Trang chủ Blog Nhân cách

[Tâm lí trị liệu] Chữa Lành Cho Kẻ Kích Động: Hãy Để Họ Hi Sinh

By: OopsyAdmin, 2019-10-26 16:23:24

Đối với người kích động, điều họ muốn nói là: Hãy cho tôi được hi sinh những gì thuộc về mình để cho người khác tốt đẹp hơn. Đấy là điều trong Chân tính của họ nói, đấy là cái bản Thiện ở trong họ. Vì vậy, cách chữa chính cho họ là: Để họ hi sinh.

Có 3 sự hi sinh (hiếm khi lệch khỏi!)

  • Cảm xúc
  • Tài sản
  • Danh tiếng

Thứ nhất là người ta sẵn sàng chịu đựng cái áp lực cảm xúc để có thể mang lại cảm xúc tích cực hơn cho người khác. Tức là họ sẵn sàng chịu đựng cái tiêu cực để mang cái tích cực đến cho người khác, đấy là một loại. Thậm chí trong quá trình khuyên bảo, Bậc thầy giao tiếp phải nhắc họ như thế. Ví dụ, bạn thấy bố lúc nào cũng nhớ đến cô chú, và mẹ bạn rất khó chịu với chuyện đấy

  • Lúc nào bố mày cũng chỉ biết đến cô chú thôi!

Lúc này bạn phải hướng mẹ tới chuyện chịu đựng, hi sinh vì bố, thế thì mẹ bạn bắt đầu nguôi ngoai.

  • Thôi mẹ đừng nói, bố già rồi. Mẹ nói thế bố lại buồn. Bây giờ mình có thì cố gắng chắt chiu một tí cũng được, cho bố thỏa mãn nốt phần tuổi già, vì ông tội lắm rồi
  • Ừ thôi được rồi, tùy bố mày!

Hãy để ý, chuyện này đâu có gì thay đổi so với từ trước đến giờ (cũng phải cáu sau lưng đấy chứ!). Thế nhưng, lúc này cho họ cái cớ để xem xét chuyện này là hi sinh, họ bắt đầu làm cho nó trở nên cao thượng. Và điều quan trọng là họ bắt đầu quen với sự cao thượng. Như vậy, sự hi sinh đầu tiên là cho họ cái cớ để chịu đựng cái tiêu cực cho người khác được tích cực.

Thứ hai là một sự hi sinh liên quan đến lòng từ thiện, họ có thể bỏ một phần gia sản hoặc tài sản của mình cho người khác. Có những người rất điên khùng, thế nhưng bảo họ cho một cái áo rách cho nhóm hoạt động từ thiện, tâm lí họ sẽ bình phục dần.

Chẳng hạn mẹ bạn có một cái áo đã cũ, bây giờ không mặc được nữa, bạn có thể bảo: “Mẹ cho cô, cho dì đi” hoặc là “Để con đem cho bạn con”

Một trạng thái rất nhỏ này sẽ tạo nên một tâm lí cực kỳ tích cực trong người bị kích động. Nếu họ bắt đầu quen đấy là một chuyện rất hay, thì trạng thái này cũng giúp người ta bắt đầu bình phục – quá trình bình phục từ từ (đây là bước đầu tiên để thiết lập địa vị thôi).

Thậm chí, rất đơn giản, trong nhà bạn có mấy chồng gạch chẳng hạn, có một viên gạch thừa từ lúc mang về, bạn bảo:

  • Mẹ ơi con lấy viên gạch này cho cậu bạn con nhé, vì nhà nó đang cần mấy viên gạch để kê lại đồ
  • Ừ, co cứ lấy đi!

Từ bỏ cả những tài sản nhỏ nhất cũng mang đến tác dụng tương tự. Đây là trạng thái hi sinh. Cái hi sinh này khi đã được thiết lập thì nó rất có giá trị, bởi vì người đã giúp cho người khác hi sinh một điều gì đấy, thì người này sẽ đóng vai trò vĩnh viễn của Thánh nhân, đóng vai trò thần tượng trong thế giới đấy. Bạn có thể tự tạo ra vai trò ấy ở mình vào lúc họ đã có cảm tình với bạn như thế này:

  • Con nghĩ rồi! Mẹ kiếm tiền ra cũng vất vả, mà con chưa làm gì con cũng không mua xe vội

Thế là mẹ bạn lại hai lần trân trọng (đứa con trả lại tiền cho mình và “hắn” lại nói những câu rất đạo nghĩa như thế cơ mà!). Sự hi sinh của bạn bắt đầu dẫn động sự hi sinh trong mẹ bạn. Mẹ bạn bắt đầu cảm giác là có thể đặt sự tồn tại của mình xuống cho một điều gì đấy khác (đó chính là cho con mình đây, thành trụ điểm trung tâm đây!).

Điều nguy hiểm đối với Bậc thầy giao tiếp trước những người gặp vấn đề thường trực kích động là Bậc thầy giao tiếp thành trụ cột trong thế giới tâm thần của người ta, và có thể trở thành một thế giới nơi người ta đổ lỗi cho. Nếu bạn trở thành người trụ cột trong thế giới của mẹ, thì mọi đau khổ, hạnh phúc, sung sướng về sau mẹ đều đổ tội là “vì mày”, đấy chính là vấn đề to lớn, và nếu thất vọng cũng là thất vọng “vì mày”. Rồi nếu thất vọng với bạn xong: “Tao không muốn sống trong cái nhà này nữa, tao sinh ra đã bất hạnh rồi” – rất nhiều những dạng tiêu cực diễn ra như thế. Bậc thầy giao tiếp trở thành trụ cột, nên họ rất khó rời đi, bởi vì rời đi thì ngang bằng gây ra một tội ác.

Thế giới của người kích động khác thế giới của người cầu tình thế này: Người cầu tình đã mở ra thì họ lưu trữ mãi ở đấy, khi chúng ta đi thì họ rất đau đớn, họ rất lạc lõng, họ gần như không thể có người thứ hai; nhưng người kích động mà khi chúng ta ra đi xong thì họ muốn chết. Họ không tự tử đâu, thế nhưng tâm lí muốn chết này rất kinh khủng, họ tự đay nghiến mình ngày qua ngày. Chính vì thế nếu bạn rời đi một cách đột ngột thì không được. Bạn phải xoa dịu họ dần dần đến khi họ có thể thấy những cái mà họ đang có, đang ở trong trạng thái của mình, họ sẵn sàng đem những điều họ có đấy san sẻ cho người khác, sẵn sàng hi sinh cho người khác, sẵn sàng nén cái đau đớn trong mình lại cho người khác được lành lặn, nuốt nước mắt vào lòng cho người khác cười. Trạng thái đấy đều là trạng thái tốt.

Lại nói về ví dụ mà bạn làm vỡ lọ hoa khi cả nhà đang vui, mẹ bạn gầm lên mắng bạn. Lúc bạn đã có thể cho mẹ bạn một cớ để hi sinh, vì người nghèo chẳng hạn, thì lúc bạn đánh rơi cái lọ, bạn không cần phải thanh minh nữa. Mẹ bạn tự động sẽ xem chuyện đấy là có phần trách nhiệm của mình:

  • Thôi, không sao! Phải quyets đi không mọi người lại dẫm chân vào

Đơn giản thế thôi! Hoặc cùng lắm, lúc mà lọ hoa rơi xuống, mẹ bạn còn hơi tần ngần, xoa dịu chưa xong, bạn có thể nói lảng sang chuyện từ thiện. Mẹ bạn lập tức chấm dứt ngay.

  • Ôi cái bình hoa đắt thế này, tiền này mà để đem từ thiện có phải tốt không? Con đang định đem bình hoa đi từ thiện
  • Ờ mẹ cũng đang định mua bình hoa khác

Chuyện bị đánh lạc sang hướng khác ngay. Tức là cái tâm thần, cái khả năng bị ức chế tâm lí của họ đã được giải tỏa, nó đã chấm dứt.

Hay giả sử chuyện khác, nếu như mẹ bạn đang rất cáu bực với các cô các bác, thì đến một lúc mẹ bạn có thể bình tĩnh lại: “Chuyện các cô các bác để tao xử lí.” Đấy là một trạng thái bắt đầu lành lặn trở lại, trạng thái đã chấm dứt những sự nói dối kích động. Bắt đầu có một sự chấm dứt trên toàn thể như thế, khi chúng ta cho họ một lĩnh vực để họ hi sinh, họ bắt đầu chấm dứt sỉ nhục, chấm dứt kích động, chấm dứt những oán ức, chứng điên bộ phận trong chính họ và với người khác – điều ấy rất quan trọng. Bởi vì khi ấy, tiếng nói bên trong họ, cái thật bên trong họ “Hãy để tôi hi sinh cho người khác, để người khác được tốt” được nghe thấy và được đáp ứng. Thế là, họ tìm thấy ý nghĩa của mình, và càng làm theo những điều cao thượng, có ý nghĩa ấy, họ càng được chữa lành. Những cơn kích động xây nên từ oán ức bắt đầu mờ dần và tan biến đi.

Thứ ba là sự hi sinh về danh tiếng, tức là chịu lùi bước để công nhận người ta là một điều gì đấy tốt hơn mình. Nó không giống như khiêm nhường, mà đây là một dạng để lấy lòng người khác. Bạn có thể giúp cho mẹ mình có văn hóa lấy lòng, dạng như lùi lại, chẳng hạn không ngại người ta nói xấu mình, miễn là người ta đừng nói xấu con mình. Đây là loại khó nhất. Một người bố có thể bỏ chức viện trưởng để cho thằng con lên, đấy là một trạng thái hi sinh.

Trạng thái hi sinh này khó tìm kiếm nhất, và khi người ta đã dám làm thế, đấy là những người đạt đến trạng thái mạnh mẽ. Giống như khi người con trai cho bố mình một cơ hội để trưởng thành thật sự trong cuộc đời, người cha có thể làm tất cả vì người con. Nó giống như chuyện của một người bố có khả năng thăng tiến trên con đường danh vọng, khi có một cơ hội cho ông lùi bước để đổi lấy việc con mình sẽ tốt đẹp hơn, ông đã nắm lấy cơ hội này. Bước lùi này giống như một sự hi sinh, và đấy là một bước mà họ có một mốc trưởng thành rất lớn ở trong tâm trí. Thế nhưng mốc này rất khó tạo dựng.

Trong quá trình xoa dịu tinh thần cho người kích động, có một điểm phải rất cẩn thận, bởi vì khi bạn đã trở thành Thánh nhân trong đời sống của họ, thì mỗi lời của bạn có một tác động rất sâu sắc. Tất cả những lời của người xoa dịu cho người kích động đều biến thành một áp lực. Họ sẽ phải thi hành, họ sẽ phải từ bỏ một cái gì đấy để làm điều đấy, và họ sẽ ở trong một trạng thái là từ bỏ mình để làm những điều đấy.

Ví dụ, bạn đang giúp mẹ theo hướng chữa lành cho người kích động. Bạn nhờ:

  • Alo mẹ ơi, mẹ đi lấy hộ con cái chứng minh thư với ạ

Mẹ bạn bảo: Mẹ phải cất công đi lấy cho mày đây này!

Họ sẽ luôn luôn coi lời bạn giống như là một mệnh lệnh, và đấy là một áp lực rất lớn. Mỗi trạng thái của họ đổi lại là họ sẽ phát điên với bạn một lúc nào đấy, thế nhưng sau đấy họ sẽ lại nghe lời bạn để thay đổi. Thậm chí, nếu bạn không tạo ra những sự kiện để người ta hi sinh, thì người ta sẽ bắt đầu dằn vặt bạn. Bởi giống như thuốc phiện, nó trở đi trở lại đến lúc mà người ta lành thì thôi. Và đấy là một quá trình kéo dài hàng năm trời, có thể ba đến năm năm mới kết thúc một quá trình thay đổi hoàn toàn như thế.

Trong quá trình hi sinh, người kích động cũng có thể ở vào trạng thái rất cực đoan. Chẳng hạn tìm hiểu xong các vấn đề tâm lí, một anh chàng bỗng có “ngộ tính” cao, nghĩ đến chuyện buông bỏ. Anh ta vứt cả điện thoại đi, lúc sau thấy vứt tất cả quần áo, xe,… chạy lông nhông ngoài đường. Đây là trạng thái từ bỏ thái quá, trạng thái cực đoan, điên bộ phận. Lúc này phải làm gì với những người như thế?

Phải bắt họ hi sinh thứ gì đấy, bắt họ nghĩ đến bố mẹ gia đình, bắt họ nghĩ đến những người xung quanh. Cũng có thể cho họ làm từ thiện nếu đó là những việc khó khăn như: lăn vào chỗ tối tăm, lăn vào chỗ bệnh tật, yêu cầu họ trợ đỡ những người đấy. Khi họ hi sinh – nhất là sự an toàn của mình – cho người khác, họ cũng lành rất nhanh.

(Trích sách Cái lưỡi vàng và giọng nói kim cương - OOPSY)

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147