Trang chủ Blog Introvert

Nền Tảng Đầu Tiên Khai Sinh Mạng Xã Hội

By: OopsyAdmin, 2022-02-07 11:27:37

Tôn giáo tích cực và tôn giáo tiêu cực

William James là ông tổ của tâm lý học thực dụng người Mỹ

Có thể nói là ông ấy khước từ tâm lý học hành vi, nhưng ông ấy chính là ông tổ của tâm lý học hành vi, theo một nghĩa khác. William James, sống cùng thời đấy. Và James đưa ra một khái niệm rất tuyệt vời

Chúng ta bắt đầu có những nền tảng của mạng xã hội. Kể từ William James trở đi, mạng xã hội chắc chắn sẽ ra đời – nguồn gốc Thần học của nó đã được xác định rồi. James nói thế này, có hai loại Tôn giáo, trong tác phẩm The Varieties of Religious Experience – tức là những loại hình của tâm lý Tôn giáo, một tác phẩm kinh điển ở trong giới tâm lý học Tôn giáo

Trong cuốn sách của mình, James bảo thế này: có hai đời sống tôn giáo khác nhau. Một đời sống tôn giáo tích cực và một đời sống tôn giáo tiêu cực. Ông cho rằng đời sống tôn giáo lành mạnh là đời sống tôn giáo thúc đẩy người ta có thêm năng lượng và những thông điệp lành mạnh. Nghe giống truyền cảm hứng trên mạng không? Và đây là một trạng thái của tôn giáo, chúng ta hãy nghĩ kỹ điều đấy

Và một trạng thái tôn giáo không lành mạnh khiến cho người ta lún sâu vào tôn giáo và mượn tôn giáo để lý giải cho chính mình, gọi là trạng thái tiêu cực, tức là các thông điệp tiêu cực, những kẻ thù tiêu cực

Chẳng hạn một tôn giáo tuyên bố là: “Chúng ta đang chiến đấu với kẻ thù nào?” Ông ấy gọi đấy là một tôn giáo tiêu cực. Ông cho rằng, một con người vươn đến chân lý và tiệm cận chân lý bằng nhiều thông điệp chân lý hơn, bằng nhiều thông điệp tốt lành hơn, sẽ có một đời sống tốt lành và tự chữa khỏi bệnh của mình, trong khi tất cả những thông điệp tiêu cực sẽ tiêu hủy họ. Bạn hiểu điều này không? Ông nói là những trạng thái vô nghĩa này chính là trạng thái đang rời xa chân lý

Hãy quay lại với William James, chúng ta có nền tảng đầu tiên của mạng xã hội

Đó là gì? Một tôn giáo là làm cho người ta tích cực hơn hoặc tiêu cực hơn. Đây chính là điều mà tất cả các nhà xã hội học đều nói về tôn giáo. Tôn giáo là phiên bản hạnh phúc hơn của đời thực, nhưng cũng có thể là một phiên bản tệ hại hơn của đời thực. Cái gì không phải đời thực thì nó là tâm linh hoặc tôn giáo

Thế giới tâm linh cực kì tiêu cực, tức là niềm tin trong nội tâm của chúng ta lúc nào cũng tiêu cực. Nếu chúng ta là một người có tâm linh, có niềm tin trong mình thì chúng ta rất tiêu cực. Chúng ta chỉ giải phóng sự tiêu cực này khi tham gia các hội nhóm, khi tham gia đời sống nghi lễ tôn giáo, chúng ta giải phóng nó

Cho nên William James nói là: Bên trong chúng ta là một thế giới vô cùng tiêu cực, bên ngoài chúng ta là một thế giới rất tích cực. Khi chúng ta tham gia với tập thể, chúng ta xóa tan đi nỗi buồn đấy. Đi uống nước với bạn bè vui hơn đúng không, về đến nhà vắt tay lên trán lại thấy buồn – và đấy chính là sự xé mảnh của con người hiện đại. Đây là điều mà James đã phát hiện ra. Bạn hiểu nhân tố này không? Và đấy chính là đời sống

Phải có một đời sống để hợp nhất được hai tôn giáo này. Và ông hy vọng rằng sẽ có một cách nào đấy để hợp nhất đời sống tích cực - tiêu cực này. Trong tác phẩm The varieties of religious experience của ông, đến những chương cuối, ông không nói về các hiện tượng nữa, ông ấy nói về sự ra đời của một triết lý tôn giáo nói chung: Phải có một thứ để làm cho những thứ tích cực và tiêu cực này có thể chung đụng với nhau và tạo ra một ảnh hưởng tốt hơn cho đời sống con người. Đấy là những nguồn gốc báo trước sự ra đời của mạng xã hội

Còn trước đấy con người là gì? Những tác phẩm của William James trực tiếp ảnh hưởng đến một nhân vật khác. Chúng ta có Carl Jung. Trong cuốn sách xuất bản gần đây, bạn có thể tìm đọc, đây là cuốn dịch lại Các loại hình nhân cách của Carl Jung: Anh là ai tôi là ai. Cuốn này đã được biên tập rất dễ hiểu. Đây chính là Psychology types – những loại hình tâm lý, rất nổi tiếng của Jung, và nó khai sinh ra khái niệm người hướng nội và người hướng ngoại

Giờ chúng ta sẽ đi đến phiên bản đích thực của người hướng nội và người hướng ngoại trong tư tưởng của Jung, đó chính là tích cực và tiêu cực. Bản thân Jung đã nhắc điều này, nhắc đến James trong cuốn sách của mình

Chúng ta có hai tư duy, đối với Jung thế này: Tư duy hướng ngoại là gì? Tư duy hướng ngoại là những người khách thể hóa những gì mình nghĩ ở trong ra bên ngoài, chẳng hạn tôi buồn tôi tìm cách uống một cốc nước cho bớt buồn, đấy là người hướng ngoại. Nhưng tôi buồn và tôi nghĩ về nỗi buồn của nó, tôi dằn vặt về nỗi buồn, tôi là người hướng nội, tôi nội tại hóa

Hai phát hiện của hai ông sẽ ảnh hưởng đến một người rất vĩ đại ở đằng sau, đấy chính là Peter Berger với tác phẩm Mái vòm thiêng (The sacred canopy), tác phẩm rất quan trọng

Quay trở lại với Jung, người hướng nội là gì? Có ba xu hướng chính của chúng ta, một là nội tại hóa, tức là biến mọi chuyện nội tại hóa, người ta nói một cái nghĩ ngay trong lòng mình “Chắc nó nói mình”; hay khi bị va vào cái chân, nghĩ ngay “Đen thế nhỉ?!” Nhưng có một loại người người khác va phải thì, “M** thằng c-h-ó nào để cái gì dưới chân tao!” xong rồi “Thằng nào ngu thế nhỉ, vứt ra đường hòn gạch thế này”, “Thằng nào đểu giả thật”. Nhưng có một người khác đá phải hòn đá kia, họ lại nghĩ “Đau thế, đau thế này làm sao đi làm được” – chúng ta thấy hai người này khác nhau đúng không?

Một người phải chửi ra, một người nhét vào bên trong. Đây là xu hướng nội tại hóa, hay là khách thể hóa, hay là ngoại tại hóa nó ra

Và có một xu hướng thứ ba nằm giữa nội tại với ngoại tại là khách thể hóa, tức là chúng ta bắt đầu tạo ra một đối tượng có thể trung hòa được cái bên ngoài và cái bên trong

Đây chính là điều Jung muốn giải quyết, điều mà James đặt ra – khách thể hóa là một động lực của con người và nó sẽ tạo ra gì? 

Nó chắc chắn sẽ tạo ra tôn giáo

Chúng ta đã từng nghe rằng trên đời này có hai loại người không dạy được: Một là thiên tài, hai là bọn ngu, còn bọn ở giữa là dạy được. Ngu đằng nào dạy cũng không được, thiên tài không cần dạy nó tự biết, chỉ còn bọn ở giữa để dạy thôi. Triết lý này giống hệt của Khổng Tử và chúng ta cũng thấy là giống hệt Platon, Aristotle, trong việc họ mở ra học viện Academy

.

Người hướng ngoại có xu hướng tích cực hơn khi họ đổ tội cho bên ngoài và thế là họ không phải giữ lại bên trong. Một người chia tay tôi, tôi đổ tại là, “Con ấy đểu mà”. Cho nên mình càng buồn, càng chửi “Con đấy đểu”, thì nỗi buồn đấy được trút sang một đối tượng

Nhưng khi tôi không thể ngoại tại hóa nỗi buồn ấy, tôi lại, “Sao cô ấy lại bỏ mình? Sao cô ấy lại làm thế nhỉ? Sao mình lại khổ thế nhỉ? Tại sao mình không bao giờ tìm được người yêu mình nhỉ?” – Đấy là xu hướng nội tại hóa, không phải là đổ trách nhiệm cho mình, mà là tôi đưa nó vào trong nội tâm và tôi cố gắng nói với nó

Còn tôi là người ngoại tại, tôi ghét thì tôi đi gặp bạn bảo: “Này tao bảo này, con này đểu cực kì nó mới bỏ tao. Tao càng nghĩ tao càng cay cú. Tao phát hiện ra rồi, nó phản bội tao từ cách đây bảy năm cơ, chứ không phải từ cách đây ba năm.”

Chúng ta nhớ là người hướng nội – hướng ngoại theo tiêu chuẩn của Susan Cain trong cuốn Quiet là gì? Là một người dựa theo liên kết xã hội của người đấy. Nhưng người hướng nội – hướng ngoại theo tiêu chuẩn của Jung là người nội tại hóa các vấn đề của mình hay là ngoại tại hóa các vấn đề của mình – nội tâm hóa hay ngoại tại hóa đúng không, nhưng ở đây tôi nói là nội tại hóa hay ngoại tại hóa. Và người có khả năng khách thể hóa hai điều này chính là những con người tôn giáo – những con người có thể trung hòa điều này, mà theo cách chúng ta vẫn nói trong chương trước là: Tạo ra một thực tại khác và sống với nó. Bằng cách này chúng ta chuyển tất cả những thứ này lên trên một đỉnh cao. Chúng ta chuyển hai đầu mâu thuẫn, thay vì tìm một điểm giữa nó và cân bằng, chúng ta chuyển nó lên trên một đỉnh cao. Khách thể hóa mọi chuyện theo kiểu Tất cả điều này nằm trong kế hoạch của Chúa, trong sự an bài, không thể thoát được đâu, đây là duyên nghiệp. Khách thể hóa nó, giống như một quy luật chi phối tôi mà tôi không thể làm gì ngược lại được

Chúng ta hãy nhớ là, đối với Jung thì tư duy theo kiểu tích cực hay tiêu cực không quan trọng bằng tư duy ngoại tại hóa, tức là đổ ra bên ngoài, chúng ta không giữ nữa. Càng đổ ra, càng trút đi càng nhẹ lòng, nguyên tắc của trị liệu tâm lý đúng không? Càng trút ra ngoài là càng nhẹ lòng, cho dù càng ghi dấu ấn nó rõ hơn. Nhưng nội tại hóa là gì? Xử lý được nó thì phải rất mất thời gian, nhưng xử lý được thì nó cũng chấm dứt, nhưng trong quá trình ấy rất đau đớn. Đấy là tư duy tiêu cực

Có thể bạn vẫn còn thắc mắc chuyện nội tại hóa vấn đề, nhưng không phải là đổ tội cho bản thân

Ở đây tức là, những người gọi là hướng nội, theo quan điểm của Jung, người có tư duy hướng nội là tư duy tìm cách biến nó thành một vấn đề ở trong mình. Họ có thể đổ tại cho mình, nhưng nó không phải là đổ tại cho một cái cụ thể, nó chỉ dằn vặt về vấn đề bên trong. Tôi nói đơn giản thế này, bạn chuẩn bị chia tay người yêu. Bạn là người hướng ngoại thì bạn bảo, “Thằng này dở hơi không bỏ nó thì phí đời tao” – bạn nghĩ như vậy. Nhưng bạn là một người hướng nội, bạn nghĩ là, “Mình có nên chia tay không nhỉ” – đấy là một ý nghĩ không có gì dằn vặt bản thân và không đổ trách nhiệm cho ai hết, bạn chỉ nghĩ là “Mình có nên chia tay không”. Người hướng ngoại sẽ tìm một người bạn thân nhất, tìm bố mẹ – đây là điều mà bà Susan Cain đã tưởng rằng việc chia sẻ với người thân là thiên về người hướng nội, nhưng thực ra vấn đề là tôi có đẩy vấn đề này ra ngoài hay không

Nếu như bạn là người hướng ngoại theo mô hình của Jung, bạn sẽ tìm một ai đấy, bất kỳ một ai xung quanh để bạn nói là, “Mình không thể yêu anh ấy được nữa rồi, mình chắc chắn phải chia tay.” Nhưng người hướng nội sẽ nội tâm hóa điều này, một mô hình cực đoan là như thế, họ sẽ nghĩ là “Thôi mình đành phải chia tay vậy, rốt cục là chỉ đi đến bước đường này thôi”, ví dụ như thế. Bạn gửi một lá thư, bạn im lặng với chuyện này. Tức là bạn giải quyết nó ở trong bạn, chứ bạn không giải quyết nó bằng cách trút nó ra ngoài và đổ tội cho nó

Và rõ ràng là theo tư duy của James cũng thế mà Jung cũng thế, việc đổ lỗi cho người khác thì dễ sống hơn, chắn chắn rồi. Còn một người có thể sống được với thế gian này thì buộc phải có một thực tại khác – một thực tại để khách thể hóa những vấn đề giằng xé trong nội tâm và những vấn đề gặp ở bên ngoài đời thực, bởi bên ngoài vẫn luôn luôn là một áp lực, nhưng dòng chảy của áp lực này đẩy vấn đề vào trong nội tâm, chúng ta sẽ phải kéo, chúng ta đẩy ngược nó ra ngoài

Khi chúng ta đi Chùa vào mùng Một, đó cũng là cách để chúng ta khách thể hóa tất cả những lo lắng của mình. “Vào Chùa thấy an tâm lắm” – chứng tỏ đang lo lắng cái gì đấy. “Vào Chùa thấy thảnh thơi” – chứng tỏ đang vất vả về cái gì. “Vào Chùa cảm giác tự nhiên mình hiểu ra được mọi chuyện” – thế là chứng tỏ đang thắc mắc cái gì. Chúng ta có thể hỏi, mà chắc chắn là thắp thẻ hương xong, họ cũng sẽ hỏi xin những điều họ đang lo lắng, thắc mắc đấy thôi

Chúng ta đang nói đến giai đoạn chúng ta bắt đầu thấy cái khách thể hóa này tuyệt vời nhất khi nào? Khi nó biến thành mạng xã hội

Hướng nội – hướng ngoại được coi là một thứ gì đấy rất đặc biệt và kiệt xuất của Jung. Ông ấy kết hợp thuyết phân tâm học. Thuyết phân tâm học bị các nhà tâm lý học về sau bác bỏ, tại sao? Bởi vì họ bảo là không xài được thuyết phân tâm học để phân tích tâm lý, chỉ dùng nó để giải thích được thôi, chứ không dùng nó để phân tích và dự đoán được. Phân tâm học có nhược điểm vậy. Bước tiến của Jung đa phần là do chịu ảnh hưởng của thuyết tâm lý học thực dụng của James. Đây là những nhà tư tưởng cho ra đời nguồn gốc một loại hình tôn giáo của mạng xã hội, một thế giới khách thể hóa chúng ta sống. Nó cũng rất thực, và nó cũng không thực

Khi chúng ta viết một đoạn trên trang mạng xã hội, “Tôi buồn lắm, anh đừng liên lạc với tôi nữa”, giả sử chúng ta viết một bài như thế, vậy đây là nội tại hay ngoại tại? Nó là cả hai

Tôi vừa đổ lỗi nó lên trên một thực thể khác, tôi không giữ nó trong nội tâm, 

Nhưng nó lại cũng chính là nội tâm của tôi, và tôi không hề tag người đấy vào đúng không? 

Chúng ta có một đối tượng để chúng ta sống, chúng ta trông thấy mình ở một nơi khác, và cái phản chiếu nó lại thực tại chứ không phải chắp tay và cầu lên trời, “Con mong Chúa hiểu cho nỗi đau của con và thứ tha cho những lỗi lầm mà con gặp” – chúng ta không làm thế

Chúng ta viết lên trên đó, ai cũng nhìn thấy, chúng ta là ngoại tại hay nội tại? Chúng ta vượt lên trên nhu cầu này

Nó là tích cực hay tiêu cực? Nó vượt lên trên cả hai. Và nó có mang tính trị liệu hay không? Bằng một cách rất bất ngờ, chúng ta thừa nhận là việc viết một đoạn post “Tôi buồn lắm” ở trên mạng xã hội, nó mang tính trị liệu, và nó cũng mang tính hủy hoại nhân cách. Cả hai cái đấy cùng tồn tại. Nó là một tác dụng kép

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147