Trang chủ Blog Sống khỏe

Làm thế nào để trừ bỏ dục vọng, tạp niệm giữa một thế gian trôi giạt, lộn xộn, ích kỉ, bạc bẽo?

By: OopsyAdmin, 2020-09-08 18:18:31

BẠN CÓ THỂ LÀ MẶT TRỜI, NẾU THÂN THỂ LÀ VŨ TRỤ 

Ở đời này, hễ nắm giữ cái gì, thì đều làm ta yếu đuối đi cả. Chính chỗ nắm giữ ấy là điểm tựa để cuộc đời nắm lấy tóc ta mà lôi đi. Nhưng mấy ai dễ đạt đến chỗ “không có tóc mà nắm”?... Dù ở đâu thì đôi vai và trái tim vẫn cứ bị đè nặng, hổn hển, yếu đuối như thế!

Làm sao để cái Thân này vững mạnh như một trụ chống lại cái áp lực sập xuống của đời này? Nói một cách thô thiển nhất, thì có hai cách: Tập Yoga cho thân thể dẻo ra quen chịu áp lực, hoặc tập Thiền cho thân thể định lại cứng cáp chịu áp lực. 

Thế thì, ta nên mềm mỏng hơn hay cứng cáp hơn với đời? Đó quả là một câu hỏi có thể làm bất kỳ ai bối rối. Kẻ chủ trương mềm mỏng lẫn kẻ chủ trương cứng rắn đều thấy cuộc sống của mình bất ổn. Mềm mỏng thì bị liếm mặt, bị giẫm đạp. Cứng rắn thì bị ám hại, bị đâm sau lưng. Mềm thì cũng đứt. Cứng thì cũng gãy. Cuộc sống quá khó khăn. Nếu thật sự mềm hay cứng là tốt, thì chỉ sau 10 năm, cả nhân loại sẽ là mềm hoặc cứng liền, theo quy luật thích nghi để sinh tồn thì là thế.

Hẳn bạn sẽ muốn nói, phải biết cứng khi cần cứng, mềm khi cần mềm. Rất tiếc, không ai thật sự biết khi nào cần cứng và khi nào cần mềm. Vì thế cuộc sống khó khăn với bất cứ ai. Vì thế người Trung Quốc thích mẹo thuật, người Ấn Độ thích rũ bỏ cõi đời, phương Tây chọn cách đẻ ra bao nhiêu triết lí phức tạp hòng khỏi phải giải thích chuyện rất thật ở đời kiểu như: Bị một gã đi đường đấm rơi quai hàm (nghe thật bạo lực!)

Thân là gì? Là thân xác? Nếu chỉ là thân xác, thì cái xác của người đã lìa đời hẳn là vững mạnh nhất, vì ai động vào, nó cũng không phản ứng lại. Nên định nghĩa một cách lắt léo nhất: THÂN LÀ KHẢ NĂNG  Ý CHÍ LÀM CHỦ THỂ XÁC

Theo Theo định nghĩa này, một anh chàng tập thể hình 10 năm cơ bắp cuồn cuộn có thể thực sự yếu đuối và dễ tổn thương hơn một cậu bé có trái tim quả cảm. Hẳn là thế rồi!

Kết cấu của Thân rất thích hợp để người ta bị lôi kéo vào những ham muốn lẫn những suy nghĩ lẩn thẩn. Khát thì phải uống mới được. Buồn đi tiểu tiện là cuống cả lên. Vừa nghĩ ngợi vẩn vơ đến cái hamburger là nước bọt tiết ra cuồn cuộn. Ái chà, thế thì cái Thân này còn yếu đuối dài dài nhé. Cách chiến thắng thói ham muốn đó là gì? Biến thân thể này, sao cho bên dưới nó, ham muốn hay dục vọng không phát tác dễ dàng được nữa; bên trên nó, suy nghĩ lộn xộn hay tạp niệm không dễ vào nữa. Tất nhiên, cái Thân này vẫn không dễ biến đổi đến thế. Nói thế nào cho oách nhỉ? Thể xác này là máu thịt, nhưng khi làm chủ được nó, Thân sẽ là Vàng ròng! Thế nghĩa là bắt đầu luyện những bài luyện trong cuốn sách này, chúng ta đang biến thân thể thành Vàng ròng, quả thực là một sự vụ vô cùng quý giá. Lấy cái ý chí rèn luyện và làm chủ thể xác, Đạo gia dạy rằng: “Tiên bảo kỳ Thân,” bởi vì Thân là khởi nguồn của tất cả những điều tuyệt vời nhất về con người. Thân là tất cả những gì mà ta có….

Uy-nghi là vẻ trang nghiêm, oai nghiêm khiến người khác phải coi trọng và tin cậy bạn. Định nghĩa này thật ra rất tuyệt vời: Uy là cái bên trong, Nghi là cái bên ngoài. Cho nên cái uy đó lớn lên thì thành quyền thế, mà cái nghi đó cao lên thì thành phép tắc, gương mẫu. Đó chính là điều chúng ta đang nói ở đây: Thể xác phải vững mạnh (nghi phải vững) là vì tinh thần đã rất vững mạnh (uy phải mạnh). Trong-ngoài, âm-dương, uy-nghi phải cùng mạnh như thế, thế thì mới được.

Thực ra trong đời sống, thân của chúng ta là nơi lưu trữ tất cả những gì đau buồn nhất. Ý thức về cái thân của chúng ta là một ý thức rất đau buồn. Khi lớn lên, chúng ta ý thức về thân khi chúng ta bệnh tật, hệ thần kinh của chúng ta chỉ nhạy cảm khi chúng ta tiếp xúc với những gì đau đớn. Chúng ta ý thức về mình nhiều nhất là khi chịu những tổn thương, khi phải gò ép thân xác, khi phải chịu đựng, khi phải cảm giác là thân xác này có thể bị xâm phạm. Từ bé chúng ta đã phải học cách tránh tất cả những sự xâm phạm, chúng ta phải mặc quần áo đầy đủ. Tất cả những thứ đấy là gì? 

Chúng ta lớn lên khi chúng ta ý thức về thân thể mình hơn, tức là ý thức bảo vệ nó hơn. Tại sao ý thức bảo vệ thân thể lại tức là ý thức về thân thể? Bởi vì đấy là một ý thức rằng thân thể này lúc nào cũng sẵn sàng bị tổn thương, rằng nếu nó bị tổn thương thì chúng ta cũng chết. Không phải thân thể này chết, mà là ta chết. Ta chính là thân, thân chính là ta! Mà ta thì sao? Ta thì, luôn bất ổn. Tập trung vào quá khứ thì u uất.  Nghĩ mãi về tương lai thì bất an. Chỉ nghĩ về hiện tại thì dễ bị cuốn đi, dễ đánh mất mình…

Và đến thời đô thị hiện nay, khi cuộc sống trở nên quá tăm tối thì việc thân thể này dễ bị xâm phạm, dễ bị tước đoạt, dễ bị lạm dụng trở thành một cái gì đấy, vừa là một trò tiêu khiển, vừa là một thứ đạo đức giả trên đầu môi chót miệng của người đời. Cuộc đời mà, rất nhiều những điều đáng buồn như thế. Bạn có thể bảo tôi bi quan, nhưng tôi e là bạn cũng không nên lạc quan gì cả

Với một cuộc đời đã có quá nhiều những áp lực về Thân, quá nhiều nỗi sợ về Thân, quá nhiều đau khổ về Thân, thì chúng ta càng có cơ hội trở thành Vàng ròng. Bởi vì nguyên tắc của chúng ta là tách khỏi bùn đất, chính là Vàng ròng. 

Trong khi luyện tứ uy nghi này, chúng ta đang luyện một thân thể “vượt khỏi thế gian.” Nói cho oai thế thôi, ý tôi là một thân thể không dễ bị cõi đời làm tổn thương. Cái thân thể ấy không còn liên kết với thế gian như trước, nó không còn bị người ngoài nhìn ngó và xâm phạm như trước. Nó đạt đến sự uy nghi khiến người ta phải trân trọng…

Các bài tập trong cuốn sách Thần thái uy nghi dẫu quỳ vẫn oai này đưa ra giải pháp giúp bạn vững mạnh, kiên định và lí trí hơn. Nghe thì to tát, nhưng cái to tát hay nhỏ bé thật ra nằm ở bạn. Cuốn sách này và mọi cuốn sách khác đều chỉ là những chỉ dẫn. Bạn chính là người biến những chỉ dẫn thành thực tế, thành công chỉ bạn có thể nắm giữ. Bạn có sẵn sàng nắm giữ thành công ấy không? Hãy cùng bắt đầu:

BÀI TẬP THỨ NHẤT:  Đi bộ bằng mũi chân thật nhẹ qua các quán ăn đông đúc vào giờ trưa trên một đoạn phố dài, không được ngồi ăn mà phải đi luôn

BÍ MẬT CỦA MÙI: CHÔN VÙI THÂN THỂ

Đây là một bài tập sẽ làm ta nhớ đến những người tu hành khất-thực (xin ăn) xa xưa. Tôi rất thích hình ảnh của họ: đầu trần, chân đất, thân quấn vài tấm vải rộng, ánh mắt sáng ngời, nụ cười hàm tiếu, bước ngang qua thế gian không một gợn. Họ nhận thức ăn mà trông vẫn cao quý, dẫu có đói lòng, bước chân vẫn thanh thản. Họ như sen mọc giữa thế gian, thật sự đẹp vô cùng…

ĐI LƯỚT QUA CÁC QUÁN ĂN,  ĐỨNG ĐÓ HÍT NGỬI MỘT HỒI  RỒI ĐI TIẾP

Nếu muốn chiếm lấy tình cảm của ai thì phải mời họ đi ăn trưa, dần dần hình thành một liên kết qua bữa ăn trưa đó. Sự liên kết giữa người ta không gì mạnh bằng ăn cùng nhau. Nhưng ăn sáng thì nên ăn một mình; ăn trưa thì ăn cùng bạn bè, người yêu, đồng nghiệp; ăn tối thì ăn cùng gia đình. Nếu như bây giờ bạn muốn tán một cô gái chẳng hạn, thì phải rủ cô ta đi ăn buổi trưa. Đi ăn trưa, rồi dần dần sẽ hình thành một thứ liên kết, một thứ tình cảm, rất khó vượt qua thứ tình cảm ấy.

Nên trong đời sống công sở, một trong những lí do rất dễ xảy ra ngoại tình công sở là gì? Đó là chính do việc ăn trưa mà hai “thân” chấp nhận nhau (còn chấp nhận về tâm ý lại khác). Đi ăn trưa với nhau thường xuyên làm cho người ta chấp nhận về thân nhanh hơn.

Thời gian buổi trưa vốn là lúc Khí Trời và Khí Đất (gọi thế cho oai!) hòa với nhau. Khí Trời và Khí Đất giao nhau vào 12:00, tức là chính-Ngọ. Trong Phật giáo có giới luật Trì Ngọ. Có quan niệm rằng Trì Ngọ tức là không ăn sau giờ Ngọ (11:00-13:00), cũng có quan niệm rằng Trì Ngọ là trong khoảng một canh giờ Ngọ người tu hành xưa kia không được ăn uống. Đấy là thể hiện sự tịnh sạch. Vào giờ đấy, đến cả súc sinh cũng ngừng ăn. Tất nhiên là khi chúng ta đã luyện thành thân thể lành mạnh rồi thì ăn vào giờ nào không quan trọng. Nhưng bình thường nếu có thể, người ta vẫn “trì giới,” không ăn gì vào giờ Ngọ đấy, đảm bảo sự tịnh sạch của thân thể.

Vấn đề này rất khoa học, liên quan đến chu kỳ vận hành nội thể của con người. Thật không thích hợp để giải thích ở đây vấn đề đó. Chỉ nói ngắn gọn thế này: Giữa trưa Mặt trời lên cao nhất, năng lượng lớn nhất, từ trường của con người cũng theo đó thay đổi, áp suất không khí cũng biến đổi lớn, nội thể con người theo đó cũng thay đổi sự điều tiết. Nếu không phải vì thế, thì giấc ngủ trưa đâu quan trọng đến vậy. Nhiều người cho rằng ngủ trưa quan trọng do việc đi làm, đi học. Đó là họ nhầm. Dù là đi nghỉ đi chơi, ngủ trưa vẫn quan trọng, thậm chí có khi còn quan trọng hơn cả lúc đi làm, đi học. Thân thể con người và chu kỳ Mặt trời, Mặt trăng là rất có liên hệ, điều đó thiết tưởng nên nghiên cứu hơn là nên chứng minh!

Mùi thức ăn từ các quán ăn sẽ vây nhiễm bất kỳ ai lảng vảng quanh nó. Ăn sáng không đọng mùi, ăn tối ít đọng mùi trừ khi đồ quá mỡ và được đun nóng hoặc rán (lại nhiệt nhé!), nhưng ăn trưa rất đọng mùi vào người. Nếu hay đi ăn trưa nhiều, hãy nhớ lại xem, bạn có bị nhiễm mùi thức ăn không? Đó là mùi ô uế, nhiễm bẩn nhất. Nhưng nếu đi bằng mũi chân thì sẽ hạn chế, nó chỉ quanh quẩn ở quanh người chứ không chui được vào người, không bám được vào da thịt. Còn rất nhiều người ăn trưa đến mức mùi thức ăn bám vào da thịt, kinh khủng thế đấy. Vì sao bạn biết không? Vì mùi “chui” qua gót chân mà!

Để giải thích theo kiểu Đông Y cho bạn hiểu, mùi thuộc về khí âm, dù có bị hơi nóng đẩy đi nhưng luôn rơi lại về phía đất. Ở gan bàn chân có một lỗ khí luôn mở hút khí âm, và mở mạnh nhất khi ta đặt cả bàn chân trên đất mà dẫm. Nên cái huyệt đó cũng hút luôn cả đống mùi kia. Đi ăn trưa đủ kiểu linh tinh thì dần mùi chân, mùi mồ hôi và mùi nước mũi hay dịch tai dịch mắt đều sẽ rất hôi là vì thế. Nói theo kiểu hiện đại, mùi thật ra là các hợp chất, và nó dễ bám vào những chỗ tỏa nhiệt như gan bàn chân, miệng, nách...

Dừng ở đây một chút, bạn có thể thắc mắc: Ơ kìa, mùi sao lại bẩn? Mùi đồ ăn chay có bẩn không? Hương hoa có bẩn không? Lẽ nào mùi lại bẩn?

Phải nói thế này, mùi là tinh của sự vật. Nói theo kiểu hiện đại là, cái hợp chất bay hơi lên từ đồ vật phản ánh đúng nhất bản chất của đồ vật đó. Thức ăn ngày nay chứa quá nhiều tạp chất, quá nhiều chất bảo quản, thậm chí là quá nhiều chất mà thân thể chúng ta không xử lí được. Đồ rán thì rán bằng mỡ cũ cháy. Đồ luộc thì tất tật nhét chung một cái nồi, rồi luộc lên, cái hợp chất của nồi luộc ấy thật ghê khiếp. Cái gì cũng ngâm tẩm, từ trước khi chế biến món ăn đã ngâm tẩm, mà khi chế biến còn bỏ thêm bao nhiêu loại gia vị hợp chất kỳ quặc vào. Trước cả khi đó, khi nuôi trồng, những thứ đồ ăn đó đã được nhồi nhét bao nhiêu thứ hợp chất kỳ lạ. Mùi bay lên từ những món ăn thức uống được nướng, rán, luộc... kia liệu có tốt-lành gì không?

Hiển nhiên rất không tốt lành gì, thậm chí còn là rất độc. Thứ mùi đó mang theo cả chất, bay vào mũi, vào thẳng đường hô hấp, đọng trong khoang mũi, nếu hít không cẩn thận còn lạc vào các hệ cơ quan khác. Đọng trong mồm, thì mùi ấy hòa với nước bọt mà vào ruột, ngấm thẳng vào ruột. Chưa kể mùi ấy, vốn là thức ăn kết lại bay hơi, đi xuyên qua da, da đầu da thân, tay chân các thứ... rồi vào thẳng thân người qua lỗ chân lông, đọng lại trong đó. Thử hỏi, thế có độc không? Dĩ nhiên là độc hại.

Cái mùi không-tốt-lành đó đại diện cho điều gì? Mỗi thứ tệ hại đi vào thân chúng ta đều khiến cơ thể phản ứng lại. Mỗi phản ứng với cái tồi tệ đều là những phản ứng tồi tệ. Ví dụ, bạn hít xong một mùi hôi mà muốn ăn, thậm chí thấy đó là thơm, thì dục vọng trong bạn cũng mạnh lên. Đơn giản như mùi hành, tỏi, sả... bị cắt nhỏ, bị nấu rực lên. Cho nên, trong Phật giáo có giới huân, ngày nay khoa học cũng chứng minh được rồi, các thứ hành, tỏi... những thứ có mùi hôi sực lên ấy quả thực kích thích dục vọng trong người ta lên. Có mùi bạn ngửi xong, ăn xong, hôm đó không hiểu sao cứ cáu giận. Có mùi bạn ngửi xong, ăn xong, suốt một ngày cứ ngứa ngáy bồn chồn ngồi không yên. Vì mùi không chỉ là mùi, nó là một hợp chất bay hơi, một loại hơi rất dễ thâm nhập và kích thích cơ thể vì thấm sâu được vào thân người.

Bài luyện này dùng để thân thể không còn tiếp nhiễm những dục vọng của đời này nữa.

Dục vọng có ba loại:

• Dục vọng ở trong mình – tự mình có;

• Dục vọng ở ngoài mình – tạp nhiễm, tập nhiễm, nhiễm dục vọng từ người khác, kích động dục vọng ở nơi mình;

• Thứ ba là loại dục vọng do các loại khí độc mang đến. Đây là loại dục vọng không phải do người nào mang đến, không phải do con gì mang đến, mà do các trường khí có chứa sẵn dục vọng rất mạnh, thì khi đi vào trong đấy, chúng ta bị hòa lẫn vào trong nó, không thể nói bên trong hay bên ngoài nữa rồi.

Trong loại dục vọng bên ngoài lại chia ra làm hai loại dục vọng. Một là Ác dục. Ví dụ một người nam thấy một cô gái trông xinh đẹp quá, người này cứ tạp niệm đến cô ấy “Trông thân thể nảy nở (thế này thế kia)…”, tự nhiên anh ta muốn quan hệ nam nữ bằng được, anh ta cứ theo tán tỉnh bằng được – đấy gọi là Ác dục.

Còn một loại gọi là Thiện dục. Thiện dục tức là gì? Tức là tự nhiên lại muốn hưởng thụ những điều rất nhỏ nhoi chỉ để cảm thấy an bình hơn. Chẳng hạn như đang đi, một cô gái tự nhiên nghĩ là “Làm sao để uống một cốc Coca đá nhỉ, như vậy cuộc đời sẽ dễ chịu hơn!” Tự nhiên nghĩ đến đấy cô ấy cảm thấy thảnh thơi, cảm thấy yêu đời hơn, cố gắng đạp xe thật nhanh về để uống một cốc Coca đá. Đó là một loại Thiện dục, tức là mong muốn để cho mình có thể nghỉ ngơi chứ không phải để tác động đến người khác. Còn Ác dục là mong muốn dùng người khác nhằm thỏa mãn mình, lấy đồ khác để thỏa mãn mình, hay giết con gì đấy, tức là gây ra một Ác nghiệp nào đấy, để thỏa mãn mình.

Nói chung cuộc chiến với Dục là một cuộc chiến khủng khiếp, nhưng chúng ta chiến thắng được sự tập nhiễm cái Ác dục của thế gian trong việc đi này là quan trọng lắm! Tất nhiên bài luyện này trông vẫn hơi bất thường, nên bạn hãy áp dụng sao cho khôn ngoan.

ĐI XUYÊN QUA THẾ GIAN, GIỮA BẠT NGÀN MÙI ĐỘC

Việc đi bộ bằng mũi chân rất quan trọng. Chúng ta luyện bằng mũi chân, và chúng ta phải đi chân đất. Tốt nhất nên chọn ngày hơi nắng một chút, bàn chân tiếp đất có thêm sức nóng, nó sẽ đi được nhiều. Còn nếu một ngày hơi mát mát thì chân chúng ta sẽ rất đau.

Đấy là lưu ý thôi, còn lại chúng ta đi trong ngày nào cũng được.

Bài luyện này có các điều kiện thế này:

Một là chúng ta phải đi trên một đoạn phố đủ dài, hoặc đi loanh quanh qua các con phố. Chúng ta có thể chọn một khu, nếu ở Hà Nội thì chọn khu Nghĩa Tân chẳng hạn, đường Hai Bà Trưng chẳng hạn, phố Lò Sũ chẳng hạn. Tức là chúng ta chọn một đoạn phố dài hoặc là một đoạn phố vòng quanh như khu Nghĩa Dũng, An Dương (cũng ở Hà Nội)... Nó không nên ngắn quá, bởi vì chúng ta nên đi trong ít nhất là một tiếng, đảm bảo một tiếng này. Thường trong khoảng một tuần chúng ta nên luyện 2-3 lần. Đấy là nguyên tắc để luyện bài này.

Với bài này, yêu cầu thứ nhất là đi qua một đoạn phố, thứ hai là phải đi qua các quán ăn. Tại sao phải đi qua các quán ăn? Bởi vì ta đi vào khoảng 12:00 trưa, tất cả những bữa ăn uống vào lúc 12:00 trưa đều có vấn đề. Bạn biết chứ, 11:00 cho đến 13:00 là giờ Mặt trời lên cao nhất, nóng nhất, mùi bốc lên ghê-rợn nhất; trong giờ này phải nói, ăn gì cũng là “bám bẩn.” Khoảng thời gian ấy là lúc xuất hiện tất cả những khí độc địa nhất của thế gian, đúng hơn, đấy là giờ của dục vọng.

Nào, quay lại với cuộc diễu hành ban trưa!

Vào buổi trưa, khi đi qua các quán ăn là ta đang đi qua nơi bốc lên những mùi hôi, bám bẩn “ghê rợn” nhất của cõi đời. Thật đấy. Mùi thức ăn trưa rất khó tẩy. Nhưng nếu chân đất, đầu trần, đi bằng đầu mũi chân, thì thân bạn đi qua mà mùi thức ăn, rộng hơn là mùi ô uế của đời này, không chui vào da lông của bạn được.

Nhớ là phải chắc chắn đi bằng đầu mũi chân qua các quán ăn. Khi đi quá quán ăn rồi có thể hạ chân xuống một chút, nhưng lúc đi qua nó phải đi đúng bằng đầu mũi chân, đi quanh quanh nó một chút, ngó một chút (trông hơi giống tâm thần nhỉ? Nên hãy làm sao để nó đừng kỳ lạ quá, kẻo có người lại liên lạc với bệnh viện!). Nếu chúng ta nhấc gót chân lên khỏi mặt đất, thì mùi thức ăn không chui được vào người nữa. Dục vọng lớn nhất của thế gian phát tác vào giờ ăn trưa. Bởi vậy, chúng ta đi qua các quán ăn, quanh quẩn như thế, nhấc gót chân lên, chúng ta cứ đi qua và nhìn lướt qua. Đó chính là cách rèn luyện để dục vọng thế gian không xâm nhiễm vào chúng ta được nữa.

Nên chọn chỗ đông người, một đoạn phố nhiều quán ăn trưa là được. Đi trong tâm thế thư thái, ăn mặc kín đáo, đơn giản, sạch sẽ, tươm tất. Nếu mặc quần áo tối màu quá, lại còn đi chân đất ra quán quen, thì dễ bị chụp ảnh đưa lên mạng, thành ra nhân vật có vấn đề của năm lắm. Chúng ta có thể vừa đút tay vào túi quần vừa đi. Thậm chí là vừa đi vừa cầm điện thoại nhắn tin cũng được, để cho người ta thấy chúng ta không quá bất thường, chúng ta đi bằng mũi chân như thế thôi.

Thật ra, một con phố phải có khoảng 10 quán ăn thì mới được, và nên là quán ăn bán những loại đồ rất mùi. Chẳng hạn như ngan nướng, vịt nướng, hoặc những quán bún chả. Có những quán ăn sặc sụa mùi, nó đạt đến độ dục vọng mạnh nhất của giờ trưa.

Bạn biết không, mở quán ăn trưa bí quyết là gì? Đồ ăn càng nhiều mùi thì càng bán chạy. Còn đồ ăn thanh sạch một chút, ví dụ như phở, sẽ không mấy người ăn, nếu món phở đó không có mùi đặc biệt. Nếu muốn “thu hút” thì nồi nấu phở phải tỏa ra thứ mùi rất đậm, lan cả ngõ, hoặc là như quán bún chả, quạt chả khói bay khắp phố thì người ta theo dục vọng tìm đến – nguyên tắc là thế.

Nữa là, vừa đi bằng mũi chân bạn vừa phải hít thật nhiều các loại mùi thức ăn. Cứ đi vòng vòng như thế khoảng hơn 1-2 lần. Chỉ khoảng 1 phút thôi mà hít thật mạnh mùi đấy thì nó đã lan khắp thân thể rồi. Nhưng bởi vì nó không lan được qua gót chân, nên khi bạn đi qua xong, thì đi một chút nữa thôi là lập tức mùi lại bị đẩy ra ngoài. Trong quá trình đó, cái mùi bẩn, rất bẩn ấy ra ngoài và cùng lúc lôi một phần bẩn độc trong thân bạn ra ngoài.

Nếu đi qua mà đặt gót chân xuống, thì khi bạn hít cái mùi đang lan ra đó, chính là bạn đang ăn một phần thức ăn của nó. Người ta gọi là “ăn hương ăn khói,” đó là chuyện có thật. Cho nên rất nhiều người nấu bếp, người ta bám chặt bàn chân trên sàn bếp, mùi bếp tỏa ra, nấu xong thì họ bảo “Tôi cũng hơi no rồi.” Bởi vì gót chân họ đặt xuống, hít bao nhiêu là ăn bấy nhiêu, hít bao nhiêu ở lại trong người bấy nhiêu. Nên người cứ trương phình dần dần ra, dưới da họ tích bao nhiêu chất, mùi người họ có thể rất khó chịu, hơi hôi hám. Mà nói làm gì xa xôi, gian bếp mà nấu nhiều đồ, bạn cứ xem, luôn ám ám một mùi khó tả. Cho nên, đọc đến đây, bạn hãy thương bà mình, mẹ mình, vợ mình, em gái mình... Họ nấu ăn cho bạn, và họ gánh hết những cái độc của đồ ăn, để có được món cho bạn ăn sáng, ăn trưa, ăn tối... Họ chịu cái gánh nặng mà không ai nói ra được thành lời đó, tự họ chưa chắc đã biết. Cái nặng nề nhất của thức ăn không tốt lành ngày nay, bạn thân mến ạ, nằm trong mùi thức ăn đó!

Khi bạn đi bằng mũi chân, xin nhớ kỹ là đi chứ không phải ngồi, các lỗ chân lông khép lại, thân thể đặt vào một trạng thái rất “đóng,” “kín.” Cho nên xưa khi ai làm việc gì len lén, người ấy thường được miêu tả là: “Nhón chân thật nhẹ,” “không dám thở mạnh.” Đúng vậy đấy, khi đi bằng nửa bàn chân trên, hệ hô hấp cũng thay đổi, thân thể bài tiết mạnh những gì xâm nhập vào bạn, ánh mắt bạn thu lại, hơi thở ra mạnh hơn, nhưng hít vào lại nhẹ hơn. Đó là một trạng thái rất đặc biệt, để khỏi thắc mắc thì bạn có thể tạm đặt cuốn sách xuống và bắt đầu đi đi lại lại thử.

Khi đi như thế, chúng ta nhớ là để cho mùi thức ăn ám nhiễm vào trong đầu, trong thân, trong tóc tai. Nhưng chúng ta không đặt bàn chân xuống. Và ta đi lại như thế qua rất nhiều dãy phố. Tại sao phải đi lại qua nhiều dãy phố? Vì chúng ta đang đi trên một trục dọc, rất nhiều loại dục vọng và rất nhiều loại thức ăn khác nhau, rất nhiều cái bẩn khác nhau xâm lấn vào trong người chúng ta. Chúng ta không chịu tiếp thu nó thì bắt đầu nó sẽ phát tán.

Sau khi chúng ta tiếp thu được khoảng 10 quán ăn, nếu đi hết đoạn phố ấy, chúng ta đi ngược lại một lần nữa và lần này chúng ta đi thật nhanh qua những hàng quán đấy. Luôn nhớ nhé, chúng ta hãy nhìn, chúng ta cảm giác mùi đã đọng ở trong mũi rồi. Quá trình đi ngược lại đấy chính là quá trình chúng ta trả hết tất cả những khí bẩn độc lại cho nó. Vì khi Thân gặp lại mùi đó lần thứ hai, nó sẽ tự động tiết rất mạnh chất đó qua đường hô hấp (qua hơi thở). Cho nên đi ngược lại chính là quá trình bài tiết mạnh các chất độc bạn vừa hít khi trước.

Khi đang đi, bạn có thể giả vờ lấy điện thoại ra gọi “Cậu ở đâu? Cậu có ngồi trong này không? Không à?” Xong bạn đi ra chỗ khác, đút điện thoại vào, ngó ngó, cho cái mùi thấm đẫm vào tóc tai (và mũi hít thật mạnh vào!), xong lại đi đến quán thứ hai. Cứ thế đi hết một trục, khoảng mười mấy quán cũng được mà 10 quán cũng được, nhưng thường thì nên ít nhất là 10 quán. Hoặc là nếu không phải một đoạn phố thì chúng ta cứ đi đủ 10 quán liên tục rồi mới dừng lại. Sau đấy chúng ta đi ngược lại chính hành trình đấy để trả lại hết tất cả khí bẩn độc.

Sau khi hoàn tất hành trình ấy, bạn hãy tìm một chỗ để đứng tại đó, khoảng 3-5 phút, vẫn để hai bàn chân như thế cho người tỏa phát mùi đấy ra – tức là để sao cho thân vẫn đang ở trong trạng thái là gót chân không chạm đất (Đi bằng nửa bàn chân sẽ khá mệt đấy!). Bạn sẽ thấy thân thể tự nhiên rất nhẹ nhàng, khinh khoái, về chỉ cần tắm rửa một cái, bởi vì nó vẫn còn vương chút mùi, nhưng mùi không bám vào da thịt nữa. Tắm rửa xong liền cảm thấy vô cùng sạch sẽ.

Bài luyện này chúng ta thử làm trong một tuần liền, bạn sẽ thấy mùi thức ăn không thể ám nhiễm vào thân thể chúng ta được nữa. Nếu bạn ngại, thì hãy rủ ai đó làm cùng. Bạn sẽ thấy ở mình một điều gì đó thay đổi nhanh chóng, từng ngày, từng lần thực hiện.

Còn một điều kiện nữa cho những người đã thực hành bài tập Đi này: vào những ngày luyện bài này thì không được ăn trưa

Sau này, bạn cũng hãy cố gắng “không ăn trưa,” tức là không ăn trong giờ Ngọ (11:00-13:00). Sau giờ Ngọ thì có thể ăn rồi. Nói chung là vào những ngày đấy thì không ăn trưa mà chuyển sang ăn chiều.

Hãy nhớ rằng, lúc đứng một chỗ là vẫn đứng trên mũi chân, chứ không phải đặt hai bàn chân xuống đâu nhé. Và luyện bài này nên đi chân đất. Bạn đứng tư thế gì cũng được (đút tay vào túi quần, thậm chí là xoạc chân ra theo kiểu người mẫu cũng được!).

Có một loại, chúng ta có thể du di trong trường hợp này. Về nguyên tắc là chúng ta phải đi chân đất, nhưng nếu chúng ta có một loại giày vải bám sát chân – giống như giày múa, một loại hài – thì chúng ta có thể đi đôi giày đó và vẫn đi bằng mũi chân. Nhưng nếu đôi giày có đế cao su thì không ăn thua nữa rồi. Đế cao su là một khắc tinh, nó khiến chúng ta liên kết trực tiếp với đất.

Tất nhiên, có một điểm, đừng quên nhé, rằng kết thúc trò này bạn nên về nhà hoặc về chỗ nào đấy thay quần áo, tắm qua một chút. Cho nên vẫn có hai ngày có thể luyện là thứ Bảy và Chủ nhật, hôm đấy chúng ta được nghỉ ở nhà.

Khi thực hiện hết bài luyện này, bạn sẽ thấy là bạn để tâm đến rất nhiều thứ. Bạn đã bắt đầu để tâm đến giờ Trì Ngọ, đến sự tạp nhiễm của thế gian, đến mùi thức ăn, đến sự thanh sạch, đến việc che giấu bản thân khỏi ánh mắt người ngoài… – rất nhiều những điều ẩn chứa ở trong bài luyện này. Để ý những nhịp Trời-Đất, để ý những ngày tháng, để ý đến quan hệ của ta với những người xung quanh, để ý đến sự phân biệt của chúng ta trên một con đường, để ý đến rất nhiều hành trạng tồn tại của thân thể.

Có tư duy đó, có thân thể đó, biết những bí mật kia, vậy là bạn đã dần rất khác rồi đấy!

*********

<Trích sách THẦN THÁI UY NGHI DẪU QUỲ VẪN OAI | OOPSY>

Đọc thêm một bài luyện khác cũng từ cuốn sách THẦN THÁI UY NGHI DẪU QUỲ VẪN OAI - Làm Thế Nào Để Tiếp Cận Một Người Khi Bạn Quá Nhút Nhát Và Không Biết Phải Nói Gì


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147