Trang chủ Blog Sống khỏe

Lúc Nào Cũng Buông Mình Theo Dòng Suy Nghĩ, Làm Sao Để Cải Thiện Khả Năng Tập Trung Đây?

By: OopsyAdmin, 2019-12-12 14:53:48

Bạn thân mến,

Suy nghĩ là một dòng chảy. Có người ví, suy nghĩ giống như nước, len lỏi, tuôn trào, không dừng lại - Đi gần sông nước, suy nghĩ của người ta đang bế tắc liền trở nên liền lạc hơn. Điều này rất hữu lý, liên quan đến sự tương ứng giữa thân thể con người và trời đất. Dòng chảy liền lạc của suy nghĩ, do vậy, là một thứ tự nhiên thuộc về người ta.

Tuy thế, giữa cuộc sống ngổn ngang sự kiện, ngày ngày tiếp xúc với quá nhiều thứ hỗn độn, trải qua đủ cung bậc cảm xúc, bản thân không còn thấy dòng chảy suy nghĩ là điều gì quen thuộc nữa. Tâm trí bị phân mảnh, mỗi mảnh đặt vào một chuyện khác nhau, cùng lúc không thật sự chú tâm cho điều gì cả. Bạn biết thứ ta nhận lại khi để tâm trí bị phân mảnh như thế là gì không? Một đời sống vặt vãnh. Tâm trạng bạn gần hơn với những điều tủn mủn, ám ảnh với mỗi sự nhỏ bé nhất. Tương lai chỉ là những mong cầu qua ngày đoạn tháng, và không bao giờ duy trì nổi ý chí hướng đến được những gì xa dài lớn lao hơn.

Cái lớn lao xa dài, nói nghe oai, đôi khi lại được tạo lập từ điều đơn giản nhất. Giống như Lão Tử dạy “Một nghìn dặm bắt đầu từ một bước chân” vậy. Cho nên, bạn thân mến, đừng vội buông lơi đời mình, hãy bắt đầu thay đổi bằng một cách giản dị: Cải thiện khả năng tập trung.

Để làm được thế, chỉ cần ghi nhớ “khẩu quyết” này:

ĐANG LÀM VIỆC GÌ, LÀM CHO XONG ĐI.

Thế thôi đấy!

Nếu có thể làm như vậy, bạn sẽ thấy mình xuất hiện những thay đổi lớn.
Và để làm cho rốt ráo, có vài sự thật bạn cần nắm được:

- Não luôn sản xuất một năng lượng mỗi khi bạn làm việc gì đấy, chỉ một ý nghĩ nhỏ nhoi cũng có thể tốn của hệ thần kinh rất nhiều công sức và tế bào để vận hành. Điều quan trọng là, những năng lượng bỏ ra ấy sẽ vận hóa như một dòng chảy liền lạc (đúng rồi, dòng chảy này liên quan đến dòng chảy suy nghĩ của chúng ta), khi một sự khác bất kì chen ngang, cũng sẽ khiến dòng chảy ấy không bao giờ liền lạc lại như thế nữa. Ví dụ, bạn và những người khác đang trao đổi về một vấn đề. Bỗng có một người lên tiếng, bảo mọi người uống nước đi. Lập tức chúng ta không bao giờ có thể tập trung lại vào vấn đề đang nói như trước nữa. Dù cho chúng ta có tiếp tục bàn và tưởng như là mình vẫn đang rất chú tâm.

- Cũng giống thế, khi đang làm dở việc gì, bạn chợt nhớ ra cần check facebook chẳng hạn, hoặc trả lời một tin nhắn, rồi quay lại làm tiếp, lúc này dòng năng lượng tâm trí cho việc ấy không bao giờ liền lạc được nữa. Ví dụ bạn sẽ thấy đầu óc lãng ra, hoặc tự nhiên mất động lực làm tiếp. Đấy là phản ứng xảy ra khi dòng chảy suy nghĩ bị chặn đứng.

- Chú tâm vào một việc sẽ giúp mọi tâm cảm nặng nề tan đi. Khi ấy gần như toàn bộ hệ thống thần kinh đều dồn sức để hoàn thiện việc đó, nó kiến tạo nên một khoảng thời gian-không gian mà ở đấy thân tâm trí trải nghiệm trạng thái đồng nhất lẫn nhau. Cho nên mới nói, người càng chú tâm làm việc, càng dễ cảm thấy hạnh phúc, bởi hạnh phúc chính là một dạng khác của trạng thái điều hòa, cân bằng.

Tất nhiên, sẽ có rất nhiều điều khiến chúng ta xao lãng, hoặc chúng ta cho rằng sự tập trung này nghe thì hay, nhưng đến lúc làm một hồi thì lại nản, lại nghĩ “có cũng được, mà không có cũng được, lướt web cái đã”. Bạn thân mến, cuộc đời rất công bằng, Hạnh Phúc cần bạn cống hiến cho nó. Cho nên cảm giác ngại mệt ban đầu (và cả trong quá trình) khi chúng ta muốn chú tâm làm việc gì đó sẽ xuất sinh, thế nhưng chỉ cần bỏ qua nó và làm tiếp thôi, bạn sẽ lập tức thấy một năng lượng của bình yên và vững mạnh tràn vào tâm trí, nó rất đáng giá đấy.



 

Tặng bạn 2 tip quan trọng nhé:

• Ghi ra to do list trước khi bắt tay làm việc, bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian cho việc ấy?

(Nếu là việc lớn và cần nhiều thời gian, hãy đặt cho mình deadline. Tính xem mỗi ngày cần làm khối lượng công việc là bao nhiêu, mất bao nhiêu thời gian mỗi ngày để hoàn thành đúng tiến độ.)

• Bắt tay vào làm: Làm cho xong một phần, rồi mới chuyển sang phần khác. Ví dụ to-do list có những việc thế này:

 Viết assignment – 1 tiếng
 Đọc sách – 20 phút
 Nấu cơm – 40 phút
 Đi bộ - 15 phút
 Trong 1 tiếng làm assignment ấy, đừng dừng lại để làm việc khác (nếu việc khác ấy không khẩn cấp). Bạn sẽ ngạc nhiên với khối lượng công việc mà mình hoàn thành được trong 1 tiếng ấy đấy.
 Làm tương tự thế với những việc tiếp theo.

Rất đơn giản, đúng không?

Có một cách quản lý công việc bậc thầy nữa mà chắc chắn bạn sẽ cần nếu bạn là một nhân viên văn phòng, hướng dẫn bạn làm chủ đời sống từ một công cụ đơn giản nhất: Checklist. Hãy tham khảo cách thức ấy ở bài viết: Kỷ luật và lịch làm việc – cuốn “Hôm ấy, chúng ta đã cùng nhìn qua ô cửa sổ và mỉm cười” của tác giả Hạo Thái nhé.

Chúc bạn một tuần mới chuyên tâm và nhiều niềm vui!

Ryu Vội Vã


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147