Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

ĐỐ KỊ: Đừng để bóng tối của sự đố kị bao trùm lên ánh sáng lấp lánh của sự thiện lương trong tâm hồn

By: OopsyAdmin, 2020-09-09 10:37:06

Không có sở hữu, sẽ không có ghen tuông.  Không có tham cầu, sẽ không có đố kị. Đó là nghệ-thuật-sống của người nghệ sĩ cuộc đời đích thực

Có biết bao nhiêu người trong số chúng ta là nạn nhân của lòng đố kị. Hàng ngày những cuộc tranh đấu vẫn ngấm ngầm diễn ra ở nơi này hay nơi khác vì đố kị. Hàng ngày có một con dao đâm sâu vào một cơ thể ấm áp nào đó. Hàng ngày những người không hạnh phúc bị tra tấn bởi lòng đố kị và cuộc sống mệt mỏi. Họ chìm dần vào vực thẳm không đáy. Tất cả những trận chiến ghê gớm được kể lại trong lịch sử đã là gì. Những cuộc tàn sát không có điểm dừng trong tâm hồn mới thực sự khủng khiếp! Con người trở thành nô lệ của cảm xúc: ghen tức, ngờ vực, thù hằn, sợ hãi, oán hận, tức giận. Nó hạ thấp chúng ta, làm nhục chúng ta và bỏ độc vào cái chén vui vẻ đạm bạc của chúng ta. Một chút ngọt ngào tan vào cuộc sống đắng cay

Đố kị là gì? Nó xuất phát từ đâu? Đây có phải là món quà Danaides (Trong thần thoại Hi Lạp, vua Danaus có 50 cô con gái. 49 người trong số đó bị trừng phạt vì đã giết chồng của mình trong đêm tân hôn. Họ phải rót nước mãi vào một chiếc bồn bị rò rỉ) dành cho nhân loại không? Đố kị có phải là một cặp song sinh với tình yêu không? Chúng ta tạo ra nó hay nó được sinh ra cùng với chúng ta? Thật đáng để xem xét tất cả những câu hỏi này và xác định bản chất của tính đố kị xấu xa

Tham muốn sở hữu: Cội nguồn của tâm đố kị

Để hiểu sự đố kị, chúng ta phải đi rất xa về nguồn gốc của con người. Thậm chí vượt xa con người, về với thế giới động vật. Đối với động vật thông minh, chúng thể hiện sự đố kị rất rõ ràng. Chú chó cưng khó chịu nếu chủ của chúng nuôi một con chó khác hoặc thân mật với người khác. Chúng bắt đầu sủa ầm ĩ hoặc kêu ư ử khi chủ nhân vui chơi và âu yếm con cái của mình. Loài mèo cũng thế. Ai trong chúng ta đã nghe bài hát The Lion’s Bride của Freiligrath mà không cảm thấy sợ hãi trước sự đố kị dữ dội của con thú?

Quan sát những con vật đã cho chúng ta thấy một đặc điểm cơ bản của đố kị. Chúng biết rất rõ cái gì là của chúng. Hầu hết các con chó gầm gừ ngay cả với chủ nhân nếu họ cố gắng lấy thức ăn của chúng. Sự đố kị là tâm lí thể hiện quyền sở hữu, tính ích kỉ, không muốn chia sẻ. Chúng bảo vệ những thứ thuộc quyền sở hữu của chúng, trong đó có cả tình cảm

Đời sống cảm xúc của những đứa trẻ cũng cho thấy những hiện tượng tương tự. Chúng cũng không biết sự khác biệt giữa của bạn và của tôi. Những gì chúng có trong tay là của chúng và sẽ bảo vệ nó bằng sức mạnh yếu ớt và những tiếng la hét. Nhiều nhà tâm lí học – bao gồm Percy, Compayné, Sully, Anfosse, Schion, Ziegler – cho rằng những đứa trẻ rất ích kỉ. Ngay cả trong tình yêu của chúng, chúng cũng vị kỉ, coi mình là trên hết. Đố kị của trẻ nhỏ có thể đạt tới mức độ đáng kinh ngạc. Một cô bé hai tuổi khóc liên tục khi mẹ nó ôm đứa em trai trong vòng tay. Một cậu bé rất ghen tị với em gái mình đến nỗi thường cấu vào chân đứa em mỗi khi có cơ hội. Sau một lần bị trừng phạt thích đáng, cậu bé đã tha cho em gái. Nhưng cậu lại mắc một chứng loạn thần kinh cưỡng bách24 đặc biệt khác. Cậu hay véo chân của người lớn

Những trường hợp như vậy cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về thời nguyên thủy khi con người chưa biết đến lòng vị tha. Cả thế giới là của anh ta chừng nào quyền lực của anh ta, sức mạnh của anh ta còn đó. Sự đố kị của con người phát triển từ bản ngã nguyên thủy này, từ cái bản tính sở hữu độc quyền. Trước khi con người được khai hóa, rào cản to lớn này phải được khắc phục

Cộng đồng đầu tiên, những sinh vật xã hội đầu tiên là những giai đoạn khởi đầu của lòng vị tha và sự khai hóa

Từ giai đoạn này các nguồn năng lượng ngầm ẩn nuôi dưỡng lòng đố kị. Chúng ta dường như trở nên vị tha hơn, nhưng lại luôn xung đột với chính mình, xung đột với sự vô nhân tính, xung đột với sự hung hãn bên trong nội tâm chúng ta. Cho đến ngày nay, thế giới đen tối đó vẫn nằm trong mỗi người chúng ta. Mong muốn của chúng ta là mở rộng quyền sở hữu của mình ra vô tận. Có điều gì mà chúng ta không muốn sở hữu? Có thứ gì mà chúng ta không khao khát? Chúng ta đi đến chỗ đố kị với cả những thứ không thuộc về mình, khao khát những điều chúng ta không có được

Sự giàu có của người giàu, hào quang danh vọng, niềm hân hoan của những người nghệ sĩ, chưa kể đến niềm hân hoan tính dục. Càng không thỏa mãn được những ham muốn, chúng ta càng bám víu vào những gì chúng ta có, chính xác hơn là những gì chúng ta đã từng có. Vì người đố kị không chỉ quan tâm đến cái thực sự sở hữu

Phụ nữ có thể đố kị vì những người đàn ông họ không yêu và thậm chí không thuộc về họ. Họ chỉ đơn giản là ghen ghét với người phụ nữ đã thu phục người đàn ông đó. Don Juan - gã sở khanh biết rất rõ điều này. Cách tốt nhất để chinh phục một người phụ nữ là làm theo cách cổ điển, theo lối cũ: tán tỉnh bạn của cô ấy. Tuy nhiên trong trường hợp này, tính tự cao của cô ấy bị xúc phạm. Tự cao chính là đánh giá quá cao cái tôi, quá nhấn mạnh giá trị của chính mình. Và do đó một lần nữa, chúng ta trở lại gốc rễ của mọi cơn đố kị: Khoái lạc khi sở hữu làm của riêng và tính vị kỉ được trang điểm kĩ càng

Đố kị không nhất thiết là xuất phát từ động cơ tính dục. Một người phụ nữ có thể ghen tị với người bạn của chồng mình bởi vì anh ta thành công hơn chồng mình. Chồng cô là sở hữu của cô. Anh phải là người quan trọng nhất, anh đáng lẽ phải đạt được những thành công mà người khác đạt được, để danh tiếng của anh cũng làm nên danh tiếng cô. Học sinh ghen tị với nhau mà không có dấu vết của động cơ tính dục. Chúng ta có thể ghen tị vì những con ngựa, chó, đồ chơi, đức hạnh, danh dự, tình bạn, trách nhiệm, v.v của người khác. Đằng sau nó luôn luôn là (i) chủ nghĩa vị kỉ tàn bạo, (ii) ham muốn tài sản của người khác, hoặc (iii) nỗi sợ mất đi những thứ mình sở hữu

Đố kị thường bị coi là đặc điểm của tính nữ. Thật sai lầm. Sẽ đúng hơn khi nói rằng, đố kị nằm trong bản tính con người. Tính đố kị ở phụ nữ bị nam giới trong xã hội đánh giá là luôn có vẻ lố bịch, bệnh hoạn, hoặc vô lí. Đây là một chủ đề trong nghệ thuật trào phúng, thường gây cười hơn là chỉ trích. Điều này do thực tế là người đàn ông độc chiếm tình yêu của người nữ, trong khi hầu hết phụ nữ đòi hỏi lòng trung thành từ người đàn ông của mình nhưng rất ít phụ nữ có được. Sự không chung thủy của đàn ông không phải một việc gây chấn động, nó được quan niệm lỏng lẻo của đám đông ủng hộ. Còn sự không chung thủy của phụ nữ lại bị coi một hành vi đáng hổ thẹn với các sứ mệnh thiêng liêng do những người đàn ông áp đặt. Và vì thế, sự đố kị của đàn ông được coi là một cuộc đấu tranh giành quyền sở hữu chính đáng, một xung đột có tính anh hùng. Trong khi đó, sự đố kị của phụ nữ là để tranh giành quyền sở hữu một người đàn ông

Tâm lí đố kị: Phóng chiếu những thiếu sót của bản thân

Tiếp theo, tôi muốn nhấn mạnh đến gốc rễ quan trọng thứ hai của tâm đố kị. Có những cặp đôi yêu đương mãnh liệt nhưng họ không thể hiện sự ghen tuông. Họ nghi ngờ về khả năng tình dục của mình, họ nghĩ rằng mình không thể thỏa mãn đối tượng mà mình yêu đương. Từ đâu dẫn đến sự nghi ngờ chính mình và nghi ngờ người yêu mình không chung thủy? Người đố kị không hiểu bản thân mình và cũng không hiểu người mình yêu. Họ có thể đố kị mà không có nguyên nhân. Nói cho cùng:

Đố kị là sự phóng chiếu những thiếu sót, những xấu xa bạc ác của bản thân khi yêu

Chúng ta có thể thấy một người phụ nữ tra tấn chồng mình bằng cơn ghen tuông của cô ấy. Cô phàn nàn rằng anh ta đã nhìn một người phụ nữ quá lâu, rằng anh ta đã đi ra ngoài quá lâu, rằng anh ta quá thân thiện với một người bạn, v.v. Thực ra là người phụ nữ ấy thấy sự yếu đuối của mình, thấy tội lỗi vì sự không chung thủy của mình, chính cô không dám thừa nhận. Tương tự như vậy, những người chồng không chung thủy yêu thương vợ mình, cũng là những người chồng ghen tuông ghê gớm nhất

Ghen tuông là loại thuốc độc hủy hoại tâm hồn con người

Chúng ta vẫn thường thấy những nghịch lí như, những người đàn ông từng tán tỉnh nhiều cô gái và thích khoe khoang về những cuộc chinh phục tình cảm của mình lại thường kết hôn với những phụ nữ thô kệch hoặc kém hấp dẫn. Họ giải thích rằng họ muốn có người phụ nữ của riêng mình, trong khi họ quên mất chính họ thường tự rơi vào lưới tình của những người phụ nữ giản dị thô kệch. Vì hầu hết người phụ nữ chất phác, không màu mè không kiểu cách, luôn có những kẻ ngưỡng mộ. Và vẻ ngoài của cô không ngăn cô tham gia các vụ ngoại tình khôi hài và kịch tính trong hôn nhân

Có những người yêu đương nồng nhiệt nhưng họ không thể hiện sự ghen tuông. Điều này cho thấy một sự trốn tránh khỏi các cuộc tấn công của đô thị, trốn tránh khỏi những tâm cảm ghen tuông này. Chúng ta là những nạn nhân bất hạnh. Sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ chuyển sự yếu đuối của mình sang người khác và trở nên đố kị

Trên đời này không có ai là hoàn hảo, ai cũng có những thiếu sót. Người phụ nữ được coi là mẫu mực của mọi đức hạnh, dường như không một chút yếu nhược lại dễ bị cám dỗ. Người chồng mạnh mẽ lí tưởng lại là một tấm gương của sự nhẹ dạ. Những thiếu sót của bản thân có thể được che đậy bằng cách này hay cách khác mà chúng ta không thể so sánh cũng chẳng thể phóng chiếu

Do đó, sự đố kị vô căn cứ và tự tin vô căn cứ sẽ luôn tồn tại. Bleuler25 nói rằng, tính đố kị là một trong những “chuyện tầm thường đã cũ của vô thức”. Trước nhận xét của ông, tình yêu dường như không có giá trị gì, chẳng khác nào “con sâu ăn chồi non hoa hồng”

Chúng ta sẽ nhận ra rằng: Đố kị là một căn bệnh nảy sinh trong tâm hồn những người có khao khát không được thỏa mãn trong thực tế. Họ mang trong mình trái tim nặng nề, những xung đột nội tâm mãnh liệt. Họ quyết liệt chống trả lại những thiếu sót của bản thân. Tâm đố kị của họ trở thành bệnh lí (rối loạn thần kinh chức năng), vì ham muốn của họ bị dồn vào trong vô thức. Logic của thực tại là vô nghĩa khi nó trái ngược với logic của vô thức

Mọi sự trốn tránh đều không có tác dụng, nó chỉ khiến chúng ta trở nên yếu nhược mà thôi. Nhận ra được thiếu sót của bản thân, nhìn ra cái Xấu - cái Ác trong mình và đối diện với nó, chúng ta sẽ dần trở nên hùng mạnh

Đừng để bóng tối của sự đố kị bao trùm lên ánh sáng lấp lánh của sự thiện lương trong tâm hồn 

---

Trích sách SÂU TRONG TA  MỘT BÔNG HOA LUÔN RỰC SÁNG - M.D. WILHELM STEKEL (Nhà tâm thần học & Bác sĩ trị liệu; bản dịch của Linh An (OOPSY Team)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147