Trang chủ Blog Sống khỏe

Cách để CẢM NHẬN được người khác đang buồn hay đang vui, đang cười hay đang khóc chỉ qua MỘT ÁNH MẮT

By: OopsyAdmin, 2020-05-18 12:43:12

ĐÔI MẮT HÉ LỘ NHỮNG SỰ THẬT TÂM LÍ VẪN ẨN GIẤU BẤY LÂU CỦA CON NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

1. Làm sao để chúng ta ở ngay giữa cuộc đời mà nhìn thấu cuộc đời – chỉ có thể dùng mắt. Mắt thấy được mọi cái xấu của cuộc đời. Mắt thấy được mọi sự tồn tại của cuộc đời. Tai thấy được mọi cái đẹp, mắt thấy được mọi cái xấu

2. Đôi mắt thực ra luôn luôn dùng để nhìn cái xấu. Đó là lí do người nào tinh mắt thì trong lòng người đấy hoặc là luôn khinh bỉ cuộc đời, nếu không thì cũng hay chê bai hoặc ngờ vực người khác.

Người càng lõi đời, càng hay ngờ người khác, càng dễ nhìn ra cái xấu, cái ẩn giấu trong lòng người khác. Mắt ai càng sáng càng tinh thì càng dễ sinh ra thù ghét, bực bội người khác

3. Do cái tính chất thu ảnh vào mắt, lại do cái tính hay nhìn ra cái xấu, nên đôi mắt này vừa muốn sở hữu những gì nó thấy, lại vừa muốn hủy hoại những gì nó thấy. Giống như một đứa bé, nó chưa có nhận thức, nó bộc lộ một bản năng thế này: Nhìn thấy gì thì vơ liền vào, càng bắt mắt càng vơ lấy, rồi cắn, nhai, nuốt, không được thì vứt đi, lại tìm thứ khác, lại nhai, lại vứt

4. Nói cho đúng, bản năng phá hoại có trước bản năng sở hữu – đó là nói rất đúng theo lối phân tâm học. Cái bản năng chết (thanatos) có trước. Cái gì có trong mắt thì đầu tiên là ta muốn hủy hoại, và thứ hai mới đến sở hữu, tức là biến nó thành của mình. Hủy hoại là phá bỏ cái ban đầu của nó. Còn làm thành một phần với mình gọi là Sở, Hữu là Có. Tức là vừa muốn có nó, vừa muốn nó thuộc về một phần của mình. Muốn làm như thế, bạn biết đấy, nguyên tắc đầu tiên là phá hoại, chỉ có phá hoại một thứ mới biến nó thành của mình được. Tâm sở hữu rất đáng sợ là vì thế

5. Tâm sở hữu về căn bản làm chúng ta vô cùng bạc nhược. Đến một hòn đá mà chúng ta còn không sở hữu nổi, thì thử nghĩ chúng ta sở hữu một con người thế nào?

Đều là tự tưởng tượng ra, tự huyễn mình như thế, tự đau khổ, tự mệt mỏi. Tâm sở hữu là tâm đánh bại mọi thứ...

Tất cả những cái xấu đấy, nếu như loại bỏ được, tâm trí chúng ta sẽ sáng suốt, tinh thần nhẹ nhàng, thấu suốt được nhiều việc

Tất cả bắt đầu từ việc trải qua luyện MẮT SÁNG NHƯ SAO, SẮC BÉN NHƯ DAO!

 

Bài luyện đầu tiên là NHÌN 120 ĐỘ: ĐÔI MẮT DÕI THEO ẤM ÁP

Bạn hãy tưởng tượng, bài tập diễn ra thế này. Đầu tiên chúng ta phải chọn một đám rất đông người. Họ có thể là một lớp đang đi chơi, đi du lịch ở đâu đấy, trong Bảo tàng Dân tộc học chẳng hạn, hoặc có thể họ đang ngồi trong một quán nước rất đông. Lúc ấy rất nhiều người, nhưng chúng ta chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất, và quan sát sao cho chúng ta nhìn thẳng vào họ. Sau đấy chúng ta rời bỏ vị trí, chúng ta đi lại, cúi mặt xuống rồi quay đi... Bất kể hành động gì, chúng ta đều luôn luôn đang theo dõi họ. Bạn hiểu chuyện này không?

Theo dõi ở đây có hai mức, một là “theo,” tức là họ cử động ra sao chúng ta đều biết cả. Hai là “dõi,” tức là nhìn từ đằng xa lại. Đây là một trong những kỹ năng rất quan trọng khi điều tra đối tượng

Ví dụ, một người đuổi theo một đối tượng trên đường, anh ta phải nhìn xem đối tượng này đang đi thế nào, đang đi ở đâu. Anh ta phải liệu chừng họ định rẽ trái hay rẽ phải, phải bám theo đối tượng đấy. Và sau đó, rất nhanh, anh ta phải có một bản ghi chép trong đầu xem đối tượng này chạy theo hướng nào. Trong bài luyện mắt của chúng ta, việc theo dõi này diễn ra trong một không gian được co gọn lại, chẳng hạn như trong Bảo tàng Dân tộc học. Đấy là một không gian được khép kín, nên khi theo dõi đối tượng và lấy thông tin từ đối tượng, đối tượng đấy chỉ quanh quẩn trong không gian đó thôi. Còn ở các không gian mở quá thì chúng ta không theo dõi được. Cho nên, có một đặc tính ở đây là khi chúng ta theo dõi một đối tượng thì chúng ta phải đóng kín không gian có đối tượng đấy

Ví dụ, anh chàng kia theo dõi một người từ nhà người đấy đến trường học, đấy chính là một không gian khép kín. Làm như vậy, đôi mắt chúng ta gắn liền với không gian đấy, và trong suốt quá trình anh này theo dõi người kia từ nhà đến cơ quan hoặc từ nhà đến trường, đều là con mắt của chúng ta đang ở trong không gian đấy mà vận hành, nó sẽ rất chủ động. Nhưng nếu anh ấy không biết người kia đi đâu thì sao? Thì dù người ấy chỉ đi từ nhà ra quán mua thuốc lá, anh ta cũng không thấy được. Điều đầu tiên của trò này là: Khi theo dõi một đối tượng, chúng ta phải gắn đối tượng đấy vào bên trong một không gian. Nếu không đóng khung được không gian này thì chúng ta chịu, không theo dõi được.

Ví dụ, một anh sếp ở trong công ty muốn theo dõi một nhân viên bên dưới thì anh ấy phải đặt người đó ở đâu đấy trong công ty. Anh ấy phải nhìn, chẳng hạn: “Chắc cô này đang ở dưới nhà ăn, hoặc cô ta lên tầng trên, hoặc cô ta ra sân.’’ Tất cả những suy đoán đó, ở dưới nhà ăn, trên tầng hay ra sân, có nghĩa là gì? Đấy chính là theo dõi. Khi anh ấy đã khóa chặt nhân viên này trong không gian của công ty, thì tính kiểm soát của đôi mắt và tính theo dõi, lấy thông tin sẽ đưa con người ta vào một trạng thái vô tình với đối tượng. Đó là trạng thái theo dõi, tức là nhìn từ xa, luôn luôn để tâm, thỉnh thoảng mới nhìn một chút

Quay trở lại cách luyện của chúng ta. Chúng ta theo dõi một đối tượng bất kỳ. Thường nên là một đối tượng khác giới tính, như thế luyện rất dễ. Tại sao lại thế? Bởi vì đôi mắt mang bản tính thích chiếm hữu. Cách nó thích nhất là bắt đầu truy tìm, truy sát những đối tượng khác giới. Kể cả đối tượng khác giới không hợp nhãn thì vẫn rất dễ theo dõi, còn cùng giới thì đôi mắt này thường từ chối theo dõi

BỐN BƯỚC DÕI THEO, ÁNH MẮT ĐEO ĐẲNG

Tai có thể nghe người cùng giới, nhưng mắt chỉ muốn thấy người khác giới thôi. Cho nên, đầu tiên chúng ta hãy tập trung vào một đối tượng khác giới, và chúng ta bắt đầu theo dõi. Có bốn trạng thái theo dõi thế này, hãy nhớ kỹ thứ tự của chúng:

1/ Đầu tiên là chúng ta cố gắng NHÌN THẲNG mặt và ghi nhớ gương mặt này

Chúng ta phải làm sao ghi nhớ đến mức mà khi nhìn nghiêng, chúng ta cũng cảm giác được từng góc cạnh của gương mặt ở các góc độ khác nhau. Giống như trong đồ họa, chúng ta vẽ ra một gương mặt, sau đó chúng ta vẽ góc nhìn bên trái, bên phải, gọi là góc nhìn 180 độ của gương mặt đấy, giống như làm sách tranh – bước đầu tiên là nhìn thẳng

2/ Bước thứ hai là chúng ta phải NHÌN Ở SAU GÁY, chúng ta nhìn cái khuôn đầu

Bởi vì thường thì cái nhìn trước mặt giúp ta thấy được khuôn mặt nhưng không thấy được khuôn dáng đằng sau, chúng ta không thấy được mái đầu của người ta. Và thường là đằng sau trông rất khác đằng trước. Đấy là một quy luật cấu tạo thân thể con người, nhìn từ đằng sau khác hẳn đằng trước, và không thể tưởng tượng đằng sau là một gương mặt được. Cho nên, sau khi đã nhìn đằng trước, chúng ta nhìn đằng sau và chúng ta bắt đầu có một tưởng tượng. Chúng ta phải cố gắng hình dung được cái đầu người đấy xoay từ trước ra sau. Giống như chúng ta chọn một đối tượng, chúng ta lia máy quay một vòng tròn từ đằng trước ra đằng sau. Nó giống như đặt người đấy vào trong một vị trí, nhìn 180 độ

Ví dụ, hãy thử nhìn một người, bạn nhìn đằng trước và đằng sau người này. Bạn thử nhắm mắt trong một phút, hình dung ra mặt người này nhìn từ đằng trước, sau đó giống như lia camera 360 độ xung quanh người này. Bạn có thấy không? Nói đến có thể thấy luôn đúng không? Tốt rồi. Giờ hãy coi như chúng ta đang quan sát một người. Thực ra thì bài tập này phải thực hành ở trong đám đông, Bây giờ chúng ta hãy thử hai bước đầu tiên

Ví dụ, bạn theo dõi một người, người này đang đi đến một điểm mốc ở phía trước rồi quay trở về, bạn đừng nhìn theo người ấy. Hãy thử tưởng tượng bạn đang dõi theo người ấy, nhưng đừng nhìn, bạn vẫn thấy người ấy đang đi, tiến dần ra điểm mốc đấy. Bạn có cảm giác được khung cảnh người ấy tiến đến điểm mốc rồi chuẩn bị quay về không? Không nhìn người ta, thế nhưng vẫn dõi theo người ta, chính là luôn luôn cảm giác được. Bạn có cảm giác được có một sự tương ứng giữa mắt mình, tâm mình với sự di chuyển của người ấy quay trở về không? Giờ hãy tiếp tục hình dung gương mặt người ấy. Bạn có cảm giác được gương mặt đấy đang trông như thế nào không? Người ấy đang cười hay không cười, bạn có hình dung ra không? Đây chính là không gian dõi theo

Chúng ta sẽ thấy là chúng ta có thể hình dung được gương mặt ấy, dù ở đâu chúng ta cũng nhìn thấy, chỉ cần khóa kín lại trong một không gian, chúng ta hình dung trong một không gian. Tức là, khi chúng ta nhìn theo người ấy, chúng ta phải nhìn như đôi mắt của camera. Chúng ta giống như từ một góc chụp, có một con đường từ điểm người ta đang đứng đi đến điểm mốc và quay trở lại, và chúng ta chỉ nhìn đúng như thế thôi. Bạn hiểu đôi mắt này không? Đấy là hai bước đầu tiên

3/ Bước thứ ba nhìn về người kia, là chúng ta hình dung ra cái ĐẦU này gắn với một cái THÂN

Chúng ta hình dung ra một dáng người, chúng ta hình dung gương mặt và dáng người này luôn luôn đồng nhất với nhau. Bởi vì, khi chúng ta nghĩ đến một người đang di chuyển, chúng ta có một cảm giác là kể cả khi chúng ta nhìn từ sau lưng họ, chúng ta vẫn thấy trước mặt họ. Bạn hiểu cái hình dung này trong đầu không? Bạn thử nhắm mắt hình dung lại người kia xem, nhìn từ đằng sau lưng người ấy nhưng lại cảm giác đang thấy mặt người ấy. Đây là một trong những khả năng của đôi mắt, khi đã gặp một người rồi, hình ảnh họ vẫn tồn tại trong não bộ chúng ta, có điều là người ta có ý thức được hay không mà thôi.

Bạn có thấy không?

Chính là như thế!

Khi chúng ta nhìn dõi theo dáng của một người, hãy tưởng tượng người ấy đi lại, quay lưng để bạn nhìn lại dáng của họ. Bạn hãy quan sát dáng của người ấy. Giờ bạn thử nhắm mắt hình dung ra cái dáng từ đằng sau. Khi chúng ta nhìn từ đằng sau người ấy, chúng ta vẫn cảm giác được là gương mặt ấy đang tồn tại. Về căn bản là chúng ta luôn luôn nhìn một người ở góc độ mà gương mặt của người đấy xuất hiện. Khi chúng ta nói đến một người, lập tức khuôn mặt đấy xuất hiện. Khi chúng ta nhìn đằng sau một người, chúng ta thấy gương mặt đấy xuất hiện. Luôn luôn là một gương mặt xuất hiện. Nên đôi mắt dõi theo của chúng ta là hướng đến gương mặt. Quay trở lại ví dụ về anh sếp tìm người nhân viên của mình. Anh ấy chạy từ phòng làm việc ra, hỏi nhân viên ấy đâu, nhưng anh ta không hình dung được cô ấy mà chỉ cốt đang tìm cô ấy. Trong khoảnh khắc, khuôn mặt của cô ấy hiện ra. Khoảnh khắc đó, đôi mắt anh sếp vừa có thông tin là cô ấy đang ở đâu rồi, nhưng anh ấy lại để nó vụt qua, anh ta chỉ nhìn xung quanh rồi hỏi “Cô A đâu?” Đôi mắt anh ta không còn dõi theo người ấy nữa cho dù trong tâm trí vẫn đang tìm theo. Thế thì, lúc đấy anh ta sẽ không tìm ra được cô ấy. Anh ta sẽ cảm giác có một khoảng cách rất xa với cô ấy, cho dù cô ở ngay dưới tầng một, anh ấy trên tầng hai. Bạn hiểu điều này không? Luyện mắt khá khó đấy. Chúng ta phải hiểu, bình thường, nguyên tắc vật lí của đôi mắt này, của mắt thường, là khi chúng ta nghĩ đến bất kỳ ai thì gương mặt người đấy hiện ra và thông tin về người đấy cũng hiện ra theo. Thế nhưng, file thông tin này muốn mở ra thì trong khoảnh khắc nó vừa hình dung đến gương mặt và dáng người của người đấy, nó phải dừng ngay ở đấy. Các thông tin bắt đầu lần lượt xuất hiện: Đang khoảng ở đâu, ở gần hay ở xa, đang tốt hay xấu, có đang gặp chuyện gì hay không… – mọi thông tin sẽ hiện ra vào lúc đó

Thế nhưng, bởi vì khi tìm trong thực tế, chẳng hạn anh sếp kia ngó vào chỗ cô nhân viên ngồi không thấy cô ấy đâu, anh ta chỉ thấy cái ghế cô ấy ngồi, vậy thì cái ghế xuất hiện thay thế cô ấy. Rồi anh sếp ấy lại ngó sang

bên cạnh thấy một nhân viên khác đang ngồi, ngó sang chỗ khác lại thấy người khác nữa. Vậy là, anh ta không thấy nhân viên mà anh ta muốn tìm nữa rồi, đúng theo nghĩa đen là anh ta không thấy mặt người ấy đâu cả. Và khi anh ta đã không muốn thấy mặt người ấy nữa thì anh ta thấy người ấy kiểu gì? Bởi vì chúng ta luôn luôn thấy mặt; chúng ta phải nhớ là vạn sự ở trong cuộc đời này đều kết nối lẫn nhau. Trong khoảnh khắc đấy, chúng ta lại phải hình dung về gương mặt người kia. Đáng lẽ anh ta chỉ đi tìm mặt cô nhân viên ấy thôi, trong đầu xuất hiện đúng mặt cô ấy, nhưng anh sếp này lại bắt đầu đi tìm tất cả mọi người. Khi chúng ta theo dõi một người, chúng ta phải hình dung được dáng họ, và cái dáng ấy gắn liền với khuôn mặt

4/ Thứ tư là, theo dõi một người thì luôn luôn KHÔNG Ở TRƯỚC MẶT người đấy

Ở trước mặt thì không gọi là theo dõi mà gọi là trực diện đối đầu, là nhìn thẳng vào mắt rồi. Chúng ta theo dõi khi chúng ta đứng cách họ một góc. Ở đây góc theo dõi là góc 120 độ

Ví dụ một người đang đứng, góc 120 độ của người đó là góc nào?

Việc xác định góc rất quan trọng, và trục gốc để tính góc là thế này: Trục 0 độ tính từ cánh tay trái – từ bên của trái tim. Tay trái giơ sang ngang, đó chính là góc 0 độ. Như thế, tay để trước mặt là góc 90 độ, bên phải là góc 180 độ, chếch ra đằng sau là 240 độ

Tại sao lại căn cứ vào tay trái? Vì lấy trái tim làm gốc. Nhìn như thế này rất tốt, về sau quen, nhìn một người, ta sẽ để ý ngay đến cử động tay trái – tay phải của họ: thuận tay nào, từng tay cử động ra sao… Nó khá quan trọng đấy, bạn quen rồi sẽ thấy ngay

Theo cách trên, bạn xác định được góc 120 độ rồi chứ?

Nhưng hãy nhớ, ở bài luyện này, không phải họ đứng vào góc 120 độ của ta, mà là ta phải đứng vào góc 120 độ của họ

Bạn tưởng tượng, muốn theo dõi được người này thì ta phải đứng ở góc 120 độ của họ (chếch bên tay phải của họ) để theo dõi. Không nên theo dõi từ đằng sau, mà luôn luôn phải theo dõi ở một góc khoảng 120 độ. Đây là góc theo dõi một người tốt nhất, luôn luôn ở góc đấy, luôn luôn có thể vừa thấy mặt, vừa thấy dáng cùng một lúc.

Bước thứ ba là chúng ta đang hình dung một người. Sau khi chúng ta quan sát họ từ trước đến sau, chúng ta hình dung dáng người đấy với khuôn mặt họ ra sao. Bước thứ tư là chúng ta đứng ở góc 120 độ. Ví dụ, người này đang ngồi một chỗ, chúng ta theo dõi họ ở góc 120 độ là khoảng mà chúng ta cảm thấy rõ nét nhất

Góc 120 độ là góc nhìn người ta rõ nét nhất, và lúc này chúng ta cảm giác đối tượng này dù đi đâu, làm gì, cũng không khuất khỏi tầm mắt ta. Ví dụ, bạn cứ thử nhìn xuống đất, bạn sẽ thấy người ấy vẫn đang hiện hữu ở trước mặt. Bạn có thấy không? Họ hiện hữu 100% ở đấy

Bây giờ, nếu người mà bạn theo dõi đang di chuyển, họ đi một vòng, đi qua một chỗ xong vòng lại, thế thì bạn phải làm gì? Bạn cứ hé mắt nhìn theo người ấy, cứ nhìn theo ở góc khoảng 120 độ, vẫn luôn luôn như đang ở góc 120 độ đấy. Đến bước thứ tư này thì chúng ta luôn luôn đang nhìn người ấy từ góc độ giống như một đôi mắt đang bay ở bên cạnh họ mà nhìn họ.

Bạn cảm giác đang nhìn xiên, cho dù người ấy đi thẳng lại phía bạn chăng nữa. Bạn hiểu cảm giác này không? Và khi chúng ta đã luyện được điều này rồi thì không ai ra khỏi mắt chúng ta cả, ai cũng đang ở trong tình trạng được theo dõi – chúng ta nhìn họ ở góc 120 độ.

Nhưng nếu không trải qua đủ ba bước – nhìn trước, nhìn sau, hợp nhất trước với sau – thì đến lúc này, chúng ta không thể nhìn được ở góc 120 độ. Và lúc này thì một người đã hoàn toàn bị thâu tóm ở trong chúng ta rồi.

TA CÓ GÌ TRONG MỘT ÁNH MẮT, VÀ LÀM SAO ĐỂ KHẮC GHI MỘT GƯƠNG MẶT?

Trạng thái mà người thường không lí giải nổi: thần giao cách cảm

Bình thường đôi mắt vẫn làm như thế: Đôi mắt vẫn nhìn trước và nhìn sau. Nhưng nếu đôi mắt không trải qua ba bước kia thì nó không bao giờ có hình dung đầy đủ về một người. Chẳng qua là một người chúng ta gặp nhiều quá rồi, đã trải qua đủ ba giai đoạn mà chúng ta không biết. Lúc thì ngồi sau người đấy, lúc thì ngồi trước, lúc thì ngồi chéo người đấy, lúc thì phải đi tìm người đấy ở trong một căn phòng nhỏ, trong một căn nhà hoặc trong một khu nào đấy. Chẳng hạn, ta đi tìm: “Đâu rồi, Hằng đâu rồi!”, thì chúng ta dần dần ghi nhớ bạn Hằng đó mà không biết. Bạn hiểu điều này không?

Nên chúng ta có một trạng thái mà người thường không lí giải nổi: thần giao cách cảm. Tại sao “thần giao cách cảm”? Là bởi vì bố mẹ nhìn con cái hàng ngày, người yêu nhìn nhau hàng ngày đã rõ được dáng hình, hình thành con mắt theo dõi rồi. Cho nên, đến lúc người kia gặp chuyện gì, bằng đôi mắt dõi theo, bố mẹ cảm giác được đứa con đang tồn tại ở ngay đấy, ở đâu đấy, đang gặp chuyện gì đấy; hoặc chúng ta cảm giác là anh em mình đang gặp chuyện gì; hay người yêu mình gặp chuyện gì. Tức là lúc đó có một linh cảm rất khó chịu ở trong lòng, giống như có ai đang chen vào trong đấy. Nó giống như đôi mắt camera, đôi mắt này là đôi mắt camera, nhìn, bắt họ vào bên trong khuôn hình của mắt, đến lúc có ai đang làm gì trong căn nhà, động đậy một cái chúng ta rất khó chịu, lập tức đứng lên xem có chuyện gì rồi. Đấy chính là “thần giao cách cảm” mà người ta rất khó giải thích. Nhưng đôi mắt của chúng ta luôn luôn dõi theo như thế

Bình thường khi chúng ta nói yêu thương một người, thương nhớ một người, thực ra bảo hình dung ra người đấy rất khó, đúng không? Chỉ nhớ được là “Hôm nay, hôm kia thế này thế kia…” Ta chỉ nhớ được sự kiện thôi, rồi hình ảnh trôi đi, là bởi vì chúng ta không thật sự dõi theo một người nào cả.

Ví dụ như một người chỉ yêu một cô gái vì xinh đẹp, thì anh ta chỉ thấy trước mặt cô ấy thôi. Trông cô ấy mũm mĩm, trông cô ấy xinh tươi, trông cô ấy đẹp, cầm bàn tay cô ấy thấy mát rượi. Tay chỉ nhớ được những cảm giác ấy. Nếu bảo hình dung về cô ấy thì không nhớ ra được, không biết cô ấy đang làm gì, không có một mối liên kết

Thế nên tình yêu thời hiện đại thiếu sự quan tâm chăm sóc. Chăm sóc là thế nào? Chăm sóc tức là nâng đỡ người ta, tức là từ bên cạnh mà nâng, luôn luôn đứng ở bên cạnh mà nâng người ta, thì ánh mắt luôn luôn nhìn từ góc 120 độ của họ, hướng đến họ, họ luôn luôn thấy con mắt đấy. Hoặc là nhìn từ đằng sau (chăm sóc tức là nâng đỡ từ đằng sau), hoặc là nhìn từ đằng trước, thì từ đằng trước nhìn ra đằng sau này luôn luôn đang thấy con người này tồn tại. Và đấy mới chính là sự dõi theo, sự quan tâm, sự chăm sóc thật sự

Còn con người bình thường, nhất là trong thế giới hiện đại, chỉ nhìn mặt nhau, chỉ cố gắng có thân xác của nhau, cố gắng đòi hỏi tranh cãi nhau, và chia tay nhau cũng rất dễ. Bởi vì họ có gắn bó với nhau theo kiểu đấy đâu, đúng không?

Nên bình thường ở trong mối quan hệ, nói chân thành thì dễ, để thật sự chân thành với nhau thì rất khó. Chúng ta không có khả năng hình dung đầy đủ về một người, không có khả năng dõi theo một người thì chẳng có sự chân thành nào ở đây cả. Chúng ta chỉ có dục vọng

Hình ảnh nào khiến chúng ta xúc động nhất?

Hình ảnh xúc động nhất khi chúng ta hồi tưởng về một người là gì? Đi trên đường thấy dáng một người, “Nhác trông dáng ai đấy tưởng là dáng em,” chạy lên, kéo giật lại hỏi “Em à!”, nhưng quay lại thì không phải là “em.” Quan tâm thật sự người ta phải như thế. Còn người nào muốn chiếm hữu ấy mà, chỉ đơn giản là họ dùng bàn tay, họ ôm, họ nắm, họ cầm, họ xé, họ bóp... – tất cả những hành động này chỉ là bàn tay thôi, và chỉ là thỏa mãn dục vọng của người ta thôi, nó không phải là quan tâm thật sự.

Nên khi bạn gần một họa sĩ, một người có thói quen vẽ tranh cảnh tĩnh vật từ các góc độ, hoặc là một thợ nhiếp ảnh thích chụp mọi người từ các góc độ, bạn có cảm giác rất ấm áp. Tại sao trong quá khứ lại có những người khỏa thân cho họa sĩ vẽ, và sau này là những người chụp ảnh nude? Những người đầu tiên ấy không phải người nghèo, không phải là những người mẫu, mà toàn người giàu. Họ thích cảm giác được quan sát từ nhiều góc độ. Bởi vì lúc đấy lần đầu tiên họ có cảm giác được một người dõi theo. Cảm giác đấy hết sức ấm áp

Cảm giác có một người dõi theo mình rất đỗi ấm áp. Lúc thì nhìn thẳng người ta, lúc thì đi sau người ta, lúc thì nhìn chéo, nâng đỡ người ta bên cạnh. Và thế, chỉ cần người ta nghe thấy giọng mình thôi, người ta cảm giác được quan tâm rồi. Luôn luôn người ta có một cảm giác như thế.

Một đôi mắt dõi theo cũng giống một chiếc camera. Tất nhiên, khi có một cái camera chĩa vào người thì rất khó chịu, nhưng khi có một đôi mắt dõi theo thì hết sức an toàn, hết sức ấm áp. Người ta có thể nói rằng bản thân không còn cô độc nữa. Đôi mắt dõi theo này giúp cho người ta không còn cô độc.

Bằng cách luyện đôi mắt như vậy, chúng ta xa rời được tâm sở hữu. Đôi mắt này giúp ta không còn sở hữu người ta nữa. Đôi mắt này nhìn rõ chân tướng, chân diện – cái mặt thật của một người. Mặt thật của một người bao gồm gương mặt và vóc dáng. Khi nhìn vóc dáng với gương mặt được rồi, có thể dõi theo người đấy rồi, chúng ta đang nhìn ra được cái thật ở trong họ.

Nếu lắng sâu hơn vào phương pháp nhìn này, bạn sẽ thấy là dần dần bạn cảm nhận được trong lòng người ấy đang có gì, đang suy nghĩ gì, đang buồn hay đang vui. Đấy là những điều mà chúng ta gọi là chân-thành, theo nghĩa đen. Tức là lòng thành đã tựu thành được thật tính của nó. Lòng vừa thật vừa thành, đúng không?

Từ góc 120 độ này bạn có cảm nhận được họ đang buồn hay đang vui, đang cười hay đang khóc hay không?

Nhắc lại với bạn, góc 120 độ là tính so với người chúng ta theo dõi thế này: Ví dụ người này nhìn thẳng, tay trái là 0 độ, trước mặt là góc 90 độ của họ, từ góc 90 độ này thêm 30 độ nữa là góc 120 độ.

Theo một nghĩa rất “tinh thần,” người được ta theo dõi ở góc 120 độ này đã gắn chặt với sự theo dõi của chúng ta rồi. Cho nên có một điều rất lãng mạn trong quá khứ người ta hay nói: “Anh sẽ luôn theo sát em” – nghĩa đen đấy.

Khi ta nghĩ đến một người mà hình dung về người ấy trọn vẹn, tưởng tượng được về người ấy, đó chính là Thiền ngay trong suy nghĩ. Tuyệt mà, đúng không?

Lưu ý bạn một chút, kỹ thuật khóa không gian (bạn vẫn còn nhớ chứ!?) dùng trong giai đoạn đầu. Tức là nếu không có phương pháp khóa không gian này thì giai đoạn đầu chúng ta sẽ không thể hình dung nổi về người ta, và sẽ không thể theo dõi nổi người ta. Nhưng sau khi tách ra khỏi giai đoạn này, tức là đến giai đoạn thứ tư – 120 độ – thì về căn bản chúng ta đã luyện thành sự dõi theo ấy rồi, chúng ta tách họ ra, chúng ta vẫn đang thấy họ

Bởi vì thực ra đôi mắt của chúng ta không phải là nhìn con người đấy với không gian đấy. Đôi mắt này, với sự kết nối với người khác này, cũng như tất cả những sự kết nối về tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý,1 rốt cục là gì? Rốt cục chỉ để chuyển những thông tin từ một người sang một người còn lại. Bạn hiểu điều này không? Tất cả giống như một bộ Receptor, tai-mắt-mũi-miệng-thân-ý của chúng ta cốt để tiếp nhận thông tin là chính. Cho nên đến lúc kết nối với người kia xong thì bạn sẽ luôn luôn cảm nhận được tâm trạng người ấy. Ví dụ, bạn thử nhắm mắt lại, hình dung ra người mà bạn theo dõi. Bạn vẫn thấy góc 120 độ của họ chứ? Từ góc 120 độ này bạn có cảm nhận được họ đang buồn hay đang vui, đang cười hay đang khóc hay không?

Nếu có bạn đã kết nối được với tâm lí họ rồi, đã luôn luôn theo sát được họ rồi.

Tất nhiên, làm sao để biết chắc là theo sát được một người? Thường việc hình dung một người ở góc 120 độ này kéo dài được hơn năm phút là chúng ta đã thành công rồi. Ví dụ chúng ta nhắm mắt trong năm phút vẫn thấy được người đấy liên tục thì chúng ta đã viên thành rồi. Nhưng điều này rất khó, có những người chỉ kéo dài được hai phút là họ đã từ bỏ rồi – tức là họ chỉ thấm được sâu một phần thôi. Năm phút đấy giống như một thời, một khắc, một tí tẹo. Thế nhưng năm phút đấy cũng có nghĩa là chúng ta đã hình dung-tưởng tượng, đã quán-chỉ theo người đấy rồi

Chọn ai và thời gian bao lâu để luyện thành đôi mắt mang đặc tính dõi theo ấm áp?

Khi luyện trò này, chúng ta nên chọn người xa lạ. Sau khoảng năm người là chúng ta thành công rồi đấy, có đôi mắt dõi theo rồi

Thời gian để luyện với một người như thế sẽ rơi vào khoảng nửa tiếng

Khi đôi mắt này đã luyện thành, đôi mắt bắt đầu mang đặc tính dõi theo rồi – nó đang từ bỏ các đặc tính sở hữu để trở thành đặc tính dõi theo – thì sau khi viên thành đặc tính ấy, nó nhìn từ góc độ nào cũng làm người ta rất ấm áp. Từ góc 120 độ này, cứ nhìn người ta thì họ lập tức cảm thấy ấm áp, bởi vì nó đã luyện thành một bản năng mới rồi. Sau năm người chúng ta sẽ có bản năng này của đôi mắt, rất dễ dàng, và nó mới chỉ là mức độ yêu thương của cuộc đời thôi. Người ta gọi đôi mắt này là “Đôi mắt trân trọng.”

Một ngày nào đấy, bạn hẹn gặp một người, đang ngồi đối diện với người ấy, tự dưng bạn ngồi nghiêng nghiêng sang nhìn họ một cái, kiểu như tựa tay nhìn, thì góc hơi chéo 120 độ ấy làm cho người ấy thấy rất ấm áp.

Luyện bước này chỉ cần đủ năm người và không cần phải trong 100 ngày liên tục. Mỗi lần đi tìm một người ở một nơi nào đấy. Luyện xong chúng ta sẽ có đôi mắt ấm áp, đôi mắt trân trọng. Điều này quá đỗi quan trọng trong cuộc đời, phải không?

Nếu bạn thắc mắc lúc nhìn 120 độ có cần nhắm mắt không thì câu trả lời là không cần đâu nhé. Bạn cứ nhìn 120 độ, xong bắt đầu mở mắt ra, ngắm phần này, ngắm phần kia, cho đến lúc nào trong vòng năm phút liên tục vẫn hình dung-tưởng tượng thấy người đấy, gương mặt người đấy, thế là thành công rồi

Chúng ta phải chọn một đối tượng mà chúng ta nhìn từ đằng trước cho đến lúc chúng ta ghi nhớ được gương mặt họ. Chúng ta phải nhìn rất kỹ

Làm sao để ghi nhớ gương mặt?

Nguyên tắc để ghi nhớ gương mặt là chúng ta nhìn từ đồng tử của mình sang đồng tử người kia. Tức là chúng ta nhìn vào hai chấm đen, hai đồng tử của chúng ta giống như phóng chiếu vào hai chấm đen của người kia, thì lúc ấy chúng ta đang ghi nhớ gương mặt tốt nhất. Khi chúng ta đã chụp được gương mặt năm người bằng cách ấy rồi là chúng ta viên thành được bản năng này

Chỉ cần nhìn thoáng qua vào đồng tử, một phút thôi là đã xong rồi. Nhìn vào đồng tử khoảng một phút là bắt đầu ghi nhớ được gương mặt rồi. Bởi vì bạn tưởng tượng, khi nhìn vào đồng tử thế này, bắt đầu một thông tin lan ra, cấu trúc gương mặt được ghi lại lập tức đi vào trong mắt, thu vào trong mắt. Lúc đấy mắt tự động ghi chép rồi.

Nếu bạn vẫn chưa tưởng tượng ra nổi? Hãy thử nhìn vào mắt một người, nhìn vào đồng tử của họ, đồng tử sẽ tự động ghi chép, nhắm mắt lại bạn sẽ thấy. Khoảng cách nhìn khi đó thì gần hay xa cũng được, như nhau cả, đồng tử đang theo dõi rồi

Nhìn khoảng một phút xong, bạn hãy nhắm mắt lại mà xem, chúng ta sẽ thấy gương mặt ấy hiện hình trong chúng ta rất đầy đủ, rõ nét từng tí một. Nhìn vào sâu còn thấy màu da, còn thấy nốt tàn nhang, còn cảm giác được mũi trông thế nào. Bởi vì chúng ta nhìn từ đồng tử vào đồng tử là nó chụp toàn bộ gương mặt lại, nguyên tắc là như thế

Từ đằng xa chúng ta nhìn thẳng vào đồng tử họ. Nhìn thế là người ta cũng để ý chúng ta đấy. Thực ra mắt nhìn đồng tử trong hai giây là người ta bắt đầu để ý lại rồi. Cho nên nếu nhìn một phút, chúng ta phải chọn

Cái nhìn này là cái nhìn chụp lại toàn bộ khuôn diện của người ta, rất đặc biệt!

Nhìn 120 độ: đôi mắt dõi theo ấm áp, cuốn sách MẮT SÁNG NHƯ SAO SẮC BÉN NHƯ DAO | OOPSY>

Ấu thơ, mắt người ta thật trong sáng, trước sự đời đều ngạc nhiên. Có người muốn giữ mãi cái ngạc nhiên đó, thành ra cứ ấp ủ một hoài niệm ấu thơ, sống đời dang dở. Trưởng thành, mắt người ta phải sắc bén, trước mọi việc phải thấu suốt. Kẻ nào không có nổi cái nhìn thấu suốt ấy, đều phải đau tiếc cho chính đời mình, không có tương lai. Đôi mắt là một thứ não bộ! Ánh mắt là một loại tư duy! Kẻ nào chưa biết cách rèn luyện đôi mắt, thì não bộ kém phát triển. Kẻ nào chưa một lần mài sắc ánh mắt, thì tư duy cũng cùn mòn. Đừng đem đôi mắt vào những thứ giải trí trên mạng, càng thế mắt càng vô dụng!

Hãy luyện đôi mắt ấy thành vũ khi trước cuộc đời tăm tối. Dù là ai, ta đều phải có: Mắt sáng như sao, sắc bén như dao!


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147