Trang chủ Blog Nhân cách

Sức mạnh của cái-Tôi đích thực hội tụ cùng lúc 3 nguồn Sự sống: sự Trong sáng của đứa trẻ, sự Thâm trầm của người già, và Nhiệt huyết của người trẻ

By: OopsyAdmin, 2020-12-09 15:44:05

Chúng ta có hai công cụ:

(i) Giao diện để tiếp xúc với cuộc đời, để định nghĩa bản thân mình, để có một thẻ chứng minh nhân dân/thẻ căn cước trước cuộc đời này, chúng ta gọi nó là cái-tôi

(ii) Một cách thức để chúng ta tương tác với đời này, như là những tác dụng của chúng ta với đời này, chúng ta gọi là Nhân cách

Nhân cách với cái-tôi được tạo ra để Ý chí tương tác với cuộc sống, và bằng nó thì cuộc sống này khống chế được Ý chí sống, hay khống chế được Sự sống. Trong cuộc giành giật giữa Sự sống với đời sống, Sự sống cố gắng giành lấy địa vị của nó bằng cách kiểm soát lại cái-tôi và Nhân cách

Cho nên, một con người bình thường sống suốt đời trong việc cố gắng là chính mình, tức là cố gắng làm chủ cái-tôi và Nhân cách, trong cuộc đương đầu với xã hội. Cuộc đương đầu này càng chiến thắng thì càng thất bại. Cái-tôi và Nhân cách mỗi bên đều tìm cách tăng cường mình để kiểm soát bên còn lại. Khốn khổ thay, dù cái-tôi mạnh lên hay Nhân cách mạnh lên, sự trói buộc lẫn nhau chỉ càng thêm siết chặt mỗi người vào một sức ép vừa vô hình vừa thực tại. Bạn hiểu chứ, ý niệm này có quá triết học không?

Bạn có thể thắc mắc, vậy cái-tôi bình thường được nói đến là bao gồm cả Nhân cách vừa nói ở trên. Cái-tôi là cái-tôi mà ta hiện diện trong xã hội. Đấy là bản ngã. Cho nên Freud đưa ra một khái niệm, ông ấy đưa ra một hệ thống bộ ba thế này: Id, bản năng, tự ngã

Ego là cái-tôi, cái-tôi như nó tự định nghĩa với mình, để điều hòa giữa bản năng với những luật đời. Superego này là luật đời, Ego này là cái-Tôi như chúng ta tự định nghĩa, cái Id này là bản năng hay tự ngã (và nó khác với bản ngã). Cái-tôi, bản thân Freud cũng thấy thế, cái-tôi mà chúng ta thường tự định nghĩa, cái Ego hay cái identification về bản thân mình, nó hoàn toàn là những công cụ mà xã hội cung cấp cho chúng ta. Chúng ta là ai? Câu trả lời cái-tôi – tức là câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai”, nó hoàn toàn do xã hội cung cấp. Chúng ta chẳng có ý niệm nào khác ngoài những gì xã hội cung cấp

Tôi là ai? Tôi là con ai đấy. Tôi làm nghề gì đấy. Tôi là học sinh cấp mấy. Tôi là bạn của ai. Tất cả đấy đều là xã hội đúng không? Đều không phải là mình, đúng không? Chúng ta một cách kỳ quặc không thể tự định nghĩa mình bằng chính bản thân. Bởi vì bản thân này được kiến tạo nhờ gia đình, nhà trường, xã hội, chứ không phải kiến tạo bằng nỗ lực của cá nhân mình. Chúng ta lớn lên, chúng ta cứ phình ra trong quá trình thời gian chúng ta sống ở xã hội

Đầu tiên, khi mới xuất hiện, chúng ta là một chấm, một điểm nhỏ, một đứa nhỏ không biết gì. Và cùng với thời gian sống trong một xã hội, trong các thiết chế, chúng ta càng trở nên trưởng thành, to hơn. Và chính những lớp cái-tôi và Nhân cách cũng trở nên lớn hơn. Nhưng chúng ta luôn luôn có một ấu thơ, sự nhỏ bé ở trong đấy, như điểm xuất phát này, chỉ có một Sự sống đầu tiên, ở chỗ đấy. Chúng ta vẫn luôn luôn là thế, cho dù được bọc bao nhiêu lớp vỏ bọc

Nói chung, cái-tôi được định nghĩa bằng xã hội. Chúng ta chẳng là ai trong cuộc đời nếu không phải là bạn của ai đấy, không làm nghề gì đấy, không là một điều gì đấy mà xã hội này gọi tên được. Ví dụ, chúng ta hãy tưởng tượng những cái-tôi. Khi chúng ta lên xe bus, chúng ta gọi “Bác tài ơi!” “Bác tài ơi” là cái “quái” gì? Người ta có tên mà. Sao gọi người ta là bác tài? Chúng ta gọi bằng một chức năng đúng không? Chức năng này là giao diện xã hội của bác ấy, đấy là cái-tôi của bác ấy, hết! Đối với chúng ta đấy là bác tài, chúng ta không quan trọng ông ấy tên là Thắng, hay tên là Hùng. Đấy là bác tài ấy thôi, giống như Tiểu nhị, chỉ là thế thôi

Cái-tôi của họ đối với chúng ta chỉ là thế. Chúng ta chỉ quan tâm đến một phương diện xã hội của họ. Còn họ có Nhân cách thế nào, tức là họ có đạo đức nghề nghiệp hay không, bác tài này tốt hay không, có tận tụy hay không - đấy là Nhân cách của họ - trong việc họ đối xử với chúng ta, chúng ta sẽ cho họ một Nhân cách. (Thế đấy!)

Đối với Freud, Freud gọi bản năng – Id – chính là cái thật là tôi. Còn đối với Otto Rank, ông gọi Ý chí sống, ông thay thế khái niệm này, bởi vì cái Id rất tiêu cực. Nó là bản năng, nó là Sự sống và cái chết, nó là dục năng. Theo một nghĩa nào đấy, nó là libido, chỉ là ham muốn tình dục thôi. Otto Rank coi libido là năng lượng của Id, dù ông không dùng khái niệm libido. Otto Rank coi Ý chí sống là một nguồn năng lượng khởi nguyên giúp cho chúng ta tồn tại như là chính mình. Nhưng Ý chí sống này để thích hợp với cuộc đời buộc phải biến đổi, buộc phải có một giao diện, và buộc phải có một tư cách trước cuộc đời, và dần dần nó biến đổi thành cái-tôi và Nhân cách

Giữa các lớp này không vận hành đồng nhất. Đôi lúc nó rất mâu thuẫn, và những mâu thuẫn này lại dùng để ma sát. Nó có thể do mâu thuẫn giữa Ý chí sống với cuộc sống. Nhưng nó cũng có thể do mâu thuẫn giữa bản thân các lớp này được kiến tạo một cách không đồng đều. Chẳng hạn một anh kia được đào tạo ra làm một siêu chuyên gia cực giỏi về mặt dự án, tức là đào tạo một Nhân cách rất giỏi. Đấy là một người bảo vệ đạo đức nghề nghiệp cực kỳ tốt, làm dự án cực kỳ tốt. Nhưng giao diện cái-tôi là gì? Anh ta đã từng đi tù hai lần, ví dụ thế, tức là xã hội nhìn vào anh ta là “Cái anh này đi tù về.” Nhưng anh ta lại là người cực kỳ giỏi. Thế thì trong lòng anh ta sẽ luôn dằn vặt

Cái-tôi-xã-hội thì rất thấp bé. Ví dụ sau khi đi tù hai lần vào tuổi 20 với tuổi 22 về, anh ta về bắt buộc phải trở thành một người vá xe. Đáng lẽ với tài năng của mình, từng là thần đồng của thế giới toán học, anh ấy phải trở thành một giáo sư toán học bậc nhất, không thua gì thiên tài toán học có tên tuổi nọ. Tức là trong thân phận một anh lái xe nhưng với một nhân cách của thiên tài toán học ấy, anh ta sẽ cảm thấy cuộc đời thật tệ hại. Điều ngược lại cũng xảy ra. Nói chung, hai lớp này rất ít khi đi song trùng với nhau. Một người có một cuộc đời được gọi là “để đời” là một người sống cuộc đời điều hòa được hai mảng này, kể cả từ người bốc vác cho đến ông giáo sư, cho đến doanh nhân thành đạt, cho đến chính trị gia vĩ đại. Dù là gì, chỉ cần hai thứ này đi song hành được với nhau, họ tự thấy mãn nguyện về cuộc đời họ. Nên chúng ta gặp rất nhiều cuộc đời mãn nguyện. Mãn nguyện dù chỉ là một việc nhỏ nhoi, kiểu đi làm nghề rửa bát, đi làm nghề bơm xe - không sao cả, họ chỉ cần được khớp giữa hai điều đấy thôi. Họ là một người tử tế, một người bơm xe tử tế, một người vá xe trách nhiệm và suốt cuộc đời đã mang lại bao nhiêu sự chữa lành cho những chiếc xe đạp, giúp cho bao nhiêu người đảm bảo cuộc sống của họ. Nghe lí tưởng không?

Khi chúng ta nghe đến một sự khớp giữa Nhân cách và cái-tôi, thì chúng ta cảm giác rằng đấy là một cuộc đời đáng sống và chúng ta có một thiện cảm không thể lí giải nổi với họ. Để Ý chí sống vượt thoát khỏi cái-tôi, chúng ta hãy nói đến sáu trò Bựa. Nếu chúng ta không mở được cánh cửa cho Ý chí sống, cho Sự sống đích thực trong chúng ta được trở thành như-nó-là thì chúng ta sẽ rất khó tìm được. Nhưng Ý chí sống là gì? Mỗi người có một Ý chí sống, chúng ta không nên sa vào cuộc định nghĩa Ý chí sống. Mỗi lần, mỗi nỗ lực của chúng ta để định nghĩa Ý chí sống đều là một cách để chúng ta trói chặt Ý chí sống lại và kiến tạo ra những lớp cái Tôi và Nhân cách mới. Có lẽ trên đời này, nếu nói đúng ra, chỉ thật sự có một quá trình có thể khai phóng toàn bộ sức mạnh của Sự sống, chúng ta vẫn thấy các Tôn giáo cổ xưa tuyên bố về điều này và kể những câu chuyện về các bậc Giác ngộ. Ngay trong lịch sử Việt Nam, cũng có một nhân vật được xem là đạt tới sức mạnh trọn vẹn như thế: Phật hoàng Trần Nhân Tông, đến giờ vẫn là một biểu tượng cao vời của trí tuệ xuất chúng

Trong những câu chuyện ấy, người ta thực hiện những Cấm giới nghiêm ngặt, thực hiện những sự cách li với xã hội, tức là cách li những luồng năng lực kiến tạo, bắt người ta sống ở trong những nhịp trí tuệ khác, bắt người ta tiếp xúc với những tri thức khác, về những thế giới khác, những thế giới của Sự sống đích thực – những thế giới mà nếu nghe đến chúng ta cảm thấy hoang đường và huyễn tưởng. Nhưng có lẽ chỉ trong những nỗ lực như thế, chúng ta bắt đầu mới khởi phát được cái-Tôi thật sự, khai phóng được sức mạnh của cái-Tôi thật sự. Sức mạnh của cái-Tôi đích thực hội tụ cùng lúc 3 nguồn Sự sống: sự Trong sáng của đứa trẻ, sự Thâm trầm của người già, và Nhiệt huyết của người trẻ. Đó là một ý chí diệu kỳ và điều tuyệt vời nhất là sức mạnh ấy có mặt khắp nơi và mọi lúc trong suốt đời người ta, trong toàn bộ Sự sống
.
<Trích sách SAO NÀO, TÔI CỨ LÀ TÔI ĐẤY, THÌ SAO? - OOPSY>


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147