Trang chủ Blog Sống khỏe

Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa

By: OopsyAdmin, 2018-09-16 02:04:15

Bạn từng lo lắng về sức khỏe của mình? Tiền bạc? Hạnh phúc gia đình? Ai mà chưa từng, phải không? Đó đều là những vấn đề mà tất cả chúng ta thường phải đối mặt và đôi khi chúng khiến ta lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình luôn lo lắng không ngừng về mọi vấn đề trong cuộc sống, kể cả khi chúng chẳng đáng quan tâm, bạn có thể đang mắc một bệnh lí lo lắng mang tên Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa. Những người mắc chứng này thường nhận ra họ lo lắng quá mức về rất nhiều điều, nhưng không thể tự kiểm soát sự ám ảnh và lo lắng. Nó diễn ra không ngừng và ảnh hưởng đến khả năng nghỉ ngơi hay ngủ sâu giấc, và có thể là nguyên nhân bạn dễ bị giật mình.

Lo lắng - rối loạn lo âu lan tỏa

Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa là một trong những chứng rối loạn lo âu phổ biến nhất, ảnh hưởng tới gần 3.1% số lượng người Mỹ trưởng thành. 6.8 triệu trường hợp được ghi nhận mắc chứng rối loạn này xuất hiện ở những người Mỹ trưởng thành trong độ tuổi từ 18 trở lên, với độ tuổi trung bình là 31 tuổi. Dù nó có thể xảy ra tại bất cứ độ tuổi nào trong đời sống, thời gian chúng xuất hiện phổ biến nhất là giữa độ tuổi trẻ em và trung niên. Nếu bạn là phụ nữ, bạn có khả năng mắc chứng Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa gấp đôi nam giới.

Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa khác ám ảnh sợ hãi. Những người mang ám ảnh sợ hãi thường sợ hãi trước một cái gì đó cụ thể - chẳng hạn: nhện, độ cao, hay nói trước đám đông. Nếu bạn bị Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, bạn có một cảm giác bất an về tổng thể cuộc sống. Khi bạn thường xuyên trải qua các tâm trạng sợ hãi hoặc bất an, bạn ở trong tình trạng lo lắng không ngừng về tất cả mọi thứ. Nếu một người bạn không gọi lại trong vòng một tiếng, bạn bắt đầu lo mình đã làm gì sai và người bạn đó đang không hài lòng với bạn.

Nếu bạn đang chờ ai đó đón bạn và anh ta muộn vài phút – bạn bắt đầu sợ hãi về một điều tệ hại nhất – anh ấy bị tai nạn chăng, thay vì nghĩ tới một chuyện ít nghiêm trọng hơn, như là anh ấy bị tắc đường. Cảm giác đó không mạnh như cảm giác xuất hiện trong một cơn hoảng loạn; nhưng chúng dai dẳng. Điều này dẫn đến sự bất an về tổng thể cuộc sống và đánh mất khả năng thả lỏng, thư giãn – nhiều người nghĩ rằng những hậu quả này còn nghiêm trọng hơn việc ám ảnh sợ hãi một điều gì cụ thể, những thứ bạn có thể đơn giản là tránh nó đi. Nhưng với Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, không có nút “Tắt” nào cả. Nếu bạn đang trải qua Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, bạn phải chịu đựng tình trạng lo lắng thường trực không ngừng – và bạn không thể thoát khỏi nó, bởi vì đời sống, nhìn chung, là đang tạo ra lo lắng ở bạn.

Nghiên cứu cho thấy nếu bạn đang sống chung với Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, bạn có khả năng cũng đang mắc phải các vấn đề liên quan đến tinh thần và các chứng rối loạn nhẹ khác. Một số tình trạng phổ biến thường xuất hiện cùng Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa như: trầm cảm, co thắt đại tràng, stress, rối loạn tăng động giảm chú ý và lạm dụng chất.

Biểu hiện của Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa?

Nếu bạn đang trải qua Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, bạn không thể chỉ đơn thuần rũ bỏ mối bận tâm về mọi thứ. Tình trạng rối loạn có thể xuất hiện rồi biến mất. Trong những giai đoạn có biểu hiện nhẹ, bạn dễ dàng duy trì công việc và không bị sự rối loạn ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống xã hội. Nhưng khi lo lắng phát tác, bạn có thể gặp khó khăn trong các tình huống đời sống hằng ngày và không thể gánh vác một nhiệm vụ dù đơn giản nhất.

Vậy làm thế nào để biết sự lo lắng của bạn là “bình thường” hay “bất thường”? Nó bình thường khi bạn lo lắng về một bài kiểm tra sắp tới, hoặc bạn không biết xoay sở tài chính thế nào khi phát hiện ngôi nhà của mình cần một đợt đại tu sửa. Còn nếu bạn đang có những biểu hiện lo lắng bất thường liên quan đến Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, bạn đọc tin tức trên tờ báo địa phương về một căn bệnh mới tại quốc gia khác, và thức đêm trăn trở về việc mình hoặc người thân có thể bị ảnh hưởng, kể cả khi khả năng nó xảy ra vô cùng nhỏ. Bạn sẽ không ngừng lo lắng về gia đình trong vài ngày hoặc vài tuần sau đó và trải qua nỗi bất an khiến bạn suy nhược, nó phiền phức, bất thường và kéo dài dai dẳng.

Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa có thể biểu hiện dưới hình thức tinh thần và thể chất. Nếu bạn thấy mình đang mắc chứng rối loạn này, bạn có thể đang trải qua một số dấu hiệu và triệu chứng sau:

- Không ngừng lo lắng
- Không thể thư giãn hoặc có thời gian yên tĩnh
- Căng cơ hoặc đau đớn thể xác
- Nhạy cảm về cảm xúc
- Không chịu được căng thẳng
- tập trung
- Mất kiên nhẫn trước những điều không chắc chắn – muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra và cách thức mọi việc sẽ diễn biến
- Luôn sợ hãi
- Cảm giác quá tải và muốn tránh né mọi thứ vì cảm giác đó
- Suy nghĩ rất nhiều về những điều khiến bạn lo lắng – kể cả khi bạn cố gắng không nghĩ về chúng
- Cảm thấy bạn không thể kiểm soát cảm xúc của chính mình và không ngừng lo lắng – bạn không thể làm gì để thư giãn trở lại
- Ngủ chập chờn hoặc ngủ không sâu giấc vì lo lắng không ngừng
- Cảm thấy bất an, tuyệt vọng, bồn chồn không yên
- Cảm giác khó chịu ở dạ dày – bao gồm buồn nôn và tiêu chảy
- Thường xuyên cảm thấy kiệt quệ - cả về tinh thần lẫn thể xác
- Tim đập nhanh bất thường – cảm giác như tim bạn đang chạy đua
- Run toàn thân hoặc một bộ phận của cơ thể mà không thể kiểm soát
- Miệng khô hoặc nhiều nước bọt
- Khó thở và/hoặc cảm thấy như bị nghẹn
- Cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt
- Nóng lạnh dễ xâm
- Mất cảm giác về thân thể hoặc cảm giác đau bứt rứt ở da
- Cảm thấy như có cục gì đó trong họng
- Dễ cáu giận trong thời gian dài

Nếu được chẩn đoán bị mắc Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, bạn ít nhất đã phải trải qua 6 tháng liên tục ở trong tình trạng lo lắng về rất nhiều điều xảy ra hàng ngày. Ngoài ra, bạn phải có tối thiểu 3 trong số 6 biểu hiện sau:

- Dễ cáu giận
- Căng cơ
- Khó tập trung
- Ngủ chập chờn
- Nhanh kiệt sức
- Không thể định thần hoặc tuyệt vọng

Chỉ dẫn về cách chẩn đoán và điều trị được trình bày như dưới đây.

Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa được chẩn đoán thế nào? Tại sao nó xuất hiện?

Câu hỏi rất hay. Tuy nhiên, chúng không có câu trả lời rõ ràng – và giống như nhiều chứng rối loạn tinh thần khác – nó xuất hiện bởi một loạt sự kết hợp giữa vấn đề di truyền, nhân cách và các yếu tố tác động trong quá trình sống. Lí giải về mặt sinh lí, Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa liên quan tới sự đổ gẫy chức năng liên kết của hạch hạnh nhân (amygdala) – trung tâm điều khiển cảm xúc đặt tại não – và cách nó xử lí các cảm xúc sợ hãi và lo lắng.

Di truyền cũng góp phần tạo ra Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa. Nếu bạn có người thân mắc chứng rối loạn này, khả năng mắc của bạn sẽ cao hơn, đặc biệt cùng với sự xuất hiện của tác nhân gây căng thẳng trong đời sống. Thú vị là, việc lạm dụng chất kích thích trong thời gian dài cũng tăng nguy cơ mắc Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, sử dụng thuốc an thần có thể khiến chứng bệnh lo lắng của bạn tồi tệ hơn, dùng quá nhiều đồ có cồn cũng thế. Hút thuốc và caffeine đều là tác nhân gây gia tăng mức độ lo lắng.

Nếu bạn tin mình đang mắc Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, bác sĩ của bạn sẽ thực hiện một số bài kiểm tra về sinh lí và tinh thần. Đầu tiên, bạn nên nói với bác sĩ về chứng đau đầu và khó ngủ lâu ngày của mình. Sau khi bác sĩ loại bỏ các loại thuốc gây ra triệu chứng sinh lí trong bạn, anh/cô ấy có thể chỉ định bạn đến gặp chuyên gia trị liệu tinh thần để chẩn đoán thêm.

Chuyên gia sẽ hỏi bạn một loạt các câu hỏi về tâm lí để hiểu rõ hơn về tình trạng hiện tại của bạn. Khi chẩn đoán Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa, bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu tinh thần sẽ xác định khoảng thời gian bạn đã phải chịu đựng lo lắng quá mức, khó khăn của bạn trong việc làm chủ tâm lí, mức độ sự lo lắng ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn, và liệu bạn có đang kiệt sức, không thể nghỉ ngơi, dễ cáu giận, căng cơ, khó ngủ, và khó tập trung.

Các phương pháp trị liệu hiện tại

Tương tự các chứng rối loạn lo âu khác, thuốc và trị liệu tâm lí là các phương pháp trị liệu phổ biến nhất với Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa.

Trị liệu tâm lí – thường chỉ phương pháp trị liệu qua nói chuyện với bệnh nhân. Nhận thức hành vi là một cách trị liệu tâm lí phổ biến, đã cho thấy những kết quả tuyệt vời đối với các bệnh nhân Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa. Cách điều trị này giúp bạn nhận thức và thấu hiểu các suy nghĩ của mình, cũng như đưa ra các kiểu mẫu suy nghĩ tiêu cực mà bạn có thể đã gặp phải. Phương pháp điều trị bằng nhận thức hành vi chủ yếu hướng dẫn bạn cách áp dụng các kĩ năng hay kĩ thuật nhận thức để bạn có thể quay lại trạng thái bình thường và làm dịu sự lo lắng. Đây thường là phương pháp điều trị trong thời gian ngắn và nhiều bệnh nhân trải qua quá trình trị liệu tâm lí này đã có những kết quả rất tích cực.

Trị liệu bằng thuốc - cũng là một hình thức trị liệu phổ biến đối với Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa. Các loại thuốc hay được sử dụng nhất là thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo lắng, và trong một số trường hợp là thuốc ngủ. Thuốc chống trầm cảm thường được dùng cho các chứng trầm cảm, nhưng cũng có tác dụng đối với chứng lo lắng. Thông thường, loại thuốc này mất 2 tuần mới bắt đầu có hiệu quả và có thể gây ra một số rối loạn nhẹ, như đau đầu, nôn mửa hay khó ngủ. Các tác dụng phụ này rất nhẹ và thường giảm đi sau vài tuần. Thuốc chống lo lắng cũng thường được kê với các bệnh nhân Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa. Loại thuốc này có tác dụng rất mạnh đối với các chứng lo lắng; một trong số các loại thuốc được kê phổ biến nhất là Buspirone với tên Buspar.


Thuốc buspar  trị liệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa

Khi cơn lo lắng phát tác mạnh, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc ngủ để làm dịu đi các triệu chứng của lo lắng – dù cách này chỉ nên dùng khi cần thiết và trong một thời gian ngắn.

Một số người thấy rằng chỉ sử dụng thuốc có thể điều trị Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa rất hiệu quả, trong khi những người khác lại thấy nhiều lợi ích hơn từ Trị liệu tâm lí. Một số người lại thấy sự kết hợp giữa trị liệu tâm lí và uống thuốc mới là cách trị liệu tốt nhất. Một số thói quen tốt có thể làm dịu các cơn lo lắng và giúp bạn có một đời sống khỏe mạnh hơn. Bao gồm:

Tập thể dục thường xuyên
Hạn chế hoặc không sử dụng caffeine
Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
Các phương pháp làm chủ căng thẳng – như tập yoga hoặc thiền định

Nhìn chung, để giảm thiểu sự xuất hiện của lo lắng, đừng bỏ uống thuốc hoặc các buổi trị liệu tâm lí – kể cả khi bạn không muốn nói chuyện hoặc thấy không khỏe, và nhớ sắp xếp lịch gặp thường xuyên với bác sĩ của bạn.

Nguồn: psycom


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147