Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Làm Sao Để Bình Tĩnh Hơn Khi Đứng Trước Đám Đông?

By: OopsyAdmin, 2019-10-26 16:25:52

Đứng trước đám đông để làm một việc gì đấy, con người chúng ta phải chịu một sức ép khá lớn. Dù là ai đi nữa, dũng cảm, mạnh mẽ, hay yếu đuối, đều sẽ cảm thấy căng thẳng khi hàng chục, hàng trăm con mắt đang dõi nhìn mình. Nếu không có một bản lĩnh đã được trui rèn, luyện tập qua năm tháng, chắc chắn chúng ta sẽ hồi hộp mà phát ngôn không đúng ý

Tôi có một cô bạn, đến lượt cô ấy đứng lên. Khỏi phải nói, dù đã cười tươi và chào hỏi đàng hoàng, nhưng đến lúc trình bày tên tuổi, niên khóa, lớp học, cô bắt đầu ngắc ngứ, nói năng lập bập. Một vài cô bạn thân cười lăn cười bò khi nghe cô ấy nói râu ông nọ cắm cằm bà kia, lung tung cả lên. Cả phòng nhìn biểu hiện của cô ấy cũng không sao nhịn được cười, khiến cô càng thêm bối rối, xấu hổ. Đúng là đứng trước đám đông, cô chưa có nhiều kinh nghiệm

Nếu bạn ở tình huống giống thế, hãy đọc vài gợi ý tới đây để giúp trấn tĩnh cấp thời, và dần dần kiểm soát được tình trạng này dễ hơn:

1/ Đầu tiên, bạn cần xác định là: mình phải rõ ràng trong từng lời nói

Nói chậm cũng được, quan trọng là cần đảm bảo nội dung truyền tải cho đúng đã. Nội dung chính xác bao nhiêu, bạn sẽ tự tin bấy nhiêu. Từ đó cũng bớt được âu lo

Để giữ được bình tĩnh, cứ hít một hơi thật sâu. Hít thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng và cung cấp khí oxy đến não, làm tăng khả năng tập trung. Khi cảm thấy cơn hoảng loạn tới gần, hãy dừng lại và giảm nhịp thở. Hít thở sâu không có gì quá đặc biệt, bạn cứ tự làm theo ý hiểu của mình. Hít sâu – Giữ hơi thở - Thở ra nhẹ nhàng. Thế thôi. Làm như thế thì ít hay nhiều bạn cũng sẽ đỡ hơn

2/ Tiếp đến, để bình tĩnh HƠN NỮA, chính là tập trung vào các giác quan

Thường khi đang cơn hoảng loạn, suy nghĩ của ta sẽ rất lộn xộn. Nhiều cảm xúc đến cùng lúc, làm tăng cảm giác “bị quá tải”. Tình trạng này xảy ra bởi cơ thể chúng ta vừa kích hoạt chế độ “chiến đấu hay bỏ chạy” cho hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim và nhịp thở, căng cơ và giảm sự lưu thông máu. Lúc ấy, chỉ cần làm mọi thứ chậm lại một chút và chú ý đến các cảm giác của mình. Quá trình này sẽ giúp não bộ từ bỏ những “phản ứng tự động”, hay thói quen phản ứng lại những sự việc căng thẳng theo cách cụ thể nào đấy

Ví dụ như khi thấy mình sắp cuống, hãy liệt kê xem chuyện gì đang xảy ra. Ví dụ, bạn có thể đưa ra những quan sát như: “Tim mình đập rất nhanh. Tay đổ mồ hôi. Mình cảm thấy nôn nao”. Việc quan sát và liệt kê này chính là dùng lí trí để giúp lấn át đi các phản ứng của thân thể và tâm cảm, có thể giúp chúng ta định lại dần



3/ Tiếp đến, nhắc bản thân rằng những triệu chứng này là kết quả của chứng lo âu căng thẳng. Tránh thuyết phục mình là ta cần “kiểm soát” và “chấm dứt” các triệu chứng ấy ngay

Chuyện này có thể khiến cơn hoảng loạn trầm trọng hơn. Hãy nói với bản thân rằng những triệu chứng này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng qua đi. Cứ tiếp tục duy trì cảm giác hiện tại khi vẫn đang liệt kê tất cả mọi cảm giác xảy đến. Như vậy theo thời gian, điều này sẽ giúp bạn nhận biết rằng tình huống diễn ra không thực sự nguy hiểm. Sẽ không còn phải lo lắng vì nó nữa

Thế nếu như trong trường hợp hoảng loạn và đánh mất mình, không thể suy nghĩ được. Có cách nào trở lại bình thường không đây?

Nếu đang ở giữa giai đoạn hoảng loạn, hãy khiến bản thân phân tâm, tránh khỏi nỗi sợ hãi bằng một số trò tiêu khiển tinh thần khác nhau. Chẳng hạn, đếm từ 1 đến 100, hay nhẩm lại lời bài hát hay bài thơ yêu thích. Lúc này, bạn cần buộc bản thân áp dụng một (hoặc có thể nhiều) phương pháp này cho tới khi lấy lại được chút bình tĩnh. Ý chí phải thực sự rất mạnh mẽ lúc đấy. Đừng ngại tốn thời gian, có thể xin ra ngoài một chút rồi quay lại sau là được

4/ Quan trọng nhất là bạn không phớt lờ, chối bỏ tình huống hay hoàn cảnh đang gây nên cơn hoảng loạn

Bởi vì vượt qua chứng hoảng loạn phải là từ nơi nó bắt đầu. Nếu không, bạn sẽ dễ bị hoảng sợ trầm trọng hơn khi đối mặt với hoàn cảnh hay tình huống tương tự về sau

Và không cần vội, làm nhiều sẽ thành thục thôi. Một cách thức bên cạnh nữa là, hãy đọc sách và tiếp thu tri thức thường xuyên, trao đổi với bạn bè nhiều hơn (đừng nói chuyện phiếm, hãy nói chuyện có ích, liên quan đến các chủ đề tri thức bạn đang tìm hiểu chẳng hạn), bạn cũng sẽ cảm thấy tinh thần khác đi đấy! Là vì khi đã quen nói về một vấn đề với những người thân, ta sẽ có thêm tự tin hơn khi nói về nó với nhiều người khác!

Kể về một kỉ niệm bạn bối rối trước đám đông đi?

Ryu Vội Vã -


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147