Trang chủ Blog Nhân cách

[Tâm lí học Đô thị] Trạng thái Vô tính: Con người Cộng đồng

By: OopsyAdmin, 2020-09-08 18:22:14

Trạng thái Vô tính: Con người Cộng đồng

Nói về Nguyễn Du một chút, khi ông miêu tả Kiều đã cho thấy ông ở trong một trạng thái giống như con người vô tính. Ông giống một người đã trốn tránh được một phần áp lực cực lớn của đô thị, cho dù ông ấy sống suốt ngày ở đô thị. 

Cuộc đời Nguyễn Du nói ra nghe thật buồn cười. Thời trẻ sống nhờ anh em họ, khi gặp tai biến sống nhờ vợ, đến lúc thời đại trôi qua, ông được mời ra làm quan nhờ có văn tài thì ông sống nhờ triều đình. Ông cũng chẳng tham nhiều quá, ông cũng chẳng nhiều đất đai. Thực ra ông ấy cũng sống một đời vơ vất, trẻ làm thơ, làm Truyện Kiều suốt mấy chục năm, mắc võng ra ngồi rồi bắt đầu đọc từng câu thơ, chọn từng ý một. Cảm giác thanh sạch không? Người đấy không vô tính mới lạ. Bây giờ vứt người này ra cho ăn xin vài năm rồi xem, giả không cũng lại trở thành con người cá nhân, suốt ngày đau khổ “thân phận ta” ngay.

Nhân đây, đã từng nói với bạn, nội các đầu tiên ra đời từ thời nhà Minh. Trong thời nhà Minh bắt đầu mới có một vấn đề, bắt đầu các quan lại có văn phòng riêng, có một văn phòng quan lại chuyên để xử lí các sự vụ quốc gia. Trước đấy không có, xem phim bạn cũng thấy, đến giờ chầu triều mọi người xếp hàng vào trong triều, không có văn phòng làm việc riêng, chỉ mỗi nhà vua có. Chỗ nhà vua làm việc là Điện, không phải là Các (“Các” tương đương với từ cabinet bây giờ), nó không phải là một căn phòng, nó là một Điện rất lớn, trưng rất nhiều thứ và nhà vua là trung tâm của Điện đấy, nhân vật thống nhất với Điện đấy. Nhà vua với quyền lực, với không gian của mình, tất cả là một. Cho nên nhà vua luôn thường trực sống trong đời sống cộng đồng dù chỉ có một mình. Nhà vua là tất cả. Vua là nước, nước là vua. Số phận của nhà vua, quyết định của nhà vua là tương lai của đất nước, không bao giờ thay đổi. 

Đến thời nhà Minh, do sự vụ của một đất nước quá lớn, chắc là chưa bao giờ Trung Quốc lớn đến thế, kể cả dưới thời Mông Nguyên, bởi vì thời Mông Nguyên thì vẫn phải đang chia lẻ. Trước thời Mông Nguyên, Trung Quốc vẫn gọi là Ngũ Đại, tức là mỗi xứ một vua riêng, chẳng ai thống nhất với ai, nhà Hán cũng có vua riêng, xem Tam Quốc đã thấy, mỗi xứ lại có vua riêng. Đến thời nhà Tấn chẳng hạn cũng bắt đầu lại chia năm xẻ bảy. Đến thời nhà Minh, chưa bao giờ có một thế giới rộng lớn đến thế. Thế giới rộng lớn này làm ra đời nhu cầu xử lí chữ viết, xử lí văn bản cực lớn, và như thế thì phải có văn phòng. Chỉ trong thời nhà Minh bắt đầu mới ra đời một “văn phòng Tứ bảo”, nó nổi lên rất mạnh, còn trước đấy không mạnh đến thế. Đến thời nhà Minh, mọi thứ hoa mĩ nhất trong thế giới văn phòng đều bắt đầu xuất sinh và đặc biệt ra đời thế giới Nội Các – những văn phòng làm việc của các quan, tức là trong triều đình bắt đầu có những Các này, Các kia. Đấy là nơi để quan viên đến làm việc ở trong ngày bình thường, đi làm giống dân văn phòng – những dân văn phòng đầu tiên của thế giới phương Đông, dân văn phòng thực sự, văn phòng chuẩn. Lúc này đô thị đã hoàn thành những công trình tuyệt vời nhất, công trình vĩ đại nhất của đô thị: Văn phòng. Tất nhiên sản phẩm tuyệt vời và “kinh khủng” nhất của đô thị và văn minh, đấy là Dân văn phòng. Đến một lúc nào đấy, thế giới chuyên gia sẽ bị thay thế bằng thế giới nhân viên văn phòng. Nhân viên văn phòng là tất cả những gì còn sót lại của nền văn minh. 

Bởi vì Nguyễn Du sống cả đời như thế, đến lúc tuổi già ông bắt đầu phải đối diện với thế giới văn phòng thật. Khi ông làm quan, bắt đầu ông phải sống dưới áp lực của văn phòng. Ông không ở trong thế giới của đứa trẻ nữa, không ngồi mắc võng được nữa, bởi vì không phải thời loạn lạc nữa. Ông cũng không được suốt ngày ở quê vô dụng ngồi một chỗ, bởi vì bạn đọc bài Thương Vợ của Tú Xương chẳng hạn, không thi đỗ thì vợ nuôi, vợ cứ “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng”, chồng thì ngồi mắc võng chơi, xong có một ít tiền vợ đưa bắt đầu lại lên trấn, ông ấy lên trấn vào lầu xanh nghe hát (vô dụng đến thế là cùng!), không phải lo gì. Ngày xưa giới tiến sĩ móng tay rất dài, móng tay của các thày đồ cũng thế, bởi vì họ không phải làm gì, thỉnh thoảng mới cho chữ Hán, chữ Nho, không phải lo gì cả, người vợ đã lấy một ông đồ là phải xác định. 

Trong một thế giới như thế, Nguyễn Du cũng giống như nhiều người khác, đặc biệt họ đã tiếp cận với một thế giới cộng đồng: Sách của Thánh nhân. Sách của Thánh nhân thiết lập lại một trạng thái gần như tôn giáo, tức là tất cả mọi người ở trong một trạng thái như nhau, ai đắc được nhiều hơn là xem người ta có hiểu được lời Thánh nhân nói hay không. Ông được đưa về trạng thái cộng đồng mà không cần thêm một ai bên cạnh. Bằng cách được cách li khỏi các áp lực về vật chất, ông bắt đầu phát triển những thiên tư cá nhân và tất nhiên do tư chất cá nhân, do nhiều đặc tính bẩm sinh nữa, ông không bị thời loạn lạc làm cho đau khổ. 

Toàn bộ cuộc đời còn trẻ là thời gian ông làm Truyện Kiều, một câu chuyện hết sức cảm động và đau khổ về thân phận trôi giạt nhưng chẳng có chút tình yêu nào trong đấy cả, không có gì nặng nề đến thế cả. Một thân phận tài ba, một thân phận con người tài hoa xinh đẹp bị trôi giạt, chẳng thấy một khát vọng tình yêu nào ở trong đấy, chẳng thấy khổ sở gì về tình yêu, chỉ có khát khao hạnh phúc và không hạnh phúc. Lấy Từ Hải cũng được, Từ Hải chết cũng chẳng buồn, chẳng thương quá, lại yêu đếnHồ Tôn Hiến, rồi lúc gieo mình xuống sông Tiền Đường, Kiều không nghĩ một chút đến Từ Hải mà quên luôn. Đấy là người kiểu gì, điên? Tất nhiên Kiều không điên, vấn đề chính là Nguyễn Du, ông ấy vô tính.

Khi bạn sống ở trong môi trường cộng đồng, chưa phải chịu các áp lực xã hội, chưa bị biến dạng vì những áp lực vật chất của đô thị, bạn sẽ cảm giác tình yêu cũng chỉ dừng ở trong những mơ mộng lãng mạn, nó không thái quá. Khi thế giới đô thị bắt đầu gia tăng sức ép của thế giới văn phòng lên, chúng ta có nước Anh, có Shakespeare, có Romeo và Juliet, lãng mạn thật sự. Chủ nghĩa lãng mạn ra đời cùng đô thị, đã từng nói ở các chương trước. Nó sinh ra chủ nghĩa lãng mạn, sinh ra thế giới của các lí tưởng và cảm xúc, sinh ra những sự xung đột giữa các dòng họ, sinh ra đủ các thứ. Nó sinh ra cái chết cho nhau.

Chỉ dựa trên những điều đấy biết ngay những chuyện như cầu Ô Thước nối liền sông Ngân – Ngưu Lang Chức Nữ chắn chắn là phải ra đời từ một thế giới văn phòng. Một anh chắc chắn phải là một thày đồ còn cô kia chắc chắn phải là cô gái tiểu thư khuê các, hai người gặp nhau, anh thày đồ yêu tiểu thư. Nhưng như thế không được, làm sao có một mối duyên giữa một tên nhân viên văn phòng với một người làm chủ những tài sản vật chất cao được, nhất định phải chia họ ra. Thế giới văn phòng hết sức lãng mạn. Thế là anh nhân viên văn phòng này cách li với cô tiểu thư kia, cuộc đời đừng hòng tìm đến nhau nữa. 

Còn trong câu chuyện của những thời cổ, chuyện hay hơn nhiều. Chuyện của Hậu Nghệ chẳng hạn, một câu chuyện hoàn toàn vô tình, các nhân vật trong đó rất vô tình, gần như vô tính. Lấy nhau có con hay không cũng được, yêu nhau không giống tình yêu, không sống chết cho nhau tí nào, xong rồi giết chín Mặt trời vì cái lí lãng xẹt, chả ra đâu vào đâu.

Tất cả câu chuyện như thế để nói rằng, đời sống cổ giống như của Nguyễn Du, thực ra họ sống một đời sống tình thì rất tình nhưng là một đời sống nội tâm, cảm xúc thăng hoa. “Thi dĩ ngôn chí”, "Văn dĩ tải Đạo" (thơ tỏ rõ cái chí của tác giả, văn tỏ cái Đạo mà tác giả theo) đúng là thế, họ càng làm họ càng thiên về hướng đấy, họ càng sống trong một đời sống cộng đồng được hồi sinh ở bên trong những hoạt động học tập và sự nghiệp của họ. Nhưng hễ họ tham gia, giống như Nguyễn Du cuối đời có làm một câu thơ than thở thế này, “Bất tri tam bách dư thiên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, tức là không biết ba trăm năm lẻ nữa thiên hạ ai người khóc Tố Như. Làm gì phải nghĩ đến bản thân thế? Nhưng Nguyễn Du chỉ nghĩ thế lúc bắt đầu già rồi, khi đã đi xứ, tham gia hết nội các này đến nội các kia, tức là lúc Nguyễn Du thành dân văn phòng thì cô Kiều chết tươi trong lòng Nguyễn Du, không nhắc gì đến Kiều, không thấy tài hoa trôi giạt. Giai đoạn trôi giạt giống như Kiều thì chỉ cần tìm một cái gì đấy yên ổn, tìm một người trân trọng mình, tìm một người biết giá trị của mình, không nghĩ gì thêm nữa. Đến lúc được vào triều đình rồi thì bắt đầu nổi lên cái máu “ba trăm năm nữa ai nghĩ đến mình không nhỉ?”. Có tham lam kinh khủng không? Thấy yêu đương, thấy Tình, thấy cô đơn chưa? Cảm giác cô đơn của dân văn phòng là từ đấy ra, cực kì cô đơn, dân văn phòng bao nhiêu bạn cũng thấy cô đơn, thế giới ảo cô đơn hơn bao giờ hết. 

Thế giới ảo trực tiếp đối mặt với thế giới giá trị của Thánh nhân. Thế giới của Thánh nhân, thế giới của kinh sách, thế giới của những lề luật, thế giới của các giới luật là một thế giới cộng đồng, nó là tàn tích cuối cùng của xã hội cộng đồng. Đã từng có xã hội cộng đồng, có thể coi như thế. Bên phía kia là thế giới ảo, đủ các loại thông tin lăng nhăng, đọc gì cũng được, search cái là ra, mọi thứ tìm được trên đấy. Người ta trở nên nóng nảy, cô độc, bất an, cái gì cũng có thể nảy sinh được. Sáu nấc thang tâm lí lần lượt trải qua, quay vòng chuyển đủ sáu màu sắc, “bùm” một cái ra màu sắc thứ bảy: chết tươi!. 

Có một vấn đề mấu chốt: Con người vô tính. Con người vô tính rõ ràng đã tồn tại. Nó tồn tại trong thời kì không xa chúng ta lắm. Chúng ta vẫn biết ở đâu đấy có con người vô tính, cũng cùng lúc biết là cùng thời Nguyễn Du, ở nước Anh hoặc nhiều nước trên thế giới, tất cả hệ thống văn phòng rất phát triển rồi, hệ thống văn phòng phát triển đủ để tạo ra những con người văn phòng, tạo ra sức mạnh của đô thị, sức mạnh kinh khủng nhất của đô thị: Giới trung lưu văn phòng, văn phòng riêng, văn phòng để nghiên cứu. Nó rất đáng sợ.

Trong một thế giới không văn phòng lắm, thế giới của Leonardo Da Vinci chẳng hạn, mỗi phòng nghiên cứu, không phải là một văn phòng, không theo diện làm công ăn lương. Người ta ở đấy để tạo ra toàn bộ số phận và sự nghiệp của mình, sống ở trong những lí tưởng, trôi giạt, sống ở trong những tình yêu có thể váng vất đi qua. Họ biến mất ở trong tình yêu đấy không cần để lại dấu vết gì, nó không đến nỗi ám ảnh đè nặng trong tâm hồn người ta, không ai bị điên. Tất cả những giả thiết về chuyện Leonardo bị điên là những giả thiết “bị điên”, bởi vì ông ấy không có vấn đề gì về tâm lí theo kiểu lệch lạc. Ông ấy sống trong một sự nghiệp. Nếu đã đọc những tác phẩm nguyên gốc của Da Vinci, bạn thấy là tất cả những gì ông ấy nói không nhằm vào một trạng thái cảm xúc nào cả.

Trong một sự day dứt nhất định của thời đại cộng đồng và thời đại văn phòng, nửa thế kỉ XVII, XVIII trở đi, trên toàn thế giới bắt đầu xuất hiện thế giới văn phòng, dấu ấn cuối cùng của nó là thời đại của các nhà khoa học. Các nhà khoa học cùng lúc sống giữa thế giới của lí tưởng, thế giới của chuyên gia, thế giới của văn phòng và họ ở trong cơn dằn vặt đấy. Khi nhắc đến cơn dằn vặt của nhà khoa học, có một nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử chính trị thế giới, ông là bạn thân của Karl Marx, tên ông là Engels. Trong một tiểu luận nổi tiếng, Engels có nói một nhà khoa học không làm được gì tử tế, bởi vì buổi sáng họ đến nhà thờ, buổi chiều về làm khoa học, mà hai điều đấy không có gì giống nhau cả. Thực ra ông ấy đã phát hiện ra một tình huống, buổi sáng thì sống đời sống cộng đồng, buổi chiều thì sống đời sống của đô thị, đời sống cá nhân, đời sống đối nghịch cộng đồng, đời sống không gian khép kín. Buổi chiều làm dân văn phòng, buổi sáng làm con chiên, hai thứ đấy không có gì giống nhau. Ông phát hiện nhịp đấy gây ra một vấn đề nhưng ông không biết phải gọi tên nó là gì, ông gọi tên theo kiểu chủ nghĩa Marx, một đằng là Tôn giáo, tức là đời sống đền bù hư ảo, một đằng là Khoa học khách quan và sự thật. 

Con người vô tính tồn tại và có thật. Họ ở đâu đấy và hình như chúng ta có thể thiết lập được con người vô tính mà thậm chí không cần đến một cộng đồng. Bởi vì cộng đồng đích thực không hiện hữu như một tập thể, thực ra nó không được đánh dấu bằng sự xuất hiện của một tập thể suốt ngày ngồi bên cạnh nhau. Nó được thiết lập bởi giới luật, được thiết lập bởi một cái gì đấy khác, khiến cho người ta như nhau, khiến cho người ta bình đẳng và không dựa trên những cơ sở vật chất. Khi con người ta tiếp xúc với sự bình đẳng đấy, người ta bắt đầu thức tỉnh cộng đồng ở trong mình, thức tỉnh con người vô tính.

Hãy nói về trạng thái không có người yêu của A, giống như rất nhiều trường hợp khác, tuy giống con người cộng đồng nhưng trạng thái vô tính của A chỉ là một dấu ấn còn sót của đời sống cộng đồng, nó không hẳn là đời sống cộng đồng. Gia đình của A, một cách may mắn, đã không phản ánh những áp lực xã hội lên trên A, ví dụ như “Thằng hàng xóm đang chơi xỏ mình”, “Thằng bên kia nó hại gia đình mình”, “Chị con ra đường bị thằng kia đánh, giờ con về con tính thế nào”, không bao giờ có những chuyện đấy xảy ra với A. Tất cả những áp lực của xã hội đến bờ ráp của gia đình, nó được triệt tiêu. Cho nên đời sống của gia đình A là phản ánh lại một dấu vết của đời sống cộng đồng. Nó đã tạo ra một mảnh vỡ, nó giống đời sống cộng đồng nhưng không phải đời sống cộng đồng đích thực, lúc nào nó cũng có thể bị méo mó. Cho nên con người vô tính này là một sản phẩm ngẫu nhiên và lúc nào cũng có thể bị hủy bỏ. Khi bước ra cộng đồng xa, rời khỏi gia đình A bắt đầu yêu ngay, chứng tỏ A không giữ vững các giá trị cộng đồng và chứng tỏ đấy không phải cộng đồng thật sự. 

Cộng đồng thật sự, bạn tưởng tượng, tất cả các mảnh vỡ của cộng đồng bạn được nghe đến đều có tất cả những dấu hiệu của sự cân bằng, sự vững mạnh, sự ổn định, sự tự tại. Khi đạt đến trạng thái cộng đồng đấy bạn cũng có một thế giới rộng lớn vô tận như thế. Nếu như bạn đạt đến đời sống cộng đồng, bạn tưởng tượng xem, tư duy của bạn không nằm ở trong các không gian kín mà nằm ở trong những không gian vô tận và mở, điều mà một số những người trong những triết thuyết phương Tây gọi là vũ trụ – universeuniversal – phổ quát, vũ trụ, một cái gì đấy vô tận, một cái gì đấy Công giáo. Về không gian, bạn tư duy như thế. Về tính cách, bạn luôn luôn ở trong một trạng thái cộng đồng, tức là xem xét được một cái gì đấy chung nhất, phổ quát, những giá trị, những cốt lõi mà trong con người cần phải có. Bạn tư duy trên lí tưởng chứ không phải bằng mục đích cá nhân. Bạn quay về con người vô tính chứ không bị tham dục làm đọa đắm. Con người sống trong một trạng thái tự do chứ không bị tất cả áp lực xã hội làm méo mó. Con người thoát được sáu nấc thang tâm lí và kiểm soát, gần như làm chủ được toàn bộ các tính cách của mình. 

Con người cộng đồng là con người kiểu gì? Đó là con người hoàn toàn khác với con người cá nhân mà chúng ta từng biết. Rõ ràng đấy là một cuộc sống hoàn toàn khác, và cuộc sống đấy, thật may mắn, có thể thiết lập được. Chúng ta không đến nỗi vô vọng trong việc đi tìm cuộc sống cộng đồng ở trong chính mình. Tất cả những người từng sống đời sống cộng đồng mà chúng ta biết đã sống bằng chính mình. Họ có thể là thi hào vĩ đại nhất dân tộc, họ có thể là anh hùng ở trong truyền thuyết, họ có thể là Thánh nhân vĩ đại nào đấy, họ có thể là Đế vương, nhưng căn bản, điều quan trọng là họ sống đời sống cộng đồng, họ không sống đời sống cá nhân.

Bằng một cách không hề ngẫu nhiên, tất cả những mẫu hình của đời sống cộng đồng không còn là thần tượng của đô thị. Đế vương không phải thần tượng của đô thị nữa rồi, nhất là khi không gian ảo xuất hiện, Đế vương thậm chí còn biến thành trò cười. Bạn có thể lên mạng search một loạt tất cả những tin về hậu cung của Đế vương chẳng hạn, hoặc là ông vua nào tàn ác nhất có thể dễ dàng tìm hơn và giúp người ta thích thú hơn là việc những phẩm chất của Đế vương cần phải có. Bây giờ người ta nhắc đến một CEO thì dễ hơn nhắc đến phẩm chất của một lãnh tụ như Đế vương, nhắc đến một lãnh tụ người ta nghĩ đến các đảng chính trị hơn là nghĩ đến Đế vương. Hình ảnh Đế vương đã mất. 

Thánh nhân thì càng mất rồi, từ lâu lắm rồi chúng ta xem Thánh nhân là một điều giả tạo, vì đời sống ấy không tồn tại, bởi vì sự thật của đô thị là quan trọng hơn sự thật về sự tồn tại của một đời sống ngoài đô thị hoặc vượt lên đô thị. Đô thị là một thực tại duy nhất? Không phải. Bạn thường sống ở trong một trạng thái như thế chứ không phải là một trạng thái lành mạnh của tâm trí cộng đồng. Thời đại của đại thi hào đã qua đến mức mà giờ đây ai nổi tiếng lên nhờ thi ca thì mọi người đều có thể xem thường, vì “đó cũng chỉ là những người ăn tiền sống thôi mà, sống nhờ nhuận bút, làm công ăn lương, làm văn phòng thôi chứ là cái gì”.

Dù muốn hay không, các mốc giá trị đã thay đổi. Các thi hào xưa dù sống ở đâu thì bằng cách sáng tạo văn thơ họ vẫn sống ở trong một hệ thống cộng đồng, dựa trên hệ thống lí tưởng, dựa trên cái đẹp, dựa trên kể cả giá trị Chân Thiện Mĩ hay là gì đi nữa, nó đều dựa trên một hệ thống khác, một hệ thống cao cả. Còn ở đây dù làm gì cũng ở trong một hệ thống cá nhân, nhuận bút được bao nhiêu, hưởng lương được bao nhiêu, mua được nhà gì, tất cả đều dựa trên các tiêu chí của đời sống đô thị mà đánh giá. Cho nên dù họ có tự do tự tại đi giữa những vùng miền của đất nước, viết những bài văn thơ, có những trại sáng tác riêng thì họ căn bản sống trong các không gian khép kín, họ sống trong một đời sống văn phòng khác, chỉ thế mà thôi, sống trong các mục tiêu cá nhân, không hề có dấu vết của cộng đồng. 

***

(Trích sách Sự kiến tạo tâm cảm - tác giả HVHĐ)

Tìm đọc các phần trước:

- Phần 1: Sáu nấc thang tâm lí chi phối con người đô thị: http://oopsy.vn/search?s_name=s%E1%BB%B1+ki%E1%BA%BFn+t%E1%BA%A1o

- Phần 2: Sự Tồn Tại Của Vô Tính 

- Phần 3: Vật hóa thế giới tâm lí: Sách và Chữ viết, một nguồn gốc của Đô thị

- Phần 4: Con Người Bắt Đầu Đánh Mất Một Sự Rộng Lớn Của Mình Để Đổi Lấy Một Khoảng Không Hẹp: Ba Nhân Tố Gây Tổn Thương Nội Tâm

- Phần 5: Nghi lễ, Cộng đồng và Đô thị


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147