Trang chủ Blog Sống khỏe

Làm thế nào để lời nói của bạn có sức CHI PHỐI, KẾT NỐI với mọi người và vạn vật xung quanh?

By: OopsyAdmin, 2020-09-08 18:18:32

THỨC ĂN ĐƯỢC NHAI Ở ĐÂU, Ý THỨC CŨNG NẰM ĐÓ!

Cái chuyện “Có thực mới vực được Đạo” tôi e là có thật. Nhiều người nghiêm túc bảo chữ “thực” ấy là chỉ thực-tế, cuộc đời. Tôi thì, với tư cách một người háu ăn, cho rằng “thực” đó là thức ăn. Tại sao không?

Bạn nghĩ xem, ý thức của chúng ta hình thành thế nào? Chúng ta thường nghĩ theo kiểu tâm lí học phương Tây, ví dụ động vào dây thần kinh, ai đó vỗ vai bạn một cái, thì bạn nghĩ là “Sao anh ấy lại vỗ mình?” – trong đầu nghĩ ra một ý như thế. Bạn nghĩ là đập vai thì hệ thần kinh nhận diện đưa lên đại não đúng không? Nhưng không phải. Phải nói là cái gì cũng đi qua miệng, tức là câu nói này đi vào miệng trước, rồi mới tụ lên đầu. Đây là một bộ máy trung gian chế tạo ý nghĩ.

Tất cả những ý nghĩ của chúng ta tụ tập ở trong miệng. Đây là một khoang bí ẩn lưu giữ những điều bí mật. Trong Phật giáo Đại thừa, nhất là phái Du Già hay Duy Thức học thuộc trung kỳ Phật giáo, người ta rất cố gắng đi tìm những điều gọi là tàng thức, hay gọi theo kiểu phiên âm là A-lại-da-thức. Tàng tức là một kho chứa, mà chúng ta cứ gán nó là não, một kho chứa tất cả những thông tin sự kiện trong đời, tất cả những chuyện đau khổ hay buồn vui trong cuộc đời, tất cả những thứ đấy. Nhưng ngay các bậc thầy Du già phái cũng biết chỗ tàng thức ấy không phải não. Họ gọi đó là Tâm.

Họ cứ đặt nhiều giả thiết, chứ tôi, một cách vui vẻ, cho rằng nó nằm trong miệng này. Đấy chính là khoang miệng, đây là kho chứa. Tàng – gọi là kho này có thể ngậm, có thể nuốt, có thể đưa vào bên trong, tất cả đều chính là khoang miệng. Dù chuyện gì xảy ra, chúng ta không lập tức có ý nghĩ đâu, mà chúng ta lập tức có ý nghĩ thông qua cái miệng này.

Nên người nào không thể nói chuyện một cách bình thường, chẳng hạn những người mắc tự kỷ hoặc trầm cảm, thì họ dễ rơi vào trạng thái tâm thần. Những người nào mà cơ cấu cái miệng này không được kết cấu đủ, từ bé đến lớn không được học cách phát âm đủ, hay là do một rối loạn ngôn ngữ nào đấy,  – ví dụ, do bố mẹ dùng lẫn tiếng Anh với tiếng Việt, thì đứa trẻ lớn lên phát triển không bình thường, bởi vì do vấn đề về thanh âm, kết cấu qua miệng của nó khiến nó không chuyển tải được ý nghĩ.

Ví dụ tôi nói với bạn là, “Bạn đẹp trai đấy,” thì cái tiếng “Bạn đẹp trai đấy” sẽ vang vọng trong chính cái miệng của bạn. Nói nôm na là cái mồm của bạn giữ lấy âm thanh của tôi, vì đấy là khoảng không. Nó đánh vào dây đàn, bắt đầu nó mới rung rinh rung rinh đưa lên não. Đấy là tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ, nó đều từ miệng, nó đều tích vào miệng. Tất cả những gì chúng ta biết được ở đời, kinh nghiệm chúng ta ở đâu? Ở miệng!

Nên ta thường bảo là, hỏi đường thì phải hỏi người già, hỏi kinh nghiệm thì hỏi người già – “hỏi” mà. Tất cả đều đến từ miệng, bởi vì họ chứa ở trong miệng hết, “Đường ở miệng.” Những câu này nghe có vẻ chỉ như một câu hình tượng, nhưng nó chính là hiểu biết của người cổ xưa về chuyện suy nghĩ của chúng ta thật sự nằm ở đâu. Nó không nằm ở trong đại não, bởi vì đại não của chúng ta chỉ là một cơ quan xử lí thông tin, một bộ máy xử lí. Nhưng “người” đưa tin và “người” lưu trữ bộ máy sưu tập thông tin, bộ máy xử lí thông tin, nằm tất cả ở miệng.

Miệng là một bộ não nằm giữa thân thể, một khoảng không nằm trong thân. Bởi vì thân thể là hữu đúng không? Nhưng chỉ có cái miệng này là vô. Nguyên tắc là thế, và cái vô bao giờ cũng chứa nhiều hơn cái hữu.

Chúng ta thấy một chuyện lạ thế này. Miệng chúng ta thì không to lắm, nhưng nó là quả bóng khí lớn nhất thân thể. Miệng của chúng ta không to, nhưng khi chúng ta nuốt một cái đùi gà vào trong miệng, có khi còn vừa miệng mình. Một anh chàng có thể cho cả một cái đùi gà vào trong miệng, rút ra chỉ còn cái xương. Nói thế để thấy, cái miệng có thể đột ngột thay đổi thể tích.

Thứ duy nhất sánh được với cái miệng của người đàn ông, chỉ có tử cung của người đàn bà – trong giai đoạn nó to lên để chứa một sinh mạng ở trong đấy, cũng có nghĩa là chứa thêm một cái miệng ở trong đấy. Nên miệng có vai trò rất lớn. Nhà có thêm một người tức là “có thêm một miệng ăn.” Trong thời cổ, chúng ta rất chú trọng đến cái ăn và cái miệng. Đây là một tri thức cổ, miệng cực kỳ quan trọng, đấy là phần vô thực sự trong cơ thể chúng ta. Phần vô này chứa nhiều hơn phần hữu, vì bạn biết đấy, vô là khoảng không, còn hữu là cái có. Miệng của chúng ta chứa toàn bộ thân thể của chúng ta theo đúng quan niệm đấy, cái vô chứa được cái hữu. Thân thể đều có ở trong cái miệng này.

Nói chơi vậy, chứ nói thật mới quan trọng này:

Luyện miệng rất quan trọng.

Chúng ta phải có cách luyện rất hợp lí.

BÀI LUYỆN THỨ NHẤT: HÁ MIỆNG TO TRONG 10 PHÚT MỖI NGÀY

Tiếng đàn của vũ trụ vang lên trong một khoang nhỏ

Chuyện này nghe buồn cười đúng không? Nghe thì rất dễ, há miệng to trong 10 phút có là gì cơ chứ!? Nhưng thực ra nó cực kỳ khó, bởi vì khoảng không của chúng ta phải đóng mở liên tục thì mới có sinh khí. Người ngồi văn phòng ấy mà, cả ngày không nói câu nào, cứ tập trung vào máy tính thì rất không ổn. Khi cái miệng của bạn im không nói, suy nghĩ bắt đầu trở nên tâm thần, hỗn loạn.

Để cho người ta cứ ngồi im im như thế không được đâu, người ta phải nói cái gì đấy. Thậm chí là giữa chừng người ta phải nghe, phải đáp lại cái gì đấy, phải cười hô hố thì tinh thần mới trở lại bình thường một tí được. Nếu không, chỉ ngồi im lặng thì không được, bởi vì cái nhịp của miệng là giao tiếp giữa thể khí bên ngoài với bên trong, giữa tiếng đàn của Vũ trụ với tiếng đàn của thân thể. Nên cái miệng ấy phải phát ra tiếng!

Nên người ta hay có một trạng thái, tự con người không có ý thức đâu, nhưng người ta cứ nói là, “Mày phải nói gì đi chứ!” Người ta thấy là không nói giống như không sống, có lí do của nó đấy.

Cho dù như thế thì mở miệng liên tục trong 10 phút hóa ra không hề dễ. Bạn thử ngồi há miệng ra trong khoảng một phút mà xem, cứ há miệng to ra, khoảng một phút bắt đầu mệt rồi.

Bạn có thấy mệt không? Bình thường phải luyện 10 phút. Há to hết cỡ mà ngồi thẳng thắn, ngồi đúng như ngồi thiền. Bạn có thấy nó không dễ dàng không?

Tất nhiên, bài luyện này chúng ta không chỉ luyện khi ngồi. Có bốn tư thế để luyện. Quá trình này đều luyện với đi-đứng-nằm-ngồi. Chúng ta đi, chẳng hạn đi đi lại lại trong căn phòng cũng được, và mở miệng ra. Ngồi yên mở miệng đã mệt rồi đúng không? Thực ra mở miệng khá mệt đấy, khô họng rất nhanh, kể cả khi bạn đang ở nơi có đông người, miệng đã chủ động tiết ra nước bọt để chuẩn bị nói (chúng ta thấy người khác là miệng tự động tiết ra nước bọt).

Bạn vẫn thấy đấy, người ta cứ nói là thấy một cô gái đi qua, những người nam dục tính mạnh bắt đầu “liếm mép,” bởi vì về nguyên tắc là cái miệng chuẩn bị tiết nước bọt để nói những câu như “Em ơi xinh thế!” Nên người nào mà nói “Em ơi xinh thế!” thì không thấy khô miệng; nhưng người nào không nói câu đấy thì thấy miệng cứ nghèn nghẹn lên, và họ rất muốn làm chuyện gì đấy khác.

Há miệng trong một phút, bạn hãy thử xem, bạn sẽ thấy chỉ một phút cũng đủ mệt rồi. Há miệng này có tác dụng gì? Cơ miệng rất đặc biệt. Chúng ta phải há to, há hẳn ra, há hết cỡ. Miệng to hẳn ra và chúng ta ngửa mặt lên trời. Tất cả những lúc chúng ta đi đi lại lại lẫn lúc chúng ta ngồi, chúng ta nằm, chúng ta đứng, đi-đứng-nằm-ngồi, chúng ta luyện đúng bốn bước như thế là điều rất quan trọng. Bởi vì miệng kết nối với thân thể, nên chúng ta phải trải qua đúng bốn bước như thế.

  • Đi 5 phút
  • Đứng 5 phút
  • Nằm 5 phút
  • Ngồi 5 phút

Bạn cứ chia ra. Cứ khoảng năm phút đi, năm phút đứng, năm phút nằm, năm phút ngồi, chúng ta phải luyện khoảng 20 phút một ngày. Nó sẽ rất mệt cho chúng ta. Nếu luyện được liên tục trong 20 phút như thế là rất thành công, ta luyện được cái miệng mà “tiếng nói có thể kết nối với vạn vật.”

Bởi vì trò luyện này giúp cho miệng có một năng lực thế này: Khi chúng ta nói thì mọi đồ vật, mọi thứ đều rung động theo nhịp của mình. Cái há miệng này dùng để mở trường khí của chúng ta với mọi thứ. Nó rất hao tổn sinh lực, nhưng lại rất cần thiết trong quá trình chúng ta luyện giọng của mình. Trừ những người đã trốn vào rừng sâu núi thẳm, xa lánh con người, họ không có nhu cầu mở miệng, họ hoàn toàn tịch miệng rồi, thì miệng của họ không mở bao giờ nữa. Đánh chết họ, họ cũng không nói gì. Mà sao họ lại chán ghét con người đến thế nhỉ? Tôi thì không làm được thế.

Khi chúng ta thực hành há miệng, chúng ta đang dùng một phương pháp, là dùng cái miệng này kết nối với vạn vật. Đấy chính là lúc mà suy nghĩ của chúng ta đạt đến độ thuần nhất nhất.

            Bạn nghĩ rằng khi nói là lúc tâm ý tạp loạn, đấy chỉ là suy nghĩ của người thường. Còn lại, chúng ta biết rằng khi luyện được miệng xong, lúc nói là lúc chúng ta tỉnh táo nhất.

Khi chúng ta thuyết phục một ai đấy thì chúng ta tỉnh táo nhất, và chúng ta nghĩ được rất nhiều chuyện, bởi vì miệng là một bộ não. Nó là phần không của bộ não, phần vô của một thân thể hữu. Và gì nữa? Tiếng của chúng ta kết nối vạn vật, thì đấy là đạt đến trạng thái Thiền và sáng suốt nhất. Cho nên, nói chính là đang Thiền. Chứ Thiền không phải chỉ là ngồi im, ngồi yên, an và định một chỗ. Định cũng không phải là khẩu không nói gì, mà chính là khi chúng ta đang nói, kết nối với vạn vật, sự giao chuyển của vạn vật với nhau, tiếng giao hòa giữa vạn sự vạn vật, đó chính là đang đạt đến độ thiền định nhất.

Khi bạn há miệng rất to, toàn bộ cơ miệng há, toàn bộ cơ hàm há, thì tất cả các khoảng không trong cơ thể sẽ thay đổi. Lồng ngực chúng ta sẽ thay đổi.

Đừng ngạc nhiên khi những người phụ nữ ngực to một chút thì giọng nói có thể rất vang, tức là cơ miệng rất lớn. Hay bạn thấy là, miệng một anh nọ rất rộng, miệng rộng liên quan đến ngực rất nở, hai tướng này đi liền với nhau. Ngực nở mà miệng bé thì người này hơi phản tướng, tướng đấy có thể hơi rơi vào trạng thái tâm thần, nó hơi hơi bất thường một chút.

Khi chúng ta mở miệng rất rộng, ngực rất to, và ngực mở rộng dần ra, lồng ngực của chúng ta sẽ bắt đầu mở rộng, thêm sức co bóp, phổi bắt đầu khỏe mạnh hơn, và miệng bắt đầu rèn luyện. Trong quá trình luyện thì rất mệt, bởi vì khi chúng ta há miệng là toàn bộ năng lượng của thân thể tập trung ở miệng. Nên khi há to ra rồi ngậm miệng lại, bạn cảm thấy hơi mệt một chút. Một chút thoáng mệt, vì thân thể dồn hết năng lượng vào đấy rồi, chúng ta không xài thì tự động nó tiêu đi. Nhưng năng lượng này không tiêu mất đi, mà nó thấm đẫm vào toàn bộ cấu trúc  của chúng ta, từ miệng há to, đến cổ, cho đến lồng ngực, cho đến vào trong khoang phổi.

Nên mỗi ngày chúng ta luyện đi-đứng-nằm-ngồi như thế, nhất là quá trình đi, đi vòng vòng gọi là đi nhiễu. Tự định một vòng tròn, ví dụ trong một căn phòng, chúng ta đi xung quanh một điểm trong vòng tròn trong căn phòng này; hay là khi chúng ta ngồi định một chỗ, nhìn vào một điểm, há miệng to ra như thế.

Tất nhiên, quá trình này bạn nhớ luyện kín đáo một chút, để tránh người xung quanh hiểu lầm. Thường người ta luyện trước khi đi ngủ, tắt đèn rồi bắt đầu mới luyện những điều này.

Nếu người nào không có điều kiện, thì họ vẫn có thể luyện theo cách đấy là chỉ áp dụng với một quá trình trong đi-đứng-nằm-ngồi thôi, kéo dài 10 phút quá trình đó. Ví dụ họ chỉ luyện thiền, tức là ngồi, sau đó há miệng ra thật to, cố gắng ngước lên hẳn. Bởi vì lúc ngước lên, toàn bộ từ bên dưới lồng ngực thông suốt với thân thể. Bạn tưởng tượng, bình thường khi chúng ta cúi miệng xuống là chúng ta đóng mạch lại, giống như gạt cần xuống; còn khi chúng ta ngửa lên một chút là toàn bộ ngửa lên trên.

Nên người xưa vẫn có trạng thái lúc người ta nói đến cao trào, bao giờ mặt cũng hất lên trời, đấy là chuyện rất bình thường. Chứ còn theo kiểu hiện đại là đến cao trào mặt vẫn cúi xuống hỏi người nghe, thì những người đấy đa phần là người gian tà. Về căn bản là người ta nói một hồi, đúng như sự thống soát của thân thể diễn ra bình thường là mặt người ta hơi ngửa lên một chút. Điều đấy rất rõ.

Có cả một Vũ trụ trong miệng tôi đấy!

Khi chúng ta luyện với tư thế ngồi, chúng ta nhớ phải ngồi thẳng. Đa phần chúng ta chỉ luyện được ngồi, còn ít khi luyện được đi-đứng-nằm, bởi vì lúc nằm há miệng thì rất mỏi, và sẽ có nguy cơ là một phần thần kinh của chúng ta rất đau. Đấy là một quá trình luyện cao hơn một chút. Nhưng nó rất khó, chúng ta phải cẩn thận. Chưa chắc chúng ta sẵn sàng luyện mức nằm, nên có thể luyện mức cơ bản nhất là ngồi. Chúng ta ngồi thẳng, lưng thẳng, ngực thu, rồi ngửa cổ lên thật cao, ngửa hẳn mặt hướng lên trời, rồi chúng ta há to. Lúc đấy miệng há to nhất. Kết cấu thân thể đã định sẵn như thế, khi cái cần gạt được mở lên, thì miệng chúng ta há to nhất. Đến lúc đó, chúng ta vô cùng mệt

Mười phút liên tục như thế, và sẽ có một chuyện này. Trong 10 phút há to miệng đấy, chúng ta hãy cảm nhận là toàn bộ lồng ngực, miệng, với tất cả những không gian xung quanh như được kết nối làm một. Trong lúc đấy, thân thể chúng ta, cái hít thở của chúng ta sẽ đạt đến một trạng thái cao nhất. Toàn bộ hơi thở, kể cả mũi, kể cả miệng, kể cả thân thể – hô hấp đến trạng thái lớn nhất, và nó chuẩn bị cho những tiếng nói lớn nhất.

Khi chúng ta mở miệng ra lớn nhất thì một luồng hơi của không gian xung quanh sẽ chui vào miệng. Nghe có ghê không? Đạo gia gọi đó là Khí Trời, tức là khí từ trên trời, giáng xuống. Quả thật nó sẽ từ bên trên giáng xuống, chúng ta mở miệng ra sẽ hình thành một trường. Bình thường, khi một người đã luyện được miệng như thế, trong 100 ngày người ta luyện hơi thở bằng sự mở miệng, dần dần sẽ hình thành một trường xung quanh người ta. Khi đó người ta nói cũng giống như đánh một cái chuông.

Bởi vì tôi đã luyện qua rồi, tôi chỉ cần quán một ý nghĩ là đang mở miệng như thế, tức là thân thể đã ghi nhận trạng thái đấy rồi, và lập tức có thể phát ra một giọng rất to, đến mức giọng nói có thể đạt đến tiếng giống như sư tử gầm. Giọng có thể cao hơn nữa, cao hơn nữa. Riêng ở điểm này nên nói thêm một chút là, tại sao lại bảo rằng thân thể đã ghi nhớ? Vì đúng là hệ thần kinh giúp thân thể ghi nhớ mọi hoạt động tiêu tốn năng lượng của chúng ta. Cho nên, càng lao động vất vả, thì tay nghề và năng lực chuyên môn càng được nâng lên cao. Biết thế rồi thì bạn đừng có mà lười biếng nhé!

Thậm chí chúng ta có thể liên kết với các giọng khác nhau. Lúc đe dọa thì ta có thể nói: “Ta không thể tin được người dám cù ta!” Bạn có thể không dùng một giọng dữ tợn, nhưng giọng ấy vẫn sẽ tác động đến nhịp tim của người khác. Bởi vì toàn bộ thân thể, lúc ta đã dùng đến cái giọng đấy rồi, sau quá trình đã luyện được bài 10 phút mở miệng này rồi thì giọng của chúng ta là liên kết với toàn bộ mạch âm của thân thể (Mạch âm của thân thể kéo dài từ dưới bụng đi qua rốn, lên đến ngực, phổi và đi qua đến miệng). Lời nói của chúng ta sau khi luyện được bài này phát ra sức mạnh của Thiên Địa rồi.

Muốn sử dụng chất giọng đó thì chúng ta thường quán một niệm là đang mở miệng. Trong đầu chỉ cần nghĩ một niệm là Thân Thể Khí từ bên dưới lên bên trên đang nối liền với miệng, miệng mở to, thì giọng nói của chúng ta đại phát và nó khiến những người xung quanh chịu áp lực rất lớn. Bởi vì đấy là giọng nói của Thiên Địa tinh hoa, nó sẽ khiến tà tâm tà ý của người ta phải lùi bước – tiếng nói như sấm sét!

Trong lúc luyện này lưu ý với bạn là họng sẽ rất khô, ngực sẽ rất mỏi. Nhưng yêu cầu là luyện xong, họng khô đến đâu cũng không được uống nước, ít nhất là trong 1-2 tiếng sau (thường là một canh giờ, tức là hai tiếng sau không được uống nước).

Tại sao luyện xong lại không nên uống nước?

Không nên uống nước bởi vì chính nhờ đó sẽ luyện cho thân thể có thể phát tiết được năng lượng đấy. Trong một canh giờ, tức là trong hai tiếng đồng hồ thôi, đừng uống nước. Người ta sau khi tiêu tốn một lượng năng lượng lớn sẽ có nhu cầu uống nước, do các cơ chế thân thể cần nước để trung hòa nhiệt, gia tăng trao đổi chất và gia tăng sử dụng các loại dịch, hormone và enzyme. Người ta mà uống nước ngay, thì thân thể khi đang vận hành cao độ sẽ hơi sốc và không đảm bảo được sự ghi nhớ cách tiêu xài năng lượng nữa, việc luyện miệng theo đó sẽ khó khăn hơn. Nhịn nước một tí thôi, để thân thể quen hẳn với sự tiêu xài năng lượng cũng như sự cân bằng và tái tạo năng lượng.

Dĩ nhiên, sau 1-2 tiếng đó vẫn phải uống nước để bù lại một chút lượng nước ấy. Tất nhiên, có những người to béo thì tích một lượng nước rất lớn, nên rất khát nước thì cũng có thể không cần uống nước vội, vì thân thể vẫn còn thừa.

Không uống nước sau khi luyện, nên trước khi luyện, bạn nên uống nước. Bởi vì lúc há miệng này, có một điều kỳ diệu diễn ra. Đây chính là điều vừa nói đến, chúng ta thật sự đi đến điểm thân thể phát tiết đến mức tối đa khi ta cố gắng mở miệng ra hết cỡ. Toàn bộ nước của thân thể bốc hơi rất nhanh thông qua việc ta mở miệng ra như thế. Bạn mở miệng xong, bạn có cảm nhận được không? Nước bốc hơi cực kỳ nhanh, họng chúng ta rất khô và chúng ta cảm giác hơi mệt một chút rồi. Nếu chúng ta cố gắng mở miệng thật to thì lượng hơi nước bốc hơi của chúng ta sẽ rất nhiều, nhiều hơn mức chúng ta tưởng tượng nhiều. Bạn hiểu điều này không?

Lúc chúng ta há miệng, thân thể đến một trạng thái gần như kiệt quệ. Vì sự “tiêu tiền” – tiêu năng lượng thân thể ở đây quá lớn. Nhưng chúng ta phải dùng “tiền” này mỗi ngày để có thể sản sinh ra một luồng năng lượng mạnh mẽ đi từ dưới lên. Bởi vì trong phong thủy cũng thế, trong cả Mật thừa cũng thế, tiếng chuông đại diện cho tiếng dương, còn tiếng trống đại diện cho tiếng âm. Tiếng trống – đại diện cho tiếng sấm – là tiếng âm khí của cơ thể. Nó phát ra, thì khi giọng nói ấy chúng ta phát ra, nó như tiếng sấm, nó tác động đến tâm can, đến thể khí của người ta. Nó khiến người nào có ác ý, ác tâm nghe thấy giọng chúng ta thì rất sợ hãi, và giúp người thiện lành nghe thấy giọng chúng ta thì thấy ấm áp (khác biệt như thế đấy!).

Trong quá trình này, chúng ta sẽ thấy rất khô miệng. Một số người thậm chí sẽ thấy ngực đau rát, nhất là những người mà kết cấu thân thể không được khỏe mạnh, những người kết cấu thân thể chưa ổn định, giọng nói hoặc khí âm còn đang hỗn loạn.

Nếu bạn có thể có 10 phút luyện hoặc 20 phút luyện, tức là chia năm phút ra mỗi chặng, thì đấy là những việc rất tốt.

Nếu bạn chưa rõ cách thức nằm thì tư thế nằm là thế này: Nằm như Phật nằm, lưng thẳng, đầu hơi chúi một chút, nằm nghiêng bên phải. Lúc nằm thì đầu lại hơi ngửa một chút (nên nhớ rằng, bạn đang nằm, nên ngửa ở đây là ngửa nghiêng – hướng về bên trái, lên phía trần nhà, vì đang gối lên tay phải), há miệng cố gắng hết sức. Lúc ấy sẽ rất đau thần kinh.

Đừng ngạc nhiên nhé, luyện miệng này chính là một dạng luyện tư duy, luyện trí não. Đơn giản thế này, những người luyện thuật hùng biện ngày xưa, đạt đến trình độ hùng biện thì đầu óc người ta cũng là tốt nhất. Và như thế, người ta luyện miệng. Có rất nhiều cách luyện miệng khác nhau. Người xưa ý thức được là rõ ràng có rất nhiều cách để luyện miệng. Người càng luyện cái miệng này, theo hướng luyện “sức khỏe” của miệng, thì đấy đều là người rất khác biệt, đều là người có một tư duy rất sắc bén.

Nếu bạn luyện đủ đi-đứng-nằm-ngồi thì tổng một ngày là 20 phút luyện, chia ra năm phút mỗi phần. Luyện 100 ngày như thế.

Còn một chuyện nhỏ nữa ở đây. Có hai thời kỳ luyện miệng. Bình thường chúng ta nên luyện vào buổi tối, để không ai quan sát, nhưng luyện đúng nhất là như thế nào? Luyện đúng nhất là luyện giữa trời nắng. Bởi vì lúc ta luyện miệng là lúc chúng ta mở toàn bộ thân thể, và miệng há to này dùng để giao tiếp với khí tinh hoa. Nên khi chúng ta ngồi thiền chẳng hạn, chúng ta ngồi giữa trời nắng chiếu trên đầu, chúng ta há miệng ra. Đấy là lúc hơi nước của chúng ta bốc lên, tức là khí âm bị khí dương triệu hồi.

Chúng ta hãy nghĩ về Đạo gia một chút ở điểm này

Ta thường nhìn nhận rằng nắng, nóng thì thân thể bốc hơi nước để điều hòa nhiệt độ. Đấy là nhìn từ góc độ bình thường. Các bậc thầy Đạo gia nhìn từ góc độ Âm Dương thì sao? Khi có Khí Trời – Dương khí rất mạnh mẽ, thì Âm khí trong thân thể cũng nổi lên để kết nối với nhau thành một vật chất mà bạn có thể gọi là thái cực. Bạn nghe “thái cực” có thấy khó hiểu? Thực chất nó chính là hơi nước của chúng ta bay lòng vòng, tỏa thành một luồng hơi lạnh nhỏ nhỏ xung quanh ta – có thể tạm hiểu như thế. Ta thường thấy một cảnh quen thuộc thế này: Đặt tay vào những người đang chảy mồ hôi thì ta thấy rất mát, còn họ sẽ thấy tay ta rất nóng. Bởi vì họ đang tỏa nhiệt, hay theo cách lí giải của các bậc thầy Đạo gia mà bạn vừa nghe đến, thì họ đang tỏa những thái cực Âm khí để kết nối với Dương khí. Thái cực này rất tự tại, nên chạm vào da họ sẽ thấy mát lạnh lúc trời nóng.

Trời nóng là thời điểm luyện lí tưởng nhất, nên ngày xưa người ta thường chọn những đỉnh núi để luyện công là vì thế – dễ tiếp thu Khí Trời tinh hoa. Giữa trời nắng, người ta ngửa mặt lên, ánh Mặt trời chiếu vào thân thể họ, rồi họ ngửa họng lên, họ há miệng to như thế. Lúc đó toàn bộ Thân Thể Khí của họ hòa nhập với Dương khí. Dương khí này sẽ luôn luôn kết nối với miệng của họ. Luồng ánh nắng đấy sẽ luôn luôn ở trên miệng bạn, cứ nói ra là tỏa nắng. Đấy là một thái cực, giọng nói rất mát lành và cũng rất dữ dội, tiếng nói có thể như sấm sét, có thể như suối chảy (Tất nhiên là không ai bị biến thành giọng nói như chim líu lo đâu!).

Nếu bạn thắc mắc rằng luyện 20 phút có cần liền nhau không thì hãy biết rằng, bạn có thể tách quãng luyện ra, chỉ cần đừng xa nhau quá. Bởi vì nếu luyện tách ra thì chúng ta rất khó duy trì việc luyện, nên tốt nhất là luyện bài này trong một khoảng thời gian nào đấy. Ví dụ, trong một tiếng nhất định (quy định thời gian cụ thể), năm phút chúng ta đi, rồi nghỉ một lúc, chúng ta lại đứng năm phút, đủ 10 phút trong vòng một tiếng đấy, và chỉ trong một khung giờ ấy thôi. Đấy là để chúng ta đóng kín mình lại trong một khung giờ, nó tạo thành một kỷ luật.

Bài luyện há miệng này luyện trong một thời khắc ở trong ngày thôi, và mục đích của nó là kết nối với Khí Trời (tôi dùng từ này nghe cho oai), dù là đêm hay là ngày

Lí tưởng nhất là chọn được ban ngày, còn nếu không chúng ta vẫn có thể lựa chọn ban đêm. Bởi vì ban đêm thì Khí Trời vẫn mạnh, nhưng nó không thể mạnh như ban ngày được. Đương nhiên rồi, ban ngày có ánh dương quang, có ánh nắng, có sự rực rỡ của Mặt trời, rất khác. Nói theo kiểu vật lí bạn có thể sẽ dễ chấp nhận hơn: Không khí ban ngày có sức lan tỏa hơn, vì năng lượng Mặt trời làm áp suất và các phân tử khí di chuyển ở mức căng và áp lực hơn ban đêm. Vì thế luyện há miệng ban ngày hẳn là lợi ích hơn ban đêm rồi.

Ngày xưa, một bậc thầy thuyết giảng phải thuyết giảng trước đám đông, có điều họ không bao giờ thuyết giảng trong một hội-trường. Thường là họ thuyết giảng ở trên một quảng-trường, tức là trên một vùng rất rực rỡ, đầy ánh nắng. Và họ càng nói, họ càng mở miệng lớn, họ cố gắng mở miệng lớn hết cỡ thì họ càng tiếp thu thêm một phần Khí Trời, và họ cứ nâng cao mình theo ngày theo tháng.

Tất cả những người thuyết giảng ấy đều thuyết giảng ở nơi không có một mái cây nào che. Ánh nắng lập tức xuyên suốt vào thân thể họ, họ hòa nhập với Khí Trời-Đất trong khoảnh khắc ấy, và họ đem tinh hoa thân thể để phát tiết ra, những lời nói của họ trở nên vô cùng trân quý.

Hoặc nói một cách gần gũi hơn, hãy luyện đi, bạn sẽ thấy mỗi lần cất tiếng, miệng bạn hòa nhập với không gian, lồng ngực mở rộng và tiếng nói như những tiếng chuông ngân vang khắp những không gian. Cái cảm giác lồng lộng và tuyệt vời của những bậc thầy diễn giảng đứng trước đám đông, mà mỗi lời nói đơn giản nhất vẫn uy lực nhất – cái cảm giác đó thật tuyệt đẹp, thật phi thường.

Và nếu vẫn còn phải nói với đời này, tại sao bạn không thử luyện xem? Đơn giản lắm, chẳng khó khăn gì, chẳng kỳ bí đáng sợ gì, mà vô cùng kỳ diệu!

***

CẤT TIẾNG NHƯ SẤM TỪNG LỜI CHẤN TÂM | OOPSY>


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147