Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Trò nhắn tin ác quỷ: Khống chế NỖI SỢ MẤT người thương

By: OopsyAdmin, 2020-04-04 00:26:36

Trò nhắn tin ác quỷ: Khống chế nỗi sợ mất người thương

Tại sao kì lạ?

Người yêu là một loại người thân rất kì lạ. Chúng ta cho phép một người bước vào thế giới của mình, gắn bó thể xác, trở thành một với chúng ta, cầm tay chúng ta, hôn chúng ta, quan hệ với chúng ta. Chúng ta chấp nhận một người khác máu với chúng ta trở thành một với chúng ta, và thậm chí đồng ý cho người đấy cùng tạo ra một cơ thể mới cùng dòng máu với chúng ta, trung hòa hai dòng máu làm một.

Người yêu là một dạng người thân rất đặc biệt, họ giống như tiến hóa từ những quan hệ xã hội. Bạn hãy xét theo một thang quan hệ xã hội xem. Đầu tiên là bố mẹ, bởi vì đấy là người tạo ra chúng ta – đối với chúng ta thì đấng sinh thành luôn luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Sau đấy là cấp ngang bằng – anh em đồng cấp. Dưới cấp nữa là những người mà ta sẽ gặp ở trò tự trào: Những bạn bè thân. Vòng dưới cùng là những người xa lạ.

Giữa tất cả những vòng đấy đột nhiên xuất hiện thêm một nhân vật, leo đến bạn không phải từ những nấc thang quan hệ xã hội, không còn từ những nấc thang tính cách, mà họ leo lên bằng một mối gắn kết thể xác, một khao khát dục vọng, một cái gì đấy mong ngóng về tương lai. Do lòng tham hay là do bất kể gì, họ đã leo đến bạn bằng một chiếc thang, vượt qua mọi nấc thang xã hội. Họ không cần hiểu bạn, không cần thời gian ở bên cạnh bạn, họ chỉ làm một cách nào đấy để bạn gá lắp vào đời họ, để hai bên có thể gá lắp vào đời nhau, chống lại tất cả những cơn lo lắng.

Một người yêu nhân gian, một người yêu đến với chúng ta bằng một nấc thang kì lạ; sau đấy đứng bên cạnh chúng ta để cùng chúng ta chịu đựng mọi nấc thang, chịu đựng đấng sinh thành, chịu đựng anh em, chịu đựng bạn bè. Họ có thể chống lại tất cả những gì chúng ta có nhưng chúng ta lại không hề chống lại họ. Thế là chúng ta có người yêu, cũng là một người thân. Cho nên đối với một quan hệ theo kiểu tình yêu, thách thức lớn nhất là gì?

Sở hữu và Sợ hãi – sợi dây nối hai con người

Bạn đã thấy là, đối với cha mẹ, điều khó nhất là chấp nhận đứa con của mình có thể nghĩ khác mình, và thậm chí có thể đem điều khác đấy đến cho mình. Cốc nước chanh là một cách để giải quyết ấn tượng đấy, một màn kịch nhỏ để chúng ta hóa giải những nghi lễ sâu thẳm.

Đối với anh em, chúng ta đã thấy tài sản luôn luôn là vấn đề lớn nhất. Chúng ta đã hóa giải tài sản bằng một trò vay-trả-vay-trả để nhấn mạnh tính sòng phẳng, nhấn mạnh sự không phụ thuộc về mặt tài chính.

Tiếp nữa, sau này khi tìm hiểu đến vòng bạn bè thân thiết và đồng nghiệp, bạn sẽ thấy điều khó nhất để hòa giải với họ, để hòa nhập với họ không phải là tính cách nữa mà sự thực sâu thẳm ở chúng ta, đấy là tự ti hoặc tự tôn về những gì mình có.

Có hai chiều, chiều thứ nhất là sự sở hữu, chiều thứ hai là nỗi sợ, hai thứ này luôn luôn đi liền nhau. Đã muốn sở hữu một người tất nhiên sẽ sợ mất người đấy, luôn luôn là thế. Cho nên khi một người không sợ mất bạn nữa thì người đấy cũng không muốn sở hữu bạn.

Giả sử với người yêu cũ mà bạn từng rất yêu, nếu bây giờ nghe đến chuyện anh ta đi yêu người khác ngay sau khi bỏ mình rồi, bạn thấy sao?

Từ bỏ – nó không hề dễ trong tình cảm, vì căn bản là khi có tình cảm với một ai trong cuộc đời này, một xu hướng nhân gian rất mạnh mẽ nổi lên: Nỗi sợ mất. Nỗi sợ mất luôn luôn là một ám ảnh, cho nên trò kì quặc nhắm vào người yêu chính là nhắm vào nỗi sợ mất. Trò kì quặc được diễn ra theo một cấu trúc rất đơn giản.

Chờ đợi: Để xem lộ ra những gì?

Đầu tiên, sau một quá trình khi tình yêu đã ổn định, hãy bắt đầu bẵng đi không nói chuyện nhiều với họ, chờ họ nhắn tin thì bạn mới nhắn tin lại. Khoảng thời gian chờ họ nhắn tin lại sẽ kéo dài, nhưng cứ chờ cho đến lúc họ nhắn tin lại thì thôi. Khi họ phát hiện ra đấy là một điều kì quặc, họ sẽ hỏi là: Anh/em làm sao vậy (thường là thế, đúng chứ?). Sau đấy, khi họ thắc mắc, hãy im lặng thêm một thời gian nữa. Hãy để cho họ chờ khoảng sáu tiếng.

Tại sao lại là sáu tiếng? Bởi vì sáu tiếng là một buổi trong ngày. Thường một buổi của chúng ta kéo dài khoảng sáu tiếng. Bảy giờ sáng đến mười hai giờ trưa, mười hai giờ trưa hoặc một giờ chiều đến bảy giờ tối, từ bảy giờ tối đến mười một giờ tối, đấy là những 5-6-7 tiếng, những chu kì nhất định mà chúng ta ý thức đấy là một buổi.

Nếu trong một buổi đấy có tin nhắn thì họ cho là chuyện bình thường. Thử tưởng tượng, bạn nhắn tin vào bảy giờ sáng, nếu mười hai giờ trưa bạn nhận được tin nhắn lại, bạn vẫn nghĩ đấy là OK, cho dù bạn vẫn cảm thấy là chờ thế hơi lâu. Nhưng nếu bảy giờ sáng bạn nhắn tin mà đến một giờ chiều người ta mới trả lời, bạn sẽ cảm giác là đã quá lâu – Sáng em nhắn tin, chiều anh mới trả lời, bởi vì đấy là thời gian của một buổi.

Khi họ bắt đầu lo lắng, hãy để họ chờ, sau sáu tiếng mới trả lời họ, rằng “Tình cảm của em không còn như cũ nữa” hoặc “Tình cảm của anh không còn như xưa nữa”, và im lặng với họ kể từ đấy thêm sáu tiếng nữa. Họ sẽ đau khổ, họ sẽ dằn vặt (đủ thứ!), sau đấy thì hãy nói với họ một điều thôi: “Tình cảm của em đã lớn hơn xưa”. Đây là một trick rất nổi tiếng.

Trước khi lí giải tại sao lại làm như vậy, hãy nói về chu trình tâm lí của người trải qua chuyện này. Đầu tiên, trong thời gian mà họ chờ đợi bạn, họ thấy bạn im lặng, họ sẽ tiến tới một trạng thái rất “khủng khiếp”. Tại sao và như thế nào vậy?

Bình thường khi người ta quan tâm đến nhau, và trong tình yêu càng đặc biệt thế này, người ta liên tục bắt chước nhau. Người này nói yêu, người kia cũng phải nói yêu. Người này nghĩ ra một trò kì quặc, người kia cũng phải đưa ra một trò kì quặc. Gửi cho một bài hát thì cũng phải gửi lại cho người ta một bài hát. Không chỉ cùng nghe mà còn phải là người này nghe một bài hát của người kia, thì người kia cũng phải nghe bài hát của người này. Hai người phải tráo đổi cho nhau mọi thứ. Chúng ta mặc quần áo đôi, chúng ta đến những cảnh đẹp, chúng ta cùng đi nghỉ một tuần trăng mật, rất đẹp đúng không? Tình yêu của bạn cũng đẹp như thế chứ, suốt những năm tháng yêu nhau có quấn quýt như vậy không?

Một hình ảnh phổ biến mà chúng ta gặp là quấn quýt, dằng dịt. Nó là hình ảnh một sợi dây buộc chặt vào bên trong một vật cứng – một sợi dây biểu tượng cho âm, buộc chặt vào một cái cột biểu tượng cho dương. Tất cả các từ “dằng dịt”, “quấn quýt”, “vấn vít” đều chỉ hình ảnh đấy, nó chỉ là biến âm giữa các vùng khác nhau thôi. Về căn bản yêu nhau, quấn quýt nhau là chúng ta phải tương ứng với nhau, chúng ta phải hợp với nhau và chúng ta cứ liên tục làm điều đấy. Người này đáp ứng người kia, người này bổ sung cho người kia, đấy là một tình yêu liên tục.

Nhưng nếu tất cả dòng chảy liên tục đó bị chấn thương thì sao? Nếu chúng ta bắt đầu dừng lại ở trong dòng chảy đấy, nếu chúng ta bắt đầu không còn quấn quýt nữa, nếu chúng ta thể hiện một sự lạnh lùng, nếu chúng ta giữ một khoảng cách, điều gì sẽ xảy ra? Đặc biệt trong thời hiện đại, điều rất tuyệt vời là chúng ta đã quen gắn bó, đối xử với nhau qua tin nhắn. Đã đến lúc chúng ta sử dụng chính phương tiện này – phương tiện của ác quỷ để chống lại ác quỷ, con ác quỷ của nỗi sợ và sự sở hữu. Chúng ta lùi bước, để cho họ một khoảng thời gian trống, chúng ta thấy họ hoảng loạn. Bạn đã thấy họ hoảng loạn chưa?

Bạn đã thấy họ đau đớn chưa? Khi bớt đi sự quấn quýt, bạn đã thấy họ thật đáng sợ chưa? Đến lúc nỗi sợ dằn vặt họ, nó sẽ biến thành hung ác.

Và bạn có một thời gian để chứng kiến những gì họ nghi ngờ về bạn: “Có người yêu mới”, “phụ bạc”, “tồi tệ”… Tất cả những điều mà họ trách cứ bạn là những điều sâu thẳm. Về mặt tâm lí, về mặt con người đời thường, chúng ta thường nói là: “Do em/anh làm thế nên anh/em mới nói thế, chứ nếu em/anh không làm thế thì anh/em đâu có nghĩ thế” nhưng thực ra không phải như vậy.

Về mặt tâm lí học, phải hiểu là gì? Chỉ khi có chuyện, người ta mới bộc lộ những ý nghĩ sâu thẳm. Chính ra chúng ta thường không tin tưởng ai mãi, chúng ta có rất nhiều phán xét và nghi ngờ. Chúng ta phán xét và nghi ngờ cả bố mẹ chúng ta, cả anh em chúng ta. Tất cả những người xung quanh chúng ta, chúng ta đều có những ý nghĩ không hay về họ, bình thường chúng ta dẹp ý nghĩ đấy rất nhanh nhưng chúng ta giấu nó ở trong lòng. Chỉ đến khi có một sự kiện, có một sự mà chúng ta thôi quấn quýt, thôi vấn vít, thôi dằng dịt, vào khoảnh khắc đấy, tất cả những ý nghĩ sâu thẳm nhất trong họ bộc lộ ra.

Họ bắt đầu nói những lời nặng nề nhất có thể và thường là họ sẽ có một trong ba phản ứng như sau:

Một, phản ứng thường thấy nhất và đây chính là điều bất ngờ, đấy là sự dằn vặt. Trong thời gian khoảng sáu tiếng bạn im lặng xa lánh, họ sẽ có một sự dằn vặt to lớn. Sáu tiếng trước, trước khi họ nghi ngờ chúng ta, họ nhắn tin cho chúng ta, đấy là cả một thời gian họ bắt đầu tích lũy. Nó tích lũy, nó mở từng cánh cửa bên trong, nó mở từng cánh cửa tiêu cực một, một kho những điều tiêu cực của họ đối với chúng ta.

Anh người yêu có thể nghĩ đủ mọi thứ chuyện về bạn, À em chỉ hưởng thụ thôi, em chỉ ham chơi thôi; Em không thật lòng yêu thương anh, em yêu người khác; Em không chung thủy, em không trung thành; Em còn đầy khuyết điểm; Rồi em sẽ không hạnh phúc đâu, không có anh em sẽ không có gì đâu; Tại sao em lại bỏ anh, sao không yêu anh giống như anh đã yêu em... tất cả những ý nghĩ đấy. Nhưng bạn cần một thời gian im lặng. Sự im lặng của chúng ta cho đến lúc từng cánh cửa mở, cho đến lúc mà nó đủ một năng lượng bắt đầu nó bức ra bên ngoài một lớp. Với lớp tâm lí được bức ra đầu tiên này, người ta mới hỏi chúng ta là: “Có chuyện gì xảy ra vậy?”, “Em làm sao vậy, em có còn yêu anh không”,… tất cả những từ tương tự như thế.

Sau khi chúng ta im lặng sau tin nhắn của họ – thường là bảy tiếng, trong bảy tiếng đấy tất cả những lời đay nghiến của họ có thể xuất hiện. Nếu chúng ta cho thời gian càng dài ra, những lời đay nghiến càng dài ra, tình trạng tâm lí của họ bị kích động đến cực điểm, họ sẽ bắt đầu dùng những lời lẽ nặng nề nhất. Nhưng chúng ta đừng để cho đến mức đấy, chỉ bảy tiếng thôi hoặc là hơn một chút, 8-9 tiếng gì đấy. Chúng ta đừng để quá một hai ngày, một hai ngày sẽ biến thành thù hằn.

Người ta rất mong một câu trả lời, còn sự im lặng khủng khiếp hơn nhiều. Khi người ta nhắn cho mình một tin “Em thay đổi rồi à”, bạn nhắn là “Vâng, em thay đổi rồi”, họ có thể rất đau đớn, nhưng họ bắt đầu tiếp diễn những tâm trạng của họ. Nhưng nếu bạn để cho họ một khoảng trống thì sao? Nó giống như một nhà tù. Bạn tưởng là tất cả thế giới xung quanh chỉ cần không có một song sắt thì không phải là nhà tù chăng? Không phải. Khi người ta đã rơi vào tình trạng khủng hoảng, thì mỗi căn phòng là một nhà tù, mỗi thành phố là một nhà tù, tất cả nơi chúng ta đi đều là nhà tù, đó là một sự bức bối.

Bạn đã từng trải qua sự bức bối đấy chưa? Sự bức bối của tuyệt vọng và thất vọng. Cảm giác tất cả những ánh sáng đều vụt tắt, tất cả các không khí đều đặc quánh lại. Bạn đã từng trải qua chưa – nhà tù của chính mình (chúng ta sống trong nhà tù thật mà). Nhà Phật gọi cảm giác nhà tù này là Vô minh, cảm thấy ánh sáng vụt tắt, chúng ta không có hy vọng nào, và luôn luôn sống trong một trạng thái mệt mỏi.

Khi bạn để cho họ bảy tiếng chờ đợi, đấy là bảy tiếng sống trong một nhà tù, một nhà tù biệt giam, cắt đứt mọi thứ. Trong lúc này, tất cả những tiếng thét của họ đều là những tiếng thét “chân thành” nhất. Họ có thể chửi chúng ta, mắng chúng ta, nếu họ chửi mắng chúng ta rất nhiều thì chứng tỏ nỗi sợ của họ rất lớn.

Trường hợp thứ hai, cho dù những cánh cửa tiêu cực đã mở lên, nhưng nếu họ đang ở trong trạng thái muốn sở hữu chúng ta thì đỡ hơn một chút.  Sự sở hữu và sự sợ hãi là hai mặt của một đồng xu, giống như đáy cốc với miệng cốc, đáy cốc có thể bé hơn miệng cốc, cũng có thể đáy cốc rất lớn. Nỗi sợ rất lớn, nhưng đôi lúc sự sở hữu cũng rất lớn và khi sự sở hữu lớn, họ sẽ luôn nhắn “Em làm sao vậy? Có phải anh làm sai điều gì không?”, “Em có thể cho anh cơ hội không, rồi anh sẽ mang lại cho em hạnh phúc”, những lời tương tự như thế.

Căn bản là người ta sẽ nói cả hai điều ấy nếu cho họ đủ thời gian, nhưng nếu chúng ta chỉ cho họ bảy tiếng, chúng ta sẽ có một trong hai phản ứng này. Trường hợp thứ hai này, chúng ta sẽ có đủ những lời tốt đẹp nhất, thậm chí là “Em ở đâu? Anh muốn mang đến cho em một thứ”, mang một đồ kỉ niệm, một bông hồng, một điều gì đấy, “Em có nhà không, anh sẽ đến, anh sẽ (mang này mang kia)…”, “Anh chỉ cần nói một câu rồi em quyết định thế nào cũng được...”, trong thời gian khủng hoảng thì thứ gì họ cũng có thể nói.

Đó là hai phản ứng cốt lõi, và một phản ứng thứ ba – phản ứng nằm ngoài mọi dự liệu – đấy là họ cũng im lặng. Trong trạng thái họ im lặng, chỉ có hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất là họ im lặng vì thực ra họ cũng muốn bỏ bạn từ lâu, họ có một lựa chọn khác rồi (một thời gian dài họ yêu bạn thân của bạn hoặc yêu ai đấy rồi chẳng hạn), họ cũng rất thắc mắc làm sao để bỏ bạn bây giờ, đến lúc bạn im lặng thì họ cũng nghĩ là “Cho nhau một khoảng lặng”. Tất nhiên, có nhiều người kể cả trong trường hợp đấy vẫn cứ nhắn lại “Em/anh làm sao đấy?”, vẫn cứ sốt ruột. Nhưng người đã tích điều đấy từ lâu rồi thì anh/cô ta sẽ im lặng. Cho nên không điều gì làm người ta bỏ một người nhanh bằng việc yêu một người khác.

Trạng thái thứ hai khi họ im lặng là bởi vì người này đã ở trạng thái trở nên ghẻ lạnh và xa lánh bạn ở trong lòng, và do rất nhiều nguyên nhân.

Chúng ta đều không mong hai trường hợp này xảy ra đúng không? Về căn bản đấy là hết yêu.

Trường hợp im lặng là sự hết yêu, kể cả có quay lại với nhau được, kể cả trò đùa của chúng ta có vui vẻ đi nữa, thì không có chuyện gì vui vẻ giữa hai người thật sự nữa. Nếu bạn im lặng hơn bảy tiếng, nếu bạn không trả lời tất cả những điều từ người kia nữa, thì có nghĩa là sự chấm dứt.

Nhưng nếu bạn trả lời, nó có nghĩa là sự tiếp tục. Hãy tưởng tượng nhé, lí thuyết của thương thuyết là gì? Chỉ cần chúng ta bắt đầu thương thuyết, một trong hai bên sẽ có lợi. Chúng ta thương thuyết càng dài thì xác suất để cả hai bên cùng có lợi rất cao. Nếu như chúng ta cứ dì dằng mãi, chúng ta cãi nhau là tại sao phải chia tay, anh là thế nào, em là thế nào, sẽ đi đến một điểm là kể cả còn yêu nhau hay không cũng tiếp tục tình yêu đấy. Bạn hiểu điều này không? Nếu chúng ta cứ dằng dai anh là ai, em là ai, chúng ta xảy ra chuyện gì, mọi chuyện sẽ khó kết thúc.

Giống như trong một cuộc giao dịch, ví dụ A giao dịch với đối tác xem nhuận bút là bao nhiêu, 8% hay 10%, cuối cùng chốt có thể là 8,5% hoặc 9%, hoặc 3.000 bản đầu là 10%, tất cả các bản sau là 8%, nhưng cả hai bên sẽ đều có lợi. Chỉ cần bắt đầu thương thuyết thì một trong hai bên sẽ có lợi, còn nguyên tắc là không thương thuyết để chắc lợi ích và để chắc một tình trạng về phía mình.

Quay trở lại với vấn đề ở đây, anh ta chỉ dừng thương thuyết và anh ta không tiếp tục thương thuyết với bạn, anh ta không đề ra một phương án thương thuyết, thường là anh ta không muốn thương thuyết, và anh ta có lí do để không thương thuyết, đấy là: (i) Đã có người khác, (ii) chán bạn từ lâu rồi.

Như vậy, sẽ có ba phản ứng cho trò kì quặc với người yêu này:

• Phản ứng thứ nhất là dằn vặt, và trường hợp này hóa ra lại thường gặp nhiều nhất, hóa ra sau một thời gian yêu nhau, chúng ta tích lũy những điều thật “ghê tởm” về nhau mà chúng ta không biết.

• Phản ứng thứ hai là níu kéo, và phản ứng này thường đến ngay sau cảm hứng dằn vặt. Hãy nhớ, khi người ta níu kéo là người ta muốn sở hữu, còn khi người ta dằn vặt là vì người ta sợ hãi.

• Trạng thái thứ ba: Hết yêu – không có nỗi sợ nữa. Và có thể trong lòng họ rất buồn (hãy nhớ là, dù gắn với nhau một thời gian ngắn, nó vẫn rất buồn).

Vậy là chúng ta đã biết trạng thái tối ưu của họ là gì rồi. Một trong ba phản ứng ấy “rơi” ra, chúng ta đã biết rằng người yêu chúng ta đang có gì của chúng ta: Anh ta hoặc cô ta âm thầm sợ hãi mất chúng ta, hoặc anh ta/cô ta âm thầm luôn luôn nghĩ mình là người sở hữu chúng ta, hoặc anh ta/cô ta luôn luôn sống trong một trạng thái giả dối với chúng ta, không còn yêu chúng ta nữa. Giờ thì chúng ta đã biết rồi.

Cuối cùng, bước thứ ba, chúng ta bắt đầu nói với họ điều đấy. Khi nói với họ rằng tình cảm của em/anh đã lớn hơn xưa, nên nói thế nào bây giờ?

Có ba cách thức để làm điều này, và mỗi cách thức đều có một mục đích riêng:

• Nếu anh ta/cô ta có trạng thái sợ hãi và dằn vặt, thì cách thức duy nhất để nói điều đấy với anh ta/cô ta là đến gặp anh ta/cô ta và nói vào tai anh ta/cô ta (lãng mạn nhỉ).

• Cách thứ hai, nếu anh ta/cô ta muốn sở hữu, thì bạn sẽ dùng một món quà nhỏ – một cái hộp với màu mà anh ta/cô ta thích, buộc bên trên hình nơ hoặc một trái tim, bên trong là một món quà nhỏ bất kì. Cái hộp biểu tượng cho sự sở hữu, và việc mở ra biểu tượng cho sự giải thoát và việc trao gửi các niềm tin. Món quà luôn biểu tượng cho sự giải thoát và niềm tin. Khi tặng một món quà, chúng ta muốn nói rằng tình yêu của chúng ta là vô điều kiện. Món quà luôn luôn có nghĩa là như thế, nó giải phóng người ta khỏi những cảm hứng sở hữu.

• Trường hợp thứ ba, khi anh ta/cô ta đã lạnh lùng, tốt nhất là chúng ta nên khóc một mình thì hơn, chắc không còn gì để níu kéo đâu.

Tất nhiên đôi lúc bạn gặp phải một trường hợp thế này, một người không quen nói, một người quen im lặng và quen sử dụng sự im lặng của mình, người ta không quen biện luận, thì khi người khác bỏ đi, họ chỉ dằn vặt một mình. Những người này có không? Những người này có trong tiểu thuyết. Đôi lúc thì có trong đời thường. Nhưng nếu đột nhiên bạn làm chuyện này và họ phản ứng như thế thì tốt nhất bạn đừng yêu người này. Bởi vì người này sẽ không bao giờ bảo vệ bạn, không bao giờ bảo vệ một điều gì. Tốt nhất là cho anh ta/cô ta “bay”.

Nếu họ im lặng thì tốt nhất là không cần nhắn lại. Có lẽ là chúng ta sẽ thất bại nếu chúng ta nhắn tin để chia tay trước. Cùng lắm thì có thể nhắn một tin là “Chúng ta chia tay đi anh/em”. Thế là hết, và không cần phải nhắn nữa.

Trò kì quặc với người yêu thường chỉ cần trong một ngày là đã xong rồi. Nhưng có thể nó kéo dài khoảng hai ngày, ba ngày, có thể hoặc hơn, bởi vì chúng ta phải chờ đến khi họ phải nhắn cho chúng ta “Làm sao đấy?”. Kể cả khi họ hết yêu chúng ta, họ thường vẫn hỏi câu này. Tại sao? Vì ngay cả khi hết yêu, người ta vẫn còn một chút, hoặc là nỗi sợ hãi tích lũy, hoặc là tâm sở hữu rất mạnh. Chúng ta không muốn mất đi cả những thứ mà chúng ta không còn cần nữa. Kể cả người không yêu chúng ta nữa vẫn có thể níu kéo chúng ta. Trong trường hợp đấy thì trò này vẫn khơi dậy một tình yêu rất lớn.

Phương pháp nói vào tai khiến họ cảm giác một lời nói dịu dàng trấn an mọi sợ hãi, và khi chúng ta thì thầm vào tai họ – giống như một nàng tiên hoặc một chàng hoàng tử nói vào tai một cô gái, cái cách mà hoàng tử ghé xuống Bạch Tuyết nói “Anh yêu em” rồi hôn “chụt” một cái, đấy là tất cả sự chung tình, tất cả việc sánh bước, tất cả niềm tin, không còn gì để nói.

Còn về món quà, đấy là một nghi lễ, khi họ mở món quà ra, họ chấp nhận sự giải phóng, họ chấp nhận rằng cần phải để cho người kia một không gian riêng, và từ đó hãy nhớ là sau đấy những không gian riêng của bạn đều được tôn trọng. Đấy là một sự giải phóng, chúng ta giải phóng những quan hệ ra khỏi những nhà tù của nó, chúng ta để cho nó một khoảng trống để mỗi người đều là mình, để không ai xâm phạm bản sắc của người còn lại. Và sau đấy chúng ta sẽ tự tin trong mối quan hệ. Bởi vì trong một mối quan hệ như thế, nếu anh ta/cô ta sợ hãi và kiểm soát, thì chúng ta sẽ rất mệt mỏi. Nhưng ngược lại, hãy nhớ là mỗi người đều sợ hãi và kiểm soát người kia và đều muốn sở hữu người kia.

Chúng ta cũng thế, sau trò này, khi bạn chứng kiến họ thì bản thân bạn cũng không còn gìn giữ họ như trước, bạn không cố gắng kéo họ vào một thứ lụy tình như trước, và bạn luôn luôn ý thức rằng bạn đang sợ hãi hay kiểm soát. Điều quan trọng nhất là chính bạn nhận ra điều đó. Điều quan trọng thứ hai là bạn giải phóng mình ra khỏi những điều đấy. Và điều quan trọng thứ ba là bạn trở nên thực sự tự tin ở trong một mối quan hệ. Dù anh ta thế nào, bạn có thể đau khổ, nhưng bạn không trở nên bi lụy – đấy là mấu chốt.

Việc đợi sau sáu tiếng mới nhắn tin lại cũng gần giống như trong trò kì quặc với anh em - đó là chúng ta đợi chất độc tụ vào rồi mới chích kim. Nhưng ở đây là rất nhiều cánh cửa tiêu cực mở ra, chúng ta chờ nó bức ra thành những cơn sóng. Giai đoạn trước các cánh cửa tiêu cực được tích lũy và bức ra thành một lớp tâm lí rồi, giờ chúng ta chờ nó trào ra, chúng ta vắt tất cả những cái tiêu cực đấy ra, xem nó chảy ra từ đủ nguồn khác nhau.

Sáu tiếng đấy về căn bản họ sẽ nhắn đủ thứ bậy bạ trên đời. Nếu chúng ta cho họ chờ 12 tiếng? Ồ, kinh khủng lắm. Những người đã trải qua 12 tiếng hoặc hơn thường nói nó giống như một ngày rất dài, họ rất đau khổ, rất vạ vật, không thể làm được gì, họ rất bế tắc. Bỗng nhiên người yêu trong trạng thái im lặng suốt nhiều ngày. Sáng hôm đấy anh ta nhắn tin, anh ta cứ chờ đợi cả ngày, anh ta bải hoải, không thể làm gì được – trạng thái của người tù bị biệt giam: Không thể làm gì nổi, không thể nghĩ gì nổi. Dù ai đưa đến việc gì anh ta đều làm một cách rất hờ hững vạ vật, và luôn luôn thắc mắc – một thứ hoài nghi trong đầu không thể dừng lại nổi. Đây là một trò kì quặc rất tuyệt vời, nó giải phóng người ta khỏi nỗi sợ trong tình yêu.

Hãy nhớ rằng mục tiêu của mọi trò kì quặc đều là giải phóng bạn khỏi những sự cầm tù, định kiến ở trong mối quan hệ đấy. Những định kiến này đến từ những năng lượng tiêu cực, từ những sự đố kỵ, từ sự tham lam, từ mong muốn sở hữu, thậm chí cả những mong muốn hủy diệt.

*********

Trích KÌ QUẶC ĐỂ TỰ TIN - OOPSY

  • Đây là cuốn sách thứ 8 của nhóm tác giả OOPSY. Cuốn sách bày bạn cách áp dụng những trò kì quặc tâm lí để thật sự tự tin – điều mà chúng ta chưa từng được học. Tại sao lại là tự tin? Bởi vì không tự tin chúng ta còn có thể có gì, chỉ có một đời thoi thóp, bất an, không thể thanh thản, tự tại.
     
  • Cuốn sách dẫn đắt người đọc đi qua 4 giai đoạn của sự tự tin: bậc thầy thích nghi, vượt qua sự hãi, vượt qua đố kị, ung dung tự tại. Mỗi giai đoạn lại có các trò kì quặc khác nhau ứng với các mối quan hệ khác nhau. Trong khi phân tích và trình bày cách thực hiện các trò kì quặc, tác giả cũng làm rõ những sự thật tâm lí ẩn giấu sau các mối quan hệ thường ngày của chúng ta.
     
  • Trải qua hết con đường đi cùng bậc thầy kì quặc bạn sẽ trở nên trí tuệ, bản lĩnh và có được sự bình yên trong tâm hồn.

Một cuốn sách thực tế, hướng dẫn bạn cách hành động để có lại một đời đáng sống


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147