Những Cảm Xúc Bị Dồn Nén

Danh mục: Sách khác

Mô tả ngắn:

Đối diện với thế giới tâm lí học, chúng ta phải gạt bỏ tất cả những ý niệm về cái Xấu, cái Ác nơi con người qua việc nghĩ rằng họ đã bị một thế lực siêu nhiên điều khiển, bị quỷ ám hoặc là một con người dị thường. Chúng ta phải đối diện thẳng thắn với tất cả những cái Xấu và Ác đó nơi con người, bằng việc bóc trần các cảm xúc bị dồn nén vào vô thức ngay từ thời thơ ấu của họ.

Mua ngay

Mô tả chi tiết

Đối diện với thế giới tâm lí học, chúng ta phải gạt bỏ tất cả những ý niệm về cái Xấu, cái Ác nơi con người qua việc nghĩ rằng họ đã bị một thế lực siêu nhiên điều khiển, bị quỷ ám hoặc là một con người dị thường. Chúng ta phải đối diện thẳng thắn với tất cả những cái Xấu và Ác đó nơi con người, bằng việc bóc trần các cảm xúc bị dồn nén vào vô thức ngay từ thời thơ ấu của họ.

Nền văn minh hiện đại phải gánh chịu một lời nguyền khủng khiếp (do nó tự gây ra): Đối diện với những cảm xúc bị dồn nén quá mức, chừng nào con người còn ban hành các bộ luật hành vi - ứng xử và các chuẩn mực xã hội, chừng đó con người còn sống liên miên trong những mâu thuẫn tinh thần, giữa lí trí và cảm xúc, ý thức và vô thức. Và cái Ác càng trở nên hùng mạnh hơn. Những người lớn dường như chưa bao giờ có thể chế ngự thành công cái Ác bị dồn nén này để chuyển hóa nó thành hoạt động xã hội hữu ích hơn. Họ giữ lại khoái cảm thơ ấu của mình bằng cách tìm kiếm thích thú từ việc đau khổ gây ra cho người khác.

Bi kịch cho tất thảy loài người trên thế gian này là, những kẻ thực hiện và gieo rắc cái Ác lên người khác đều không ý thức được cái Ác bị dồn nén trong họ. Vô thức tìm kiếm những phương tiện để có thể thỏa mãn cái Ác bị dồn nén này. Như vậy, cả người bị hại lẫn kẻ gây hại trong trường hợp này đều chỉ là nạn nhân của một ‘‘kẻ’’ khác vô hình mà bạo ngược hơn: Những cảm xúc đau khổ bị nén lại trong con người. Sự thật sau cùng là tổn thương. Quả là vậy!

Các cảm xúc bị dồn nén tìm kiếm sự thỏa mãn trong phương tiện xả thoát có tính nguyên thủy: chứng rối loạn thần kinh chức năng, chẳng hạn như rối loạn lo âu, sợ hãi, trầm cảm, suy nghĩ cưỡng ép, v.v. Người nào nén các cảm xúc của họ, trở thành nạn nhân của sự hướng nội thu mình và đóng cửa tính cách của mình bằng cách xây lên một bức tường phản kháng xung quanh nhân cách đó sẽ không thể tìm thấy lối thoát thích đáng khỏi các mâu thuẫn quá sức chịu đựng. Họ là những bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng bất hạnh.

Thể xác và tinh thần con người có khuynh hướng vượt qua các khiếm khuyết của nó bằng cách bù trừ. Nếu một quả thận bị lấy mất, quả thận còn lại sẽ to ra và thực hiện chức năng của cả hai. Nếu một cá nhân bao chứa trong mình cảm giác tự ti, tinh thần theo đó được bù trù theo nhiều cách khác nhau: họ trở nên tự cao tự đại, khoe khoang khoác lác, ghen tị, xem thường mọi người và mọi thứ ngoại trừ bản thân mình, phát triển những suy nghĩ lớn lao và tuyệt đối. Con người phải chăng thật quá đáng thương?

Nhà phân tâm học - nhà trị liệu khi tiếp cận vấn đề dồn nén này, cần phải có một tâm trí trong sạch như bàn tay của nhà giải phẫu trước khi phẫu thuật. Thái độ của ông là giúp đỡ bệnh nhân chứ không phải đưa ra bất kì bình phẩm, phán xét nào về bệnh nhân như một nhà đạo đức học. Không chỉ vậy, nhà trị liệu phân tâm còn hướng đến việc thấu hiểu các khiếm khuyết tính cách nhất định trong con người, giúp họ ý thức về những dồn nén của mình thay vì đóng tâm trí trước chúng, tận dụng sự hiểu biết có được để phát triển tính cách của anh ta. Một cuộc điều trị phân tâm là một cuộc chữa lành, một hành động định hướng. Phân tâm học thực sự có thể thay đổi bản chất và những động lực thôi đẩy con người, làm cho thể vô thức của cá nhân những điều mà giáo dục làm cho con người xã hội. Một cuộc phân tâm trọn vẹn là một lần cải biến trọn vẹn con người.

Bởi vậy, một người chỉ trở nên mạnh mẽ và sáng suốt khi đã thực sự nhận biết và thấu hiểu tất cả những cảm xúc dồn nén của mình, những nỗi đau khổ và bất hạnh của mình, chấp nhận chúng và lôi chúng ra ánh sáng, chứ không phải tự ru mình bằng những lời hô hào suông về một thứ sức mạnh ý chí, tinh thần nào, hay bằng việc tìm đến trú ngụ trong những tổ chức tôn giáo cực đoan. Mọi sự trốn mình trong một nơi chốn nào đó đều không có tác dụng. Mọi sự vỗ về đều bất khả trước cái Xấu, cái Ác của con người. Chính trong sự giúp đỡ của một nhà trị liệu chân thật, sau đó bằng ý chí dám đối diện với bóng tối trong mình, con người dần trở nên hùng mạnh hơn. Người ta chỉ có thể đẩy lùi bóng tối tâm cảm bằng ánh sáng của Trí tuệ, của Lí trí sáng suốt và hướng đến điều cao thượng hơn. Chính trong hành trình đó, con người cảm nhiễm được sức mạnh lớn lao của Thần và tìm đến Chúa Trời bằng niềm tin thuần lành nhất.

Đó là một hành trình vô cùng gian nan suốt cuộc đời, may mắn là, càng trẻ bạn càng có cơ hội để thanh tẩy bóng đêm trong mình hơn. Bạn có dám nhìn thẳng, đối diện với bóng tối đó, hay để nó chế ngự và dẫn lối bạn đến hố sâu nơi địa ngục tâm hồn? Chính bạn, chứ không phải ai khác, được quyền lựa chọn con người mình trở thành.

iBooks & dịch giả Trần Khánh Ly (một dịch giả OOPSY)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147