Trang chủ Blog Sống khỏe

Trí Thông Minh Giác Quan: Làm Thế Nào Để Chú Tâm Vào Việc Cần Làm, Bỏ Qua Âm Thanh Lộn Xộn, Vô Nghĩa Của Cuộc Sống?

By: OopsyAdmin, 2020-09-08 18:18:03

(Xem thêm bài luyện thứ nhất: Làm thế nào để NỘI TÂM VỮNG MẠNH không bị chi phối bởi lời nói của người khác?

Bài tập thứ hai: NGHE TỪNG ÂM THANH GIỮA CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG

Từ thính phòng, sắp xếp mọi loại âm thanh

Công trường này có thể khó kiếm đây! Có hai dạng công trường xây dựng:

  1. Đúng là công trường xây dựng thật, các tòa nhà đang xây dựng hoặc nơi có tiếng máy móc, tiếng khoan cắt, tiếng va đập của các vật liệu xây dựng…;
  2. Không hẳn là công trường xây dựng, mà là mọt nơi có máy móc chạy liên tục, xầm xập xầm xập – một xưởng cơ khí hoặc một xưởng sửa xe máy chẳng hạn, tiếng tháo lắp linh kiện, tiếng keng keng keng đập phá, tháo ra lắp vào

Chúng ta có hai loại công trường xây dựng, bởi vì nó đều mang tính chất kiến tạo, bằng cơ khí hoặc cơ học

Khi vào không gian này, chúng ta làm gì? Đầu tiên, chúng ta phải đứng. Bài tập đầu tiên giúp chúng ta hình thành thính phòng rồi. Ở bài tập thứ hai này, chúng ta không chỉ hình thành thính phòng, chúng ta bắt đầu đưa thính phòng này thành các tia, các đường ống, dây nối, mạch dẫn (theo nghĩa đen ấy!). Bạn tưởng tượng được không?

Đầu tiên, thính phòng của chúng ta là một không gian bao bọc, chúng ta đã cảm nhận đúng không? Nhưng giai đoạn thứ hai nó phải phát thành tia. Chẳng hạn, giữa một nơi như một quán cà phê, thính phòng của bạn phải có thể phát ra một tia nhỏ gắn chặt với miệng của một người, và như thế người này nói gì bạn cũng đang cảm giác được. Không phải người ấy đứng trước mặt nữa mà đứng ở rất xa và đang lẫn giữa bao nhiêu âm thanh thì bạn vẫn nghe thấy giọng nói người ấy

Khi thực hiện bài tập này bạn phải đứng. Hãy thử đứng đi. Bạn đứng, nhắm mắt để cho thính phòng mở rộng (bởi vì chúng ta đã qua giai đoạn luyện thính phòng rồi), và bắt đầu nghe. Từ thính phòng mở rộng, bạn hãy chọn một đối tượng, một âm thanh, một tiếng nào đấy phát ra từ xa. Bạn phóng đôi tai ra phía đấy. Cảm giác không phải nó xuất hiện trước mặt mình nữa mà từ một điểm, giống như từ một nguồn sáng của mình chiếu ra một tia. Và giống như mình đang nhìn thấy nó trong đôi mắt của mình. Giống như bạn đi theo một đường hầm, đi theo một tia sáng nối đến âm thanh đấy

Hãy tưởng tượng là tai bạn nối với âm thanh đấy. Từ trong thính phòng, có một đường dây, đường dây này nối trực tiếp với vật đấy. Bạn có thấy không? Ví dụ, hãy nối với cái loa phát nhạc hay nối với một cái quạt đặt trong không gian bạn đang ngồi

Chúng ta hãy tưởng tượng một không gian công trường xây dựng có hai tiếng: tiếng loa, tiếng quạt. Trong thính phòng ở bài tập thứ nhất, bạn chỉ có thể nghe thấy một thứ tiếng, đấy là tiếng hòa điệu hoặc tiếng lộn xộn, và chúng ta bắt đầu đưa âm thanh hay nhất vào. Nhưng bây giờ chúng ta có thể nghe cùng lúc hai âm thanh. Và đây là lúc chúng ta bắt đầu phân chia vùng não

Bạn có thể vừa nghe thấy tiếng  quạt vừa nghe thấy tiếng loa không? Và chúng ta cảm giác là giống như có hai tia sáng/ hai sợi dây trong phòng, một sợi dây nối ra cái quạt và một sợi dây nối ra cái loa. Nó giống như một đường dẫn sang. Bạn có thấy không? Hãy thử trong vòng khoảng năm phút. Bạn hãy đứng yên, lắng nghe âm thanh của hai nơi. Bất cứ âm thành nào nghe thấy bạn đều bắt đầu nối một điểm từ thính phòng đến nó. Cứ nhắm mắt lại nghe như thế. Bạn nghe thấy gì không?

Đến giai đoạn thứ ba: Bạn bắt đầu sắp xếp thứ tự của mọi thứ, giống như bắt đầu có một bản nhạc được diễn ra. Bạn sắp xếp thời gian mọi thứ diễn ra, và bắt đầu gọi tên, chẳng hạn tiếng chim hót, tiếng quạt, tiếng loa, tiếng lạo xạo

Bạn có cảm thấy là thực ra vốn nó xảy ra đồng thời hoặc không có trật tự, nhưng bắt đầu nó có một trật tự không? Đây là một đặc điểm rất kỳ lạ của tâm trí. Mọi thứ thực ra đều vang lên như một bản nhạc có trật tự, ngay cả khi xảy ra đồng thời. Chúng ta đang phát hiện ra trật tự của vạn vật dựa vào âm thanh của nó. Mọi thứ đang phối hợp giống như một bản nhạc

Bạn có cảm thấy những điều đấy không? Khi chúng ta đứng trước công trường xây dựng, chúng ta bắt đầu phân biệt các âm thanh: Đầu tiên là tiếng đập keng keng, thứ hai là tiếng rầm rầm, thứ ba là tiếng người hét, thứ tư là những tiếng gạch đá, tiếng cát sỏi. Chúng ta bắt đầu phân loại như thế, và từ thính phòng chúng ta nối đến các âm thanh đấy. Khi tưởng tượng trong đầu, chúng ta đánh số 1-2-3-4

Một trong những đặc điểm kỳ lạ của những người đã luyện bài này lâu là họ nhìn thấy số 1 thật. Bạn có cảm giác điều đấy không? Khi chúng ta nói đánh số 1 vào đâu, chúng ta cảm thấy số 1 xuất hiện ở đấy thật. Do đấy, chúng ta phải nói là: Tai có khả năng thấy, đấy là sự thật. Tai là một loại mắt, và khi chúng ta đánh dấu số 1 cho tiếng quạt, chúng ta cảm thấy cái quạt được đánh dấu như số 1 ở trên đầu nó, rồi số 2, số 3, số 4. Thật ra, thường chúng ta rất khó để nghe được quá bốn âm thanh cùng một lúc trong khả năng nhận thức. Nhưng bằng cách này chúng ta có thể nghe được khoảng 4-5 âm thanh và ngày càng mở rộng ra hơn

Cho đến mức, bạn hãy thôi khả năng tự đánh số, bạn tưởng tượng, nhắm mắt lại, bạn cảm giác thính phòng của bạn bắt đầu tự động đánh số tất cả các âm thanh. Chúng ta không kiểm soát được nó ngay. Chúng ta có một dàn những âm thanh được đánh số và chúng ta cảm giác mọi thứ đều có nhịp, đều có trật tự, đều có khả năng xảy ra đúng chu kỳ của nó. Mọi thứ xảy ra cùng lúc, nhưng lại giống như xảy ra theo thứ tự, và có một chu kỳ cho mọi thứ nổi lên. Bạn có cảm nhận được không?

Và bước thứ ba này bắt đầu mới quan trọng. Bước chúng ta cảm nhận được nhịp trật (nhịp độ và trật tự) của mọi thứ đang xảy ra, là lúc chúng ta bắt đầu gắn kết mọi thứ dựa trên một mức năng lượng của nó. Có điều bạn chưa biết là mức năng lượng gì. Và thường là bạn sắp xếp dựa trên khả năng tiếp thu âm thanh của mình

Chẳng hạn có một nhóm cùng tập nghe trong một không gian có tiếng quạt và tiếng loa phát nhạc, thì đa phần mọi người trong nhóm đều chọn cái quạt. Tại sao như thế? Cái quạt là âm thanh thường xuyên nhất, nhưng nó lại nhẹ nhất. Những người đánh số 1 vào những âm thanh rất nhẹ là họ bắt nguồn với việc trong bộ lọc của họ, họ chọn âm thanh dễ nghe trước. Đấy là những người thiên về giao tiếp sao cho vừa lòng người khác. Còn người chọn âm thanh to nhất (cái loa), chọn cái gì phô trương nhất, tức là trong bộ lọc của người này chọn cái to. Nếu cho đi chọn hàng, thì người chọn tiếng quạt sẽ mua những thứ mà họ thích trước, còn người chọn tiếng loa sẽ mua thứ đắt tiền trước – tức là nhìn thứ đắt tiền thì họ để ý ngay: “Đây, đồ này tốt, đắt này.” Còn người chọn cái quạt: “Đây, em thích cái này từ lâu rồi.” Hai người này khác nhau

Tất nhiên, bạn có thể hỏi là: Vẫn có những người thích đồ đắt tiền từ đầu mà? Nhưng thực ra không phải vậy. Nếu cho một món đồ lạ trông sặc sỡ, đẹp đẽ, phô trương thì người chọn loa sẽ nhìn thấy nó trước, bởi vì âm thanh kiến tạo nên suy nghĩ của chúng ta

Chúng ta có thể dựa trên âm thanh để đoán định hoàn cảnh. Giữa người chọn tiếng quạt và người chọn tiếng loa có sự khác biệt thế này. Chẳng hạn, chúng ta có thể đoán được một người chọn loa là người lớn lên trong một môi trường gia trưởng, mà sự chỉ huy, mệnh lệnh rất rõ ràng, nên cái gì lớn tiếng nhất cái đấy thắng. Chẳng hạn, trong một cuộc cãi nhau giữa bố mẹ, ai lớn tiếng hơn người đấy thắng (?!). Cho dù gia đình người đó mang tính gia trưởng, nhưng rõ ràng là nó trải qua rất nhiều những cuộc chỉ huy ra lệnh ở trong môi trường mang tính tranh đấu

Tất nhiên, một gia đình ở Việt Nam bao giờ chẳng có tính gia trưởng, nhưng những người chọn đánh số 1 vào tiếng quạt là những người mà gia đình họ sống trong việc cố gắng vượt qua những vấn đề cá nhân, sau đó cố gắng để tỏ ra yêu thương và dằn vặt nhau vì những chuyện yêu thương be bé. Người chọn loa cũng có thể trải qua giai đoạn đấy, nhưng chủ yếu trong gia đình họ vẫn là làm gì hay không làm gì, “Ông làm đúng hay tôi làm sai?” Nhưng ở những người chọn quạt vẫn là chuyện cố gắng đạt được những chuyện be bé, nhỏ nhỏ. Đấy là một dạng kiến tạo tâm trí, nó ở ngay đấy

Vẫn trong không gian có tiếng quạt và tiếng loa đấy, nếu xuất hiện tiếng người và có một người đánh số 1 cho âm thanh đó thì họ là người như thế nào? Thực ra, vì tiếng người không đều đặn và thỉnh thoảng mới vang lên, người mà để tâm vào tiếng người trước là người sống trong một trạng thái rất cần sự giúp đỡ của người khác, luôn luôn cảm giác mình đang có một sự yếu thế. Đấy là một loại tâm trạng khác, nó mang tính cá nhân. Còn tâm trạng của những người chọn quạt hay loa khác biệt ở chỗ trong gia đình họ được nuôi lớn lên thế nào. Người nghe tiếng người đầu tiên thường là do vấn đề cá nhân. Còn người mà trong bộ lọc họ để đồ vật lên trên liên quan đến các vấn đề gia đình, các vấn đề về quan hệ xã hội

Trong trò này, điều quan trọng là gì? Việc sắp xếp lại thứ tự giúp bạn bắt đầu nhận ra mình ưa thích những tiếng nào nhất

Bước tiếp theo của trò này, là bạn bắt đầu chú tâm vào âm thanh mà bạn muốn nghe nhất. Tức là, bạn tưởng tượng các âm thanh khác bắt đầu mờ đi, bạn có một âm thanh muốn nghe nhất. Hãy tưởng tượng trong thính phòng của bạn bắt đầu có một âm thanh bạn muốn nghe nhất, bạn tập trung vào âm thanh đấy. Bắt đầu bạn cảm giác âm thanh đấy là cốt lõi của toàn bộ không gian, là âm thanh kiến tạo nên không gian

Chẳng hạn, trong một không gian tiếng loa là tiếng chiếm ưu thế, bạn hãy tập trung vào tiếng quạt xem. Bạn có cảm thấy tiếng quạt bắt đầu lấn át dần tiếng loa không? Bạn có cảm nhận được không? Nó giống như ở giữa một công trường, tất cả mọi thứ ầm ầm, thế nhưng nếu mình chỉ tập trung vào một âm thanh, âm thanh đó bắt đầu lấn át những âm thanh còn lại. Đây là một trạng thái rất phi thường

Tất nhiên, bạn biết là để tâm đến cái gì thì cái đấy nghe rõ hơn, nhưng không đúng như thế. Bình thường, chúng ta đâu biết để tâm vào cái gì đâu, chúng ta nghe lộn xộn, rốt cuộc chúng ta cũng không nghe được tiếng lòng mình. Chúng ta có một cuộc đời, xong chúng ta lại thả trôi, cái gì thích nhất thì nghe, và chúng ta cũng không kiểm soát năng lượng đấy. Nhưng giờ chúng ta thấy là, vấn đề ở đây không phải là nghe, vấn đề là chúng ta chú tâm. Bởi vì tai là một bộ thu nhận, nhưng thực ra mà nói, bởi vì nó là một dạng đôi mắt, nó có khả năng phóng chiếu, có khả năng nhìn

Cho nên, có một điều nữa chúng ta phải hiểu là: Khi chúng ta ra lệnh cho tai bắt một bước sóng nào thì liên kết năng lượng với bước sóng đấy là lớn nhất, nếu chúng ta có thể làm cho mối liên kết này trở nên lớn nhất. Bởi vì có rất nhiều người tập trung nghe tiếng quạt nhưng vẫn thấy tiếng loa to. Đấy là những người thế nào? Tâm trí họ bất ổn. Nội tâm của họ mất thăng bằng và họ thường chứa những chứng điên nào đấy trong người

Người nào đã muốn nghe được cái gì to nhất là nghe thấy như thế, thì người đó bắt đầu vượt lên, kiểm soát tâm trạng rất tốt, và nội tâm của họ hùng mạnh. Họ muốn nghe thì họ sẽ nghe, tức là họ bắt đầu có thể đến giai đoạn mà người ta hay nói là “Bỏ ngoài tai những gì cần bỏ ngoài tai.” Trong một mớ âm thanh lộn xộn, vô nghĩa của cuộc sống, họ biết chọn cái gì để nghe (“điếc có chọn lọc” rồi!) – đấy là một cảnh giới rất cao

Luôn có một bản nhạc ngay giữa những âm thanh chát chúa

Bước tiếp theo của việc nghe giữa công trường là bắt đầu có thể nghe được một tổng thể các âm thanh, và chúng ta thấy nó giống như một tấm bản đồ những màu sắc khác nhau. Bạn hãy nhắm mắt lại, hãy thử nhìn và nghe tất cả những âm thanh đang diễn ra xem. Nó giống như một bản đồ các âm thanh với những màu sắc chập chờn khác nhau. Rất khó nói âm thanh là màu sắc, nhưng giống như bạn đang nhìn thấy một bản đồ âm thanh gồm những mảng âm thanh khác nhau, gồm những tiếng từ những nơi nhất định vang ra. Bạn có nghe thấy không?

Trong thính phòng của bạn bắt đầu nhấp nháy. Chẳng hạn tiếng quạt thì hơi xanh xanh, tiếng nhạc thì hơi lấp lóe như kiểu một màu sáng trắng nào đấy. Hay là những tiếng ầm ầm ngoài kia giống như một màu sắc mờ mờ, chấm nổi. Bạn có nhìn thấy không?

Khi chúng ta đã hình dung đến giai đoạn này, chúng ta bắt đầu sang giai đoạn có thể kiểm soát các âm thanh hỗn loạn, kiểm soát các mức năng lượng âm thanh này dưới dạng một bản đồ năng lượng của tâm trí

Khi không cụ thể hóa được âm thanh thành những màu sắc trên một dải nền, nghĩa là chúng ta đang gặp phải chuyện gì? Trong thế giới nội tâm của chúng ta, chúng ta vẫn đang cần một sự thông cảm, ve vuốt. Chúng ta rất cần sự thông cảm. Người nào không tưởng tượng ra được thì người ta cần một sự chia sẻ khủng khiếp, cần một người bên mình lắm. Còn người nào lẫn lộn giữa bên này bên kia thì vẫn rất là cần. Người nào có thể chuyển hẳn thành màu sắc, người đấy có khả năng nội tâm rất vững chãi. Nếu họ cô độc thì họ chịu đựng được sự cô độc đấy thật sự, chứ không đến nỗi suy sụp

Nhìn ra được bức tranh màu sắc của âm thanh là chúng ta hoàn thành bài tập thứ hai

Nhớ là thính phòng của chúng ta đã được thiết lập. Trong thính phòng này chúng ta bắt đầu có những tia sáng, chúng ta liên kết với các nơi. Và bằng các liên kết này, chúng ta bắt đầu có một dải âm thanh, một dải màu sắc Tất nhiên, đọc xong mà làm được luôn thì bạn cũng Thần Thánh quá, nhưng bạn có thể dần dần

Trong bước thứ hai này, chúng ta đang hình thành một mối liên kết. Chúng ta biến mình thành một trung tâm năng lượng, một trụ năng lượng. Chúng ta liên kết với vạn vật, và chính sự liên kết này bắt đầu sản sinh ra màu sắc. Đấy là điều rất quan trọng

Lưu ý rằng tất cả những điều này không có gì là tưởng tượng. Ở đây chúng ta đã thiết lập một cơ chế tâm thức thật sự

Thử tưởng tượng, bình thường khi chúng ta luyện tư duy logic, tư duy phản biện chẳng hạn, đấy có phải là tưởng tượng tâm thần không? Không đúng không? Nếu chúng ta luyện được, chúng ta thật sự có tư duy logic, phản biện, hoặc là tư duy phê phán, hoặc một loại tư duy nào đấy. Vậy thì tại sao chúng ta không thể luyện khả năng dùng năng lượng tâm trí của mình để tạo nên những kiến cảnh, tạo nên những cảnh tượng trong đầu mình, dùng nó để liên kết với vạn vật?

Đấy là một cách thức tư duy bằng trực giác, và cách thức này cực kỳ mạnh mẽ. Bởi vì, nó không dùng ngôn từ mà dùng một cảm nhận trực tiếp. Nó xuyên qua cái ta thấy bằng mắt thường, và nó kết cấu trong một không gian mà chúng ta, tuy gọi là giả tưởng, nhưng đấy là một không gian thực. Tức là, chúng ta sử dụng các hình ảnh, sử dụng một thị kiến để nhìn thấy. Và khi thành lập mối liên kết ở bài tập thứ hai này, đấy chính là chúng ta mở rộng thính phòng ở một mức thành một bản đồ những mối liên hệ. Màu sắc là thứ thể hiện mối liên hệ đã hình thành

Nếu bạn không có khả năng nhìn thấy bản đồ màu sắc này, chứng tỏ bạn sống trong trạng thái cô độc nhưng luôn mong cầu tình cảm của người khác. Còn nếu có thể liên kết được, thấy được màu sắc, thì dẫu cô độc cũng chịu đựng nổi

Vậy là chúng ta đã hoàn thành bài tập thứ hai

---

Trích BÀI TẬP THỨ HAI: NGHE TỪNG ÂM THANH GIỮA CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG, cuốn sách TAI TO NGHE CHÍN HƯỚNG BIẾT CHUYỆN CỦA MƯỜI PHƯƠNG – OOPSY>

Trong mọi vật đều có thanh âm của yêu thương giao hòa! Cũng vậy có thanh âm của đổ vỡ xung đột! Trọng một ngày ngột ngạt ở ngã tư đường nóng bức, tiếng còi xe dệt thành bản hòa âm. Trên một sa mạc vô tân vẫn có tiếng suối chảy và mỗi hạt cát lại véo von tiếng chim hót thanh khiết. Và trong bạn có tất cả thanh âm đó: Có yêu thương, đổ vỡ, có tiếng hỗn loạn và những tiếng thuần khiết. Bạn có muốn đôi tai của bạn nghe được tất cả không? Biết được thanh âm của vạn vật?

Đây, hãy LUYỆN TẬP ĐÔI TAI NGHE 5 LOẠI ÂM THANH CÓ TRONG VẠN VẬT!


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147