Trang chủ Blog Nhân cách

Tâm lí học ứng dụng: Hãy đóng vai một người KHIẾM KHUYẾT để không bao giờ SỢ mình khiếm khuyết, hoặc bạn bè khiếm khuyết, thì mình cần phải XẤU HỔ

By: OopsyAdmin, 2020-05-12 10:11:24

Tâm lí học ứng dụng: Đóng vai một người khiếm khuyết để không bao giờ sợ mình khiếm khuyết, hoặc bạn bè khiếm khuyết, thì mình cần phải xấu hổ

Chúng ta hãy bước vào trò Bựa thứ nhất để vượt qua thế giới của thuở thiếu thời, trưởng thành đích thực, trưởng thành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

TRÒ BỰA THỨ NHẤT: Không đánh răng trong hai ngày và tâm sự với bạn thân nhất trong 15 phút, ngồi sát cạnh và tỏ vẻ đau khổ.

Trò này rất quan trọng. Hãy bắt đầu với bạn thân.

Tại sao chúng ta gọi là “thân”? Bởi vì bạn thân là vòng đầu tiên của thân thiết. “Bạn” bao giờ cũng có trước “người yêu.” Thứ tự như thế này: Đầu tiên chúng ta có “ta” – ý thức về “tôi” tồn tại, sau đó chúng ta có gia đình, bạn bè, sau nữa là người yêu. Không bao giờ, hoặc rất ít khi người yêu có trước, phải chứ? Người yêu trước tiên phải là bạn đã! Không ai đột nhiên sau khi ra khỏi gia đình về nói là “Ôi, con yêu bạn này rồi mẹ ạ,” nếu thế bố mẹ bạn sẽ nói: “Điên à, tao đánh chết giờ!” – không có chuyện như thế, đấy là chuyện quá kỳ quặc. Trừ khi người ta vẽ lại quá khứ: “Lần đầu tiên gặp em, anh đã yêu” – đấy là “bốc phét”!

Chúng ta hãy nhớ là tất cả những cái gì dính đến bạn thân, dính đến bạn bè, thực ra là dính đến một vấn đề về Thân. Tại sao chúng ta cố gắng khỏe mạnh hơn? Bởi vì chúng ta đã quen hồi tiểu học, trung học có môn Thể dục, nếu là con trai mà yếu kém trong môn Thể dục, chúng ta bị “bọn con gái” cười, cho nên chúng ta muốn bồi bổ Thân, chính là cho bạn bè nhìn.

Khi chúng ta đến buổi họp lớp cũ, nếu ai đã từng trải qua những buổi họp lớp với bạn bè cũ, chúng ta muốn mặc những bộ đồ đẹp nhất, chúng ta muốn kể những chuyện tốt nhất, chúng ta muốn ngắm nhìn lại những người yêu thương cũ, những bạn bè, chúng ta muốn nghe câu chuyện của họ (nghe vừa phải thôi). Chúng ta muốn nghe điều bất hạnh nhiều hơn và muốn thấy mình đẹp đẽ hơn. Đó là lúc chúng ta muốn thấy mình đẹp đẽ nhất.

Oái oăm là trong cuộc sống trưởng thành và nơi chúng ta cần cạnh tranh nhất – cuộc sống công sở, chúng ta lại không cố gắng phô trương mình đến mức như khi gặp lại bạn thân. Bạn nghĩ là tại sao? Vì quan trọng nhất nên muốn mặc đẹp nhất? Không phải, chúng ta đang cố tình cạnh tranh với họ – những người bạn cũ.

Cho nên, trong trò Bựa này, chúng ta rất chú ý đến vấn đề Thân. Nếu chúng ta có một khiếm khuyết về Thân, liệu chúng ta có bạn bè nữa không? Nếu chúng ta chân đi khập khiễng, mắt lệch, người béo (rất béo), chúng ta có bạn thân nữa không?

Và giả sử chúng ta có một cậu bạn vô cùng béo, mặt phị ra, chúng ta có cảm tưởng là một người như thế nếu chúng ta nhìn thấy, chúng ta rất dễ dàng chinh phục trái tim của họ. Nếu họ đã trải qua một tuổi ấu thơ, một tuổi thiếu thời, tuổi thanh niên trong lốt béo phục phịch, chắc chắn họ không có người yêu, phải dựa vào bạn bè, chúng ta chi phối họ thật dễ dàng. Bởi vì họ đầy tổn thương, chạm vào trái tim họ rất dễ. Đến gần họ, nói chuyện với họ, chạm vào họ, trái tim họ thuộc về ta ngay. Và họ bao giờ cũng bạc nhược, yếu đuối, bao giờ cũng mang những tâm sự đau khổ. Chỉ cần chúng ta chạm vào một chút, kéo họ một chút, hỏi họ những tâm sự, nói những câu rất khách sáo, ví dụ: “Tao thấy mày là người tốt hiếm có, nếu ai yêu được mày thì may lắm,” họ “rụng rời” luôn!

Tôi có một anh bạn, hồi học đại học cậu ấy vẫn đeo một cái niềng răng. Bởi vì cậu ta trông đã gầy lại không có người yêu, đến lúc tôi gặp cậu ấy, tôi bảo, “Ông ơi trông ông vừa giỏi giang, vừa đẹp trai. Thực ra kể cả có niềng răng, ông rất thông minh. Thế nên tôi rất ngạc nhiên khi thấy không có cô gái nào yêu ông.” Thực ra trong đời ai chẳng có vài cô bạn thân, nên nghe thế tự nhiên lúc đấy cậu ấy cảm thấy sống lại một thời thanh xuân, một thời rực rỡ. Cậu ấy bảo, “Thực ra cũng có người con gái thỉnh thoảng thích tớ.” Cô gái đấy trông bề ngoài rất bình thường thôi (thậm chí còn dưới mức bình thường), thế nhưng đấy là một câu chuyện để cậu ấy nhớ lại.

Hồi đấy tôi chưa biết đi xe máy, cậu bạn thì đi xe máy. Lúc đó, cậu ấy bỏ cả đi xe máy để đạp xe cùng tôi, đi khắp nơi chỉ để kể một câu chuyện, “Ông ạ, tôi…” Sau này đến một ngày, cậu ấy nói với tôi, “Chỉ vì ông đã nói câu đấy nên tôi cố gắng đi để được nghe ông nói câu đấy một lần nữa.” Ôi, những người đã tự ti thời ấy thì...

Có ba mối tự ti chính:

- Khiếm khuyết về bản thân. Chăng hạn thấy mình béo hơn, thấy mình kém hơn, thấy mình không đẹp bằng người khác…
- Khiếm khuyết do tình cảm gia đình, tức là do bố mẹ nghiệt ngã gây nên.
- Khiếm khuyết do việc vào một môi trường mà bạn bè không tiếp nhận. Có thể là từ thành phố về quê.

Tất cả những dạng khiếm khuyết đấy, chỉ cần chạm vào trái tim là người ta “ngã lăn” ra ngay. Bởi vì đó là ba mối tổn thương trước thế giới bạn bè. Vòng bạn bè là vòng thứ ba mà!

Mình, Gia đình, Bạn bè (Người yêu để sau) – ba vòng này là ba mức tổn thương thiếu thời. Bởi vì có bạn bè là lúc bắt đầu chúng ta định nghĩa mình. Ba vòng tổn thương này: (i) tổn thương do khiếm khuyết cá nhân, do thân; (ii) tổn thương do gia đình gây áp lực, nó đau khổ, nó đè nén; và (iii) tổn thương do bạn bè không tiếp nhận, ba thứ tổn thương này mà in trong trái tim người ta, thì con người này lớn lên dù có thành công bao nhiêu, đạt được điều gì, họ cũng cực kỳ nhạy cảm, yếu đuối, dễ bị lợi dụng. Ai cũng thế thôi.

Bạn có phần đấy không? Ai kết thân với mình cũng trở thành thân nhất. Ai tâm sự với mình cũng trở thành thân nhất. Ai chia sẻ với mình nước mắt, nụ cười cũng trở thành người tuyệt vời nhất, người đáng tin nhất. Con người quá yếu đuối, họ không có tự tin. Một con người không biết tin vào mình chỉ biết ai là người tốt với mình. Một người chỉ đếm kể xem trong cuộc đời mình ai là người tốt với mình thì người đấy đau khổ, bất hạnh. Người đấy bạc nhược, yếu đuối. Người đấy không có tự tin, không bao giờ sống được trên đôi chân của mình, không bao giờ đứng vững được và không biết phải làm gì giữa cuộc đời. Người ấy dù có bao nhiêu thành công, thành công ấy cũng chỉ có thể gọi là may mắn.

Trong trò Bựa này, chúng ta bắt đầu “đánh hơi” lại một thế giới bạn thân thật sự. Chúng ta hãy nghĩ về trò này xem: Không đánh răng trong hai ngày. Chúng ta biết thế giới bạn bè quan trọng nhất là gì? Là nói chuyện với nhau. Cho nên với chuyện mồm hôi, nếu bạn để ý, thời trung học là thời chúng ta cực kỳ để ý đến mùi miệng – chúng ta rất để ý mùi miệng của mình đang là gì. Lớn lên thì nó vẫn còn, nhưng nó nhạt đi. Lớn lên, kể cả đôi lúc chúng ta biết là miệng chúng ta hơi hôi – do vận động của nội thể, chứ không phải do răng – thì chúng ta vẫn cứ để tâm, nhưng không để tâm nhiều bằng hồi trung học. Hồi trung học chỉ cần miệng mình hơi hơi hôi là bắt đầu cảm giác khó chịu.

Và hồi tiểu học, trung học, “khốn khổ” lại vào đúng thời thân thể chúng ta thay đổi, nhất là sau tuổi dậy thì mùi miệng chúng ta rất khó chịu vì dịch nhiều. Nếu người nào không mụn nhiều thì mùi miệng hôi, hoặc là mùi thân thể hôi, một trong ba điều đấy. Điều đáng sợ nhất vẫn là mùi miệng. Bởi vì sao? Bởi vì thời thanh xuân này, chúng ta cần nhất là nói chuyện với nhau, chúng ta kể cho nhau những chuyện: Hôm nay tớ xem (phim gì)/ Tớ đọc (truyện gì), xong rồi tớ gặp (chuyện nào)/ Tớ gặp (bạn này, bạn kia)/ Tớ đang học thêm ở chỗ này hay lắm… Chúng ta có vô vàn những chuyện để nói, mà khi trưởng thành, chúng ta thấy những chuyện này không cần phải nói với nhau, và chúng ta rất ít khi tâm sự theo kiểu đấy.

Bởi vì chúng ta tâm sự rất nhiều, nên chuyện răng miệng là cực kỳ quan trọng. Và có một hiểu lầm rất lớn thời đấy: Đánh răng là một chuyện quan trọng, đánh răng xong sẽ có tự tin hơn. Bạn còn nhớ cảm giác này không? Nó lưu lại từ thời trung học cho đến tận lúc người ta lớn, người ta trưởng thành. Thậm chí 40-50 tuổi người ta vẫn cảm giác là không đánh răng thì không cảm thấy an toàn để đi ra ngoài.

Chỉ có những người rất tự tin thì mới có thể không đánh răng vẫn nói, “Ta vẫn đi chơi được.” Có một người nọ rất tự tin như thế, người đó đi gặp bạn nói là “Mồm chị hôi lắm, đừng có nói chuyện với chị, tránh xa chị một mét,” nhưng uống cà phê xong lại nói, lại quên hết chuyện đấy. Thực ra con người đã vượt qua hình tướng thế gian một chút, họ không còn sợ, mà họ cũng chẳng có bạn bè. Đến giờ người đó vẫn chẳng có bạn bè mấy, cứ lầm lũi, nhưng cô ấy chẳng thấy đấy là vấn đề. Vì người ta đã quá tự tin, gặp ai cũng có thể trở thành người thân, nhưng chẳng ai là người có thể chi phối tâm lí cô ấy thật sự cả.

Vậy là, trong trò Bựa này, chúng ta rất chú trọng việc không đánh răng trong hai ngày. Đấy là một thử thách to lớn cho bất cứ ai thử trò này. Khi chúng ta không đánh răng trong hai ngày, chúng ta có cuộc chiến đầu tiên với thời niên thiếu. Cuộc chiến đấy là chúng ta bắt đầu sẵn sàng đối diện với sự mất tự tin nhất: Có thể chẳng ai muốn nghe mình nói. Đây là điều kinh khủng nhất, đúng không?

Thời tuổi trẻ, lần đầu tiên – không phải với gia đình mà chỉ với bạn bè – chúng ta muốn một ai đấy lắng nghe mình nói. Việc này chỉ xảy ra trong thời trung học, còn lại trước đấy chúng ta không chú ý, và sau đấy chúng ta cũng không chú ý đến thế. Khi chúng ta yêu một người, nếu người yêu chúng ta không lắng nghe ta thì ta bực bội. Nhưng nếu bạn bè không lắng nghe ta thì ta tổn thương. Tâm lí đấy tồn tại đến cả khi chúng ta trưởng thành rồi. Nó rất buồn cười như thế.

Không đánh răng, chúng ta đối diện với nỗi sợ đầu tiên là không ai lắng nghe. Việc không ai lắng nghe làm người ta mất tự tin kinh khủng, nhất là giữa đám đông. Khi có một đám đông ồn ào, chúng ta nói không ai nghe, hoặc chúng ta nói xong mọi người tảng lờ sang chuyện khác, thì trong lòng ta cực kỳ tổn thương, kể cả khi đã lớn. Chuyện này đặc biệt xảy ra vào thời niên thiếu. Nếu người nào đã được kiến tạo sẵn tổn thương thời niên thiếu này, do không khéo ăn nói, do mồm hôi, do cái gì đấy, hoặc do không nổi bật – nhất là những người mà thời niên thiếu không nổi bật, họ nói ít khi có người nghe – thì tổn thương này tồn tại trong họ rất lâu dài. Về sau ai lắng nghe, hay ai nhìn vào đôi mắt họ, họ cũng lập tức cảm thấy sống lại khoảnh khắc niên thiếu.

Cho nên, khi tôi đi nói chuyện với người ngoài, tôi biết là ai cũng từng có tổn thương này. Bởi vì, khốn khổ là cuộc đời này kiến tạo cho chúng ta những tổn thương giống nhau. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt họ, khi họ nói tôi cúi đầu, tôi lắng nghe và trầm tư cùng họ. Đó là tôi khôi phục lại khoảnh khắc niên thiếu của họ. Họ cảm giác tôi giống như bạn thân từ lâu. (Đấy là mẹo thôi!)

Quay trở lại, đầu tiên chúng ta sẽ đối diện với nỗi sợ không ai lắng nghe, đi liền đấy là một thân thể khiếm khuyết. Chúng ta không phát hiện ra chuyện này có vấn đề, nhưng mà khốn khổ, cuộc đời này nó thế! Rõ ràng bạn bè được định nghĩa bằng sự vô tư, bằng sự chia sẻ, bằng việc chung lưng gánh vai một chuyện gì, bằng việc đi đâu chơi với nhau. Nhưng khốn khổ là nếu có một người bạn khiếm khuyết, dị tật, chân đi khập khiễng chẳng hạn, chúng ta không được tự tin và chúng ta cũng không thích người đấy lắm.

Có một câu chuyện thế này. Cách đây khoảng chưa đầy một năm, có hai anh chàng nọ đi với nhau trên đường. Xe của một trong hai người bị hỏng bô, nó kêu “phạch phạch phạch phạch.” Có một khoảnh khắc ngắn – trong khoảng năm đến mười phút – anh chàng còn lại cảm thấy hơi xấu hổ vì tiếng xe của người kia. Khốn khổ là anh ta là một người đẹp trai, đẹp từ bé đến lớn, thế nên anh ta quen có những người bạn xung quanh tương ứng để tôn cao mình lên rồi. Khi có một người bạn có khiếm khuyết – một cái xe khiếm khuyết, và cái khiếm khuyết ấy nó lồ lộ ra ngoài, thì anh chàng hoàn hảo kia chột dạ. Điều đó chứng tỏ anh ta không tự tin như bề ngoài.

Người ta chỉ vượt qua điều này khi tự mình có một trò đùa, một vở kịch khiến mình trở nên khiếm khuyết. Hãy đóng vai một người khiếm khuyết để không bao giờ có nỗi sợ rằng nếu mình khiếm khuyết, hoặc nếu bạn bè mình khiếm khuyết, thì mình cần phải xấu hổ.

Nhưng khốn khổ là điều này tồn tại ở trong lòng bất cứ ai – kể cả người ta đẹp hay xấu: Người ta sợ chơi với người khiếm khuyết. Bạn đã từng trải qua cảm giác này chưa, đấy là yêu và chơi thân với những người xinh đẹp, nổi bật thì cảm thấy mình vinh hạnh. Chúng ta từng trải qua chưa? Ai cũng từng trải qua rồi. Bạn không thấy sao? Nó chính là những triệu chứng đầu tiên của sự mất tự tin, của việc chạy theo xã hội, của những nỗi đau đớn sâu thẳm trong trái tim chúng ta, những nỗi tự ti suốt đời của thói phô trương khi trưởng thành.

Nếu chúng ta trở nên đẹp hơn, chúng ta trở nên tự tin hơn, chuyện đấy cũng đúng thôi. Nhưng một người tự tin đích thực, khi họ đẹp lên họ chỉ nghĩ đơn giản là Mình trông dễ nhìn. Họ biết điều đấy, họ nắm bắt nó chứ không lệ thuộc vào nó. Còn khi chúng ta lớn lên với nỗi sợ khiếm khuyết này, chúng ta lệ thuộc vào vẻ ngoài.

Thế nên, không đánh răng trong hai ngày là điều rất kinh khủng. Nó thể hiện rõ trong mùi mà tự chúng ta ngửi thấy được hẳn hoi.

Việc thứ hai cần làm là tâm sự với bạn thân nhất trong 15 phút. Chuyện này cực kỳ quan trọng. Tại sao quan trọng? Nếu như bạn làm trò này, bạn phải xác định: Ai là bạn thân của mình? Bởi vì, rất khốn khổ là bình thường chúng ta xác định được bạn thân rồi, nhưng chúng ta trân quý bạn thân đến mức chúng ta không dám chạm vào. Cho nên trong trò này, chúng ta phải xác định được người bạn thân nhất. Nếu chúng ta chỉ có một người bạn thân nhất để xác định luôn thì cuộc đời chúng ta khá đáng buồn! Đấy là một tuổi trẻ không vui vẻ gì, đúng không?

Bởi vì ai cũng phải có đến mấy người bạn thân. Thậm chí trong tuổi trẻ, chúng ta nhớ cảm giác này không: Nếu có nhiều người quý mình thì chúng ta cảm thấy mình có giá trị. Chúng ta cảm thấy tự tin khi đi trên sân trường, cảm thấy vui vẻ khi đang đi gặp một người bạn, “Ê chào cậu, khỏe không?” hay “Ê chào ông, dạo này thế nào? Trông ông khôn đấy, tôi vẫn nhớ, hôm nào mình đi ăn kem nhé.” Đấy là những cảm giác cực kỳ tự tin khi đi giữa sân trường. Nếu chỉ có một người bạn thân thì chúng ta “khốn khổ” thật, nhưng thế thì chúng ta càng phải vượt qua nó.

Nếu chúng ta có nhiều hơn một người bạn thân, chẳng hạn có ba/bốn/năm người thì chọn ra một người thân nhất. Và một lần nữa, một lần rất hiếm hoi, đó là chúng ta đang cố gắng làm chủ thế giới của mình.

Tất nhiên, khi thiếu thời, ai cũng đặt ra câu hỏi: Đâu là người bạn thân nhất của mình? Tuy nhiên, ít khi chúng ta trả lời câu hỏi này trung thực. Nhưng trò chơi này yêu cầu chúng ta trả lời trung thực, Ai là người thân nhất, lắng nghe mình nhất? Bởi vì trò này, ngồi 15 phút sát cạnh, tỏ vẻ đau khổ, tâm sự chuyện gì đấy với cái mồm cực hôi, nó sẽ khiến bạn thân chúng ta, về căn bản, là muốn tránh xa chúng ta.

Và đấy là khoảnh khắc chúng ta đối diện với một điều (bởi vì đã cố diễn trò này thì chúng ta đã biết được sự thật bên trong rồi), chúng ta sẽ chứng kiến, lần đầu tiên trong đời mình, những người bạn thân có xu hướng ngoảnh mặt ra hướng khác, lắng nghe gật gù. Đấy là trường hợp đẹp nhất. Còn nếu không họ có thể bảo, “Thôi cậu đi đánh răng đi, ghê quá!” Khi tất cả những thứ đấy xảy ra, chúng ta không có một thế giới thân thiết như chúng ta tưởng.

Trò này diễn ra trong 15 phút. Tại sao 15 phút? Bởi vì 15 phút đó là chịu đựng. Thực ra, người bình thường chịu đựng được mùi hôi miệng trong bao lâu? Vì mùi hôi miệng là mùi thức ăn phân hủy trong dạ dày đưa ra, mang theo mùi dịch dạ dày. Chúng ta rất sợ mùi dịch dạ dày. Bạn thử ợ lên mà xem, mỗi lần ợ lên, chúng ta chỉ muốn ợ thật nhanh. Mùi đấy làm chúng ta rất khó chịu trong khoảng vài giây. Chúng ta cũng chỉ có vài giây để chịu đựng nó.

Nhưng một mùi hôi miệng, chúng ta chịu đựng nó chỉ trong nhiều nhất là một phút, nếu chịu đựng liên tục có thể ngất ra. Mười lăm phút đó là một lần chúng ta kiểm tra những người thân thiết nhất thời niên thiếu. Những người thân thiết nhất trong cuộc đời chúng ta, hóa ra không chịu đựng ta được quá 15 phút. Như thế tức là họ thân “vừa phải” thôi đúng không? Đúng như ngày xưa người ta hay nói, thân theo kiểu “Thân ai người đấy lo,” nó chỉ thế thôi.

Sau khi chúng ta nói, chúng ta xác định là họ ngoảnh mặt. Đấy là trường hợp tốt đẹp nhất. Còn nếu họ tránh xa, nếu họ không muốn lắng nghe, nếu họ cố gắng phớt lờ câu chuyện này để chuyển sang câu chuyện khác, hay họ cố gắng nói hoặc họ đứng lên để rủ chúng ta đi đâu đấy? Tất cả chuyện này, chúng ta biết nghĩa là gì: Họ không chịu đựng nổi chúng ta, họ không thân như chúng ta nghĩ. Họ không đáng để chúng ta phải khổ sở vì những khiếm khuyết. Họ không đáng để chúng ta phải cố gắng tìm một người lắng nghe nhằm cảm thấy mình có nghĩa. Họ không đáng để chúng ta tìm đến khi đau khổ. Họ không đáng để chúng ta ngồi kề vai sát cánh. Họ không đáng cho tất cả những điều đấy.

Điều đó để biết là nếu một ngày chúng ta khiếm khuyết, chúng ta bệnh tật, họ sẽ đến với một giỏ cam, một bịch sữa và nói: “Ôi mình thương bạn quá!” và biến mất ở sau đấy, sau những bức tường, chỉ còn những người thân ở lại với chúng ta. Họ “tệ bạc” đến như thế đấy!

Một ngày nào đó ta già đi, có thể con cháu ta sẽ không thương gì ta cả. Vì thời nay đạo đức không như thời xưa, rất đáng buồn, nhiều đứa con bất hiếu xem cha mẹ là phiền phức. Đó cũng là một hiện thực tàn nhẫn. Nhưng đó chính là thứ tâm lí thực dụng mà đồng tiền gây ra. Tôi đã từng gặp nhiều người, khi ông bà, cha mẹ họ bệnh lâu năm nằm một chỗ, họ thường nói: “Mong cụ đi cho con cháu đỡ khổ.” Cuộc đời này là cuộc đời thế đấy! Tất nhiên vẫn có những người rất nhân ái, họ rất âu lo, họ ngồi bên cạnh chờ chực. Nhưng tâm lí họ sâu thẳm không phải không cảm thấy chướng mệt, không phải không âm thầm mong người đấy ra đi cho con cháu đỡ khổ.

Như câu chuyện về Đức Thích Ca: Khi Ngài gần mất, A Nan ở gần Đức Thích Ca nhưng ông ấy không xin Đức Thích Ca tại thế thêm. Ai cũng biết là Đức Thích Ca thành Phật rồi, Ngài có thể ở lại thêm. Nhưng A Nan không xin, bởi vì cả đời ông phục vụ Đức Phật, ông mệt rồi. Cho nên, đến lúc đấy A Nan không thành được La Hán, thiếu một La Hán. Có 4.999 La Hán rồi, chỉ thiếu một La Hán để thành đủ 5.000 La Hán, để đủ Đại Tập kết (ở một số tài liệu, con số này là 499 La Hán, thiếu 1 để thành đủ 500 La Hán). Ông A Nan sám hối, trong sáu tội lỗi, có một tội lỗi là đã không mong Phật ở lại khi lẽ ra ông là người duy nhất có thể xin Phật ở lại thế gian thêm một thời gian nữa.

Lúc đấy, trong Tăng hội lại xảy ra chuyện gì? Đấy là có một vị tỳ kheo khi nghe tin Đức Thích Ca mất rồi, vị tỳ kheo ấy nói rằng “Này các bạn! Tại sao các vị thương tiếc nhiều đến Đức Phật làm chi, Ngài đã viên tịch rồi thì chúng ta về sau sống thoải mái hơn lúc trước nhiều, không còn nghe những lời khuyên răn trách cứ nữa: ‘Hãy như thế này, hãy như thế kia...’ Kể từ hôm nay chúng ta muốn làm gì thì làm, không còn bị ràng buộc bởi các giới luật, vì Đức Phật đã viên tịch rồi.” Đây là tâm lí có ở khắp mọi nơi.

Quay trở lại trò Bựa của chúng ta, người bạn thân đấy không xứng đáng, không ai trên đời xứng đáng để lắng nghe chúng ta nếu chúng ta không có sự tự tin trong lòng.

Một người tự tin đích thực là người thế nào? Một người tự tin đích thực có những người bạn của anh ta. Người đấy có chung lí tưởng, có chung đường hướng, thấu hiểu nhau, biết nắm tay nhau, biết hy sinh vì nhau, biết chân thành, biết chia sẻ và có sự yêu thương, trân trọng giá trị của nhau.

Họ có thể lắng nghe nhau bởi vì họ hiểu nhau, chứ không phải lắng nghe nhau để bất kỳ ai, miễn là một người lắng nghe mình, thì là “thân” với mình – không phải như thế! Một người tự tin tìm được những người thân đích thực, những người lắng nghe họ đích thực, những người có thể không chê ai khiếm khuyết cả. Bởi vì điều quan trọng hơn hết của họ, không phải khiếm khuyết thân thể, không phải là vẻ đẹp phô trương, mà là giá trị đích thực có trong nhau và có trong con đường họ cùng đi. Đấy mới là những người đồng hữu thật sự. Và bên cạnh họ, họ có thể ngồi sát cánh, họ có thể chia sẻ cả những nỗi đau, mất mát, và cả những hy vọng. Đấy chính là những người bạn thân đích thực.

Và trò này để chúng ta biết là, chúng ta không có bạn thân như chúng ta nghĩ. Nó còn để chúng ta biết là trên cuộc đời này, muốn đi được, chúng ta phải học cách tôn trọng, học cách lắng nghe, học cách yêu thương, học cách có lí tưởng, học cách tìm ra giá trị và đi được một con đường có ý nghĩa của mình. Chỉ trên con đường đấy, chúng ta mới tìm ra được người bạn đích thực. Nếu không chúng ta sẽ sống mãi trong ám ảnh thời niên thiếu, chúng ta có một người bạn mà chúng ta phải đánh răng hàng ngày mới dám gặp, chúng ta phải mặc đẹp, phải phô trương mới dám gặp, chúng ta phải ngồi sát cạnh, chúng ta luôn luôn đau khổ để tìm đến họ.

Tại sao tâm lí lệ thuộc này lại trở nên đương nhiên đến thế trong cả tuổi thanh xuân lẫn khi chúng ta đã trưởng thành? Bởi vì chúng ta là một đứa trẻ chưa lớn. Chúng ta là một đứa trẻ vĩnh viễn chưa lớn khi chúng ta lệ thuộc vào cái bên ngoài mình để xây dựng nhân cách, thay vì nương theo các giá trị. Chúng ta không tuân theo một ý nghĩa nào. Chúng ta vẫn là mình đấy thôi, vẫn là cậu trai trẻ, vẫn là cô gái nhỏ thiếu thời: yếu đuối, bạc nhược, dễ tổn thương.

Trò chơi này dùng để chấm dứt tất cả những tổn thương đấy, để chúng ta nhận ra. Và không bao giờ là quá muộn để nhận ra. Đôi lúc chỉ quá muộn để hành động thôi, chứ để nhận ra thì không bao giờ là quá muộn đâu. Bởi vì, trước khi chết vẫn có thể nhận ra cái gì đấy, nhưng đừng để người ta chết trong khi tâm hồn vẫn như một đứa trẻ chưa trưởng thành.

*********

Trích sách MÙA HÈ NĂM ẤY TÔI ĐÃ BIẾT AI THẬT SỰ LÀ BẠN THÂN - OOPSY


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147