Trang chủ Blog Nhân cách

MUỐN SỐNG BÌNH THƯỜNG, THÌ NUÔI ẢO TƯỞNG - TỎ TƯỜNG SÁNG SUỐT, CHỮA LÀNH TRÁI TIM

By: OopsyAdmin, 2022-02-07 11:54:32

MUỐN SỐNG BÌNH THƯỜNG, THÌ NUÔI ẢO TƯỞNG - TỎ TƯỜNG SÁNG SUỐT, CHỮA LÀNH TRÁI TIM

Con đường của ý chí đích thật: thấu tỏ cái-thật nội tâm, giải phóng khỏi nỗi hoài nghi, đi qua thực tại bất định

.

Chúng ta đã nói, kẻ nhìn thấu trò lừa dối của thế gian – đấy là một kẻ loạn thần kinh đau khổ. Có điều, anh ta đâu khổ chỉ bởi anh ta phủ nhận cái-thật trong chính mình - LƯƠNG TRI của mình

Và trớ trêu thay, kẻ biết chấp nhận thực tại lại có thể sống vui vẻ. Có điều đấy cũng là cái vui vẻ giả tạo thôi. Đằng sau ảo ảnh của thực tại, bóng ma của cái-thật nội tâm vẫn luôn ở đó, lẩn khuất và ám ảnh

Thế thì, con đường nào cho trái tim đầy tổn thương và tan vỡ của chúng ta? Phải chăng, chỉ có thể chấp nhận hoặc tự lừa gạt bản thân?

🎏 “LÀM ƠN, ĐỪNG BẢO TÔI PHẢI SỐNG BÌNH THƯỜNG”

Hãy xem:

Liệu pháp của phân tâm học có tác dụng trị liệu cho người loạn thần kinh ở chỗ nó cung cấp cho anh ta những nội dung mới dưới dạng “sự thật” khoa học để biện minh cho ý chí của anh ta. Nó hoạt động dựa trên ảo tưởng giống hệt như tôn giáo, nghệ thuật, triết học và tình yêu - đấy là những phép chữa lành tự phát tuyệt vời trong lịch sử loài người

Mặt khác, một liệu pháp tâm lí cho phép cá nhân trước hết chấp nhận bản thân mình, thông qua đó học cách chấp nhận thực tại, thì về bản chất, nó cũng phải sử dụng đến những ảo tưởng, chứ không phải cái-thật theo nghĩa tâm lí – bởi như đã nói, cái-thật đấy là điều mà người loạn thần kinh phải chịu đựng

> Thế nghĩa là, phân tâm học chỉ THAY THẾ ảo tưởng này bằng loại ảo tưởng khác mà thôi. Vậy nên nó không có tác dụng chữa lành triệt để

Từ đây chúng ta quay trở lại với vai trò của ý chí trong chứng loạn thần kinh:

Tình trạng tự-ý thức về bản thân suy cho cùng bắt nguồn từ đặc tính tiêu cực khởi nguyên của ý chí: Cái ý chí đấy không chỉ hướng ra bên ngoài như một sự phản kháng mà còn hướng vào bên trong như một ý chí đối nghịch. Nó mang đặc tính HỦY DIỆT: Nó hủy diệt mối quan hệ giữa một người và thực tại, sau cùng nó hủy diệt luôn chính bản thân người đó

Yếu tố hủy diệt xâm nhập đầu tiên thông qua sự chối bỏ, phủ nhận, và cuối cùng thông qua các cảm xúc của chúng ta – tức là với chính chúng ta. Chính ở đây là điểm mà tâm lí của chứng loạn thần kinh rẽ nhánh: Ở điểm căn bản nhất, loạn thần kinh có thể được hiểu như là sự đối lập với tâm lí của cá nhân sáng tạo – những người khẳng định ý chí của mình và bản thân mình, chứ không thể nhìn từ góc độ tâm lí của con người bình thường

>> Nghĩa là: Để chữa lành cho một kẻ tâm thần, thì không thể bảo anh ta rằng "Hãy bình thường trở lại đi. Hãy sống theo chuẩn mực thông thường ấy“. Không thể bảo họ như thế, cũng không thể làm cho họ trở nên như thế

Chúng ta có thể thấy lỗi cơ bản trong phương pháp luận của phân tâm học Freud là nó:

(i) định hướng trị liệu dựa trên tâm lí của người bình thường và

(ii) chỉ nhìn nhận kiểu tính cách sáng tạo trong biểu hiện tiêu cực của nó là chứng loạn thần kinh

Sai lầm chính ở chỗ: Người rối loạn thần kinh KHÔNG THỂ trở nên bình thường và khỏe mạnh theo cách của người bình thường, mà chỉ có thể thông qua sự KHẲNG ĐỊNH ý chí một cách TÍCH CỰC, SÁNG TẠO

🎏 “ĐỪNG XOA DỊU TÔI, RỒI LẠI NÉM THẲNG VÀO MẶT TÔI SỰ THẬT BẼ BÀNG”

Vì sao? Vì sao chúng ta không thể bảo những trái tim tổn thương rằng "Anh hãy sống bình thường đi?

- Về bản chất, người loạn thần kinh không những hướng ý thức vào bên trong như một sự tự dằn vặt nội tâm, mà còn hướng ý chí vào bên trong biến nó thành ý chí đối nghịch – thay vì hướng nó ra bên ngoài để hành động, kiến tạo thực tại

- Anh ta không chỉ phủ nhận một thực tại đầy đau đớn – nói đúng hơn, cảm xúc đau khổ khiến cho thực tại trở nên một thứ mà anh ta phải chịu đựng

- Anh ta còn phủ nhận ngay cả những cảm xúc của mình nói chung thông qua ý chí: Ý chí rốt cùng bào chữa cho chính sự phủ nhận này – tức là bào chữa cho ý chí đối nghịch dựa trên đạo đức - phẩm hạnh, hoặc hợp lí hóa nó về mặt đạo đức - xã hội, và theo đó anh ta hoặc chịu đựng cảm giác tội lỗi dày vò, hoặc thống khổ trong một ý chí vỡ tan, hoặc cả hai

- Để rồi sau đó anh ta phải giải thích, động viên, tỏ rõ, hợp lí hóa, biện minh cho mỗi hành động ý chí của mình, dù tích cực hay tiêu cực, thay vì chỉ đơn giản là khẳng định nó

- Đến mức phát triển cực đoan của nó, chúng ta có hình thức cổ xưa nhất của các chứng loạn thần kinh ngày nay: loạn thần kinh cưỡng chế

Đến mức cùng cục, trong sự tự-ý thức đấy, con người ta mất đi khả năng nuôi dưỡng ảo tưởng và tàn nhẫn bóc trần ngay cả nỗ lực vĩ đại cuối cùng của phân tâm học, như đã bóc trần tất cả những liệu pháp biện giải trước đó. Cuối cùng chỉ còn lại một thực tại trơ khấc và một nội tâm bẽ bàng. Phân tâm học đã thất bại trong nỗ lực của mình, khi nó tìm cách cùng một lúc đưa ra:

- Một đằng là sự xoa dịu, an ủi – nhưng chẳng còn đủ sức mang đến những ảo tưởng nữa, và

- Một đằng là những sự thật tâm lí – lại chẳng giúp an ủi, xoa dịu chút nào

>>> Đáng buồn thay, đây là điều chúng ta vẫn làm để "chữa lành“ cho nhau: Vừa tìm cách xoa dịu những cảm xúc, rồi sau đó lại ném thẳng và người ta những sự thật tàn nhẫn. Đấy là cách sai lầm nhưng diễn ra rất phổ biến

🎏 “TÔI MUỐN LÀ CHÍNH-TÔI, THẾ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?”

Thế nên, các liệu pháp hiệu quả thì phải hoàn toàn mang tính chủ quan. Nó nhằm trực tiếp vào MỘT cá nhân, vì mỗi cá nhân là một thể khác biệt, mang theo một chứng rối loạn thần kinh khác nhau. Và mỗi liệu pháp cũng chỉ mang tính tương đối mà thôi

Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều mang trong mình một chứng tâm thần nào đó, tự-ý thức đến mức phá hủy thực tại, nội tâm lẫn ảo tưởng, và hủy hoại chính mình. Chúng ta thấy mình cứ luôn ở trong một trạng thái nửa chừng: luôn tìm kiếm những ảo tưởng mới nhưng chẳng thể dùng chúng để chữa lành; vẫn đấu tranh quyết liệt hòng tìm ra sự thật về bản thân, song cái-thật đấy không làm chúng ta hạnh phúc

Phân tâm học, như tôi đã nói, mang đến cho người ta tất cả những trạng thái đó. Đây là điểm mạnh của nó, cũng trở thành điểm yếu của nó, khi nó càng ngày càng sa lầy vào những tri thức nghiệt ngã không sao cưỡng lại được của quá trình siêu-ý thức này

Quá trình siêu-ý thức này đã đạt đến một điểm và thể hiện rất rõ ở người loạn thần kinh: Song song với việc phủ nhận cảm xúc – như đã nói, họ còn phủ nhận ý thức, và quả thực đến mức mà nhận thức về cái-thật nội tâm chạm tới một điều gì đó mà chúng ta không muốn thấy, vì nó đau đớn, khổ sở và hủy hoại. Do đó, khuynh hướng phủ nhận của người loạn thần kinh càng mạnh mẽ thì anh ta càng phát triển cơ chế phòng vệ hòng chống lại nền toàn trị của sự tự-ý thức – nó cho người ta biết cái sự thật mà người ta không muốn biết

Do đó:

- Người rối loạn thần kinh phải học cách ngưng nhìn vào sự thật nội tại về bản thân, cũng không cần phải nhìn thấy nó, vì sự tự-ý thức của anh ta chỉ là biểu hiện của một ý chí tiêu cực

- Khi anh ta có thể biểu hiện ý chí một cách tích cực và biến ý chí thành hành động hoặc thành tựu sáng tạo, thì sự tự-ý thức của anh ta sẽ không biến thành tự dằn vặt với những câu hỏi kiểu như tại sao mình không thể thực thi ý chí, tại sao mình không thể tìm ra lí lẽ để biện minh cho ý chí này

- Đến đây, nền tảng tích cực của ý chí trong việc hướng đến cái-thật của anh ta cũng trở nên minh bạch, rõ ràng: Thấu tỏ cái-thật đấy là để giải phóng bản thân khỏi nỗi hoài nghi, khỏi sự bấp bênh của toàn bộ hệ thống tư duy vốn được xây dựng dựa trên chủ nghĩa diễn giải tiêu cực – thể hiện qua chuỗi hợp lí hóa bất tận cho ý chí và những động cơ có ý thức của chúng ta

Ở đây một lần nữa, cái-thật với tư cách là một trải nghiệm cảm xúc nội tâm chống lại sự bất định của thực tại và các quá trình tư duy tương ứng với nó. Trong nhận thức nội tại về những cảm xúc chân thực của chúng ta, sự tự-ý thức theo kiểu tâm thần biểu hiện ra ở dạng thức đau khổ nhất của nó

Còn ở góc độ khách quan của cái-thật, chúng ta tìm thấy sự an ủi vĩ đại cuối cùng của ảo tưởng – điều mà kiểu người tự-ý thức trong thời đại chúng ta vẫn có thể có được, đấy là:

(i) KHẲNG ĐỊNH một cách TÍCH CỰC cái-thật của nội tâm, tương ứng với một hành động vui vẻ của ý chí;

(ii) Tri nhận mang tính chủ quan về cái-thật, liên quan đến đời sống cảm xúc như là sự đau khổ, sự buồn bã, để THẤU TỎ nó, sáng rõ về nó;

(iii) Chuyển hóa và kiến tạo một cách SÁNG TẠO cái-thật đấy thành một sự thật phổ quát, dù thực ra nó vẫn mang hình hài của một ảo tưởng – tức là biến nó thành hành động, thay vì dằn mãi bản thân trong cái sự thật nội tâm kia

>>> Chúng ta gọi đây là con đường xác lập cái tôi (self-appointed) > thống nhất giữa bên trong và bên ngoài, giữa toàn thể và bộ phận, và cuối cùng là > hợp nhất giữa con người và môi trường sống của nó

Nghe thì lí tưởng quá phải không? Những đấy là con đường chúng ta phải đi, nếu không chúng ta sẽ chỉ có 2 kết cục đáng buồn như đã nói: Hoặc là chấp nhận sự vui vẻ giả tạo của thực tại; Hoặc là mắc kẹt trong chính mình với sự dằn vặt, nỗi bất lực liên miên của nội tâm

🎏

Và bạn sẽ thấy ngay thôi:

Người nào không khẳng định được mình, người ấy rất ĐAU KHỔ

Người nào không thấu tỏ được bản thân, người ấy rất RỐI BỜI

Người nào không thể hành động, người ấy MẮC KẸT

Đấy là những trạng thái sống rất khổ đau, và chúng ta trải qua chúng hàng ngày, hàng ngày. Rất mệt mỏi, phải không?

Vì thế, hãy thôi những dằn vặt nội tâm và xắn tay vào THẤU TỎ, KHẲNG ĐỊNH và HÀNH ĐỘNG đi bạn nhé. Biến những giọt vàng lấp lánh trong bạn thành một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ. Bạn làm được, nhất định thế!

(Theo Cái thật và thực tại – Otto Rank, Trần Khánh Ly – Oopsy Team dịch)

---


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147