Trang chủ Blog Nhân cách

Làm Thế Nào Thoát Khỏi Những Ép, Sự So Sánh Trong Gia Đình, Xây Nên Thế Giới Của Riêng Mình?

By: OopsyAdmin, 2019-12-12 17:00:39

Trò Bựa thứ năm: 10 giờ đêm ngày nào cũng giặt quần áo trong suốt một tuần, luôn gây chú ý để người nhà biết mình đang làm thế.

Chúng ta cần diễn một vai diễn nữa. Chúng ta biết, một trong những đặc điểm khi chúng ta còn nhỏ là quần áo rất quan trọng. Việc được mua một bộ quần áo mới để mặc đi gặp bạn bè rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là gì: Đấy là được bố mẹ mua quần áo cho để đi mặc trước bạn bè. Chắc ai cũng từng trải qua đúng không – nỗi sung sướng được mặc quần áo bố mẹ mới mua cho!

Tất nhiên, bạn có thể được người khác, không phải bố mẹ, mua cho quần áo. Nếu như thế thì cũng tốt, nhưng cũng khá “đáng sợ,” dòng họ ấy hơi có vấn đề. Quần áo được cho là đương nhiên, nó tồn tại ở suốt phương Đông và phương Tây. Nhưng căn bản ai cũng sung sướng trước quần áo được cho, ai cũng sung sướng trước quần áo mới (mới với mình thôi) để mặc khoe với bạn bè.

Quần áo mới này, tốt nhất nên đến từ gia đình, họ hàng. Khi gia đình trao cho chúng ta quần áo, cho dù là họ hàng cũng vậy, nó mặc nhiên với chuyện nó mang đến điều gì. Dù là gì, tất cả những thứ đấy có nghĩa là gia đình cho phép chúng ta xuất hiện trước người ngoài như thế nào.

Điều này đúng từ bé. Hạnh phúc của người mẹ hay người bố trong việc mặc cho đứa con một bộ quần áo, hoặc mua cho nó một bộ quần áo, bất kể là người nghèo hay giàu, bất kể bộ quần áo trông dơ dáy hay không, cũ hay mới – không cần biết, điều đấy có nghĩa là họ được quyền cho phép đứa bé này xuất hiện trước người ngoài thế nào.

Chúng ta hãy nói về cảm hứng tâm lí này. Khi chúng ta có một con chó bông, thì chúng ta có một niềm rất hạnh phúc là gì: Chúng ta mặc cho nó. Ai đã từng chơi búp bê hồi bé cũng sẽ rõ điều này. Một trong những cảm hứng chơi búp bê là có thể mặc cho nó thứ mà chúng ta muốn, cho nó một giao diện xã hội mà chúng ta thích. Khi chúng ta muốn tô màu một bức tranh, đấy là cho bức tranh một hình dáng như là chúng ta muốn. Đây là một cảm hứng sáng tạo, một cảm hứng kiến lập. Cảm hứng kiến lập này một khi đã được tạo ra thì không ai muốn mất đi cả.

Hãy nói đơn giản về hiện tượng tâm lí này. Khi chúng ta vẽ xong một bức tranh, chúng ta ghét nhất là ai chỉnh sửa bức tranh đấy, tô thêm chút màu trông cho nó đẹp. Nếu như kẻ đấy vô tình tô màu đẹp hơn thì sao? Bức tranh này là của ai? Tất cả công phu bức tranh này thuộc về ai? Con búp bê của chúng ta sau khi được chúng ta mặc một bộ quần áo, nếu có người cho nó một bộ quần áo đẹp hơn khoác lên trên thì nó là của ai, đẹp vì ai? Không ai chịu nổi điều đấy, không ai chịu được là con mình đẹp hơn nhờ người ngoài.

Cho nên gia đình đã kiến tạo sẵn ở chúng ta một tâm lí: Tất cả người ngoài đều là Sai và gia đình quyết định xem ai là người con mình quan hệ Đúng: “Con gái, người con yêu liệu có đúng hay không là do mẹ quyết định,” “Đứa bạn con chơi có đúng hay không là do bố quyết định.” Và như thế, một trong những hành động của đứa trẻ được kiến tạo sẵn từ bé là: Nếu nó có mối quan hệ mới nào mà xã hội càng coi trọng thì nó càng đem về báo cáo với gia đình.

Đấy là trạng thái báo cáo chứ không phải kể. Nhưng tất nhiên nó được hợp lí hóa ở mức độ kể: “Mẹ ơi con có (bạn này),” “Mẹ ơi con có (bạn kia),”… Rồi bắt đầu chính thức hóa mối quan hệ bằng cách: Dẫn đến nhà chơi.

Ví dụ, đứa trẻ đi chơi với bạn rồi dẫn về gặp bố mẹ, bố mẹ chỉ cần thích thì nó cảm giác đấy là một thành tựu. Tất cả những điều đấy được kiến tạo sẵn trong suốt tuổi thơ của bất cứ ai. Bất cứ ai cũng thấy mối quan hệ của mình phụ thuộc vào phán quyết của gia đình. Và cảm hứng này tồn tại gần như vĩnh cửu. Nó khiến chúng ta không quan trọng người bạn đấy là ai, mà quan trọng là người bạn ấy được ai chấp nhận.

Điều đó có nghĩa là chúng ta không quen nhìn nhận bản chất của một người, mà chúng ta quen nhìn nhận xem những người xung quanh chúng ta – đặc biệt là gia đình – nhìn nhận người đấy thế nào. Nó khiến chúng ta mất đi lí trí trong việc quan sát các quan hệ xã hội.

Thậm chí, chúng ta có xu hướng lồng ghép việc so sánh người khác với gia đình chúng ta: “Anh rất giống mẹ em”/ “Anh rất giống bố em,” hay “Em cũng có ông anh giống anh,”... Tất cả những sự so sánh như thế là dấu hiệu của một lí trí không lành mạnh.

Tất nhiên, chúng ta sống bằng kinh nghiệm. Chúng ta phán xét một người theo kinh nghiệm, chúng ta phán xét một người theo những gì chúng ta biết. Thế nhưng ở đây có một triệu chứng của việc tất cả những mối quan hệ bên ngoài là do gia đình phán xét. Chẳng hạn, có một cậu học trò nọ, việc cậu ấy có tin vào thầy mình hay không rất khó nói. Nhưng có một động lực không thay đổi, đấy là nếu bố cậu bảo thầy cậu là tốt thì cậu sẽ rất tin vào thầy mình. Nhưng nếu bố cậu bảo là thầy cậu không tốt, thì bắt đầu sẽ có khoảng cách. Làm sao tránh được? Đó là chuyện bình thường trong cuộc đời, là kết quả của gia đình.

Tại sao lại thế? Bởi vì chúng ta sống trong một cái đinh nhân cách: Cái gì gia đình phán xử đều là đúng. Cho nên, nó giống như bộ quần áo, chúng ta mặc bộ quần áo nào, đẹp với ai – đều do gia đình quyết định. Người khác, người ngoài không có quyền khen chê bộ quần áo mà Tôi cho con tôi mặc.

Đặc biệt trong thời xưa, trong truyền thống cổ của cả phương Đông lẫn phương Tây, quần áo phải do tay cha mẹ tạo nên, tức là rách thì cha mẹ vá, có thể do cha mẹ làm ra. Những thứ đó liên quan đến bản ngã của gia đình. Đứa con thể hiện cách mà gia đình nhìn về thế giới bên ngoài, mọi thành viên trong gia đình quan hệ với ai – đấy là quan điểm của một gia đình.

Đến đây chúng ta hãy rẽ ngang một chuyện nho nhỏ: Thế nào là “gia đình”? Trong từ gốc, “gia” là nhà, “đình” nghĩa là sân. Thế nên khi chúng ta nói “sân đình” – đó là một từ lặp lại. Cái đình là cái sân – cái sân chung của mọi mối quan hệ. Ở đó, có một tòa nhà cho mọi người trú (tòa nhà này hay bị nhầm là cái đình. Thực ra cái đình là cái sân!)

Gia đình là gì? Gia đình là mối quan hệ gắn bó chung, người ta hoạt động chung trong một cái sân và chung trong một cái nhà. Đấy là quan hệ của phương Đông: có chung sân, chung nhà – đấy là gia đình. Tức là, sống cùng một nơi gọi là gia đình, bao giờ cũng thế. Cho nên mỗi người ở trong gia đình đấy, cách họ quan hệ với những người bên ngoài phải là phán quyết chung của gia đình và nó thể hiện quan điểm của những người sống trong căn nhà đấy. Đó là điều không thể thay đổi.

Trước khi nói tiếp về việc làm thế nào để vượt ra ngoài quan niệm này, để sống lành mạnh và lí trí hơn, bắt đầu cách li với xã hội và nhìn xã hội đúng hơn, chúng ta hãy nói tiếp điều này trước. Một trong những triệu chứng tâm lí dễ thấy nhất của loại người bị ảnh hưởng nặng bởi gia đình là hay so sánh người này với người nọ. Chẳng hạn bạn ra ngoài đường, gặp một người về liền kể: “Anh ta giống bạn em lắm,” “Chị ấy giống cô bạn hồi cấp ba của em.” Triệu chứng hay so sánh người này với người khác thực ra là không nhìn nhận thẳng vào bản chất của một người là ai. Thường những người đấy chịu ảnh hưởng của việc gia đình phán xử gì thì điều đấy là đúng, không thể sai.

Triệu chứng tâm lí đó cho thấy đầu óc họ không lành mạnh, không xét đoán được tình hình. Và nhất là khi gặp những người mà trước đó họ chưa từng gặp ai giống thế, họ cũng dễ gục ngã và dễ bị lừa dối. Trò chúng ta đang thực hiện ở đây là để giải thoát được cái đinh này, cái đinh thứ năm của tâm hồn, do gia đình đóng sâu vào tâm hồn chúng ta – trò giặt quần áo lúc 10 giờ đêm trong suốt một tuần.

Bạn phải giặt làm sao để gây chú ý – xả nước ầm ầm, giặt mạnh tay cho thành tiếng. Thậm chí còn chạy đi khắp nhà, vừa chạy vừa hớt hải nói:

- Đâu nhỉ? Bột giặt ở đâu rồi nhỉ? Ai để bột giặt ở đâu ấy nhỉ?

- Bột giặt để ngay nhà tắm.

- Để đâu, có thấy đâu ạ!

Rồi bắt mọi người tìm hộ.

Trò này chúng ta phải thực hiện theo đúng từng bước:

Trong khoảng ba ngày đầu tiên, cứ 10 giờ đêm chúng ta chỉ mở nước cho chảy tồ tồ, rồi giặt quần áo và ngồi cạnh đống quần áo. Chúng ta giặt ít thôi, để sang sáng hôm sau mọi người giặt nốt cho cũng được. Nhưng đầu tiên phải làm cho mọi người chú ý đến việc chúng ta mở nước chảy tồ tồ vào khoảng 10 giờ đêm.

Trong ba ngày tiếp theo, hôm nào chúng ta cũng giặt ầm ĩ, ầm ĩ. Và chúng ta giặt kéo dài suốt một tiếng rưỡi đến hai tiếng – tức là chuyện giặt này diễn ra rất lâu. Có thể chúng ta mệt rồi, nhưng chúng ta cứ vò đi vò lại, tiếng thật ồn, rồi giẫm cho thành tiếng. Trước đó chúng ta đi khắp nhà tìm bột giặt. Thật ra chúng ta biết nơi để bột giặt nhưng hãy giấu nó đi đâu đấy rồi giả vờ đi tìm, đi hỏi mọi người.

Đến giờ đấy (10 giờ đêm), đa phần mọi người chuẩn bị đi ngủ, hoặc là chuẩn bị nghỉ ngơi. Tất nhiên có những người ngủ muộn, có những gia đình bố mẹ vẫn ngủ lúc 12 giờ đêm, đó là chuyện bình thường. Nhưng tất cả những hành động của chúng ta khiến mọi người cảm thấy xáo trộn, họ sẽ cảm thấy rất khó chịu, bực bội.

Bạn biết không, bởi vì quần áo là biểu tượng của quan hệ xã hội, cho nên đứa trẻ, dù là anh Giám đốc hay vị Chủ tịch công ty, thì vào khoảnh khắc trở thành kẻ quấy rối mọi người như thế, họ cũng khiến gia đình nghĩ là người này không còn an toàn, người này đang không đúng.

Điều quan trọng nhất trong trò này là đến ngày thứ sáu, căn bản chúng ta sẽ bị coi là người ngoài. Tại sao lại như thế? Đứa trẻ này đang khuấy động giấc ngủ, và điều được gán cho tất cả những kẻ khuấy động giấc ngủ là:

Họ đều là người ngoài.

Bởi vì khi người ta chuẩn bị đến giờ ngủ, người ta thường được ở trong một trạng thái cá nhân hoàn toàn, không kể có gia đình hay không có gia đình. Một đứa trẻ bị quấy vào lúc nó chuẩn bị ngủ, nó sẽ khóc và phá phách mọi thứ, nó sẽ oán hận cả bố mẹ nó lẫn người đánh thức giấc ngủ của nó. Người chồng chuẩn bị ngủ bị người vợ đánh thức sẽ cảm thấy rất bực bội với người vợ mà anh ta yêu thương nhất. Đúng hơn, giấc ngủ là một cơ chế cực kỳ kỳ lạ, nó cá nhân hóa mọi thứ của chúng ta, đặc biệt là giấc mơ. Suy nghĩ khi ngủ (tức là giấc mơ) được coi là cá nhân bậc nhất ở trong đời người. Nó không chia sẻ nổi với bất kỳ ai, không chia sẻ cảm nhận nổi, thậm chí với chính mình cũng là bí mật. Giấc ngủ có một bí mật rất quan trọng như thế.

Trong khi, việc giặt quần áo là để mặc đi đối diện với người ngoài. Cho nên điều luôn luôn được coi trọng là gì? Việc giặt quần áo liên quan đến hệ thống quan hệ xã hội ở trong gia đình – quần áo bẩn để ở đâu, giặt ở đâu, giặt xong để đâu, phơi thế nào... Nó khác hẳn với việc ăn. Việc ăn thì có thể 3 giờ sáng dậy chúng ta ăn, chẳng ai nói gì, lạch cạch lạch cạch tự ăn. Nhưng việc giặt quần áo là một thứ gì đó rất thôi thúc ý nghĩ của những người trong nhà: Con không cần phải làm thế! Bạn hiểu điều này không? Việc đó rất quan trọng như thế.

Trong ba ngày đầu, chúng ta chỉ mở nước – chúng ta chỉ khiến mọi người chú tâm vào điều đấy thôi. Và trong ba ngày đấy, chúng ta ngồi bên cạnh lắng nghe tiếng nước chảy tồ-tồ-tồ-tồ-tồ-tồ. Sau đó, ta bắt đầu tìm cách làm sao cho âm thanh phát ra như thế, bản thân chúng ta cũng đang dần dần trở thành một người ngoài của gia đình. Bản thân chúng ta bắt đầu cũng đánh thức một cảm giác là:

Chúng ta đang chủ động trong các quan hệ xã hội hơn; chúng ta chủ động trong việc tách khỏi những quan hệ của gia đình.

Chuyện này rất khó.

Ví dụ nhé, anh Giám đốc nọ đã ở ngoài gia đình và bố mẹ trong suốt năm năm. Nhưng trong năm năm đấy, ảnh hưởng của gia đình vẫn vô cùng lớn. Nó ảnh hưởng âm thầm, bởi vì ảnh hưởng của gia đình nằm ở trong tâm lí, nó không nằm trong quần áo, nó không nằm trong việc anh ta đi đứng, ở lại, hay làm việc ở đâu. Cho nên, mối nối của anh ta trong gia đình cực kỳ chắc mạnh. Và chúng ta vẫn phải đẩy anh ta về gia đình, để anh ta vượt qua sự ấm ức gia đình đấy một lần nữa.

Trong thời gian chúng ta mở nước, chúng ta sẽ dần dần thức tỉnh. Chúng ta bắt đầu phải suy nghĩ rất nhiều về chuyện rút cục chúng ta là ai trong gia đình này, chúng ta có ý nghĩa gì trong sự tồn tại của chính mình. Tiếng nước đập liên tục vào tai khiến chúng ta nghĩ về bản thân rất nhiều. Và bởi vì, 10 giờ đêm cũng là lúc chúng ta nghĩ đến chuyện đi ngủ một chút – tất nhiên, có những người thức đến 3 giờ sáng, nhưng 10 giờ đêm vẫn là một giờ rất muộn. Với bất cứ ai thì 10 giờ đêm cũng là một giờ riêng tư rồi, vì chúng ta bắt đầu nghĩ về bản thân mình nhiều hơn.

Ở trong chính căn nhà của mình mà nghĩ về chính cuộc đời mình – đấy là một khoảnh khắc thật ra rất hiếm hoi. Đa phần, chúng ta có thể mệt mỏi với đời, về đến nhà chúng ta nghĩ @#$#@$ cái đứa kia làm mình như thế… Nhưng ít khi chúng ta tự đánh giá lại cuộc đời mình trong chính gia đình mình. Chúng ta rất ít khi phải nhận thức lại chính mình giữa những mối quan hệ gia đình, nhận thức mình trong việc Mình là ai, mình đi theo lối nào của gia đình, gia đình mình đang nghĩ gì về ai, nghĩ về bạn bè mình ra sao, những người thân ở trong gia đình mình là ai,... Tất cả những ý nghĩ như thế rất ít khi xuất hiện. Thậm chí, nó chỉ xuất hiện trong lúc người ta rất lãng mạn, đang lơ mơ uống cốc cà phê vào buổi sáng ở Hồ Gươm chẳng hạn.

Thực ra, chúng ta rất ít khi phải nghĩ về những điều này trong chính gia đình mình. Nhưng 10 giờ đêm, khi tiếng nước chảy tạch-tạch-tạch bên tai, đây là lúc chúng ta nghĩ về nó.

Và trong ba ngày tiếp theo, khi chúng ta giặt, chúng ta làm phiền tất cả mọi người trong gia đình. Chúng ta đang khiến gia đình đối xử với chúng ta như thể đối với người ngoài, một kẻ quấy rối. Và chúng ta cũng đang đóng một vai: Chúng ta quấy rối người nhà như thể quấy rối người ngoài.

Chúng ta đang lặp lại cuộc đời – tức là chúng ta quấy rối và làm ảnh hưởng đến trật tự sống của mọi người. Bình thường, một đứa trẻ làm điều gì trong căn nhà của nó, nó thường được mặc nhiên là nó không sai lầm. Mặc nhiên là nó muốn làm gì ở nhà thì làm, còn ra ngoài phải sống khác. Nhưng bây giờ, nó đang xâm phạm những quy chế tồn tại của cá nhân mỗi con người cụ thể, chứ không phải của một gia đình hay không. Và bằng cách đấy, nó đang tháo trật tự của gia đình ra.

Khi đứa trẻ giặt quần áo vào lúc 10 giờ đêm và làm ầm ĩ là nó đang tháo dỡ trật tự cá nhân của mỗi con người trong gia đình, nó đang tháo gỡ căn nhà chung và cái sân chung của nó. Nó chạy lung tung trong đấy, nó làm rối loạn mọi thứ, nó khiến mọi người thức tỉnh. Nó khiến mọi người quay trở về đời sống cá nhân. Ai cũng bực bội được với nó, không phải với tư cách một gia đình bực bội với một đứa con, mà với tư cách là một người bực bội với một người khác. Quan hệ gắn kết này bị tháo gỡ

Sau khi qua giai đoạn này, đến ngày thứ bảy, chúng ta đi gặp khắp mọi người, chúng ta nói: “Đến 10 giờ tối nay, mọi người giặt quần áo với con được không?” Đây là đỉnh điểm của vấn đề đấy. Và người nhà có thể sẽ nói là: “Sáng mẹ giặt cho con” – “Không. Phải 10 giờ đêm cơ. Mười giờ đêm giặt quần áo mới sạch ạ!” Chúng ta cứ cố gắng nói điều đấy, chúng ta sẽ thấy mình hoàn toàn bị coi là một kẻ bên ngoài gia đình.

Trong chuỗi bảy ngày này, nhất là ngày cuối cùng, chúng ta chứng kiến thái độ của gia đình đối với chúng ta: Nếu như không phải phán xét chúng ta là sai lầm, thì xem chúng ta là một vấn đề – “Hay là con ra ở riêng đi,” “Hay là con ra ngoài đi,” “Việc này con làm lúc khác đi. Con đừng có quấy rối bố/mẹ vào lúc đấy.”

Lúc này gia đình bắt đầu loại bỏ việc gì? Gia đình không còn quan tâm chúng ta quan hệ xã hội với ai, ai xui chúng ta làm việc này. Gia đình hoàn toàn chỉ nghĩ một việc: Đây là một việc của cá nhân cô/cậu, và cô/cậu không được làm ảnh hưởng đến tôi. Đúng hơn là gia đình vạch một ranh giới với kẻ 10 giờ đêm đi giặt quần áo này, và đối xử với nó như một người ngoài.

Từ đây trở đi gia đình này không còn khả năng can thiệp được vào các mối quan hệ xã hội của chúng ta như trước nữa. Tức là gia đình bắt đầu coi chúng ta là một người ngoài, có cuộc sống riêng, có những thứ độc lập cần phải tự quyết. Thậm chí gia đình còn muốn đẩy kẻ 10 giờ đêm giặt quần áo này đi: “Con ra ngoài mà giặt. Con sống riêng đi. Con thuê nhà đi. Con đừng có làm phiền đến mọi người nữa.” Một nỗi khó chịu nổi lên trong tinh thần của toàn bộ gia đình, và Cô/Cậu làm gì cô/cậu tự quyết, cô/ cậu đừng làm ảnh hưởng đến ai là tốt rồi. Điều chúng ta làm cực kỳ ảnh hưởng đến mọi người.

Bạn biết không, giấc ngủ, tiếng nước chảy vào 10 giờ đêm, cuộc sống cá nhân đấy giống như một cái khấc. Toàn bộ lâu đài gỗ đã được dựng lên, nhưng chúng ta rút một khấc đúng, tất cả sẽ sụp đổ xuống. Cái khấc đấy chính là giấc ngủ mà không ai được động chạm, giấc ngủ mà bình thường khi chúng ta còn nhỏ, nó được coi là giờ chúng ta phải đi ngủ. Trong giấc ngủ của gia đình, khi mọi người chuẩn bị đi ngủ, thì mọi người yêu cầu chúng ta cũng phải đi ngủ.

Gia đình hay có những thói quen rất kỳ lạ như thế. Nếu như bố mẹ đi ngủ thì con cũng phải đi ngủ – Bạn có nhớ cảm giác đấy không? Đấy là một gia đình! Khi chúng ta lớn rồi – 30 tuổi rồi, bố mẹ chúng ta 50, 70 tuổi rồi – vẫn có chuyện bố mẹ chuẩn bị đi ngủ liền giục “Đi ngủ sớm đi con.” Tại sao phải ép buộc như thế? Bởi vì giấc ngủ vừa mang tính cộng đồng gia đình, vừa mang tính cá nhân hóa. Việc ép như thế là để đề phòng một thành viên phá rối giấc ngủ của những thành viên còn lại trong gia đình. Bạn biết đấy, nếu chuyện đó xảy ra, thì nó sẽ khiến cấu trúc của gia đình vỡ vụn ra và bắt đầu xuất hiện con người cá nhân trong gia đình.

Đây là cách chúng ta tháo dỡ các mối quan hệ theo cách ép buộc một con người phải nhìn nhận gia đình như là bản thân gia đình ấy.

Cho nên, sau khi chúng ta thực hiện điều này xong, sau ngày thứ bảy (ngày thứ bảy chúng ta đang yêu cầu mọi người giặt chung với mình) chúng ta hoàn toàn chấm dứt chuyện này. Và thậm chí chúng ta bắt đầu chỉ giặt quần áo vào một buổi nào đấy sau khi chúng ta tắm xong và không liên quan đến quần áo mọi người. Tức là gì? Từ đấy trở đi, hãy tự giặt quần áo. Chúng ta sẽ có một cuộc đời của riêng mình và gia đình không còn can thiệp vào quan hệ xã hội của chúng ta được nữa. Đừng để cho ai nhìn thấy quần áo của chúng ta chưa được giặt và để xếp đống ở đấy nữa. Như thế, chúng ta sẽ có một cuộc sống của riêng mình, quan hệ xã hội của riêng mình. Chúng ta sẽ sống một cuộc đời đúng với tư cách là một cá nhân độc lập. Đó là một cơ hội hiếm có, đúng không? Nó dành cho những ai bị bố mẹ kiểm soát mọi mặt của quan hệ xã hội. Đây là cái khấc tâm hồn cực kỳ quan trọng đấy!

Cho nên trong mỗi gia đình, thỉnh thoảng, nhất là trong những gia đình người Việt, sẽ xuất hiện một người mẹ, người mẹ này giặt tất cả mọi thứ cho mọi người, nấu ăn sáng cho tất cả mọi người. Người mẹ này sẽ nhìn về chúng ta thế nào? Bà sẽ không bao giờ cho là chúng ta đã trưởng thành, bao giờ cũng muốn gìn giữ chúng ta trong một ranh giới của sự bạc nhược, của những thành công bằng việc làm tổn hại bên ngoài và luôn luôn phán quyết mọi mối quan hệ xã hội của chúng ta là tốt hay xấu, đúng hay sai – “Mẹ đã bảo con mà”/ “Mẹ đã bảo con ngay từ đầu rồi.” Chúng ta hãy thoát ra khỏi người mẹ này bằng cách 10 giờ đêm giặt quần áo (có thể chọn giặt ở tầng gần bố mẹ nhất ấy!)

Tất nhiên, có rất nhiều người sẽ có thái độ phản đối, bởi vì động đến gia đình (nhạy cảm mà!) Người ta sẽ bảo: “Đúng là bày ra những trò li gián con cái với cha mẹ.”

Nhưng những người ấy không hiểu rằng, một gia đình lành mạnh là một gia đình tạo ra một công dân, tạo ra một người có khả năng chịu trách nhiệm về cuộc đời mình và có khả năng tự xây dựng cuộc đời mình dựa trên những nền tảng, giá trị, sự lành mạnh, sự độc lập, tự chủ, chịu trách nhiệm. Đó không phải là một gia đình tạo nên một đứa con lúc nào cũng sợ sệt, lúc nào cũng phải tàn hại thế giới và mang lợi về cho gia đình, lúc nào nó cũng không biết ai yêu thương nó ngoài gia đình. Nó không thể biết được đâu là những mối quan hệ lành mạnh tốt đẹp bên ngoài. Nếu như một xã hội toàn những con người như thế, xã hội ấy chỉ có thể lụn bại và thấp kém vì không có những người dám sống một cuộc sống đích thực.

Một gia đình chỉ nên tự hào rằng đã tạo ra một đứa con là một người sống có ý nghĩa, có giá trị, chứ đừng tự hào bởi vì đã khiến Con tôi cả đời này là một đứa trẻ dưới chân tôi, đúng không? Điều đấy chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng đấy chính là những thứ tâm lí rất khủng khiếp tồn tại trong quá trình kiến tạo gia đình – những cái đinh đóng vào tâm hồn những đứa trẻ. Và nó tạo nên những bất hạnh không chỉ ở phương Đông mà còn trên toàn thế giới. Nó khiến những đứa trẻ, những kẻ mạnh mẽ có một động lực rời bỏ gia đình đấy – Tôi sống ở bên ngoài và tôi không bao giờ trở lại gia đình này nữa, dù dưới hình dạng nào. (Đấy là một khao khát rất khủng khiếp!)

<Trò Bựa thứ 5: GIẶT ĐỒ NỬA ĐÊM, XÂY NÊN THẾ GIỚI RIÊNG MÌNH - cuốn sách TÔI ĐÃ SINH RA MỘT LẦN NỮA - OOPSY>


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147