Trang chủ Blog Nhân cách

Tâm Lí Học Đô Thị: Sự Tồn Tại Của Vô Tính

By: OopsyAdmin, 2019-09-10 15:47:21

Để tôi nói với mọi người về bạn An, một người vốn thuộc gia đình dòng dõi. Suốt từ cấp một đến cấp ba, An không có một vấn đề tình cảm tức là không yêu đơn phương ai, không yêu song phương ai, không yêu ai. Chỉ có hai khả năng.

Một là, An học trong trường nam sinh và may mắn không có thông tin gì về giới tính theo kiểu tiêu cực. Theo một nghĩa nào đấy, A có thể ít nhất 30% quả quyết về giới tính của mình.

Thứ hai là trong ba năm không yêu ai thì thực ra đáng lo ngại. Rõ ràng bằng thông tin đấy ta đã có là ba năm không yêu ai và giới tính không có vấn đề, tức là ta đã thêm một mệnh đề phụ từ mệnh đề chính. Ta lại thấy thêm một vấn đề, nếu như giả định An đang nói thật, thế thì suy luận của tôi tiếp theo sẽ là hoặc là nó dậy thì muộn, tức là vấn đề về xúc cảm tính dục muộn, nhưng như thế thì cũng rất kì quặc. Bởi vì kể cả dậy thì muộn thì An vẫn phải có một cảm giác gì đấy khi nhìn một người con gái. Trừ khi đúng là An hoàn toàn loại bỏ được lòng háo sắc và mê gái, điều này gần như bất khả. Như vậy, việc dậy thì muộn đi liền với những điều kia là một mệnh đề rất vô lí. Nếu như vô lí thì vẫn còn một khả năng nữa, đấy là một chứng tâm thần phát triển, cấy ghép trong lòng.

Hỏi: Bạn có từng bị tự kỉ, trầm cảm chưa hay bạn chơi với các bạn mình rất bình thường?

An: Từ cấp một lên cấp ba tôi bình thường.

Hỏi: “Bình thường”, nếu là ngụy tạo quá khứ, trường hợp này rất đáng lo ngại. Với bạn nữ bạn đang thích, bạn đã bắt đầu tỏ tình, theo đuổi chưa?

An: Tôi chưa.

Chắc là do xem phim nhiều, nên An mới nảy ra việc thích một ai đấy. Tôi có một giả thiết nữa, An có thể là một người vô tính.

Hiện tượng vô tính rất đặc biệt, nó chỉ tồn tại trong thế giới cộng đồng. Nếu tôi đang gặp một nhân vật xuất thân trong thế giới cộng đồng thật, bởi vì An đã bắt đầu khẳng định An có các triệu chứng cộng đồng: được gia đình nuôi dưỡng, có hệ thống các giá trị, bớt được một số những đặc tính của đô thị. Cho nên An đang rất đặc biệt, An đang lưu giữ những đặc tính chỉ thuộc về cộng đồng, đặc biệt là con người vô tính.

Hỏi: Bạn có định lấy vợ nữa không? Bạn đã từng cảm giác yêu ai tha thiết chưa?

A: Có một người thôi. Hồi đấy tôi mới sang nước ngoài, đi học ở một lớp thấy bạn ấy xinh, bắt đầu chiến dịch tỏ tình (trước khi tỏ tình thì phải tìm hiểu). Sau đấy tình yêu có đi đến đích. Rồi tôi về Việt Nam thì chia tay. Bạn ấy không về, bạn ấy là người Trung Quốc.

Tôi càng khẳng định khả năng An vô tính. Tôi cảm giác Trung Quốc, một nhân tố ngoại lai, rất có nguy cơ. Thực ra không ai vô tính hoàn toàn, không ai nam tính hoàn toàn, không ai nữ tính hoàn toàn, ai cũng còn một chút phần đấy. Nhưng có thể tình yêu với cô gái Trung Quốc đã tước nốt phần nam tính ở trong An, biến An hoàn toàn trở thành con người vô tính. An thật ra rất gần với các đặc điểm vô tính.

Con người vô tính là con người rất lành mạnh, nếu một cô gái yêu một người vô tính rất tốt, đằng nào cũng sẽ không cưới nhau, yêu một hồi phát hiện ra sự vô nghĩa của việc chia sẻ. Nếu như bạn thuộc về một mẫu người gần với người vô tính, có một điểm rất đáng nói, đấy là cảm nhận của bạn thường không thật sự sâu được. Nỗi buồn không sâu, suy nghĩ không sâu, sự nhạy cảm không sâu, thấu hiểu không sâu, cái gì cũng chỉ đến một chừng lỡ cỡ, đi sâu hơn nữa rất khó, đấy sẽ là một chướng ngại.

Hỏi: Bạn có ở trong trạng thái đấy không, hay bạn thấy tất cả những cảm nhận của mình vốn rất tinh tế và sâu sắc, đạt đến độ nhạy cảm, thấu biết được, không phải quá cao siêu, nhưng ví dụ người ta buồn trong lòng bạn cũng thấy buồn theo, bạn có cảm giác đấy không?

A: Không.

Thật ra khi đã quen rồi, trông An bạn thấy rất bình thường. Nhưng nếu bạn là một nhà tâm lí học thật sự, gặp An bạn sẽ thấy hơi có vấn đề tâm thần. Đúng là con người vô tính. Thường, đã vô tính thì Tâm Trí sẽ có một trạng thái hơi bị tê liệt, tức là nếu không có kích thích từ bên ngoài vào thì bên trong không phản ứng được.

Các phần trước đã từng nói về sáu trạng thái tâm lí, sáu nấc thang tâm lí. Sáu nấc thang tâm lí đặt trên nền tảng là việc người ta bao giờ cũng có xu hướng biến dạng và phục hồi những biến dạng đấy, đó là mấu chốt. Biến dạng tức là luôn luôn bóp méo thế giới hiện tại đi, và thứ hai là luôn luôn giải tỏa những sức ép để quay trở lại trạng thái ban đầu. Hai nỗ lực này liên tục xây dựng thế giới nấc thang tâm lí trong người ta, điều đấy để nói lên điều gì? Bản chất của các hiện tượng tâm lí con người là do những biến dạng tâm lí và do những nỗ lực để phục hồi trạng thái cân bằng.

Những người như An là người ở trong một trạng thái cân bằng thường trực. Tất cả những trạng thái mà bạn đã hiểu, sáu nấc thang tâm lí, hai động lực làm biến dạng đời sống và nó đi liền với các hoàn cảnh của đô thị, tất cả tạo ra một hiện tượng tâm lí gọi là hiện tượng “con người đô thị” và tất cả các hiện tượng đô thị xung quanh nảy sinh ở trong đấy. Dù muốn hay không, tình yêu nảy sinh dựa trên một thứ tình yêu đô thị.

Nếu ai đã đọc Truyện Kiều sâu một chút sẽ thấy thực ra Kiều không thật sự yêu ai cả. Kim Trọng là một khao khát của tuổi trẻ, có lẽ là một cái gì đấy bồng nổi, một sự nữ tính, thực ra một lòng muốn chiếm hữu nổi lên ở trong Kiều, tìm đến người trông xứng đôi vừa lứa là anh Kim Trọng trông cũng đẹp trai tài giỏi. Đến đấy không biết anh ấy nói được gì nhiều nhưng cô Kiều lập tức lấy đàn ra gảy. Kể cả trong những mối quan hệ với Mã Giám Sinh, với Thúc Sinh, rồi Từ Hải, rồi rơi vào tay Hồ Tôn Hiến, tất cả những chuyện đấy đều không thấy ở trong Kiều thực sự có một phản ứng gì. Điều đấy rất quan trọng, bởi vì Kiều được nhìn nhận dưới góc nhìn của Nguyễn Du là một người rất nhạy cảm, chịu nhiều sức ép. Nhưng có vẻ như cả đời Nguyễn Du có một nỗi e sợ, ông e sợ không thể kết nối với thế giới bên ngoài một cách bình thường.

Ví dụ, trong những dấu ấn tâm tưởng của Nguyễn Du, không thấy ông có một niềm nảy sinh với những người thân của ông khi họ bị giết sạch trong những vụ loạn ở Hoàng Thành Thăng Long, không thấy ông đau khổ gì về chuyện đấy. Ông chỉ đau khổ vì những thân phận người trôi giạt, ông ấy thường nghĩ đến những thứ giống như triết học. Tôi e là đầu óc của A cũng rất hợp với những ý tưởng triết lí, triết học như thế.

Có một loại người vô tính như thế, một loại người rất gần với thế giới cộng đồng. Bởi vì trong thế giới cộng đồng không có những sức ép của đô thị, không gây ra sự biến dạng.

Bạn phải phân biệt một điểm mấu chốt, thế giới cộng đồng không phải là thế giới nông thôn.

Trong thế giới cộng đồng có một đặc điểm thế này, một người sống cũng như tất cả, đây không phải là bình đẳng. Họ không đặt ra vấn đề bất công, nên họ không đặt ra vấn đề bình đẳng. Tất cả mọi người có một sự chung sức, một sự hợp tác, một sự liên kết và tất cả đều thống nhất giữa những giá trị. Tất cả những giá trị khi bị đẩy đến một đoạn cực đoan có một cách thức để phục hồi lại được như trước. Đấy là nhờ những nỗ lực của cộng đồng, nhờ những phương thức phân cấp nhất định ở trong cộng đồng, ở trong những lứa tuổi giới hạn, và tất cả mọi người như nhau. Tất cả mọi người đi qua lửa là trở thành một người trưởng thành, tất cả mọi người cống hiến được từng đấy con mồi trở thành chiến binh, tức là những hệ giá trị rất công bằng.

Có thể thực ra đời sống của An đang sống trong một hệ thống giá trị như thế, chẳng hạn, “Con đến bao nhiêu tuổi thì con nên làm việc gì?”, “Thế ra trường định làm gì?”, “Sau này định làm những cái gì, nên làm gì”, “Nhìn con ông..., con bác..., mọi người làm cái kia...”. Tất cả là một hệ thống qui định những giá trị dựa trên các thành tích một cách rất đơn giản. Nó giống như thiết quân luật, giống như quân đội. Quân đội gốc phải là một môi trường vô tính, nó không có và không đặt ra các vấn đề về tính dục. Các vấn đề về tính dục về căn bản được kiểm soát hoàn toàn ở trong các thế giới thiết quân luật.

Hiện tượng tâm lí chỉ nảy sinh trong đô thị vì đấy là một môi trường có những xung lực đè nén người ta, làm biến dạng những trạng thái cân bằng. Trạng thái bấp bênh liên tục của sáu nấc thang tâm lí, sự không ăn khớp giữa hai nấc thang tích cực và cái bóng của nó – nấc thang tiêu cực, và giữa ba nấc thang tích cực với nhau, ba nấc thang tiêu cực với nhau, sự bấp bênh giống như một quả cầu có quá nhiều những cái dây như nan hoa, liên tục chuyển động lệch ra bên này, lệch về bên kia. Sức ép rất lớn nên nó không bao giờ đứng yên được.

Nói theo kiểu vật lí, hễ còn tác dụng một lực thì một hệ không bao giờ đứng yên. Một hệ chỉ đứng yên trong hai trường hợp, một là các lực chấm dứt, thứ hai là các lực cân bằng, đấy là một hệ đứng yên. Tất nhiên có một trường hợp thứ ba, đấy là hệ đấy chuyển động cân bằng tương đối so với một hệ khác, nhưng chuyện đấy không xét ở đây vì không có nghĩa trong ý nghĩa tâm lí thực dụng. Chúng ta chỉ xét một hệ tâm lí của con người, nếu nó không cân bằng thì chỉ có hai trường hợp. Một là, các động lực này chấm dứt, hai động lực biến dạng này chấm dứt, con người ta không bị đè nén đến mức biến dạng, không phải biến dạng nữa. Thứ hai, con người không có nhu cầu giải tỏa, tức là không bị áp bức, không bị ẩn ức, không bị đè nén bên trong. Hai thứ nhu cầu này chấm dứt xong, sáu nấc thang tâm lí tự nhiên mờ dần và biến mất. Như thế đô thị cũng phải biến mất, ba áp lực của đô thị cũng phải biến mất.

Trích sách sắp xuất bản "Sự kiến tạo tâm cảm - Xung đột bất tận giữa đô thị và cộng đồng: Những nguồn gốc của tâm lí đô thị"

Tác giả: HVHĐ (Oopsy Team)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147