Trang chủ Blog Nhân cách

Vật hóa thế giới tâm lí: Sách và Chữ viết, một nguồn gốc của Đô thị

By: OopsyAdmin, 2020-09-08 18:22:55

Vật hóa thế giới tâm lí: Sách và Chữ viết, một nguồn gốc của Đô thị

Tất nhiên áp lực thứ ba này xuất hiện ở trong thời gian gần đây nhưng thực ra trong thời cổ, áp lực không gian ảo có tồn tại dưới một dạng: Sách. Sách đóng vai trò không gian cổ. Giống như màn hình vi tính của bạn bản chất là tái hiện một quyển sách, bản chất là một khung sách.

Vào năm 1981, có một người tên là Osborne – gọi là thiên tài không biết có đúng không nhưng ông tài năng thật – phát minh ra một máy tính to như một chiếc vali, rất nặng, có một màn hình bé như bàn tay và hai chỗ đút đĩa mềm.

Ý tưởng của ông rất đơn giản, ông chỉ muốn làm một máy đọc sách nhưng phải có sức mạnh như một desktop. Thậm chí ông còn viết một bộ sách có tên là An Introduction to Microcomputer. Ông ấy đưa ra một khái niệm, ông ấy nói máy tính nhỏ, máy tính xách tay này – lúc đấy Osborne chưa đưa ra máy, ông chỉ đưa ra khái niệm “microcomputer” hay “microchip” thôi – không bao giờ là một thứ dùng để làm những việc một hệ máy tính sẽ làm. Thậm chí, ông còn coi thường vai trò của documentation, tức là những việc liên quan đến văn bản hóa được chuyển vào bên trong máy. Ông chỉ coi nó là máy đọc sách thôi, ông ấy muốn cung cấp một giải pháp cho thư viện.

Osborne còn lập ra những phương trình và nếu ai đã đọc những tác phẩm kinh điển của ông về máy tính, vì ông là người đầu tiên tạo ra mô hình máy tính xách tay, bạn sẽ thấy tất cả lí thuyết của ông đều rất đơn giản. Ông bảo mọi người có hiểu hay không thì ông cũng chỉ muốn nói rằng, tất cả các khái niệm này chỉ để phục vụ cho chuyện tạo ra một cỗ máy, sau đó mọi người có thể xử lí những việc nhẹ nhàng nhất, xử lí những thuật toán đơn giản nhất – một dạng máy tổng hợp theo kiểu một smartphone đời đầu của mọi người. Điện thoại “stupidphone” của mọi người giống như ý tưởng ban đầu của ông ấy về máy tính xách tay. Ông ấy là một thiên tài.

Ý đó để nói với bạn, máy tính bản chất gợi lại những sự lưu trữ và bản chất vẫn là một hệ thống lưu trữ thông tin. Nó chính là sách. Về sau, trong việc phát triển các không gian ảo đã làm biến dạng toàn bộ mục đích lưu trữ thông tin này, nhưng đó là một chuyện khác.

Khi không gian ảo được tạo thành, toàn bộ mục đích lưu trữ thông tin này không còn như trước nữa. Thông tin có thể được ngụy tạo, được làm giả, con người biến thành virus của hệ thống lưu giữ thông tin. Tất nhiên vẫn còn một bộ phận, đấy là những bộ phận sách online, những bộ phận thư viện được chuyển lên trên mạng chẳng hạn, trên dữ liệu đám mây chẳng hạn, những công việc của mọi người, nhưng nó không còn là chủ yếu nữa. Lúc đấy nó chỉ đóng một vai trò khiến cho mọi người phải đến với không gian ảo. Muốn lưu trữ thông tin, muốn gửi mail, muốn làm việc chứ gì? Bạn phải tìm đến với không gian ảo, đấy là một vấn đề.

Quay trở lại vấn đề khởi nguyên đang nói: sự cân bằng tâm lí. Khi đạt được sự cân bằng tâm lí, lúc đấy nó tạo ra các nấc thang. Người ta có thể ở trong một tình trạng tưởng là hỗn loạn, tưởng là uất ức, tưởng là bất bình, nhưng buồn cười thế này, thế giới của bạn chỉ gặp vấn đề khi bạn bước ra ngoài xã hội và khi bạn đối mặt với xã hội. Khi bạn đối mặt với xã hội thì gia đình trở thành một cái gì đấy áp lực. Nếu A không đối mặt với xã hội thì đã không xảy ra chuyện đấy. Nếu giả thử A được gửi đến Canada học chẳng hạn, A bắt đầu ở trong môi trường xa gia đình, và trong môi trường xa gia đình đấy các áp lực đô thị xuất hiện, A có thể yêu. Còn nếu gửi về một môi trường gia đình, A bắt đầu quay trở lại một cái trạng thái hơi tê liệt cảm xúc. Bởi vì thực ra tất cả những gì cần có trong khuôn mẫu tình yêu, sự quan tâm, sự chăm sóc, các cảm xúc, gần như đều có ở gia đình. Chỉ có một thứ duy nhất chúng ta có thể cân nhắc có nảy sinh hay không, một trong những cội nguồn kinh điển của tình yêu, đấy là tính dục.

Có một thời đại đã xảy ra một hiện tượng, từ năm 1981 với trường hợp máy tính xách tay đầu tiên của Osborne, nó đã gợi lại một vấn đề xuyên suốt nhiều thế kỉ, rốt cục chúng ta có thật sự cần đến sách không? Thực ra mà nói, đây là một hiện tượng đỉnh cao của đô thị. Trong những tiêu chí của một nền văn minh, ngoài Tôn giáo, Hệ tư tưởng, Khoa học kĩ thuật, Đô thị, Nhà nước, có một vấn đề là Chữ viết. Không có chữ viết, chẳng có gì cả. Không có chữ viết, không có kinh sách, không có lưu trữ thông tin, không có chuyển giao thông tin, không có một bộ máy để xử lí thông tin.

Bạn hãy tưởng tượng việc không có chữ viết, không có chữ tượng hình, không có gì cả. Nếu xảy ra một chuyện ở một địa phương, ở một trạm xa, một người nghe ngóng xong lập tức về và báo cho một người khác, kể là có một câu chuyện như thế. Anh này đi, đến lúc đến chỗ nhà vua, đến chỗ xử lí thì mọi chuyện đã khác. Chuyện rất kì quặc. Rồi mỗi năm, nhớ năm ngoái cọc đất nằm ở đây, giờ không ghi sổ sách thử xem, mọi chuyện bắt đầu lẫn.

Thực ra ngay bản thân bạn cũng thế, tách khỏi chữ nghĩa, tách khỏi sự ghi chép, bạn cũng lộn xộn hết. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng, không có chữ viết chúng ta sẽ làm báo kiểu gì? Sẽ có một dàn người mà cứ đến một ngày nhất định lại lên loa nói (đã có loa thì phải giả định có chữ viết, bởi vì loa là một hệ thống xử lí các kí hiệu, đã có kí hiệu tức là có chữ viết, nhưng cứ giả định là vẫn có loa mà không có chữ viết), thế là đứng thay nhau phát thanh trên loa. Thông tin quá nhiều, phải có một lực lượng người khổng lồ để chuyên môn đi truyền tin.

Thậm chí nếu muốn truyền tin xuyên lục địa, bạn phải lên tàu xong đi qua rất nhiều tháng nhiều năm mới đến nơi, “Ở bên kia nước Anh, mọi thứ bắt đầu đổ vỡ, thị trường chứng khoán đã sụp đổ”, lúc này đã qua ít nhất là khoảng độ mấy tháng rồi, mà bão tuyết là phải cử một đoàn khác đi, có khi đến một năm. Ví dụ Mĩ ném bom nguyên tử, lập tức phải cảnh báo mọi người là chất phóng xạ xảy ra, bắt đầu kì cạch đứng lên bước đi, có khi là đã chết trên đường đi, không thông báo được tin gì. Mọi chuyện rất kì cục. Hay một người đi lính ở phương xa gửi thư cho người yêu lại phải nói “Cậu nói với người yêu tớ là ‘anh rất yêu em’”. Mọi chuyện có kì quặc không? Nó không thể diễn ra thế được.

Thế giới hiện đại gần như không có nghĩa gì nếu không có tình yêu, không có chữ viết, không có ảnh. Để nói với bạn là sự xuất hiện chữ viết là sự xuất hiện của toàn bộ một hệ thống: Hệ thống nhân tạo. Tất cả thế giới nhân tạo này đều được tạo ra từ chữ viết. Bạn nghĩ cái bàn được tạo ra kiểu gì, chỉ bằng kĩ thuật? Không đơn giản thế đâu. Nó bằng một số hệ thống lưu giữ các hình ảnh, lưu giữ các kí hiệu. Chữ viết đơn giản là một dạng kí hiệu, chỉ hiểu thế thôi.

Một trong năm tiêu chí của nền văn minh, chữ viết, ra đời từ rất sớm và đóng vai trò đầu tiên giống như chúng ta đã thấy ở trong không gian ảo. Chữ viết ghi lại thế giới bên ngoài bằng một thế giới nhân tạo. Khi bạn nói “bông hoa” chẳng hạn, nhắc lại câu chuyện của Thiền tông, lúc đấy Đức Thích Ca tụ tập mười đại đệ tử của mình, ông cầm trên tay một bông hoa, có mỗi Ca Diếp đứng lên hiểu ý Đức Thích Ca. Bông hoa có nghĩa là gì? Đấy là tự tính của nó là nó thế, không cần phải thuyết, cho nên Phật im lặng. Nếu như hiểu được tự tính của vạn sự, bạn đạt đến mức độ Thiền rất cao. Đã hiểu được tự tính của một vật thì tất hiểu được tính Không và Phật tính của nó. Đấy chính là một giai đoạn giác ngộ rất cao, thấy được cái hữu tình của chúng sinh ở trong tự chúng sinh, thấy được tự tính ở trong vạn vật. Chuyện này rất dài, tôi chỉ nói thế để cho bạn hiểu qua một ý nghĩa, đấy là mọi vật đều là tự nó, nhưng khi chúng ta gọi tên, chúng ta chỉ gọi một khía cạnh của nó thôi. Hoa là cái gì?

Thực ra bạn cảm thấy mọi thứ rất đương nhiên, chưa nói đến chữ viết, chỉ nói đến ngôn ngữ. Bởi vì chữ viết đã là một cái gì khác biệt rồi, chữ viết sẽ đánh lừa các trạng thái. Khi bạn nhìn thấy bông hoa màu đỏ, bạn không thể có một kí ức liên tục ghi nhận là hoa thế nào, nếu như bạn nhìn ở đây, mọi thứ rất rõ trước mắt bạn, kể cả bạn không nhìn thấy toàn bộ phương diện của bông hoa, bao nhiêu cánh hoa, tất cả các thông tin đi vào trong bạn, bạn không thể nghĩ được tất cả các thông tin đấy. Bạn chỉ có thể quay ra nói với A, “Có bông hoa màu đỏ, có rất nhiều cánh hoa, đang cắm ở trong lọ hoa, xung quanh có một loại hoa tối tối bẩn bẩn”. Hễ thông tin đã đưa ra như thế, A cũng không thể nhớ được hết thông tin. Đây là một trong những qui luật đầu tiên của ngôn ngữ và chữ viết, đó là bất kể cái gì được kí hiệu hóa đều mất đi ít nhất một phần ý nghĩa của thông tin đấy.

Ví dụ, B nói với C là “Chị mệt lắm” thì toàn bộ ý này trong đầu C sẽ mất đi một lượng thông tin, chỉ còn một lượng thông tin thôi. Có thể C diễn tả lại rất dài dòng, “Chị B hôm nay trông mắt mệt mỏi, trông hơi tăm tối, chắc là đang cảm thấy rất yếu mệt, ăn dạo này ít”, thế nhưng thật ra thông tin chính B muốn chuyển đã mất đi một phần rồi. Nó có thể là phần quan trọng nhất, chẳng hạn như (tất nhiên thực ra không ai đưa thông tin một cách bình thường như thế) thông tin B đưa ra có thể là “Hôm nay chị rất mệt, đau đầu mấy hôm”. Nhưng khi đưa đủ thông tin xong thì trong đầu C cũng không còn mấy thông tin về B nữa.

Nguyên tắc của kí hiệu là đánh mất dần, khi đã ra đời ngôn ngữ, đã ra đời một hệ thống kí hiệu đầu tiên, bởi vì lời nói này cũng là một hệ thống chữ viết, đến lúc giai đoạn ra đời chữ viết được thừa nhận là văn minh, thì đấy là một giai đoạn bước ngoặt, nó làm cho lời nói bị cấu trúc lại hoàn toàn. Khi bạn viết ”Cái bông hoa màu đỏ” thì không còn có thể thấy bất cứ gì qua đấy nữa, thậm chí còn không thấy được thái độ. Khi chữ viết được xác lập, nó là một môi trường vô nhân tính, đây là không gian ảo đầu tiên của con người. Không gian ảo đầu tiên con người tạo ra tức là ghi lại và lưu trữ lại thế giới ở trong một dạng kí tự không thuộc về thế giới...

(còn nữa...)

***

(Trích Vật hóa thế giới tâm lí: Sách và Chữ viết, một nguồn gốc của Đô thị, cuốn sách      Sự kiến tạo tâm cảm - tác giả HVHĐ)

---

Tìm đọc phần trước:

- Sự Tồn Tại Của Vô Tính 

http://oopsy.vn/search?s_name=s%E1%BB%B1+ki%E1%BA%BFn+t%E1%BA%A1o


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147