Trang chủ Blog Nhân cách

Ba thái độ, ba cội nguồn hạnh phúc hay khổ đau nơi mỗi người Đi tìm Cái-Thật và Thực-Tại trong thế giới Nội-Tâm

By: OopsyAdmin, 2021-02-26 19:19:03

Ba thái độ, ba cội nguồn hạnh phúc hay khổ đau nơi mỗi người

Đi tìm Cái-Thật và Thực-Tại trong thế giới Nội-Tâm

.

Những ngày này, người ta vô thức thầm rơi nước mắt cho một ai đó, cũng dễ dàng nổi điên vì một điều gì đó. Sẵn sàng bất bình vì nghĩa lớn, lại chẳng ngại ngần toan tính nhau từng chuyện nhỏ

Phút trước nói yêu thương, phút sau quay lưng lạnh giá

Miệng nói bao bọc bảo vệ, lòng thầm rút vạn mũi dao

Sự đời là thế, biết sao

Lòng người là thế, vẫn đau

Triết gia Hy Lạp cổ Epictetus bảo rằng: ‘’Chúng ta không khó chịu vì những gì đã xảy ra, mà vì những suy nghĩ của chúng ta về nó’’

Có vẻ như toàn bộ nền triết học và sau này là tâm lí học đều nhận ra, bản thân thực tại không có vấn đề gì cả. Cuộc đời là cuộc đời, nó vô tình và vốn lạnh giá. Có lẽ vấn đề duy nhất nằm ở cách con người đối diện với nó

Trong cuốn CÁI THẬT VÀ THỰC TẠI, Otto Rank đã chỉ ra 3 thái độ căn bản trước thực tại khiến cho mỗi người tiếp nhận nó khác nhau và hình thành một cái-thật khác nhau trong nội tâm mình - đó cũng là cội nguồn của hạnh phúc hay khổ đau nơi mỗi người. Hãy xem, cách những kiểu người khác nhau đối xử với thực tại:

(i) Một con người bình thường giỏi thích nghi có thể LẤY cái thực tại mà đại đa số chấp nhận là sự thật LÀM cái-thật của chính mình;

(ii) Con người mang ý chí sáng tạo sẽ lập tức từ cái sự thật phổ quát mà TÌM KIẾM và KHÁM PHÁ ra cái-thật của riêng mình, và một khi đã tìm ra thì sẽ muốn đem cái-thật đấy BIẾN thành cái chung, cái phổ quát – thành hiện thực. Đấy là kiểu người tạo ra thực tại cho chính mình từ cái-thật của riêng mình;

(iii) Còn người loạn thần kinh tìm thấy sự thật chủ quan của mình nhưng anh ta KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN nổi nó, anh ta PHÁ HỦY mối liên hệ giữa mình với thực tại - cái mối liên hệ quả tình đã vui vẻ hơn nếu anh ta: hoặc là chấp nhận nó như người bình thường vẫn làm; hoặc là tái kiến tạo nó như con người ý chí sáng tạo thực thi

> Thì ra, rốt cuộc niềm đau đáu vẫn là người ta có thể LẤY cái gì ngoài kia, BIẾN cái gì thành của mình, và mình LÀ cái gì

Thật ra thì ít ai có thể rạch ròi đi vào 1 trong 2 thái độ trên, phần đông chúng ta mắc kẹt trong trạng thái thứ 3. Nói đúng ra thì ai trong chúng ta cũng có một chút "rối loạn“ như thế, một phần không bình thường trong tâm trí

Đó là một trạng thái MẮC KẸT giữa bản thân và thực tại: không hòa hợp nổi với bên ngoài, cũng không chấp nhận được cái sự thật bên trong mình, càng không thể biến cái bên trong thành cái bên ngoài, đồng nhất nó. Đấy là trạng thái chúng ta vẫn nói là: tan vỡ, đau khổ, vỡ làm muôn mảnh, trong ngoài bất nhất, vân vân, tùy vào cách bạn gọi

🎏

Sự khác biệt giữa những 3 kiểu người này nằm ở THÁI ĐỘ trước thực tại, hay đúng hơn là trạng thái ý thức trong mối quan hệ của nó với ý chí:

(i) Ở người bình thường, Ý THỨC VỀ THỰC TẠI phát triển mạnh hơn. Ý thức về thực tại đấy đến từ sự thích nghi của ý chí. Trong trường hợp này, ý chí tự nó được biện minh cả về mặt phổ quát lẫn về mặt xã hội;

(ii) Kiểu người sáng tạo mạnh về Ý CHÍ CÓ Ý THỨC. Ý thức tưởng tượng mang tính sáng tạo của họ đến từ sự khẳng định ý chí. Ở đây, ý chí được biện minh về mặt cá nhân và mặt đạo đức;

(iii) Ở người rối loạn thần kinh thì sự TỰ -Ý THỨC rất mạnh mẽ. Dạng tự-ý thức đến mức loạn thần này là do phủ nhận ý chí. Trong trường hợp này thì ý chí sống, ý chí kiến tạo bản thân và hoàn cảnh hoàn toàn bị khước từ, chối bỏ

Như đã nói, sự khác nhau trong thái độ đấy sẽ quyết định cái gì sẽ chiếm ưu thế: niềm vui hay nỗi đau, sự phá hủy hay sự kiến tạo. Sự khác nhau này lại chủ yếu phụ thuộc vào việc cái-thật và thực tại, cái nào chiếm ưu thế hơn cái nào, tức cái nào là nền tảng:

(i) Ý thức về THỰC TẠI chủ yếu được điều hướng từ góc độ của thực tại. Cái-thật của nó, như đã nói, cũng chính là cái hiện thực, và do đó cũng chính là một cái đúng-thật duy nhất;

(ii) Ý thức SÁNG TẠO cũng có phần thực tại trong đó, nhưng khác biệt ở chỗ nó được nhào nặn để trở thành những nguyên liệu chủ quan, là chất liệu cho đủ mọi kiểu loại tưởng tượng – mà xét đến cùng đấy chính là các hiện tượng ý chí;

(iii) Còn sự TỰ-Ý THỨC kiểu loạn thần lại quá bận rộn trong việc hướng mãi vào bên trong – mà về mặt tâm lí, chúng ta chỉ có thể gọi đây là những diễn biến tinh thần nội tại tự thân. Anh ta lấy cái ảo cảnh nội tâm của mình làm chất liệu, nhai nuốt chính cái nội tâm đấy, và đấy cái phần chủ yếu chiếm cứ ý thức của anh ta. Chắc chắn nơi người loạn thần kinh cũng có cái phần thực tại và cái phần tưởng tượng, song cái thực tại quá ít, còn phần tưởng tượng lại quá lớn. Có điều, cái cốt yếu trong trạng thái ý thức của anh ta vẫn là sự tự-ý thức về các diễn biến tinh thần bên trong nội tâm

Theo nghĩa này, và vì lẽ này, về mặt tâm lí thì người loạn thần kinh đến gần với cái-thật thực sự hơn cả, đấy cũng chính là điều anh ta phải chịu đựng – một nỗi thống khổ nội tâm

>> Thế thì, hạnh phúc hay khổ đau, rốt cùng nằm ở chỗ, người ta CHẤP NHẬN đến đâu, chấp nhận cái gì

🎏

Theo đó, đối với cuộc đời mà nói, người ta chỉ có thể đối xử với nó theo 3 cách:

- Một là chấp nhận thực tại, tìm cách thích nghi với nó, thông qua chấp nhận thực tại để chấp nhận chính mình

- Hai là phản kháng thực tại, đi tìm cái thật của mình song lại không chấp nhận được chính mình

- Ba là xác lập chính mình và sáng tạo một thực tại của mình

Ở điểm này, Rank nhận ra một nghịch lí - nom ngược đời nhưng sâu sắc, rằng:

Con người càng có thể CHẤP NHẬN biểu hiện của thực tại như là chính cái-thật, nghĩa là, càng có thể dồn nén, chuyển vị, phủ nhận, hợp lí hóa, kịch hóa bản thân và dối mình gạt người thành công, thì có vẻ như người ta càng sống một cách bình thường, lành mạnh và vui vẻ hơn

Thế nên, thực ra thì nỗi thống khổ của kẻ loạn thần kinh không phải đến từ một thực tại đầy khổ đau, mà đến từ một CÁI-THẬT đầy đau đớn, khó chịu bên trong nội tâm – chính cái-thật này mới là điều khiến cho thực tại bên ngoài trở nên không thể chịu đựng nổi đối với họ

Về mặt tinh thần, người loạn thần kinh từ lâu đã đạt tới một điểm:

Nhìn thấu trò LỪA DỐI của thế giới giác quan và cái GIẢ HUYỄN của thực tại. Điều kẻ loạn thần kinh phải chịu đựng không phải là bản thân các cơ chế bệnh lí, nghĩa là bệnh tật không phải vấn đề. Cái anh ta phải thực sự chịu đựng chính là việc anh ta đã ĐÁNH MẤT những ảo tưởng cần thiết cho việc sống khi tự mình cự tuyệt những cơ chế bệnh lí đấy. Hóa ra về mặt tinh thần, bệnh lí lại cần thiết để con người có thể tiếp tục sống tốt giữa cái áp lực khủng khiếp của thực tại

Khác với con người ý chí sáng tạo (mà anh hùng Oedipus là đại diện về trí tuệ), người loạn thần kinh không phải là kiểu vui vẻ tự nguyện trong việc tìm kiếm cái-thật, anh ta chỉ miễn cưỡng thấy cái-thật đấy mà thôi, anh ta không hề hạnh phúc khi phát giác ra nó. Hơn nữa, cái anh ta phát hiện ra chẳng phải sự thật khách quan phổ quát nào, đấy là sự thật của riêng anh ta, là cái-thật trong nội tâm của chính anh, kiểu như: “Sao tôi nhỏ bé và xấu tệ đến thế, tôi yếu đuối và vô dụng đến mức tôi chẳng thể tự lừa dối bản thân, tôi không thể chấp nhận chính mình như là một con người có giá trị.”

(Theo Cái thật và thực tại, Otto Rank)

>>> Hóa ra, những con người đã trải qua khổ đau, bị đời đánh cho tan nát, chấp nhận nó như nó là, chấp nhận mình như mình lại là kẻ tỉnh táo trưởng thành – cũng có nghĩa là nội tâm họ đã chai sạn, họ có phần khắc nghiệt và lạnh lùng

Đấy là tổn thương đã hóa thành vết sẹo. Trong lòng họ, nỗi đau hẳn không tan đi, nó chỉ như núi lửa chờ phun trào

Thế thì, con đường nào cho trái tim đầy tổn thương và tan vỡ của chúng ta? Phải chăng, chỉ có thể chấp nhận hoặc tự lừa gạt bản thân?

Hãy chờ để xem câu trả lời đến từ Rank – người học trò xuất sắc của Freud trên con đường tiếp nối mạch nguồn phân tâm học từ người thầy của ông

Trong lúc đó, hãy lắng lòng một chút nhé!

---

iBooks

Cái thật và thực tại, Otto Rank, bản dịch của Trần Khánh Ly (một dịch giả của OOPSY)

artwork by Rombutan

---

© OOPSY - CỘNG ĐỒNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAM MÊ TÂM LÍ HỌC VÀ TÂM LÍ TRỊ LIỆU


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147