Trang chủ Blog Nhân cách

Trạng thái bị khống chế: Thay đổi hay điên loạn

By: HVHĐ, 2018-07-10 03:30:02

Bị khống chế hay điên loạn vốn là trạng thái rất hiếm hoi, nó xảy ra khi năm trạng thái kia* đã bị triệt tiêu.

Bạn biết không, triệu chứng điên bộ phận, hay sự xâm nhiễm, vẫn có tác dụng để cản lại triệu chứng điên loạn. Bởi vì nó là một mức khi mà gánh nặng đã rơi xuống lắm rồi, cái sức ép của đời sống lần lượt rơi từ kiểm soát không nổi nữa, xuống không làm chủ nổi, lại xuống bên dưới nữa không chấp thuận nổi.

Rơi xuống, rơi xuống, đến cuối cùng là triệu chứng điên bộ phận, làm mất kiểm soát bộ phận. Tức là lí trí bộ phận bị mất rồi, một lí trí nhỏ, trạng thái lí trí trong một thời gian nào đấy trong ngày, trong tháng hoặc là đột xuất khi nào đấy.

Nhưng nó chỉ là bộ phận thôi, mất đi ý thức, nhưng cái đấy dùng để chặn lại tình trạng, đấy là bàn tay đưa ra đỡ, nếu bàn tay đấy không đỡ được nữa thì xảy đến điên loạn, mất kiểm soát toàn thể, bị khống chế mất rồi.

Nó có còn là một trạng thái nữa không? Thực ra là còn. Con người ta hóa ra ở trong trạng thái hoàn toàn mất sự kiểm soát của lí trí rất nhiều. Ví dụ, chẳng hạn có một cô gái rất mê một anh chàng, phát sinh tính dục, thì đến lúc cuối cùng trong quan hệ sẽ rất dễ biến thành trạng thái điên loạn, là bởi không kiểm soát được dục vọng ở bước cuối.

Điên loạn gọi đúng ra là mất sự kiểm soát lí trí đối với tình trạng cá nhân. Theo đó thì có một trạng thái của nấc thang thứ sáu mà không thể gọi tên đơn giản là điên loạn hay bị khống chế, mà là không còn đặt trong trạng thái bình thường của tâm trí xét trên toàn thể, nói cách khác, không còn là chính mình. Đây là một ý hiểu khác về tình trạng thường nhật của điên loạn, tình trạng không còn là mình…

Phát điên còn là một trạng thái giải phóng, phát tác. Ngoài sự mất ý thức hơn bình thường, trong cổ học Trung Hoa kể một câu chuyện thế này, có một người bị điên, mất ý thức, quên sạch không nhớ gì, nói chuyện hôm nay mai quên luôn. Đến lúc người nhà mới nhờ một ông thày. Ông thày dạy mãi, dạy kiểm soát, đặt người đó vào lễ nghĩa, đặt vào khuôn khổ mãi, cuối cùng người đó bắt đầu mới hồi phục.

Đến lúc người này khỏi bệnh thì hôm sau thức dậy, bệnh hoàn toàn khỏi, người đấy khóc ròng, đập hết đồ đạc trong nhà, mọi người lập tức chạy đến, xót xa nghĩ rằng khỏi bệnh này lại bị bệnh khác. Người đấy lắc đầu bảo, “Lúc mà quên quên nhớ nhớ cuộc đời tôi vui vẻ biết bao, không có việc gì vướng bận, hôm nay vác ông thày kia về dạy tôi, bây giờ cái gì cũng phải nhớ, hết sức nặng nề, hết sức khốn khổ”.

Điên loạn, mất hết ý thức là một trạng thái giải thoát và là một trạng thái giải phóng. Người ta luôn luôn tìm thứ này, giải phóng trong tính dục, trong sự thỏa mãn về thành tích, đạt được những sự ca tụng. Đấy là trạng thái giải phóng, người ta hoàn toàn như thế.

Tại sao những người chịu nhiều áp lực, chịu nhiều sự soi xét, sự kì vọng, họ cứ hay làm những chuyện điên rồ và người ta có hứng thú làm chuyện điên rồ một cách rõ rệt? Bởi vì đấy là sự hứng thú đối với người ta, là sự giải phóng những sức ép, những nỗi sợ đè nặng lên tiết diện cuộc đời...

Bước ra khỏi ranh giới của đời sống, một cái gì đấy không còn là mình, không còn là bản chất của mình mà là cái gì đấy giải phóng...

Tình yêu ban đầu đến giống như sự giải phóng, có người nào đấy bên cạnh làm một chỗ dựa. Bạn không còn sống là mình nữa, tự nhiên bạn được nuông chiều, được thay đổi, những suy nghĩ đời sống được chia sẻ, tất cả sức ép dường như biến mất. Và người ta chuyển sang trạng thái có thể điên khùng với nhau, từ cách nghĩ, hành động, phát tác các dục vọng...

Có một trạng thái khác của nấc thang bị khống chế, đấy là người ta thường hướng đến tương lai. Ví dụ, người mà nổi điên lên, bị hoàn cảnh khống chế, không còn tự nghĩ được về mình nữa, chỉ biết hét lên: “Thằng kia nó đánh tao, bây giờ tao sẽ đi giết nó, xử nó, tao sẽ không bao giờ để nó nhìn tao kiểu đấy”. 
Tất cả những gì họ đề cập dường như là một loạt các kế hoạch...

Người bình thường là người sống với quá khứ, người tự tại là người sống với hiện tại, người điên loạn là người sống với tương lai, trạng thái đấy rất bất thường...

Năng lượng của tình yêu, theo nghĩa đen – người ta nói rất đúng – trong trạng thái yêu thương, sùng bái, thần tượng đều mang theo thứ năng lượng giúp cho người ta chuyển đổi. Trong cách nghĩ cổ người ta rất biết tận dụng, một nhà cách mạng phải làm cách nào moi được nhiệt huyết cách mạng của mọi người lên, làm cho họ hùng hùng hổ hổ làm cái gì đấy cho tương lai. Nếu người ta không làm được chuyện đấy thì ý thức họ không chuyển biến...

Mọi người thường dùng trạng thái thứ sáu, đấy là khóa mấu chốt xóa bỏ các trạng thái còn lại để giúp người ta chuyển biến tâm trạng. Nên ở trong Tâm Lí Học Đám Đông – cuốn sách rất nổi tiếng của Le Bon trong nghiên cứu về đám đông, lịch sử, tâm lí chính trị, Le Bon có nói là những lãnh tụ vĩ đại nhất có một trạng thái, đấy là đi bên rìa của lí trí bình thường.

Cái tư tưởng nặng cảm tính của họ truyền trong đám đông và xúi giục đám đông đặt lí trí xuống đi theo họ. Ông ấy không lí giải được, cái trạng thái điên điên đấy làm cho đám đông mất đi lí trí và dễ chuyển hóa theo ý tưởng của lãnh tụ nhất...

Luật chơi dùng để cấm sự điên loạn. Nên ở trong xã hội, người ta dùng một hình thức khủng khiếp nhất của sự điên loạn, đấy là nhà thương điên. Kết hợp hình thức bệnh viện và nhà tù, cộng lại với nhau ra nhà thương điên. Nhà thương điên là cả hai cái đấy, nó phải nhốt bệnh nhân lại, có sự kiểm soát bằng thuốc men, có một giờ, lịch tập để kiểm soát bệnh nhân.

Trong lịch sử loài người, khoảng giai đoạn năm 1960 – 1970, nhà thương điên nổi lên toàn thế giới, rất khủng khiếp. Bởi thứ nguy hiểm nhất trong xã hội là điên loạn.

Trong một quan hệ cá nhân bình thường, không gì quyến rũ hơn những người tỏ ra điên, miễn đừng điên quá là được. Nhưng đấy không phải là trạng thái điên hẳn, tức là thật ra không phải trạng thái thứ sáu.

Người ta tỏ ra khác biệt, tỏ ra bất cần, luôn hát hò sôi nổi, luôn ưu tư sầu não, luôn rủ mọi người đến những nơi khác, nghĩ những chuyện khác – những người tỏ ra điên như thế hóa ra lại tạo một cảm giác quyến rũ đến kì lạ.

Bạn thích một đồng nghiệp của bạn? Vậy hãy rủ đồng nghiệp đó vượt ra khỏi những gì công sở vây hãm – đây chính là một trong những cội nguồn của thứ “tình yêu công sở”.

(*) Tìm hiểu thêm: 6 nấc thang tâm lí chi phối con người đô thị

Tham khảo sách "Sự kiến tạo tâm cảm - Xung đột bất tận giữa đô thị và cộng đồng: Những nguồn gốc của tâm lí đô thị" 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147