Trang chủ Blog Nhân cách

NHỮNG TÂM HỒN BỊ NHÀO NẶN: Đừng hành hạ con trẻ bằng tham vọng hay kế hoạch của chính mình

By: OopsyAdmin, 2020-05-12 10:11:22

NHỮNG TÂM HỒN BỊ NHÀO NẶN

Đừng hành hạ con trẻ bằng tham vọng hay kế hoạch của chính mình

 

Báo cáo về số lượng tội phạm trẻ em ngày càng tăng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu vào mối quan hệ giữa sự thoái hóa và tuổi thơ. Chỉ gần đây thôi, chúng tôi mới đọc tin về tên trộm mười hai tuổi liều lĩnh và xảo quyệt không kém bất cứ tên trộm lão làng nào. Làm thế nào điều này lại xảy ra được? Có phải bẩm sinh không? Hay do luyện tập mà thành?

Không có gì đau đớn hơn khi cha mẹ nhìn thấy một đứa trẻ sống trong tình yêu, được nuôi dạy cẩn thận lại sa ngã vào con đường tội lỗi ấy và bắt đầu trượt dài trong thất bại. Họ lo lắng tự vấn bản thân mình đã sai ở đâu. Họ thậm chí còn không tiếc tiền đem đến cho con cái nền giáo dục với những gia sư và người thày ngoại quốc đắt đỏ. Mục tiêu của cuộc đời họ trong suốt những năm qua là con cái mình sẽ có một tương lai xán lạn. Không có mục tiêu nào cao cả như thế. Nhưng thời gian lại đem đến cho họ nỗi thất vọng. Họ nhìn thấy tất cả niềm tự hào của mình dần tan biến và chỉ thầm cảm ơn Chúa khi con họ có một chút tài năng, thay vì trở thành thiên tài như họ mong đợi. Thực tế luôn là nỗi thất vọng.

Sự thoái hóa tinh thần hay cái Tôi phì đại

Người ta khó có thể tin rằng, đứa trẻ dễ thương với một gia đình hạnh phúc kia lại có thể trở thành một con quỷ dữ. Những đôi cánh thiên thần dần rụng xuống và một đứa trẻ được nâng niu trở thành bạo chúa gây ra đau khổ cho chính mình và những người thân. Nó thay đổi mọi ước muốn trước đây và ngày càng quái dị hơn. Lúc đầu nó chỉ bị coi là nghịch ngợm, sau dần là hư hỏng, đến cuối cùng không còn như những đứa trẻ bình thường nữa. Những nhà giáo dục gọi đó là một thất bại, còn bác sĩ kết luận đó là thoái hóa. Koch1 đã đưa ra cách gọi tuyệt vời cho những đứa trẻ nằm ở ranh giới không thành bệnh và thành bệnh với tên gọi “thoái hóa tinh thần” (psycho-pathological inferiorities).

Những đứa trẻ hư hỏng kia là một ví dụ cho loại bệnh lí này. Bệnh lí này có rất nhiều biến thể, không dễ để phác thảo đặc điểm chung cho mọi trường hợp. Nó là một kiểu phì đại) trước tất cả mọi thứ:

Mọi cảm xúc vị tha đối với chúng là điều gì đó không tưởng và không thể hiểu nổi. Nếu chúng sở hữu những cảm xúc này, thì đằng sau đó luôn tiềm ẩn sự giả vờ của một người lão luyện.

Chúng luôn đặt sự thoải mái và tham muốn của mình lên trên mọi thứ, cái Tôi cần được yêu thương của chúng quan trọng hơn tất thảy mọi người.

Chúng ghen tị trước mọi dấu hiệu tình cảm dành cho đứa trẻ khác, bởi cái Tôi của chúng ghi nhận rằng đó là sự phản bội lại tình cảm của chúng.

Chúng rất dễ cảm thấy bị xúc phạm, nóng nảy và mất kiểm soát, nên dễ xung đột với anh chị em, cũng như bạn học của mình. Vì thế, chúng hiếm khi có bạn bè. Ngược lại, chúng có nhiều kẻ thù đến nỗi đuổi đi chẳng hết, hoặc luôn sống trong đánh đấm bạo lực.

Chúng luôn cảm thấy bản thân mình bị bức hại như một con tốt thí. Cảm thấy giáo viên luôn "đì" mình, hoặc học sinh trong trường âm mưu chống lại mình, chờ chực cơ hội để bức hại mình

Chúng luôn bất ổn, bồn chồn và không thể kết nối với bất cứ thứ gì trong bất cứ khoảng thời gian nào. Những đứa trẻ đó thường mỗi năm chuyển trường một lần, bởi các bậc cha mẹ chỉ luôn tin vào lời khiếu nại của con trẻ và sự ngược đãi bất công mà chúng phải chịu.

Chúng không vừa mắt với giáo viên và các bậc cha mẹ. Thực tế, chúng không được thừa nhận và cũng không có tự tin. Chúng luôn phụ thuộc vào những buổi học thêm với trợ giảng đặc biệt, đồng thời luôn cho thấy hàng loạt tội lỗi.

Như thường lệ, chúng bẩn thỉu và tham lam, ngấu nghiến đồ ăn của mình một cách vội vàng và dường như không khi nào no được.

Chúng thường bị kết tội nói dối, trộm cắp vặt

Chúng thích đe dọa người khác bằng sự tự sát và có lúc chúng giả vờ như thật. Nếu người ta không đáp ứng mong cầu của chúng, chúng sẵn sàng đe dọa bằng những hành động bạo lực khác, ví dụ như cố ý gây hỏa hoạn.

Một sự trượt dài trong thất bại! May thay, những đứa trẻ "thoái hóa về tinh thần" ấy không phải lúc nào cũng có tất cả những tật xấu này. Như tôi đã nói, chúng có nhiều loại. Thường ở mỗi đứa trẻ chỉ xuất hiện một vài trong số những tính cách nêu trên và chỉ thể hiện ra ở một vài trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, có một triệu chứng mà chúng ta chưa đề cập, nó có ở hầu hết những đứa trẻ mà chúng ta vẫn gọi là hư hỏng. Chúng thường dậy thì sớm, hay nói cách khác là biểu hiện một cảm xúc tính dục mạnh mẽ.

Nhiều bậc cha mẹ đã phiền muộn đến thế nào trong nỗ lực kéo những đứa con ngỗ nghịch quay trở lại con đường đúng đắn. Và bằng chính trái tim chân thành của mình, họ lại thường sử dụng các phương pháp sai lầm nhất, chính thế lại càng khiến tính xấu của đứa trẻ tăng lên.

Môi trường tác động thế nào đến tâm hồn thơ trẻ?

Có thể hiểu ngay vấn đề này khi tìm hiểu về căn nguyên của những hiện tượng kì quái của con trẻ. Một nhân tố đã không được nhấn mạnh đến, đó là môi trường. Người ta khó có thể trông đợi những đứa trẻ ngoan từ những gia đình phạm tội, từ kẻ nát rượu. Tất nhiên, cả những đứa trẻ mồ côi hoặc trẻ có cha mẹ bận rộn cả ngày cũng dễ trở thành trẻ hư hơn những đứa trẻ luôn được mẹ dõi theo bằng đôi mắt yêu thương.

Nếu tưởng rằng chỉ cần cách li trẻ là đủ để ngăn chặn sự hư hỏng hay sự hình thành của những hành động điên rồ, thì chúng ta đã quá sai lầm. Chúng ta cũng thường thấy trẻ hư hỏng trong những gia đình có điều kiện tốt nhất, được chăm sóc và nuôi dạy cẩn thận nhất. Và ở đây, nếu tìm hiểu kĩ hơn, ta sẽ thấy môi trường cũng sẽ là một tác nhân cơ bản.

Vậy ta tìm thấy trẻ hư ở trong những kiểu gia đình nào?

Thường là những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, hoặc thiếu đi bầu không khí ôn hòa từ một gia đình yên ấm – điều kiện cần cho sự phát triển của một tâm hồn lành mạnh. Trong những gia đình đó, cha mẹ liên tục cãi vã. Đứa trẻ bị lôi vào những cuộc tranh cãi không hồi kết ngay khi nó còn rất nhỏ. "Con chỉ thuộc về một mình mẹ, con chỉ được yêu mẹ thôi." Người mẹ giận dữ gào khóc, siết chặt lấy đứa trẻ con co rúm lại vì sợ. "Anh phải làm theo những gì tôi yêu cầu." Bà ấy hét vào mặt người chồng. "Tôi là chủ cái nhà này!" Và người cha bí mật hỏi đứa con rằng nó yêu cha hơn hay yêu mẹ hơn...

Căn nguyên của sự hư hỏng nằm ở đây. Đứa trẻ không có quyền gì trong nhà. Người có quyền đầu tiên trong nhà mà nó biết đó là người cha. Sự nhận thức về quyền hạn này được bồi đắp bởi tất cả sự ngăn cấm về mặt đạo đức, những luật lệ bắt cá nhân phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình mà không xung đột với các luật thành văn hay bất thành văn

Một họa sĩ nổi tiếng người Pháp – Carriere đề cập luận điểm rằng, giáo dục thanh thiếu niên phải bắt đầu từ việc cởi bỏ tất cả sự giam cầm với chúng. Về mặt lí thuyết, đây có thể là một suy nghĩ rất hay. Nhưng xét về thực tế, điều này không thể và không thực tế chút nào. Chúng ta vẫn chưa thể làm được điều đó, và chưa thể với đến tầm đạo đức đó. Hay nói cách khác, trẻ em chưa đạt đến mức mà đạo đức có thể thay thế quyền lực. Chắc chắn có nhiều đứa trẻ đã đi đến mức đó. Tuy nhiên cả nghìn năm qua, hầu hết nhân loại đều chưa thể làm được. Ở thời điểm hiện tại, giáo dục luôn bắt đầu từ sự ngăn cấm. Nếu muốn có tự do, đứa trẻ cần phải vượt qua sự ngăn cấm ấy.

Chắc chắn việc này không thể đạt được bằng bạo lực. Chỉ có một cách duy nhất, đó chính là yêu thương.

Trong một gia đình yên ấm, gia đình có cha mẹ tôn trọng nhau, thì những đứa trẻ sống trong những gia đình đó khó có thể hư hỏng được. Giáo dục bắt nguồn từ lòng tin vào quyền hạn của cha mẹ, và con trẻ mong muốn được trở thành người giống như cha mẹ mình. Đây là nền móng tạo nên một con người có đạo đức.

Trong những trường hợp hiếm hoi, gia sư hay người kèm cặp có thể cũng đóng vai trò đó, bởi đòn bẩy mạnh mẽ của giáo dục luôn là tình yêu. Không phải kiểu yêu thương mù quáng, điên rồ. Đó là tình yêu thương được thể hiện trầm tĩnh, sâu sắc, nhìn thấy lỗi lầm rõ ràng hơn cả những điểm đặc biệt của con trẻ, nhưng không để đức tính đó biến thành kiêu căng bởi sự tán dương.

Tình yêu mù quáng đem đến cho đứa trẻ bất cứ thứ gì mà nó muốn và tin rằng điều đó sẽ khiến nó hạnh phúc. Đây thực sự là một trường dự bị tồi tệ của cuộc sống. Đứa trẻ dễ dàng sa vào suy nghĩ rằng mọi ước muốn đều có thể trở thành hiện thực nếu dùng sự tinh ranh hay nước mắt để đạt được. Việc quan trọng với đứa trẻ là nuôi dạy chúng chứ không phải cung phụng chúng.

Một đứa trẻ cũng nên được tự do tưởng tượng. Mảnh gỗ nhỏ kích thích trí tưởng tượng tốt hơn tất thảy búp bê xinh đẹp với váy áo lộng lẫy kia. Những thứ đồ chơi xa hoa như vậy nên bị loại bỏ so với hàng ngàn vở kịch thiếu nhi trong những nhà hát hay với những câu chuyện cổ tích được dàn dựng công phu trên sân khấu lộng lẫy, ba-lê, hòa nhạc và nhiều thứ khác. Đâu là thứ còn lại dành cho lũ trẻ?

Chính khao khát tìm hiểu những điều mới mẻ là động lực thúc đẩy sự tiến bộ trong mỗi cá nhân và trong cả cộng đồng.

Tôi phải nhấn mạnh một điều: Hàng ngàn thanh thiếu niên bất hạnh ngoài kia trở thành những con người bất ổn, bởi chúng là con tốt thí cho sự ngu muội của cha mẹ chúng với kế hoạch tham vọng của họ về thành công. Trong khi nghệ thuật của nhà giáo dục được thể hiện chủ yếu trong việc điều trị những đứa trẻ bất thường.

Ở đây, sự sắp đặt tự nhiên phải được tận dụng một cách tối đa. Nguyên nhân thường gặp của sự phạm tội là một kiểu năng lực dư thừa mà bản thân người phạm tội không thể phát tác ra được, nó liền bộc phát thông qua những trò nghịch ngợm hay hành vi xấu. Một số đứa trẻ thường cho thấy một sự thay đổi tuyệt vời khi nó tìm thấy một công việc phù hợp và phương pháp hiện đại trong việc giải quyết vấn đề. Bằng cách này, năng lượng dư thừa được điều phối cho những kênh phù hợp và cơ thể chúng sẽ được tôi luyện bằng cuộc sống bên ngoài. Đồng thời kích thích những cảm nhận của chúng về vẻ đẹp của vũ trụ và giúp chúng nỗ lực thực hiện điều đó.

Cuối cùng, con trẻ tìm thấy người thày tuyệt vời nhất cho nó trong chính cuộc đời này. Tôi đã lấy rất nhiều ví dụ mà những đứa trẻ tội phạm lớn lên trở thành công dân gương mẫu và có ích cho xã hội.

Tự lập luôn là cách tốt nhất để mang lại sự ổn định nhất định cho những đứa trẻ bất ổn.

Thậm chí nó còn có tác dụng với phần đông nhân loại. Hàng ngàn người đã vượt qua khiếm khuyết trong tuổi trẻ và phục hồi sức khỏe tinh thần của mình để leo lên những bậc thang cuộc đời, nhưng lại một lần nữa biến mất trong dòng nước đục của cuộc sống.

Không phương pháp máy móc nào có thể áp dụng để uốn nắn trẻ hư hỏng. Các đơn thuốc giáo dục mang tầm phổ quát thực chất không tồn tại. Cái gọi là trại cải tạo trước đây rất được ưa chuộng, thực ra nó tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Bởi hơn ai hết, bọn trẻ rất dễ bị những điều xấu xa và đồi bại ở đó xâm nhiễm. Cuối cùng, kết quả giáo dục tâm lí với chúng chỉ là một cách lừa đảo tinh vi hơn. Ở đây, mỗi trường hợp cần phải được điều trị và xử lí một cách riêng lẻ.

Có một câu chuyện của văn hào người Đức Multatuli kể về cách mà một đứa bé gái được nuôi dạy thùy mị, hiếu thảo và đảm đang bị gia đình ép chuyển đến một trại tâm thần như thế nào. Người phụ nữ phụ trách quản lí bệnh nhân nữ nói với gia đình con bé rằng: “Quy tắc điều trị của chúng tôi rất đơn giản. Lời nói nhẹ nhàng là điều cơ bản. Sau đó, tất nhiên là ánh sáng, không khí, sự thay đổi, tập thể dục, thú vui phù hợp...” Trên đường về nhà, gia đình của bệnh nhân nghèo khổ kia đã tranh luận với nhau về quy tắc trị liệu này và chị của đứa bé gái nói với người cha: “Ánh sáng, không khí, thay đổi, tập thể dục, thú vui phù hợp! Nhưng, cha ơi, giá mà chúng ta đã làm những điều này trước khi đứa em gái tội nghiệp của con trở nên điên khùng như vậy." Người cha thà bị cối xay gió trói cổ còn hơn là phải nghe câu nói như vậy từ đôi môi của con mình. Có rất nhiều người cha như vậy.

 

Không khó để bậc cha mẹ nhận ra cách giáo dục thông thái từ đó. Cuộc đời của đứa trẻ phải được viết nên trong niềm vui đủ đầy. Cách giáo dục với chúng nên thông qua sinh hoạt thường ngày và sự hướng dẫn từ những sinh hoạt đó. Ở nhà, ít nhất chúng nên nhận được tình yêu thương đủ đầy và biết đến những điều tốt đẹp của cuộc sống. Chắc chắn, hoàn cảnh xã hội sẽ khắc nghiệt và khó khăn hơn nhiều. Nhưng ít nhất, từ trong gia đình, tâm hồn thơ trẻ của chúng biết thế nào là tình yêu thương.

Để gói gọn tất cả những điều trong tim mình về việc nuôi dạy trẻ nhỏ, tôi sẽ nói rằng:

Hãy cho bọn trẻ tự do! Đừng uốn cong lí trí của chúng một cách không cần thiết và tránh thách thức sự kích động của bọn trẻ.

Hãy dạy chúng về tình yêu những điều tốt đẹp, không phải qua những câu chuyện bị bóp méo, cũng không phải bằng con đường sùng bái, không phải sự sợ hãi trước nỗi giận dữ của cha mẹ, sự trừng phạt của Chúa, hay qua những mẩu chuyện đạo đức.

Hãy tác động đến chúng bằng chính tấm gương của mình. Hãy cao thượng, yêu thương, dịu dàng, mạnh mẽ và can trường với thời gian.

Hãy tìm ra khuynh hướng của đứa trẻ, giống như hoa hướng dương luôn quay về phía mặt trời. Khuyến khích những gì chúng  yêu thích và đừng hành hạ chúng bằng tham vọng hay kế hoạch của chính mình. Mang cho chúng một công việc vui vẻ và thú vị. Và chúng sẽ không phải đi trên con đường tối tăm đầy rẫy những tâm hồn lạc lối, lang thang không thấy ánh sáng!

***

Một cuộc “thoái hóa tinh thần” biến những đứa trẻ dễ thương, ngoan ngoãn trở thành ngỗ nghịch. Nhiều bậc cha mẹ nỗ lực kéo chúng quay trở lại con đường đúng đắn, nhưng họ lại thường sử dụng các phương pháp sai lầm nhất, và càng khiến tính xấu của đứa trẻ gia tăng.

Môi trường sống là một điều vô cùng quan trọng. Một gia đình yên ấm, một gia đình yêu thương, thì những đứa trẻ khó có thể hư hỏng được.

Đừng nhào nặn tâm hồn trẻ thơ bằng cách áp đặt lên chúng những mong cầu của cha mẹ. Hãy cho chúng tự do. Hãy dạy chúng yêu thương. Hãy dạy chúng mạnh mẽ và can trường.

Tự lập luôn là cách tốt nhất để mang lại sự ổn định nhất định cho những đứa trẻ bất ổn.

*********

- Trích sách CÁI TÔI ĐƯỢC YÊU THƯƠNGWilhelm Stekel

 

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147