Trang chủ Blog Introvert

[Review sách] Đàn ông và các hình tượng nam thần/Phụ nữ và các hình tượng nữ thần

By: OopsyAdmin, 2018-08-09 02:41:43

[Review sách] Đàn ông và các hình tượng nam thần/Phụ nữ và các hình tượng nữ thần – Jean Shinoda Bolen, M.D – cho những ai thích tâm lý bay bổng. 

Mục đích cuối cùng của mình trong bài viết này là nói về hai cuốn sách Gods in Everyman (Đàn ông và các hình tượng nam thần) và Goddesses in Everywoman (Phụ nữ và các hình tượng nữ thần) của Jean Shinoda Bolen. Nhưng phần vì khả năng tóm gọn câu chữ của mình có giới hạn, phần vì có những cuốn sách mà sự tóm gọn là rất bất công cho những thú vị và hay ho của nó, nên mình sẽ nói ngay đầu luôn để bạn không mất kiên nhẫn. Bạn có thể google ra nó và đọc vài bình luận trên mấy trang sách uy tín, hoặc chọn tiếp tục đọc những dòng lan man của mình, hihi. 

Tâm lý là một môn học thú vị. Nó thú vị không chỉ ở nội dung và đích đến, mà còn thú vị ở chỗ ta có rất nhiều cách để tiếp cận lĩnh vực này. Bởi tâm lý là nền tảng, là điều kiện then chốt chi phối suy nghĩ, tình cảm và hành động của chúng ta, nên từ bất cứ một điểm A nào đó, bạn cũng có cả một con đường phân tích tâm lý dài ngoằng phía trước. Vấn đề ở đây chỉ là bạn có đủ khả năng hay không thôi. 

Tâm lý, oopsy, review sách

Mình không nhớ rõ bằng cách nào mình tìm đến với Đàn ông và các hình tượng nam thần và Phụ nữ và các hình tượng nữ thần, nhưng một trong những cách bắt đầu với tâm lý học mà mình thích nhất là bắt đầu từ chiêm tinh và thần thoại. Mình sẽ nói về chiêm tinh sau bởi nó lại mở ra một thế giới khác, mà đôi dòng này là không đủ. 

Mình thích thần thoại không hoàn toàn ở nội dung của nó vì hai điều: thứ nhất, sự loạn luân hoặc phi đạo đức trong thần thoại khá phổ biến và có vẻ bình thường; thứ hai, những lý giải về những hiện tượng không còn đúng về mặt khoa học. 

Tuy nhiên, mình coi trọng thần thoại vì đây là thế giới tinh thần, là sản phẩm tinh thần của chính loài người. Nó cho thấy cách tư duy và trí tưởng tượng của chính chúng ta, hay thế hệ tổ tiên của chúng ta. Nếu trong tâm lý có những khuôn mẫu (archetypes) thì trong thần thoại cũng vậy, chỉ khác về cách gọi. Thần thoại, truyền thuyết hay cổ tích, luôn là một phương thức giao tiếp của cha ông với chúng ta, với những thông điệp về tri thức, kinh nghiệm và bài học. Dẫu thế, với sự thiếu hiểu biết và thờ ơ của mình, đôi khi chúng ta lại quay lưng với những kiến thức quý giá ấy. 

Đàn ông và các hình tượng nam thần và Phụ nữ và các hình tượng nữ thần của Bolen dựa trên thần thoại Hy Lạp. Các nam thần (trong cuốn Gods in Everyman) gồm có Zeus, Poseidon, Hades (là các hình tượng người cha), Apollo, Haephaistus, Hermes, Dionysus và Ares (hình tượng con trai). Các nữ thần (trong cuốn Goddesses in Everywoman) gồm có Hera, Demeter, Persephone (các nữ thần bị tổn thương), Artemis, Athena, Hestia (các nữ thần Trinh nữ) và Aphrodite (nữ thần chuyển hoá – thực ra là Alchemical nhưng nó có nghĩa transformative chứ không phải giả kim). 

Mỗi nam thần sẽ đại diện cho một khuôn mẫu, một kiểu đàn ông, và mỗi nữ thần sẽ đại diện cho một khuôn mẫu, một kiểu phụ nữ. Với mỗi vị thần, tác giả sẽ đề cập một phần đến thần thoại, một phần là mẫu người hiện thân của vị thần đó ở các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hiện đại. Bởi tác giả là chuyên gia lâm sàng theo truòng phái của Jung, nên các khuôn mẫu bà đề cập đến cũng chịu ảnh hưởng của Jung, chỉ khác về cách gọi. 

Có hai điều mình thích ở hai cuốn sách này. 

Thứ nhất, cách trình bày và ý tưởng của Bolen rất tuần tự và rạch ròi. Bà tóm các nam nữ thần vào những cụm nhất định và nêu ra những điểm chung, sau đó mới đi sâu vào từng kiểu khuôn mẫu nhỏ hơn và bóc tách các khuôn mẫu đó. Ở mỗi khuôn mẫu của một vị thần, ban đầu, bà phân tích theo trình tự thời gian: một người mang khuôn mẫu đó sẽ có xu hướng như thế nào từ thời thơ ấu, trong những năm vị thành niên, khi trưởng thành và khi về già. Sau đó, Bolen tập trung mô tả khuôn mẫu ở những khía cạnh khác nhau trong đời sống – chủ yếu là các mối quan hệ đồng giới và khác giới. Sau cùng, bà nêu ra những khó khăn trong tâm lý của mỗi khuôn mẫu, cũng như đề ra cách giải quyết.

Hướng đi này rất dễ tiếp thu với chúng ta, vì nó dễ hình dung và dễ áp dụng. Ví dụ, cách để khắc phục sự vô hình và mờ nhạt của Hades là hãy phát triển cá tính bản thân thông qua năng lượng lý trí của Apollo hoặc khôn khéo của Hermes. Ngoài ra, không nhất thiết chúng ta chỉ chịu chi phối của một vị thần. Ở những giai đoạn khác nhau, chúng ta có thể ảnh hưởng bởi những vị thần khác nhau, hoặc ở một giai đoạn nhất định, chúng ta cũng có thể mang bóng dáng của nhiều vị thần có đặc điểm tương đồng.  

Thứ hai, là hai cuốn sách này có thể hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Nếu bạn thích một chút học thuật và lý thuyết giống mình, bạn có thể đọc toàn bộ về một vị thần. Bạn có thể đọc các giai thoại về thần Apollo, về thời thơ ấu của chàng để hiểu tại sao một mẫu người Apollo lại có những hành vi, cách cư xử và các mối quan hệ như vậy. 

Tuy nhiên, nếu bạn không thích rườm rà hoặc chỉ muốn lướt qua một vài thông tin để tán tỉnh ai đó, bạn chỉ cần đọc phần đời sống tình cảm, tình dục và mối quan hệ khác giới của họ là được. Với những ai muốn tìm hiểu bản thân mình, phần ưu nhược và cách “kích hoạt” tiềm năng của một vị thần nào đó sẽ có ích với bạn. Tóm lại, Bolen bày cho bạn đủ sơn hào hải vị, còn chọn ăn món nào trước, món nào sau, hay không ăn món nào là việc của chúng ta. 
Một điều hạn chế về hai cuốn sách này là bởi chỉ đề cập đến khuôn mẫu dựa trên thần thoại Hy Lạp, nên nó sẽ mang hơi hướng phương Tây. Dẫu thế, mình không cho đây là một trở ngại lớn lắm. 

Thứ nhất, đa phần chúng ta đều biết đến thần thoại Hy Lạp, dù là đọc truyện tranh hay truyện chữ. 

Thứ hai, các vị thần chỉ là phần nền, nếu bạn không biết hay không nhớ thì trong sách vẫn có một mục giai thoại. Thông tin chính vẫn là khuôn mẫu tâm lý, và thông tin này vẫn được bảo toàn. 

Thứ ba, các nền văn hoá vẫn luôn có những tương đồng nhất định. Chúng ta có Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp, Venus trong thần thoại La Mã, Lakshmi trong Hindi, hay Hathor trong thần thoại Ai Cập. Dĩ nhiên chúng ta không thể đòi hỏi có sự đồng nhất hoàn toàn, mà mình cũng không hề khắt khe trong việc đó. Cái sau chốt vẫn là kiến thức cốt lõi, mà cái này Bolen đã trình bày tương đối đầy đủ. 

Để kết lại, cho những ai nghĩ rằng thần thoại là vô căn cứ và phản khoa học, thì Albert Einstein đã nói thế này: “If you want your children to be intelligent, read them fairy tales. If you want them to be more intelligent, read them more fairy tales”. Nôm na là nếu bạn muốn con cái thông minh, thì kể chuyện cổ tích cho chúng nhiều vào. Mình không dám bảo nếu muốn học tâm lý tốt thì đọc thần thoại hay cổ tích, nhưng thần thoại có giá trị của riêng nó. Bạn không nhất thiết bắt đầu một môn khoa học bằng một cái gì đó có-vẻ-là-khoa-học, mà nó khiến bạn thoải mái và dễ phát triển là được. Và khi một nhà khoa học đã nói vậy, thì chúng ta cũng không có gì cần lăn tăn nữa đúng không? 

P.s: Mình nhớ là khi mình bắt đầu đọc cuốn sách này, mình thích một mẫu người Apollo. Nhưng hiện tại, mình khá muốn đồng hành cùng một Hades nào đó. Đó là cả một sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của mình. Nhưng thay vì nói đến một cụm dài loằng ngoằng về một ai đó mà như thế còn chưa đẩy đủ, mình thà nói là Hades, ngắn nhưng vẫn có chất thơ ^^.

* Về bức tranh: nó mô tả cảnh trước khi Persephone lên mặt đất để trở về với mẹ là nữ thần Demeter, nàng đã ăn lựu do Hades đưa. Trước đó, Hades đã bắt cóc Persephone về âm phủ làm vợ, nhưng do Demeter quá quyết liệt, Zeus đã phái Hermes xuống đem nàng lên. Dẫu thế, bởi đã ăn trái lựu, nàng không thể quay lại cõi dương trọn vẹn được nữa. Số ngày nàng phải sống ở âm phủ bằng số hạt lựu nàng ăn phải (tức 4 tháng hay 6 tháng gì đó tuỳ từng dị bản).

Bài viết của Trang Angerr, một Cộng tác viên Oopsy Team


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147