Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Lúc Nào Tôi Cũng Nhạy Cảm Với Những Lời Yêu Thương Dẫu Là Thoáng Qua

By: OopsyAdmin, 2019-01-06 12:23:01

Bạn đã từng gặp một cô nàng quá nhạy cảm chưa? Nàng dễ âu sầu lo âu trước những sự việc với bạn là nhỏ tí. Nàng còn dễ bối rối trong những tình huống nhìn thì có vẻ “chẳng có gì”. Vì sao lại thế nhỉ?

Mọi người thường nhìn cô nàng quá nhạy cảm dưới ánh nhìn kì lạ, bởi thái độ hành xử nàng hơi thất thường, đề phòng quá mức, đôi khi tiêu cực. Đấy là bởi trong nàng luôn xuất hiện những linh cảm dị thường, những suy nghĩ nhận định nhanh chóng khôn lường. 

Dường như cô nàng có thể cảm nhận thấy trước một số sự việc, tình huống, nhưng khó thay đổi được, vì thấy mà chưa hiểu rõ. Cô nàng thấy khó hòa nhập cùng xã hội với quá nhiều tương tác, trong khi lác đác chỉ vài người hiểu mình. 

Nàng khao khát được thấu hiểu, nên dễ lụy tình với những người mang cho nàng cảm giác được là chính-mình. Cảm giác thôi, vì có lẽ nàng chưa hiểu mình lắm đâu (chưa kể đến những mánh khóe trong giao tiếp để thuyết phục thân thể, cảm xúc, suy nghĩ đâu nhé!).

Những cô nàng quá nhạy cảm luôn hiện hữu xung quanh bạn, và đôi khi, bên trong bạn (khi bạn hành xử giống cô nàng ấy!). Có thể bạn sẽ thấy nàng hơi phức tạp, rắc rối, làm bạn lúng túng không biết nên cư xử ra sao.
Để biết cách cư xử, rất cần sự thấu hiểu. Đây là năm điều bạn nên biết về cô nàng quá nhạy cảm. 

Nhạy cảm với những lời yêu thương dẫu là thoáng qua

1. Nàng tự oán giận trách móc bản thân nhiều nhất

Đôi khi bạn thấy nàng làm quá mọi chuyện lên, hành xử có lúc khó hiểu cực đoan, giống như đang đánh giá tiêu cực về người khác. 

Thật ra, nàng tự trách móc bản thân nhiều nhất. Nàng luôn thấy điều mình nói ra chưa chính xác, thiếu an toàn, hành xử mình làm chưa hợp lí. Đôi lúc nàng thấy khó diễn đạt, chỉ muốn rút lại lời đã nói ra. Không phải ngôn ngữ kém, mà bởi nàng tự phán xét bản thân trước cả khi bị nhìn nhận đáng giá. 

Nàng xem xét thái độ của người khác để đánh giá hành xử của mình. Giống cảm giác soi gương và thấy những điều yếu đuối, tiêu cực ẩn giấu đằng sau (dù có thể người khác chẳng thấy thế đâu!).

Người lí trí bình thường là người có khả năng tự nhìn thấy sai lầm của bản thân và chỉnh sửa, nàng có một chút đi quá giới hạn đó. Bởi tính cách dằn vặt thỉnh thoảng lại đến chơi, làm bạn cùng nàng (dù nàng cũng không thích chàng ta lắm đâu, do chưa bỏ được thôi!).

Vì sao lại thế ư? Có thể nàng luôn nghiêm khắc kiểm soát chính mình. Ám ảnh bởi kì vọng xã hội cũng có thể là một phần nguyên do. 

Nàng cố gắng trở thành một con người hoàn hảo, nên quá nhạy cảm với những sai sót. (Có điều định nghĩa hoàn hảo được xây dựng dựa trên điều gì? Làm gì có con người hoàn hảo nhỉ? Bởi chúng ta không thể xử lí hoàn hảo mọi tình huống!). 

Nàng sợ nhìn thấy những tổn thương của người khác, bởi nó nhắc nàng về những yếu đuối nhút nhát trong mình. Đôi lúc, nàng thà để bản thân tổn thương còn hơn thấy điều này ở người khác. Nó không hoàn toàn xuất phát từ sự cao thượng, mà bởi sợ nhìn thấy những tổn thương. 

Không tự chữa trị cho mình được, lại còn vẫn khao khát tình cảm, nên nàng dễ lụy tình những người tỏ vẻ yêu thương trân trọng mình.

2. Nàng sẵn sàng ở một mình

Nàng trân trọng khoảng thời gian ở một mình, coi đó là cơ hội tự nhìn nhận bản thân. 

Mỗi ngày trong từng tương tác xã hội, chúng ta dễ hành động sai lệch, thiếu lí trí dưới tác động từ bên ngoài. Nàng nhận thức được điều đó nhờ nhạy cảm, nên cần có khoảng lặng tự nhìn nhận, điều chỉnh lại những sai thiếu. 

Ở gần nhiều người làm tâm trí nàng bị xao lãng, khó tập trung suy nghĩ. Ở một mình bình yên và thoải mái hơn. Sự bình yên trong tâm hồn giúp nàng làm diu đi những áp lực mà xã hội cố gắng đặt lên mỗi người. 

Kết thúc một ngày ai, ai hiểu chúng ta hơn chính mình? 

ngại ngùng, nhạy cảm với những lời yêu thương

3. Trải nghiệm nỗi đau sâu sắc hơn

Sự nhạy cảm cho nàng cơ hội cảm nhận sâu sắc từng cảm xúc, từ nỗi đau đến hạnh phúc. 

Nhưng ở cuộc đời, hạnh phúc dường như xuất hiện ít hơn hẳn so với nỗi đau. Cảm xúc được kích hoạt dễ dàng làm nàng luôn trong tình trạng lo lắng nếu không thể chuyển hóa. 

Những lời khuyên chung chung như “học cách bỏ nó đi” hay “điều này không đáng” không hề giúp nàng thay đổi nhân cách, chỉ tăng thêm phần lo lắng. Bởi nàng cần một giải pháp cụ thể rõ ràng, định hướng giúp nàng chuyển hóa những nỗi đau. Điều này chỉ có được thông qua quá trình liên tục thay đổi nhận thức, vượt khỏi sự chìm đắm vào tâm cảm. 

Có hai cách để thay đổi nhận thức: (i) đọc sách, (ii) nói chuyện với người hiểu biết, tích cực. 

Một cách tự thay đổi bên trong, một cách nhờ bên ngoài tác động giúp bên trong thay đổi. Còn một cách nữa, coi như là cách phụ: giúp đỡ người đồng cảnh ngộ vượt qua nỗi đau. Vượt qua được những nỗi đau, nàng dễ cảm thông với người khác.

4. Nghiêm túc trong chuyện tình cảm

Với nhiều người, tiếng yêu thương nói ra quá dễ dàng. Với nàng thì khác. 
Nàng coi trọng sự chân thành trong từng lời nói cử chỉ. Nàng cần thời gian cảm nhận một điều từ sâu thẳm bên trong, cho tới khi bộc lộ ra đến bề mặt. Vì vậy, nàng có khả năng cảm nhận dộ sâu sắc trong ngôn từ. 

Những âm thanh sáo rỗng có thể biến mất trong nàng. Nàng chỉ giữ lại dư âm của những tiếng nói chân thành vang vọng. 

Tuy vậy, nếu một người nàng coi là quan trọng nói những lời sáo rỗng, nàng có thể bị tổn thương sâu sắc bởi sự thiếu chân thành. Nên nếu bạn đang được ở cạnh một cô nàng quá nhạy cảm, hãy hành xử thật chân thành với nàng. Nàng cảm nhận được điều đó, coi trọng nó, và bạn đã có được một phần trái tim nàng. 

Lời khuyên nhỏ: nàng nên đi học thêm về tâm lí, bởi có rất nhiều điều tác động tới sự thành thật, hay tâm lí con người. 

Hiểu về những điều đè nặng tâm trí con người, nàng sẽ biết ai đang chủ động nói dối, ai đang vì vướng mắc mà hành xử thiếu lí trí. Từ đó nàng tự giúp mình, sau này có thể giúp họ. 

5. Nàng cần thời gian để tin tưởng 

Nhìn thấy ưu điểm – nhược điểm của con người. Khả năng này rất hữu ích trong nhiều tình huống, để nàng tránh sa đà, sai lạc. 

Nhưng nó có một điểm tiêu cực: khiến nàng mông lung khó đưa ra quyết định (có vẻ thật phù hợp với tính cách nàng!). Bởi nàng luôn tin rằng, bên cạnh những điều tốt đẹp, luôn có cả những mặt tồi tệ đi cùng tính cách, tình huống đó. Điều này khiến nàng khó tin tưởng ai, lựa chọn điều gì. 

Cuộc chiến giữa có và không cứ dằng dai liên tục bên trong nàng. Sự tin tưởng đôi khi mỏng manh như tính cách nhạy cảm của nàng. Nhưng một khi quyết định trao tin tưởng cho ai, nàng có thể tin tưởng người đó lâu dài.

Có một điều nàng cần nghĩ. Không phải ở sự việc tình huống hay con người. Quan trọng là bên trong nàng mang tâm gì đi tin tưởng. Nếu suy nghĩ tâm tính nàng thuần khiết, nàng sẽ được ban ơn, giúp cho những điều tích cực được đươm hoa khoe trái. Trái lại, tâm trạng tiêu cực nghi ngờ khiến nàng đang tự trì hoãn hạnh phúc đến với mình. 

Nguồn tham khảo: thoughtcatalog


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147