Trang chủ Blog Nhân cách

Hai động lực của đời sống

By: OopsyAdmin, 2019-12-21 21:38:55

Tại sao phải biết được ba điều thiện ba điều ác? Tại sao phải biết được ba vấn đề dùng để kiểm soát, làm chủ, chấp nhận và ba vấn đề liên quan đến ám ảnh, điên bộ phận, điên loạn mất lí trí? 

Có hai lí do chính. 

Một là trong những thách thức của đời sống thường nhật, con người ta có xu hướng ứng xử theo lối gọi là ĐỘNG LỰC SAI LỆCH. 

Ví dụ, tất cả động lực của đầu óc con người bản chất là dùng sự sai lệch để cân bằng, nó không chính xác như vật lí. Nếu A bị sếp mắng thì A sẽ nghĩ ngay trong đầu một ý nghĩ để phản ứng ngay là “Chị ý không ưa mình”. 

Nhưng tâm lí đẻ ra cái đấy bắt đầu nặng nề, đi làm khó chịu, sếp thì không ưa. “Đi làm giờ giấc thì đã chặt chẽ, cống hiến thì nhiều thu lại chẳng bao nhiêu, mất hết tự do”, tự dưng A nảy sinh ra những loại tâm trạng kì quặc. 



Đấy là cách thức mà tâm trí con người ứng xử và cân bằng lại trước tất cả áp lực của đời sống. Nói đơn giản thế này, một cái cân đang cân bằng, nếu đặt quả cân lên nó sẽ lệch, lệch là cách nó tồn tại tiếp. Bao giờ cũng có cái gì đấy đặt lên tâm trí, không có người nào mà không có một gánh nặng lên tâm trí cả. 

Hễ có một gánh nặng, cách xử lí của cái cân là lệch, nó chỉ thế thôi. Bạn tưởng nó phải làm gì? Có một lực áp lại? Bị sếp nam cáu giận rồi mắng mỏ, bây giờ muốn sếp nữ mắng cho cân bằng? Bị bên trên chê trách bây giờ phải có người bên dưới chê mình cho cân bằng? Làm gì có chuyện đấy. 

Bạn nghĩ ra một chuyện nghe rất buồn cười thế này, đây là trạng thái không còn là những ứng xử bình thường nữa: “Sếp mắng mình, mình cần xem xét lại các vấn đề sai lầm của mình rồi sửa”. Cách cân bằng này cực kì khó khăn, ai đã đương đầu với nó luôn luôn sống trong trạng thái nặng nề. Hôm nay đi muộn, sếp gặp bạn ở cửa, bảo: “Em làm ở cơ quan cũ chắc cũng đến giờ này, thảo nào em nghỉ”, thì người ta có cách để lải nhải. 

Người mà cố gắng sửa mình, họ bắt đầu đối diện với các áp lực rất lớn. Chẳng hạn, bình thường 8:00 đến thì sếp chửi rồi, đến lúc bạn đi từ 7:30 tức là sớm 15 phút so với bình thường, để bạn đến nơi là khoảng gần 8:00, trên con đường đấy cứ lúc nào dậy muộn một chút là cảm thấy nặng nề, nặng nề kinh khủng. Tại sao nặng nề như thế? Sao phải khổ thế? Bởi vì áp lực làm đúng rất lớn. 



Áp lực khi phải đối diện với chính mình, chẳng ai làm được, khổ vậy đấy. Để tránh áp lực này, vẫn có ba cách rất vui vẻ: kiểm soát, làm chủ, chấp nhận. Ba cách ấy không phải dùng để sửa cái sai. Động lực chính, cách thức chính của tâm lí là thôi đẩy người ta bị sai lệch, kể cả người ta có thông thuộc các kĩ năng tâm lí. Bóp méo mọi chuyện, để cho nó dễ cân bằng, để nó tạo một áp lực giả. Khi cán cân vừa lệch thì bên này phải nâng lên, bên kia hạ xuống, nó lệch lạc luôn thế. 

Lệch lạc thế giúp nó tồn tại tiếp, còn nếu sau khi đè một bên của cái cân mà nó quay trở lại cân bằng thì cái cân này không bình thường. Bạn phải xem lại, cân này chắc chắn là hỏng, vứt đi, cho một thứ vào mà không thấy dịch chuyển gì cả, không biết dùng để làm gì. 

Tất nhiên đấy là cách mà toàn bộ xã hội này làm thế, tại sao đập vào bàn này thì các phân tử ở đây phải thay đổi vị trí? Nó dùng tổn thương để tồn tại tiếp, sau khi bị một áp lực vào. Ví dụ, tại sao đánh A xong, A phải cảm giác đau? Bởi vì cơ chế tiến hóa thế, đau là cách nó tồn tại tiếp. 

Sự tổn thương, sự sai lệch, sự ám ảnh, tất cả những thứ rất tồi tệ thế hóa ra là cách để con người tồn tại được tiếp mà không bị khủng hoảng chết mất, không phải đối diện với chính mình. Động lực chính là không phải đối diện với chính mình. 

Đây là động lực của sáu nấc thang, tức là động lực tại sao chúng ta phải biết đến sáu thứ đó. Làm chủ cũng là sai lệch, kiểm soát cũng là một dạng sai lệch. 



Chẳng hạn, bây giờ sếp mắng A, “Em làm việc bất cẩn, em cứ dây mực ra tay xong dính đầy ra văn bản, anh không thích nhìn những thứ bẩn thỉu”. Bằng một cách kiểm soát, đầu tiên đáng lẽ A phải kiểm soát tâm lí của mình, sau đấy xem xem “À, lỗi sai của mình nên cứ bị dây mực thế này”. Điều quan trọng là A kiểm soát chuyện mực cứ dây vào tay, và đó là do sự vô ý nào đấy, kiểm soát sự vô ý này, kiểm soát liên tục. 

Nhưng kiểm soát của A lại rất buồn cười thế này, sếp mắng xong thì mỉm cười nói “Em xin lỗi anh”, kiểm soát cơn giận trong lòng. Bao giờ cũng có dạng như thế, sự kiểm soát trong con người, cái bản chất, động lực của con người là sai lệch. 

Kiểm soát có thể biến thành sai lệch, làm chủ cũng có thể gây ra sai lệch. Lúc người ta bị thu hút điểm nào đấy xong bắt đầu có trạng thái, chẳng hạn, A yêu một anh lắm rồi, yêu dã man, hoặc thích một món đồ nào đấy quá, thích một cái váy, góp tất cả tiền trong nhiều tháng nhiều năm để mua bằng được cái váy đính kim cương đấy, đến lúc lĩnh lương thì bắt đầu đẻ ra sai lệch này.

Cái mà A cần bỏ là tâm chấp vào vẻ bề ngoài, váy kim cương làm được gì, mua về nhà có khi để tủ mãi không mặc. Nếu A mua xong mặc suốt ngày thì không đáng nói, nhưng mua xong A sẽ cất đi ngắm, đấy là tương lai. 



Đáng lẽ hiện tại A phải bỏ tâm lí mê hạt kim cương kia, vì thực ra bản chất có thể là một loạt tâm lí mê muội cái gì đấy, chấp trước vào cái gì đấy. Nghe người ta nói, người ta thích, nghe họ quảng cáo, vì trong cuộc đời thiệt thòi quá rồi, nên bây giờ muốn có một thứ bù đắp lại cái đấy. Đáng lẽ A phải bỏ tâm lí đấy, nhưng A lại không bỏ mà lại làm chủ ý thức theo kiểu thế này: A lập một kế hoạch, mỗi tháng tiết kiệm bao nhiêu, bao nhiêu thì mới đến gần cái váy. Ngày nào cũng mở hình cái váy ra nhìn và cảm thấy hạnh phúc, cuộc đời rất lành mạnh. Thỉnh thoảng đi với bạn buổi tối, ngồi uống cốc nước xong cười khì, “Tớ định mua một cái váy, nếu tớ mua được, đấy sẽ là bước tiến trong cuộc đời”. Thấy cuộc đời an toàn không, làm chủ bản thân mà, vui vẻ không? 

Sáu trạng thái của con người đều ghi dấu sự sai lệch và đều sản sinh do sự sai lệch đấy.
Có một động lực chính mà con người không dám làm, tôi nhắc lại, người ta không dám đối diện với chính mình, không muốn đối diện với những vấn đề của mình để giải quyết nó thật sự. 

Nhưng đối với con người, không có vấn đề gì thật sự đâu, chỉ có sự sai lệch, va chạm, tổn thương, con người không đặt chuyện đấy ra một vấn đề nghiêm chỉnh. 

Ở trong những doanh nghiệp, khi được thiết chế hóa một thiết chế rất mạnh thì mới đặt ra vấn đề sự sai lệch để kiểm soát. Nhưng bản chất sự kiểm soát này đến một lúc sẽ tạo nên những mấu chốt làm rạn vỡ hệ thống đấy, bởi sự kiểm soát này thường mang tính chất vô tình. Tất nhiên các hệ thống kiểm soát hiện đại rất hướng đến chuyện tại sao họ nỗ lực, một không gian sáng tạo, tất cả mọi người tham gia.

Tại sao khởi nghiệp hấp dẫn thế, tại sao thế giới của ý tưởng là cái gì đấy đẹp đẽ? Tại sao người ta phải chú tâm chuyện đấy? Nó không chỉ là vấn đề lợi nhuận, bởi vì trong cảm giác đấy người ta được giải phóng khỏi chuyện bị kiểm soát, tức là phải làm đúng lại các tiêu chí đã được định sẵn. Chuyện khó nhất ở trong cuộc đời con người là đặt ra những giá trị cho mình, và làm sao cho đúng lại với những giá trị đấy. Chuyện đấy chẳng mấy ai làm được, cũng có người làm được, làm được thành Thánh rồi, không làm được là người thường.

Chẳng hạn có một giá trị, định nhịn ăn, làm sao hoàn toàn không ăn nữa. Trừ người nào rơi vào trạng thái điên bộ phận hoặc điên loạn họ mới làm được. Tức là nhất quyết không ăn, cứ nghĩ đến chuyện béo là thấy “kinh”, “béo thì ai yêu”. Thế nhưng người bình thường nhịn ăn, người ta nhìn bất cứ đồ ăn thức uống gì đều dễ thòm thèm. Nhưng chỉ cần đặt ra một giá trị để làm theo, rất khó, nó là áp lực khủng khiếp. Và người ta xâm phạm nó bằng những xâm phạm nhỏ, uống thêm một cốc nước hay một cốc sữa có sao đâu. Bắt đầu muốn thay đổi thực đơn ăn chay, ăn chay thì nhạt quá thế là nấu một món. Món này cũng là chay, hoàn toàn không có thịt, nhưng mà nó đủ các vị mặn ngọt khác nhau, giống như các quán ăn chay bây giờ.

Con người về căn bản khó nhất là tự đặt ra những giá trị cho mình và tuân theo giá trị đấy mà thay đổi bản thân. Con người căn bản là không có khả năng làm như thế, làm được thế họ thành bậc Thánh rồi. Nếu đúng là họ đặt ra được giá trị và sửa bằng được theo giá trị đấy, không phải con người nữa rồi, việc đấy rất áp lực.

Động lực thứ nhất của con người trước mọi vấn đề, có một xu hướng là tạo ra trạng thái sai lệch. Kể cả sáu trạng thái, sáu nấc thang tâm lí đó đều bị thôi động bởi sự lệch lạc. Tiếp tục lệch lạc, tiếp tục cân bằng, lệch lạc là một hạnh phúc đấy. Người nào không được lệch lạc, họ cảm giác tệ hại lắm. Ví dụ, A là con người còn bình thường, cúc cổ áo thấy thắt chặt quá thì lại muốn mở ra một chút. Con người có thể sống với quá khứ, một con người bình thường sống trong trạng thái là vừa kiểm soát vừa mất kiểm soát. Hơi sai lệch nhưng lại tự thấy không cần phải sửa lắm, tất cả trạng thái đều rất bình thường.

Bạn thường ở trong tâm trạng gọi là con người, hay nghĩ giống như câu chuyện kể ở trên. Mất đi ý thức tức là quên, quên chẳng có gì là mất đi ý thức. Quên vẫn tỉnh như thường, quên vẫn biết là phải nấu cơm, vẫn biết ai đang lừa mình. Có thể là mất đi một vài kí ức về ai đấy. Mất đi ý thức này là mất đi khả năng tư duy như cũ, đấy là cách hiểu chính xác nhất của nó. Ví dụ, từ trước đến giờ nhìn cốc nước trước mặt là “cốc nước”, mất đi ý thức thì thấy là “À cái vật chất này cấu thành kì dị nhỉ, kết tinh kiểu thế này, làm sao đúc thành như này được”.

Trong tình trạng đó, trí óc tò mò phi thường trước vạn vật, cảm nhận những bề sâu mà bình thường người ta không thấy được. Nhưng đó là một tình trạng cao, không phải là tình trạng mất đi ý thức kiểu tâm thần. Có những người nhìn, nghĩ vật chất trong cốc nước ghê thật, các phân tử liên kết với nhau theo cấu trúc gì, xong rồi ngồi vẽ ra, người khác nhìn không hiểu gì.

Ví dụ, A đến một trạng thái xuất thần, nhìn cốc này viết ra một phương trình, hàm số gì đấy, logarit, đạo hàm, căn bậc ba, căn bậc năm, căn bậc bảy, đủ các loại, rồi bảo “Em đang vẽ lại cái cốc”. Lúc đấy là không còn trong tư duy người thường nữa rồi. Đấy là trạng thái không còn ý thức như cũ nữa thì đúng hơn, nó gọi là mất ý thức của mình đi thay bằng loại ý thức mới. Nhưng người thường nhìn vào họ thì thấy rằng họ bắt đầu có vẻ "hâm", "dở hơi", lúc nào cũng như đang khám phá những chuyện đương nhiên nhất và nói những điều kì lạ gần như hoang đường.

Thực ra ý thức cũ có cấu trúc của nó, cấu trúc từ những kinh nghiệm sống, từ những gì được rèn dạy. Có thể có rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng ở mức con người đang sống trong cuộc đời này thì nó được tạo nên từ một loạt nhân tố do cấu trúc sinh lí bên trong. Cấu trúc những trải nghiệm, những việc lặp đi lặp lại hành động, cấu trúc trừng phạt và khen thưởng mà người ta gặp trong đời rồi bắt đầu nó biến cấu trúc của những quan hệ bên ngoài, biến thành một loại ý thức ở trong này. Quan niệm về sau, nó không phải quan niệm thật. Bởi vì thực ra cách nghĩ của con người đã là sai lệch, vì con người căn bản là sai lệch. Nhưng bạn được dạy các ý nghĩ, được dạy các nhận thức đấy mà, tự nhiên đầu óc bạn sẽ sai lệch. Nên có một cách thức xưa của mọi người dùng để khơi dậy những bản năng, những gì gọi là sức sáng tạo tiềm tàng của con người, để người ta dạy cách nhận thức, đấy là dạng thức câu đố, chẳng hạn “Cái gì vỏ cứng nhiều gai?”. Câu đố dùng để dạy cách nhận thức mới, và tình cờ nó cũng rất dễ để khơi ý tưởng.

Có những dạng thế này, tại sao bài thi trắc nghiệm lại phổ biến thế? Bạn nghĩ mà xem, rất nhiều người nói là bài thi trắc nghiệm không ưu việt trong việc làm chủ tri thức. Bởi vì vẫn có xác suất đúng – sai, lúc đó xác suất đấy là những người không biết gì cũng trả lời đúng, nên cấu trúc trắc nghiệm không ưu việt.

Nghĩ thế rất là nhầm, người ta tạo ra câu hỏi trắc nghiệm là để khiến cho họ quen với việc, một là chỉ có một số lựa chọn, hai là quen với việc bị kiểm soát bởi những điều được coi là chân lí. Một bài tự luận, chẳng hạn bài phân tích ba đặc điểm của chủ nghĩa dân tộc, chẳng có nghĩa gì cả. Bạn có thể phân tích tràn lan từ cái tưởng là khuôn khổ, tự do phân tích “bét nhè” bảy trang giấy cũng được, mà làm một trang giấy cũng được. Thế nhưng mà cho câu hỏi chủ nghĩa dân tộc là gì, A B C D, bốn đáp án đấy chọn một thì không bao giờ đi lệch ra khỏi các đáp án đấy, không lệch ra ở đâu được cả. Người ta quen với một trật tự kỉ luật hơn nhiều, câu hỏi trắc nghiệm dùng để khiến cho người ta quen với việc sống trong một khuôn khổ, và cảm thấy yêu khuôn khổ đấy. Cảm thấy khuôn khổ ấy là một thứ tự do, căn bản là chỉ chọn trên khuôn khổ đấy thôi. Và nó quen với một đáp án chân lí có sẵn đấy, không phải tự luận.

Những cách thức giáo dục xưa trong thế kỉ XIII trở đi của con người, căn bản đề cao việc là họ phải tự chọn một chủ đề. Xem xét cách nghĩ người trước người sau, trình bày cách nghĩ của chính mình. Cho nên, giai đoạn người ta phát triển học thuật cao hơn mức được đào tạo căn bản, được gọi là giai đoạn thạc sĩ, thì cái họ làm gọi là luận văn, tức là bàn luận về những gì người ta nghĩ. Cao hơn là luận án, đề án, nó mang tính chất khoa học, luận về những gì người ta phải giải quyết, đều phải có tính chất luận đấy cả, không thể thoát được. Nó đều là cái gì đấy nghiên cứu, tự chủ, độc lập, không phải đáp án được tích sẵn đấy. Nên câu hỏi đấy rất ưu việt, ai mà hoàn thành xuất sắc một bài trắc nghiệm thì tổ chức nên cần người đấy, họ tuân lệnh tốt. Còn người nào chưa làm bài trắc nghiệm mà đã run thì nhận hơi mệt, làm xong sai be bét. Đừng nhận người đấy nữa là đúng, họ vào làm dù thông minh đến đâu cũng làm chuyện đâu đâu. Có những loại người nghe đến bài trắc nghiệm cảm thấy hơi ớn ớn rồi.

Đấy cũng nằm ở trong động lực liên quan đến vấn đề về sai lệch. Sai lệch là một trong những trọng tâm của đời sống con người. Nó là một cán cân, động lực hay cái gì đấy thôi đẩy, nó khiến cho con người thay đổi hết.

Ví dụ, ban đầu một công ti đề ra mục tiêu là phát triển lành mạnh và phục vụ cộng đồng. Phát triển lành mạnh tức là không gian dối thuế, không làm bậy, làm đúng trách nhiệm nghĩa vụ của doanh nghiệp đấy đối với những hứa hẹn. Sản phẩm phải tốt, ra thị trường phải phân bố đầy đủ, không ăn bớt tiền hoặc là ăn bớt quá trình tạo lập sản phẩm. Cái thứ hai là phục vụ cộng đồng, tức là luôn luôn hướng đến lợi ích cộng đồng. Thế nhưng về sau việc này phải giảm xuống một chút, giảm xuống sẽ dễ hơn. Nếu làm ăn lành mạnh không được thì bây giờ có thể là cộng tác và phát triển. Phục vụ cộng đồng nhiều quá cũng không phục vụ được, thì tự giảm cái đấy xuống. Việc giảm đấy chính là những sai lệch, sức ép đời sống về căn bản mang tính chất sai lệch.

Cho nên nói với bạn là, bạn đặt ngón tay lên bàn, in dấu vân tay lên là bởi vì bản chất của sự vật là phải sai lệch để tiếp tục tồn tại. Cái gì bảo trì mình, thì đột nhiên nó sẽ chịu sức nặng khủng khiếp.

Thực ra ý niệm đấy không xa lạ với bạn, ví dụ, có một số người rất thích đồ siêu bền. Siêu bền tức là đập kiểu gì cũng không vỡ, chứng tỏ nó được tạo ra để chịu đựng lực ép rất lớn. Cái lí của cuộc đời là thế, muốn siêu bền thì phải chịu được áp lực lớn, động vào là gãy thì gọi gì là siêu bền. Tất nhiên là tất cả những người làm về sức bền vật liệu, đều có một tri thức đơn giản, đấy là trên đời chẳng có thứ gì bền. Cái gì cũng chỉ có một giới hạn bền, quá giới hạn nó không bền nữa. Tức là, bản chất người ta phải tổn thương, bản chất của vạn sự là phải tổn thương.

Bản chất của tâm lí là phải sai lệch, phải tổn thương để tiếp tục tồn tại, thậm chí lấy tổn thương làm cảm hứng sống. Loại người nào mà đã chấp nhận tình trạng tổn thương này, có thể kiểu đi uống với họ, nói “Bây giờ cậu phải thay đổi đi, cậu cứ thế khổ lắm” – “Tôi chẳng thấy có vấn đề gì cả, đời tôi lúc vui thì vui hết mình với tất cả mọi người, lúc buồn nỗi buồn cũng có ý nghĩa làm nên cuộc đời tôi”. Có loại người đấy thật, người ta sống trong ý niệm rất vui vẻ và đầy lãng mạn: cuộc sống có vui có buồn mới chính là cuộc sống, trải qua tất cả những thăng trầm, đến cuối đời có thể mỉm cười là mình đã sống cuộc đời không uổng phí, cho tất cả mọi người và cho chính mình. Nghe thuận tai không? Tất nhiên có đau khổ không nói ra được, nhưng về tắt đèn đi vẫn thấy mình khổ sở thôi, có điều họ vẫn nói thế được. Họ có thể nói là “Cậu nói nghe ghê quá, tôi thấy thực ra vẫn bình thường, tôi thấy không có vấn đề gì cả. Đúng là tôi hơi thất vọng chuyện đấy, tôi chưa biết làm sao để thay đổi”. Về tắt đèn rồi mới thấy buồn khổ, ngồi một hồi bắt đầu lảm nhảm toàn chuyện linh tinh, không chịu thừa nhận, “Tôi vẫn kiểm soát được tâm trí mình”.

Con người có hai trạng thái mà họ coi là động lực nền tảng tạo nên ba trạng thái tốt và ba trạng thái xấu. Động lực thứ nhất là sai lệch, con người ta có xu hướng sai lệch để tiếp tục tồn tại. Không sai lệch không chịu đựng nổi, bền quá thì chết, bền quá thành đồ vật, không phải người. Những người nào mà cứng cáp kiên trường đối mặt với kẻ địch, không run sợ, thường trong lịch sử họ được miêu tả nghe rất anh hùng, Thánh nhân rồi, không còn gì để nói, đối diện với cái chết thấy bình thản ung dung. Nói nghe thì rất lí tưởng, nhưng ai là người như vậy? Con người bình thường sao sống thế được. Bậc Thánh nhân thật sự người ta mới thế, chắc cuộc đời bạn chẳng mấy khi gặp.

Đấy là động lực thứ nhất, động lực sai lệch. Nó không bền, mọi thứ đều bị phá hoại. Sai lệch còn có thuật ngữ khác gọi là biến dạng. Biến dạng tâm lí trước sự co, kéo, sức nén. 

Có ba lực ép chính của đời sống, thứ nhất là lực kéo, tức là kéo ra hai bên. Co tức là nén chặt vào. Còn lại là xé, tức là kéo một vật ra hai đầu. Sự đè nén là từ các chiều khác nhau sẽ gây áp lực lên tâm của vật. 

Trong vật lí cũng có vấn đề tương tự. Xé trong chữ “giằng xé”, nó kéo theo khối dọc, làm cho vật đứt đôi ra. Kéo ngang chưa chắc đã đứt đôi, mà nó làm cho các khối bị di chuyển, cũng có thể gây ra đổ gãy, kéo đứt thế này có xu hướng làm cho tất cả vật chất bị tách đôi ra, nó bị chia tách. Đó là ba cái bạn có thể nhớ ở đây được... Cuối cùng là nén, ép chặt vào một điểm. 

Hai động lực của đời sống - tâm lý oopsy

Động lực tâm lí thứ hai là hệ quả của ba lực này, sinh ra do bị tác động thường xuyên bởi ba lực này. Và nó tạo ra động lực của tâm lí, đây gọi là ĐỘNG LỰC GIẢI TỎA.

Con người bắt buộc tìm cách giải tỏa, cũng giống như là con người bắt buộc phải sai lệch, bị biến dạng, giống như lò xo, định luật Hooke. Người ta bắt buộc bị biến dạng, và cũng như thế, người ta bắt buộc phải giải tỏa. 

Kéo lò xo xong đột nhiên nó căng ra, người ta có một sức căng, sức kéo thì có động lực đáp lại nó, đấy là giải tỏa. Lực này bắt buộc phải giải phóng thế nào đấy. 

Ví dụ, hôm nay khen A “Dạo này xinh thế nhỉ, nét mặt ngày càng tươi”, chắc chắn A phải biểu lộ niềm vui sướng đấy ra bằng cái gì đấy. Kiểu nếu nói ra xong A bất động, nói gì cũng bất động, đấy không phải người nữa rồi. Đấy là dạng phi nhân, Thánh rồi, nhà Phật gọi là Vô lậu. 

Người ta bắt buộc là nếu vui thì cũng phải tỏ ra cho một ai đấy, về hôm nay sếp thưởng cho 500 nghìn rất là sướng, cứ cười cười. “Cười cười” đấy là giải tỏa. Tại sao thân phải có nhu cầu biểu hiện các cảm xúc đấy ra làm gì, chuyện diễn ra ở cơ quan, 500 nghìn đấy là gì mà phải cười, thế mà vẫn cười. Nó cứ diễn ra như thế.

Hai động lực của đời sống - oopsy

Bạn hãy nhớ hai động lực nền tảng tạo ra sáu trạng thái của con người. 

Động lực thứ nhất, luôn luôn nhớ, đấy là động lực biến dạng, hay là động lực sai lệch. Sự sai lệch, biến dạng này là động lực thứ nhất làm cho con người không phải là mình, và không thể đối diện với chính mình. 

Động lực thứ hai, động lực giải tỏa, là phản ứng trước tất cả những lực mà làm cho con người buộc phải giải tỏa, đáp ứng lại các lực. 
Ba lực của đời sống khiến con người buộc phải tìm cách giải tỏa. Việc giải tỏa này là sự phát tán những nhân tố bên trong, nó là động lực thứ hai. 

Hai động lực này có một mối liên hệ với nhau, chưa phải là chuyện có thể nói ngay ở đây. Mối liên hệ này rất kì lạ và thường khi có thể con người ta cùng bị tác động bởi hai động lực này. 

Nhưng hai động lực này thường có những cơ chế gần như độc lập xảy ra, cho nên ít khi bạn thấy được mối liên hệ giữa chúng, giữa biến dạng và giải tỏa. Bởi vì, mục đích của giải tỏa là để quay lại trạng thái cân bằng, niềm vui thì chia sẻ, nỗi buồn cũng vơi đi. Đấy là một cách để bạn cố gắng quay trở lại trạng thái cân bằng, trong khi biến dạng là không còn quay lại trạng thái cân bằng được nữa. [...]

Những người mà ca ngợi sự thay đổi, cuộc sống làm sao cho có gì mới, là những người dễ tổn thương hơn ai hết nếu cuộc sống họ gặp vấn đề gì. Còn những người ù lì, nhân vật sa sầm mặt trong công ti, lúc nào cũng: “Ôi buồn lắm, chồng chị thế này, con chị thế kia, giờ lo lắm”, thêm áp lực thì họ vẫn cứ thế. Tức là họ vẫn buồn khổ như thế, không thay đổi gì mấy. Khổ thêm thì cũng khổ được, sướng thêm thì cũng chưa biết mình sướng thế nào, vẫn than khổ tiếp. 

Bạn thấy dạng người đấy quen thuộc không? Hai loại người đều quen thuộc và phát triển động lực nào đều quen thuộc hết. Hai động lực này quan hệ với sáu đặc tính kia. 

Hai động lực của đời sống - tâm lí - oopsy

Thực ra trong cơ thể con người có nguyên lí đấy, như trong trái tim của con người. Người ta hay ví tình yêu giống như trái tim, hoặc là tất cả mọi thứ đều nằm ở trái tim. 

Một lí nào đấy nó đúng, bởi vì, về thân thể con người, trái tim khốn khổ là một thứ duy nhất suốt ngày phải co bóp, dạ dày cũng phải co bóp nhưng không kinh khủng như tim. Tim luôn luôn phải giải tỏa, luôn luôn phải đè nén, chịu các sức ép. Rất nhiều dòng chảy, rất nhiều thứ đè nặng lên. Có cái gì khủng khiếp hơn là đau tim không? 

Đau tim, đến cả những chuyện tình cảm, lí tưởng tổn thương xong đều dồn vào tim. Tất cả sức ép trong cơ thể đều dồn vào tim, thế mới khốn khổ. Khi hệ tim mạch không còn tốt thì áp lực của máu lên các thành mạch không còn tốt, xu hướng là nó phá hủy hệ thống tim mạch. 

Đấy là chuyện không ai muốn. Nên là có đủ các loại thuốc để người ta củng cố thành mạch, tim, đủ các loại như thế. Mục đích là để chịu đựng được áp lực, để cho hệ thống lan truyền bớt làm hại người ta đi. 

Với mỗi loại lực, ví dụ như các lực dùng để kéo đứt ra làm hai mảnh, làm cho các hệ thống bị rời ra, đứt ra. Lực kéo dọc ấy, dạng như thế, nó tác động vào trong tâm, trong trái tim người ta. Những lực như thế, đặc tính không ngừng thay đổi, nó không phân định được giữa những xu hướng của hệ đấy. 

Ví dụ, A vừa muốn ở lại chỗ làm hiện tại, vừa muốn chỗ khác đang mời gọi, trong lòng bắt đầu cảm thấy giằng xé, cứ nghĩ nghĩ. Nếu trong tình trạng bình thường A sẽ nói dối bên kia, “Chờ tớ nghĩ thêm một thời gian, tách ở đây thì mới sang bên đấy được”. 

Hoặc nếu không, gặp giằng xé mạnh lên thì lúc đấy bắt đầu dằn vặt các giá trị, “Thực ra làm ở đây không có gì vui nhưng nó ổn định, ở kia đúng là hay nhưng việc mới lại ngại”. Trong lòng hỗn loạn không nghĩ được chuyện gì nữa, chuyển dần sang trạng thái điên loạn. Có rất nhiều giá trị đang co, kéo bạn ra mọi hướng...

Nhưng lực khác nhau tạo ra những tâm trạng kia, tạo ra những trạng thái khác nhau dùng để tồn tại tiếp. Phải có một trạng thái nào đấy, hoặc là giúp cho tình trạng kéo dài này, giúp các giá trị không bao giờ chấm dứt; hoặc là nếu như đứt thì giúp cho người ta nghiêng về một phía; hoặc là sống hai cuộc đời cùng một lúc, ngoại tình chẳng hạn.

Những sức ép trong cuộc sống khiến cho người ta bị biến dạng, nó thật sự tồn tại. Và nó cần ba trạng thái kia, ba tốt ba xấu để nó tiếp tục tồn tại tiếp. Nếu không có những dạng thức đấy, không biết phải tồn tại tiếp thế nào. Xung lực sẽ khiến cho người ta đổ vỡ, bị tách lìa khỏi xã hội, hoặc là rơi vào trạng thái gần như phát điên. 

(*) Xem thêm: 6 nấc thang tâm lí chi phối con người đô thị; Trạng thái bị không chế: Thay đổi hay điên loạn

Tham khảo sách "Sự kiến tạo tâm cảm - Xung đột bất tận giữa đô thị và cộng đồng: Những nguồn gốc của tâm lí đô thị" 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147