Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Đừng Chỉ Nhìn Vào Thất Bại, Đừng Chỉ Nhìn Mãi Thành Công

By: OopsyAdmin, 2019-10-26 16:24:35

Một triết gia từng nói, đừng đong đếm những gì bạn được trao, hãy nghĩ đến cách bạn sử dụng những điều được trao cho ấy. Có một tín tức cổ cũng liên quan đến điều này, ấy là con người nên tận dụng mọi thứ mà mình có

Điều bạn có ở đây, là chính bạn đấy. Bạn đã hiểu mình chưa? Đã hiểu những điều mình đang có chưa? Câu hỏi tưởng như gần gũi và đơn giản, hóa ra lại rất khó trả lời. Bởi vì ta đòi hỏi và dằn vặt mình thì dễ, còn chấp nhận và thấu hiểu mình thì khó. Đấy cũng là cách ta đối xử với thế giới xung quanh, theo thời gian ta đánh mất mình và rồi đánh mất nhau

Nếu bắt gặp mình đang chìm trong những lời tự dày vò liên tục, những lời nghiệt ngã và đày đọa bản thân – hãy dừng lại chút cho câu hỏi này: Bạn đang trách mắng mình vì để tốt lên hay để làm gì thế? Dìm mình xuống vũng bùn chỉ trích có khiến bạn nhìn mình rõ hơn không? Nếu câu trả lời là không, thì nghĩa là bạn chỉ đang thụ hưởng cảm xúc của chính mình, thật là như vậy đấy

Vì thế, hãy kìm mình lại và kiên nhẫn hơn, bắt tay vào làm những điều bạn có thể. Chấp nhận bản thân, đúng hơn là, công bằng với chính mình. Đấy là cách để bạn đánh thức lý trí và ý thức về mình.

• Đừng chỉ nhìn vào thất bại, đừng chỉ nhìn mãi thành công

Tâm lí con người dễ cực đoan, đã mang theo quan niệm nào thì thường bám mãi không buông, cả cách nhìn mình cũng thế

Thói dằn vặt mình thường khiến tâm trí chỉ tập trung vào thất bại, mất mát và đau khổ. Nghĩ thế rồi cũng để vậy thôi

 

Còn tâm lí tự tôn lại chỉ muốn nhìn vào thành tựu, ưu tư hay vui vẻ cũng chỉ muốn tôn cao mình. Tôn cao mình mãi, rồi cũng chẳng đến đâu.
Sẽ thế nào nếu nhìn vào cả những thành công, đồng thời thừa nhận những thất bại? Ai có thể đủ tỉnh táo đến thế, nếu chưa trải qua đủ thương tổn và suy tư?

Biết điều mình Có, từ đó đi lên. Biết điều mình Không Có, từ đó học hỏi. Đây là biểu hiện của tâm trí lành mạnh, từng bước đi gần hơn đến sự vững mạnh của bản thân và nhận thức rõ chính mình (nhận thức được mình, cái Mình đích thực đằng sau cái Tôi xã hội ấy mà, luôn là cả một quá trình, phải không?)

• Không có hơn kém, chỉ có khác biệt

Bạn có hay so sánh mình với người xung quanh? Những người bạn xinh đẹp, giỏi giang, và giàu có? Dường như ai cũng có điều gì đó hơn mình?
Đã so sánh, nhất định sẽ thấy điều thua kém ở mình, và chẳng học được gì từ kẻ khác

Vì sao chúng ta thích so sánh mình với người khác nhỉ? Tâm lí tự ti sẵn có, hay vì muốn được phô trương? Những bậc thầy tâm lí học đã phát hiện ra một câu trả lời, một câu trả lời đứng đằng sau mọi câu trả lời: Ấy là vì chúng ta không nhận ra rằng tất cả chỉ là sự khác biệt

Các nhà tâm lí bảo thế này:

- Một người giàu có hơn bạn, nghĩa là số lượng tài sản của anh ta không giống bạn;

- Một người thông minh hơn bạn, nghĩa là khả năng sắp xếp thông tin trong bộ não của anh ta khác bạn;

- Một người xinh đẹp hơn bạn, đơn giản thôi, nghĩa là bề ngoài người ấy không giống bạn. Và “tình cờ”, bề ngoài của họ lại phù hợp hơn với quan niệm về xấu đẹp mà xã hội đang mang

Bạn có thể nói là, “Chà, tất cả chỉ là ngụy biện. Rõ ràng nó hơn mình, rõ ràng mình khổ sở, nó thì sướng bao nhiêu”. Thế nhưng, bạn nghĩ kĩ xem nào, hãy thử hướng mình theo cách nhìn khác biệt thay vì hơn kém xem. Bạn sẽ cảm nhận được chút nào sự thật đấy

Hiểu rằng tất cả là khác biệt, thay vì nhìn bằng cái nhìn hơn kém – là một cách nhìn không phải để an ủi bản thân, mà là cái nhìn của lí trí không xen tư tâm. Tư tâm là tính toán lợi ích, xem xét thiệt hơn, chỉ vì cảm xúc riêng mình. Cái nhìn lí trí thì nhìn mọi thứ đúng như nó là

Dĩ nhiên là, thay đổi cái nhìn không phải để buông xuôi, rằng thôi chẳng cần cố gắng vì gì nữa cho mệt mỏi (Nếu vậy thì cũng cần xem lại mục đích và tâm tư thật của mình: là vì nhận ra thế gian là giả huyễn (như cái nhìn của nhà Phật), hay chỉ vì lười biếng thôi?). Thay đổi cái nhìn là để đánh thức sự tin tưởng vào bản thân, để không than thân, để không trách phận. Chỉ khi nào người ta biết tận dụng những gì mình có, và ngừng phóng mắt ra ngoài tìm xem sự hơn thua, người ta mới bắt đầu có năng lực thấu suốt những gì mình được trao cho, để sống một cuộc đời đích đáng. Người biết sống một cuộc đời đích đáng, người ấy sẽ không ngừng quay trở về nơi đầu tiên – nơi của bản thân đích thật

• Đừng lãng phí ưu điểm của mình

Bạn là một người lắng nghe giỏi, người khác ở bên bạn là cảm thấy bình yên? Bạn thích viết và từng nghĩ mình sẽ theo đuổi về văn chương, cho đến khi bạn đi làm và ngừng những thứ “mơ mộng” ấy? Bạn có cảm nhận về âm điệu rất tốt, nghe một bài hát lạ và có thể thuộc giai điệu ngay?
Từng khả năng nhỏ bé nhất cũng có thể phát triển thành một tài năng lớn nếu bạn dành cho chúng đủ thời gian. “Tài năng lớn” này có khi là những thành tựu, có khi là những kỹ năng sống giúp ích bạn trong cả cuộc đời.
Nếu đã phát hiện thấy một điểm tốt nhỏ của bản thân, hãy bắt tay vào trau dồi nó: Tìm một người dẫn đường, tham gia một khóa học, thực hành nó nhiều hơn và nhiều hơn. Điều ấy sẽ giúp bạn đi sâu vào thấu biết thế giới của chính mình

- Ryu Vội Vã -


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147