Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Tâm lí về nỗi sợ mất đi những gì mình đang có

By: OopsyAdmin, 2018-09-06 12:31:21

Tại sao “Nỗi sợ mất đi những gì mình đang có” xuất hiện

Trong dòng chảy quá khứ - hiện tại – tương lai, hiện tại rất đặc biệt. Bạn có xác định được sự tồn tại của hiện tại? Cứ mỗi khoảnh khắc trôi qua, phần bạn vừa coi là hiện tại liền trở thành quá khứ, cùng lúc đó phần bạn vừa coi là tương lai liền trở thành hiện tại, rồi lại tiếp nối chu trình bất tận này. Vì sự gắn kết, biến hoá liên tục hiện tại với quá khứ và tương lai, nỗi sợ mất của hiện tại vừa bởi hiện tại tan đi quá nhanh,vừa gắn với những nỗi sợ của quá khứ và tương lai.

tâm lý, oopsy

Những ám ảnh tổn thương trong quá khứ khiến bạn sợ mất những điều từng đổ vỡ, nỗi sợ mất của hiện tại lại làm tăng thêm sự lo lắng về tương lai. Ngay cả ở phương diện tâm lí này, hiện tại cũng đảm nhiệm xuất sắc vai trò liên kết trong mạch năng lượng thời gian. Còn sau đây là một số lí do cụ thể trong nỗi sợ mất đi những gì mình đang có:

Vẻ đẹp, tình yêu và sự mất mát: Cả ba đều gần như là một và như nhau. Khi nhìn thấy bó hoa tươi, bạn cảm nhận được vẻ đẹp của nó và yêu thích vẻ đẹp đó. Những bông hoa sẽ sớm héo tàn, mất đi sự sống. Dù bạn cố chụp ảnh, lưu giữ nó trong kí ức hay miêu tả lại nó cho người khác, bạn vẫn phải chấp nhận sự thật theo lẽ tự nhiên rằng nó không phải là mãi mãi. Ví dụ này mang đến một thông điệp: Vẻ đẹp và tình yêu gắn liền với nhau, và chúng tồn tại với cái bóng của sự mất mát phía trước. Tình huống của mất mát luôn tồn tại khi ta chú trọng cái đẹp nhất thời và phát sinh tình cảm với con người, sự vật hoặc trải nghiệm.

Ham muốn: Điều này tạo ra đau khổ vì kể cả khi bạn sở hữu điều bạn khao khát, bạn muốn nhiều hơn nữa, hoặc bạn sợ mất nó. Vì vậy nếu không bỏ những ham muốn, bạn không thể thanh thản. Tham vọng không có điểm kết thúc. Bạn tự hào về ngoại hình xinh đẹp của mình, nhưng bạn sợ nguy cơ mang tên thời gian, khí hậu, sức khoẻ… đột nhiên lấy đi điều đó. Bạn không thể an tâm dù tìm mọi cách để bảo vệ nó. Không phải là bạn không được chăm sóc nhan sắc, vấn đề là bạn đặt giá trị hạnh phúc của mình vào đó. Bất cứ lúc nào hạnh phúc dựa trên điều kiện đó buộc phải thực hiện và duy trì, bạn đều bị ảnh hưởng. 

Thiếu kiểm soát: Bạn có đang làm chủ bản thân và những vấn đề liên quan đến mình? Bạn có đang quản lí những điều trong trách nhiệm của bạn theo đúng hướng, nắm giữ những người bạn yêu thương trong tầm tay? Bạn hiểu được bao nhiêu về những quy luật của cuộc sống? Hầu hết chúng ta đều mơ hồ với chính mình và những điều nhỏ nhất quanh mình.

Dù bạn tin bạn rất tài giỏi, bạn cũng không thể nói rằng bạn đang kiểm soát tốt mọi thứ trong cuộc đời mình. Khi bạn đặt sự quan tâm và liên hệ với càng nhiều người, càng nhiều sự vật và sự việc, bạn càng dễ rối loạn, mất kiểm soát (đặc biệt khi bạn hướng tình cảm tới con người – yếu tố dễ thay đổi nhất). Tình yêu của bạn đang say đắm, điều gì chắc chắn một ngày nào đó người kia không bước ra khỏi cuộc đời của bạn. Điều này khiến bạn thường trực trong tâm lo sợ mất đi những gì tốt đẹp đang có.

Làm cách nào để dẹp bỏ “Nỗi sợ mất đi những gì mình đang có”

Hiện tại (present) còn có nghĩa là món quà, thường được tôn vinh để con người kiến tạo cuộc sống tốt hơn. Nếu không dẹp bỏ nỗi sợ mất đi những gì mình đang có, bạn sẽ tạo thêm chuỗi quá khứ dằn vặt, góp nhặt cho tương lai thêm bất định, ý nghĩa cuộc sống của bạn dần phai mờ. Bạn có thể tham khảo các cách thức sau từ những người đã vượt qua được để nỗi sợ mất của hiện tại không còn:

Thay đổi quan niệm

Bạn đã biết nguyên nhân của nỗi sợ mất đi những gì mình đang có, quy luật tự nhiên mách bảo bạn biết cách ứng xử phù hợp, nhắc nhở bạn không đủ khả năng chống lại. Bạn lựa chọn hoặc hướng tới vẻ đẹp nhất thời, phát sinh tình cảm, chấp nhận sự phai tàn của nó; hoặc vượt lên trên nó (dĩ nhiên không dễ dàng). Vì những điều không trường tồn đó, mỗi khoảnh khắc hiện tại không bao giờ quay lại, nó đáng được trân trọng. Nhưng trân trọng hiện tại không phải hoảng loạn sợ mất nó, nên chăng bạn coi mỗi giây phút mình có là cơ hội để làm tốt nhất những gì bạn cần làm, hạn chế những nuối tiếc sau đó.

Tự hỏi “Mình sợ mất gì?”

Đây dường như là câu hỏi rõ ràng, nhưng thật dễ dàng lựa chọn ngày qua ngày trong khi không nhận ra cảm xúc ngấm ngầm thúc đẩy bạn. Bất cứ khi nào bạn có lựa chọn, nhận định xem liệu bạn đang bị thúc đẩy bởi nỗi sợ mất gì, cho dù đó là sự thoải mái, an toàn, kiểm soát, tiền bạc, mối quan hệ, hay cái gì khác. Xác định càng cụ thể, bạn càng biết mình nên buông bỏ gì, điều đó có đáng để bạn tiêu phí một lượng lớn năng lượng cho sự lo sợ.


Nhìn nhận toàn diện

Bạn sợ mất vì bạn không dám đối diện, chấp nhận kết quả nếu mất mát đó xảy ra. Nhưng nhìn ở góc độ khác, thời điểm khác, mất mát đó có thể đem lại cho bạn điều tốt đẹp hơn. Đối với những thứ vốn không thuộc về bạn, đôi khi bạn buông tay rồi mới có thể biết mình nên nắm giữ gì. Đến một ngày, bạn nhận ra điều mình đạt được lớn lao hơn điều bạn đã mất. Bạn không thể được tất cả mà không mất gì, đó là quy luật của tạo hoá. Hãy tập nhìn nhận toàn diện, thuận theo quy luật bất biến ở mỗi sự việc mình gặp, bạn hoàn toàn có khả năng chủ động đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.

Biến sợ hãi thành động lực

Không chỉ buông bỏ những ham muốn, tham vọng tiêu cực, bạn vẫn có những việc chính đáng cần thực hiện. Thay vì suy nghĩ vẩn vơ, lo sợ, bạn nên lập kế hoạch và bắt tay vào hành động một cách thiết thực. Giả sử bạn được giao một công việc tốt nhưng mức độ cạnh tranh cao, bạn thấy mình chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết. Vậy bạn có thể viết ra những thiếu sót có nguy cơ làm bạn mất việc, phán đoán lý do và đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện hàng ngày. 

Kiểm soát cuộc sống của mình

Tất nhiên bạn không thể kiểm soát toàn bộ cuộc sống, làm mọi thứ luôn như ý muốn của mình. Nhưng ít nhất với sự tự tin và nỗ lực, bạn vẫn có thể học cách kiểm soát bản thân, hài hoà quan hệ của bạn với những gì quanh bạn và biết cách làm theo những bài học từ cuộc sống. Nếu bạn đang sợ một người quan trọng rời bỏ bạn, trước hết bạn cần bình tĩnh, tìm ra mấu chốt vấn đề của mối quan hệ, cân nhắc thấu đáo. Sau khi tự xem xét những thiếu sót của bản thân, bạn có thể chủ động trao đổi và lắng nghe, không chỉ lời mà còn cả những gì họ truyền tải qua ngôn ngữ cơ thể. Dần dần, lí trí sẽ mách bảo bạn phải làm gì.

Nguồn tham khảo: psychologytoday.com


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147