Trang chủ Blog Nhân cách

Nghi Lễ, Cộng Đồng Và Đô Thị

By: OopsyAdmin, 2020-09-08 18:22:49

NGHI LỄ, CỘNG ĐỒNG VÀ ĐÔ THỊ

Chỉ trong một môi trường rất cộng đồng, môi trường có kỉ luật, có lí tưởng, có sự phối hợp, có sự liên kết, có sự chia sẻ – đấy chính là lí do mà tất cả các tôn giáo lớn đều yêu cầu sự phối hợp, đều yêu cầu các hành động cùng nhau, đều yêu cầu sự chia sẻ – ở đấy ra đời một thứ gọi là Nghi lễ.

Các lễ hội ở trong một làng, trong các cộng đồng chính là dấu ấn của thời kì cộng đồng. Các lễ hội của làng là dấu ấn của cộng đồng, tất cả mọi người cùng làm mà không mang tính chất cạnh tranh, tất cả mọi người đều cùng hưởng những thành quả của nó, cùng thực hiện một điều và đều đứng chung trong một kỉ luật, xếp các lớp lang khác nhau, những thứ tự viên chức ở trong làng, trong một cộng đồng, đâu là chủ tế, đâu là phó tế, đâu là những cụ già, đâu là những đứa trẻ, đâu là nam thanh nữ tú, thiện nam tín nữ, điều này lặp lại ở trong tôn giáo. Những nghi lễ là chỗ duy nhất để cất giấu đời sống cộng đồng. Nếu như nghi lễ biến mất, đời sống cộng đồng cũng biến mất.

Những sự tái hồi các nghi lễ bao giờ cũng tái hồi một phần cảm giác cộng đồng. Tất cả mọi người đứng dưới lá cờ, tất cả cùng chào cờ, mọi đứa trẻ đều trải qua một trạng thái hình thành một tình yêu hồn nhiên với lá cờ tổ quốc. Chính trong quá trình nghi lễ này, một tình yêu vô tư nhất với lá cờ tổ quốc xuất hiện, đấy là một thứ nằm sẵn ở trong máu đứa trẻ.

Dù muốn hay không nếu giờ bảo bạn đem lá cờ tổ quốc ra cắt làm đôi rồi đốt, bạn sẽ thấy đấy là một hành động có gì đấy sai trái và bất thường. Tại sao bạn lại thấy sai trái, bất thường? Không nói việc đấy đúng hay sai, nhưng trạng thái tâm lí bạn cho đấy là bất thường hoặc là không đúng chính là trạng thái của việc đã bị nhồi nhét, tức là đã bị các nghi lễ xếp đặt vào một đời sống giá trị, chứng tỏ đã tồn tại một hệ thống giá trị nào đấy trước khi bạn thực hiện những chuyện này.

Khi một đứa trẻ lớn lên, ở trong các cộng đồng cổ đều có một nghi lễ gọi là nghi lễ trưởng thành. Nghi lễ trưởng thành dùng để đánh dấu một mốc của đứa trẻ được thừa nhận là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng nó không quan trọng. Quan trọng không phải là sự trưởng thành của đứa trẻ, quan trọng là nghi lễ khiến cho nó thấm nhập các giá trị cộng đồng. Khi nó thừa nhận tất cả các giá trị mà nó có với cộng đồng và chấp nhận những nghi lễ này, khi thấm nhập vào tính thiêng của nghi lễ này, nó thuộc về cộng đồng theo tất cả mọi nghĩa.

Một người khi tiếp nhận một giá trị thuộc về một nghi lễ một cách thiêng liêng, một cách phục tùng, một cách cộng đồng với những người khác, người đấy bắt đầu có thể thực sự đi vào một trạng thái cân bằng tâm lí. Các chứng điên ở trong thời cổ là gần như không tìm thấy, có thể nói như thế. Trong khi ở trong thời hiện đại, lúc nào cũng có thể thấy, bởi vì các lệch lạc xảy ra rất nhiều, bóp méo các trạng thái tâm lí. Trong khi trong đời sống cộng đồng, với các nghi lễ, với các lí tưởng chung, với các hình thức để có thể kiến tạo nên một sự cân bằng, bởi vì thế này, chỉ khi nào tạo ra một môi trường trong đấy có những động lực mang tính chất cân bằng thì sự phát triển của con người mới không méo mó, không lệch lạc và có thể trở lại trạng thái đúng và phát triển đúng với tư chất của nó.

Một người thế nào là phát triển tư chất? Đã nói với bạn về trạng thái khi bạn gia nhập thế giới ảo, có một thứ phát sinh, đấy là một khía cạnh tâm tính của bạn được bộc lộ ra một cách cực đoan. Ví dụ người nhu mì cứ bộc lộ như thể mình nhu mì, lúc giận lên thì giận lên xong rồi nói chuyện với mọi người “Thực ra tao cũng hiền ấy mà”. Cái “hiền” này không phải là hiền thật, cái “hiền” này là cái hiền được xây dựng. Đấy là một cá tính được xây dựng trong quá trình tiếp xúc với không gian ảo, hoặc tiếp xúc với những sức ép của đô thị. Không gian ảo chỉ là một trường cực đoan của đô thị nơi người ta thể hiện rõ nhất các trạng thái tâm lí. Còn lại, tại sao nói với bạn là đã có chữ viết thì sẽ có không gian ảo, tức là sẽ có mạng, sẽ có internet, sẽ có hệ thống xử lí thông tin? Bởi vì nó chỉ là một môi trường rộng nhất và thể hiện rõ nhất bản chất tồn tại ở trong đô thị, nó cực đoan nhất hệ thống đấy.

Ở trong một môi trường đầy những sự biến dạng, nếu nói là bạn đang phát triển những gì đúng ở trong mình, thì đấy là gì? Cái gì đúng trong bạn? Bạn chỉ có thể gặp người tốt thì biểu hiện phần tốt rồi cứ nghĩ mình là tốt, gặp người xấu bắt đầu phải đấu tranh, bắt đầu phải khôn ngoan rồi nghĩ “Đời là lọc lừa, sống phải có trí tuệ”. Đó là do những tương tác đấy tạo ra và bóp méo trạng thái của bạn thôi. Chẳng có gì tự do, đấy không phải là lựa chọn.

Trong một môi trường cộng đồng, điều quan trọng là họ set up tất cả những hoàn cảnh, nền tảng tồn tại để tất cả ở trong một trạng thái tâm lí cân bằng, không bị bóp méo và ở trong trạng thái đấy có thể phát triển những tố chất cá nhân.

 Nhân tiện, những điều này không liên quan đến các lí thuyết về chủ nghĩa xã hội. Bởi vì nếu ở trong một xã hội phát triển những tố chất bình thường của nó, nó dựa trên sự hợp tác, sự chia sẻ. Mấu chốt của nó, một là không dựa trên sự đấu tranh, thứ hai là không dựa trên việc đặt những nền tảng về đời sống vật chất. Bởi vì càng đặt các nền tảng đời sống vật chất là mấu chốt để người ta cùng tồn tại với nhau thì sẽ gia tăng tính chất cực đoan của không gian ảo. Bởi vì nó sẽ khiến cho người ta sử dụng thế giới vật chất để định nghĩa mình. Như thế, nó không khác nào một công cụ như chữ viết hoặc như mạng.

Chẳng hạn A và tôi phân biệt với nhau bằng số bộ quần áo có trong tủ áo và yêu cầu là bọn tôi phải bằng số quần áo với nhau mới gọi là cộng đồng. Việc tôi bắt A phải mặc giống tôi hoặc là cùng một bộ thế này sẽ xóa bỏ sự phân biệt ở một mức, tức là làm cho bọn tôi định nghĩa lại mình thông qua bộ quần áo. Đây chính là một hiện tượng tâm thần bậc nhất của đô thị, một hiện tượng tâm thần không cực đoan lắm nhưng thuộc loại gần như mức cuối của các loại tâm thần đô thị: Đồng phục. Nó là một thứ tâm thần đô thị và thực ra nó chỉ nảy sinh trong đô thị. Bạn nghĩ xem, khi mặc đồng phục vào bạn nghĩ mình là nhân viên của một nơi nào đấy, học sinh của một trường nào đấy, bạn định nghĩa mình thông qua vật đấy. Quá trình vật hóa tâm lí này là một quá trình đã được những đầu óc vĩ đại nhất cuối thế kỉ XX đề cao, họ nghiên cứu lại quá trình vật hóa tính cách này, quá trình mà đời sống riêng tư bị lôi ra khỏi nội tâm và trở thành một cái gì đấy hiện hữu trước mặt người ta.

Ví dụ bạn vẽ rất đẹp, thể hiện tính cách, thể hiện sự dữ dội nội tâm, đấy đều là quá trình vật hóa thế giới nội tâm và nó kéo người ta vào trạng thái mất cân bằng. Nếu bạn muốn vẽ lại thế giới nội tâm của mình, bạn sẽ không thấy gì ngoài một bóng đêm khác, có vẽ thêm mặt trời cũng thế.

Điều quan trọng trong thời cổ, những người phải sinh ra để vẽ những hình ảnh Thần Thánh, họ muốn thông qua đấy xóa bỏ con người cá nhân của họ. Không phải con người cá nhân là xấu mà bởi vì con người cá nhân mà họ nhận được trong đời sống đô thị là con người lệch lạc, đấy không phải con người cá nhân thật. Con người cá nhân thật là một điều khác.

Cho nên mọi tôn giáo hiện đại, mọi bậc Giác Ngộ hiện đại đều linh cảm một điều: hãy nghe tiếng gọi ở trong bạn, tiếng nói Thần Thánh ở trong bạn. Đây là một điều, một tín tức, một tín điều bị những phái như Thanh Hải Vô Thượng Sư dùng để phát triển tôn giáo của họ. Tất nhiên đấy là một cách đánh tráo thôi, nhưng các tôn giáo hiện đại đa phần đều kêu gọi người ta lắng nghe tiếng nói, tìm được kho báu ở trong mình, bởi vì họ đều phát hiện ra một chuyện là sự tồn tại thật ở trong họ không mang theo nhân tố méo mó. Còn tất cả những gì họ nghĩ là bản ngã của mình thật ra lại là một sự méo mó trong quá trình tiếp xúc với đô thị và các công cụ ảo.

Hỏi: Lúc nói về người vô tính và Kiều, tôi nghĩ về Đức Vua ở trong truyện Tấm Cám, ông ấy cũng không có phản ứng gì khi vợ chết, sau đó lại lấy luôn em vợ thì đấy có phải cũng là một dạng người vô tính không?

Không, người vô tính họ sống ở trong một trạng thái cộng đồng. Nếu thiếu trạng thái cộng đồng, tất cả những gì giống như cộng đồng đều không đúng nữa. Trạng thái vô tính chẳng hạn, nó được thiết lập do việc giả lập lại những luồng lực của cộng đồng.

Khi những luồng lực cộng đồng mất đi thì tâm lí A trở lại biến dạng, A lại bắt đầu mong cầu tình cảm lập tức, biến dạng ngay lập tức. Tất nhiên nếu nói về kiểu con người, A có thể tự lí giải mình là xa nhà, nhớ nhà, cô đơn, gặp bạn ấy thì bắt đầu nảy sinh tình cảm, rồi hai người đến với nhau vì thấy hợp nhau, đấy chỉ là bề mặt. Một nhà tâm lí học khôn ngoan biết tất cả những gì người ta tự biết về mình đều là giả dối, đều là mặt nạ và đều là những điều ngộ nhận.

A: Tôi thấy ai cũng có mục đích nhưng mình thì chưa có.

Thực ra có rất nhiều thứ đẻ ra cùng chủ nghĩa cá nhân. Chẳng hạn như trách nhiệm cũng là một dạng chủ nghĩa cá nhân. Ở trong cộng đồng, vấn đề không phải người ta không có trách nhiệm, vấn đề là người ta đương nhiên sống với nó. Bởi vì đã đặt ra vấn đề trách nhiệm thì một vấn đề tương phản đặt ra ngay: vô trách nhiệm. Trong đời sống cộng đồng không có trạng thái trách nhiệm hoặc vô trách nhiệm. Cá nhân đẻ ra trách nhiệm, cá nhân đẻ ra mục đích, cá nhân đẻ ra những vấn đề cá nhân phải thực hiện. Khi người ta ý thức mình như là một cá nhân thì người ta đối diện với cộng đồng và khi đã đối diện với cộng đồng thì tập thể – tức là cái cộng đồng đô thị – xuất hiện.

Khi nào người ta đối diện với cộng đồng? Nói về mặt vật chất đối với tất cả con người, đấy là khi người ta phải buôn bán. Không ở đâu khiến người ta phải đối mặt với cộng đồng một cách khủng khiếp như buôn bán, chuyện này Marx là người thấy rất rõ. Khi xã hội được phân công lao động, có lẽ phải bắt nguồn từ Adam Smith nhưng đến Marx chuyện này thành mệt mỏi, bởi vì với Adam Smith căn bản là thế này, con người là phân công lao động và phân công lao động tạo ra một hệ thống thị trường thúc đẩy các lợi ích của nhau. Một người làm lợi cho mình thì cũng làm lợi cho xã hội. Nếu như bạn làm giày, bạn chỉ việc sản xuất ra nhiều giày hơn để buôn bán. Những người khác sản xuất ra nhiều thứ hơn vì họ không phải lo về giày nữa, đơn giản như thế.

Nhưng Marx thấy một chuyện khác, Marx thấy một mâu thuẫn, con người sản xuất ra một đồ vật và đồ vật đấy lập tức không thuộc về con người nữa mà bắt đầu thuộc về xã hội. Bản chất cá nhân của đồ vật bắt đầu bị bản chất xã hội làm méo mó. Trong sự trao đổi này đã mặc nhiên một sự mâu thuẫn, đã mặc nhiên việc – nhất là khi con người không khống chế được giá – bản thân sự trao đổi mang tính bất công. Tất cả mọi chuyện bắt đầu méo mó dần đi. Đây không phải là triết học, đây là sự thật. Bởi vì về mặt tâm lí học nó rất đơn giản, đúng là khi bạn làm ra một thứ, bạn muốn nó thuộc về mình. Khi bán được, kể cả đắt tiền, không phải không có một sự hụt hẫng nhỏ nào đấy trong lòng xuất hiện. Họ có trạng thái đấy, họ mừng rỡ và họ cũng hụt hẫng. Tình trạng cực đoan của trạng thái tạo lập là khi có đứa con. Nếu như ai đã có con, bạn sẽ cảm giác bán con đi là một điều không thể chịu đựng nổi, như máu thịt của mình vậy, mà cũng là một dạng máu thịt. Tất cả đều là một dạng công sức, đều là một dạng sự sống.

Khi con người đặt ra các vấn đề cá nhân thì mọi thứ cũng xuất hiện. “Mục đích” cũng là một vấn đề cá nhân, mục đích cá nhân là một vấn đề cá nhân. Như A nói ở trên, sở dĩ mục đích của A còn lờ mờ không phải bởi A sinh ra lờ mờ mà bởi vì A đang ở trong một trạng thái là đô thị thì tạo ra một sức ép bắt A phải trở thành con người cá nhân, nhưng gia đình lại khiến cho A không làm con người cá nhân được. Làm một con người cá nhân, không có gì sai. Làm một con người cộng đồng, không có gì sai. Chỉ có vấn đề là phải thích hợp với trạng thái. Nếu như gia đình bạn tiếp tục bảo vệ bạn, nói về mặt con người, thì phải có khả năng bảo vệ bạn đến cuối đời mới khiến cho bạn duy trì được các giá trị cộng đồng. Thế nhưng chuyện đấy không xảy ra, bạn vẫn phải tiếp xúc với xã hội, các sức ép của xã hội xuất hiện. Khi bạn đối mặt với xã hội rồi, bạn là người đi làm thuê chẳng hạn, bạn đâu có làm được mọi thứ, bạn có tự trồng ra được mọi thứ không?

Trong trạng thái hiện giờ, đang sống nhờ bố mẹ thì người ta thường gần với trạng thái cộng đồng nhất, bởi vì trong gia đình mọi người phối hợp với nhau mà không tính toán lợi ích của nhau. Bạn không thể tính toán là “Bây giờ bố nuôi mình sau này lại phải giả tiền cho ông ấy”, không bao giờ bạn phải cân nhắc việc đấy cả, không ai cân nhắc “Ở nhờ nhà sau tương lai đi làm lại phải trả tiền”, ngồi cộng lại một hồi khoảng mấy trăm triệu, không bao giờ có trạng thái khổ sở thế cả.

Trạng thái cộng đồng ấy đưa người ta trở lại một trạng thái cân bằng nhất định. Con người mỗi lần khóc lóc với cuộc đời lại tìm về với tổ ấm, bởi vì đấy là một nơi duy nhất còn lưu giữ được hơi ấm của đời sống cộng đồng. Còn lại, gia đình cũng méo mó bởi gia đình phải đối diện với áp lực của xã hội, bố về lo “Cơ quan giờ đợt thưởng này không như ý”, mẹ lo “Hàng xóm vừa qua chặt cái cây nhà mình, bên nhà bên kia tính cách xấu lắm đấy, đừng chơi với nhà đấy”. Tất cả các áp lực xã hội bản thân nó đã biến gia đình thành một dạng cá nhân. Tức là, trong đời sống cộng đồng, gia đình là một phần của cộng đồng, gia đình là cộng đồng và cộng đồng là cộng đồng. Tất cả các hạt tử này được xếp bên cạnh nhau tạo thành một tổng thể, tổng thể không có gì mâu thuẫn với bộ phận, tất cả đều là một – “nhất thể”, đấy là Tam vị nhất thể.

Thế nhưng ở trong đời sống đô thị tất cả mọi người đều tính theo đơn vị cá nhân, tất cả đều tính theo đơn vị không gian kín, một gia đình như là bốn nhân khẩu. Gia đình biến thành một dạng cá nhân to, chứ không phải một dạng cộng đồng nhỏ. Đơn vị là cá nhân, đơn vị là không gian kín.

Một đứa con trong gia đình vẫn phải chịu một áp lực đấy, tức là một sự dằng dai giữa gia đình khi đối diện với đời sống đô thị. Về gia đình, ở trong nhà lúc còn bé, bạn chạy ra vào phòng bố mẹ như không, rồi chạy về phòng mình. Tất cả mọi chuyện đều đơn giản đúng không? Khi quen với các áp lực xã hội, bạn bắt đầu mới có căn phòng riêng, một góc nhỏ, ngồi đọc truyện tranh cũng được, chơi điện tử cũng được, bố mẹ nói gì cũng kệ. Bố mẹ nói gì cũng do áp lực của xã hội thôi, “Con mình không học, không bằng người”, tất cả những thứ đấy, những dồn nén biến gia đình thành một loại cá nhân. Trong khi bạn lớn lên, bạn vẫn sống trong một trạng thái vừa thoải mái trong gia đình, vào bếp cũng được, vào phòng ngủ cũng được, vào đâu trong căn nhà cũng được, leo lên gác mái, tất cả chuyện đấy đều thoải mái, còn sang nhà người khác cảm thấy vướng. Chứng tỏ gia đình bắt đầu biến thành một gian phòng khép kín và trong gian phòng khép kín lại có một gian phòng khép kín nữa, trong khi nó vẫn mang hơi ấm của cộng đồng. Trong một tình trạng dằn vặt như thế, con người luôn méo mó. Nhưng bởi vì những năng lượng còn nguyên lành nhất đều còn tồn tại ở phía gia đình, cho nên xét đến cùng bạn vẫn cần gia đình như một chỗ dựa. Nếu một người xa gia đình, tự ở trọ thì khi những sức ép tâm lí đến, người đó sẽ biến dạng vô cùng kinh khiếp vì không còn hơi ấm của cộng đồng.

***

(Trích sách Sự kiến tạo tâm cảm - tác giả HVHĐ)

Tìm đọc các phần trước:

- Phần 1: Sáu nấc thang tâm lí chi phối con người đô thị: http://oopsy.vn/search?s_name=s%E1%BB%B1+ki%E1%BA%BFn+t%E1%BA%A1o

- Phần 2: Sự Tồn Tại Của Vô Tính 

- Phần 3: Vật hóa thế giới tâm lí: Sách và Chữ viết, một nguồn gốc của Đô thị

- Phần 4: Con Người Bắt Đầu Đánh Mất Một Sự Rộng Lớn Của Mình Để Đổi Lấy Một Khoảng Không Hẹp: Ba Nhân Tố Gây Tổn Thương Nội Tâm


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147