Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Kì quặc để tự tin: Cách để phát hiện ra NHƯỢC ĐIỂM của mình và biến nó thành THẾ MẠNH

By: OopsyAdmin, 2020-05-12 10:11:22

Giai đoạn Tự trào: Sao chép bản thân

Sau giai đoạn trêu đùa người khác là giai đoạn giễu nhại chính mình, hay chính là giai đoạn tự trào.

Tự trào là một trong những năng lực độc đáo nhất của con người, tự trào với bản thân chính là sao chép bản thân. Điều mà chúng ta không muốn làm nhất đối với bản thân là gì? Là tăng cái xấu của chúng ta lên. Bạn đã bao giờ tự tăng cái xấu của mình lên chưa? Nếu mắt đang một to một bé, bắt đầu đứng trước gương kéo cho mắt bé bé lại, mắt to to ra? Chúng ta sẽ không “tởm” như thế! Hoặc là môi chúng ta hơi méo méo lệch lệch, thử trề hẳn ra xem nào, đứng trước gương như thế. Đấy là những người chúng ta thường bắt gặp trong truyện tranh, còn trong đời thường thì rất là “không dám”. Ví dụ bạn có một cái áo rách ở điểm vai, bạn tưởng tượng là đến lúc phát hiện ra điểm rách, bạn sẽ luôn luôn đỏ mặt với người ngoài, bạn cảm giác cả một ngày giao tiếp không tự tin, đúng chứ? Chúng ta cảm giác bất cứ ai cũng đang nhìn vào vết rách ở trên vai. Nhưng có một người hâm hâm, họ nói: “Này, vai tớ rách này, trông này, vai trắng không?”, đấy là một người rất kì quặc, một người có khả năng tự trào rất đáng sợ, vì nói chung là họ không sợ những khuyết điểm của mình. Một người không sợ những nhược điểm của mình, không sợ vẻ bề ngoài của mình, kể cả cho dù họ còn một chút tự ti ở trong lòng, nhưng nếu họ không sợ nó, thì đấy là một người rất đáng sợ, theo nghĩa đấy là một người rất ghê gớm, một người rất bản lĩnh, một người không dễ dàng xúc phạm, xâm phạm hay lợi dụng họ. Nếu người đó vượt qua khỏi những nhược điểm về tự ti cá nhân, nhất là vẻ bề ngoài, đấy là một người rất mãnh liệt, rất quyết liệt, không thể xúc phạm họ một cách bình thường. Chúng ta đã vượt qua bố mẹ để có thể trưởng thành như bố mẹ, vượt qua anh em để không bị ám ảnh về tài sản, vượt qua người yêu để bỏ nỗi sợ mất, đây là lúc chúng ta vượt qua chính mình để không tự ti về cá nhân nữa, và đấy là một thời khắc rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Hoàn thành bài kì quặc này, bạn có thể tiến một bước lên trời.

Xấu đẹp bản thân – Bạn trong mắt bạn

Trong trò sao chép kì quặc này, chúng ta phải nhằm vào một điểm nào đấy, chúng ta tìm ra một nhược điểm. Điều buồn cười là khi thử nghiệm trên ba người A, B, C; kết quả đều giống nhau – đó là không có kết quả “đúng”. Ví dụ khi hỏi B có biết trên mặt mình xấu nhất là ở đâu không, B thấy là cái mũi, nhưng mũi B không xấu. Điều này để nói B cũng không biết mình xấu ở đâu nhưng rất tự ti về cái mũi (chắc là thích một cái mũi đẹp nào đấy đây). Còn khi hỏi A có nghĩ là gương mặt mình xấu nhất ở đâu không, A thấy là mắt, nhưng mắt A lại không phải là chỗ trông xấu nhất, mắt còn tốt chán! Đến lượt C, khi được hỏi C nghĩ gương mặt mình xấu nhất ở đâu, C cũng không trả lời được.

Chúng ta không phát hiện ra được điểm xấu, đấy là cách chúng ta giấu cái tự ti của mình vào sâu thẳm. Còn người phát hiện ra nhược điểm của mình thì họ sẽ có cách để khắc phục, thậm chí họ biến nó thành thế mạnh. Thường, chúng ta không phát hiện được điểm xấu, đây là một hiện tượng rất phổ biến, nhưng giả sử chúng ta có một nhược điểm rõ ràng thì lại khác – ví dụ như mắt to mắt bé, hay môi trề hẳn ra ngoài, mũi tẹt hẳn rồi hếch lên trông như mũi lợn mà ai cũng trêu từ bé đến lớn – tất cả những điều đấy chúng ta đã gặp thì chúng ta có thể bắt đầu đề cập đến nó như một trò kì quặc. Giả sử bạn mắt to mắt bé, bạn gặp ai bạn cứ nhấn mạnh là: “Mắt anh mắt to mắt bé này, anh nhìn chú không có tương lai tí nào”, hoặc là: “Thằng mắt to mắt bé như em kể gì đến tương lai!”, chúng ta đem chuyện này đi nói với mọi người theo kiểu nó là một thứ gì đấy để gợi mở.

Ví dụ coi mắt to mắt bé là ti hí, là coi khinh, thì bạn có thể nói là: “Em coi khinh thiên hạ từ bé anh ạ, mắt to mắt bé mà”. Hoặc chúng ta có một cái miệng méo, chúng ta nói là: “Em gặp ai em cũng cười, nhìn miệng em lúc nào chả cười đểu, sinh ra bố mẹ đã bảo mình phải cười đểu rồi, đời này có gì đáng phải nghĩ đâu anh”. Chúng ta cứ đi nói chuyện này với rất nhiều người nếu chúng ta có một đặc điểm mà nó biểu hiện ra một cách rất xấu so với bình thường. Còn lại, chúng ta cảm giác là khuôn mặt chúng ta không ổn, hoặc hình thể chúng ta không ổn chăng, ví dụ ngực không nở mông không cong, thì chúng ta rất khó nói đấy là một nhược điểm.

Thực ra chúng ta chẳng biết nhược điểm ở đâu (biết đâu đấy lại là thế mạnh!?). Hỡi những người tự ti về vẻ bề ngoài của mình, chẳng hạn như bạn B thấy mũi mình xấu, từ bao giờ các bạn bắt đầu tự ti về cái mũi đấy, bị người khác chê hay là tự mình thấy thế vậy? Tất cả chúng ta thấy là mình có một mối thù với cái gương một cách hình như hơi dị thường. Cái gương soi cái mặt chúng ta, “Anh đẹp không này”, ta lại nhìn vào nói, “Chết, sao nó đầy nhược điểm thế này”. Bạn có thấy vấn đề không? Và cái gương bắt đầu lại xúi ta, Trên thế gian này đáng lẽ đẹp nhất là mình nhưng mà có kẻ còn đẹp hơn là con bé kia (lại phải đi “xử” con bé đấy rồi!).

Nếu bạn không phát hiện được nhược điểm của bản thân, bạn sẽ khắc phục nhược điểm của mình thế nào đây? Như bạn thấy rồi đấy, rõ ràng là gương mặt của B không xấu vì da đen, không xấu vì cái mũi. Khuôn mặt của A không xấu vì cái mắt, cũng không phải vì răng như A nghĩ thêm. Xét đến cùng A cũng không biết mình xấu ở đâu, chỉ biết nói chung là có thể mặt mình không bằng mặt người. Xấu nhất là khi so với người khác, còn lại là không biết xấu ở đâu. Và khi thử hỏi C về tâm đố kỵ, rằng C có nghĩ mình xinh hơn D – một người bạn khác của cô ấy – thì C cho hay, “Nhìn qua tôi thích vẻ mặt của D, rất sáng. Tôi nghĩ D rất đẹp, tôi có đố kỵ với phần đấy”.

Vậy đó, chúng ta chỉ phát hiện ra nhược điểm trong so sánh, chúng ta không biết nhược điểm là gì. Chúng ta chỉ biết là có thể người XYZ hơn mình, cô ta sướng thật, làm sao mình cạo cái mặt này đi thành ra mặt cô ta được nhỉ. Bạn thấy con người yếu đuối không? Cho nên chúng ta phải đi đến phương pháp thứ hai: Phương pháp tự trào bằng cách tự tạo ra nhược điểm. Tự tạo ra nhược điểm là thế này, mọi người đều không biết là mình xấu ở đâu, nhưng ít nhất là biết mình đẹp ở đâu, hoặc ít nhất nghĩ nó rất đẹp. Bạn có nghĩ một nét nào của bạn trông rất là xinh hoặc đẹp không (hoặc là bạn cho rằng nó xinh hoặc đẹp)? Bởi vì mụ phù thủy độc ác biết là mặt mình đẹp, cho dù mặt mụ dài ngoằng và đầy nếp nhăn, ít nhất mụ còn nghĩ mình đẹp ở một điểm nào đấy. Bất cứ ai trên đời này cũng biết là mình đẹp. Có lần khi gặp một cô gái, tôi có nói “Bạn trông rất xinh”, người đó đáp lại “Ôi chẳng ai nói với tôi thế cả”. Tôi nói, “Ai cũng thấy mình đẹp cả, nên ít nhất trên đời này đã có hai người biết bạn rất là xinh: Một là tôi, hai là bạn”, bởi vì chuyện đúng là như thế. Lại phỏng vấn A, B, C tiếp nhé.

Tức là có người khen, B bắt đầu mới thấy miệng đẹp (Chúng ta có rất nhiều nguồn để thấy mình xinh đẹp ở một điểm). Từ đấy bạn B có đầu tư cho cái miệng không, ví dụ gặp người ta thì cố gắng cười hơn, hoặc cố gắng hướng miệng về mặt người khác? B: Tôi đánh son. Là thế đó, khi bạn nghĩ cái gì là đẹp, bạn thường cố gắng trưng nó về phía người khác. Bạn nghĩ là trán đẹp, nói chuyện với người ta bạn sẽ cố gắng hướng trán về phía người đối diện, hoặc là bạn cố gắng trương cái trán lên một chút, hoặc là bạn cảm giác trán mình đang di động rất nhiều.

Hoặc nếu C có một cái vẻ, C sẽ đầu tư về mặt vẻ. Một cách vô thức (hoặc có ý thức cũng vậy thôi), C sẽ đầu tư chú trọng đến cái vẻ, C sẽ cố gắng để “tỏ vẻ”. Bây giờ chúng ta sẽ làm một bước vô cùng kì quặc với chính bản thân mình, đấy là chúng ta sẽ đả kích nó. Bạn hãy nhớ, có ba từ dùng để nói về bản thân mình thuộc loại tệ hại nhất:

• Trông nó xấu

• Trông nó ghê •

Trông nó tởm

Bạn có thể lựa chọn ba sắc độ này, đây là ba thứ “trang điểm” mà khi bạn tự trang điểm cho mình theo ba hướng xấu/ghê/tởm, bạn cảm giác nó rất tệ hại. Giờ thì hãy chính thức bước vào trò đả kích bản thân của chúng ta. Với điểm bạn cho rằng mình quyến rũ nhất, bạn sẽ đem ra tự trào với mọi người. Một là bạn gặp những người bạn bè, bạn thân nhất của bạn, bạn nói với họ về điểm đó.

Nói như thế nào nhỉ? Ví dụ, người tự hào về vẻ của mình có thể đi nói với mọi người là “Cái vẻ của mình nó cứ tởm tởm đúng không nhỉ, mọi người thấy tớ bất thường không, thấy cái vẻ của tớ nó không được ổn không, tớ nên thay đổi thế nào nhỉ?”. Sẽ có người nói là “Không, ổn mà”, rồi sẽ có cả những người góp ý. Dù họ thế nào, bạn cứ lắng nghe, và nếu càng nhiều lời mà khiến bạn cảm giác “Thằng ‘cờ hó’! Ta đẹp thế này mà dám ý kiến với ta nên sửa. Thằng #$@#$#$!”, thật ra càng nghĩ thế càng hay, bởi vì lúc đó bạn bắt đầu công kích sự nhận diện cái tôi ở mức cao nhất. Bởi vì bạn đã nghĩ mình đẹp ở đâu, đảm bảo bạn sẽ nghĩ mình xấu ở những điểm còn lại, đấy chính là nhược điểm mà chúng ta không chịu nhìn nhận, nhưng chúng ta sẽ tìm ở ngay ban đầu. Nếu bạn đặt trọng tâm vào xấu/đẹp, bạn sẽ mãi mãi ở trọng tâm trong nỗi tự ti và nỗi tủi hổ về bản thân. Nếu bạn vượt qua nó, bạn sẽ đỡ hơn một chút

Ví dụ A nghĩ cái trán của mình là đẹp nhất, A nói với bạn thân của mình, “Này trán của tớ tướng xấu lắm đúng không?”. Sau đấy họ có thể bắt đầu nói, “Không, trán cậu đẹp mà”, hoặc trán thế này thế kia…, hoặc “Mày trông trán bướng lắm”, tất cả những điều đấy thì lời ngon ngọt chưa chắc ta đã “ăn” được nhiều, nhưng bạn lại có thể tận dụng cái lời chê trách hoặc ý kiến của họ. “Thằng này. Mày ra đường xe đâm chết mày, dám chê trán tao”. Dù sao đi nữa thì bạn sẽ vô cùng khó chịu về điều này, đây chính là lúc bạn mượn lực bên ngoài để công kích những cái nhận diện bản thân mình.

Chúng ta nhận diện bản thân mình thế nào?

Trong tâm lí học có một thuật ngữ là identity – bản sắc. Chúng ta thường cho rằng chúng ta là những gì tốt nhất và những gì tệ nhất về mình. Bản sắc nằm ở trong những gì chúng ta nghĩ về mình là tốt nhất và tệ nhất. Khi bạn công phá cái đầu “tốt nhất” ấy, bạn sẽ không bị mắc vào bản sắc đó nữa. Bản sắc là một thứ giả. Nói theo kiểu nhà Phật, cái Ngã là cái giả. Bạn chiến thắng được nó, bạn vượt ra khỏi quan niệm về xấu đẹp, bạn sẽ vô cùng xinh đẹp với chính bản thân mình. Bạn vui vẻ với vẻ ngoài của nó, bạn mặc những thứ bạn thích, bạn tự tin trước người, không phải vì đẹp hay vì xấu; bạn vẫn là mình trong khi bạn ở bên người, dù là đẹp hay là xấu; bạn tỏ ra là mình một cách rất tự nhiên. Tất nhiên cái “tự nhiên” này không kì quặc. Thực ra điều kì quặc nhất, phản lí nhất là bạn cố gắng xấu hay đẹp theo-người-khác. Tại sao bạn cứ cố làm như thế?

Chúng ta phải là mình, nhưng phải làm sao để yêu vẻ ngoài của mình một cách thực tế nhất, chứ không phải yêu vẻ ngoài của mình theo kiểu cố gắng tô son trát phấn đậm, cố gắng làm cho người ta để ý đến mình. Đấy là một nỗ lực mà nó sẽ mang lại những sự phản tác dụng rất tệ hại

Bước đầu tiên, bạn đem thế mạnh của mình đi sỉ nhục với người ngoài, và đặc biệt tốt nhất là bạn nên đi khoe với bạn bè thân nhất. Ngoài bạn bè thân nhất, bạn có một dạng: hoặc là bạn bè ở cấp độ bình thường, hoặc là đồng nghiệp. Hai thứ này tương tự nhau, vì đồng nghiệp chính là một người bạn cũng thân thân ở nơi làm, nhưng họ chẳng liên quan nhiều lắm đến cuộc sống của bạn. Nói chung, đồng nghiệp hoặc bạn bình thường là đối tượng thứ hai chúng ta hướng đến và loại đối tượng này thường mang tính chất lịch thiệp hơn. Nhưng bạn nhớ rằng nếu họ không lịch thiệp lắm, họ cũng xông vào ý kiến, “Ôi có gì đâu, son phấn chút vào là nó trông đỡ hơn hẳn ấy mà C” thì dù lúc đấy bạn có bực tức căm hờn (“Đỡ hơn hẳn!? Cái gì đỡ hơn hẳn? Khốn nạn!”), bạn cũng chỉ giữ những điều đấy bên trong, bên ngoài bạn vẫn phải mỉm cười: “Tớ cảm ơn, tớ sẽ thử son phấn”

Hay A khoe cái trán xong với đồng nghiệp, đồng nghiệp bảo “Trán em trông hơi to nhỉ, có ai bảo em là trông rất là bướng không?”. Bạn có thể nói là “Chưa ai bảo em” nhưng trong đầu có thể nghĩ “$#%@#%! Ta phải xử ngươi”. Bản ngã của chúng ta rất lớn, động vào thứ tốt nhất của chúng ta, chúng ta sẽ phản ứng lại với họ bằng tất cả cuộc đời mình. Người nào dám chê mình một lần, ví dụ người gặp C dám chê là “Trông cái vẻ của bạn trông dở thế nhỉ C nhỉ”, thì C sẽ căm thù đến cuối đời, cho dù C cười, “Thế ạ? Chả ai bảo em thế, em thấy tự tin!”. “Tự tin”? Người tự tin thật thì không bị những lời nói bên ngoài làm mình lay động, đấy là họ đạt đến một sự tĩnh tại lớn rồi. Bạn phải kiếm tìm sự đả kích, bạn phải chịu đựng sự đả kích và phải chủ động tìm đến sự đả kích đấy. Bạn nêu ra điểm tốt nhất mà bạn nghĩ về mình. Ví dụ B nghĩ là nụ cười mình hay, miệng mình hay, thế là B đi gặp một người bạn thân nào đấy rồi hỏi “Miệng em cười đẹp không?”, người kia sẽ nhìn bạn theo kiểu rất kì quặc: “Đẹp quái gì!”, hoặc người ta bảo “Ừ, trông duyên”. Dù là trạng thái nào, bạn cũng bảo là “Tôi thấy nó quá xấu luôn, xấu cực kì. Hôm qua tôi cười trong gương, tôi định đập luôn cái gương”, bạn nói quá lên trạng thái. Trong lúc bạn tự trào về bản thân, bạn phải đẩy nó lên một mức mà nó trở nên rất phi lí. Ví dụ về người thấy trán mình đẹp, A có thể nói “Em cảm giác là cái trán của em to như cái búa ấy, hôm trước em đập đầu vào tường nứt luôn tường”. Hoặc là C bảo “Em cảm giác cái vẻ của em không ổn, nó cứ tởm tởm theo kiểu em đi trước gió mà em uốn éo một cái thì tòa nhà nó cũng uốn éo theo, cái vẻ uốn éo của em rất là kinh”. Cho dù không uốn éo, nhưng bạn cứ nói như thế (nói nó thành ra như thế, đừng ngại!).

Tất nhiên bạn phải biết là, sự đả kích lẫn những lời khen ở bên ngoài – lời khen thường giả dối, lời khen là đám lấy lòng, còn đả kích là đám nghiệt ngã hoặc đố kỵ sẵn, họ sẽ nhân cơ hội đập cho ta vài phát, hoặc cái đám có một cuộc đời đen tối thì họ sẽ nhân chuyện bạn tự đả kích, họ nói cho bạn vài câu thật là tệ, nhưng bạn sẽ nhận lấy nó trước. Đây là bước đầu tiên. Bước thứ hai là sau khi bạn tự trào, bạn hãy để khoảng 1-2 hôm và trong 1-2 hôm đấy, bạn hãy nhắc lại một vài lần với hai loại đối tượng này Tại sao lại là hai loại đối tượng này? Khi nào bạn chấp nhận một người là “thân”? Thực ra căn bản con người trên đời này ai cũng ích kỉ.

 Vì ai cũng ích kỉ nên chúng ta chỉ chấp nhận những người giống mình thôi, nên chúng ta bắt đầu có vòng bạn thân là những người hợp tính, những người có thể nghĩ như mình hoặc chấp nhận mình, hoặc là có một sự gắn kết nào đấy. Vòng bạn thân đầu tiên – cái vòng bạn rất thân thiết của chúng ta, ở gần ta – là cái vòng chúng ta cảm giác an toàn nhất. Chúng ta cảm giác dù xấu hay đẹp, họ cũng không để tâm, và dù xấu hay đẹp, nó cũng không quan trọng. Đấy là bạn TƯỞNG thế thôi! Đúng hơn là trong vòng bạn thân, bạn nghĩ là mình đẹp, đây là vòng mà bạn cảm giác mình ổn nhất, mình đẹp nhất, và mình có thể vượt ra khỏi nỗi phán xét đấy (Cho nên bạn thân có vẻ rất quan trọng, đúng chứ?). Nhưng nếu bạn dám đả kích điều này trước họ, bạn sẽ không phụ thuộc điều này vào họ nữa. Vòng thứ hai là bạn bè bình thường, những người vì sự lịch sự họ không nói bạn xấu hay đẹp. Nếu bạn dám đem điều này ra phê phán, bạn không sợ xã hội nữa. Đây chính là cái vòng xã hội thật sự của chúng ta. Xã hội thật sự không phải là nhân dân Việt Nam đâu, mà xã hội thật sự là những người bạn, những người đồng nghiệp mà bạn quen biết. Nếu với họ mà bạn sẵn sàng trưng phần này ra thì bạn không sợ sự đánh giá của xã hội nữa. Thực ra phải nói là có rất nhiều người trong đấy sẽ thấy bạn kì quặc khi bạn nói về điểm đấy như thể là một điểm xấu lắm. Nhưng khi bạn dám nói ra với họ thì bạn bắt đầu không sợ xã hội phán xét bạn nữa, bởi vì một lần bạn đã bắt đầu xâm phạm vào những cấm kỵ tối cao của bản sắc, đấy là tự mình đem bản sắc của mình ra bêu riếu, lúc ấy bạn sẽ không còn bị cái bản ngã – identity này chiếm hữu tâm hồn bạn nữa. Vào khoảnh khắc đấy, có một sự hồi sinh bắt đầu.

Lật ngược những đả kích

Bước thứ ba là sau khoảng độ hai ngày, vào ngày thứ ba, bạn gặp họ, bạn nói một vài điều khác hẳn. Ví dụ, trước đó B từng nói với bạn thân là “Em cảm giác cái miệng em cười trông cứ đểu đểu, xấu xấu/kinh kinh/tởm tởm”. Bạn nói quá lên là “Em cười mà em cảm giác mặt em đập vào tường còn tốt hơn là em cười. Em đang định đeo khẩu trang đây, em đỡ phải cười nữa. Mỗi lần em nhìn mình trong gương, em chỉ muốn đập hết tất cả gương trên đời” (bạn có thể nói thử một câu như thế).

Rồi đến lúc này, bạn sẽ nói là “Tự nhiên hôm qua về em lại thấy em rất là xinh đẹp rồi, em xinh đẹp nhất trên đời luôn, không ai bằng em! Tự mình phải yêu mình thôi chị ạ”. Đấy là một câu tự kỉ ám thị, một câu để chúng ta có thể chấp nhận những cái vẻ của mình, và chúng ta không cần thiết phải cải sửa nó. Nỗ lực trang điểm hay trang trí mặt là một nỗ lực cải sửa, và mỗi nỗ lực cải sửa là một nỗ lực để bạn trở nên xấu hơn trong tâm tưởng của mình. Mỗi nỗ lực để giết Bạch Tuyết là một nỗ lực để bà phù thủy chống lại cảm giác mình rất tệ hại đi theo thời gian, một nhan sắc đã bắt đầu đến chỗ già cả.

Cho nên, bước thứ ba, phải dùng một trò kì quặc là nói với mọi người một mức quá đáng về việc mình rất yêu bản thân mình. Khi họ cảm giác điều này rất quá đáng, họ sẽ có một chút phản ứng hơi kì dị. Có những người thì bảo “Ờ ờ, em thấy thế là tốt rồi”, có những người thì bảo “Ôi, mày nói buồn cười đấy”,… Dù họ cười bạn hoặc không cười bạn, hay họ bắt đầu nói lời chê trách bạn hoặc nói lời khen bạn, dù gì đi nữa, thì sau khoảnh khắc bạn nói rằng bạn rất yêu bản thân mình, rất yêu cái vẻ đấy của mình, và bạn thấy như thế là rất đẹp rồi, “không cần phải đẹp hơn nữa, đẹp như thế này là đẹp nhất, bởi vì em có đẹp hơn thì cũng không thể đẹp hơn được chính mình”, bạn sẽ vô cùng tự tin. Bạn hãy nói như thế, “Em không thể đẹp hơn chính mình được, em rất yêu bản thân mình và em cảm thấy mình đang trong trạng thái tốt nhất trên đời, trong tương lai sẽ đẹp hơn nữa, em chưa biết là đẹp đến đâu” (hình như chuyện rất là khó nói!?). Có thể người đó sẽ thấy “thương” bạn lắm, nhưng chúng ta có hai lợi ích ở đây:

Một là, từ nay về sau, họ mất đi động lực đả kích bạn. Người đã dám bêu riếu mình rồi nói với người khác là tự yêu thương thì những người xung quanh không thể làm tổn thương bạn nữa, bởi vì hãy nhớ, những người xung quanh bạn luôn luôn phán xét vẻ ngoài của bạn, dù bạn có muốn hay không. Hôm mặt bạn tệ hơn thì bảo “Mặt em hôm nay trông đen thế”, bạn nghĩ là “Đen gì, tôi đen sẵn mà”, nhưng bạn không thể nói ra ngoài miệng như thế. “Em cảm thấy bình thường” – “Không mặt em trông xuống sắc lắm”. “Xuống sắc cái gì, cái tên “điên” này!”, bạn rất muốn “uýnh” hắn một cái, nhưng không đánh được. Đại khái là bạn sống ở trong một trạng thái luôn luôn bị những người xung quanh phán xét, nhưng khi bạn đã bộc lộ ra rằng bạn dám chê trách điểm mình tệ hại nhất, bạn dám chê nó là xấu/ghê/tởm thì bạn không còn điều gì phải băn khoăn về nó nữa. Thứ hai, khi bạn tự khen mình, bạn bắt đầu chốt với họ một giới hạn, đấy là bạn bắt đầu tạo ra một ranh giới với họ rồi đây, từ nay về sau họ sẽ không nhìn bạn như trước nữa. Trong mắt họ, bạn cũng không còn bộc lộ như trước nữa, và trong mắt hai cái vòng quan hệ xã hội của mình – bạn thân và bạn bình thường – bạn cũng không còn có một nhu cầu là đem họ ra làm bảo chứng cho bản thân nữa. Vào khoảnh khắc bạn hoàn thiện sau ba ngày với mỗi người – tổng cộng là bốn ngày, bạn có bốn ngày để trở nên tự tin với chính mình, vượt qua bản thân.

Người ta cứ nói “Chiến thắng bản thân”, chiến thắng cái quái gì? Sự lười biếng không thể chiến thắng bằng nỗ lực từ việc có kỉ luật bình thường. Đầu tiên người ta phải tự tin, tự tin thì người ta sẽ có mọi thứ, có thể có kỉ luật, có sức mạnh, có trí tuệ, có can đảm... Không có tự tin, chúng ta sống trong những sự dằn vặt và tự ti thì chúng ta sẽ luôn luôn mệt mỏi, yếu đuối, luôn luôn đầu hàng, và luôn luôn thấy mình lạc lõng, không bằng ai. Không thể thế được. Bạn có trải qua cảm giác đó bao giờ chưa? Giai đoạn bạn mất tự tin nhất là giai đoạn bạn tệ nhất rồi, luôn luôn như thế.

Một ngày nói với bạn thân nhất, một ngày nói với đồng nghiệp. Mỗi người bạn cần nhắc lại thêm một lần về “nhược điểm”. Ngày cuối cùng bạn khẳng định với họ là: “Tớ đã vượt qua điều này rất thần kì, tớ nhận ra là tớ không thể đẹp hơn được chính mình. Dù tớ có cố gắng thì tớ vẫn là chính mình thôi mà, không thể đẹp hơn được nữa. Cho nên trong tương lai có thể hy vọng là sẽ ngày càng đẹp hơn, còn bây giờ thì tớ đã đẹp max rồi”. Tổng cộng là bốn ngày. Có thể sắp xếp bốn ngày đó theo thứ tự như sau:

Lúc bạn chê trách với họ, bạn phải nhấn mạnh sự xấu/ ghê/tởm – một cái gì đấy mà bạn nhấn mạnh một cách quá đáng. Chẳng hạn B nói, “Tớ cười mà tớ cảm giác là người ta thà đập đầu vào tường còn hơn nhìn tớ cười”. Hoặc A nói, “Cái trán em dô đến mức em cảm giác giống như em đập đầu vào tường, tường nứt ra làm đôi”. Còn C có thể nói, “Cái vẻ của em nó giống như kiểu chảy nước ấy chị nhỉ, nó chảy ra thành vũng luôn ấy”. Bạn có thể thử nói đến thế, nghe đả kích không?

Nhưng chúng ta đả kích nó không ngừng, giống như một người bạn của tôi luôn luôn nói với mọi người, “Trông tớ béo lùn lệch gù, thế nhưng thực ra là người rất tốt”. Anh ấy luôn luôn nhấn mạnh với họ, bởi vì anh ấy khẳng định trước thì họ không còn cớ gì để trêu anh nữa cả, đơn giản như thế (có sao đâu!). Khi người ta nặng nề về xấu đẹp thì người ta sẽ xấu mãi và tự ti mãi, không làm nổi cái gì. Còn khi anh ấy đã dám thừa nhận nhược điểm của mình, hoặc đả kích cái tốt nhất ở mình thì bất cứ chuyện gì anh ấy cũng có thể làm, có thể làm ngày đêm, có thể sản xuất ra bất cứ gì mình thích, vì từ nay anh ấy là chính mình rồi. Vẻ ngoài là thứ xác thịt nhất, khi bạn đầu hàng trước vẻ ngoài, bạn đầu hàng trước nhục thể, trước xác thịt, trước phàm trần, trước xã hội, và bạn vọng ngoại hơn bao giờ hết. Bạn có một cách để vượt qua sự vọng ngoại đấy, kì quặc để tự tin mà, đừng ngại! Nhắc lại, hãy nhớ, thứ nhất, nhan sắc là biểu tượng của bản sắc, hay của bản ngã.

Thứ hai, lời chê là biểu hiện cho những phán xét xã hội. Nếu bạn thay xã hội tự phán xét mình cho xong đi, và sau đấy vượt qua nó một cách rất đơn giản, thì giống như một trò tự đánh lừa chính tâm trí nhân gian của mình, bạn sẽ chiến thắng cái tâm trí nhân gian này để đạt được một cảm giác mình rất ổn, và bạn có thể tự tin để làm rất nhiều việc, có thời gian để cống hiến cho rất nhiều thứ, loại bỏ cảm giác tự ti để sống một cách tốt đẹp hơn. Tự tin không phải là ưỡn ngực, cong mông rồi cầm một cái túi đắt tiền Gucci chạy giữa phố. Kẻ đấy vô cùng tự ti, luôn luôn sợ hãi nhan sắc của mình đi xuống, nó rất tệ hại, việc đấy không có gì là tự tin. Nếu bạn quen ít người thì chỉ cần nói với ít người, nhưng bạn có hai loại đấy. Bạn có thể chọn ra mỗi đối tượng đại diện khoảng 1-2 người, không cần phải nói với cả thế giới. Bằng những trò kì quặc, chúng ta phát hiện rằng hóa ra những điều chúng ta tin tưởng là mình đẹp nhất, trong mắt họ lại cũng chẳng hề đẹp. Và những gì có thể chúng ta chẳng tin là mình đẹp, trong mắt họ hóa ra lại rất đẹp. Con người thật là kì lạ đúng không? Chứng tỏ những người xung quanh chẳng hiểu gì về chúng ta, và không hề nhìn nhận chúng ta theo cách mà chúng ta kì vọng ở họ. Bạn có thể tự soi gương, tự vuốt ve, để cuối cùng phát hiện ra bạn chẳng là ai trong mắt họ.

Hãy tự tin lên. Bạn thấy rồi đấy, khi nói về bề ngoài, cả A, B, C đều bộc lộ ra những nhược điểm, mọi người đều có vẻ có triệu chứng đầu hàng nhục thể, có vẻ sợ hãi nhân gian và xã hội. Nhưng chúng ta có cách để vượt qua điều đó. Kì quặc để tự tin không khó đâu, hãy thử đi.

 *********

Trích KÌ QUẶC ĐỂ TỰ TIN - OOPSY

07 trò kì quặc trong cuốn sách Kì quặc để tự tin mục đích được đặt ra để khiến cho đầu óc, tư duy của chúng ta thay đổi, giúp chúng ta nhìn ra bản chất thật của đời sống. Và điều thứ hai là khiến cho trái tim chúng ta biết yêu thương chân thành, hơn là sống trong sự dằn vặt


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147