Trang chủ Blog Nhân cách

Những Thương Tổn Tuổi Thơ (Phần 1)

By: OopsyAdmin, 2019-09-10 15:48:34

Tuổi già không có gì hơn tuổi trẻ để đảm nhận chức năng dẫn đường, vì những gì mà tuổi già đem lại không nhiều bằng những gì nó lấy đi.
HENRY DAVID THOREAU

Khi nghe nói đến “những thương tổn tâm lý và tình cảm tuổi thơ”, chắc bạn nghĩ ngay đến những chấn thương tâm lý nghiêm trọng như lạm dụng tình dục, bị ngược đãi hành hạ hay những thương tổn tinh thần do cha mẹ ly dị, chết hoặc nghiện rượu. Đối với một số người thì đây đúng là những thương tổn mà họ phải chịu từ thời thơ ấu. Tuy nhiên, cho dù bạn có may mắn được lớn lên trong một môi trường an toàn và tràn ngập tình thương, bạn vẫn phải chịu đựng những nỗi đau khổ không thấy được từ thời thơ ấu, bởi vì ngay từ giây phút cất tiếng khóc chào đời, bạn đã  là một tạo vật phức tạp và phụ thuộc, với những nhu cầu, đòi hỏi không bao giờ ngưng. Nhà phân tâm học Freud đã định nghĩa rất chính xác loài người là “những sinh vật không biết thỏa mãn”. Và không một bậc sinh thành nào, dù họ có tuyệt vời, xuất sắc đến đâu đi nữa, có thể đáp ứng tất cả những nhu cầu luôn thay đổi này.

Trước khi chúng ta tìm hiểu một số cách thức khó nhận thấy đã làm bạn tổn thương từ nhỏ và vẫn còn tác động đến cuộc hôn nhân của bạn, hãy xem cái sinh vật, chính là bạn, khi vừa mở mắt chào đời như thế nào. Bởi vì lúc đó, bạn là một “tổng thể nguyên vẹn” và từ đây bạn có thể lần theo những dấu vết quan trọng để khám phá ra những ước muốn sâu kính mà bạn hy vọng cuộc hôn nhân sẽ làm thỏa mãn.

Tổng thể nguyên vẹn

Không có một đứa bé sơ sinh nào có cái khả năng kỳ diệu kể lại cho chúng ta nghe về cuộc sống khi còn trong bụng mẹ, nhưng chúng ta vẫn biết được một vài điều về đời sống sinh lý của một bào thai. Chúng ta biết rằng nhu cầu sinh lý của một bào thai là được chăm sóc bằng cách trao đổi dưỡng chất giữa nó và người mẹ. Ta biết rằng bào thai không có nhu cầu ăn, thở hay tự bảo vệ khỏi những nguy hiểm, và nó được xoa dịu bởi nhịp tim của người mẹ. Từ những hiểu biết này và nhờ quan sát các đứa trẻ sơ sinh, chúng ta có thể phỏng đoán rằng bào thai sống một cuộc sống bình lặng và không phải nổ lực gì khi còn trong bụng mẹ. Nó không có ý thức về giới hạn, về bản thân, cũng chẳng có ý niệm gì về việc nó đang nằm trong một cái bọc trong cơ thể mẹ nó. Nhiều người tin rằng khi một đứa bé còn ở trong tử cung của người mẹ, nó có cảm giác về sự hợp nhất, một cảm giác thiên đường, hoàn toàn không vương vấn chút ham muốn trần thế nào. Martin Buber một giáo sư thần học người Israel đã mô tả như sau: “Khi còn là bào thai, chúng ta được nối kết với toàn thể vũ trụ”.

Nhưng cuộc sống bình lặng của bào thai bị cắt ngang đột ngột khi tử cung của người mẹ co thắt để đẩy đứa bé ra. Tuy vậy, trong vài tháng đầu, được gọi là “giai đoạn ảo tưởng”, đứa bé vẫn không phân biệt được nó với thế giới xung quanh. Gần đây, tôi có thêm một cháu bé, và tôi còn nhớ thời kỳ đứa con gái của tôi đang ở giai đoạn này. Khi những nhu cầu vật chất của nó được thỏa mãn, nó rúc đầu vào vòng tay chúng tôi và nhìn ra xung quanh với vẻ hài lòng hoàn toàn. Cũng như những đứa trẻ khác, nó không hề ý thức được rằng mình là một thực thể riêng biệt và cũng không có khả năng phân biệt rõ ràng các ý nghĩ, tình cảm và hành động. Trong mắt tôi, nó đang trải qua tình trạng tinh thần sơ khai, một thế giới duy nhất, không hề có ranh giới phân chia. Mặc dù nó còn chưa trưởng thành và hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, nó vẫn là một con người hoàn chỉnh, đầy sức sống – và về một phương diện nào đó, nó còn hoàn chỉnh hơn so với toàn bộ phần còn lại của cuộc đời nó.

Khi đã trưởng thành, chúng ta thường chỉ giữ được những kỷ niệm rất mơ hồ về giai đoạn phát triển này, như một giấc mơ rất khó nắm bắt. Chúng ta chỉ nhớ lại được quãng thời gian khi chúng ta đã trở nên độc lập hơn và có liên hệ nhiều hơn với thế giới xung quanh. Vì thế, cảm giác toàn vẹn ở thời kỳ này đã được mô tả trong những huyền thoại của tất cả các dân tộc, như thể cảm giác đó sẽ vay mượn được một chút hiện thực từ câu chữ. Nhưng nó chỉ là một câu chuyện vườn Địa Đàng, và nó lôi cuốn chúng ta bằng hấp lực mạnh mẽ của hoài niệm.

Nhưng điều này có liên quan gì tới hôn nhân? Vì lý do nào đó, chúng ta mong đợi người bạn đời của chúng ta mang lại cho chúng ta cảm giác toàn vẹn ấy như một phép mầu. Điều này giống như thể người bạn đời của chúng ta có trong tay chiếc chìa khóa huyền diệu dẫn về vương quốc xa xưa và tất cả những gì chúng ta làm chỉ là chờ đợi người bạn đời mở cho ta cánh cửa ấy. Việc họ không thực hiện được điều này cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho cuộc hôn nhân, đối với chúng ta, không thật sự hạnh phúc.

Bạn và tôi, chúng ta là một

Cảm giác hợp nhất mà một đứa trẻ có được từ khi ở trong bụng mẹ và mấy tháng sau khi chào đời sẽ dần dần nhạt phai, mở đường cho ý thức rằng mình là một thực thể tách biệt với thế giới xung quanh. Cảm giác về sự hợp nhất vẫn còn đó, những một ý niệm mơ hồ về thế giới bên ngoài dần dần hiện rõ. Chính trong giai đoạn này mà đứa trẻ có một khám phá vĩ đại rằng mẹ nó, sinh vật khổng lồ và dịu dàng vẫn thường bế nó và cho nó ăn, không phải luôn luôn hiện diện cạnh nó. Đứa bé vẫn có cảm giác nối kết với mẹ nó, nhưng đã nhận thức khởi đầu về bản ngã của mình.

Khi đứa bé còn ở trong giai đọan sống cộng sinh này, những nhà tâm lý học cho rằng nó khao khát được liên kết với những người nuôi dưỡng nó. Đây là bước khởi đầu dẫn đến tình cảm quyến luyến, gắn bó sau này giữa cha mẹ và con cái. Toàn bộ năng lượng sống của đứa bé hướng tới mẹ nó, trong nỗ lực tìm lại cảm giác về một sự hợp nhất trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất mà nó đã có trước đây. Danh từ để chỉ nỗi khao khát này là “eros”, một từ Hy Lạp mà sau này chúng ta thường đánh đồng với tình cảm luyến ái nam nữ. Nhưng thực chất, từ này nguyên thủy có một nghĩa rộng hơn nhiều, đó là “sinh lực” hay “năng lượng sống”.

Việc đứa bé cảm thấy vừa tách biệt lại vừa liên kết với mẹ nó có một tác động sâu sắc đến tất cả mọi mối quan hệ của nó sau này.

Khi đứa trẻ lớn lên, “eros” sẽ không chỉ hướng tới mẹ nó, mà còn hướng tới cha nó, anh chị em nó và cả thế giới xung quanh nữa. Tôi còn nhớ lúc con gái Leah của tôi được ba tuổi, muốn khám phá mọi vật xung quanh. Nó tràn đầy sức sống đến nỗi nó có thể chạy nhảy suốt ngày mà không biết mệt. “Chạy với con đi ba!”. Nó quay tròn đến khi chóng mặt ngã xuống đất và cười như nắc nẻ. Nó đuổi theo chuồn chuồn, nói chuyện với lá cây, đu bám vào những cành cây thấp và chơi với mọi con chó nó gặp. Cũng như Adam ngày xưa, nó cũng thích gọi tên sự vật và rất háo hức nghe người khác nói chuyện. Khi tôi nhìn Leah, tôi thấy nguồn sinh lực phun trào trong con người nó. Tôi ghen tị với nó và khao hát có lại được những gì mình đã đánh mất.

Helen, vợ tôi và tôi cố gắng giữ cho nguồn năng lượng này sống động mãi trong Leah, cho ánh long lanh còn mãi trong đôi mắt nó, và cho tiếng cười của nó mãi hồn nhiên. Nhưng dù đã cố gắng hết sức, chúng tôi vẫn không đáp ứng được mọi nhu cầu của nó. Đôi khi, dường như chính cuộc sống đang đòi lại năng lượng của mình. Một lần, nó hoảng sợ vì một con chó to và từ đó, nó đã biết cảnh giác trước những con vật lạ. Một lần khác, nó bị ngã vào hồ nước và nó bắt đầu sợ nước. Đôi khi chính chúng tôi phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra. Ngoài Leah, chúng tôi còn có năm đứa con khác, và có những lúc chúng tôi đã bỏ quên Leah vì phải lo cho năm đứa kia. Có những ngày, khi đi làm về, chúng tôi đã quá mệt mỏi không lắng nghe những gì nó nói, quá bận trí không hiểu được nó muốn gì.

Chúng tôi làm thương tổn nó mà không biết, vì chúng tôi cũng từng bị thương tổn như vậy trong thời thơ ấu; đó là di sản cảm xúc mà thế hệ này lại truyền lại cho thế hệ sau. Chúng tôi cố gắng bù đắp cho nó những gì chúng tôi không nhận được từ cha mẹ mình nhưng đồng thời có những lúc cũng gây cho nó những thương tổn tương tự ngoài ý muốn.

Cho dù vì lý do gì đi nữa, khi mong muốn của Leah không được thỏa mãn, một nét ngỡ ngàng thoáng qua trên mặt nó; nó khóc; nó sợ hãi. Nó không còn nói chuyện với lá cây và cũng không còn để ý tới những con chuồn chuồn đang lượn lờ quanh bụi cây. “Eros” đã bị bào mòn và mất dần trong con người nó.

Cuộc hành hương nguy hiểm

Những gì xảy ra cho Leah cũng là những gì đã xảy ra cho tôi và cho cả bạn. Tất cả chúng ta đều khởi đầu cuộc sống với cảm giác toàn vẹn và đầy sức sống, háo hức tìm tới những cuộc phiêu lưu để khám phá thế giới. Nhưng tất cả chúng ta đều phải trải qua một thời thơ ấu đầy nguy hiểm. Trên thực tế, có khi chúng ta đã phải chịu thương tổn ngay từ những tháng đầu của cuộc đời. Những đòi hỏi của một đứa bé là không ngừng. Khi nó thức dậy, nó khóc đòi ăn. Rồi tã lót ướt và nó khóc để mẹ nó tới thay tã cho nó. Và rồi nó muốn mẹ nó bế nó, một khao khát thể chất cũng mãnh liệt nhu cầu được cho ăn. Thế rồi nó lại đói, và lại khóc đòi ăn. Nó bị đầy hơi, và nó khóc vì đau đớn. Nó thông báo cho mẹ nó biết những nhu cầu của nó, nó sẽ được cho ăn, thay tã, bế ẵm hoặc ru ngủ và sẽ có được sự thỏa mãn nhất thời. Nhưng nếu mẹ nó không nhận ra nó muốn gì, hoặc cố ý không thỏa mãn nhu cầu của nó vì sợ làm hư nó, đứa bé sẽ trải qua mối lo sợ đầu tiên trong đời: Nó nhận thấy thế giới không phải là một nơi an toàn. Vì nó không thể tự chăm sóc cho bản thân và cũng không ý thức được rằng nhu cầu của nó sẽ được thỏa mãn nhưng không phải ngay lập tức, nó cho rằng để thế giới bên ngoài kia đáp lại những nhu cầu của nó là một vấn đề sống còn.

Mặc dù tôi và bạn đều không còn nhớ gì về những tháng đầu của cuộc đời, tâm thức cũ của chúng ta vẫn giữ lại những suy luận của tuổi thơ. Dù bây giờ chúng ta đã lớn, đã có thể giữ cho bản thân được no ấm và khô ráo, một phần sâu kín trong con người chúng ta vẫn mong đợi thế giới xung quanh phải quan tâm săn sóc mình. Khi người bạn đời của ta tỏ ra không thân thiện, hay đơn giản là không giúp đỡ ta, một hồi chuông báo động lặng lẽ vang lên sâu trong tâm trí và làm ta hoảng sợ trước cái chết, như ngày còn thơ ấu. Như bạn sẽ thấy, hệ thống báo động này đóng một vai trò chủ chốt trong hôn nhân.

Khi đứa trẻ đã vượt qua thời thơ ấu, những nhu cầu mới lại xuất hiện, và mỗi nhu cầu là một khả năng tạo ra tổn thương nếu nó không được thỏa mãn. Thí dụ như khi đứa trẻ đã được mười tám tháng tuổi, nó nhận thức rõ ràng hơn về ranh giới phân chia giữa nó và những người xung quanh. Đây là giai đoạn phát triển được mô tả là giai đoạn “tự trị và độc lập”. Trong giai đoạn này, đứa trẻ có một ham muốn ngày càng mãnh liệt được khám phá thế giới, xa hơn ngoài vòng tay cha mẹ. Nếu một đứa bé chập chững biết đi có thể nói lưu loát, nó sẽ nói rằng: “Con muốn ra ngoài kia chơi một lúc. Con đã có thể rời vòng tay mẹ và đi một mình. Con cảm thấy vẫn an toàn khi rời khỏi lòng mẹ, nhưng con sẽ quay trở lại ngay để được đảm bảo là mẹ không biến mất”.

Nhưng vì đứa bé chỉ biết bập bõm vài từ, nó sẽ chỉ trèo xuống khỏi lòng mẹ nó, và lẫm chẫm đi ra khỏi phòng. Nếu người mẹ hiểu con thì bà sẽ mỉm cười và nói: “Chào con yêu! Đi chơi vui nhé! Mẹ sẽ ở ngay đây bất cứ khi nào con cần mẹ”. Đó là những phản ứng lý tưởng. Và khi đứa bé quay lại vào phút sau, chợt nhận ra mình hãy còn phụ thuộc vào mẹ như thế nào, người mẹ sẽ nói: “Chào con! Con đi chơi có vui không? Hãy tới để mẹ bế con một lúc nào”. Người mẹ đã để cho đứa bé hiểu rằng nó có thể rời khỏi bà và đi thám hiểm thế giới xung quanh một mình, nhưng bà vẫn luôn ở đó khi nó cần tới. Đứa bé học được một điều rằng thế giới là một nơi an toàn và thú vị để nó khám phá.

Cầu chì và Sứ cách điện

Rất nhiều đứa trẻ đã phải thất vọng ngay từ giai đoạn quyết định này của quá trình phát triển. Một số đứa bé bị cha mẹ ngăn trở khi muốn được độc lập. Chính cha mẹ nó mới là người cảm thấy không an toàn khi nó ra khỏi tầm mắt họ. Vì lý do nào đó – có lẽ đã thừa hưởng từ khi còn nhỏ – cha mẹ nó muốn nó phải lệ thuộc vào mình. Khi đứa bé đi ra khỏi phòng, người mẹ cảm thấy bất an và có thể sẽ nói với nó: “Đừng đi sang phòng bên, không khéo lại ngã đau bây giờ”. Đứa bé vâng lời quay lại với mẹ nó. Nhưng dưới vẻ ngoài vâng lời ấy, nó đang cảm thấy sợ hãi. Mong muốn được tự quản của nó không được chấp nhận. Nó sợ rằng nếu nó cứ luôn luôn chạy trở lại với mẹ nó, nó sẽ bị nhận chìm trong sự hiện hữu của mẹ nó; nó có thể bị trở thành một sinh vật cộng sinh với mẹ nó mãi mãi.

Nỗi sợ bị hòa tan, nhận chìm này trở thành tính cách chủ yếu của đứa bé mà nó không ý thức được. Và vài năm sau, nó sẽ trở thành kiểu người mà tôi gọi là “sứ cách điện”, một dạng người luôn đẩy những người khác ra xa một cách vô thức. Nó giữ những người khác cách xa nó vì nó cần một khoảng không rộng rãi quanh mình, nó muốn được tự do đến và đi theo ý thích, nó không muốn bị ghim chặt trong một mối quan hệ nào đó. Và tất cả những gì ẩn giấu phía dưới lớp vỏ xa cách ấy là một đứa trẻ không được thỏa mãn nhu cầu tự nhiên đòi được độc lập. Khi đứa trẻ lớn lên và lập gia đình, nó sẽ đặt nhu cầu được là một “cá thể” tách biệt lên hàng đầu.

Một số đứa trẻ khác lại có những bậc cha mẹ trái ngược hoàn toàn với mẫu cha mẹ nói trên: những người luôn xua đuổi con mình ra xa khi chúng tìm đến với họ để được an ủi: “Đi chỗ khác chơi, mẹ đang bận”, “Ra chơi với đống đồ chơi của con đi”, hoặc “Đừng có bám nhằng nhẵng theo mẹ như thế!”. Những người như vậy không biết thỏa mãn nhu cầu của con mình mà chỉ biết thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Những đứa con của họ sẽ lớn lên với cảm giác bị bỏ rơi về mặt tình cảm. Cuối cùng, chúng sẽ trở thành kiểu người mà tôi gọi là “cầu chì”, những người luôn có nhu cầu vô tận được gần gũi người khác. Những “cầu chì” luôn muốn “nối kết mọi vật lại với nhau”. Nếu người khác lỡ hẹn với họ, họ sẽ có cảm giác bị bỏ rơi. Ý nghĩ ly dị khiến họ kinh hoàng. Họ khao khát tình thương và sự đảm bảo, và họ thường có nhu cầu luôn luôn giữ mối liên hệ thường trực với bạn bè. Và phía dưới thái độ phụ thuộc này là một đứa trẻ muốn được cha mẹ ôm ấp nhiều hơn nữa.

Vì những lý do tôi sẽ nói trong những chương sau, những người dạng “cầu chì” và dạng “sứ cách điện” lại có khuynh hướng lấy nhau, và vì thế mở đầu cho một trò chơi đuổi bắt giằng co mà cả hai bên không ai hài lòng cả.

Trong quá trình đi qua tuổi thơ, bạn đã trải qua nhiều giai đoạn này kế tiếp nhau, và thái độ cha mẹ bạn đáp ứng lại những nhu cầu luôn thay đổi của bạn sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tình cảm sau này của bạn. Thông thường, họ đáp ứng những nhu cầu của bạn trong giai đoạn này tốt hơn những giai đoạn khác. Họ có thể chăm sóc bạn một cách tuyệt vời khi bạn còn là một đứa bé, nhưng lại lúng túng khi phải đối phó với phản ứng bất bình đầu tiên trong đời bạn. Hoặc họ có thể thấy vui thích vì tính hiếu kỳ tự nhiên của bạn khi bạn chập chững biết đi nhưng lại hoảng sợ vì tình trạng bị cuốn hút đối với cha hoặc mẹ khi bạn năm nay sáu tuổi. Cha mẹ bạn có thể đáp ứng hầu hết những nhu cầu của bạn, hay chỉ đáp ứng một vài điều, nhưng, cũng như những đứa trẻ khác, sớm muộn gì bạn cũng phải trải qua những đau khổ khi nhu cầu của bạn không được đáp ứng. Những nhu cầu này sẽ theo đuổi bạn mãi về sau và gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc hôn nhân của bạn.

Bản ngã bị mất

Tới đây, chúng ta đã tìm hiểu một đặc điểm quan trọng của cái thế giới bí ẩn mà tôi gọi là “hôn nhân vô thức”, đó là nơi lưu trữ những nhu cầu không được thỏa mãn của tuổi thơ, những đòi hỏi được chăm sóc bảo vệ và được trưởng thành, nhưng đã không được đáp ứng. Bây giờ, chúng ta sẽ nghiên cứu một loại thương tổn tuổi thơ khác, loại thương tổn tâm lý còn khó nhận thấy hơn với tên gọi “sự xã hội hóa”. Đó là tất cả những thông điệp mà ta nhận được từ cha mẹ và từ xã hội, cho ta biết ta là ai và ta phải xử sự như thế nào. Những thương tổn này cũng đóng một vài trò quan trọng trong cuộc hôn nhân sau này.

Lúc đầu, có thể bạn thấy lạ khi tôi đặt sự xã hội hóa ngang với những thương tổn tâm lý. Để giải thích tại sao, tôi muốn kể lại câu chuyện của một trong những thân chủ của tôi.

Sarah là một phụ nữ hấp dẫn và duyên dáng ở độ tuổi trên ba mươi. Mối bận tâm chính của cô là sự bất lực không thể suy nghĩ một cách rõ ràng và hợp lý. Cô nhắc đi nhắc lại với tôi: “Tôi không suy nghĩ được. Tôi không sao suy nghĩ được”. Cô là một quản lý cấp thấp của một công ty máy tính, nơi cô đã làm việc cần cù suốt mười lăm năm qua. Nếu có có khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, có lẽ cô đã tiến xa. Nhưng mỗi khi đối diện với một khó khăn nào đó, cô lại hoảng sợ và chạy tới cầu cứu cấp trên. Họ cho cô những lời khuyên khôn ngoan và điều đó càng củng cố thêm niềm tin của Sarah rằng cô chẳng có chút khả năng tự quyết định nào.

Tôi không mất nhiều công sức khám phá ra lý do của tình trạng này. Ngay từ khi còn thơ dại, mẹ Sarah đã tuyên bố thẳng thừng với cô là cô chẳng thông minh gì cho lắm. Mẹ cô thường nói: “Con chẳng được thông minh sáng láng như anh con đâu” và “Con nên lấy một anh chàng thông minh, vì con phải nhờ vả anh ta rất nhiều. Nhưng mẹ không biết liệu một đứa thông minh có chịu lấy con không”. Những nhận xét này chẳng phải do mẹ cô nhận thấy cô thực sự không thông minh mà chỉ thể hiện một quan điểm thông thường của thập niên 50: rằng các cô gái thì phải dịu dàng, xinh đẹp, biết phục tùng và không được phép thông minh đặc biệt. Những cô gái cùng học với Sarah mơ ước trở thành những người vợ, những y tá, giáo viên, chứ không phải là những bác sĩ, phi hành gia hay nhà doanh nghiệp.

Một tác động khác ảnh hưởng đến Sarah là việc chính mẹ cô cũng thiếu tự tin vào khả năng phán đoán hợp lý của mình. Bà trông nom nhà cửa và chăm sóc con cái, nhưng luôn dành cho chồng quyền quyết định trong mọi vấn đề quan trọng. Lối xử sự thụ động và lệ thuộc này đã tạo nên “nữ tính” của Sarah.

Khi Sarah mười lăm tuổi, cô may mắn gặp được một giáo viên đã nhận ra khả năng tự nhiên của cô và động viên cô chăm chỉ học tập. Lần đầu tiên trong đời, Sarah trở về nhà với một bài kiểm tra có số điểm gần như tuyệt đối. Và cô đã không bao giờ quên được thái độ của mẹ mình khi đón nhận tin này: “Làm sao lại như vậy được? Mẹ đánh cuộc là con sẽ chẳng thể đạt được điều này lần nữa”. Và quả thật Sarah đã không làm được, bởi vì rốt cuộc cô đã đầu hàng và để cho khả năng suy nghĩ bình tĩnh và hợp lý ngủ quên trong đầu.

Nhưng bi kịch không chỉ là Sarah mất khả năng suy nghĩ hợp lý mà còn là cô có một niềm tin vô thức rằng suy nghĩ là một việc nguy hiểm. Tại sao lại như vậy? Vì mẹ Sarah đã phủ nhận hoàn toàn khả năng suy nghĩ của cô nên cô tin rằng nếu cô cứ tiếp tục suy nghĩ hợp lý, cô sẽ thách thức mẹ mình, sẽ chối bỏ những nhận xét của mẹ về mình. Cô không thể liều lĩnh làm cho mẹ giận ghét được, bởi vì cô vẫn còn lệ thuộc vào bà để sống. Do đó, đối với Sarah, biết được rằng mình cũng có trí thông minh là một điều nguy hiểm. Nhưng cô vẫn không thể chối bỏ hoàn toàn trí thông minh của mình. Cô ghen tị với những người có thể suy nghĩ, và khi kết hôn, cô đã chọn một người thông minh đặc biệt. Đó là một việc làm vô thức để bù đắp cho những thương tổn tâm lý của tuổi thơ.

Cũng như Sarah, chúng ta đều có những phần trong con người mà chúng ta giấu kín trong vô thức. Tôi gọi những yếu tố lẩn khuất này là “bản ngã bị mất”. Bất cứ khi nào ta than phiền rằng “không thể suy nghĩ” hay ta “không cảm thấy gì” hay “không thể khiêu vũ” hoặc “không có khả năng sáng tạo”, chúng ta đang xác định những khả năng tự nhiên, những ý nghĩ hoặc những cảm xúc mà ta đã bị tước đoạt khỏi nhận thức. Tất cả những khả năng, ý nghĩ hay cảm xúc đó không bị biến mất; ta vẫn còn sở hữu chúng. Chúng chỉ bị chìm xuống phần vô thức và đối với ta, chúng dường như không còn tồn tại.

Như trong trường hợp của Sarah, phần bản ngã bị mất của chúng ta đã xảy ra từ khi chúng ta còn nhỏ – thông thường đó là do những người nuôi dưỡng ta đã cố gắng có chủ ý dạy cho ta cách hòa hợp với những người khác. Mỗi xã hội đều có những luật lệ, xác tín và những thang giá trị mà đứa trẻ cần phải nắm được, và cha mẹ chính là đường dẫn truyền những quy tắc luật lệ đó tới đứa trẻ. Quá trình truyền thục này xảy ra trong mọi gia đình, mọi xã hội. Dường như, toàn thể xã hội cho rằng nếu một cá nhân nào đó không bị những quy tắc luật lệ trói buộc thì cá nhân đó sẽ trở nên nguy hiểm cho cộng đồng. Nhà phân tâm học Freud đã viết, “Mong muốn có một cái tôi tự do và đầy quyền lực đối với chúng ta là điều dễ hiểu, nhưng trong thời đại mà ta sống, đó lại là cảm thức sâu kín nhất đối kháng với văn minh”.

Nhưng cho dù cha mẹ chúng ta luôn muốn những điều tốt nhất cho chúng ta, những thông điệp truyền đến chúng ta đều là những thông điệp làm giảm nhiệt tình. Có những ý nghĩ và cảm xúc mà ta không được phép có, những hành vi cư xử tự nhiên mà chúng ta phải từ bỏ, những năng khiếu mà ta phải dập tắt. Với hàng ngàn phương cách, cả ám chỉ lẫn công khai, cha mẹ chúng ta khiến cho chúng ta hiểu rằng chỉ một phần nào đó trong con người chúng ta là được chấp nhận. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta được bảo cho biết rằng chúng ta không thể sống với toàn bộ bản ngã mà tồn tại được trong xã hội.

Những cấm kỵ thân xác

Một trong những vùng chúng ta bị cấm đoán nhiều nhất là thân thể của chúng ta. Ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng ta đã được dạy phải che phủ cơ thể và không được nói tới hay chạm vào bộ phận sinh dục. Những cấm đoán này phổ biến đến nỗi chúng ta chỉ nhận ra chúng khi có ai đó vi phạm. Một người bạn của tôi đã kể cho tôi nghe một câu chuyện cho thấy việc cha mẹ không truyền đạt lại cho con cái những cấm kỵ bất thành văn này sẽ gây sốc như thế nào. Người bạn gái của bạn tôi tên là Chris cùng đứa con trai mười một tháng tuổi, một hôm ghé lại thăm cô bạn tôi. Cô bạn tôi, Chris và đứa bé ngồi ở sân thượng phía sau nhà và uống trà. Vì nắng tháng Năm rất ấm, Chris cởi bỏ quần áo của đứa bé để cho nó phơi nắng. Hai người phụ nữ ngồi tán gẫu với nhau trong khi đứa bé bò quanh sân, sung sướng chọc ngón tay vào đất xốp trong chậu cây. Khoảng nửa tiếng sau, đứa bé thấy đói bụng, và Chris bế nó lên để cho bú. Khi đứa bé bú, dương vật của nó có tình trạng cương cứng nhẹ. Rõ ràng, bú mẹ làm nó cảm thấy vui sướng khắp toàn thân. Theo bản năng, đứa bé đưa tay xuống sờ vào dương vật. Không như những bà mẹ khác, Chris không kéo tay con ra. Con cô được phép cảm nhận ánh nắng mặt trời ấm áp bằng toàn bộ bề mặt da của cơ thể, được phép bú sữa từ bầu vú mẹ, được phép có sự cương cứng dương vật và cộng thêm vào tất cả những sự thích thú đó, nó được phép tuân theo bản năng và chạm vào dương vật.

Đối với một đứa bé thì mong muốn được hưởng những cảm giác thú vị này là điều bình thường và tự nhiên. Nhưng chúng ta không mấy khi để điều đó xảy ra. Mẹ của đứa bé đó, khi cho phép con mình hưởng những cảm giác thú vị ấy, đã phá vỡ khá nhiều quy tắc xã hội. Quy tắc đầu tiên mà cô đã phá vỡ là nếu muốn cho con bú, người phụ nữ phải làm việc đó ở nơi kín đáo để người khác không nhìn thấy được bộ ngực trần của người mẹ. Điều thứ hai, trẻ con lúc nào cũng phải mặc quần áo, ít ra thì cũng đựơc quấn tã, cho dù chúng đang chơi ngoài trời dưới ánh nắng ấp áp. Điều thứ ba, những cậu bé và cô bé không được phép có bất kỳ hình thức nào của khoái lạc nhục dục, nhưng nếu vì lý do nào đó chúng có tình trạng đó, thì chúng cũng không được phép hưởng thụ. Bằng việc cho phép con cảm nhận tất cả những thích thú đó, Chris đã vi phạm vào ba điều cấm kỵ của xã hội.

Ở đây, tôi không có ý định đả kích những cấm đoán thân xác của xã hội. Việc đó phải cả một cuốn sách mới nói hết. Nhưng để hiểu được những ước vọng sâu kính ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân của bạn, bạn cần phải biết điều này: Khi còn nhỏ, có rất nhiều lần bạn đã bị ngăn cấm khi muốn hưởng thụ điều gì đó. Cũng như phần lớn những đứa trẻ khác, bạn có thể đã bị những tác động khiến cho bạn cảm thấy ngượng ngùng hoặc có tội khi bạn có một thân thể có khả năng cảm nhận những khoái lạc tinh tế. Để trở thành một cô bé hoặc cậu bé “ngoan”, bạn phải phủ nhận hoặc chối bỏ phần con người này của bạn.

Trích sách ''LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ MỘT CUỘC HÔN NHÂN HOÀN HẢO?''

nguyên tác: Getting The Love You Want

tác giả: Harville Hendrix, Ph.D.

dịch giả: Phan Linh Lan và Phan Lưu Ly

Đọc tiếp Phần 2 tại: Những Tổn Thương Tuổi Thơ Tác Động Đến Việc Ta Lựa Chọn Bạn Đời Như Thế Nào?

 

---------------------------------------

Tham khảo sách: TÔI ĐÃ SINH RA MỘT LẦN NỮA - vài trò bựa khôi hài sẽ giúp bạn kiến tạo một hạnh phúc dài lâu trong chính gia đình mình!


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147