Trang chủ Blog Sống khỏe

Rèn Luyện Trí Thông Minh Giác Quan Qua Phương Pháp Hình Dung

By: OopsyAdmin, 2019-08-26 17:12:21

Ngụ ngôn thân thể

Có một câu chuyện ngụ ngôn thường được kể cho các bé là “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”. Chuyện kể rằng cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, cô Mắt và lão Miệng đang sống hòa thuận với nhau, bỗng một ngày cô Mắt “phát hiện” ra rằng ai cũng phải vất vả làm việc, riêng lão Miệng là nhàn hạ sung sướng, chỉ hưởng thụ.

Quá phấn khích với sự thật này, cô liền bày tỏ với Tay và Chân, đại ý rằng: “Tôi với mấy anh và bác Tai làm việc hộc bơ cả ngày, chỉ có thằng cha Miệng là ngồi chơi xơi nước, quá bất công, giờ kệ xừ lão ấy, để xem sống ra sao.” Tay và Chân nghe xong liền đồng tình, nhân tiện trên đường đến nhà lão Miệng còn lôi cả bác Tai vào cuộc. Cả bốn xồng xộc vào nhà lão Miệng bày tỏ quan điểm. Lão Miệng chưa hiểu đầu cua tai nheo gì với cái đám đang yên đang lành tự nhiên động rồ lên đòi đình công (chắc lão muốn thét lên: “Chẳng biết ai mới rửng mỡ” dù ngoài mặt kìm nén). Lão định dùng biện pháp hòa giải và bất thành. Chân Tay Tai Mắt dừng làm việc từ lúc đó. Lạ thay, từ lúc ngơi nghỉ, sức khỏe cả bốn đều suy sút yếu mệt: Chân mỏi, Tay tê, Mắt mờ, Tai ngãng.

Cả bốn họp nhau lại. Tai lúc này mới nhận ra rằng, đại ý: Bọn mình cứ nghĩ lão ấy không làm việc chỉ ăn, nhưng thực ra nhai cũng là làm việc rồi, lão ấy dừng ăn thì cả đám cũng lăn quay ra. Tất cả gật gù đồng tình, quyết định đến nhà Miệng nhờ lão làm việc lại. Đến nơi, tất cả thấy lão cũng đang gục. Cả đám chia làm hai nhóm, nhóm vực lão dậy, nhóm kiếm lương thực. Sau khi ăn, lão Miệng dần dần hồi phục. Cùng lúc, Tai Mắt Tay Chân cũng trở về trạng thái cũ, có khả năng lao động bình thường. Từ đó, họ sống thuận hòa bên nhau. Chấm hết!

Giác quan bắt tay: phương pháp hình dung

Mỗi câu chuyện ngụ ngôn đều mang nhiều bài học sâu sắc, bạn học được gì qua câu chuyện này?

Sống phải có quan điểm riêng, a dua chỉ tổ thiệt thân? Có quan điểm riêng mà quan điểm lệch lạc thì cũng thiệt thân, à nhầm, thiệt Miệng? Đừng nghe theo đám đàn bà nhiễu chuyện cho đời mỏi mệt (nhớ chứ, chỉ có riêng cô Miệng mang giới tính nữ)? Ai cũng có nhiệm vụ của mình, ở đời sống đừng GATO? (GATO = “ghen ăn tức ở” – Nhân tiện, năm giây cho quảng cáo: Viết tắt cũng là một cách ghi nhớ hữu hiệu sẽ được trình bày ở ngay mẹo sau).

Tất cả các ý nghĩa rút ra đều có thể có lí. Nếu thay lão Miệng bằng anh chàng giai trẻ TRÍ NHỚ, ta còn có một bài học hay hơn nhiều. Vì trí nhớ giúp mọi giác quan cũng như chân tay phối hợp được với nhau một cách hiệu quả. Và ngược lại, mọi giác quan cùng chân tay lại giúp trí nhớ được tăng cường, củng cố.

Tóm lại: Cần phối hợp các giác quan để ghi nhớ.

Tạo Hóa đâu ngẫu nhiên khi ban cho con người nhiều hơn một giác quan: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Con người được trao cho ngũ quan chẳng phải để hưởng thụ của ngon vật lạ trên đời, chúng được mang đến để họ góp sức vào Sự-sống, để xây dựng Cộng-đồng, và để Học-thành-tài. Muốn góp sức cho sự sống? Phải cống hiến. Muốn xây dựng cộng đồng? Phải Vô tư, Hòa Ái, Phẩm giá. Muốn học thành tài? Trước hết (và chưa phải sau cùng), cần ghi nhớ.

Hãy tận dụng các giác quan để ghi nhớ một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao. Phương pháp để dùng các giác quan trong ghi nhớ gọi là “hình dung”. Hình dung tức là bạn liên kết các thông tin với hình ảnh, âm thanh, màu sắc, mùi vị, cảm giác nóng lạnh…

Thử đọc một định nghĩa vật lí khó nhằn về ánh sáng:

Ánh sáng là từ phổ thông dùng để chỉ các bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ nhìn thấy được bằng mắt thường của con người (tức là từ khoảng 380 nm đến 700 nm).

Giống như mọi bức xạ điện từ, ánh sáng có thể được mô tả như những đợt sóng hạt chuyển động gọi là photon.

Ánh sáng do Mặt Trời tạo ra còn được gọi là ánh nắng (hay còn gọi là ánh sáng trắng bao gồm nhiều ánh sáng đơn sắc biến thiên liên tục từ đỏ đến tím); ánh sáng Mặt Trăng mà con người thấy được gọi là ánh trăng thực tế là ánh sáng do mặt trời chiếu tới Mặt Trăng phản xạ đi tới mắt người; do đèn tạo ra còn được gọi là ánh đèn; do các loài vật phát ra gọi là ánh sáng sinh học.

Ánh sáng có tốc độ rất nhanh, điều này dễ hiểu khi trời mưa, ta thấy cái chớp xong rồi một lúc mới nghe tiếng rầm.

Một người có trí nhớ kém hoặc chỉ biết học thuộc lòng thụ động sẽ liên tục tìm cách lẩm nhẩm đoạn định nghĩa này cho đến lúc phát ngán. Nhưng bạn hãy thử đúng những bước sau thử xem:

a. Hãy hình dung ra ánh sáng, một ánh sáng rợn ngợp làm bạn ngộp thở, rồi ánh sáng ấy lan tỏa trong không gian.

b. Đọc đến chữ “quang phổ”, hãy hình dung những dải màu sáng đa sắc, lan tỏa.

c. Giờ thì nhìn sâu hơn vào những dải màu đẹp mê mẩn này, thấy những gợn sóng nho nhỏ, những làn sóng rực rỡ, đó chính là các photon.

d. Nhìn về nguồn dải sáng đó, bạn thấy một mặt trời chói lọi với ánh nắng gay gắt như mùa hè với sức nóng và mùi oi ả.

e. Rồi bạn hình dung đến mặt trăng dịu hiền, mùi đồng quê thơm mát và tiếng sáo trong lành. Mặt trăng phản xạ ánh sáng của mặt trời rực rỡ và chiếu đến mắt người.

f. Hãy hình dung đến ánh sáng từ đèn pin trong một bóng tối đậm đặc, ẩm thấp, lạnh lẽo. Ánh sáng đó vụt chiếu đi, như một tia le lói. Có những loài vật phát ra ánh sáng. Bạn hãy hình dung đến một con cá có cái râu phát sáng, bơi trong làn nước biển vừa mát vừa tanh.

g. Rồi hình dung đến tia chớp, loáng lên trong mùi mưa và tiếng lách tách, sau đó là tiếng sấm đì đùng chấn động. Ánh sáng rất nhanh, nên ta thấy ánh chớp trước, rồi tiếng sấm sau.

Được rồi, giờ thì bạn thử đọc lại đoạn định nghĩa về ánh sáng xem. Hãy đọc lại đúng như những hình dung từ a-g, bạn sẽ thấy thông tin dễ nhớ hơn hẳn.

Bằng cách luyện phép hình dung, bạn đang chạm đến một trong những bản chất của sự sống: Đó là trải nghiệm. Những đầu óc quen với phương pháp hình dung thường sinh động hơn, tìm được cảm giác sống ở mọi thông tin, họ chỉ cần lắng nghe có thể thấu hiểu những cảm xúc của người khác. Nói cách khác, mọi thông tin đi vào họ đều nhấp nháy sắc màu chứ không chỉ mang màu xám như ở người thường. Họ có một trí tuệ xúc cảm (EQ) ngày càng cao, và luôn là chỗ dựa cho những người quanh họ.

Riêng về việc tại sao trí nhớ hình dung giúp họ trở thành một chỗ dựa, thì bạn có thể hiểu ngắn gọn thế này:

(i) Ai trong chúng ta cũng luôn có xu hướng tối ưu hóa tốc độ ghi và xuất thông tin bằng cách chỉ nghĩ, không hình dung.

Do đó, kí ức kém đi sinh động và trải nghiệm trở nên hời hợt.

(ii) Nếu có một ai đó giúp ta ghi nhớ những thông tin đó bằng sự sinh động của các giác quan, với những cảm nhận sâu, ta sẽ rất muốn lắng nghe họ và có họ ở bên. Ví dụ, bạn chỉ nhớ hôm chia tay người yêu, bạn đã rất buồn. Nhưng một người khác nhớ rằng đó là một ngày mưa ngộp thở, trời xám xịt và bạn đã khóc nấc lên, da bạn đỏ ửng và bạn thu người ngồi trong một góc quán nhỏ tăm tối – thế thì bạn sẽ muốn ngồi nói với người đó về ngày hôm đó mãi.

Nói chung, có được trí nhớ hình dung, bạn có một sức mạnh, một quyền năng ghê gớm đối với cuộc sống của chính mình, và cả cuộc sống của người khác.

Lưu ý

Để tận dụng các giác quan một cách tốt nhất trong việc ghi nhớ, hãy “nằm lòng” những chú ý sau:

• Dùng nhiều hơn một giác quan bằng mọi cách có thể. Khi dùng đến nhiều giác quan, thông tin được ghi nhận nhanh và tồn tại lâu hơn trong đầu (cũng như trong cả tai mắt mũi miệng da nữa).

• Có thể nhờ sự hỗ trợ của các công cụ bên ngoài. Ví dụ, ghi lại thông tin bằng các bút có màu, các giấy nhớ sặc sỡ. Thậm chí, bạn có thể ghi lại những việc quan trọng vào một cuốn sổ và xịt loại nước hoa bạn thích vào cuốn sổ đó, cứ thử mà xem. Có những chuyện bạn cần hồi tưởng? Hãy mang theo một máy nghe nhạc hoặc một file nhạc chỉ có tiếng mưa 3D (bạn search trên youtube nội dung 3d rain là ra cả đống). Khi nghe tiếng mưa, các chi tiết trong câu chuyện mà bạn muốn hồi tưởng sẽ nổi lên rất rõ.

• Một việc cụ thể hơn khi dùng công cụ hỗ trợ trí nhớ là: Chụp lại những gì cần ghi nhớ bằng máy ảnh, hoặc điện thoại, rồi đọc lại sau đó, trong khi hình dung lại bối cảnh chụp. Cách làm này mang lại hiệu quả rất lớn, bởi nó dựa vào sức mạnh của tư duy thị giác.

• Điều cuối cùng và quan trọng nhất đấy là, dù tận dụng các giác quan có thể tăng cường khả năng ghi nhớ một cách vượt trội, hãy nhớ đừng để bị lừa bởi những gì bạn nghe ngắm ngửi chạm nếm. Vì các giác quan ghi nhận mọi thứ một cách “rất chủ quan”. Có nhiều thứ nấp kín sau những gì bạn tiếp nhận, hãy dùng lí trí phân tích những gì bạn nhận thấy. Khi làm được, bạn đang: Tiến đến một lí trí lành mạnh và khỏe khoắn. Suy cho cùng, tất cả các giác quan được ban tặng để bạn sống, học hỏi, xây dựng cuộc đời. Đừng để những giác quan biến thành nhận thức của bạn. Ví dụ, đừng chỉ thấy món mướp đắng quá đắng rồi từ đó ghét bỏ. Đó là một vị thuốc quan trọng chữa vô số bệnh. Nhà khoa học tuyệt vời ở chỗ: Họ nhìn xuyên qua bản chất của thế gian, dùng mọi giác quan để phát hiện ra vấn đề và dùng lí trí để tìm tòi, nghiên cứu mọi thứ. Rất tuyệt đúng không?

Kết hợp giác quan, nâng cao trí nhớ:

Sử dụng cùng lúc các giác quan để nuôi lớn Trí Nhớ: Thính giác, Thị giác, Khứu giác, Vị giác, Xúc giác.

Lưu ý khi kết hợp các giác quan:

- Dùng càng nhiều càng tốt, và dùng không hết cũng chẳng sao.

- Hỗ trợ bằng các công cụ khác trong điều kiện cho phép.

- Sử dụng sức mạnh của hình dung.

- Hãy sâu sắc hơn giác quan, hãy thoát ra khỏi sự thôi miên của đời sống thường ngày.

(Trích sách Trở thành siêu nhân ghi nhớ - OOPSY)

______________________________________________

Tham khảo sách:

- Trở thành siêu nhân ghi nhớ

- Lật đổ ông vua trì hoãn

- Đánh thức chính mình viễn chinh số phận


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147