Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Đạt Đến Sự Thăng Hoa Trong Học Tập Nên Bắt Đầu Từ Đâu?

By: OopsyAdmin, 2019-02-17 04:55:00

Học có muôn hình vạn trạng, sự học gắn với mình cả đời. Mỗi người có những kinh nghiệm, quan điểm khác nhau về việc học. Đôi khi dở khóc dở cười mà đúc rút ra, kỳ lạ thế đấy. Sau đây Oopsy sẽ chia sẻ vài điều cơ bản tới các bạn nhằm học dễ dàng, thăng hoa hơn.

Muốn đạt đến sự thăng hoa trong học tập nên bắt đầu từ đâu?

 Dựa vào tiêu chí giá trị cao

Việc học giúp chúng ta nâng cao hiểu biết, đạt mục tiêu trưởng thành. Người càng học nhiều càng thấy điều cần học mênh mông, bản thân còn hạn hẹp. Vũ trụ bao la, con người chúng ta chẳng qua mới nắm được một phần sự thật. Thế nên người trân trọng tri thức thực chất thường khiêm cung, thấy mình còn phải học thêm vô số thứ.

Chúng ta cần bám vào tiêu chí giá trị cao nhất trong khả năng có thể. Những điều chúng ta học từ thầy cô, sách vở, người này, người khác đều ở trong phần nhỏ đó của vũ trụ. Tất nhiên những điều đó không thể thiếu, trở thành nền tảng cho sự học mỗi người. Chúng ta hãy liên tục bước lên trên những nấc thang mới, đột phá bản thân, tiếp cận gần hơn tới những giá trị vĩnh hằng. Những đạo lí tối cao, thuần khiết đều tồn tại ngay giữa cuộc sống này, chờ chúng ta khám phá. Chúng ta còn chần chừ gì nữa mà chưa bước tiếp nhỉ?
 
 Tìm thầy thực thụ

Người ta thường nhắc việc học gắn với mối quan hệ thầy trò – người dạy với người học, đặc biệt trong trường lớp. Tiếng ‘thầy’ vốn dĩ rất đỗi thiêng liêng, ai cũng nên tôn kính. Thầy cô trao truyền kiến thức, kỹ năng, giúp chúng ta tiếp thu dễ dàng hơn. Có những thầy cô chúng ta đến trường được nhận theo sắp xếp, có những thầy cô chúng ta tự tìm kiếm rồi xin phép làm học trò. Người thầy cô chân chính không chỉ giỏi chuyên môn, còn cần tận tâm thực muốn tốt cho người học. Tìm đến họ, chúng ta được trao thêm đôi cánh để bay cao.

 Lại có những người chẳng tự xưng thầy, song vẫn dạy chúng ta nhiều bài học. Đó có thể là những người xung quanh, cho chúng ta lời khuyên chân thành. Có thể là những người dù gặp gỡ thoáng qua cũng kịp giúp ta nhận ra điều gì đó có ích. Khái niệm thầy vô cùng rộng. Một số sự vật, sự việc trong cuộc sống giống như người thầy khi ta học được từ đó. Cuốn sách hay, cây xương rồng, câu chuyện vu vơ chẳng hạn. Chúng ta sẽ sớm tìm được thầy thực thụ khi muốn làm học trò dù ở tuổi bao nhiêu đi nữa.
 
 Cân bằng tự học với nhận hỗ trợ

Quá trình học bất kể điều gì đều cần đến nỗ lực trước tiên ở bản thân người học. Chúng ta học vì ai? Vì thầy cô, bố mẹ, họ hàng, bạn bè hay vì chính chúng ta đây? Do đó mỗi người rất nên lưu ý đến tinh thần tự học, nỗ lực từ bên trong. Chẳng ai theo mình cả đời để đốc thúc, kiểm tra việc học của mình đâu. Việc học của chúng ta thuộc trách nhiệm của chúng ta chứ còn ai vào đây nữa.

Tuy nhiên chúng ta có lúc cần những hỗ trợ nhất định từ xung quanh mình. Hỗ trợ có thể từ người khác như người đi trước, bạn học, người thân. Họ giúp chúng ta qua nhiều biểu hiện khác nhau. Hỗ trợ lại có thể đến từ các công cụ hay bất kể thứ gì có khả năng giúp ta học. Mỗi người nên chủ động sử dụng linh hoạt các công cụ như sách vở, bút màu, máy tính, điện thoại… Quan trọng chúng ta vẫn tự học, tránh ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Thành tâm thành ý

Đa số trẻ nhỏ đến tuổi đi học dễ khóc đòi về trong những buổi đến trường đầu tiên. Dần dần đứa trẻ trong mỗi người lớn lên, nhận thức được việc cần đi học như một nghĩa vụ. Có điều nhiều người còn mang giữ cảm giác học do sự ép buộc từ người khác, khiến việc học nặng nề gấp bội. Sự tự nguyện rất có liên quan tới chất lượng học bất kỳ điều gì. Chúng ta cũng đừng chỉ tự nguyện vì ham thích, nguyện ý có thể lớn lên khi ta biết đến việc cần làm.

Ý chí học hỏi thực sự mới giúp chúng ta chủ động, không đợi ai nhắc nhở hoặc giám sát. Những điều học ở trường lớp chỉ bao gồm những kiến thức cơ bản. Cuộc sống còn bao nhiêu điều phải học, trừ khi chúng ta đợi vấp ngã mới nghĩ đến. Điểm qua đã có học nấu ăn, học chăm sóc gia đình, học việc, học kỹ năng mềm… Thay vì mệt mỏi, sao chúng ta không tìm cách tích cực học hỏi, làm chủ cuộc sống của mình? Còn những đam mê, sở trường của chúng ta đang chờ ta học nữa đấy. 

Nhanh chóng thực hành

 Ai cũng biết học đi đôi với hành. Có thực hành việc học mới trọn vẹn, hình thành kết quả trên thực tế. Những kiến thức, kỹ năng lĩnh hội được qua thực hành bắt đầu biến thành của người học, khắc sâu hơn vào tâm trí. Chính thức thực hành sẽ giúp người học cải biến lại đời sống nhờ điều đã học, thể hiện ý nghĩa chính của việc học như ta biết. Ngoài ra kết quả thực hành hay được người khác coi là cơ sở đánh giá quá trình học tập.

Học ở trường lớp thường có thực hành từ bài tập, kiểm tra đến thử nghiệm, thực tập. Những điều đó vẫn ở mức thực hành trực tiếp những điều học được. Các vấn đề học về kỹ năng càng gắn chặt với thực hành. Mỗi tri thức chân chính lại ẩn chứa cực nhiều ý nghĩa sâu xa, chỉ là con người khám phá ra hay chưa. Chúng ta có thể vận dụng thực hành ở nhiều phương diện khác nhau nếu hiểu được bản chất vấn đề. Mặt khác, càng thực hành chúng ta càng có cơ hội tiếp cận sâu hơn tới bản chất. Chốt lại chúng ta có chịu thực hành nhanh chóng hay không thôi.

Kiên trì chăm chỉ

Học luôn đòi hỏi quá trình bền bỉ liên tục, kể cả điều nhỏ nhất. Chúng ta khó có thể tinh thông, thành thạo, sâu sắc chỉ trong một sớm một chiều. Dân gian có câu: “Vạn sự khởi đầu nan.” Học điều mới nào cũng dễ khiến chúng ta ngại ngần, nản chí. Sự duy trì bất chấp khó khăn, vượt qua giai đoạn đầu đảm bảo cho mỗi người đi vào nề nếp. Thế cũng chưa xong. Giữ guồng quay của quá trình học đều đặn, lâu dài lại yêu cầu gia tăng nỗ lực. Chúng ta cần tiếp tục giữ ngọn lửa nhiệt huyết cháy mãi trong mình.

Muốn kiên trì được cần rèn chăm chỉ, cần cù và chịu khó chịu khổ. Chúng ta đều hiểu thành công không dành cho kẻ lười biếng. Mỗi người có tư chất khác nhau, cần cù chăm chỉ có thể bù khuyết cho khả năng tiếp thu đang hạn chế. Lý Tiểu Long, huyền thoại võ thuật thế giới từng nói: “Tôi không sợ những người đàn ông đã tập 10.000 cú đá 1 lần, nhưng tôi sợ người đàn ông đã tập một cú đá 10.000 lần.” Sức mạnh của sự rèn luyện tái diễn liên tục từ cơ bản thôi đã lớn như vậy đấy.

Tìm ra phương pháp phù hợp

Có nhiều phương pháp khác nhau để học điều gì đó. Mỗi người cần tìm ra những phương pháp phù hợp với bản thân. Ví dụ có người theo xu hướng hệ thống hoá, quen tổng kết các ý mình học thành bảng biểu, sơ đồ tư duy. Có người đề cao định hướng, cần lập sẵn kế hoạch ít nhất ở trong đầu rồi mới học. Hoặc có người ghi nhớ tốt hơn khi chia sẻ điều mới mẻ mình nhận ra với người khác. Chúng ta cứ chọn ra một số phương pháp, miễn sao tạo hiệu quả thực chất.

Mỗi người thường có vài phương pháp học hành nhất định thành thói quen. Tuy nhiên phương pháp cũng là thứ học hỏi được. Việc học vốn dĩ rộng lớn vô biên, chúng ta chớ dùng những cái khung cố định bản thân. Có thể thường xuyên thử nghiệm phương pháp học mới, khám phá cách nhìn nhận mình chưa từng có. Chúng ta sẽ trải nghiệm nhiều con đường lớn lao nếu thực sự khát khao học hỏi.

Học một biết mười

Người ta giải thích “Học một biết mười” dưới nhiều góc độ khác nhau. Ở đây không có ý học một thứ rồi biết mười thứ đâu đâu chẳng liên quan gì, nghe cũng buồn cười nhỉ? Điều chúng ta nên nhớ khi học một thứ, chớ dừng ở một thứ duy nhất đó thể hiện ở ngoài bề mặt. Một điều có thể ẩn chứa, dẫn ra hơn mười điều trong mối liên hệ ở giác độ nào đó. Mỗi người hãy không ngừng tư duy, lí giải, suy ngẫm về điều mình học được. Tưởng tượng điều ta biết ban đầu tựa như lớp vỏ ngoài, bước vào bên trong lại mở ra một thế giới mới. Ái chà, tiến tới khám phá tiếp thôi!

Nói nghe dễ thế, bước vào thế giới đấy bằng cách nào bây giờ? Một bí quyết xuyên suốt nếu chưa làm được, chúng ta nên thử tìm ra quy luật đằng sau. Mọi thứ đều vận hành theo nguyên lí, quy luật cao hơn chi phối. Hiểu bản chất vạn sự cùng tính bất biến của quy luật, chúng ta mới học được phần căn cốt nhất. Có một số người xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhanh chóng tiếp thu cái mới. Điểm chung chủ yếu của họ nằm ở khả năng nắm bắt quy luật dù chỉ mức sơ đẳng. Từ đó chúng ta mới sáng tạo, phát triển cao hơn được.

Hướng tới mục tiêu rộng lớn hơn chính mình

Chúng ta học vì điều gì thế nhỉ? Đồng ý rằng việc học cơ bản đôi khi để sinh tồn, đảm bảo nghĩa vụ, khôn hơn một chút. Rồi việc học chân chính sẽ giúp chúng ta trưởng thành, hoàn thiện bản thân, đến gần hơn chân lí. Điều đó rất đáng trân trọng, song dường như chưa đủ. Phát triển cá nhân có thể coi là cơ sở cần thiết, còn mục tiêu hướng tới nên rộng lớn hơn bản thân mỗi người. Bởi chúng ta học được điều gì cao thượng cũng thường đến từ vũ trụ bao la. Không thể chỉ loanh quanh trong bản ngã bé nhỏ mà mò mẫm tìm đường.

Chúng ta nên mở rộng tâm trí, mục tiêu hết mức có thể đến những chân trời nhận thức không giới hạn. Suy nghĩ lớn, tiêu chuẩn cao hơn khả năng hiện tại thúc đẩy mỗi người tiến lên. Những điều tốt đẹp chúng ta học được có thể sớm góp phần cho những người xung quanh, cho cộng đồng phát triển. Từ đó việc học có ý nghĩa biết bao.
 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147