Trang chủ Blog Nhân cách

IM LẶNG 10 GIÂY TRƯỚC KHI NÓI

By: OopsyAdmin, 2021-06-17 13:08:34

IM LẶNG 10 GIÂY TRƯỚC KHI NÓI

.

Song song với quá trình luyện tập nụ cười, một chiêu hiệu quả mà anh nghiệm ra được khi nói chuyện với bạn bè, đó là quan sát khuôn mặt của người đối diện và đoán xem người này đang gặp chuyện gì. Nếu chưa thể tìm ra, anh sẽ cố gắng im lặng và lắng nghe một cách tập trung lời của người ấy. Ít nhất, với sự quan tâm đó, những người bạn của anh đều cảm thấy anh thật sự lắng nghe họ. Thế là họ sẽ tiếp tục tâm sự mà không đề phòng, anh lại có thêm thời gian để quan sát và phân tích câu chuyện

Sự im lặng cũng không thể quá lâu, anh tự đặt ra thời gian cho mình, sau khoảng thời gian im lặng ấy anh nhất định phải có một dấu hiệu tỏ ra đang hứng thú với câu chuyện. Sau nhiều lần luyện tập, anh nhận ra mười giây là khoảng thời gian vừa phải nhất. Để cho quen với mười giây này, anh chỉ đơn giản là đếm. Đủ mười thì tương tác lại với người nói, nghe có vẻ đơn giản, nhưng cũng khiến cho anh vất vả một vài ngày

Qua những bài học “xương máu”, anh ngẫm rằng, anh không muốn mình mở miệng một cách tự do nữa. Trước khi nắm chắc 60-70% nội dung câu chuyện, anh sẽ không nói toạc ra những suy nghĩ của mình. Thay vào đó, một số câu nói vạn năng sẽ được đưa ra, ví dụ như: “Rồi sao nữa”, “Cậu kể tiếp đi, tớ đang nghe đây”, “Thật thế à, không ngờ đấy”, “Rất tốt, rất tốt đấy”, “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”… Quả thật, những câu nói như dòng nước ấm xoa dịu tâm can của những người bạn xung quanh, khiến họ thêm trải lòng, tâm sự hay giãi bày cùng anh. Thế là từ một thằng bé “nerd” trong mắt mọi người, chỉ thời gian ngắn, anh đã được nhiều người yêu quý

Một anh bạn nói chuyện khá ăn ý với anh, cả hai thường chia sẻ, phân tích những kinh nghiệm mình thấy, đưa ra nhận định của riêng mình. Có lần, trao đổi về chuyện nghĩ trước khi nói, anh ta bảo:

- Việc suy nghĩ kỹ trước khi nói quan trọng lắm. Nói trước bước không qua, khi ấy người ta lại bảo mình hứa lèo, mất hết cả uy tín

- Tôi cũng nghĩ vậy. Cái khoảnh khắc mà những suy nghĩ trong đầu bỗng chốc thoát ra từ miệng mình mà không có gì kìm hãm là rất đáng lo. Và rồi sau đấy, sẽ là bao nhiêu lời xin lỗi, sự hối tiếc “ước gì mình đã không nói những lời như vậy”. Thật sự là ác mộng

- Có lẽ điều này ai cũng gặp phải. Nếu có thể nghĩ kỹ trước khi nói, việc này sẽ không xảy ra. Tôi cho rằng chỉ cần luyện tập một chút thôi, sẽ không phải lo lắng vì những lúc bất cẩn của mình

- Cậu còn nhận thấy điều gì nữa không?

- Ừm, khi nói, chúng ta có xu hướng “tô vẽ” lời của mình theo cách riêng. Ví dụ như một phong cách trẻ trung hay những thứ ta sao chép từ bạn bè, gia đình, và thậm chí là từ bất kỳ ai trên Internet. Những lối nói như vậy dần trở nên phổ biến, và thành thói quen. Dẫn đến việc chúng ta mong đợi ai cũng phải hiểu chúng ta đang muốn nói gì, dù kết quả có thể không như thế. Vậy nên dùng từ ngữ đơn giản thôi, từ ngữ trong sáng, ai cũng dùng. Trừ khi ta chủ tâm muốn họ tiếp cận với một nhận thức mới, đấy lại là chuyện khác

- Đúng là như vậy. Còn một điều nữa, chuyện gây hiểu nhầm khi nói mà không suy nghĩ cũng bắt nguồn từ việc khi ta đã có được một mối quan hệ ổn định, rồi một trong hai người, hay có khi là cả hai sẽ có xu hướng “lười biếng” lúc nói chuyện, ít quan tâm tới suy nghĩ của đối phương và thích “nói thẳng”. Mối quan hệ do đấy có thể tệ đi chỉ vì ta không quan tâm tới cảm xúc của người kia nữa

- Ừ, lời nói ra cẩn trọng thì mối quan hệ cũng có thể thành toàn

---

#ryuvoiva #oopsy

#cùng_nhau_trưởng_thành

#chữa_lành_trái_tim


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147