Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Bạn có đang mắc hội chứng mang tên - luôn cảm thấy không đủ?

By: OopsyAdmin, 2018-07-20 00:28:11

Đã bao giờ bạn cảm thấy như thế này?

Vừa làm xong cả đống việc trong to-do list, vừa được thăng chức, vừa trải qua kỳ thi hết sức cam go, vừa hoàn thành xong mục tiêu để đời, vừa thuyết phục được ông khách hàng khó tính, .... có quá nhiều việc trong một ngày và thật vất vả để đạt được nó. Ấy thế mà, mọi thứ vẫn như chỉ mới bắt đầu. Cho dù làm hết tất cả mọi việc, vẫn luôn cảm thấy bên trong có động lực thôi thúc muốn nữa, muốn nữa, và lúc nào cũng cảm thấy như mình còn có quá nhiều việc phải làm.

Nếu có những triệu chứng trên thì:

Chào mừng các bạn đến với thế giới của những con người không bao giờ biết đủ, và chỉ đủ khi chẳng còn gì làm họ bận lòng. Nói cách khác, đây là thế giới của những người luôn bị ám ảnh bởi công việc một cách quá mức đến nỗi dù có bao nhiêu việc trọng đại đã xong mà họ vẫn luôn cảm thấy thiếu vô cùng. 
Rất ít người hài lòng với bản thân và cuộc sống của mình. Có những ý kiến thế này:

“Ai cũng có thành tựu nào đấy. Có lẽ tôi là người duy nhất đang đánh vật với thành tựu và sự hài lòng. Lúc nào tôi cũng đi tìm nó mà chẳng thấy đâu. Tôi cứ điên cuồng như vậy, cho đến khi cảm thấy kiệt sức và đôi lúc muốn từ bỏ.”

“Tôi cảm thấy rất thất vọng về bản thân nếu không làm hết tất cả mọi việc trong to-do list. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình bù đầu với công việc, theo nghĩa đen, luôn có gì đó cần phải làm nữa, làm nữa. Đầu óc tôi chẳng có lúc nào ngơi nghỉ cả. Tôi còn chẳng có thời gian cho mình nữa."

“Không hiểu vì sao có những người làm rất nhiều việc mà vẫn thảnh thơi, còn tôi thì dù có ít việc đi chăng nữa thì lúc nào cũng nặng nề”

Không bao giờ thấy đủ nguyên nhân là do đâu?

Nếu bạn không giống như họ, thì thật may mắn. Còn nếu không thì cũng không nhất thiết phải lo vôi, vì không chỉ có mình bạn, còn nhiều người như vậy lắm.
Những sự thôi thúc, dằng dai, lúc nào cũng ồn ào làm người ta không thể tĩnh lặng nổi này yêu cầu một người làm tốt hơn, tốt hơn nữa. Chúng đều bắt nguồn từ nỗi sợ sâu thẳm nào đó. Chính nỗi sợ ngầm ẩn này là động lực yêu cầu chúng ta làm nhiều hơn nữa. Chúng ta không bao giờ hài lòng với chính mình, cho dù đã làm xong. 

Có cô gái chia sẻ rằng “Trạng thái này là khi chúng ta cố gắng chứng tỏ giá trị bản thân của mình với người khác, rằng chúng ta làm nhiều việc hơn, nhanh hơn. Và đồng thời dựa vào đó để đánh giá người khác. Có phải như vậy là tàn nhẫn với chính mình không?”

Nếu tiếp tục sống như vậy, thì có lẽ là tàn nhẫn với chính mình thật. Chúng ta sẽ vắt kiệt sức lao động của chính mình, lao đầu làm việc hay đạt mục tiêu, mà chẳng biết nó dẫn đến đâu. Cuối cùng chính chúng ta đang tự hại mình, trong khi không nhất thiết chúng ta phải buộc mình vào điều đó.

Ở trên chúng ta đã thấy rằng việc luôn không bao giờ cảm thấy đủ, hài lòng, thỏa mãn, luôn thấy có gì đó cần làm nữa, có động lực tâm lý đứng sau. Giờ chúng ta hãy cùng thực hành các tips để tìm ra gốc rễ vấn đề. 

1. Nguyên nhân nào?

Tìm xem đâu là nguyên nhân làm bạn chán nản, thất vọng, không thỏa mãn. Hãy tự hỏi mình:

• Có phải nỗi chán chường của bạn bắt nguồn từ việc cảm thấy mình thua kém người khác?
• Khi nào cảm giác chán chường này nổi lên trong bạn?
• Liệu những cảm xúc này chỉ xảy ra với công việc, mối quan hệ, hay lúc nào bạn cũng cảm thấy như vậy? 

2. Bóc tách nỗi sợ.

Đôi khi nỗi sợ có cách giấu mình rất tinh vi. Giờ thì hãy đào sâu hơn một chút. Hãy tìm ra nỗi sợ ẩn giấu sâu trong bạn. Những lúc nghĩ rằng mình chưa đạt được tiêu chuẩn, kì vọng đặt ra, luôn liên tục làm hùng hục để đạt nó là vì sợ hãi chứ không phải để đạt tiêu chuẩn. Phát hiện nỗi sợ không dễ, làm sao bây giờ?

Bạn có thể thử mẫu câu này: Nếu tôi không (làm chuyện ABC), điều đó có nghĩa là gì?
Ví dụ: Nếu tôi không được thăng chức, điều đó có nghĩa là gì? Có thể bạn sẽ nhận ra rằng nếu không được thăng chức thì bạn sẽ cảm thấy thất vọng, thất bại. Nếu bạn cảm thất thất vọng, hay có tâm cảm tiêu cực quá, thì hẳn bạn đang sợ đấy. Nỗi sợ thất bại, nỗi sợ đối diện với hạn chế/yếu kém của mình, nỗi sợ bị người ngoài đánh giá mới là điều cần giải quyết chứ không phải thất vọng về việc mình không đạt được.
 
3. Hạ mức độ kỳ vọng xuống.

Kỳ vọng là khi bạn muốn trở thành ai đó, bạn muốn người khác nhìn vào bạn thế nào, bạn muốn làm gì. Không thỏa mãn kỳ vọng đấy khiến một người sợ. Khi hạ kỳ vọng xuống, bạn sẽ nhận ra rằng, nó không làm cuộc sống của bạn tệ hại đi. Nó cho bạn thời gian để làm việc riêng của mình, nó cho bạn không gian để thở. 

4. Chia việc thành từng mảng nhỏ.

Thay vì cố gắng đạt được mục tiêu cho bằng được, nhiều hơn nữa, đấy là hãy chia công việc ra thành từng mảng nhỏ, những nhiệm vụ có thể làm được. 

Mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ, bạn sẽ có cảm giác chiến thắng dâng tràn, cứ như thể bạn vừa làm xong một việc gì đó quan trọng lắm. Hãy ghi chép lại dư vị chiến thắng này sau mỗi lần hoàn thành một công đoạn nhỏ ấy. Hãy tự thưởng cho mình một món quà nho nhỏ: một bữa tối thịnh soạn với món ăn bạn ưa thích, một tách trà nóng, hay đơn giản chỉ là thời gian rảnh cho riêng mình mà không vướng bận bởi bất cứ công việc nào. Cân bằng công việc và sở thích cho riêng mình sẽ giúp bạn cân bằng chính mình và không để những nỗi sợ, kỳ vọng, mục tiêu trở thành gánh nặng.

5. Đâu là nguồn năng lượng đam mê dồi dào?

Hãy hít thở thật sâu.. Sâu thế nào? Như khi  bạn lấy hết sức để thổi bong bóng ấy. Rồi sau đó chầm chậm thở ra. Mỗi lần hít vào thở ra, hãy tự nói với mình thế này:

Hít vào: Mình sẽ sống trong nhịp thở của niềm đam mê, bao dung với bản thân 
Thở ra: Mình phải buông bỏ sợ hãi, nghi ngờ, và cả âu lo.

6. Câu nói động viên.

 Hãy ghi nhớ các câu nói bạn ưa thích và tạo động lực cho bạn, có thể trong sách tâm lý, câu châm ngôn trên mạng, hay từ ai đó nói với bạn.  Hãy nói với chính mình mỗi khi cơn sợ hãi nổi lên. Hiệu quả bất ngờ! 

Nếu những tips kia vẫn không hiệu quả, hãy tìm bác sĩ tâm lí. 
Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng, điên cuồng bằng được làm hết to-do list, mong cầu kết quả không màng bản thân chỉ mong cầu kết quả không màng bản thân chỉ làm bạn kiệt sức và chán nản.

Sự đủ đầy, hạnh phúc thật sự không nằm ở mục tiêu bạn đạt được, chức danh bạn có, hay số tiền nắm trong tay. Hạnh phúc thật sự là khi bạn vẫn hoàn thành mục tiêu mà không bị cảm giác không-bao-giờ thấy đủ làm phiền não. 
Đây chỉ là một  ý hiểu nhỏ về hạnh phúc, còn rất nhiều định nghĩa khác nữa. Còn bạn, bạn nghĩ sao về hạnh phúc? 

Tham khảo: psychcentral


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147