng ta sẽ cảm giác không muốn làm những chuyện như thế nữa. Chúng ta sẽ cảm giác là không cần phải đem thứ gì về nữa. Chúng ta không muốn làm những chuyện tổn thương người ngoài để mang gì về nhà nữa. Chúng ta bắt đầu cảm nhận một sự thất vọng, một điều gì đấy giống như dối trá, một điều gì đấy không đúng, một điều gì đấy rất tệ hại của việc cố gắng mang một nguồn lợi về, làm cho gia đình hy vọng.

Bình thường, chẳng hạn một đứa con được một người rất thân cho một bó rau. Đứa con ấy sẽ rất vui vẻ mang bó rau này về bảo: “Có cô ở ngoài chợ cho con” – rất sung sướng đúng không (vì chuyện này còn vô tội hơn mà). Nhưng sau trò chơi này, ngay cả bó rau đấy, đứa con đó cũng không muốn mang về nữa.

Có rất nhiều người khi lớn rồi vẫn chịu áp lực của những thứ có được từ xã hội một cách vô hại. Họ vẫn mua một thứ gì đó mang về và bảo là “được cho”. Khi ai đấy cho họ, họ vẫn mang về, nếu như được cho một thì nói thành hai: “Con được cho hai cái. Một cái con chia đi rồi, một cái con mang về cho nhà” – để nói là mình kiếm được rất nhiều nguồn lợi từ bên ngoài và mình đang mang về cho gia đình. Đấy là một áp lực khủng khiếp đối với tất cả những ai lớn lên từ một gia đình quá nhiều sự gắn kết, đòi hỏi, quá nhiều tình, quá nhiều sự ràng buộc. Điều đó khiến đứa trẻ đấy không thể tập trung vào một cuộc sống tử tế, lao động một cách tử tế, đóng góp cho xã hội một cách tử tế, tìm ra con đường của mình giữa bao nhiêu chật vật với thế gian. Đứa trẻ ấy sẽ là một người luôn canh cánh trong lòng một gánh nặng và sẵn sàng làm ác để có được thành công, để họ hàng mở mày mở mặt, bố mẹ mở mày mở mặt, để ấm thân, ấm cả gia đình!

Tất cả những gánh nặng ấy mà cuộc đời đè nặng lên trên, trò chơi này sẽ giải tỏa cả. Đứa trẻ trong lòng chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng với mọi thứ, và nó sẽ không muốn làm lại một chuyện tương tự. Nó không muốn tờ vé số độc đắc, hoặc nó không muốn nhìn ánh mắt của mọi người. Nó không muốn nhìn thấy sự thở than tiếc nuối. Nó không muốn nhìn thấy sự oán trách của mọi người nữa. Trong ba ngày, nó đã chuẩn bị cho sự oán trách này rồi, nó đã chuẩn bị cho sự thất vọng này rồi.

Trong trường hợp cực kỳ hy hữu là trong ba ngày đầu, chúng ta tình cờ trúng thật, thì chúng ta hãy đem tất cả số tiền đấy đi làm từ thiện, và đừng bao giờ nhắc đến nó. Điều đó để nhắc nhớ chúng ta một điều: Cái gì làm tổn hại, hoặc cái gì nhặt từ thế giới bên ngoài chỉ cốt mang về cho gia đình, nó không phải là điềm báo cho một điều gì tốt đẹp cả. Chúng ta hãy sống thật tử tế và chúng ta dùng giá trị của mình để khi bố mẹ nói đến chúng ta thì chúng ta rất tự hào rằng “Con là người tốt.”

Và dù không thể tự hào và gia đình chúng ta còn đầy vướng mắc, chúng ta cũng hãy tự tin rằng:

Với tư cách là một người tốt, sống tử tế, lao động, cống hiến, luôn luôn tự tin vào giá trị, luôn luôn bước trên con đường của lí trí và cuộc sống lành mạnh, chúng ta đáng tự hào.

Và chúng ta còn phải nói điều đấy với gia đình mình nữa. Kết thúc trò này, trong bữa ăn tối, hoặc trong bữa ăn buổi sáng hôm sau, chúng ta phải nói với gia đình là:

Con nghĩ kỹ rồi, đây là tiền nhặt được từ thiên hạ. Giả sử con có trúng, và con lấy được số tiền đấy thì số tiền đấy cũng là bất chính, vì con có lao động ra đâu. Con chẳng làm đẹp mặt ai cả. Rồi tất cả mọi người sẽ nhìn nhà mình “May thế, số nó hên thế…” Con không cần điều đấy. Con cần làm sao cho con xứng đáng với giá trị của một con người trong xã hội. Con nghĩ là lần sau nếu có may mắn thế, con sẽ từ chối.

- Sao con dại thế? Con cứ nói thế. Nếu có thì mình phải mang về…

- Không, con không cần. Bố mẹ cũng đừng nên cần. Bởi vì con lớn lên, con còn nuôi cháu của bố mẹ, nó phải trở thành một người tử tế và đáng kiêu hãnh. Nhắc đến bản thân nó, khi nó bộc lộ nó trước người ngoài, nó cần phải tự hào chứ nó không cần phải giấu diếm. Nó không cần phải tỏ ra đáng tự hào mà nó thật sự đáng tự hào. Và dù không ai tự hào về nó, bố mẹ nó vẫn có thể tự hào về nó.

Chúng ta nhắc đến điều này để làm cho mọi người lần đầu tiên có sự chấn tỉnh trong gia đình về hiện tượng đấy. Đó là một làn sóng lan tỏa, nó gỡ được những nút thắt rất sâu thẳm.

Sau trò đấy, kể cả về sau, với những chuyện lặp lại hoặc liên quan – những chuyện tổn thương người ngoài để làm vinh hạnh cho gia đình – sẽ không bao giờ đáng tự hào, không bao giờ đáng ca ngợi như trước. Trò chơi này sẽ chấm dứt những điều đấy!

**********

- Trích Trò bựa thứ 2, cuốn sách TÔI ĐÃ SINH RA MỘT LẦN NỮA | OOPSY

Làm sao để những lời bố mẹ mắng không làm ta đau đớn đến thế? Làm sao để mỗi cuộc xung đột với anh chị em ta không khiến ta quặn lòng đến thế? 

Làm sao để ngôi nhà là một mái ấm, và ta không chỉ hiểu chính mình như một thành viên gia đình mà còn hiểu gia đình như những gì cấu thành mình?

Đây là cuốn sách dành tặng bạn, để bạn SINH RA MỘT LẦN NỮA, vài trò bựa khôi hài sẽ giúp bạn kiến tạo một hạnh phúc dài lâu trong chính gia đình mình!

Tìm đọc thêm các bài viết trong cuốn sách trên của OOPSY:

Cách thoát khỏi nỗi sợ hãi trước sự áp đặt kì vọng từ gia đình

Dạy con bằng đòn roi hay vấn đề bạo lực trong thiết chế gia đình ở Việt Nam

Làm Thế Nào Thoát Khỏi Những Ép, Sự So Sánh Trong Gia Đình, Xây Nên Thế Giới Của Riêng Mình?

Gia đình là cội nguồn của sự MẤT TỰ TIN – ba KHUÔN MẪU TÂM CẢM chi phối và kiến tạo NHÂN CÁCH của con người

Tại sao NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔN NGOAN được sinh ra trong một GIA ĐÌNH gặp nhiều khó khăn, nhiều dằn vặt, hay ghen tức với người ngoài?


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147