Trang chủ Blog Sống khỏe

Khai mở tiềm năng của Miệng: Làm thế nào để Thân Tâm Ý nối liền với nhau, lưu giữ được năng lượng của cả Đất Trời?

By: OopsyAdmin, 2020-05-18 12:41:45

Tìm đọc bài luyện thứ nhất: http://oopsy.vn/blog/song-khoe/lam-the-nao-de-loi-noi-cua-ban-co-suc-chi-phoi-ket-noi-voi-moi-nguoi-va-van-vat-xung-quanh-535

 

BÀI LUYỆN THỨ HAI: LƯỠI ĐẶT HÀM TRÊN TRONG HÀNG TIẾNG ĐỒNG HỒ

Muốn giàu có phải xây kho chứa

Bài luyện 10 phút (bài luyện đầu tiên, bạn vẫn nhớ chứ? Nếu luyện đủ đi-đứng-nằm-ngồi là 20 phút) thì chủ yếu luyện theo kiểu thời khắc, nhưng bài luyện thứ hai là luyện quanh năm suốt tháng: LƯỠI ĐẶT HÀM TRÊN TRONG HÀNH TIẾNG ĐỒNG HỒ

Chúng ta có những chu kỳ trong ngày, việc luyện này để làm gì? Để chúng ta có thể tích lũy được nhiều hơn. Bài luyện 10 phút để chúng ta có thể tích lũy được nhiều năng lượng hơn, “kiếm” được nhiều “tiền” hơn để chi tiêu. Nhưng làm sao để có thể điều phối được lượng năng lượng mới này, làm sao “quản lí” được “số tiền” này? Phải có khả năng, phải có một kho chứa đúng không? Chỗ để cất tiền đấy là chỗ nào? Muốn mở rộng cái kho ấy, phải làm khóa cửa cho nó và phải gia tăng khả năng dung chứa. Nói cách khác, phải học cách nín nhịn và “ngậm miệng.” Cách thức chính là: Luyện lưỡi đặt hàm trên!

Lưỡi đặt hàm trên thường xuyên thì bụng sẽ to ra. Có rất nhiều người ngồi thiền, mà thật sự thiền, thì bụng sẽ to dần ra. Khi ngồi thiền, lưỡi phải đặt hàm trên, lưỡi luôn luôn đặt hàm trên. Càng đặt hàm trên lâu thì bụng sẽ ngày càng có xu hướng to ra. Chúng ta thấy là người nào bé tẹo, bụng không to chút nào, thì có thể kết luận ngay rằng người này bình thường lưỡi đặt ở hàm dưới (lưỡi cứ thả ra).

Như tôi, trong tình trạng không nói thì lưỡi tôi luôn luôn đặt hàm trên, nó đã thành một thói quen. Do luyện Yoga từ rất lâu và do nhiều sự rèn luyện bản thân, cùng nhiều vấn đề khác, lưỡi tôi bình thường không nói thì đặt hàm trên là đương nhiên. Đến lúc nói thì bắt đầu mới mở miệng ra, bắt đầu nó mới di chuyển giữa hai hàm. Nhưng nói xong hoặc giữa những khoảng nói thì lưỡi tôi vẫn đặt ở hàm trên. Nhìn những người nào gầy, bụng hóp lại, tôi biết là bình thường lưỡi họ đặt hàm dưới, lưỡi thả bên dưới. Bởi vì về nguyên tắc, lưỡi đặt hàm trên càng nhiều thì khoang bụng chứa càng nhiều, miệng với bụng liên quan đến nhau. Bạn đã từng nghe “no thân, ấm bụng” rồi chứ? Ăn nhiều thì to bụng, bởi vì miệng với bụng liên quan trực tiếp với nhau.

Bình thường người ta vẽ các võ tướng, một hình ảnh rất phổ biến là võ tướng thì miệng rộng, bụng to, nguyên tắc là thế. Họ không chỉ có thể phát tiết ra được rất nhiều năng lượng, tiếng giống như là tiếng sấm, như là tiếng sư tử gầm, mà bụng còn rất to lớn.

Tiếng gầm của hổ làm ta sợ rồi, thế nhưng thật ra tiếng gầm rất đáng sợ là tiếng gầm của con gấu. Bạn nghe tiếng gầm như tiếng gào, nó giống như một tiếng sét đi xuyên qua khu rừng, nghe tiếng con gấu ở đâu là người ta run như cầy sấy, người ta còn sợ hơn cả nghe tiếng hổ. Nghe tiếng hổ gầm giống như bị đe dọa thôi, nhưng nghe tiếng rống của con gấu, thì cách một khoảng rừng vẫn còn thấy rờn rợn. Con gấu bụng rất lớn, nó trữ trong người một năng lượng rất lớn, lúc nó phát tiết ra giống như nổ bùm một cái, rất khủng khiếp.

Trong đêm, những điều ta chứa giữ đều to lớn

Bài luyện lưỡi đặt hàm trên hằng ngày là để chúng ta nâng cao khả năng lưu giữ năng lượng, nhưng chúng ta nên có một thời điểm luyện. Đấy là mỗi khi bắt đầu trời sập tối – bởi vì luyện bài 10 phút lúc đầu thì nên luyện khi trời sáng, thì ngược lại, luyện lưỡi đặt hàm trên nên luyện lúc trời tối. Tốt nhất là bất kể lúc nào không mở miệng cũng lưỡi đặt hàm trên.

Người lưỡi đặt hàm trên thường xuyên thì rất ít khi phải chép miệng nhiều. Cho dù vẫn có thể khô miệng, nhưng lưỡi đặt hàm trên đảm bảo cho một luồng âm khí luôn luôn giao chuyển rất mạnh mẽ.

Hiểu một cách hình tượng, chúng ta không chỉ cần có các nhà băng, chúng ta còn cần cả dòng lưu chuyển tài chính tốt, các định chế tài chính để tiền bạc có thể trôi chảy tốt. Việc lưỡi đặt hàm trên chuẩn bị cho nhà băng của chúng ta đây, còn 10 phút kia chuẩn bị cho dòng lưu chuyển tiền bạc của chúng ta.

Bình thường chúng ta luyện bài này vào buổi tối, tức là Mặt trời sập xuống, chúng ta bắt đầu đặt lưỡi hàm trên. Chúng ta cứ chọn một giờ đi, chẳng hạn sau 7 giờ tối. Sau 7 giờ tối chúng ta bắt đầu bài luyện đặt lưỡi hàm trên, và chúng ta cứ như thế, không ăn, không uống, không nói gì, chúng ta cố gắng đặt ý nghĩ vào lưỡi đặt hàm trên.

Thật ra trong 100 ngày chúng ta ý thức được điều đó thì chúng ta đang dần dần làm chủ nó. Bởi vì, để có thể thật sự viên thành một điều gì, phải có ý thức kiểm soát và làm chủ nó. Như thế mới có thể làm chủ được luồng năng lượng trong mình, nếu không sẽ phụ thuộc vào luồng năng lượng ấy. Một ông chủ trước tiên phải ý thức mình là một ông chủ, rồi mới đến việc quản lí, điều phối nhân viên. Ông ta không làm được hai việc ấy, thì chính là đầy tớ trên ngôi cao. Việc ý thức đúng giờ theo một mốc nhất định chính là bắt đầu ý thức làm chủ được toàn bộ khâu vận hành năng lượng nội tại của mình

Nếu bình thường bạn không quen đặt lưỡi hàm trên, thì thân thể bạn rất yếu mệt, không có sức để làm việc lâu dài. Nếu không có sức làm việc lâu dài, chỉ có một cách làm bụng to lên thôi, để thân thể bạn tích lũy năng lượng, đấy là ăn thật nhiều. Nhưng nếu bạn thường xuyên đặt lưỡi hàm trên, thân thể bắt đầu mới tích lũy được năng lượng lớn, bắt đầu mới có “nhà băng năng lượng.” Còn nếu không, bạn có ở giữa bao nhiêu nguồn năng lượng quý giá, có lên được những nơi linh thiêng, thì trở về lại “nhiễm” cuộc đời như ai hết.

Nếu bạn chăm chỉ luyện được bài lưỡi đặt hàm trên, mỗi lần trời tối, trong vòng 100 ngày, dần dần sẽ thành thói quen, nhưng phải chủ động. Trong 100 ngày, bạn phải chủ động ý thức đặt lưỡi hàm trên, thì sau đấy ý thức của chúng ta sẽ tự động hóa việc đặt lưỡi hàm trên trong mọi lúc không “xài” đến lưỡi. Chuyện đó rất quan trọng. Đến một điểm nhất định, bạn sẽ bắt đầu thấy việc đó tự động triển khai, không cần bạn phải chú tâm quá nữa. Đó là cả một quá trình chủ động đưa vào trong tâm lí – ý nghĩ – tư duy rồi. Quá trình mà chúng ta chủ động đến 7 giờ bắt đầu đặt lưỡi hàm trên là quá trình định lại thành tâm lí – ý nghĩ – tư duy.

Tất nhiên có nhiều người rất lười, họ luyện theo kiểu: “Thế thì thôi, để khi nào tôi rảnh, khi nào có ý thức tôi sẽ đặt lưỡi hàm trên, cả ngày chứ không phải chỉ giờ đã định đấy.” Nhưng đó là một ý nghĩ rất lười biếng. Tại sao lại thế? Họ không chịu được việc thiết đặt kỷ luật cứ đến 7 giờ bắt đầu làm chuyện ấy. Họ cứ nói là đặt lưỡi hàm trên bất cứ lúc nào có thể, nhưng thật ra họ lại không có một giờ nào cụ thể, cho nên họ cuối cùng cũng không viên thành được điều này. Điều rất quan trọng là ý thức của chúng ta chỉ trưởng thành khi gắn liền với kỷ luật. Cho nên việc tâm lí – ý nghĩ – tư duy của chúng ta đặt vào khoảng sau 7 giờ ấy là rất quan trọng.

Ta sẽ sớm thấy là chúng ta không đặt được mấy đâu. Trong khoảng 30 ngày đầu, chúng ta rất khó kiểm soát giờ giấc sao cho kỷ luật, đến ngày thứ 50 trở đi bắt đầu mới quen, và đến ngày thứ 100 bắt đầu mới tạo thành ý thức là đến giờ đấy bắt đầu đặt lưỡi hàm trên. Với riêng thân thể, thân thể cũng sẽ quen với một tình trạng mới: Khi lưỡi để hàm trên thì ta thấy an định, tập trung hơn.

Riêng điểm này cần giải thích thêm một chút. Thân thể con người vận chuyển khí, dịch, huyết là có Thời, nghĩa là tuân theo các chu kỳ thời gian. Trong Trung Y vẫn nói theo canh Mão, canh Dần… thì kinh mạch nào, nội tạng nào khởi phát. Nói cách khác, phải luyện đặt lưỡi hàm trên vào một canh giờ, một giờ nào đó cố định, vì như thế thân thể sẽ nhận diện đó là một “hệ,” “mạch,” một cơ chế thân thể. Cũng như tập thể hình vậy, nên có lịch tập, thì thân thể sẽ chấp nhận kế hoạch nâng cấp cơ bắp và chấp nhận cơ bắp có được là một phần thân thể. Ăn chay cũng vậy, người ta ăn chay theo thời gian, ăn chay định kỳ theo ngày nào ngày nào trong tháng là có lí của việc ấy. Nói chung, thân thể là một hệ thống, hệ thống này có quy luật, muốn cải sửa hệ thống này cần cải sửa một cách có-quy-luật. Mà ta biết đó, mọi quy luật đều biểu hiện ra như là chu-kỳ và thời-điểm lặp lại. Nay thì, các bạn trẻ đã quen với khái niệm vòng-lặp-vô-tận.

Tất nhiên, cho dù như thế thì bài luyện lưỡi đặt hàm trên này cũng dựa trên bốn nguyên tắc đi-đứngnằm-ngồi, đều có thể luyện trong cả bốn quá trình ấy.

Khoảng thời gian luyện là thế này: Nếu bạn chọn thời gian luyện là sau 7 giờ tối thì hãy luyện từ lúc đó cho đến lúc thức dậy buổi sáng. Khi nào không nói, không ăn, không uống, không cử động thì lưỡi luôn luôn đặt hàm trên. Khi nào chúng ta nhớ thì chúng ta lại đặt, nhưng đa phần chúng ta không nhớ được đâu (cứ quên quên một hồi là thôi đấy!). Nhưng bạn tưởng tượng xem, nếu ý thức của bạn kiểm soát được chuyện này suốt một buổi tối thì bạn đạt đến một trình độ thiền định rất cao rồi, đây là mơ ước của người thiền, có thể hàng chục năm không đạt được. Tất nhiên là bạn không đạt được dễ dàng đâu. Điều này đòi hỏi “công phu” ghê gớm lắm.

Trong quá trình tôi luyện điều ấy, lúc uống nước tôi cũng lưỡi đặt hàm trên. Kể cả uống nước hơi ấm, hơi nóng, lưỡi cũng đặt hàm trên, nó rất rát lưỡi, nhưng đến mức luyện có thể như thế được. Tất nhiên bạn không cần phải cố quá, bạn chỉ cần khi nào không dùng đến miệng thì lưỡi đặt hàm trên, thế là tốt rồi. Chỉ cần nhìn thể trạng người là biết có luyện được không.

Chẳng hạn, có những người cố gắng duy trì một tư thế tốt nhất cho thân, người họ rất thẳng. Nhưng nếu bụng họ rất bé thì có thể kết luận là họ thường bỏ quên cái lưỡi khi duy trì tư thế ấy. Nên tư thế ấy họ không bao giờ viên thành, nhìn vẫn hơi chưa đúng. Nhìn bụng họ sẽ không được to lắm, thân thể trông gầy gò, có thể đoán ra ngay.

Khi người ta luyện viên thành bài tập há miệng to 10 phút một ngày, tướng miệng của họ rất dữ dội đấy. Nhìn cảm giác rất khó tranh biện với người này, trông rất uy mãnh. Còn người luyện được lưỡi đặt hàm trên thường xuyên thì ánh mắt nụ cười của họ trông đều hết sức hiền từ. Đấy là hai tướng rất nổi bật, bạn nghĩ xem, có khác nào tướng của Phật và của chư Bồ Tát. Đến lúc đấy thì khi đặt lưỡi ở trên miệng, lúc chúng ta nói, chúng ta cười, chúng ta im lặng, chúng ta dù thế nào trông cũng hết sức hiền từ, trông hết sức hòa nhập.

Một nhà phong thủy biết rằng Khí Đất dâng khoảng trên mét rưỡi (hơn một trượng), và tỏa phát rộng ra; còn Khí Trời từ bên trên giáng xuống thành một cột. Nếu luyện được bài Há-miệng và bài Lưỡi-hàm-trên thì chúng ta đạt đến một trạng thái đồng nhất với dạng thức Khí Trời-Đất như thế. Có thể hình dung rằng khi đó “khí” quanh ta giống như cả một vùng Khí Đất mênh mông, xoáy thành những lớp sóng mờ, từ bên trên một cột sáng chiếu thẳng xuống. Đấy là hình dung về người đã luyện qua hai bài tập này. Năng lượng của họ bao giờ cũng ở trong hình dạng như thế. Nếu bạn không tin thì cũng không sao, chỉ là để hình dung thôi mà.

Ví dụ, một người nọ đặt lưỡi hàm trên, trong lúc đó mỉm cười thì trông sẽ hiền lành hơn. Sau đó người này để lưỡi hàm dưới, để lưỡi xuống dưới, khuôn miệng họ trông sẽ thay đổi. Bởi vì cả khuôn mặt phụ thuộc vào lưỡi đặt hàm trên – nó làm thay đổi toàn bộ khuôn-mặt và cả khí-sắc. Bạn thử soi gương mà xem! Nhưng nhớ: Đừng cố giữ nguyên một cái mặt rồi thay đổi vị trí lưỡi. Mỗi vị trí lưỡi lại đi kèm với một trạng thái mặt tương ứng. Bạn cứ để lưỡi dưới, rồi tự để gương mặt mình điều chỉnh cho nhẹ nhàng, thả lỏng. Một lúc sau nếu tự cảm nhận sẽ thấy hơi thở nặng hơn và lực đè xuống cằm, gương mặt trông nặng hơn. Trong khi để lưỡi hàm trên thì một lúc sau bạn thấy hơi thở nhẹ đi, nếu trải qua một lúc nữa còn cảm giác trong miệng rất thoải mái, điều hòa. Đó là một cảm giác đặc biệt, và tự gương mặt bạn sẽ biểu hiện ra một cảm xúc bình thản.

Đặt lưỡi hàm trên quen rồi, thì tâm lí cũng sẽ khác đi. Và tất nhiên là thể tạng khác đi rồi, bởi vì không có chuyện tâm lí tự thay đổi. Đến ngày nay, chuyện này không cần phải chứng minh quá nhiều nữa, Tâm Thân Ý gắn liền với nhau – suy nghĩ, tâm cảm với thân thể của chúng ta gắn liền với nhau; và sự biến đổi ở phần này có thể gây ra thay đổi ở phần kia. Người ta hay nói tâm-sinh lí, thì chắc chắn vậy rồi. Nói đơn giản là: Người tâm thần nên uống thuốc, tức là bệnh của tâm lí, tư duy thì cần uống thuốc điều chỉnh lượng hormone, enzyme…

Thân Tâm Ý nối liền với nhau, nên lưỡi đặt hàm trên thì làm cho rất nhiều thứ thay đổi. Nó thay đổi hẳn cơ cấu của khoang miệng.

Có một lưu ý nhỏ, riêng luyện lưỡi đặt hàm trên trong 100 ngày, chúng ta phải tránh Tứ Hoại (bốn vật hoại), không được ăn vào trong miệng. Vì trong lúc lưỡi đặt hàm trên là miệng đạt đến trạng thái cực kỳ thanh sạch. Bốn thứ này, bất kể là chay hay mặn thì đều phải tránh: Tanh, Hôi, Ôi, Thối.

'

Trong các loại Tanh Hôi Ôi Thối, bạn có thể cẩn thận là các loại rau mùi cũng không nên ăn, bởi vì nó có thể nhiễm với một vị tanh nào đấy. Nhất là luyện ở cao độ thì thân thể chúng ta bài trừ tất cả các loại mùi đặc biệt.

Khi chúng ta luyện được bài há to mồm, xung quanh lông tóc của chúng ta bắt đầu nhiễm một mùi như mùi nắng. Và khi chúng ta luyện lưỡi đặt hàm trên thì thân thể chúng ta có một mùi như mùi đất. Bạn tưởng tượng một ngày nắng, bạn ra đồng, làn gió thổi mạnh, bạn ngửi thấy mùi đất – mùi nắng cùng một lúc, đúng không? Thân thể của người đã luyện xong có một mùi giống như nắng gió, bạn sẽ cảm giác gặp họ giữa một đồng cỏ. Dưới một bóng râm, họ đặt tay lên vai bạn nói điều gì đó, hiền lành như thế đấy!

Có thể nói gì về người ấy nhỉ? Đơn giản lắm, như một THIỀN-SƯ!

---

Trích bài luyện thứ hai LƯỠI ĐẶT HÀM TRÊN TRONG HÀNG TIẾNG ĐỒNG HỒ, cuốn sách CẤT TIẾNG NHƯ SẤM TỪNG LỜI CHẤN TÂM OOPSY>


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147