Trang chủ Blog Sống khỏe

The Incredible Body: Làm thế nào để vừa LÀ-MÌNH, vừa vẫn thiết lập được RANH GIỚI với với cuộc đời?

By: OopsyAdmin, 2020-05-12 10:11:51

Tìm đọc bài luyện thứ nhất: ĐI QUA QUÁN ĂN, KHÔNG TAN VÀO MÙI, cuốn sách THẦN THÁI UY NGHI DẪU QUỲ VẪN OAI - OOPSY

 

BÀI LUYỆN THỨ HAI: Đứng trong một vòng tròn suốt 30 phút mỗi ngày trong 3 tuần

CỨ ĐỨNG LÀ VỮNG:  SỨC MẠNH CÓ NGAY TRONG MÌNH!

Bài luyện thứ hai rất vất vả, nhưng cũng không thể giảm độ khó của nó được. Đấy là bạn chọn một điểm nào đấy rồi đứng trong một vòng tròn suốt 30 phút. Bạn có thể đứng mọi kiểu, nhưng phải là trong một vòng tròn, vòng tròn do chính tay bạn tự lấy phấn vẽ.

Bài luyện này kéo dài ba tuần, tôi chắc chắn nó sẽ giúp bạn học được cách trụ-vững, định thân được. Việc trụ vững rất quan trọng. Người học võ phải luyện đứng tấn. Thiếu Lâm có Mã bộ, Karate có Kiba Dachi, Taekwondo có Annin Sogi... Họ luyện thế này: Hai bàn chân mở rộng ra, đặt trên một trục thẳng ngang, bàn chân song song, gập đầu gối, hạ thấp xuống, sao cho hai đùi dần dần song song với mặt đất. Lòng bàn chân phải áp chặt xuống, gót chân theo đó sẽ hơi nhẹ hơn, hai tay nắm chặt, đặt bên hông, ngực ưỡn, lưng thẳng, mắt nhìn thẳng, hơi thở điều hòa. Luyện tấn gian nan vô cùng: Người ta sẽ dễ mệt mỏi, có khi ban đầu chỉ có thể luyện vài phút, rồi nâng lên. Nhưng không có bộ tấn đó, ra đòn không mạnh được, chịu đòn cũng không được. Tấn bộ như một loại khí công vậy, giúp thân thể trên hòa với Trời, dưới hợp với Đất, sau nữa là để người ta tự hòa-hợp với sức mạnh nội tại của mình, đặng phát huy nó ra.

Người luyện võ có thể kháng địch nhờ bộ tấn đó. Còn chúng ta, có thể đối chọi với áp lực của đời bằng thế “đứng tấn” của tinh thần. Bạn thân mến, bài luyện đứng trong vòng tròn của chúng ta khó không kém gì bài đứng tấn, mà thành tựu về tinh thần thì lớn lao hơn rất nhiều!

Về thời gian, mỗi tuần nên chọn ra đúng một cung giờ nhất định, có thể là 9:30-10:00, 21:30-22:00... tùy bạn. Đúng giờ ấy, bạn lấy một viên phấn, vẽ một vòng tròn xung quanh mình.

Về tư thế, bài luyện này yêu cầu lưng phải thẳng, ngực thu lại. Nhớ kỹ là, lưng-thẳng tính từ phần xương cụt lên đến khoảng xương tương đương với ức, phần đó phải giữ cho thẳng. Ngực-thu tức là phần ngực bạn hơi thu vào, phải dùng lực để thu ngực vào. Trong lúc lưng thẳng, ngực thu như thế, vùng eo và vai phải thả lỏng.

Chỉ giữ một tư thế lưng thẳng ngực thu và tập trung ý nghĩ vào lưng thẳng ngực thu thôi, đứng ở trong vòng tròn đấy. Muốn đi đâu ở trong vòng tròn đấy là tùy bạn, vòng tròn rộng đến đâu cũng là tùy bạn, vòng tròn đấy rộng tất cả phòng hay không cũng tùy bạn, nhưng bạn phải đứng. Bạn cứ đứng như thế và thân phải luôn luôn thẳng, ngực thu. Mỏi một chút thì bắt đầu phải cố, cắn răng mà tiếp tục như vậy, trong 30 phút đồng hồ.

Bài luyện này diễn ra, có bốn lưu ý sau đây:

  1. Bạn đứng trong một không gian làm sao để hạn chế sự tiếp xúc với người khác. Căn phòng này nên là, và phải là phòng riêng. Bạn có thể luyện vào buổi đêm, lúc vào một căn phòng nào đấy mà người ta không động đến mình. Tất nhiên là những người có gia đình thì rất khó, thế nhưng bạn phải kiếm cơ hội đấy – vào một căn phòng riêng, và luyện đứng thẳng, lưng thẳng ngực thu, giữ liên tục như thế;

Tại sao không để người ta thấy bạn? Bởi vì việc đứng này là bạn đứng trong cô độc, trong một không gian chỉ có mình bạn thôi, liên tục đứng như thế. Khi nào thì chúng ta đứng? Chúng ta rất ít khi đứng một mình, trừ khi phải đi đâu đấy, làm gì đấy. Đi thì lại khác rồi. Đi tức là đang làm một việc gì đấy, bắt chúng ta phải Hành (trong Hành Trú Tọa Ngọa), tức là chúng ta phải đi. Còn khi chúng ta đứng, chúng ta phải đối diện với một khoảng không bất thường và vô tận. Khi chúng ta chỉ đứng thôi mà không giao tiếp với ai, thì không gian ở xung quanh chúng ta tự động mở rộng, mở rộng ra vô tận. Và khi chúng ta đối diện với các bức tường xung quanh mình, một đằng là không gian ở trong sâu thẳm chúng ta thì tiến ra vô tận, còn một đằng là chúng ta cảm nhận được giới hạn của các bức tường này, bắt đầu chúng ta hình thành một ý niệm về các Cấm Giới.

Cho nên ngày xưa những người luyện thiền phải tự nhốt mình vào mật thất. Ở trong mật thất đấy không cần biết người ta làm gì, nhưng một khi đóng mật thất rồi thì quan trọng là không cho người ta giao tiếp với con người nữa. Nhưng bạn biết không, một khi đã đứng thì chỉ vì để giao tiếp hoặc hành động thôi. Thân chúng ta luôn nhận biết hành động “đứng” như vậy, không sai lệch chút nào. Cho nên phép lịch sự khi nói chuyện với nhau là đứng, nói chuyện với nhau, bắt tay nhau. Còn ngồi là không lịch sự với nhau nữa đâu. Một khi đã đứng lên, trong người ta hình thành tâm thái rất nghiêm túc, nghiêm cẩn. Toàn bộ thân thể sẵn sàng để cho quá trình giao tiếp, hòa nhập với người khác. Nữa là, khi nào bạn định làm việc gì mà không làm được, chưa làm được, bạn sẽ thấy mình rơi vào trạng thái “đứng ngồi không yên,” theo nghĩa đen luôn.

Nên quá trình thứ nhất, khi bạn đứng trong một căn phòng kín và không giao tiếp với ai, tâm trí bạn hoặc thân bạn phát tiết ra toàn bộ mong muốn được giao tiếp với ai đó, được làm gì đấy.

Nó sẽ phát tiết ra  hai mong muốn này:

•  Một là mong muốn được giao tiếp với ai đấy. Nhưng mong muốn này sẽ bị dập tắt rất nhanh chóng, bởi vì bạn đang đứng ở trong một phòng kín, bạn biết là không ai nhìn mình;

• Thứ hai, chuyện này rất quan trọng, đấy là thân bắt đầu phát tiết ra một mong muốn là không đứng nữa. Đó là một mong muốn thỏa mãn những nhục dục của cơ thể.

Bạn biết đấy, dục vọng là một loại năng lượng và nó phát tiết ra các giác quan của mỗi người khác nhau. Chẳng hạn dục vọng được phát tiết qua mắt thì mắt muốn nhìn thấy những cảnh mà bạn thấy thích. Tai thì muốn nghe những điều bạn thấy thích. Thân thì muốn thỏa mãn dục vọng theo kiểu của thân. Mỗi điều ở trong chúng ta, tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý đều có một loại dục vọng riêng. Nhưng trong quá trình chúng ta đứng trong vòng tròn, thì dục vọng của chúng ta chỉ yêu cầu là chúng ta dừng đứng thôi. Nó phát tiết cả một khối, nó liên tục, liên tục yêu cầu chúng ta dừng đứng. Trong khoảng 10 phút đầu nó sẽ phát tác mãnh liệt nhất. Đến 10 phút tiếp theo bắt đầu nó phát tác chậm đi và chúng ta bắt đầu rơi vào trạng thái tạp niệm. Và vào 10 phút lần thứ ba là quá trình chúng ta chiến thắng dục vọng và tạp niệm ấy bằng chính chuyện đứng.

Đi đi lại lại trong 30 phút, cực kỳ thống khổ đấy. Đây là một bài luyện rất thống khổ. Nó không đòi hỏi bạn chuyện gì ngoài chuyện đứng, nhưng việc đứng này là việc cực kỳ tra tấn tâm can. Đấy là lưu ý thứ nhất:

  1. Phải giữ đúng lưng thẳng ngực thu. Toàn bộ lưng, từ phần xương cụt cho đến khoảng phần ức, các phần đấy phải thẳng, và ngực thì phải hơi thu ép lại. Chúng ta chủ động lưng thẳng là chúng ta phải giữ một lực, ngực thu là ép một lực. Hai lực này tồn tại giống như hai bàn tay, một bàn tay để sau lưng, một bàn tay để trước ngực ép lại. Bạn sẽ luôn luôn giống như cảm nhận sức ép của hai bàn tay đặt vào hai nơi như thế.

Lưng thẳng và ngực thu, bạn hãy ghi nhớ kỹ hai “khẩu quyết” đó. Giữ như thế trong 5 phút không sao, nhưng 30 phút là cả một vấn đề. Ở đây, bạn bắt đầu học cách dùng ý chí thống soát thân thể. Làm chủ thân thể mà, không bao giờ dễ dàng.

Và nữa, tại sao phải đứng suốt 30 phút?

Trong 10 phút đầu, nó sẽ phát tiết rất mạnh mẽ tạp niệm với dục vọng, nhưng thường là dục vọng phát triển rất mạnh. Trong 10 phút thứ hai, đến lượt tạp niệm phát triển rất mạnh mẽ. Và bạn hãy để mặc cho nó tuôn ra, dù là dục vọng gì. Muốn ngồi chẳng hạn – đấy là một loại dục vọng. Hay là muốn nghỉ ngơi – đấy là một loại dục vọng. Hay là một mong cầu nào đấy, hay là thân thể rất bối rối, rối loạn – đấy đều là bộc lộ của dục vọng.

Và có rất nhiều người, dục vọng này là hằng hà vô số, cho dù người ta trông có thể gầy nhỏ, bé tí hay là béo tốt – không quan trọng. Thực ra dục vọng của con người là hằng hà vô số, là một năng lượng, là một gói, thì cứ để nó bộc lộ ra hết, để nó tự nhiên, để nó đi qua hết. Bạn rất muốn từ bỏ nhưng chỉ cần quán tâm vào một điểm thôi, đấy là không từ bỏ tư thế lưng thẳng ngực thu.

Lúc bạn giữ được tư thế lưng thẳng ngực thu, dục vọng sẽ tuôn ra như vắt chanh. Nhưng nếu bạn không giữ được tư thế đấy trong lúc dục vọng phát tác, bạn sẽ giống như bị nó thấm nhiễm qua từng thớ thịt. Bạn hiểu hai tình trạng khác nhau không? Nếu bạn giữ được lưng thẳng ngực thu thì nó giống như bị vắt bỏ ra khỏi bạn. Còn nếu bạn không giữ được tư thế đấy, bạn cong gập người một chút chẳng hạn, hay bạn bắt đầu uể oải, đứng chán bạn lại nghiêng người, thì những dục vọng ấy sẽ bắt đầu thấm nhiễm vào từng làn da thớ thịt, nó sẽ nhân lên trong bạn. Đấy là một cuộc chiến với chính mình.

Đến giai đoạn tạp niệm phát triển mạnh cũng thế thôi. Khi tạp niệm phát tác thì bạn sẽ muốn nghiêng đầu, bạn bứt tai, bạn bắt đầu muốn quay ra, cúi xuống, thở dài,… tất cả mọi trạng thái sẽ xảy ra hết. Bạn bắt đầu ngó từng cảnh vật, bắt đầu nghĩ ngợi mà không biết nghĩ chuyện gì, vì tạp niệm gây ra rất nhiều thứ.

Nhưng nếu bạn giữ được tư thế đấy, lưng thẳng ngực thu, thì trong đầu sẽ có một chuyện thay đổi, đấy là tạp niệm giống như bị vắt ra khỏi đầu. Nó càng ngày càng tràn ra, bắt đầu tuôn thành những dòng chảy. Nó bắt đầu giống như một đoàn người bị tống ra khỏi thành trì nhận thức của bạn, dần dần dần dần như thế. Trong một ngày, bạn tích lũy được bao nhiêu tạp niệm, đó đều là lúc tống xuất ra cả, nó rất mạnh.

Giai đoạn 10 phút cuối cùng chính là, để vắt kiệt tạp niệm thì có một giai đoạn hài hòa. Mười phút còn lại cuối cùng, chúng ta cảm giác thân thể mình nhẹ hơn, thoải mái hơn. Bắt đầu chúng ta cảm giác tư thế lưng thẳng ngực thu là cái gì đấy đương nhiên.

Hãy cảm nhận trạng thái lưng thẳng ngực thu là một trạng thái đương nhiên của thân thể. Chúng ta có thể đi lại một chút ở trong vòng tròn. Chúng ta có thể đứng nguyên, chúng ta có thể nhắm mắt lại, chúng ta có thể đứng nắm chặt tay lại, đứng thiền một chút, chúng ta có thể đi lại, chúng ta ngắm các đồ vật. Làm gì cũng được, nhưng chúng ta duy trì được qua khoảng đấy, thì lúc kết thúc được 30 phút này, chúng ta thấy toàn bộ thân thể mình vô cùng nhẹ nhàng.

  1. Bàn tay bạn không được dùng để nắn bóp thân thể. Rất nhiều người một lúc sau mỏi mệt, thường là chống tay vào hông chẳng hạn, đặt lên người chẳng hạn, đấm lưng chẳng hạn. Bàn tay bạn trong quá trình đấy sẽ rất muốn đặt lên đâu đấy trên thân thể. Nhưng bàn tay ở trong bài luyện này phải buông ra. Nó có thể cử động, khua chân múa tay tùy bạn, nhưng hai bàn tay không được chạm vào thân. Bạn hiểu điều này không? Điều đặc biệt là bạn sẽ thấy là hai bàn tay cực kỳ muốn chạm vào thân trong quá trình này.

Bạn phải học cách vượt qua cảm giác mệt mỏi. Bàn tay luôn được ta dùng để xoa dịu thân thể, và đó là cách thân thể tự hồi phục. Đau ở đâu, xoa ở đó, đây là một phản ứng chữa lành của Thân. Bạn phải vượt lên trên điều đó. Ý chí phải mạnh hơn tất cả, dùng cái ý chí đó mà kiểm soát mọi trạng thái của Thân. Ở đây, bạn dùng ý chí chống lại sự mệt mỏi và chống lại thói quen tự xoa dịu của tay. Giống như một ông giám đốc vậy, ông ta mà quyết tâm làm chủ công ty của mình, thì phải tự mình đọc các báo cáo khi cần, và không thông qua “cô thư ký tay” nữa!

  1. Trong quá trình luyện thì tuyệt đối không được bước ra khỏi vòng tròn. Cái vòng tròn do chính bạn vẽ nên, đấy là quy ước của bạn với chính mình, nó có sức mạnh của sự quy ước đấy. Khi bạn làm được điều này, bạn đang làm chủ những giao ước với chính mình. Nó rất quan trọng, nó không phải mang tính biểu tượng đâu, mà là thân từ đấy trở đi sẽ nhận thức là cái gì bạn đã vạch ra, bạn sẽ đảm bảo. Thân sẽ có một sự quy ước như thế.

Sự tự-làm-chủ-giao-ước là một bài luyện tinh thần rất quan trọng, tầm quan trọng vượt mức bạn nghĩ. Các cách thức thiết đặt kỷ luật, lập thời khóa biểu, lên kế hoạch... đa phần đều chập chừng giữa tính tự nguyện, tự giác và tính cưỡng bức. Đó là vì ngay từ đầu những việc đó đã giả định một thành quả đi kèm sự trừng phạt nếu bạn không hoàn thành. Trong khi đó, việc tự vẽ vòng tròn và không bước ra ngoài là một quy ước không có người giám sát, không thật sự đưa đến một thành quả thấy rõ (mục tiêu vô-hình), và không bị trừng phạt nếu thất bại. Khi Thân dần dần làm quen với tình trạng hoạt động trong một quy ước của lí trí, dần dần nó sẽ khuất phục tự nguyện trước ý chí. Sự tự nguyện này đạt được không thông qua thôi miên hay tự kỷ ám thị, do đó là một sự tăng trưởng hệ trọng của ý chí, đánh dấu sự kiểm soát của lí trí với thể xác.

Khi bạn vẽ một vòng tròn, tất nhiên là vẽ một cái vòng hơi méo một chút không sao, nhưng vòng tròn ấy là một dấu chỉ cho bạn. Nó là sự quy ước với cá nhân, đấy là một ranh giới giữa bạn với cuộc đời. Và khi vòng tròn ấy được thiết lập xong thì ở trong thân thể bạn sẽ ghi dấu vòng tròn này.

Nói rất đơn giản, về mặt tâm lí học, bạn vẽ một vòng tròn lên một tờ giấy trước mặt thôi, thì tâm ý của bạn gắn chặt với vòng tròn đấy. Bởi vì khi bạn tự quy ước, tức là bạn có ba bước:

(i) Dùng viên phấn vẽ vòng tròn;

(ii) Tự quy ước với mình là không bước ra khỏi vòng tròn;

(iii) Đứng trong vòng tròn đấy, không bước ra khỏi vòng tròn đấy.

Ba bước này làm thân bạn bắt đầu quen với chuyện quán sát các trọng tâm, và quán sát vào các giới hạn.

Bình thường trong đầu óc chúng ta không có các khái niệm về giới hạn, chúng ta chỉ có khái niệm về mục đích. Chúng ta có khái niệm là đi ra khỏi trạng thái hiện tại để đến một trạng thái khác, và chúng ta sống tiếp bằng cách chuyển đổi giữa những trạng thái khác nhau. Chúng ta dùng việc đổi giữa những trạng thái khác nhau ấy để có cảm giác mình đang sống rất vui vẻ, có ý nghĩa. Còn chúng ta mà phải ngồi chết dí một chỗ, thì đó gọi là “rất tệ,” theo nghĩa đen là chết dí, đúng không? Thế nhưng trong trạng thái này, bạn biết là bạn đã quy định đóng kín một không gian lại, quy định với thân của mình ở trong không gian đấy và trước bốn bức tường này, thì bạn đã hoàn thành một cấm giới đầu tiên – cấm giới của thân thể trước mọi thứ xung quanh.

Cái Thân sau quá trình rèn luyện giữa một cấm giới giao ước như thế sẽ không còn kết nối lập tức với những Thân khác. Trước mọi cái-thân-khác, bạn hãy luôn tự quán sát một vòng tròn xung quanh mình. Nó sẽ làm người ta không dám bước qua vòng tròn đấy mà hủy hoại bạn.

Ở đây phải giải thích với bạn một chút. Khi ta thấy bất kỳ ai, dù là xa lạ hay quen, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, kỳ lạ hay bình phàm... ta đều nảy sinh lập tức một cảm giác về họ. Cảm giác ấy có thể khiến ta muốn tránh xa họ, cũng có thể làm ta muốn giao tiếp với họ. Không có khi nào ta thật sự thờ ơ trước một ai đó. Ta luôn muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, cùng lúc luôn có khoảng cách với họ. Dù thế nào, có một sự thực ở đây: Thân của ta luôn kết nối trực tiếp với Thân-của-người-khác. Một sự kết nối mà ta có thể gọi thơ mộng là sự-kết-nối-toàn-nhân-loại. Một mạng lưới thật sự, cái mạng lưới kiến tạo xã hội dù ta có muốn hay không. Nên ta có thể nói hình tượng thế này, những người xa lạ cùng đi trên một con đường lập tức tạo thành những-người-đi-trên-đường. Dù họ có cố tình hay vô ý, họ liền lạc và liên quan tới nhau trong vô hình.

Đừng quên là, vòng tròn này càng hẹp thì sức ước chế của bạn với con người càng lớn. Có những người luyện đến hết ba tuần, họ có thể vẽ một vòng tròn đủ để đứng. Đấy là những người công phu luyện đến rất cao, không chắc bạn luyện được cao đến thế, và không chắc bạn có thể duy trì đến ba tuần. Nhưng nếu có thể luyện được, bạn sẽ hình thành toàn bộ Thân Tâm Ý đặt trọng tâm vào chỗ cách li với người ngoài, giữ khoảng cách với người ngoài, và khiến người ta không dám xâm phạm khi bước vào gần bạn, giống như luôn luôn có bốn bức tường xung quanh bạn và một vòng tròn để ngăn cách. Khi đó, Thân sẽ ghi nhận một trạng thái ấy, và trường giao tiếp, trường năng lượng của người ta tự động khuôn thành một khuôn, nó không cho phép ai xâm phạm vào.

Bạn hiểu điều này không? Nó rất quan trọng!

---

<Trích sách THẦN THÁI UY NGHI DẪU QUỲ VẪN OAI | OOPSY>

Đọc thêm một bài luyện khác cũng từ cuốn sách THẦN THÁI UY NGHI DẪU QUỲ VẪN OAI - Làm Thế Nào Để Tiếp Cận Một Người Khi Bạn Quá Nhút Nhát Và Không Biết Phải Nói Gì


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147