Trang chủ Blog Nhân cách

Những Tổn Thương Tuổi Thơ Tác Động Đến Việc Ta Lựa Chọn Bạn Đời Như Thế Nào?

By: OopsyAdmin, 2019-09-10 15:48:32

Phần 1: Những Thương Tổn Tuổi Thơ (Phần 1)

Những cấm kỵ thân xác

Một trong những vùng chúng ta bị cấm đoán nhiều nhất là thân thể của chúng ta. Ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng ta đã được dạy phải che phủ cơ thể và không được nói tới hay chạm vào bộ phận sinh dục. Những cấm đoán này phổ biến đến nỗi chúng ta chỉ nhận ra chúng khi có ai đó vi phạm. Một người bạn của tôi đã kể cho tôi nghe một câu chuyện cho thấy việc cha mẹ không truyền đạt lại cho con cái những cấm kỵ bất thành văn này sẽ gây sốc như thế nào. Người bạn gái của bạn tôi tên là Chris cùng đứa con trai mười một tháng tuổi, một hôm ghé lại thăm cô bạn tôi. Cô bạn tôi, Chris và đứa bé ngồi ở sân thượng phía sau nhà và uống trà. Vì nắng tháng Năm rất ấm, Chris cởi bỏ quần áo của đứa bé để cho nó phơi nắng. Hai người phụ nữ ngồi tán gẫu với nhau trong khi đứa bé bò quanh sân, sung sướng chọc ngón tay vào đất xốp trong chậu cây. Khoảng nửa tiếng sau, đứa bé thấy đói bụng, và Chris bế nó lên để cho bú. Khi đứa bé bú, dương vật của nó có tình trạng cương cứng nhẹ. Rõ ràng, bú mẹ làm nó cảm thấy vui sướng khắp toàn thân. Theo bản năng, đứa bé đưa tay xuống sờ vào dương vật. Không như những bà mẹ khác, Chris không kéo tay con ra. Con cô được phép cảm nhận ánh nắng mặt trời ấm áp bằng toàn bộ bề mặt da của cơ thể, được phép bú sữa từ bầu vú mẹ, được phép có sự cương cứng dương vật và cộng thêm vào tất cả những sự thích thú đó, nó được phép tuân theo bản năng và chạm vào dương vật.

Đối với một đứa bé thì mong muốn được hưởng những cảm giác thú vị này là điều bình thường và tự nhiên. Nhưng chúng ta không mấy khi để điều đó xảy ra. Mẹ của đứa bé đó, khi cho phép con mình hưởng những cảm giác thú vị ấy, đã phá vỡ khá nhiều quy tắc xã hội. Quy tắc đầu tiên mà cô đã phá vỡ là nếu muốn cho con bú, người phụ nữ phải làm việc đó ở nơi kín đáo để người khác không nhìn thấy được bộ ngực trần của người mẹ. Điều thứ hai, trẻ con lúc nào cũng phải mặc quần áo, ít ra thì cũng đựơc quấn tã, cho dù chúng đang chơi ngoài trời dưới ánh nắng ấp áp. Điều thứ ba, những cậu bé và cô bé không được phép có bất kỳ hình thức nào của khoái lạc nhục dục, nhưng nếu vì lý do nào đó chúng có tình trạng đó, thì chúng cũng không được phép hưởng thụ. Bằng việc cho phép con cảm nhận tất cả những thích thú đó, Chris đã vi phạm vào ba điều cấm kỵ của xã hội.

Ở đây, tôi không có ý định đả kích những cấm đoán thân xác của xã hội. Việc đó phải cả một cuốn sách mới nói hết. Nhưng để hiểu được những ước vọng sâu kính ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân của bạn, bạn cần phải biết điều này: Khi còn nhỏ, có rất nhiều lần bạn đã bị ngăn cấm khi muốn hưởng thụ điều gì đó. Cũng như phần lớn những đứa trẻ khác, bạn có thể đã bị những tác động khiến cho bạn cảm thấy ngượng ngùng hoặc có tội khi bạn có một thân thể có khả năng cảm nhận những khoái lạc tinh tế. Để trở thành một cô bé hoặc cậu bé “ngoan”, bạn phải phủ nhận hoặc chối bỏ phần con người này của bạn.

Những cảm xúc bị cấm đoán

Cảm xúc của bạn cũng là một trong những nguyên liệu thô cần xử lý qua quá trình xã hội hóa. Đương nhiên, một số cảm xúc khác không chỉ được phép có mà còn được khuyến khích. Cha mẹ bạn đã cố gắng biết bao để bạn nở nụ cười khi bạn còn là một đứa trẻ! Và một vài tuần sau, khi bạn đã biết cười to, cả nhà thật là vui. Nhưng giận dỗi lại là chuyện khác. Những cơn phẫn nộ đều gây ồn ào khó chịu và các bậc cha mẹ đều cố hết sức dập tắt chúng. Họ làm điều này bằng nhiều cách. Một số người trêu chọc con họ: “Con trông mới đáng yêu làm sao lúc con nổi khùng lên như thế này. Mẹ thấy con sắp cười rồi kìa. Cười đi, cười lên đi nào”. Những người khác lại la mắng con: “Con có im ngay đi không! Đi vào phòng ngay. Mẹ không muốn nói lại chuyện này nữa đâu”. Còn những người mềm yếu lại vội nhượng bộ: “Thôi được rồi. Con cứ làm theo ý con đi. Nhưng lần sau, đừng có làm những chuyện như vậy nữa”.

Hiếm có bậc cha mẹ nào cho phép con mình giận dữ. Hãy thử tưởng tượng xem một cô bé đang giận dỗi sẽ trả lời như thế nào nếu cha cô bé nói như sau: “Bố biết là con rất giận. Con không muốn làm những điều bố yêu cầu. Nhưng bố là bố của con, do đó con phải nghe lời bố”. Biết rằng cha mẹ thừa nhận cơn giận dữ của mình, đứa trẻ sẽ vững tin hơn vào bản ngã của nó. Nó sẽ tự nhủ: “Ta tồn tại. Cha mẹ ta đã biết đến cảm xúc của ta. Có thể không phải lúc nào ta cũng đạt được ý muốn nhưng ít ra ta cũng được cha mẹ lắng nghe và tôn trọng”. Nó được phép giận dữ và được phép giữ lại một phần quan trọng con người nó.

Nhưng đó không phải là trường hợp của phần lớn những đứa trẻ khác. Có lần tôi đang ở trong một cửa hàng bách hóa và đã tình cờ chứng kiến cảnh cơn giận của một đứa trẻ bị dập tắt nhanh chóng đến thế nào – đặc biệt là khi cơn giận đó lại hướng tới người sinh ra nó. Một phụ nữ đang mua sắm quần áo trong khi đứa con trai khoảng bốn tuổi của cô ta lẽo đẽo theo sau. Cô ta đang mải mê lựa chọn quần áo, không để ý gì đến đứa bé, còn cậu bé thì cứ tiếp tục độc thoại để cố lôi kéo sự chú ý của mẹ. Nó nói: “Con không thể đọc được những chữ này, mẹ ơi”, đồng thời chỉ tay vào tấm biển đề “M.A.D.E”. Mẹ nó không có phản ứng gì. “Mẹ có còn thử thêm nhiều quần áo nữa không mẹ?”. Vẫn không có câu trả lời. Trong suốt thời gian tôi quan sát họ, người phụ nữ chỉ chú ý đến con mình trong một vài giây và khi đó, cô ta tỏ vẻ khó chịu và bực bội. Cuối cùng tôi nghe thấy đứa bé nói to và rõ ràng với người bán hàng: “Mẹ cháu bị tai nạn ô tô. Bà ấy chết rồi”. Câu tuyên bố này lập tức thu hút được chú ý của mẹ nó. Cô ta túm lấy hai vai thằng bé lắc mạnh, tát nó một cái và giận dữ giúi nó ngồi xuống một chiếc ghế. “Con nói cái quỷ gì thế? Mẹ không bị tai nạn. Bỏ cái kiểu ăn nói láo lếu ấy đi. Ra đằng kia ngồi yên ở đấy và câm miệng lại. Mẹ không muốn nghe thấy con nói gì nữa”. Mặt thằng bé trắng bệch ra. Nó ngoan ngoãn ngồi xuống không nói thêm câu nào cho tới khi mẹ nó mua sắm xong.

Trong đầu thằng bé, cơn giận dữ của nó với mẹ nó đã chuyển thành một câu chuyện tưởng tượng nhầm báo thù mẹ nó. Trong câu chuyện đó, mẹ nó đã bị chết trong một tai nạn xe cộ. Nó không thể làm gì mẹ nó được. Mới bốn tuổi, nó đã được dạy phải chối bỏ mọi ý nghĩ và tình cảm giận dữ. Thay vào đó, nó đã tưởng tượng rằng mẹ nó đã va phải một chiếc xe hơi và chết.

Khi bạn còn trẻ, chắc cũng có nhiều lần bạn giận dữ với cha mẹ bạn. Đó là thứ cảm xúc ít được chấp nhận nhất. Sự giận dữ, khoái lạc nhục dục và rất nhiều những ý nghĩ hay tình cảm mang tính “phản xã hội” khác bị đẩy xuống dưới sâu trong con người bạn và bạn không bao giờ được để lộ ra.

Một số bậc cha mẹ đã đầy việc phủ nhận bản ngã của con mình đến cực điểm. Họ không chỉ phủ nhận tình cảm và cách cư xử của con, mà còn phủ nhận chính sự tồn tại của đứa trẻ. “Mày không là cái thá gì trong gia đình này. Mọi nhu cầu, tình cảm hay ước muốn của mày đối với chúng tao đều chẳng có giá trị gì”. Tôi đã từng chữa trị cho một phụ nữ trẻ tên là Carla. Cha mẹ cô đã phủ nhận sự tồn tại của cô đến mức họ làm cô có cảm giác mình vô hình. Mẹ cô là một người nội trợ không chê vào đâu được và bà luôn nhắc nhở con gái phải “dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ sau khi đã dùng xong để không ai có thể nói là con đang ở đây”. Carla chỉ được phép bước lên những tấm plastic đặt trên thảm. Trong nhà có một khoảng sân được trang trí rất đẹp nhưng không có chỗ để chạy xe, hay tập thể dục. Carla hãy còn nhớ như in, có làn cô đã ngồi trong bếp suốt cả ngày, cảm thấy chán nản và chỉ muốn chết. Lúc đó, cô khoảng mười tuổi. Cha mẹ cô đi lại trong bếp nhiều lần mà thậm chí không hề biết đến sự có mặt của Carla. Từ đó, Carla bắt đầu có cảm giác mình không có cả một cơ thể hữu hình. Không có gì đáng ngạc nhiên là khi cô mười ba tuổi, cô trở nên biếng ăn, nói một cách khác, cô có ý tuyệt thực để không phải tồn tại nữa.

Những công cụ đàn áp

Trong cố gắng muốn đè nén những ý nghĩ tình cảm hay hành vi nào đó, cha mẹ thường sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Có khi họ đưa ra những mệnh lệnh rõ ràng: “Con không được nghĩ như thế”. “Con trai lớn rồi ai lại khóc”. “Bố không muốn nghe con nói như vậy nữa đâu!”, “Trong nhà này không ai được phép cư xử như vậy!”. Hoặc giống như bà mẹ mà tôi thấy trong cửa hàng, họ rầy la, dọa dẫm hoặc đánh đứa trẻ. Thông thường thì họ uốn nắn đứa trẻ bằng nhiều cách khác tinh vi hơn, đơn giản là họ cố ý không nhận thấy hoặc không tán thành những hành động mà họ không thích. Ví dụ như, nếu cha mẹ đứa trẻ không coi trọng lắm các giá trị tinh thần như kiến thức hoặc sự phát triển trí tuệ chẳng hạn, thì họ sẽ chỉ đưa cho đứa trẻ những thứ đồ chơi hay dụng cụ thể thao thay vì sách vở hay đồ dùng học tập. Nếu họ tin rằng con cái phải nhu mì nữ tính, còn con trai thì phải mạnh mẽ và quyết đoán, họ sẽ chỉ tỏ ra tán thành con khi nó có những hành động đúng theo ý họ muốn. Ví dụ, nếu đứa con trai nhỏ của họ mang một món đồ chơi nặng vào phòng, họ sẽ nói: “Con trai tôi mới khỏe làm sao!”. Nhưng nếu đó lại là đứa con gái mang món đồ chơi ấy thì họ lại nhắc nhở: “Coi chừng con làm rách cái áo đẹp bây giờ”.

Tuy nhiên, cha mẹ ảnh hưởng tới con cái nhiều nhất bằng cách nêu gương cho đứa trẻ. Trẻ con, theo bản năng, luôn quan sát cách cha mẹ chúng hành xử. Cha mẹ chọn lựa điều gì, nghỉ ngơi và giải trí ra sao, phát huy những khả năng nào và tuân theo những quy tắc nào, tất cả những điều ấy, trẻ con đều để ý và đều có những ảnh hưởng sâu sắc đối với chúng. Chúng sẽ tâm niệm rằng: “Đây là cung cách mà ta phải theo”. Cho dù trẻ con chấp nhận hay phản đối lối sống của cha mẹ chúng, những ảnh hưởng của lối sống ấy vẫn tác động đến quá trình chọn lựa bạn đời của chúng sau này và như chúng ta sẽ thấy, đó cũng là nguyên nhân sâu kính gây ra những điều rắc rối trong hôn nhân.

Phản ứng của một đứa trẻ trước những quy tắc xã hội thường là theo một số giai đoạn có thể đoán trước được. Thông thường, những phản ứng đầu tiên của đứa trẻ sẽ là che giấu cha mẹ những hành vi bị cấm đoán. Nếu nó có giận dữ cha mẹ, nó cũng không để lộ điều đó ra. Nó khám phá thân thể mình trong phòng riêng, nơi nó có thể làm tất cả những gì nó muốn. Nó trêu chọc em nó khi cha mẹ vắng nhà. Cuối cùng, đứa trẻ kết luận rằng có một số ý nghĩ và tình cảm không thể chấp nhận được, do đó cần phải loại bỏ. Vì thế, nó sẽ tự tạo nên một vị quan tòa tưởng tượng trong đầu để xét đoán những hành vi và ý nghĩ của nó. Những nhà tâm lý học gọi vị quan toàn tưởng tượng này là “siêu ngã”. Bây giờ, mỗi khi đứa trẻ có một ý nghĩ sai trái hay có những hành động “không thể chấp nhận được”, nó sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng vì nó tự cảm thấy có lỗi. Điều này đối với nó khó chịu đến nỗi nó quyết định để những phần bản ngã bị cấm đoán này vào góc sâu kính nhất trong con người nó và lãng quên chúng đi – theo như thuật ngữ của Freud, nó đã dồn nén chúng. Cái giá phải trả cho sự vâng lời này là đứa trẻ đã bị mất tính toàn vẹn.

Bản ngã giả tạo

Để lấp vào chỗ trống do những phần bản ngã bị mất, đứa trẻ tạo ra một “bản ngã giả”, một hệ thống những tính cách phục vụ cho hai mục đích: ngụy trang phần bản ngã bị mất và tránh cho nó khỏi bị thương tổn thêm nữa. Ví dụ như một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi người mẹ lạnh nhạt và bị ức chế về mặt tình dục, khi lớn lên, nó sẽ trở thành một “anh chàng lãnh đạm”. Anh ta tự nhủ: “Mình chẳng quan tâm đến chuyện mẹ mình sống có tình cảm không. Mình chẳng thiết những thái độ sướt mướt ủy mị vớ vẩn. Mình có thể sống mà chẳng cần đến ai. Hơn nữa, chuyện tình dục thật dơ bẩn!”. Cuối cùng, anh ta áp dụng kiểu suy nghĩ này cho mọi trường hợp. Bất kỳ ai muốn lại gần anh ta, anh ta đều dựng lên một bức tường ngăn cách. Sau này, khi đã gạt bỏ được ác ảm đối với tình yêu và chọn được cho mình một cô bạn, anh ta có khuynh hướng kết tội cô vì cô luôn mong muốn có sự thân mật giữa hai người: “Tại sao cô lại nhiễu sự đến thế, lúc nào cũng muốn cận kề nhau, gần gũi nhau. Điều này thật không bình thường!”

Nhưng đứa trẻ ấy cũng có thể phát triển tính cách theo chiều hướng khác. Nó phóng đại những nỗi khổ nó phải chịu, hy vọng rằng sẽ có ai đó đến với nó để cứu giúp nó: “Tôi thật đáng thương! Tôi khổ sở quá! Tôi bị tổn thương sâu sắc. Tôi cần có ai đó quan tâm chăm sóc tôi”. Đứa khác lại có thể trở thành một kẻ tích trữ tình thương, cố gắng cóp nhặt từng chút tình cảm của người như thể bao nhiêu tình cảm trên thế gian dành cho nó cũng vẫn không đủ. Nhưng dù bản ngã giả tạo có như thế nào đi nữa, mục đích của nó vẫn là giảm thiểu sự mất mát của phần bản ngã bị dồn nén đã làm mất đi tính toàn vẹn nguyên thủy.

Bản ngã bị chối bỏ

Tuy nhiên, tới một lúc nào đó, những phương cách tự vệ khéo léo này sẽ trở thành lý do để đứa trẻ bị buộc tội là có những tính xấu. Những người khác lên án nó vì nó lạnh nhạt quá hoặc ủy mị quá hoặc ích kỷ hoặc keo kiệt. Những người đó không thấy được rằng nó đang cố tự bảo vệ để tránh bị tổn thương và họ cũng không nhận ra sự khôn ngoan trong phản ứng tự vệ của nó: Tất cả những gì họ thấy chỉ là khía cạnh dễ bị kích động trong tính cách đứa trẻ. Người ta cho rằng nó là đứa trẻ không tốt, không ngoan.

Bây giờ đứa trẻ bị kẹt giữa hai làn đạn. Nó cần những tính cách mới này vì chúng phục vụ cho những mục đích có ích, nhưng nó cũng không muốn bị xã hội tẩy chay. Giải pháp duy nhất là phủ nhận hoặc lật ngược lại những lời buộc tội: “Tôi không phải là người lạnh lùng xa cách”. Nó tự bào chữa cho mình: “Thực ra, tôi là người mạnh mẽ và độc lập”. Hoặc: “Tôi không phải là người mếm yếu và dựa dẫm, mà là người nhạy cảm”. Hoặc “Tôi không phải là kẻ tham lam và ích kỷ, mà là người tiết kiệm và thận trọng”. Nói cách khác nữa là: “Tôi không phải người như vậy. Các người chỉ biết nhìn tôi với con mắt thành kiến và ác cảm”.

Trên phương diện nào đó thì nó đúng. Những tính cách đó không có sẵn trong con người nó. Chúng đã hình thành từ những đau khổ nó đã trải qua và trở thành một phần nhân cách, trở thành vũ khí giúp nó tồn tài trong thế giới phức tạp và đầy thù địch này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nó không có những tính cách đó. Có rất nhiều người có thể làm chứng rằng, nó quả là có những tính xấu đó. Nhưng để bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của bản thân và tạo cơ hội sống còn, nó buộc phải phủ nhận chúng. Những tính xấu này trở thành phần “bản ngã bị chối bỏ”, những tính cách thuộc về bản ngã giả tạo mà nó không muốn biết tới.

Ta hãy tạm dừng tại đây và sắp xếp lại sự hình thành của những phần bản ngã khác nhau. Hiện nay, chúng ta đã phân chia bản ngã của con người thành ba thực thể:

1. “Bản ngã bị mất”, phần bản ngã mà bạn phải trấn áp theo yêu cầu của xã hội.

2. “Bản ngã giả tạo”, vẻ bề ngoài bạn dựng lên để lấp chỗ trống tạo ra bởi bản ngã bị mất và bởi cung cách giáo dục sai lầm.

3. “Bản ngã bị chối bỏ”, những phần tiêu cực của bản ngã giả tạo không được xã hội chấp nhận và vì vậy bị chối bỏ.

Phần duy nhất của bức tranh cắt dán này mà bạn ý thức được, hoàn toàn là những phần vẫn còn nguyên vẹn thuộc về bản chất nguyên thủy của bạn, và một vài khía cạnh thuộc về bản ngã giả tạo. Tất cả những gì tạo nên bức tranh cắt dán này cũng là những gì tạo nên “nhân cách” của bạn, hình ảnh mà bạn sẽ dùng để mô tả chính mình. Phần bản ngã bị mất hầu như hoàn toàn nằm ngoài khả năng ý thức của bạn, bạn đã cắt đứt mọi mối dây liên hệ với nó. Còn phần bản ngã bị chối bỏ, những mặt tiêu cực của bản ngã giả tạo thì lượn lờ ngay dưới bề mặt của ý thức và luôn nơm nớp lo sợ bị lôi ra ánh sáng. Để che giấu nó, bạn tìm mọi cách phủ nhận nó hoặc chụp nó lên đầu người khác. “Tôi không ích kỷ”, bạn sẽ giận dữ nói như vậy hoặc la lên: “Anh nói gì? Tôi lười nhác ấy à? Chính anh mới là kẻ lười nhác”.

Chuyện ngụ ngôn của Plato

Có một chuyện ngụ ngôn trong tác phẩm Bữa tiệc đêm của Plato đã đưa ra một lời giải thích hoang đường cho tình trạng phân ly của loài người. Câu chuyện kể rằng, từ xa xưa, con người là những tạo vật ghép có cả hai giới tính nam và nữ. Mỗi người đều có một đầu với hai khuôn mặt, bốn chân, bốn tay và hai bộ phận sinh dục, nam và nữ. Vì được hợp nhất toàn vẹn nên tổ tiên của loài người có một sức mạnh lớn lao. Trên thực tế, những sinh vật lưỡng tính này hùng mạnh đến độ họ dám cả gan tấn công các thần linh. Dĩ nhiên là các thần chẳng để yên, nhưng họ không biết phải trừng phạt con người như thế nào. Họ nói với nhau: “Nếu ta giết chúng, sẽ chẳng còn ai tôn thờ và tế lễ ta nữa”. Thần Zeus đã cân nhắc rất lâu trước khi đưa ra một giải pháp: “Con người sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng chúng sẽ bị tách đôi. Ta sẽ lấy đi bớt một phần sức mạnh của chúng và ta sẽ không phải lo sợ vì chúng nữa”.

Sau đó, thần Zeus tách mỗi con người làm đôi và sai thần Aplollo làm kín miệng vết thương. Hai nữa người được bỏ ở hai nơi cách xa nhau và phải sử dụng phần đời còn lại để tìm kiếm điên cuồng nửa kia của mình, tìm kiếm sự hợp nhất với phần nửa sẽ đem tới cho mình sự toàn vẹn.

Cũng như tạo vật hoang đường của Plato, con người chúng ta phải trải qua cuộc sống cũng bị cắt thành hai nửa. Chúng ta tìm mọi cách làm lành vết thương rướm máu, nhưng mặc cho những cố gắng vô vọng ấy, một nỗi cô đơn vẫn tràn ngập trong ta khiến ta phải lấp đầy bằng thức ăn, bằng ma túy và bằng hoạt động. Nhưng những gì chúng ta thật sự khao khát là trạng thái toàn vẹn nguyên thủy, là tất cả những cung bậc tình cảm, là tính hiếu kỳ bẩm sinh, là niềm vui thuần khiết mà ta được hưởng khi còn rất nhỏ. Nó trở thành một niềm khao khát tinh thần, và như trong truyện thần thọai của Plato, chúng ta có một niềm tin sâu thẳm rằng nếu tìm được đúng người – nửa kia còn thiếu – chúng ta sẽ đạt được sự đầy đủ toàn vẹn. Con người đặc biệt này không phải bất kỳ ai, không phải là người đàn ông hay đàn bà đầu tiên chúng ta thấy có một nụ cười quyến rũ hay có tính tình dễ chịu. Đó phải là con người làm cất lên trong ta một tiếng nói bí mật, bảo ta rằng: “Đây chính là người ta đã tìm kiếm bấy lâu! Đây chính là người sẽ hàn gắn vết thương từ trong quá khứ!”. Và vì những lý do tôi sẽ đưa ra trong chương kế tiếp, người đó luôn là người có cùng tính cách cả tốt lẫn xấu giống tính cách của cha mẹ chúng ta!

Trích sách ''LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ MỘT CUỘC HÔN NHÂN HOÀN HẢO?''

nguyên tác: Getting The Love You Want

tác giả: Harville Hendrix, Ph.D.

dịch giả: Phan Linh Lan và Phan Lưu Ly

 

------------------------------------------------------------

Tham khảo sách: TÔI ĐÃ SINH RA MỘT LẦN NỮA - vài trò bựa khôi hài sẽ giúp bạn kiến tạo một hạnh phúc dài lâu trong chính gia đình mình!


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147