Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Những TỰ TI, nhút nhát không thể nào tránh khỏi, làm sao để KHẮC PHỤC bây giờ?

By: OopsyAdmin, 2020-05-12 10:11:27

Đừng tin cái bề ngoài, cái bề ngoài luôn là tầm thường nhất
Vượt qua 4 giai đoạn này, trái tim nào cũng hùng mạnh sắt đá

Lễ nghi của sự tự tin là một lễ nghi cực kì giả dối. Người ta không hiểu rằng tất cả những phương thức biểu hiện sự tự tin như đi thẳng, nói lớn… chỉ là một màn diễn tệ hại của những người thiếu tự tin, đầy tổn thương. Ta có thể thấy một anh chàng kiêu hãnh, cao lớn, mặc một bộ vest, ánh mắt sáng ngời – một người thành công, và anh ta nói, “Để làm một người thành công thật là khó khăn”.  Nhưng điều chúng ta thấy là gì? Đây là một kẻ đã đồng nhất mình với cuộc đời mình.

Bạn biết là mỗi vai trò đều có một trách nhiệm, đều có một nhiệm vụ, nên người nào biết .đảm nhận một vai trò, làm rất tốt những trách nhiệm và nhiệm vụ ấy để bảo đảm vai trò của mình, để khiến vai diễn của mình được hoàn thiện giống như nó-là. Và đấy là một người rất tự tin, bởi vì họ biết tất cả những việc họ làm chỉ là tạm bợ, họ không đau khổ vì nó, họ không dằn vặt vì nó, họ không sung sướng vì nó, họ chỉ việc làm tốt nhất những gì mình có thể. Đấy là một người cực kì tự tin mà bạn có thể gặp ở giữa đời…

Vậy làm thế nào để có được sự tự tin, tự tại đích thực đó? Đã đến lúc chúng ta nói đến một giải pháp, một giải pháp xuyên suốt về sau, đó là chúng ta có thể Kì quặc để tự tin.

Sự kì quặc đích thực là gì? Sự kì quặc đích thực là sự khác thường. Sự kì quặc đích thực không phải ở biểu hiện của người đấy trước cuộc đời, cho dù đôi lúc nó sẽ là như thế. Sự kì quặc đích thực ấy ở trong trái tim một người, dám sống một cuộc sống khác với cuộc sống bên ngoài. Họ sẽ luyện rất nhiều cách để có thể dám sống cuộc sống đấy, họ không sợ cuộc sống này.

Để có thể nắm bắt được cuộc đời này như là một màn kịch, họ phải trải qua bốn giai đoạn.

1.

GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT, họ phải cảm thấy là họ có thể sẵn sàng sống bất cứ cuộc sống nào, tức là họ trở thành một BẬC THẦY THÍCH NGHI

Nếu như gọi là “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, họ không ngại. Nếu họ vào một cộng đồng, ví dụ họ vào một chỗ mà mọi người đang ăn, họ sẽ ăn. Nếu mọi người đang uống nước, họ sẽ gọi nước uống. Khi họ bước vào một quán, thấy mọi người đang làm một chuyện, họ sẽ có thể bắt chước theo, họ không thấy ngại ngùng. Đây là bậc thầy thích nghi – bậc thầy bắt chước.

Bắt chước tức là thích nghi, đấy là một trong những bí quyết của sinh tồn. Kẻ không biết bắt chước, kẻ đấy không thích nghi được. Bắt chước có nghĩa là gì? Tức là chỉ làm giống thôi, chứ không phải bị đồng nhất vào nó, cho nên mới gọi là bậc thầy thích nghi. Cho đến giai đoạn thích nghi thật sự, tức là có thể làm giống hệt mà không bị nhiễm vào như thế, đấy là thích nghi, đấy là một bậc thầy.

2.

GIAI ĐOẠN THỨ HAI là người ta bắt đầu DẸP BỎ ĐI SỢ HÃI

Một người bắt chước vẫn có thể run sợ là có giống hay không, bậc thầy thích nghi vẫn có thể đôi lúc nghĩ xem mọi người có phát hiện ra không, hoặc lưỡng lự xem đâu mới là thực. Nhưng một người dẹp bỏ được sợ hãi không quan trọng đâu là thích nghi, đâu là không; họ không quan trọng đâu là màn kịch, đâu là không. Đối với họ: Diễn là diễn. Họ không bị những mối e ngại xung quanh trở nên ép buộc.

Ví dụ bạn ngồi cùng nhóm bạn, mọi người cùng ăn bánh mì, bạn không thích ăn bánh mì nên bạn không ăn, nhưng liệu bạn có nghĩ là mọi người đang nhìn không, có cảm thấy một chút ngại ngần trong chuyện mình không ăn không, hoặc là nếu mình ăn thì mình có ngại không? Tất cả những trạng thái mang tính chất tiêu cực như ngại, sợ, tần ngần… thuộc về những điều cần loại bỏ trong giai đoạn thứ hai – loại bỏ sợ hãi – để có thể có được một khả năng sống đúng với bản thân mình. Bởi vì, một người muốn diễn được một vai tốt phải có khả năng sống đúng với bản thân mình. Họ phải có khả năng chân thành, và đấy là một đức tính không dễ gì có được. Muốn chân thành với chính mình, nhìn nhận ra những vấn đề của chính mình và có thể vượt qua những vấn đề một cách ngon ơ, họ phải vượt qua sợ hãi – giai đoạn thứ hai, họ trở thành một bậc thầy đích thực của sự kì quặc.

Nhưng sự kì quặc vẫn còn hai giai đoạn nữa, hai giai đoạn này rất đặc biệt. Giai đoạn thứ hai, khi dẹp bỏ được sợ hãi trong các mối quan hệ, chúng ta vẫn có thể nghe đến những người bặm trợn, những người thông minh một cách quyết liệt, những người không sợ gì ai khác, nhưng tất nhiên họ vẫn còn đầy một thứ. Họ mới dẹp bỏ được sợ hãi, nhưng bậc thầy thứ ba, một giai đoạn tiến hóa của sự kì quặc, là họ dám dẹp bỏ sự đố kỵ. Họ không sợ những thứ khác mình.

3.

GIAI ĐOẠN THỨ BA, bậc thầy kì quặc ở mức thứ ba, họ không sợ những điều khác mình, họ KHÔNG ĐỐ KỴ với những điều khác mình

Họ có thể sao chép những gì hợp với sự tồn tại của họ, họ sao chép những thứ mà có thể hợp với cách để giao tiếp với bên ngoài. Họ diễn những vở kịch bằng những vai của họ, nhưng họ không phải là một thường dân mà coi thường một vai vua, họ không phải là một vai vua coi thường các thường dân. Họ không đố kỵ với bất kì ai trong vở kịch đấy cả, họ không cố trở thành người ưu việt nhất trong các vở kịch. Họ sẽ trở thành người ưu việt khi họ cần là người ưu việt, vì đấy là một vai cần đến sự ưu việt, chứ không phải là vì họ ham thích sự ưu việt, bạn hiểu điều này không? Họ không có lòng đố kỵ, vì thế họ có thể bắt chước được bất kì ai.

Nếu như dẹp bỏ được lòng đố kỵ với người khác, bạn có thể giống bất kì ai. Giả sử bạn nói, “Bình thường tôi không đố kỵ lắm”, “Bình thường tôi không ghen ghét với ai lắm” thì bạn chắc về lời nói của mình chứ, bởi đấy là một giai đoạn không dễ dàng gì. Lúc bình thường, chúng ta quả nhiên không ghét ai lắm. Hãy nói về một người bạn của chúng ta từng thành công, hay một người bạn của chúng ta đang gặp một thất bại, đang rất suy sụp, chúng ta có âm thầm mừng trong lòng không, chúng ta có âm thầm đố kỵ trong lòng không? Chúng ta có đang âm thầm đố kỵ với những người hạnh phúc hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn, thông minh hơn không? Nếu bạn nhận thức rằng tất cả những cái “hơn” ấy chỉ là sự khác biệt, tức là nhận biết được trên đời này xét đến cùng chỉ là khác biệt, không có hơn hay kém ở mức độ, ở những việc sở hữu trong nhân gian, thì bạn sẽ thấy nhân gian này không nặng lắm, cuộc đời này không nặng lắm, có thể sống với những gì mình thích, và nếu mình thích điều đó mình sẽ cố gắng có nó, không phải vì ai có nó, mà vì mình cần có nó. Đấy là một sự mạnh mẽ, đã vượt qua đố kỵ, có thể bắt chước được mọi người. Đấy là một giai đoạn giống như “thiên biến vạn hóa”, “thiên diện thiên nhân” rồi – đấy là giai đoạn rất đặc biệt.

Chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh của Chúa, Ngài có thể là con chim, Ngài có thể là người qua đường cần uống nước. Giống như một vị Phật vẫn có thể đến một cửa nhà và nói, “Ta khát nước quá, có thể cho ta nước không?” Nước – vị Phật ấy có thể tạo ra được, nhưng lòng của người ta là điều vị Phật ấy muốn thử. Ý nghĩa câu chuyện này là gì? Phật có thể là bất cứ ai để thử lòng tất cả mọi người. Đây là một giai đoạn bậc thầy giao tiếp cực kì cao, họ có thể hiểu được tất cả mọi người nhờ cách đóng mọi vai mà họ cần. Muốn thế, họ phải dẹp bỏ sự đố kỵ. Muốn thế, lòng dạ của họ phải thật từ bi, lương thiện. Nếu không, họ không làm được, vì họ hiểu tất cả mọi thứ. Người hiểu tất cả mọi thứ, người không đố kỵ với mọi thứ nữa, người này thật sự có thể lương thiện.

4.

GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG, giai đoạn cao nhất: Giai đoạn vượt qua hẳn những vấn đề về tự tin và kì quặc, đạt đến một sự UNG DUNG TỰ TẠI cuối cùng

Trong thời cổ chúng ta gọi đây là người đắc Đạo, trong thời hiện nay ta gọi là người biết cách sống. Và dù thế nào, họ cũng đều có chung một đặc tính: Họ có thể sống khác mọi người mà không thấy vướng bận. Đây là giai đoạn cuối cùng, và thực ra cực kì khó. Ai có thể sống khác? Chúng ta cứ ca ngợi là sống khác, nghĩ khác, nghĩ ngược lại đi. Nghĩ ngược thì cũng là giống thôi, không có vấn đề gì thay đổi cả. Chúng ta vẫn muốn lôi kéo người khác giống mình.

Một người ung dung tự tại là người sống đúng theo cách của mình mà không cần ai sống giống mình, và cũng không cần mình phải giống ai; không sợ mọi người chê cười, cũng không chê cười mọi người; không thấy mình là tốt – theo kiểu “Tại sao mọi người không sống giống như tôi đi”, nhưng cũng không thấy mình là xấu – tức là không thấy mình đang có một vấn đề gì. Họ ung dung, thế thôi. Dù có bao nhiêu người nói vào, họ cũng mỉm cười. Thậm chí họ còn tìm một cách, bởi vì họ đã vượt qua ba giai đoạn ban đầu rồi, họ có thể giải thích cho người ta tại sao sống như họ thật là vui vẻ. Họ không lôi kéo ai cả, họ chỉ đơn giản là khiến người ta phải lùi bước trước cách sống của họ. Đấy là bậc thầy thứ tư: Chân nhân, đắc Đạo.

Sự kì quặc đích thực là sự khác thường. Kì quặc mới là tự tin, còn khác biệt không mang lại sự tự tin, khác biệt mang lại sự tự ti. Một người đã cố gắng khác biệt thì người đấy sẽ rất tự ti với mọi người. Sự kì quặc đích thực ấy ở trong trái tim một người, dám sống một cuộc sống khác với cuộc sống bên ngoài. Họ sẽ luyện rất nhiều cách để có thể dám sống cuộc sống đấy, họ không sợ cuộc sống này!

**********

Trích KÌ QUẶC ĐỂ TỰ TIN - OOPSY

07 trò kì quặc trong cuốn sách Kì quặc để tự tin mục đích được đặt ra để khiến cho đầu óc, tư duy của chúng ta thay đổi, giúp chúng ta nhìn ra bản chất thật của đời sống. Và điều thứ hai là khiến cho trái tim chúng ta biết yêu thương chân thành, hơn là sống trong sự dằn vặt


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147