Trang chủ Blog Nhân cách

Hoa Thủy Tiên Trong Mỗi Người: Tự Yêu Thương Chính Mình Có Phải Là Sai Trái?

By: OopsyAdmin, 2020-09-08 18:17:48

HOA THỦY TIÊN TRONG MỖI NGƯỜI: TỰ YÊU THƯƠNG MÌNH CÓ PHẢI LÀ SAI TRÁI?

Hai lối thoát cho sự tự yêu thương chính mình: Tự Ái và Vĩ Cuồng

.

Trong bức tranh của chủ nghĩa phi lí, của những vấn đề phi nhân tính đấy, có một cửa thoát. Hãy đến với một chủ đề có thể là ẩn chứa trong học thuyết về ý chí sống của Otto Rank. Đấy là hiện tượng tự si

Tự si có rất nhiều cách đánh giá, có rất nhiều cách lí giải trong Phân tâm học. Đa phần tự si là DỤC NĂNG mà đã không nuốt được thế giới này. Bởi vì dục năng là năng lượng cảm xúc, nó là một năng lượng, cho nên nó sẽ nuốt mọi thứ nó có. Chúng ta yêu thương bàn chân của mình, yêu thương vẻ đẹp của mình, yêu thương cái mũi của mình, luôn luôn thấy mình đẹp; hoặc là chúng ta muốn cố gắng chứng tỏ cái áo của chúng ta đẹp hơn mọi cái áo của người khác – đấy chính là lòng tự si. Bởi vì nó không có gì để nuốt nữa, một ngày nọ, một ngày rất đẹp trời, nó tự nuốt lấy chính mình, và chúng ta có truyền thuyết Hoa thủy tiên. Nếu bạn chưa đọc thì cứ search Truyền thuyết Hoa thủy tiên

Đối với Freud, một lúc nào đấy sự yêu thương trong chúng ta không còn đối tượng nào để nhai nuốt, không còn thứ gì để xâm nhập vào nữa, nó còn lại chính nó thôi để nhai nuốt, chúng ta đành phải tự yêu thương chính mình. Và chúng ta có hai lối thoát cho sự tự yêu thương chính mình

TỰ ÁI

Một lối thoát nhỏ hẹp hơn và thích hợp với đời sống hơn, đấy là lòng Tự ái. Ai động đến một cái là “Tao thế đấy, làm sao nào!?”. Chẳng hạn, tôi béo mà có người cứ nói “Em giảm cân đi.” Mình sẽ rất muốn chửi bới, nhưng mình chỉ mỉm cười thôi, “Cân này em thấy thoải mái lắm” – “Không cậu giảm cân đi, trông thế là bệnh lắm.” Chẳng nhẽ đánh lại họ một cái – chúng ta không thể làm thế. Nhưng lòng tự ái của chúng ta bảo vệ chúng ta, đấy là cách. MỖI LẦN TỰ ÁI LÀ MỘT LẦN CHÚNG TA TỰ YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH. Và đây là cách để trong một thế giới phi lí, chúng ta vẫn cảm giác mình tồn tại. Tự ái là một chiến lược của tâm lí. Cho nên lòng tự ái không xấu lắm đâu, ít nhất nó cho phép chúng ta được phép sống tiếp.

VĨ CUỒNG

Lối thoát thứ hai của chứng tự si là Vĩ cuồng – bố đời luôn: “Tao không quan tâm chúng mày nói gì”. Đấy là cách để sống trong căn phòng phi lí như một ông hoàng, không cần quan tâm đến thực tại phi lí này nữa. Khi chúng ta không thể đương đầu với thế giới: “Tao kệ xác chúng nó”, chúng ta có thể nói như vậy, “Tao bố đời rồi, tao luôn luôn đúng, và chúng mày luôn luôn sai.” Có người bảo là, “Em ơi em béo quá” – “Ủa, béo này là đẹp luôn đấy! Béo này là béo đẹp thật sự luôn, còn mày không béo, chính mày là một thằng súc sinh gầy gò” – tôi hoàn toàn có thể nói với tư cách bố đời. Bố đời thì cái gì chả nói được, dẫm lên trên dư luận. Ai bảo là, “Cậu ơi hai cái mắt kính của cậu trông hơi kì dị, cậu sơn lại đi” – “Mắt kính tao đẹp nhất thiên hạ, còn đôi mắt mày xấu nhất thiên hạ, bố nói cho mà biết”. Chúng ta hoàn toàn có thể trở nên bố đời như thế. Đấy là cách để chúng ta tự vệ cảm xúc.

Chúng ta có hai lối để tự vệ cảm xúc. Cách thứ nhất theo đúng logic, đấy là Tự ái, và cách thứ hai là Vĩ cuồng. Đấy là hai cách để chiến đấu, và về mặt logic, hai cách này khá tuyệt vọng. Căn phòng phi lí mãi mãi là căn phòng phi lí, bất kể chúng ta tự yêu thương mình đến đâu, chứng tự si về căn bản là không có lối thoát. Nếu chúng ta không thể nhai nuốt cái gì đấy thật sự để biến nó thành yêu thương của mình, tức là nếu không có thứ gì trên đời để thật sự yêu thương thì chúng ta chết toi rồi, vì chúng ta vừa lọt trong căn phòng đấy. Chúng ta ngày càng khô héo, quắt lại, và chúng ta thở ra những hơi thở của lửa, tự thiêu đốt mình, biến mình thành một đống tro tàn chẳng còn là gì ngoài hai thứ: Một con người tự ái lúc nào cũng giãy nảy lên khi ai động đến bản thân; và một con người vĩ cuồng lúc nào cũng nghĩ mình biết tất cả rồi, điều mình biết chắc chắn đúng.

Thậm chí điều tệ hại hơn là, thật ra chúng ta chưa từng có thể tự ái hoặc vĩ cuồng, mà chúng ta cố để tự ái và vĩ cuồng, cố bảo vệ bản thân mình trước phán xét của người ngoài, hoặc cố dẫm lên dư luận và sống tiếp. Đây là chúng ta cố, còn chúng ta vĩ cuồng thật hoặc tự ái được thật thì tốt biết mấy. Và trong quá trình đấy có một sự hóa giải giữa xu hướng tự ái và xu hướng vĩ cuồng, chúng ta gọi là: Lòng tự tôn

TỰ TÔN VÀ TỰ TI

Khi tự kiêu hãnh, chúng ta cho rằng mình có giá trị, đấy là cách thích nghi để điều hòa hai xu hướng bất lực này. Lòng tự tôn là một giá trị mang tính chất quý tộc cổ. Bằng những cách giải tỏa cổ, người ta có thể đi đến sự tự tôn. Nhưng đấy cũng là một điểm kết và mở, vì thực ra tự tôn là một thứ quá xa xỉ trong đời sống hiện thực. Về căn bản, chúng ta chấp nhận sự chỉ trích của người ngoài mà không thể phản kháng. Nếu chúng ta đi qua mà có ai đấy nói là “Thằng kia, thằng béo ngu xuẩn kia” thì chúng ta chỉ có thể im lặng đi qua hoặc chúng ta đấm nó, một trong hai trạng thái. Nếu đấm nó, chúng ta có thể tổn thương nặng hơn; còn nếu chửi lại, thì chúng ta thật sự ngu ngốc. Chúng ta chịu đựng, chúng ta nén nó vào bên trong, chúng ta chưa từng có lòng tự tôn. Còn đến mức lời nói bay qua chúng ta như thể không tồn tại, như nhà Phật nói là “Đại Viên Kính Trí” – Như bụi bay qua gương mà không để lại vết, thế thì cao siêu quá, chúng ta không đạt đến nổi

Mỗi con người trong chúng ta đều chỉ là một con người bình thường. Chúng ta bị cơn đói hành hạ, bị cơn khát dằn vặt, chúng ta bị sự thiếu đói của chúng ta làm chúng ta xấu hổ, chúng ta cảm thấy sự rách nát của mình khi bước vào một không khí long lanh làm chúng ta cảm thấy ngượng nghịu. Khi tôi bước vào một nhà hàng sáng, đẹp, long lanh, toàn Tây ngồi, tôi cảm thấy mình rất bẩn thỉu, tôi cảm thấy mình hơi nhơ nhớp, lập tức bước ra: “Đấy không phải là thế giới của mình”. Đấy là cảm xúc thực của tôi cách đây khoảng 6 năm. Tôi đã trải qua cảm giác đấy, những gì long lanh quá không phải của mình, đấy là một cảm giác tự ti. Khi vươn tới sự tự tôn, chúng ta trượt xuống sự tự ti, bởi chúng ta chưa từng có thể thật sự tự tôn

Lòng kiêu hãnh về bản thân là cực kì xa xỉ, và chỉ là một huyền thoại. Sự kiêu hãnh này vừa phải, nó giống như một dòng nước, nó đủ ngọt, nó đủ ấm, nó đủ mạnh, vừa đủ để mọi thứ hoạt động tiếp mà không xâm phạm những thứ khác, không biến thành vĩ cuồng, không sang tự ái, không trượt xuống tự ti. Sự kiêu hãnh, lòng tự tôn về bản thân này không khác nào đạt đến một giá trị của Thánh nhân, đã thông suốt tất cả cho nên không bị thứ gì xâm phạm. Đó là một con người lí tưởng, một con người huyền thoại, một con người vượt lên trên con người có năng lực tư duy lẫn con người nhân bản, để biến thành một Thánh nhân. Nó chỉ là một huyền thoại

Còn thực tế, trong nỗ lực tự ái và vĩ cuồng, chúng ta thường 99,999% nhân loại trượt xuống nấc thang tự ti. Chúng ta rất tự ti về bản thân, cho dù cố gắng tỏ ra “Bố mày tự tin lắm”. Cảm thấy rất tự tin, thực ra rất tự ti. Tôi đã gặp tất cả những người sáng chói nhất, đạt được những thành công lớn nhất, những người đóng vai trò kể cả quan chức lẫn doanh nhân siêu thành công, có một đống tiền trong tay. Khi tôi chạm vào bàn tay họ, nhìn vào mắt họ và nói là, “Anh còn một chút tự ti để trở nên rất tự tin” – “Đúng em ạ”. Tất cả đều thừa nhận, thí nghiệm của tôi đúng với tất cả mọi người. “Chỉ cần một chút thôi, anh vẫn còn hơi vướng bận thế này thế kia…”. Tất cả mọi người đều thừa nhận hết, họ thừa nhận sự tự ti bởi vì đấy là điều họ cố gắng giấu ở trong lòng. Bất kể họ là ai, xinh đẹp đến đâu, tài năng đến đâu, họ đều có lòng tự ti ở bên trong.

Tất nhiên, có một vài người sẽ nói là “Anh ạ, em không có lòng tự ti, em không bị tự ti.” Đặt vào một bối cảnh khác, bạn sẽ thấy mình tự ti ngay thôi. Tôi vứt bạn vào một nơi, chẳng hạn như Phủ Chủ tịch, tất cả mọi người đều trông rất nghiêm trang, cao đẹp, trông đều nghiêm túc, và người ta chỉ động đến bạn một cái là bạn giật mình ngay, bạn chỉ có thể nói là, “Em đi lạc vào trong này thôi.” Nếu bạn đủ tự tin để bước qua Phủ Chủ tịch và đi thẳng, thì có thể kết thúc của bạn sẽ ở một nơi khác, ở một cái đồn nào đấy. Ý tôi là sự tự tin, chúng ta biết nó không hợp lý, lòng tự tôn càng không hợp lý nữa. Cho nên các khóa học về tự tin, những sách dạy tự tin bán khắp thế giới. Đến tận bây giờ chưa từng dừng những dòng sách dạy cách tự tin và kiêu hãnh, bởi vì chúng ta có đạt được đến đâu, chúng ta cứ viết sách về nó mãi…

- HVHĐ (một tác giả OOPSY) -


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147