Trang chủ Blog Nhân cách

Gia đình là cội nguồn của sự MẤT TỰ TIN – ba KHUÔN MẪU TÂM CẢM chi phối và kiến tạo NHÂN CÁCH của con người

By: OopsyAdmin, 2020-04-04 00:26:40

Gia đình là cội nguồn của sự MẤT TỰ TIN – ba KHUÔN MẪU TÂM CẢM chi phối và kiến tạo NHÂN CÁCH của con người

Tại sao lại nói là khuôn mẫu tâm cảm? Ở đây cần phải làm rõ khái niệm này một chút.

Chúng ta hãy tưởng tượng một mô hình hoàn hảo. Khởi thủy chúng ta có một trái tim, và từ trái tim này, chúng ta bắt đầu có cảm xúc. Chúng ta gọi đây là mô hình hoàn hảo, tức là nó chỉ là một giả tưởng thôi.

Cảm xúc ban đầu là một năng lượng. Tức là nó không thể gọi là cảm xúc, nó chỉ là một năng lượng.

Đầu tiên năng lượng x này chưa định hình và nó chưa biết nó là gì, nó cũng không biết yêu, ghét, thương, giận, hờn là gì, nhưng nó có thể biến thành yêu ghét, nó có thể biến thành thương giận, nó có thể biến thành thù hằn. Nó có thể thành những điều đấy thông qua quá trình tương tác với một trái tim khác, đúng hơn là với thế giới những trái tim khác. Trong quá trình tương tác với mỗi trái tim khác (Y1, Y2, Y3) nó bắt đầu đẻ ra các biến số tương ứng x1, x2, x3.

Đây là mô hình rất truyền thống rồi. Trong khi một trái tim bắt đầu tương tác thì chúng ta thấy nó đẻ ra ba hiện tượng.

Hiện tượng thứ nhất là có một năng lượng cảm xúc thường xuyên được chi tiêu. Bởi vì chúng ta có bạn bè, bố mẹ, họ hàng..., nhất là hồi bé chỉ có bố mẹ với họ hàng là chính, sau đấy có một vài đứa trẻ xung quanh. Tổng lượng cảm xúc phải chi tiêu trong năng lượng trái tim này là một năng lượng trung bình (X), thường là không đổi.

Chẳng hạn như một ngày có 5x phải chi tiêu, một ngày thì có 6x, một ngày tụt xuống 4x. Như vậy năng lượng trung bình X này chi tiêu không đổi. Đây là năng lực cảm xúc của một người được kiến tạo từ hồi bé, tức là khả năng chi tiêu cảm xúc của người đó.

Và thường, hồi bé chúng ta gặp những tình huống rất thất thường: bị trừng phạt đối với chúng ta là thái quá; được yêu thương đối với chúng ta cũng thái quá; được người ta khen đối với chúng ta cũng thái quá; được người ta cưng nựng cũng là thái quá. Cho nên từ bé, đứa trẻ học được cách tiết ra một loại năng lượng cảm xúc đều đặn.

Lớn lên đứa trẻ như thế nào là do hồi bé nó được nuôi dưỡng bởi một năng lượng yêu thương thế nào hoặc trừng phạt thế nào. Hồi bé, đứa trẻ chi tiêu cảm xúc này nhiều hay ít thì lớn lên nó sẽ như thế.

Hiện tượng thứ hai rất quan trọng. Đứa trẻ bắt đầu hình thành những khuôn mẫu để tiết chế cảm xúc. Bạn tưởng tượng, một người học cách tiêu tiền, chẳng hạn: chi ba đồng cho ăn, bốn đồng cho uống, năm đồng cho quần áo, sáu đồng gửi tiết kiệm, bảy đồng cho người thân… – có thể những con số này sẽ xáo trộn, nhưng căn bản vẫn là phải chi tiền cho người thân, cho ăn uống, cho quần áo, cho thứ này thứ kia... Và như thế thì phải xem mỗi thứ chi khoảng bao nhiêu là hợp lí, đúng không?

Trong quá trình phát triển bình thường, chúng ta bắt đầu xác định được với loại người nào thì được phép chi bao nhiêu năng lượng cảm xúc. Và dù muốn hay không thì chính gia đình và người thân là những mô hình đầu tiên mà chúng ta bắt đầu có khái niệm thân-sơ. Bố mẹ,ông bà là quan trọng nhất, rồi đến họ hàng quan trọng vừa phải. Anh em xếp ở mức lúc thì quan trọng, lúc thì không, rồi mới đến họ hàng xa. Tức là càng xa thì càng chi ít cảm xúc, càng “khác máu” thì càng “tanh lòng,” nói theo nghĩa đen là thế. Càng xa thì các khuôn cảm xúc bắt đầu càng phân biệt. Tức là bắt đầu hình thành một thứ mà ở đây chúng ta gọi là bản ngã của đứa trẻ, hay gọi là cái Tôi ban đầu của đứa trẻ. Thường chúng ta cho rằng
như thế.

Bạn kịp nhớ rồi chứ, chúng ta vừa xem xét hai hiện tượng chính:

Hiện tượng thứ nhất liên quan đến mức độ cảm xúc đứa trẻ có thể chi tiêu. Nó liên quan đến chuyện nếu hồi bé đứa trẻ bị kiềm chế nhiều quá, thì lớn lên nó không biết cách bộc lộ và biến thành trầm cảm. Tức là nếu năng lượng của nó bị hạn chế, hoặc bị ước chế, bị ngăn chặn quá, thì nó biến thành trầm cảm.

Trong khi ở hiện tượng thứ hai, nếu đứa trẻ không có đủ các loại đối tượng để học cách đưa ra các mô hình chi tiêu cảm xúc, thì nó thường đi đến tự kỷ. Cho nên, người ta kể rất nhiều câu chuyện về những đứa trẻ mà bố mẹ nó bận làm ăn, vứt nó ở nhà cho bà giúp việc, lớn lên nó cứ mãi như thế: chẳng nói chuyện với ai, chẳng có bạn thân, chẳng gặp họ hàng, chẳng biết gì, chẳng kết nối gì với ai – nó bị tự kỷ. Chuyện đơn giản mà!

Thậm chí, nếu đứa trẻ từ bé bị ngược đãi, bị lạm dụng, hoặc bị một chuyện gì mà nó không nói được cho ai, thì bắt đầu nó có xu hướng co cảm xúc lại – tức là nó có một phần trầm cảm, và nó co quan hệ lại – một phần tự kỷ.

Cho nên, người ta bị lẫn lộn giữa trầm cảm với tự kỷ nhiều. Không ngẫu nhiên hai chứng này, cho dù khác hẳn nhau về mặt định nghĩa, nhưng hay bị nhầm lẫn. Và người đã trầm cảm có thể đột nhiên hết trầm cảm rồi chuyển sang tự kỷ – chuyện đấy là bình thường.

Tự kỷ tức là không có khả năng liên hệ, thiếu mất khả năng giao tiếp. Còn trầm cảm là không muốn giao tiếp. Khác nhau đúng không? Thế nhưng, nó lại liên quan đến nhau.

Đây là hai hiện tượng chính. Hai hiện tượng này đều do quan hệ giữa trừng phạt và yêu thương trong gia đình; và mối quan hệ giữa tính cách và tinh thần.

Hiện tượng thứ ba – hiện tượng khôn ngoan, hay chúng ta gọi là khôn lỏi.

Làm sao xã hội tạo ra được đám khôn lỏi này? Đám khôn lỏi này không thể do xã hội tạo ra mà chỉ có thể do gia đình tạo ra. Hiện tượng này là khi mà thông qua cuộc chi tiêu cảm xúc, đứa trẻ đã bắt đầu biết đầu tư. Tức là, bình thường thì: (i) chính việc chi tiêu thường xuyên khiến đứa trẻ cố định nhân cách; (ii) chính việc thường xuyên phải tiếp xúc khiến nó đầu tư vào các mối quan hệ và đưa ra các khuôn mẫu chi tiêu cảm xúc. Do trong một trường hợp rất đặc biệt, cho dù năng lượng ban đầu (X) và khuôn mẫu bình thường, nhưng do sự kỳ vọng một cách thái quá và trừng phạt một cách thất thường của bố mẹ, khiến đứa trẻ đột nhiên đi đến một giai đoạn: cố gắng tái đầu tư những năng lượng cảm xúc nó có vào trong những mối quan hệ nhất định, nó liên tục đầu tư sao cho có lợi thì thôi. Trường hợp này giống như đánh bạc. Nói chung, đám đánh bạc – “con bạc”, là những kẻ rất khôn ngoan, khôn lỏi, trục lợi từ người khác rất nhanh chóng.

Kẻ khôn ngoan, khôn lỏi này tìm cách tìm ra mối đầu tư có lợi nhất. Nếu như trong hai trường hợp đầu chỉ là tổng cảm xúc được chi tiêu một cách bình thường, và cảm xúc được đầu tư theo cách gặp đâu đầu tư đấy, thì ở đây, bắt đầu có đầu cơ cảm xúc. Và chúng ta thường gặp loại người này khi lớn lên biến thành những người nịnh bợ, khéo léo, rất biết lấy lòng người khác, biết tặng quà người khác. Nếu như đứa trẻ cứ bị trừng phạt một cách vô lối từ bé, nó sẽ biết đầu cơ cảm xúc. Đó là hiện tượng rất đáng sợ đấy!

Thế là chúng ta đã đi qua một vòng về việc một đứa trẻ được kiến tạo bởi gia đình nó như thế nào. Chúng ta đang đi đến hiện tượng thứ ba về việc đầu tư cảm xúc, chúng ta thấy có một số vấn đề như sau:

Đứa trẻ không được nuôi lớn lên để tự tin hay tự ti, không được nuôi lớn lên để tự tôn hay sống với những nỗi sợ. Khi đứa trẻ lớn lên, nó chưa từng là nó. Nó phải phụ thuộc vào người ngoài. Đứa trẻ có hai nguồn để phụ thuộc. Nguồn phụ thuộc thứ nhất là sự trừng phạt, yêu thương của bố mẹ. Nguồn phụ thuộc thứ hai là những khuôn mẫu đầu tư cảm xúc dựa vào các nhân tố xã hội mà qua đó năng lượng cảm xúc có thể được phát tiết. Hay nói cách khác, tất cả những điều này không có điều gì thuộc về nó cả.

Đứa trẻ có thể yêu thương đến đâu, tức là năng lượng có thể chi tiêu đến đâu, phụ thuộc vào bố mẹ. Nó có thể trở thành một người thế nào phụ thuộc vào cách bố mẹ yêu thương nó và những người thân tồn tại với nó. Và chỉ trong một trường hợp là nó biến trở thành một kẻ đầu cơ, thì kẻ đầu cơ này sống cả đời trong một trạng thái khổ sở, bất hạnh, bởi vì luôn luôn tìm cách chọn ra mối quan hệ tốt nhất để đầu tư vào, luôn luôn tìm cách lấy lòng. Và mỗi việc người ta lạnh lòng với mình đều biến thành sự xúc phạm, một sự phản bội, một nỗi đau khổ, một điều gì đấy dằn vặt. Yêu thương thái quá, căm thù thái quá! Bạn hiểu điều này không?

Trong tất cả thời ấu thơ, đứa trẻ chưa từng học cách để có thể tự tin. Nói đúng hơn, mối quan hệ trong gia đình không những không đặt ra vấn đề tự tin, mà nó còn là nguồn gốc của tất cả những thứ chúng ta gọi là tự ti, sợ hãi, khổ nhục, ngại ngần, v.v… – tất cả những trạng thái đấy. Gia đình là cội nguồn của sự mất tự tin.

Cho nên, khi chúng ta bắt đầu bóc những lớp vỏ của tự ti, bóc lớp vỏ của sợ hãi, thì chúng ta có những điều phải vượt qua, chúng ta phải bóc khỏi ảnh hưởng của gia đình.

(i) Chúng ta phải vượt qua nỗi sợ hãi ở ngoài gia đình: Không ai yêu thương mình

Đây là một tín niệm được tuyên truyền trong gia đình thường xuyên: “Con ơi, cẩn thận đấy, ngoài đời kia người ta ác độc lắm. Cuộc đời toàn ‘khác máu tanh lòng’ ấy mà. Tin thì chỉ tin người nhà thôi, đừng tin người ngoài. Chúng nó lừa con đấy.” Tất cả những tín niệm vào việc bước ra ngoài đời kia chỉ có những sự độc ác, chỉ có những sự hằn thù, nó cũng đúng, nhưng nó là một điều được tuyên truyền liên tục. Đến mức, chúng ta phải hiểu là về căn bản, gia đình luôn luôn nhắc chúng ta nhớ và muốn chúng ta biết rằng không được rời xa nó. Gia đình như một thiết chế. Thiết chế này có cách để tuyên truyền liên tục. Bộ máy tuyên truyền này luôn nhắc nhở: Không ai yêu thương con bằng gia đình. Đúng không?

(ii) Tín niệm thứ hai trong gia đình xuất phát từ việc đầu tư, liên quan đến các khuôn mẫu được khuyến khích: Đối với một đứa con, mang lợi về cho gia đình thì được thưởng.

Việc mang lợi này nếu là việc làm tổn thương người ngoài để mang lợi về cho gia đình thì nó thường được đánh giá cao. Chuyện này rất kỳ quặc đúng không? Một đứa trẻ thành công, nó trở thành Tiến sĩ, Giáo sư, hoặc một nhà kinh doanh lừng lẫy chẳng hạn, thì gia đình chắc chắn sẽ mừng. Nhưng họ mừng vì gì? Họ mừng vì con họ giỏi hơn tất cả những đứa con hàng xóm. Họ mừng vì con họ thành đạt hơn tất cả những người trong làng. Nhưng đặc biệt, trường hợp này vén lộ bản chất, đó là: Khi đứa con của họ làm tổn thương người ngoài để giành được một lợi ích mang về cho gia đình thì nó được thưởng, nó được coi là tốt, là thông minh.

Đơn giản thế này, nếu đứa con đi sang hàng xóm, lừa tên hàng xóm lấy được tiền đem về thì bố mẹ nó tự nhiên lại mừng. Đây là phản ứng chung của xã hội. Tất nhiên có rất nhiều bậc cha mẹ sẽ nói là: “Con ơi, không được (thế này)…,” “Con ơi, không được (thế kia)…” – gia đình đấy rất đạo đức rồi. Nhưng nếu đứa con bảo: “Bố mẹ cứ để con. Thằng đấy ác độc, không dạy cho nó một bài học thì đời không ai dạy cho nó bài học cả. Chuyện này con biết từ đầu đến cuối…,” thì bố mẹ lại cảm giác con mình trưởng thành.

Một đứa con được thừa nhận là trưởng thành khi nó biết cách làm tổn thương người ngoài, mang lợi về cho gia đình. Tức là gì? Tức là sự trừng phạt nó nhận được từ bé khiến nó trừng phạt người ngoài, để được gia đình tán thưởng.

(iii) Tín niệm thứ ba, một nỗi sợ trong gia đình: Đứa trẻ không được tự quyết định số phận của nó.

Một đứa con là kết quả của việc được nuôi dưỡng. Tinh thần và tính cách của nó là do cha mẹ nuôi dưỡng. Cho nên, nó không có quyền tự quyết về tính cách, tinh thần. Đúng hơn, với cha mẹ, con cái không bao giờ có quyền độc lập – tự do – hạnh phúc nào cả. Hạnh phúc phải do bố mẹ mang đến. Tất cả những lựa chọn về tính cách, tinh thần đều bị loại trừ. Điều này chúng ta thường nói là: Bố mẹ dù ở tuổi bao nhiêu, con cái dù bao nhiêu tuổi mà bố mẹ còn sống thì bố mẹ không bao giờ thấy con cái đã trưởng thành, luôn luôn thấy tính cách và tinh thần của con không ổn, kể cả con cái họ thành công hay không.


Ba tín niệm đầu thuộc về quan hệ của gia đình với đứa trẻ. Ba tín niệm sau thì khác, đó là những tín niệm của đứa trẻ:


(i) Đối với đứa trẻ, gia đình là nơi duy nhất không để đứa trẻ chết, tức là bảo vệ nó.


Bởi đứa trẻ lớn lên bằng sự yêu thương và sự trừng phạt, Nếu như bố mẹ ghét mình, bố mẹ trừng phạt mình một cách nghiễm nhiên; bố mẹ mà yêu thương mình thì mình chỉ cần sự yêu thương của bố mẹ – đứa trẻ nghĩ thế từ bé. Cho nên, đối với đứa trẻ, gia đình là nơi duy nhất bảo vệ mình. Tức là, Gia đình là nơi duy nhất thật sự bảo vệ mình và trao cho mình Sự sống.

(ii) Đối với đứa trẻ, gia đình là nơi duy nhất cho đứa trẻ biết cần phải ứng xử với người ngoài thế nào là đúng.

Đây là những tín niệm tồn tại ở một tầng rất sâu trong thời ấu thơ và chúng ta rất khó truy hồi. Chẳng hạn, có cô gái nọ rất quý một người, nhưng bố cô ấy kiên quyết cho rằng: “Đấy là tên điên rồ, khốn nạn.” Nếu như ngày nào bố cô cũng đấu tranh như thế thì trong lòng cô gái không phải là không thấy nản, dần dần trong cô hình thành một chủng vật chất là: Bố cũng có lí của bố, mình hiểu. Thế nhưng mà… Mình hiểu tại sao bố làm như thế. Gia đình luôn luôn có thể tuyên bố ai, người ngoài nào là xấu xa và không được quan hệ.

Đứa trẻ có thể nỗ lực chống lại điều này đến cùng, đặc biệt trong trường hợp rất phổ biến: khi đứa trẻ đưa một người về mà người nhà không ưng. Ví dụ, một cô gái đưa về nhà một kẻ ất ơ, suốt ngày say rượu, bố cô bảo: “Thằng bé này mất dạy thế này, con lấy ở đâu ra…” Cô nói: “Nhưng anh ấy là người tốt.” Cuộc chiến này diễn đi diễn lại. Đến cuối cùng, đa phần những đứa trẻ đều chấp nhận gia đình, không phải vì sợ gia đình, mà bởi vì thực ra sâu thẳm nó thấy rằng Gia đình cũng đúng, lấy người ấy có thể không tốt. Kể cả trường hợp mạnh mẽ như tình yêu đấy nhé!

(iii) Đứa trẻ thường quan niệm hạnh phúc là do gia đình mang lại (nên chúng ta thường gọi gia đình là mái ấm!)

Tín niệm này không chỉ ở xã hội phương Đông thôi đâu, ở mọi xã hội đều gần giống thế, chẳng qua chỉ gia giảm mức độ, bởi đứa trẻ đã quen bị thưởng phạt và yêu thương.

Trong đời người ta, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc đơn giản nhất của đứa trẻ là được yêu thương và giảm trừng phạt. Những trò Bựa trong cuốn sách này đều để gỡ bỏ những tín niệm tồn tại trong quá trình yêu thương và trừng phạt của gia đình.

Chúng ta phải nhớ: Một đứa trẻ có nhân cách khi nào? Khi nó được trừng phạt và yêu thương bởi bố mẹ nó, bởi người thân của nó. Sự trừng phạt và yêu thương này quyết định việc sinh ra một tinh thần – tức là khả năng tồn vong, và tính cách – tức là khả năng ứng xử.


Dựa vào khả năng nỗ lực của một đứa trẻ, và dựa vào tính cách của nó, nó bắt đầu việc chi tiêu cảm xúc. Trong việc chi tiêu cảm xúc, nó hình thành ba điều:

(i) Nó hình thành khả năng chi tiêu cảm xúc ít hay nhiều. Tức là khả năng đưa cảm xúc đến thế gian, khả năng rung động trước thế gian ít hay nhiều.

(ii) Nó hình thành các khuôn mẫu tính cách. Tức là khuôn mẫu phân chia cảm xúc với người thân, với người ngoài… Những khuôn mẫu này chúng ta thường gọi là tính cách của một người, ví dụ như người này tính vui, người kia tính hâm, người này tính thế này, người kia tính thế kia... Đấy là những thứ chúng ta gọi là tính cách.

(iii) Nó trở nên khôn ngoan hơn và biết cách đầu cơ cảm xúc vào chỗ có lợi nhất. Đây là trường hợp tệ nhất mà chúng ta nói xuyên suốt: Khi cha mẹ chịu áp lực bên ngoài và quay trở về dằn vặt con cái thì con cái trở nên khôn ngoan hơn. Trường hợp khôn ngoan này là trường hợp tồi tệ.

Nếu như đứa trẻ không biết đầu cơ cảm xúc thì nó sẽ tụt xuống dạng tự ti và độc ác, tức là nó trở nên suy sụp, suy thoái.

Trong tất cả những quá trình đấy, con người đẻ ra sáu điều: ba điều đối với gia đình và ba điều ẩn sâu trong tâm hồn đứa trẻ. Đó là sáu điều chúng ta vừa thấy.

Đối với gia đình:
• Không ai yêu thương con mình bằng mình.
• Con mình phải làm tổn thương người khác và mang lợi về cho gia đình thì mới đáng
tán thưởng.
• Con cái trong gia đình không có quyền tự quyết.

Bởi vì gia đình cho rằng tinh thần và tính cách đứa con là do ta tạo nên. Nói cách khác, đối với gia đình, con cái không có số phận riêng nào ngoài việc phải có một gia đình, và phải sống với gia đình.

Đối với đứa con, có ba tín điều, ba nhân tố, ba hạt mầm cắm rễ sâu trong tâm hồn của đứa trẻ:

• Gia đình là nơi duy nhất thật sự bảo vệ được mình.

Cho nên chạy đâu thì chạy, nhất là khi gây lỗi gì đấy thì tự nhiên cứ sợ hãi, quay trở về nhà đắp chăn. Trường hợp đấy có bình thường không? Tại sao khi sợ hãi, khi gây ra chuyện không đến đồn công an? Tại sao khi gây ra chuyện rồi không đi xin lỗi, sao không tìm người có khả năng giải quyết? Một phản ứng đầu tiên của con người trong trường hợp này là muốn trở về nhà đắp chăn, quên chuyện đấy đi, hoặc nó về nhà trong tâm trạng rất khó chịu. Sao không chạy ra ngoài đường đi? Sao cứ phải về nhà trước đã, rồi đi đâu thì đi sau. Bởi vì có một tín niệm: Chỉ gia đình mới có thể bảo vệ được đứa trẻ.
• Chỉ có gia đình mới có thể thật sự biết ai là người tốt, ai là người xấu.
• Gia đình là nơi duy nhất mang lại cho mình hạnh phúc.

Đấy là sáu tín điều giăng mắc đứa trẻ. Sáu tín điều này có sai hay không? Chúng ta rất khó bình luận là đúng hay sai. Nhưng nếu bị sáu cái đinh này cắm chặt vào tâm hồn, thì đứa trẻ không bao giờ trưởng thành và không bao giờ biết cách đi tìm hạnh phúc cho mình. Nó sẽ vĩnh viễn đau khổ.

Tất cả sáu trò Bựa này, mục đích là gì? Tháo gỡ tất cả những cái đinh này ra khỏi tâm hồn, để người ta có thể thật sự yêu thương bản thân, yêu thương gia đình, và biết sống với người ngoài một cách tử tế, đường hoàng.

Nếu như đứa trẻ, kể cả được dạy dỗ trong một môi trường đạo đức nhất, nhưng không tháo được sáu cái đinh này ra khỏi tâm hồn nó thì sao? Nó sẽ vĩnh viễn sống trong một trạng thái vừa muốn yêu thương thế gian này, gồm cả người thân, cả người ngoài; nhưng nó vẫn luôn sống trong giằng xé giữa gia đình và xã hội. Nó luôn trong trạng thái vừa căm thù, vừa tức tưởi, và không bao giờ có tự tin. Bởi vì một đứa trẻ rối loạn cảm xúc, và gia đình luôn luôn là sáu cái đinh đâm vào lòng nó, thì nó sống tự do thế nào?

Thế thì, hãy tháo gỡ tất cả những cái đinh này ra khỏi tâm hồn, bằng những trò Bựa với người thân của mình.

*********

TÔI ĐÃ SINH RA MỘT LẦN NỮA | OOPSY>

Làm sao để những lời bố mẹ mắng không làm ta đau đớn đến thế? Làm sao để mỗi cuộc xung đột với anh chị em ta không khiến ta quặn lòng đến thế? 

Làm sao để ngôi nhà là một mái ấm, và ta không chỉ hiểu chính mình như một thành viên gia đình mà còn hiểu gia đình như những gì cấu thành mình?

Đây là cuốn sách dành tặng bạn, để bạn SINH RA MỘT LẦN NỮA, vài trò bựa khôi hài sẽ giúp bạn kiến tạo một hạnh phúc dài lâu trong chính gia đình mình!


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147